Shark pattern là biến thể động vật cuối cùng trong nhóm các mô hình giá Harmonic mà quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn. So với các Harmonic patterns khác thì mô hình Cá mập được phát triển ở thời điểm gần với hiện tại nhất, do vậy nó có một số điểm khác biệt hơn, nhưng không vì thế mà mất đi độ tin cậy và tiềm năng lợi nhuận lớn mà mô hình mang lại.
Trong bài viết lần này, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về đặc điểm nhận diện, các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình và cả chiến lược giao dịch hiệu quả nhất đối với Shark pattern. Cùng theo dõi nhé.
Mô hình Cá mập (Shark pattern) là gì?
Được Scott Carney phát triển vào năm 2011, mô hình Cá mập được xếp chung vào nhóm các Harmonic patterns cùng với các biến thể động vật khác như Butterfly, Bat hay Crab pattern và mô hình Cá mập cũng được giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn Harmonic Trading. Cũng theo Scott Carney, thực tế là ông đã phát hiện ra mô hình này từ trước đó, tuy nhiên phải mất thời gian khá lâu để điều chỉnh các thông số nhận diện của mô hình để hiệu quả giao dịch mà nó mang lại là cao nhất.
Mô hình Cá mập hình thành trong bối cảnh giai đoạn thị trường đang có xu hướng, mang cấu trúc đỉnh kép hoặc đáy kép.
Về ứng dụng, Shark pattern phù hợp với mọi loại thị trường tài chính, có thể được áp dụng trên nhiều loại tài sản khác nhau, giao dịch trên nhiều khung thời gian khác nhau. Tuy nhiên, để có độ tin cậy cao thì mô hình nên được giao dịch trên khung thời gian lớn, từ H1 trở lên.
Đặc điểm nhận diện và các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình
Đặc điểm nhận diện
Vẫn là cấu trúc chữ M với đỉnh sau cao hơn đỉnh trước hoặc chữ W với đáy sau thấp hơn đáy trước, cấu trúc này khiến mô hình Cá mập dễ bị nhầm lẫn với mô hình Cypher.
Thay vì mô hình được gắn nhãn bởi 5 điểm X-A-B-C-D như các Harmonic patterns khác thì Shark pattern được gắn nhãn bởi 0-X-A-B-C, tạo thành 4 đoạn sóng 0X, XA, AB và BC, tuân thủ một vài quy tắc sau:
- Đoạn sóng 0X bắt đầu mô hình, có thể tăng hoặc giảm
- XA ngược chiều 0X với điểm A không được vượt quá điểm 0
- AB cùng chiều 0X sao cho điểm B phải vượt quá điểm X
- Và cuối cùng là đoạn sóng BC, đoạn sóng kết thúc mô hình, ngược chiều 0X. Điều đặc biệt của Shark pattern đó là điểm C là điểm cuối cùng thay vì D như mọi khi và điểm cuối này có thể vượt quá hoặc không so với điểm bắt đầu của mô hình.
Các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình Cá mập
Khi mô hình Cá mập mang cấu trúc đỉnh kép hay 0X là đoạn sóng tăng thì ta có Bullish Shark pattern, ngược lại, khi mô hình Cá mập mang cấu trúc đáy kép hay 0X là đoạn sóng giảm thì ta có Bearish Shark pattern.
Mô hình Bullish Shark
- Bắt đầu bằng đoạn sóng tăng 0X và không có yêu cầu cụ thể nào dành cho đoạn sóng này.
- Sau đó giá điều giảm về A, đoạn sóng XA cũng không phải tuân thủ quy tắc về tỷ lệ Fibonacci nhưng cần đảm bảo điểm A không được vượt qua điểm 0
- Giá tăng lên lại tại B sao cho AB mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.13 đến 1.618 của XA
- Mô hình kết thúc bằng đoạn sóng giảm BC, sao cho BC mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.618 đến 2.24 của AB và thoái lui/mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 0.886 đền 1.13 của 0X
Mô hình Bearish Shark
- Bắt đầu bằng đoạn sóng giảm 0X và không có yêu cầu cụ thể nào dành cho đoạn sóng này.
- Sau đó giá điều tăng đến A, đoạn sóng XA cũng không phải tuân thủ quy tắc về tỷ lệ Fibonacci nhưng cần đảm bảo điểm A không được vượt qua điểm 0
- Giá giảm xuống lại tại B sao cho AB mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.13 đến 1.618 của XA
- Mô hình kết thúc bằng đoạn sóng tăng BC, sao cho BC mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.618 đến 2.24 của AB và thoái lui/mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 0.886 đền 1.13 của 0X
Có 2 điểm khiến cho mô hình Cá mập khác biệt hơn so với những Harmonic patterns khác mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được:
- Thứ nhất, đoạn sóng điều chỉnh đầu tiên (XA) không bắt buộc tuân theo quy tắc về tỷ lệ Fibonacci, nó có thể thoái lui đến một tỷ lệ bất kỳ, miễn sao nằm giữa đoạn sóng chính đầu tiên là mô hình hợp lệ.
- Thứ hai, đoạn sóng cuối cùng, quyết định tính hợp lệ của mô hình có thể thoái lui hoặc mở rộng so với chân sóng đầu tiên. Và điểm khác biệt này cũng dẫn tới một chiến lược giao dịch mới được áp dụng đối với mô hình Cá mập mà chúng ta sẽ được tìm hiểu ngay sau đây.
Mô hình bắt đầu với một đợt dao động giá hay một sóng chủ (sóng thuận xu hướng chính hay sóng động lực – impulsive wave) bình thường, theo sau là một làn sóng điều chỉnh. Sau đó, giá thử một sóng chủ khác nhưng đã bị dừng lại ngay sau khi vượt ra khỏi mức dao động cao nhất hoặc thấp nhất trước đó – tùy thuộc vào Bullish Shark hay Bearish Shark pattern. Những gì xảy ra tiếp theo là một động thái đảo chiều lớn, quét tất cả các mức dao động trước đó và thậm chí còn nhiều hơn thế nữa.
Động thái tăng cường này tạo ra một kiểu cạn kiệt giá, có thể kích hoạt các phản ứng mạnh của giá khi chạm đến vùng đảo chiều tiềm năng, đặc biệt nếu tại đó trùng với mức hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh. Nói một cách đơn giản hơn thì, giá được mở rộng thể hiện các động lực chính dường như đã cạn kiệt. Điều này tạo cơ hội cho giá bật trở lại và hồi phục, ít nhất là 50% của đợt sóng đảo chiều kéo dài đó.
Cụ thể:
- Nếu là mô hình Bullish Shark, sau khi hoàn thành, giá sẽ đảo chiều tăng tại C
- Nếu là mô hình Bearish Shark, sau khi mô hình hoàn thành tại C, giá sẽ đảo chiều giảm
Chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với Shark pattern
Đối với các mô hình giá nói chung và các Harmonic patterns nói riêng thì quy trình giao dịch có thể được chia thành 4 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Nhận diện mô hình
Trong số các Harmonic patterns thì Shark pattern khá giống với Cypher pattern, do điểm thứ 4 vượt qua điểm thứ 2 trong mô hình, cụ thể C vượt qua A trong mô hình Cypher và B vượt X trong mô hình Cá mập.
Do vậy, khi giá di chuyển theo đường Zigzag và tạo thành chữ M với đỉnh sau cao hơn đỉnh trước hoặc chữ W với đáy sau thấp hơn đáy trước thì chúng ta có thể bước đầu dự đoán đây có thể là một Cypher hoặc một Shark pattern tiềm năng.
Về công cụ hỗ trợ nhận diện mô hình, chúng ta có các chỉ báo Harmonic pattern indicator hay trên nền tảng TradingView cũng có sẵn các indicators riêng lẻ cho từng Harmonic pattern. Các chỉ báo này giúp phát hiện ra các Harmonic patterns và tự động vẽ luôn trên đồ thị. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của chỉ báo này chính là thường không tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình, do vậy, độ tin cậy không cao. Và cũng vì không tuân thủ theo các quy tắc đó mà số lượng các patterns phát hiện được rất nhiều, vẽ trên đồ thị chằng chịt, rất khó để giao dịch. Do vậy, tốt nhất là các bạn nên luyện tập quan sát hành vi của giá để có thể tự mình nhận diện mô hình.
Bước 2: Đo lường các tỷ lệ Fibonacci để xem xét tính hợp lệ của mô hình
Sau khi điểm B hoàn thành, chúng ta bắt đầu đo tỷ lệ Fibonacci để xem đó có chính xác là mô hình Cá mập không, hay cũng có thể sẽ là mô hình Cypher, hoặc cả 2 đều không hợp lệ.
Mặc dù đoạn sóng XA không cần tuân theo quy tắc nào nhưng đo tỷ lệ thoái lui của đoạn này so với 0X là cần thiết, vì nếu Shark pattern không hợp lệ, chúng ta sẽ kỳ vọng vào một Cypher pattern.
- Chỉ cần điểm A không được vượt qua điểm 0 thì mô hình Cá mập hợp lệ, còn khi đo lường tỷ lệ Fibonacci mà XA thoái lui về tỷ lệ nằm trong khoảng 0.382-0.618 thì mô hình Cypher hợp lệ.
- Nếu AB mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.13 đến 1.618 thì mô hình Cá mập hợp lệ, còn nếu giới hạn trong khoảng 1.272-1.414 thôi thì mô hình Cypher hợp lệ.
Khi giá bắt đầu giảm xuống tại B trong mô hình Bullish Shark hoặc tăng lên tại B trong mô hình Bearish Shark thì vẽ Fibonacci Retracement của đoạn 0X và AB để chuẩn bị vào lệnh.
Bước 3: Chiến lược vào lệnh với mô hình Cá mập
Với sự khác biệt trong quy tắc về tỷ lệ Fibonacci ở chân sóng cuối cùng mà mô hình Cá mập có thêm cách vào lệnh khác hẳn so với những Harmonic patterns khác.
Cách 1: Vào lệnh tại tỷ lệ 0.886 của 0X
Đây là chiến lược vào lệnh đặc biệt của Shark pattern.
Chiến lược này được thực hiện như sau: kỳ vọng chân sóng BC sẽ mở rộng chính xác đến tỷ lệ 1.13 của 0X và chờ đợi cho giá chính thức đảo chiều tại C, khi giá chạm vào tỷ lệ 0.886 của 0X thì vào lệnh.
Đây là chiến lược vào lệnh khá an toàn vì lúc đó, không những mô hình Cá mập đã hoàn thành, mà sự đảo chiều còn thể hiện khá rõ rệt khi giá đã vượt ra khỏi vùng giới hạn đảo chiều của điểm C. Nhưng hạn chế lớn nhất của cách này chính là điểm Entry không đẹp, đặc biệt trong trường hợp khoảng cách từ tỷ lệ 0.886 đến 1.13 của 0X xa.
Cách 2: Vào lệnh khi mô hình Cá mập chính thức hoàn thành
Đây là cách vào lệnh phổ biến trong giao dịch với các mô hình giá. Shark pattern chính thức hoàn thành khi điểm C thỏa mãn được tỷ lệ Fibonacci của mô hình và tại đó giá đảo chiều. Do vậy, với cách này, các bạn sẽ chỉ vào lệnh sau khi cây nến xác nhận đảo chiều đóng cửa, cụ thể sẽ là nến tăng ngay sau điểm C trong mô hình Bullish Shark hoặc nến giảm trong mô hình Bearish Shark.
Vào lệnh theo cách này cũng đảm bảo an toàn nhưng lệnh có Entry không đẹp, đặc biệt là khi cây nến xác nhận có thân lớn, khi đó, lợi nhuận của lệnh sẽ giảm đi đáng kể.
Cách 3: Vào lệnh khi giá chạm vào bất kỳ tỷ lệ nào nằm trong khoảng từ 0.886 đến 1.13 của 0X
Đây là cách vào lệnh sớm khi mô hình Cá mập chưa hoàn thành, cách này rủi ro cao do giá có thể tiếp tục đi theo hướng của BC chứ không đảo chiều, Shark pattern không hoàn thành. Tuy nhiên, nếu dự đoán chính xác, lệnh sẽ có điểm Entry đẹp.
Mặc dù BC có thể mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 0.886 đến 1.13 nhưng Shark pattern lý tưởng sẽ có BC mở rộng đến tỷ lệ 1.13 của 0X, do vậy, với cách này, chúng ta sẽ chờ đợi cho giá chạm vào tỷ lệ 1.13 của 0X và vào lệnh.
Trong trường hợp giá chưa chạm vào tỷ lệ 1.13 đã quay đầu, chẳng hạn vừa chạm vào tỷ lệ 1.0 đã quay đầu thì chúng ta có thể vào lệnh theo cách thứ nhất, chờ giá tiến đến tỷ lệ 0.886 của 0X thì vào lệnh hoặc thực hiện theo cách thứ hai, chờ đợi cây nến xác nhận đóng cửa và vào lệnh.
Cách 4: Vào lệnh khi xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều từ mô hình nến
Sở dĩ chúng tôi ưu tiên kết hợp mô hình nến để giao dịch với các Harmonic patterns là vì công cụ này vừa cung cấp tín hiệu mạnh mẽ lại vừa đơn giản.
Mỗi mô hình nến đảo chiều cung cấp thông tin đáng giá về động lực cung cầu, được hiện rõ thông qua hành vi của giá nên tín hiệu mà nó cung cấp rất đáng tin cậy. Hơn nữa, khi kết hợp mô hình nến, các bạn sẽ không phải chèn thêm bất cứ thứ gì nữa vào đồ thị giá, các tỷ lệ Fibonacci đã quá phức tạp rồi nên tính đơn giản của mô hình nến lại càng phù hợp.
Cách thực hiện như sau: khi giá tiến đến bất kỳ tỷ lệ nào trong khoảng 0.886 đến 1.13 của 0X và tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều thì vào lệnh ngay sau khi mô hình nến hoàn thành.
Với cách này, lệnh vừa có entry đẹp, vừa đáng tin cậy, nhưng hạn chế lớn nhất chính là trong trường hợp không xuất hiện mô hình nến mà giá vẫn đảo chiều, chúng ta sẽ phải chấp nhận bỏ qua cơ hội giao dịch với Shark pattern.
Cách 5: Chiến lược vào lệnh dự phòng
Là chiến lược vào lệnh kết hợp, giữa mô hình Cá mập và Cypher bởi vì 2 mô hình này khá giống nhau. Cách này chỉ được thực hiện khi thỏa mãn 2 điều kiện sau:
- Thứ nhất, XA thoái lui về tỷ lệ từ 0.382 đến 0.618 của 0X, khi đó, mô hình Cypher hợp lệ
- Thứ hai, AB mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.272 đến 1.414 của XA, khi đó, mô hình Cypher hợp lệ
Ở cả 2 điều kiện trên thì dĩ nhiên mô hình Shark cũng hợp lệ.
Chiến lược được thực hiện như sau: khi giá chạm vào tỷ lệ 0.786 của 0X, đồng thời xuất hiện tín hiệu đảo chiều (có thể từ cây nến xác nhận hoặc từ mô hình nến) thì vào lệnh 🡪 giao dịch theo mô hình Cypher. Nếu không, chờ giá tiến đến tỷ lệ 0.886 của 0X, kỳ vọng mô hình Shark hoàn thành và vào lệnh theo 1 trong 4 cách ở trên.
Lưu ý: cho dù các bạn vào lệnh theo cách nào và cho dù BC thoái lui/mở rộng đến tỷ lệ nào nằm trong khoảng từ 0.886 đến 1.13 thì BC cũng phải thỏa mãn điều kiện mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.618 đến 2.24 của AB thì mô hình Shark mới đáng tin cậy.
Bước 4: Đặt stop loss và take profit
Stop loss
Trong mô hình Bullish Shark, điểm thấp nhất chưa chắc là 0 mà cũng chưa hẳn là C vì nếu BC thoái lui về tỷ lệ 0.886 của 0X thì X là điểm thấp nhất, nhưng nếu BC mở rộng đến tỷ lệ 1.13 của 0X thì C mới là điểm thấp nhất. Tương tự với mô hình Bearish Shark. Do vậy, chiến lược đặt stop loss khi giao dịch với Shark pattern cần thực hiện linh hoạt hơn.
Nếu chiến lược vào lệnh an toàn, như cách 1, cách 2 hoặc cách 4 thì các bạn có thể đặt stop loss ngay phía dưới điểm C, dù cho BC có thoái lui/mở rộng đến tỷ lệ nào của 0X.
Ngược lại, nếu chiến lược vào lệnh mạo hiểm như cách 3 thì stop loss nên được đặt tại giới hạn xa nhất của điểm C. Mà trong mô hình Cá mập, điểm C được giới hạn bởi tỷ lệ mở rộng 1.13 của đoạn BC so với 0X hoặc tỷ lệ 2.24 so với AB. Vì thế, stop loss nên được đặt ngay dưới/trên những tỷ lệ này (phụ thuộc vào tỷ lệ nào xa hơn).
Take profit
Đối với Shark pattern thì chiến lược chốt lời từng phần vẫn được ưu tiên, tuy nhiên, điều khác biệt là các mục tiêu chốt lời tiềm năng của mô hình này ít hơn so với những Harmonic patterns khác.
Một điểm nữa khiến cho Shark pattern khác biệt so với mô hình Gartley và các biến thể động vật khác chính là cấu trúc của Shark pattern có mặt trong một Harmonic pattern khác, mà cụ thể chính là mô hình 5-0. Cũng giống như cấu trúc của mô hình AB=CD có mặt trong tất cả các Harmonic patterns.
Mô hình 5-0 bao gồm cấu trúc của mô hình Cá mập cộng thêm một chân sóng CD với CD thoái lui về tỷ lệ 0.5 của BC. Và sau khi mô hình này hoàn thành thì giá cũng có xu hướng đảo chiều tại D. Chính vì điều này mà mục tiêu chốt lời đầu tiên trong mô hình Cá mập chính là tại tỷ lệ 0.5 của BC. Khi điểm C đã hoàn thành và giá bắt đầu đảo chiều, có 2 tình huống xảy ra, hoặc là giá sẽ tiến đến mô hình 5-0 và đảo chiều ngược lại tại tỷ lệ 0.5 của BC, hoặc là mô hình Cá mập xảy ra đúng, giá thực sự đảo chiều tại C. Lựa chọn mục tiêu chốt lời thứ nhất tại tỷ lệ 0.5 của BC sẽ đảm bảo một phần lợi nhuận chắc chắn nằm trong tài khoản, trong trường hợp giá tiến đến mô hình 5-0 thì phần lợi nhuận này cũng có thể bù đắp cho thua lỗ của phần lệnh còn lại.
Mục tiêu chốt lời thứ 2 thường đặt tại mức giá ứng với điểm X hoặc điểm B, nhưng thông thường, các trader sẽ chọn mức giá ứng với điểm B, cũng chính là tại tỷ lệ thoái lui 1.0 của BC, khi đó, lợi nhuận kỳ vọng chính bằng độ cao của mô hình.
Chiến lược chốt lời từng phần trong mô hình Cá mập được thực hiện như sau:
- Chọn mục tiêu chốt lời thứ nhất tại tỷ lệ thoái lui 0.5 của BC
- Chọn mục tiêu chốt lời thứ hai tại tỷ lệ thoái lui 1.0 của BC (cũng là mức giá ứng với điểm B)
- Khi giá chạm mục tiêu thứ nhất, đóng một nửa lệnh, đồng thời dời stop loss đến vị trí tốt hơn (thường là tại các swing high/swing low gần nhất)
- Khi giá chạm mục tiêu thứ hai thì đóng luôn nửa lệnh còn lại.
Ví dụ về Shark pattern trên thị trường forex
Ví dụ 1: Mô hình Bullish Shark
Với tạo hình chữ M và đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đây có thể là mô hình Cypher hoặc Shark, chờ giá bắt đầu giảm xuống tại đỉnh B thì vẽ Fibonacci Retracement cho các đoạn sóng 0X, XA để xác định tính hợp lệ của mô hình.
Ta có:
- XA thoái lui về tỷ lệ 0.5 của 0X, mô hình Cypher hợp lệ, dĩ nhiên mô hình Shark cũng hợp lệ.
- AB mở rộng đến tỷ lệ 1.618 của XA, mô hình Shark hợp lệ, mô hình Cypher không hợp lệ. Đến đây, chúng ta sẽ xác định thực hiện chiến lược giao dịch với mô hình Shark
Tiếp tục vẽ Fibonacci Retracement của AB để chuẩn bị vào lệnh.
Trong trường hợp này, mô hình Bullish Shark hoàn thành với BC mở rộng đến đúng tỷ lệ 1.13 của 0X và 1.618 của AB.
Nếu vào lệnh theo cách thứ nhất, chờ cho giá vượt lên tỷ lệ 0.886 của 0X thì vào lệnh, ta có điểm vào lệnh Buy Entry 1.
Nếu chờ đợi tín hiệu xác nhận từ mô hình nến thì thật may mắn là mô hình Sao Mai (Morning star) đã xuất hiện ngay tại điểm C, vào lệnh khi cây nến xanh của mô hình đóng cửa, ta có điểm vào lệnh Buy Entry 2.
Với cả 2 cách vào lệnh này, các bạn đều có thể đặt stop loss ngay phía dưới điểm C.
Để thực hiện chiến lược chốt lời từng phần, các bạn tiến hành vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn BC. Chọn mục tiêu chốt lời thứ nhất tại tỷ lệ 0.5 của BC và mục tiêu thứ hai tại tỷ lệ 1.0 của BC (cũng chính là mức giá ứng với điểm B).
Cách thực hiện như sau: khi giá chạm vào TP1 thì đóng một nửa lệnh, đồng thời dời stop loss đến vị trí tốt hơn, cụ thể là swing low gần nhất. Khi giá chạm vào TP2 thì đóng luôn nửa lệnh còn lại
Ví dụ 2: Mô hình Bearish Shark
Sau khi điểm B hoàn thành và giá bắt đầu tăng lên, vẽ Fibonacci Retracement cho các đoạn sóng và xác định tính hợp lệ của mô hình.
Ta có:
- XA thoái lui về tỷ lệ 0.5 của 0X, mô hình Cypher cũng hợp lệ.
- AB mở rộng đến tỷ lệ tỷ lệ 1.272 của XA, cả mô hình Cypher và Shark cùng hợp lệ
Trong trường hợp này, các bạn có thể sử dụng chiến lược vào lệnh dự phòng.
Tuy nhiên, kết quả là mô hình Cypher không xảy ra, mô hình Shark hoàn thành với BC mở rộng về đúng tỷ lệ 1.13 của 0X và đồng thời mở rộng đến tỷ lệ 2.0 của AB.
Trong trường hợp này, mô hình nến đảo chiều giảm Tweezer Top cũng xuất hiện tại C, củng cố tín hiệu giá đảo chiều giảm, nếu vào lệnh theo cách này thì điểm vào lệnh Sell Entry đặt tại mức giá đóng cửa của cây nến thứ hai trong mô hình Tweezer Top. Đặt stop loss ngay trên điểm C (như hình trên)
Về chiến lược chốt lời từng phần thì các bạn thực hiện tương tự như ví dụ trên, chọn TP1 tại tỷ lệ 0.5 của BC và TP2 tại tỷ lệ 1.0 của BC. Khi giá chạm TP1 thì đóng một nửa lệnh, dời stop loss đến swing high gần nhất. Khi giá chạm TP2 thì đóng luôn nửa lệnh còn lại.
Kết luận
Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về mô hình Cá mập. Mặc dù chiến lược giao dịch mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài có thể sẽ không còn đúng, không còn phù hợp trong một số điều kiện thị trường đặc biệt hoặc khi có biến động bất ngờ, nhưng đó sẽ là những hướng dẫn khá chi tiết, giúp các bạn hình dung được phần nào về cách giao dịch hiệu quả với mô hình này. Điều quan trọng là các bạn cần phải luyện tập thật nhiều, thử – sai thật nhiều thì mới tích lũy được kinh nghiệm và tìm ra bí quyết riêng cho mình.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.