FED được xem là cơ quan tài chính quyền lực nhất thế giới, mọi chính sách của FED đều sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Là một nhà đầu tư, một nhà giao dịch trên các thị trường tài chính thì việc quan tâm, theo dõi các hoạt động của FED là vô cùng quan trọng.
Vậy thì, FED thực chất là gì? FED có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế Mỹ và các quyết định của FED ảnh hưởng ra sao đến thị trường ngoại hối thế giới? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
FED là gì?
FED là viết tắt của FEDeral Reserve System – Cục Dự Trữ Liên Bang hay bản chất của FED chính là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ. FED chính thức được thành lập vào ngày 23/12/1913, dưới thời của Tổng thống Wilson. Sự ra đời của FED là giải pháp tất yếu để phản ứng lại hàng loạt cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó, nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng Mỹ vào năm 1907.
Được thành lập bởi Quốc hội và tồn tại dưới luật của Quốc hội Mỹ nhưng FED vẫn là một NHTW độc lập với Chính phủ Mỹ.
Theo đó, FED độc lập về chính sách, nghĩa là FED có quyền quyết định về Chính sách tiền tệ mà không cần thông qua Tổng thống hoặc bất cứ ai trong Chính phủ, bao gồm việc sử dụng các công cụ như lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc để điều hành chính sách tiền tệ.
FED độc lập về tài chính: FED có ngân sách riêng và không phụ thuộc vào Quốc hội. Bên cạnh đó, FED còn là bộ máy kiếm tiền siêu khủng, Chính phủ Mỹ còn được chia lợi nhuận từ FED.
FED độc lập về nhân sự: tất cả các thành viên trong Hội đồng Thống đốc của FED đều có nhiệm kỳ 14 năm và chỉ có Tổng thống mới có quyền phế truất họ.
Và FED cũng là cơ quan tài chính duy nhất được phép in tiền USD.
Chức năng của Cục Dự Trữ Liên Bang – FED
FED thực hiện 5 chức năng chung nhằm thúc đẩy tính hiệu quả trong hoạt động của nền kinh tế Hoa Kỳ và đảm bảo lợi ích của cộng đồng, cụ thể:
- FED thực hiện chính sách tiền tệ của quốc gia để thúc đẩy việc làm ở mức tối đa, bình ổn giá cả và lãi suất trong dài hạn cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
- FED thúc đẩy sự ổn định của hệ thống tài chính, giảm thiểu và ngăn chặn rủi ro hệ thống thông qua việc giám sát các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước.
- FED thúc đẩy sự an toàn và minh bạch của các tổ chức tài chính riêng lẻ trong nước, giám sát và tác động đến hoạt động của những cơ quan này đến hệ thống tài chính chung của quốc gia.
- FED tăng cường tính an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán thông qua các dịch vụ của ngành ngân hàng và Chính phủ Hoa Kỳ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán bằng đồng đô la Mỹ.
- FED thúc đẩy bảo vệ người tiêu dùng và phát triển cộng đồng thông qua việc giám sát và kiểm tra tập trung đối với người tiêu dùng; nghiên cứu và phân tích các vấn đề về xu hướng tiêu dùng mới, các hoạt động phát triển kinh tế cộng đồng và quản lý các luật, quy định về người tiêu dùng.
Cơ cấu tổ chức của FED
Cấu trúc của FED bao gồm 3 thực thể chính:
- Hội đồng Thống đốc (The Board of Governors)
- Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC – Federal Open Market Committee)
- 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Banks)
Hội đồng Thống đốc (The Board of Governors)
Được đặt tại Washington D.C. Hội đồng Thống đốc bao gồm 7 thành viên, do Tổng thống đề cử và được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn vào các vị trí của họ. Mỗi thành viên có nhiệm kỳ cố định 14 năm và không được gia hạn, ngoại trừ Chủ tịch và Phó chủ tịch chỉ có nhiệm kỳ 4 năm và có thể gia hạn. Trong đó, không có 2 thành viên nào đến cùng một vùng để đảm bảo tính độc lập trong các quyết định của FED.
Hội đồng Thống đốc có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động của Cục Dự trữ Liên bang nhằm thúc đẩy các mục tiêu và hoàn thành các trách nhiệm theo quy định của Đạo luật Dự trữ Liên bang.
Hội đồng Thống đốc thực hiện giám sát và điều tiết các hoạt động của 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang, bao gồm việc giám sát các dịch vụ của Ngân hàng Dự trữ đối với các tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước và các tổ chức tài chính khác. Đồng thời, Hội đồng Thống đốc cũng là cơ quan xem xét và phê duyệt ngân sách của từng Ngân hàng Dự trữ.
Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC – Federal Open Market Committee)
FOMC được Quốc hội ban hành luật tạo ra như một phần của FED vào năm 1933 và 1935. Đây chính là cơ quan thực thi chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. FOMC có quyền ban hành tất cả các quyết định liên quan đến hoạt động thị trường mở, là công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ. Hoạt động thị trường mở tác động trực tiếp đến lãi suất liên ngân hàng, đến giá trị đồng nội tệ, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. FOMC chỉ đạo các hoạt động trên thị trường ngoại hối và trong những năm gần đây, cơ quan này đã cho phép hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương nước ngoài. FOMC cũng có trách nhiệm thông tin đến công chúng về khả năng có thể xảy ra trong tương lai của chính sách tiền tệ.
Về cơ cấu tổ chức, FOMC bao gồm 12 thành viên, trong đó có 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và 4 thành viên còn lại là Chủ tịch của 11 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khác luân phiên nhau nhiệm kỳ mỗi một năm. Tất cả 12 chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang đều được tham dự các cuộc họp của FOMC và tham gia vào các cuộc thảo luận của FOMC, nhưng chỉ những ai là thành viên FOMC vào thời điểm đó mới có quyền biểu quyết.
Theo luật, FOMC có quyền phân bổ cơ cấu tổ chức nội bộ của riêng mình và theo truyền thống, FOMC sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng Thống đốc làm Chủ tịch và Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York làm Phó chủ tịch. Các cuộc họp của FOMC thường được tổ chức tại Washington, D.C với tần suất 8 lần/năm và có thể có các cuộc họp khác khi cần thiết.
12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Banks)
12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang này được đặt ở New York, Boston, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco.
Thành viên của các Ngân hàng Dự trữ Liên bang chính là các Ngân hàng thương mại tại mỗi khu vực, họ nắm giữ cổ phần của Ngân hàng Dự trữ nhưng lại không có quyền chuyển nhượng.
Về cơ cấu tổ chức, mỗi Ngân hàng Dự trữ Liên bang có một hội đồng quản trị gồm 9 thành viên, trong đó bao gồm 6 giám đốc của Ngân hàng Dự trữ do các Ngân hàng thành viên bầu chọn và 3 giám đốc còn lại do Hội đồng Thống đốc bổ nhiệm. Mỗi Ngân hàng Dự trữ Liên bang có ít nhất 1 chi nhánh và Giám đốc chi nhánh cũng sẽ do Ngân hàng Dự trữ hoặc Hội đồng Thống đốc bổ nhiệm.
Chức năng chính của các Ngân hàng Dự trữ Liên bang là thu thập các dữ liệu và thông tin về những doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực và nhu cầu của cộng đồng trong khu vực của mình. Những thông tin này sẽ được FOMC sử dụng vào các quyết định chính sách tiền tệ và các quyết định khác của Hội đồng thống đốc.
Chính sách tiền tệ và các công cụ thực thi chính sách tiền tệ của FED
Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ bao gồm hàng loạt những hành động của FED nhằm thúc đẩy tối đa việc làm, bình ổn giá cả và lãi suất vừa phải trong dài hạn, đồng thời hoàn thành các mục tiêu kinh tế mà Quốc hội đã chỉ thị.
Trên thực tế thì chính sách tiền tệ của FED bao gồm rất nhiều công cụ khác nhau, cụ thể:
- Hoạt động thị trường mở (Open Market Operations)
- Cơ chế chiết khấu và Lãi suất chiết khấu (Discount Window and Discount Rate)
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve Requirements)
- Lãi suất trên số dư dự trữ bắt buộc (Interest on Reserve Balances)
- Cơ sở Hợp đồng mua lại đảo ngược qua đêm (Overnight Reverse Repurchase Agreement Facility)
- Cơ sở tiền gửi có kỳ hạn (Term Deposit Facility)
- Giao dịch hoán đổi thanh khoản của NHTW (Central Bank Liquidity Swaps)
- Cơ sở thỏa thuận mua lại đảo ngược của Quỹ tiền tệ quốc tế và nước ngoài (Foreign and International Monetary Authorities (FIMA) Repo Facility)
- Cơ sở thỏa thuận mua lại qua đêm thường trực (Standing Overnight Repurchase Agreement Facility)
- Công cụ chính sách đáo hạn (Expired Policy Tools)
Trong đó, 3 công cụ chủ yếu và quan trọng nhất của chính sách tiền tệ chính là 3 công cụ đầu tiên: hoạt động thị trường mở, lãi suất chiết khấu và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Hoạt động thị trường mở (Open Market Operations – OMO)
Là công cụ chủ yếu để thực hiện chính sách tiền tệ của FED. Hoạt động thị trường mở liên quan đến việc mua bán chứng khoán trên thị trường của FED. Chẳng hạn như khi muốn điều chỉnh tăng lãi suất, FED sẽ bán trái phiếu ra công chúng, hành động này của FED làm giảm lượng tiền trong lưu thông, mà khi cung tiền giảm thì lãi suất sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu muốn điều chỉnh giảm lãi suất, FED sẽ mua lại trái phiếu trên thị trường, làm cho lượng tiền lưu thông tăng lên, lãi suất giảm.
Lãi suất chiết khấu (Discount Rate)
Lãi suất chiết khấu là lãi suất được tính cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác vay từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang của khu vực. Việc điều chỉnh lãi suất chiết khấu sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế, cụ thể, nếu FED tăng lãi suất chiết khấu, lượng tiền vay của các Ngân hàng thương mại sẽ ít đi, cầu tiền tệ trên thị trường giảm giúp làm giảm lạm phát. Ngược lại, nếu FED giảm lãi suất chiết khấu, lượng tiền được vay nhiều hơn, lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại cũng giảm theo, thúc đẩy các doanh nghiệp vay nhiều hơn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nền kinh tế tăng trưởng.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve Requirements)
Đạo luật Dự trữ Liên bang cho phép Hội đồng Thống đốc thiết lập tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong phạm vi quy định nhằm thực hiện chính sách tiền tệ đối với một số loại tiền gửi và các khoản nợ khác của các tổ chức tín dụng.
Giống như lãi suất chiết khấu hay hoạt động thị trường mở, quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng làm thay đổi đáng kể nền kinh tế. Cụ thể, nếu FED tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì lượng tiền cho vay của các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác sẽ giảm đi, cung tiền giảm dẫn đến lãi suất tăng. Ngược lại, nếu FED giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì lãi suất cho vay giảm xuống.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của FED thì vào ngày 15/03/2020, Hội đồng Thống đốc đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống thành 0% có hiệu lực từ ngày 26/03/2020. Hành động này đã loại bỏ các yêu cầu về dự trữ bắt buộc đối với tất cả các tổ chức tín dụng tại Hoa Kỳ, theo đó người dân và doanh nghiệp sẽ được vay nhiều hơn.
FED tác động đến nền kinh tế thế giới như thế nào?
Ở thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đang là cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế, cũng chính vì thế mà đồng USD hiển nhiên trở thành đồng tiền quyền lực nhất. USD đang là đồng tiền chung trong hệ thống thương mại toàn cầu và cũng là đồng tiền được sử dụng để định giá gần như tất cả các loại hàng hóa, tài sản khác trên thế giới. Chính vì vậy, một sự thay đổi trong giá trị đồng đô la Mỹ không những ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng không ít thì nhiều đến tất cả các nền kinh tế trên toàn thế giới.
FED tác động đến nền kinh tế Mỹ và đồng USD thông qua 2 cơ chế. Một là sử dụng các công cụ thực thi của chính sách tiền tệ như đã đề cập đến ở phần trên làm thay đổi giá trị của đồng đô la Mỹ. Hai là nghiệp vụ mua, bán USD và các loại tiền tệ khác của FED đã gián tiếp can thiệp vào việc xác lập giá trị của đồng tiền quyền lực này.
Còn đối với thị trường forex, mọi nhất cử nhất động của FED đều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, tác động trực tiếp đến tỷ giá trên thị trường bởi vì đồng đô la Mỹ cũng là đồng tiền chính trong giao dịch forex. Chính vì thế, đối với các forex trader, dù theo trường phái nào thì việc theo dõi các hoạt động của FED cũng vô cùng quan trọng, giúp các bạn có thể ứng phó kịp thời trước những biến động lớn trên thị trường do các chính sách của FED gây ra.
Kết luận
Việc hiểu rõ về FED cũng như hoạt động của cơ quan này sẽ giúp chúng ta nhận định tốt hơn về nền kinh tế Mỹ nói riêng và tình hình kinh tế, tài chính thế giới nói chung. Đây chính là cơ sở để nhà đầu tư, nhà giao dịch trên các thị trường tài chính như chứng khoán, ngoại hối, tiền điện tử… đạt được những thành công nhất định.