Trang chủPhân tích cơ bản là gì? Trader mới có nên theo trường phái phân tích cơ bản?

Phân tích cơ bản là gì? Trader mới có nên theo trường phái phân tích cơ bản?

Admin

Một trader mới khi bắt đầu tìm hiểu về phân tích thị trường forex, họ sẽ được giới thiệu nhiều đến các chỉ báo kỹ thuật như MA, MACD, Bollinger Bands, Ichimoku… hay các mô hình nến đảo chiều, mô hình giá…, đó chính là các công cụ của trường phái phân tích kỹ thuật. Trong khi đó, rất ít ai chỉ cho các bạn rằng nên phân tích lãi suất, lạm phát hay theo dõi các tin tức quan trọng trên thị trường… thì đó lại là những công cụ phân tích của một trường phái khác, mà trường phái này lại không nhiều người theo đuổi, đó là phân tích cơ bản.

Trên thực tế thì phân tích cơ bản hơi khó nhằn hơn so với phân tích kỹ thuật vì trường phái này đòi hỏi các trader phải có một sự am hiểu nhất định về kinh tế, tài chính. Do vậy, phân tích cơ bản ít được ưa chuộng hơn, nhưng nếu làm tốt, phương pháp phân tích này sẽ giúp trader có được lợi nhuận tốt trong dài hạn.

Vậy, phân tích cơ bản là gì? Phân tích cơ bản bao gồm những công cụ nào? Và một trader mới thì có nên theo đuổi trường phái này hay không? Cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

Phân tích cơ bản là gì?

Nói một cách đơn giản nhất thì phân tích cơ bản là quay về giá trị thực hay giá trị nội tại của tài sản, công cụ tài chính.

Nếu phân tích kỹ thuật tập trung vào giá thị trường và chỉ quan tâm đến diễn biến của giá trong quá khứ để dự đoán xu hướng của nó trong tương lai, vì các nhà phân tích kỹ thuật cho rằng, mọi thứ tác động đến giá cả đều đã được thể hiện hết lên từng hành vi của giá và quan sát diễn biến của giá trên đồ thị mới là việc quan trọng, thì phân tích cơ bản lại hoàn toàn ngược lại. Những nhà phân tích cơ bản đi tìm nguyên nhân gây ra các biến động bất thường của giá vì họ cho rằng đằng sau mỗi biến động của giá đều có yếu tố tác động lên nó và chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được xu hướng tác động của các yếu tố này lên giá cả.

Công việc của những nhà phân tích cơ bản chính là xác định giá trị nội tại của tài sản thông qua việc đánh giá mức độ và hướng tác động của các yếu tố có liên quan như yếu tố kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội…. rồi so sánh với giá thị trường để tìm kiếm cơ hội đầu tư, bởi vì dù tài sản có bị định giá cao hay thấp thì nó cũng có xu hướng điều chỉnh để trở về đúng giá trị thực của mình. Cụ thể, nếu tài sản bị định giá cao hơn so với giá trị nội tại của nó thì thị trường sẽ điều chỉnh giảm, ngược lại, nếu tài sản bị định giá thấp hơn so với giá trị nội tại của nó thì thị trường sẽ điều chỉnh tăng. 

So sánh phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Mặc dù mục đích cuối cùng vẫn là xác định xu hướng của thị trường nhưng mỗi trường phái sẽ có những cách thức thực hiện và công cụ phân tích khác nhau, cụ thể như sau:

Tham khảo: Phân tích kỹ thuật là gì? Ưu và nhược điểm của phân tích kỹ thuật

So sánh phân tích cơ bản trong chứng khoán và forex

Cùng là phân tích cơ bản nhưng do đặc điểm của 2 thị trường chứng khoán và ngoại hối là khác nhau nên phương pháp này cũng được thực hiện khác nhau. Sản phẩm chủ yếu của thị trường chứng khoán là cổ phiếu, trong khi đó trên thị trường forex thì mối quan tâm của nhà đầu tư lại là tiền tệ hay chính xác hơn là các cặp tỷ giá.

Trên thực tế thì trường phái phân tích cơ bản được ưa chuộng hơn ở thị trường chứng khoán bởi vì so với các yếu tố vĩ mô thì việc tiếp cận phương pháp phân tích liên quan đến các yếu tố về doanh nghiệp, ngành nghề có vẻ như sẽ dễ dàng hơn.

Các yếu tố tác động đến giá cả trên thị trường forex

Sản phẩm chủ yếu trên thị trường forex chính là tiền tệ hay chính xác hơn là tỷ giá của các cặp tiền. Vì vậy, phân tích cơ bản trong forex chính là phân tích mức độ và chiều hướng tác động của các yếu tố khác đến tỷ giá. Mà mỗi cặp tỷ giá liên quan đến 2 loại tiền tệ, nên phân tích cơ bản sẽ liên quan đến việc phân tích các yếu tố tác động đến tiền tệ của quốc gia có đồng tiền nằm trong cặp tỷ giá mà trader hay nhà đầu tư dự định sẽ giao dịch.

Tuy nhiên, trong giao dịch forex thì đồng USD là đồng tiền quan trọng nhất vì USD đang là đồng tiền mạnh mẽ nhất, tác động đến tất cả các tiền tệ còn lại trên Thế giới, do đó, phân tích cơ bản trong forex, trader sẽ tập trung nhiều nhất đến phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến đồng đô la Mỹ. 

Có 3 nhóm yếu tố chủ yếu tác động đến tỷ giá, bao gồm:

  • Các yếu tố kinh tế tài chính
  • Các yếu tố chính trị xã hội
  • Các yếu tố bất ngờ khác

Các yếu tố kinh tế tài chính

Giá trị tiền tệ của một quốc gia phụ thuộc vào nền kinh tế của quốc gia đó có mạnh hay không và các yếu tố kinh tế, tài chính là chỉ số đo lường sức khỏe của nền kinh tế đó. Bốn yếu tố kinh tế tài chính quan trọng, tác động đến giá trị tiền tệ của quốc gia bao gồm lãi suất, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và GDP. Nếu các chỉ số này đều đang tăng trưởng theo hướng tích cực nghĩa là nền kinh tế của quốc gia đang phát triển tốt thì đồng nội tệ của quốc gia đó tăng giá. Ngược lại, các chỉ số kinh tế tài chính biến động theo hướng tiêu cực sẽ làm nền kinh tế yếu đi, đồng nội tệ mất giá, giảm giá trị tiền tệ.

  • Lãi suất

Cụ thể là lãi suất chiết khấu, lãi suất này tác động cùng chiều đối với giá trị của đồng nội tệ. Nếu lãi suất chiết khấu tăng thì đồng nội tệ tăng giá, ngược lại, lãi suất chiết khấu giảm thì đồng nội tệ giảm giá.

  • Lạm phát

Chiều hướng tác động của chỉ số kinh tế này đến giá trị của đồng nội tệ sẽ là khác nhau trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, lạm phát tăng sẽ khiến cho đồng tiền của quốc gia mất giá, trong khi giảm phát sẽ giúp tiền tệ gia tăng giá trị. Nhưng, trong dài hạn, tác động này là ngược lại. Chính vì thế, phụ thuộc vào tình hình kinh tế hiện tại mà quốc gia sẽ có chính sách điều chỉnh lạm phát sao cho phù hợp nhất và thường sẽ duy trì ở một tỷ lệ tối ưu nhất.

  • Tỷ lệ thất nghiệp

Một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp gia tăng chứng tỏ nền kinh tế của quốc gia đó đang có vấn đề, điều này khiến cho đồng nội tệ bị đánh giá thấp về giá trị, ngược lại, nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm dần và rất thấp thì cho thấy nền kinh tế của quốc gia đang phát triển rất tốt, giá trị đồng nội tệ tăng lên.

  • GDP

GDP tăng cho biết một quốc gia đang sản xuất tăng lên, nhưng chỉ số này tác động đến giá trị tiền tệ như thế nào lại phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa, trong đó có mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm. Chính vì vậy, khi phân tích tác động của GDP đến tỷ giá, chúng ta cần xem xét thêm các chỉ số kinh tế khác để kết quả phân tích được chính xác hơn.

Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược về chiều hướng tác động của các yếu tố kinh tế tài chính quan trọng đến tỷ giá. Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về các chỉ số này, các bạn có thể tham khảo bài viết sau:

Các chỉ số GDP, CPI, Lạm phát và Lãi suất ảnh hướng thế nào đến các cặp tiền?

Bảng lương phi nông nghiệp Non-farm là gì?

Các yếu tố chính trị – xã hội

Các chỉ số kinh tế tài chính nói trên thường tác động mạnh đến tỷ giá trong ngắn hạn, trong khi đó các yếu tố chính trị – xã hội sẽ tác động đến tỷ giá ở mức độ nhẹ hơn và thường có tính chất quan trọng hơn trong dài hạn.

Các yếu tố chính trị bao gồm cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước, xung đột quân sự, xung đột tôn giáo, sắc tộc… các yếu tố xã hội bao gồm các cuộc đình công, bạo động…. tất cả các yếu tố đó, không ít thì nhiều cũng đều tác động đến giá trị đồng nội tệ hay tỷ giá trên thị trường forex.

Một quốc gia có cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước không hợp lòng dân, yếu kém trong công cuộc phát triển đất nước sẽ làm cho nền kinh tế, xã hội của quốc gia đó trở nên yếu kém theo. Một trong những sự kiện quan trọng liên quan đến yếu tố này chính là kết quả bầu cử bộ máy chính quyền và đặc biệt hơn hết là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là sự kiện được quan tâm trên toàn thế giới và kết quả của cuộc bầu cử này cũng sẽ gây ra những biến động rất lớn trên thị trường forex.

Tương tự, một quốc gia có quá nhiều cuộc bạo động, biểu tình diễn ra cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, từ đó làm suy yếu đồng nội tệ.

Các yếu tố bất ngờ

Các yếu tố này liên quan đến những sự kiện mang tính chất bất ngờ, không thể dự báo trước như thiên tai, dịch bệnh… Chúng đều có thể làm biến động giá trị đồng nội tệ theo nhiều chiều hướng khác nhau và cũng thường rất khó để dự đoán.

Công cụ phân tích cơ bản

Trong thị trường chứng khoán, phân tích cơ bản liên quan đến việc phân tích các yếu tố vi mô trong phạm vi doanh nghiệp, phạm vi ngành nên nhà đầu tư sẽ sử dụng công cụ chính là các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của doanh nghiệp, báo cáo phân tích ngành. Đối với các tài liệu này, nhà đầu tư có thể tải về từ website chính thức của doanh nghiệp, hay từ các website chính thống về kinh tế của Bộ Tài chính…

Còn đối với giao dịch forex, Lịch kinh tế (Economic Calendar) là công cụ hữu ích nhất dành cho các trader theo trường phái phân tích cơ bản.

Lịch kinh tế cung cấp đầy đủ các tin tức, sự kiện liên quan đến việc công bố tất cả các chỉ số kinh tế như lãi suất, GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát… của các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường forex. Dữ liệu mà Lịch kinh tế cung cấp bao gồm cả thời gian phát hành tin tức, mức độ ảnh hưởng của tin tức đến đồng nội tệ, các giá trị quá khứ, dự báo và thực tế để trader dựa vào đó phân tích chính xác tầm ảnh hưởng và chiều hướng tác động của những sự kiện đó đến tỷ giá.

Để tìm hiểu chi tiết về Lịch kinh tế và cách sử dụng công cụ này trong giao dịch forex, các bạn có thể tham khảo bài viết sau:

Cách đọc Lịch kinh tế trong giao dịch forex.

Ngoài ta, trader áp dụng phân tích cơ bản nên thường xuyên theo dõi các tin tức, sự kiện kinh tế, chính trị trên các phương tiện thông tin chính thống như Bloomberg, CNN, Fox News… tham gia vào các diễn đàn forex để cập nhật những tin tức mới nhất về thị trường.

Trader mới có nên theo đuổi trường phái phân tích cơ bản hay không?

Câu trả lời là có. Nhưng không hẳn là các bạn sẽ chỉ sử dụng duy nhất phương pháp phân tích cơ bản trong giao dịch forex mà có thể kết hợp cả 2 trường phái với nhau, trong đó, phân tích cơ bản hỗ trợ trader trong việc xác định xu hướng thị trường và phân tích kỹ thuật sẽ tìm ra điểm vào lệnh, thoát lệnh tiềm năng, giúp giao dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với những ai tự tin về khả năng phân tích và nhận định về các sự kiện kinh tế tài chính có thể định hướng lựa chọn phân tích cơ bản làm phương pháp phân tích chủ đạo trong hệ thống giao dịch của mình. Ngoài ra, nếu các bạn theo đuổi phong cách giao dịch trung và dài hạn thì phân tích cơ bản lại càng phù hợp hơn so với phân tích kỹ thuật.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Phân tích cơ bản là gì? Trader mới có nên theo trường phái phân tích cơ bản?
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan