Trang chủMACD là gì? Chiến lược giao dịch với MACD hiệu quả nhất

MACD là gì? Chiến lược giao dịch với MACD hiệu quả nhất

Admin

MACD là một chỉ báo vô cùng quen thuộc đối với những nhà đầu tư, nhà giao dịch hay phân tích tài chính. Chỉ báo này xuất hiện khá thường xuyên trên đồ thị giao dịch của các trader, kể cả các trader chuyên nghiệp.

Mặc dù là một chỉ báo quen thuộc, dễ sử dụng nhưng không phải ai cũng biết cách giao dịch hiệu quả, đặc biệt là những trader mới. Chúng ta thường sử dụng các chỉ báo theo cách “học vẹt” chứ không đi sâu tìm hiểu bản chất, cách tính và ý nghĩa của nó. 

Trong bài viết này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn chỉ báo MACD, về cả cách tính, ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả, để các bạn có thể nắm được chỉ báo này một cách “ngọn ngành nhất”.

MACD là gì? MACD_Histogram là gì?

MACD là gì?

MACD là viết tắt của Moving Average Convergence-Divergence (Phân kỳ-Hội tụ trung bình di động). Chỉ riêng cái tên của chỉ báo này cũng đã biết được chức năng của nó đối với giao dịch. Với tính chất của đường trung bình di động, MACD có chức năng xác định xu hướng, ngoài ra, nó còn cung cấp tín hiệu phân kỳ-hội tụ để xác định động lượng của xu hướng, dự báo khả năng đảo chiều.

MACD được phát triển bởi Gerald Appel vào năm 1970, bao gồm 2 thành phần chính là đường MACD và đường Signal (Tín hiệu).

Khi tìm hiểu về MACD thì chắc chắn các bạn sẽ nghe đến cái tên MACD_Histogram.

MACD_Histogram là gì?

Dựa trên ý tưởng ban đầu của chỉ báo MACD, đến năm 1986, Thomas Aspray đã bổ sung thêm một thành phần mới cho chỉ báo, đó là đồ thị Histogram, đồng thời thay đổi cách tính của đường Tín hiệu, tạo ra một chỉ báo mới với tên gọi MACD_Histogram. Hiện tại, chỉ báo này trở thành một trong số các chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất trong giao dịch forex.

Công thức tính của MACD, MACD_Histogram

Các thành phần của MACD: Bao gồm đường MACD và đường Tín hiệu

  • Đường MACD

Các giá trị của đường MACD chính bằng hiệu số giữa trung bình trượt hàm mũ 12 kỳ và trung bình trượt hàm mũ 26 kỳ. Dữ liệu sử dụng để tính các giá trị trung bình trượt là giá đóng cửa (Close).

MACD = EMA (12) – EMA (26).

  • Đường Tín hiệu (Signal)

Chính là trung bình trượt đơn giản 9 kỳ của MACD

MACD Signals = SMA (MACD, 9)

Appel không chỉ sử dụng tính chất trung bình trượt vào trong hầu hết các thành phần của chỉ báo mà mối quan hệ giữa các đường trung bình trượt thể hiện trong MACD giúp cho các nhà phân tích nhận biết nhiều hơn về hành vi của giá thay vì chỉ đơn độc mỗi mình nó như các chỉ báo MA độc lập.

Các thành phần của MACD_Histogram: bao gồm đường MACD, đường Signal và biểu đồ Histogram

Công thức tính của đường MACD không bị thay đổi.

  • Đường Tín hiệu 

Thay vì sử dụng trung bình trượt đơn giản thì các giá trị của đường Signal trong chỉ báo MACD_Histogram chính là trung bình trượt hàm mũ (EMA) của đường MACD.

MACD Signals = EMA (MACD, 9)

Cách tính này được cải tiến hơn rất nhiều so với công thức cũ của Appel, bởi lẽ EMA phản ứng nhanh hơn với giá, các tín hiệu giao dịch xuất hiện trên đồ thị sớm hơn so với SMA, giúp các nhà giao dịch có điểm vào lệnh tốt hơn nhờ bắt kịp xu hướng.

  • Biểu đồ Histogram

Chính bằng hiệu số giữa đường MACD và đường Signals

Hướng dẫn chèn MACD, MACD_Histogarm trên phần mềm giao dịch MT4

Vì tính phổ biến của chúng mà cả 2 chỉ báo này đều được tích hợp sẵn trên tất cả các nền tảng giao dịch forex. Các bạn chỉ việc đem ra sử dụng mà không cần phải tải về và cài đặt vào phần mềm.

Chèn chỉ báo MACD

Đầu tiên, các bạn mở chỉ bảo MACD theo đường dẫn sau: Insert 🡪 Indicators 🡪 Oscillators 🡪 MACD.

Hộp thoại cài đặt chỉ báo hiện ra, các bạn tiến hành lựa chọn các thông số cho chỉ báo

Hệ thống sẽ mặc định các chu kỳ của EMA là 12 và 26 trong công thức tính đường MACD; chu kỳ 9 của SMA trong công thức tính đường Signal. Các bạn hoàn toàn có thể thay đổi các thông số này để phù hợp hơn với chiến lược riêng của mình. Đối với các trader mới, các bạn có thể giữ nguyên, sau này, khi đã sử dụng được một thời gian dài và tìm ra bộ thông số tối ưu nhất cho chỉ báo thì có thể thay đổi.

Tại ô Apply to, chọn Close, sau đó bấm OK. Để chọn màu sắc cho các đường, bạn bấm chọn tab Colors. Để thêm các đường ngang khác vào chỉ báo, bạn chọn tab Level. Tuy nhiên, chỉ báo MACD chỉ cần thêm vào đường 0 và hệ thống cũng đã mặc định sẵn đường này nên bạn không cần phải thêm vào nữa, để chọn màu sắc cho đường 0 thì các bạn cũng thực hiện tại tab Level này. Tab Visualization để lựa chọn khung thời gian hiển thị cho chỉ báo.

Sau khi cài đặt xong, chỉ báo MACD sẽ hiển thị trên đồ thị giá như sau:

Đường MACD được thể hiện bằng các thanh đứng màu xanh, khá giống với biểu đồ Histogram trong MACD_Histogram, nhưng nếu nối các đỉnh của các thanh này lại với nhau thì ta sẽ được đường MACD.

Đường màu đỏ là đường Tín hiệu Signal.

Chèn chỉ báo MACD_Histogram

Để mở chỉ báo, các bạn làm theo đường dẫn sau: Insert 🡪 Indicators 🡪 Custom 🡪 MACD_Histogram.

Các bạn có thể thay đổi thông số của chỉ báo ở tab Inputs hoặc giữ nguyên. Đối với các giá trị: draw Indicator Trendlines, draw Price Trendlines và display Alert, các bạn chọn lại false thay cho true để tắt các cảnh báo, đường xu hướng của chỉ báo trên đồ thị giá để đỡ rối mắt hơn.

Tại tab Colors, các số từ 0 đến 4 theo thứ tự là các đường MACD, đường Signal, biểu đồ Histogram, tín hiệu mua, tín hiệu bán. Các bạn lựa chọn màu sắc, style và độ dày mỏng cho từng thành phần. Tab Level và Visualization thì tương tự như với chỉ báo MACD.

Hiện nay, các nhà phân tích, nhà giao dịch thường sử dụng chỉ báo MACD_Histogram hơn MACD vì nó được bổ sung thêm tín hiệu từ biểu đồ Histogram, đồng thời giải quyết được bài toán độ trễ của MACD. Chính vì vậy, trong phần tiếp theo, quocdunginvest.com sẽ chỉ hướng dẫn các bạn cách sử dụng chỉ báo MACD_Histogram. Tuy nhiên, chỉ báo MACD cũng được sử dụng theo cách tương tự, chỉ không có các tín hiệu từ MACD_Histogram mà thôi. Nếu muốn, các bạn vẫn có thể áp dụng được.

Ý nghĩa của chỉ báo MACD_Histogram

Chỉ báo MACD_Histogram bao gồm 3 thành phần và mỗi thành phần mang một ý nghĩa nhất định, cung cấp tín hiệu khác nhau, phục vụ cho mục đích phân tích của trader. Cụ thể như sau:

  • Đường MACD

Quay trở lại với công thức tính của nó: MACD = EMA (12) – EMA(26)

EMA(12) đại diện cho đường trung bình trượt nhanh, EMA(26) là đường trung bình trượt chậm. Hiệu số giữa chúng có thể âm hoặc dương nên đường MACD được so sánh với đường 0 để xác định xu hướng thị trường.

Khi EMA nhanh cắt EMA chậm từ dưới lên, nghĩa là đường MACD cắt đường 0 từ dưới lên thì chứng tỏ thị trường đang trong xu hướng tăng. Ngược lại, khi EMA nhanh cắt EMA chậm từ trên xuống, nghĩa là đường MACD cắt đường 0 từ trên xuống, chứng tỏ thị trường đang trong xu hướng giảm.

Trên thực tế thì tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường 0 xảy ra rất thường xuyên và không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả giao dịch cao. Sau khi MACD cắt đường 0 từ trên xuống thì ít nhất sẽ có một đợt giảm giá và ngược lại, nhưng chỉ khi nào xu hướng đủ mạnh thì mới đảm bảo mang về lợi nhuận mà thôi. Chính vì vậy, tín hiệu này không được sử dụng độc lập mà phải kết hợp với các tín hiệu khác.

Đường MACD nằm trên đường 0 và đang tăng (dốc lên) 🡪 giá đang trong đà tăng với lực tăng mạnh. Đường MACD nằm trên đường 0 và đang giảm (dốc xuống) 🡪 giá vẫn đang tăng nhưng lực tăng đang yếu đi.

Đường MACD nằm dưới đường 0 và đang giảm (dốc xuống) 🡪 giá đang trong đà giảm với lực giảm mạnh. Đường MACD nằm dưới đường 0 và đang tăng (dốc lên) 🡪 giá vẫn đang giảm nhưng lực giảm đang yếu đi.

  • Đường Tín hiệu – Signal

Chính là trung bình trượt hàm mũ của đường MACD nên đường Signal đóng vai trò xác định động lượng của đường MACD. Vì là EMA chu kỳ 9 của MACD nên so với đường MACD thì đường Signal đang là đường trung bình trượt chậm.

Sự giao cắt giữa 2 đường này cũng cung cấp tín hiệu xác định xu hướng của thị trường.

  • Đường MACD (EMA nhanh) cắt đường Signal (EMA chậm) từ trên xuống 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm.
  • Đường MACD (EMA nhanh) cắt đường Signal (EMA chậm) từ dưới lên 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng.

Mặc dù cải thiện được độ trễ so với tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường 0 nhưng sự giao cắt giữa đường MACD và đường Tín hiệu cũng sẽ không thật sự phát huy hết tính hiệu quả của nó khi thị trường đang trong một xu hướng không rõ ràng, vì lúc này, tín hiệu giao cắt cũng sẽ xảy ra thường xuyên, nhiều tín hiệu gây nhiễu.

Cách hiệu quả nhất để giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường Signal chính là kết hợp đa khung thời gian và sử dụng chiến lược giao dịch thuận xu hướng. Chiến lược này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau.

  • Biểu đồ Histogram

Bản chất của Histogram là hiệu số giữa đường MACD và đường Signal nên ý tưởng giao dịch với Histogram cũng sẽ dựa trên sự giao cắt và vị trí của 2 đường MACD và đường Signal. Nghĩa là:

  • Khi MACD cắt Signal từ dưới lên, biểu đồ Histogram chuyển từ âm sang dương 🡪 thị trường có xu hướng tăng.
  • Khi MACD cắt Signal từ trên xuống, biểu đồ Histogram chuyển từ dương sang âm 🡪 thị trường có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các tín hiệu này không thật sự mạnh mẽ và vì xuất hiện quá thường xuyên nên có rất nhiều tín hiệu nhiễu. 

Đối với biểu đồ Histogram, các nhà phân tích, nhà giao dịch sẽ ưu tiên sử dụng các tín hiệu mua bán được tạo thành từ độ dốc của Histogram và kết hợp tín hiệu từ Histogram với những tín hiệu khác để giao dịch.

Chiến lược giao dịch hiệu quả với MACD_Histogram trong forex

Tổng hợp các tín hiệu giao dịch được tạo ra từ chỉ báo MACD_Histogram

Trước khi giới thiệu cụ thể các chiến lược giao dịch với MACD_Histogram, chúng ta sẽ cùng điểm lại các tín hiệu được tạo ra từ chỉ báo này.

Tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường 0

  • Đường MACD cắt đường 0 từ dưới lên 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy
  • Đường MACD cắt đường 0 từ trên xuống 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell

Tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường Signal

  • Đường MACD cắt đường Signal từ dưới lên 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy
  • Đường MACD cắt đường Signal từ trên xuống 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell

Tín hiệu Phân kỳ/hội tụ giữa MACD và đường giá

  • Giá tạo đỉnh cao hơn nhưng MACD tạo đỉnh thấp hơn 🡪 phân kỳ 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell
  • Giá tạo đáy thấp hơn nhưng MACD tạo đáy cao hơn 🡪 hội tụ 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy

Tín hiệu giữa Histogram và đường 0

  • Histogram cắt đường 0 từ dưới lên 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy
  • Histogram cắt đường 0 từ trên xuống 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell

Tín hiệu từ độ dốc của Histogram

  • Histogram dốc lên 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy
  • Histogram dốc xuống 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell

Trong tất cả các tín hiệu nêu trên, các trader gần như chỉ sử dụng 2 loại tín hiệu từ MACD_Histogram, bao gồm

  • Tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường Signal
  • Tín hiệu Phân kỳ/Hội tụ giữa đường MACD và đường giá

Tuy nhiên, như đã nói, các tín hiệu từ MACD_Histogram sẽ không thật sự phát huy hết tính hiệu quả của nó nếu chỉ được sử dụng độc lập. Trong giao dịch, các trader luôn kết hợp chúng với những công cụ khác và được sử dụng trong những chiến lược giao dịch cụ thể.

Tiếp theo đây sẽ là 2 chiến lược giao dịch hiệu quả với MACD_Histogram mà quocdunginvest.com muốn giới thiệu đến các bạn, cũng là nội dung quan trọng nhất của bài viết.

Chiến lược giao dịch thuận xu hướng dựa vào tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường Signal trên đa khung thời gian

Ý tưởng giao dịch như sau: xác định xu hướng chung của thị trường trên khung thời gian lớn. Tìm kiếm tín hiệu giao dịch từ MACD trên khung thời gian nhỏ và chỉ giao dịch các lệnh thuận xu hướng chung.

Các bước giao dịch cụ thể như sau:

  • Bước 1: trên khung thời gian lớn, ví dụ D1. Xác định xu hướng chung của thị trường. Các bạn có thể sử dụng trendline, chỉ báo MA, ADX để xác định xu hướng, nhưng cách nhanh nhất, tốt nhất là xác định dựa trên cấu trúc của xu hướng theo Lý thuyết Dow.
    • Giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng
    • Giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm
  • Bước 2: trên khung thời gian nhỏ, ví dụ H1, H4. Vào lệnh nếu xuất hiện tín hiệu giao dịch.
    • Xu hướng tăng: chỉ vào lệnh Buy khi đường MACD cắt đường Signal từ dưới lên cũng là lúc mà thị trường kết thúc đợt điều chỉnh giảm, bắt đầu quay trở lại xu hướng tăng.
    • Xu hướng giảm: chỉ vào lệnh Sell khi đường MACD cắt đường Signal từ trên xuống, cũng là lúc thị trường kết thúc đợt điều chỉnh tăng, bắt đầu quay trở lại xu hướng giảm.
  • Bước 3: đặt stop loss, take profit

Trên khung thời gian D1, chúng ta dễ dàng xác định thị trường đang trong xu hướng giảm do giá liên tục tạo các đỉnh thấp hơn, đáy thấp hơn.

Ở thời điểm hiện tại, giá đang điều chỉnh tăng, nhiệm vụ của chúng ta là xác định thời điểm điều chỉnh tăng kết thúc để vào lệnh Sell trên khung thời gian nhỏ hơn.

Trên khung thời gian H4, thị trường vẫn còn trong đợt điều chỉnh tăng và MACD_Histogram chưa xuất hiện tín hiệu đường MACD cắt đường Signal từ trên xuống.

Tiếp tục theo dõi thì kết quả là:

Cuối cùng, tín hiệu đường MACD cắt đường Signal từ trên xuống đã xuất hiện, kết thúc đợt điều chỉnh, các ban vào lệnh Sell. Đóng lệnh khi có tín hiệu đường MACD cắt đường Signal từ dưới lên.

Với giao dịch này, các bạn có thể quay lại đồ thị giá trên khung D1 để xác định vị trí đặt stop loss, là ngay phía trên đỉnh gần nhất trước đó của xu hướng giảm, hoặc thu nhỏ biểu đồ trên khung H4 để đặt stop loss cũng được.

Với lệnh này, sự giao cắt giữa MACD và đường Signal đã cung cấp tín hiệu với độ trễ khá thấp, đồng thời giao dịch thuận xu hướng giúp hạn chế rủi ro hơn.

Chiến lược giao dịch đảo chiều xu hướng với tín hiệu Phân kỳ/Hội tụ giữa đường MACD và đường giá

Ý tưởng giao dịch như sau: khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nghĩa là giá vẫn đang trong xu hướng tăng nhưng MACD tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, cho thấy lực tăng của giá đang giảm dần, báo hiệu một xu hướng mới sắp xảy ra, thị trường có khả năng đảo chiều giảm. Ngược lại, khi giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước nghĩa là thị trường vẫn trong xu hướng giảm, nhưng MACD tạo đáy sau cao hơn đáy trước chứng tỏ lực giảm đã yếu đi, dự báo khả năng thị trường sẽ đảo chiều tăng.

Ví dụ: 

Giá đã đảo chiều tăng ngay khi tín hiệu Hội tụ xảy ra giữa đường MACD và đường giá.

Tuy nhiên, giao dịch đảo chiều khá rủi ro và chúng ta cần thêm tín hiệu để xác nhận khả năng đảo chiều, bởi lẽ sự phân kỳ, hội tụ giữa giá và MACD vẫn có thể xảy ra nhưng lại không xuất hiện sự đảo chiều của xu hướng.

Như tình huống dưới đây:

Rõ ràng, tín hiệu phân kỳ đã xảy ra giữa đường giá và đường MACD nhưng thị trường vẫn tiếp tục xu hướng tăng chứ không đảo chiều giảm.

Chính vì vậy, để giao dịch đảo chiều được hiệu quả hơn, các bạn nên kết hợp sử dụng với tín hiệu từ chỉ báo khác hoặc từ các mô hình nến đảo chiều.

Kết hợp chỉ báo khác _ RSI

Một trong những tín hiệu mạnh mẽ mà RSI cung cấp để dự báo về khả năng đảo chiều của xu hướng cũng chính là tín hiệu phân kỳ/hội tụ giữa đường giá và đường RSI.

Nếu tín hiệu phân kỳ xuất hiện đồng thời trên đường MACD với đường giá và trên đường RSI với đường giá thì khả năng thị trường đảo chiều giảm sẽ cao hơn, xác suất thành công cho lệnh Sell sẽ cao hơn.

Ngược lại, nếu tín hiệu hội tụ xuất hiện đồng thời trên đường MACD với đường giá và trên đường RSI với đường giá thì khả năng thị trường đảo chiều tăng cao hơn, lệnh Buy lúc này có khả năng thành công cao hơn.

Ví dụ: EUR/USD trên khung H4

Cả 2 chỉ báo MACD_Histogram và RSI đều xuất hiện tín hiệu hội tụ so với đường giá, kết quả là thị trường đã đảo chiều tăng ngay sau đó.

Ví dụ: AUD/USD trên khung D1

Tương tự, tín hiệu phân kỳ xuất hiện đồng thời trên cả 2 chỉ báo, cho thấy xu hướng tăng đã thật sự yếu đi, thị trường đã chính thức đảo chiều giảm.

Kết hợp mô hình nến đảo chiều mạnh

Các mô hình nến đảo chiều là công cụ hỗ trợ xác nhận tín hiệu giao dịch từ chỉ báo vô cùng hiệu quả. Bản thân chúng đã cung cấp các tín hiệu rất mạnh mẽ, nhiều trader chỉ sử dụng các mô hình nến độc lập mà vẫn mang lại hiệu quả rất cao.

Ngày nay, phương pháp giao dịch theo hành vi của giá thông qua các mẫu hình nến, mẫu hình giá càng được ưa chuộng, tạo nên một trường phái riêng biệt – phân tích hành động giá price action.

Tham khảo: Các mô hình nến đảo chiều CỰC MẠNH trong forex.

Ý tưởng giao dịch như sau:

Khi xuất hiện tín hiệu hội tụ giữa đường giá và đường MACD, đồng thời lúc đó xuất hiện một trong các mô hình nến đảo chiều TĂNG mạnh như Bullish Engulfing, Morning Star, Tweezer Bottom, Bullish Reversal Pin bar… thì xác suất thị trường đảo chiều tăng được xác nhận cao hơn 🡪 vào lệnh Buy khi mô hình nến hoàn thành. 

Ngược lại, khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ giữa đường giá và đường MACD, đồng thời lúc đó cũng xuất hiện một trong các mô hình nến đảo chiều GIẢM như Bearish Engulfing, Evening Star, Tweezer Top, Bearish Reversal Pin bar… thì khả năng thị trường đảo chiều giảm được xác nhận cao hơn 🡪 vào lệnh Sell khi mô hình nến hoàn thành.

Ví dụ: AUD/USD trên khung H4

Ngay khi tín hiệu hội tụ giữa đường giá và đường MACD xuất hiện thì thị trường cũng hình thành cây nến Bullish Reversal Pin bar, xác nhận lại tín hiệu đảo chiều tăng của xu hướng. Và kết quả là giá đã thực sự đảo chiều ngay sau đó.

Với tình huống này, các bạn có thể vào lệnh Buy ngay sau khi nến Pin bar hoàn thành, đặt stop loss phía dưới đáy nến Pin bar vài pips.

Ví dụ: USD/JPY trên khung H1

Mô hình nến đảo chiều giảm Evening Star xuất hiện tại thời điểm đường giá và đường MACD tạo tín hiệu phân kỳ. Vào lệnh Sell ngay khi mô hình này hoàn thành. Thị trường chính thức đảo chiều giảm.

Kết luận

MACD_Histogram đã làm tốt hơn so với MACD ở chỗ nó giảm bớt độ trễ do chỉ sử dụng EMA trong công thức tính các thành phần. Bên cạnh đó, việc sử dụng tính chất của đường trung bình trượt để thiết lập chỉ báo chính là để đảm bảo giá sẽ đi đúng xu hướng, nên các chiến lược giao dịch thuận xu hướng khi sử dụng với MACD_Histogram sẽ rất hiệu quả.

Tuy nhiên, bất kỳ chỉ báo hay công cụ giao dịch nào cũng đều tồn tại những hạn chế, và chắc chắn là MACD cũng sẽ không ngoại lệ. Độ trễ và khá nhiều các tín hiệu gây nhiễu trong ngắn hạn hoặc khi thị trường không có xu hướng cụ thể là những khuyết điểm còn tồn tại của chỉ báo này.

Hy vọng rằng, với những gì mà chúng tôi đã trình bày về MACD, MACD_Histogram trong bài viết sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bản chất và ý nghĩa của chúng. Đồng thời, 2 chiến lược giao dịch mà chúng tôi giới thiệu đến các bạn sẽ là những hướng dẫn cụ thể, giúp các bạn sử dụng chỉ báo một cách hiệu quả hơn.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: MACD là gì? Chiến lược giao dịch với MACD hiệu quả nhất
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan