- Non Farm hay Nonfarm Payrolls là gì?
- Bảng lương phi nông nghiệp Non Farm được phát hành khi nào? Xem Non Farm ở đâu?
- Cách đọc bản tin Non Farm
- Một vài lưu ý khi đọc tin Nonfarm trên Lịch kinh tế
- Tại sao bản tin Non-farm lại quan trọng?
- Các cặp tỷ giá bị ảnh hưởng bởi tin Non Farm
- Trader mới nên giao dịch với Non-farm như thế nào?
- Kết luận
Non-farm Payrolls hay Non-farm là cái tên quá đỗi quen thuộc với các trader giao dịch theo tin. Cứ vào mỗi tối thứ Sáu đầu tiên của tháng là trader Việt lại hồi hộp chờ đợi kết quả công bố của Non-farm để ra các quyết định giao dịch. Trong số các loại tin tức, sự kiện được phát hành trên Lịch kinh tế thì Non-farm là một trong số những dữ kiện quan trọng, có thể gây ra biến động lớn đến tỷ giá trên thị trường, nếu giao dịch theo Non-farm thành công, trader sẽ mang về lợi nhuận cao, ngược lại, trade theo Non-farm có thể sẽ khiến trader cháy tài khoản.
Vậy, Non-farm là gì? Cách đọc dữ liệu Non-farm như thế nào? Và trader mới có nên giao dịch khi Non-farm được công bố? Hãy cùng giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết về Non-farm ngay dưới đây nhé.
Non Farm hay Nonfarm Payrolls là gì?
Non-farm Payrolls – Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ, là một phần trong Báo cáo việc làm (Employment Report) do Bộ Lao động Hoa Kỳ (United States Department of Labor) phát hành. Cụ thể hơn, Bảng lương phi nông nghiệp là một dữ liệu kinh tế về việc làm hằng tháng của Hoa Kỳ.
Non-farm Payrolls còn được gọi ngắn gọn là Non-farm hay tin Non-farm và được viết tắt là NFP.
Non-farm công bố các số liệu về sự gia tăng hoặc sụt giảm việc làm so với tháng trước, không bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, các việc làm liên quan đến hộ gia đình tư nhân và tổ chức phi lợi nhuận. Vì liên quan đến việc làm nên Non-farm được xem là thước đo tình trạng của thị trường lao động và vì thế nên các dữ liệu của Non-farm cũng phản ánh được sức khỏe của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Bảng lương phi nông nghiệp Non Farm được phát hành khi nào? Xem Non Farm ở đâu?
Non-farm được công bố vào ngày thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng, lúc 19:30 vào mùa Hè hoặc 20:30 vào mùa Đông theo giờ Việt Nam.
Trader có thể xem được tin Non-farm tại bất kỳ nền tảng hay website nào có cung cấp Lịch kinh tế (Economic Calendar).
Ví dụ: Bảng lương phi nông nghiệp Non-farm Payrolls trên Lịch kinh tế tại investing.com
Cách đọc bản tin Non Farm
Bản tin Non-farm bao gồm 3 thành phần:
- Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment Rate)
- Thu nhập bình quân theo giờ (Average Hourly Earnings)
- Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp (Non-Farm Employment Change)
Muốn giao dịch theo tin Non-farm hiệu quả, điều quan trọng là các bạn phải hiểu được ý nghĩa của cả 3 thành phần này, về mức độ và chiều hướng tác động của chúng đến giá trị của đồng đô la Mỹ. Khi dữ liệu của các thành phần này được công bố, các bạn phải so sánh các giá trị thực tế và giá trị dự báo, từ đó đưa đến kết luận về chiều hướng biến động của USD.
Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment Rate)
Là tỷ lệ người lao động chưa có việc làm nhưng đang tích cực tìm kiếm việc làm. Trên Lịch kinh tế, dữ liệu này được thể hiện bằng một tỷ lệ phần trăm. Tỷ lệ này tăng so với giá trị dự báo chứng tỏ số lượng người đang thất nghiệp tăng lên, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang không ổn định và sự kiện này có thể khiến cho đồng đô la Mỹ giảm giá trị. Ngược lại, nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhiều người có việc làm chứng tỏ nền kinh tế đang phát triển tốt, có thể kỳ vọng về một sự tăng giá của đồng USD.
Thu nhập bình quân theo giờ (Average Hourly Earnings)
Dữ liệu về thu nhập bình quân theo giờ được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm, con số này đo lường sự thay đổi trong mức lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động, không bao gồm lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ này tăng lên nghĩa là người lao động được trả lương cao hơn, thu nhập tăng thì chi tiêu tăng lên, điều này có khả năng làm tăng tỷ lệ lạm phát. Ngược lại, nếu tỷ lệ công bố giảm hơn so với giá trị dự báo nghĩa là người lao động được trả lương ít hơn, thu nhập giảm thì chi tiêu sẽ giảm và có thể làm giảm tỷ lệ lạm phát. Khi lạm phát tăng, FED sẽ điều chỉnh tăng lãi suất, điều này giúp cho đồng đô la Mỹ tăng giá và ngược lại.
Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp (Non-Farm Employment Change)
Khác với 2 thành phần trên, sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp được thể hiện bằng một con số cụ thể. Con số này cho biết có bao nhiêu việc làm mới được tạo ra thêm trong tháng này. Dữ liệu này tăng lên chứng tỏ trong tháng, các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, mở rộng kinh doanh nên tạo ra nhiều việc làm mới, tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế có thể khiến cho đồng đô la Mỹ tăng giá.
Dữ liệu của cả 3 thành phần trong tin Non-farm đều được hình thành dựa trên kết quả của 2 cuộc khảo sát Household Survey và Establishment Survey. Tỷ lệ thất nghiệp được thống kê từ cuộc khảo sát Household Survey, khảo sát này lấy mẫu từ 60,000 hộ gia đình tại Hoa Kỳ, những người được khảo sát được phân loại thành: có việc làm, thất nghiệp và không thuộc lực lượng lao động. Bên cạnh đó, kết quả của Household Survey cũng sẽ thể hiện được các đặc điểm của lực lượng lao động như: lao động toàn thời gian, bán thời gian, lý do thất nghiệp. Trong khi đó, Thu nhập bình quân theo giờ và Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp được hình thành từ kết quả của Establishment Survey, mẫu của cuộc khảo sát là 142,000 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, kết quả của cuộc khảo sát cũng đo lường được số việc làm, giờ và thu nhập trong lĩnh vực phi nông nghiệp, không những thế còn phân loại theo ngành nghề và địa lý.
Một vài lưu ý khi đọc tin Nonfarm trên Lịch kinh tế
Bản tin Non-farm Payrolls trên Lịch kinh tế tại investing.com
Có 2 lưu ý mà các bạn cần nhớ khi sử dụng Lịch kinh tế tại website này để theo dõi tin Non-farm:
- Thành phần Thu nhập bình quân theo giờ của tin Non-farm phải có ký hiệu MoM phía sau tên sự kiện.
- Thành phần Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp không được thể hiện bằng tên sự kiện tiếng Anh là Non-Farm Employment Change mà là Non-farm Payrolls.
Như các bạn đã thấy ở hình trên, các thành phần của bản tin Non-farm trên Lịch kinh tế tại investing.com được sắp xếp không gần nhau nên khó quan sát và dễ gây nhầm lẫn. Nhiều trader mới khi trade tin với Non-farm chỉ theo dõi sự kiện Non-farm Payrolls (ở đây là Non-Farm Employment Change) mà không để ý đến 2 thành phần còn lại nên quá trình phân tích bị thiếu dữ liệu, không chính xác, dẫn đến quyết định giao dịch sai trên thị trường.
Bản tin Non-farm Payrolls trên Lịch kinh tế tại forexfactory.com
Ngược lại, tại forexfactory.com, các thành phần của Non-farm được sắp xếp gần nhau, đúng với tên sự kiện nên rất dễ quan sát và theo dõi.
Tại sao bản tin Non-farm lại quan trọng?
Non-farm liên quan trực tiếp đến việc làm, mà dữ liệu này được xem là một chỉ số kinh tế quan trọng, chính vì thế, Non-farm có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Hơn thế nữa, vì liên quan đến nền kinh tế Mỹ nên sẽ tác động trực tiếp đến giá trị của đồng USD, vì thế mà tin Non-farm còn có vai trò quan trọng đối với tất cả các thị trường tài chính, và tất nhiên là với cả các forex trader như chúng ta.
Non-farm tác động đến nền kinh tế Mỹ như thế nào?
Như đã nói, dữ liệu việc làm và thu nhập là các chỉ số kinh tế quan trọng. Khi người dân có việc làm và thu nhập ổn định, nghĩa là xã hội và nền kinh tế đang ổn định. Không những vậy, nếu các số liệu về việc làm và thu nhập gia tăng sẽ càng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Bởi lẽ, khi người dân có việc làm ổn định, thu nhập gia tăng, họ sẽ thoải mái chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và kinh doanh, là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Đối với Việt Nam hay những nước đang phát triển khác, sản xuất và xuất khẩu là các yếu tố chính tạo ra thu nhập cho quốc gia, thì ở Mỹ, chi tiêu của người dân quyết định phần lớn kinh tế quốc gia này, chính vì thế, bản tin Non-farm cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.
Non-farm quan trọng như thế nào đối với các thị trường tài chính?
Đối với thị trường chứng khoán, Non-farm là cơ sở để các nhà đầu tư đánh giá và lựa chọn cổ phiếu tiềm năng. Điều này có thể được giải thích như sau: Non-farm công bố thông tin việc làm, không chỉ cụ thể về số lượng mà còn phân loại theo ngành nghề và địa lý, mà dữ liệu này lại có thể đánh giá được tình hình và khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính vì thế, dựa vào các số liệu công bố của Non-farm, nhà đầu tư có thể phân tích và đánh giá được tiềm năng của các doanh nghiệp mà họ muốn mua cổ phiếu.
Đối với thị trường ngoại hối thì Non-farm lại là sự kiện mà hầu như trader nào cũng đặc biệt quan tâm. Bởi vì tỷ lệ thất nghiệp được công bố trong bản tin Non-farm sẽ tác động trực tiếp đến các chính sách điều chỉnh lãi suất của FED, điều này sẽ làm biến động giá trị đồng đô la Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến hầu hết các cặp tỷ giá trên thị trường forex.
Các cặp tỷ giá bị ảnh hưởng bởi tin Non Farm
Như đã đề cập ở trên, tin Non-farm ảnh hưởng trực tiếp đến đồng đô la Mỹ, đồng tiền quyền lực nhất thế giới, chính vì thế nó cũng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các cặp tỷ giá trên thị trường forex. Tuy nhiên, các cặp tỷ giá có mặt đồng USD vẫn là những cặp tỷ giá bị ảnh hưởng đáng kể nhất.
Tin Non-farm được phát hành vào lúc 19:30 hoặc 20:30 theo giờ Việt Nam, mà đây cũng chính là thời điểm trùng nhau giữa 2 phiên Âu và Mỹ. Do vậy, khi các dữ liệu của Non-farm được công bố, các cặp tiền như EUR/USD, USD/CHF và GBP/USD sẽ biến động mạnh nhất. Các trader mạo hiểm sẽ lựa chọn giao dịch trên những cặp này để có cơ hội mang về lợi nhuận cao.
Bên cạnh đó, giá vàng (XAU/USD) cũng biến động mạnh khi Non-farm được phát hành, do giá vàng thường đi ngược chiều so với giá trị đồng đô la Mỹ.
Trader mới nên giao dịch với Non-farm như thế nào?
Không chỉ riêng Non-farm mà với bất kỳ một sự kiện, một tin tức quan trọng nào được công bố có khả năng làm thị trường biến động mạnh thì một trader mới, ít kinh nghiệm thực chiến nên đứng ngoài thị trường.
Tuy nhiên, ở đây không hẳn là các bạn không được trade với tin Non-farm nhưng để hạn chế được rủi ro, các bạn nên giao dịch sau khi tin Non-farm được công bố một khoảng thời gian nhất định, bởi vì thời điểm trước và ngay khi Non-farm được phát hành cũng là lúc mà thị trường biến động khá mạnh.
Có 2 lý do để một trader mới nên đứng ngoài thị trường trước và ngay khi Non-farm được công bố:
- Một, khi Non-farm được công bố, không chỉ riêng bạn mà có rất nhiều người khác, rất nhiều tổ chức khác lựa chọn đứng bên ngoài quan sát thị trường, họ không muốn mạo hiểm trước những biến động lớn có khả năng xảy ra. Điều này khiến cho thanh khoản giảm xuống, spread thường giãn nở rất lớn vào những thời điểm này.
- Hai, tin Non-farm được công bố vào đúng ngày thứ Sáu, khi mà thị trường sắp đóng cửa vào 2 ngày cuối tuần thì thứ Sáu là một ngày giao dịch với rất nhiều các biến động lớn. Khi Non-farm được công bố, giá sẽ càng biến động mạnh hơn
Vậy, sau bao lâu kể từ khi Non-farm được công bố thì trader mới nên giao dịch?
Để giao dịch hiệu quả nhất với Bảng lương phi nông nghiệp Non-farm, các bạn cần chuẩn bị sẵn một kế hoạch giao dịch, cụ thể như sau:
- Xác định các cặp tiền có khả năng bị ảnh hưởng lớn bởi Non-farm. Các bạn có thể lựa chọn các cặp EUR/USD, USD/CHF hoặc/và GBP/USD
- Khi Non-farm được công bố, xem xét cả 3 thành phần của Non-farm, so sánh dữ liệu thực tế với dữ liệu dự báo để bước đầu nhận định về chiều hướng tác động của Non-farm đến đồng đô la Mỹ, từ đó suy ra xu hướng biến động của cặp tỷ giá mà các bạn đang dự định sẽ giao dịch. Ở bước phân tích này, các trader mới rất hay phạm phải sai lầm, cụ thể khi đọc tin Non-farm, họ chỉ quan tâm đến thành phần Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp (Non-Farm Employment Change), đặc biệt là các trader sử dụng Lịch kinh tế tại investing.com vì thành phần này được thể hiện bởi tên sự kiện là Non-farm nên các bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn đây là dữ liệu duy nhất của tin Non-farm. Trong khi đó, điều quan trọng nhất khi đọc tin Non-farm chính là phải kết hợp cả 3 thành phần lại với nhau thì mới đi đến kết luận chính xác nhất. Ví dụ như số lượng công việc mới cao hơn so với tháng trước, tức dữ liệu của Non-Farm Employment Change thực tế cao hơn so với dự báo nhưng thu nhập bình quân theo giờ (Average Hourly Earnings) lại giảm, điều này có nghĩa là có nhiều người đang làm việc hơn nhưng thu nhập của họ lại ít hơn thì chỉ với dữ liệu về số lượng việc làm tăng lên không thể kết luận nền kinh tế đang tốt hơn.
- Sau khi phân tích chiều hướng tác động của Non-farm đến tỷ giá, hãy nhận định về khả năng FED sẽ can thiệp bằng chính sách lãi suất như thế nào để phản ứng lại các thông tin được công bố từ Non-farm. Từ đó dự báo về xu hướng của tỷ giá trong thời gian tới, đây có thể sẽ là xu hướng chung của tỷ giá trong dài hạn.
- Quan sát diễn biến thị trường khi Non-farm được phát hành: giá đi như thế nào, có đúng với kết quả phân tích hay không?
- Thông thường, giá sẽ biến động loạn xạ ngay lại thời điểm ra tin. Chờ đợi tín hiệu thị trường bắt đầu hạ nhiệt và đi theo xu hướng chung đã phân tích được ở trên, trader có thể bắt đầu giao dịch.
- Kết hợp sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật như indicators hay các mô hình nến, mô hình giá để xác định vị trí vào lệnh tiềm năng.
Kết luận
Trong tất cả các tin tức, sự kiện mà một trader phân tích cơ bản cần quan tâm thì bản tin Non-farm là một loại tin tức cực kỳ quan trọng. Để giao dịch hiệu quả với Non-farm, không phải chỉ biết đọc tin tức trên Lịch kinh tế là đủ, mà quan trọng là trader cần nghiên cứu về nền kinh tế, tài chính của Hoa Kỳ để đưa ra những nhận định chính xác nhất về sự ảnh hưởng của Non-farm đến thị trường.