Lần trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về Non-farm Payrolls, bản tin tình hình việc làm tại Mỹ, một trong số những sự kiện, tin tức quan trọng trên thị trường forex, thì tiếp tục chuỗi bài viết về trường phái phân tích cơ bản, trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các chỉ số kinh tế quan trọng khác, bao gồm GDP, CPI, PPI và Interest.
Cùng với thông tin về việc làm thì các chỉ số kinh tế này đều là những dữ liệu quan trọng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Và đối với các forex trader như chúng ta thì tình hình nền kinh tế Hoa Kỳ cần được quan tâm sâu sắc, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đồng đô la Mỹ, mà ảnh hưởng đến USD thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường forex.
Vậy thì, GDP, CPI, PPI và Interest là gì? Các chỉ số này tác động như thế nào đến đồng USD? Và làm sao để trade tin với các chỉ số này một cách hiệu quả nhất?
GDP – Tổng sản phẩm quốc nội
GDP (Gross Domestic Product) đo lường giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định (hằng tháng, hằng quý và hằng năm). Hay nói cách khác, GDP đo lường năng suất tổng thể nền kinh tế của một quốc gia, chính vì thế, chỉ số này được sử dụng để đánh giá mức độ tăng trưởng và sức khỏe của nền kinh tế.
Có rất nhiều phương pháp để tính toán được giá trị của GDP như phương pháp chi tiêu, phương pháp thu nhập, phương pháp sản xuất; nhưng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, quốc gia này tiếp cận phương pháp chi tiêu để tính ra GDP. Cụ thể:
GDP = C + I + G + (X – M)
Trong đó:
- C (Consumption): tiêu dùng hộ gia đình
- I (Investment): đầu tư tư nhân
- G (Government Spending): chi tiêu chính phủ
- X (Exports): xuất khẩu
- M (Imports): nhập khẩu
Tại Hoa Kỳ, dữ liệu GDP được Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố hằng quý, thường là vào lúc 20:30 (theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, báo cáo về dữ liệu GDP hằng quý của Hoa Kỳ bao gồm 3 lần sửa đổi và cách nhau mỗi tháng.
Ví dụ:
- Dữ liệu GDP của Quý I bản phát hành sơ bộ lần 1 được công bố vào cuối tháng Tư
- Dữ liệu GDP của Quý I bản phát hành sơ bộ lần 2 được công bố vào cuối tháng Năm
- Dữ liệu GDP của Quý I bản cuối cùng được công bố vào cuối tháng Sáu
Ngày phát hành tin GDP vào cuối mỗi tháng không cố định, vì thế, trader phải xem trước thời gian phát hành tin trên Lịch kinh tế.
- Báo cáo GDP ảnh hưởng thế nào đến USD?
Báo cáo GDP được xem là báo cáo cấp 1 vì sự kiện này tác động lớn đến biến động tỷ giá trên thị trường. Dữ liệu của GDP phát hành trên Lịch kinh tế là một tỷ lệ phần trăm, thể hiện tốc độ tăng trưởng hằng năm của tổng sản phẩm quốc nội, tỷ lệ này bằng tốc độ tăng trưởng của Quý nhân với 4.
Nếu giá trị thực tế cao hơn so với giá trị dự báo có nghĩa là nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng tốt, điều này làm tăng sức hấp dẫn của đô la Mỹ, USD tăng giá. Ngược lại, nếu giá trị thực tế thấp hơn so với dự báo thì cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Hoa Kỳ dẫn đến đồng đô la Mỹ bị giảm giá trị. Khoảng cách giữa giá trị thực tế và giá trị dự báo càng xa thì biến động trên đồng USD càng mạnh.
Trong trường hợp giá trị thực tế được công bố không thay đổi so với dự báo thì các trader sẽ phải so sánh với giá trị của kỳ trước, đồng thời kết hợp phân tích thêm các chỉ số kinh tế khác để nhìn nhận đúng về tình hình hiện tại của nền kinh tế, từ đó mới dự báo chính xác về chiều hướng biến động của USD.
Ngoài ra, dữ liệu về GDP còn tác động đáng kể đến các quyết định chính sách tiền tệ của FED, vì thế, khi GDP được công bố, sự kiện này không chỉ gây ra các biến động trong tỷ giá hối đoái mà nó còn ảnh hưởng đến việc định giá thị trường chứng khoán và giá trái phiếu.
CPI – Chỉ số giá tiêu dùng
CPI (Consumer Price Index), diễn giải một cách dễ hiểu nhất thì CPI chính là chỉ số đo lường sự thay đổi trung bình theo thời gian của mức giá mà người tiêu dùng phải trả cho một rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong sinh hoạt. CPI cũng là một chỉ số để đo lường những thay đổi trong xu hướng mua hàng và lạm phát nền kinh tế.
CPIt = Chi phí để mua giỏ hàng hóa thời kỳ t/Chi phí để mua giỏ hàng hóa thời kỳ cơ sở *100%
Dữ liệu của CPI được phát hành hằng tháng bởi Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ và được thể hiện bằng một tỷ lệ phần trăm và bao gồm 2 loại chỉ số khác nhau: CPI và Core CPI. Trong đó, CPI bao gồm tất cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, còn Core CPI thì loại bỏ năng lượng và thực phẩm vì mức độ biến động giá của 2 loại hàng hóa này khá cao.
- Báo cáo CPI ảnh hưởng như thế nào đến USD?
CPI cung cấp thông tin về những thay đổi giá cả trong nền kinh tế của quốc gia cho Chính phủ, doanh nghiệp, lao động và công dân. Dữ liệu về CPI được họ sử dụng như một hướng dẫn để đưa ra các quyết định kinh tế. Hơn thế nữa, CPI được xem là thước đo của lạm phát, là chỉ số để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách kinh tế, Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ cũng sử dụng các dữ liệu của CPI để xây dựng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của quốc gia.
Nếu giá trị thực tế cao hơn giá trị dự báo, có nghĩa là lạm phát đang cao hơn được thể hiện qua CPI đang cao hơn, tất nhiên điều này làm cho giá trị của đồng đô la Mỹ bị giảm đi vì cần phải có nhiều tiền hơn để mua được rổ hàng hóa và dịch vụ như trước. Ngược lại, nếu giá trị thực tế của CPI thấp hơn so với giá trị dự báo, lạm phát giảm 🡪 giá trị của đô la Mỹ tăng lên.
Tuy nhiên, lạm phát tăng do CPI tăng sẽ là cơ sở để dẫn đến quyết định tăng lãi suất của FED để kiểm soát lạm phát, và khi lãi suất tăng, nhu cầu nắm giữ USD sẽ nhiều hơn, giá trị đồng đô la Mỹ sẽ tăng lên. Ngược lại, khi CPI giảm, quyết định giảm lãi suất của FED sẽ kích thích tiêu dùng, đưa tiền nhiều hơn vào lưu thông, nhu cầu về USD giảm, giá trị của USD sẽ giảm xuống.
PPI – Chỉ số giá sản xuất
Nếu CPI đo lường sự thay đổi giá cả từ quan điểm của người tiêu dùng thì PPI (Producer Price Index) lại đo lường sự thay đổi giá cả từ quan điểm của người bán.
PPI là một nhóm các chỉ số đo lường sự thay đổi trung bình theo thời gian của giá cả hàng hóa và dịch vụ bán ra của các nhà sản xuất trong nước hay nói cách khác, PPI phản ánh được sự thay đổi trong chi phí đầu vào của nhà sản xuất. Mẫu dữ liệu để tính toán chỉ số PPI được lấy từ 10,000 sản phẩm và nhóm sản phẩm riêng lẻ của hầu hết các ngành sản xuất hàng hóa của Hoa Kỳ.
- PPI ảnh hưởng như thế nào đến USD?
PPI được phát hành vào tuần thứ hai của mỗi tháng, bởi Cục Thống kê và Lao động Hoa Kỳ. Dữ liệu của báo cáo PPI là một tỷ lệ phần trăm, cho biết mức độ thay đổi trong giá cả hàng hóa, dịch vụ bán ra của tháng này so với tháng trước.
Cũng tương tự như CPI, dữ liệu của PPI bao gồm 2 loại: PPI và Core PPI, trong đó, Core PPI cũng loại bỏ thực phẩm và năng lượng do 2 mặt hàng này có biến động giá cao.
Mặc dù vẫn được xem là một chỉ báo tốt về lạm phát nhưng PPI không phổ biến như CPI. Và trên thực tế thì báo cáo PPI được xem như là một chỉ báo hàng đầu để trader có thể dự đoán được dữ liệu của CPI trong thời gian tới. Cụ thể:
- Nếu giá trị thực tế của PPI cao hơn dự báo, chứng tỏ chi phí đầu vào của những nhà sản xuất tăng cao hơn 🡪 lạm phát đầu vào. Sự gia tăng về chi phí này cuối cùng cũng sẽ được chuyển cho người tiêu dùng hay người mua hàng hóa, dịch vụ sau cùng, dự báo rằng giá trị thực tế của CPI trong thời gian tới sẽ tăng lên 🡪 đồng USD tăng giá.
- Ngược lại, nếu giá trị thực tế của PPI thấp hơn dự báo 🡪 chi phí đầu vào của nhà sản xuất giảm 🡪 giá hàng hóa thành phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng giảm 🡪 dự kiến CPI sẽ giảm 🡪 đồng USD giảm giá.
Interest Rate – Lãi suất
Chỉ số kinh tế ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường ngoại hối chính là lãi suất được công bố bởi Ngân hàng Trung ương các nước và đặc biệt hơn hết chính là quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).
Và lãi suất liên quan mật thiết với chu kỳ kinh tế, cụ thể:
Khi nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, người dân sẽ có thu nhập cao hơn, thu nhập cao hơn dẫn đến chi tiêu nhiều hơn, họ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua hàng hóa, dịch vụ 🡪 dẫn đến lạm phát, khi lạm phát không được kiểm soát 🡪 NHTW sẽ tăng lãi suất, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn, chi tiêu ít hơn. Về lâu dài, nếu lãi suất tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, tổng thể nền kinh tế trở nên yếu kém 🡪 thì NHTW sẽ lại quyết định giảm lãi suất 🡪 nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt trở lại.
- Lãi suất ảnh hưởng đến USD như thế nào?
Sau khi phân tích tất cả các chỉ số kinh tế nói trên thì có thể thấy được rằng quyết định lãi suất là phản ứng tất yếu của các Ngân hàng Trung ương trước tình hình hiện tại của nền kinh tế được thể hiện thông qua các chỉ số như GDP, CPI… và mục đích chính đó là ổn định giá cả hay kiểm soát lạm phát.
Trên thực tế thì bản thân các quyết định lãi suất của FED thường sẽ ít quan trọng hơn so với kỳ vọng về chính sách lãi suất của FED trong tương lai. Điều này có nghĩa là thay vì lựa chọn chờ đợi lãi suất được công bố để giao dịch, các trader sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chỉ số kinh tế quan trọng khác, phản ánh tình hình kinh tế hiện tại hay cụ thể hơn là lạm phát hiện tại của quốc gia, từ đó nhận định về chính sách tăng hoặc giảm lãi suất của FED để kiểm soát lạm phát, từ đó dự đoán về chiều hướng biến động của USD. Cụ thể:
- Nếu dữ liệu của các chỉ số kinh tế khác cho thấy lạm phát đang tăng cao thì FED sẽ can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Lãi suất tăng làm cho nhu cầu về đô la Mỹ sẽ cao hơn, giá trị của đồng USD sẽ tăng lên.
- Ngược lại, nếu kết quả công bố của các chỉ số kinh tế cho thấy lạm phát giảm thì FED sẽ can thiệp vào nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất, nhu cầu về đô la Mỹ giảm, giá trị đồng đô la Mỹ sẽ giảm xuống.
Còn đối với bản tin công bố quyết định lãi suất, trader có thể sẽ tiếp cận phân tích xu hướng biến động tỷ giá dựa vào chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền trong cặp tỷ giá. Cụ thể:
- Nếu cả 2 đồng tiền đều có lãi suất tăng thì đồng tiền nào có lãi suất tăng cao hơn sẽ có giá trị tăng tương đối so với đồng tiền còn lại.
- Nếu cả 2 đồng tiền đều có lãi suất giảm thì đồng tiền nào có lãi suất giảm ít hơn sẽ có giá trị tăng tương đối so với đồng tiền còn lại.
- Trường hợp lãi suất giữa 2 đồng tiền di chuyển ngược nhau, một tăng, một giảm thì thường sẽ tạo ra biến động lớn trong cặp tỷ giá giữa 2 đồng tiền đó.
Lưu ý khi giao dịch với các chỉ số kinh tế quan trọng
Đối với các trader phân tích cơ bản, thường xuyên trade theo tin thì ngoài việc đọc hiểu dữ liệu của các sự kiện, tin tức trên Lịch kinh tế, dự đoán đúng chiều hướng biến động của tỷ giá thì các bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, nên kết hợp phân tích nhiều chỉ số kinh tế khác nhau
Đối với các trader giao dịch ngắn hạn, lướt sóng, các bạn có thể sử dụng dữ liệu của 1 chỉ số kinh tế duy nhất để vào lệnh. Điều này hoàn toàn khả thi và hiệu quả, bởi lẽ tác động của các chỉ số kinh tế riêng lẻ thường đúng với dự báo trong một khoảng thời gian nhất định khi tin tức được phát hành, giúp các trader lướt sóng mang về lợi nhuận tốt trong ngắn hạn.
Nhưng với các trader giao dịch dài hạn, khi một chỉ số kinh tế được phát hành, các bạn nên kết hợp phân tích thêm với các chỉ số khác đã phát hành trước đó hoặc các dự báo thêm về khả năng của các chỉ báo khác trong tương lai (như trường hợp dữ liệu của PPI hỗ trợ dự báo xu hướng của dữ liệu CPI), nếu các chỉ báo đều cung cấp tín hiệu đồng thuận, xu hướng dự đoán được sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn.
- Thứ hai, kết hợp với công cụ kỹ thuật để vào lệnh hiệu quả
Khi một chỉ số kinh tế được phát hành, các bạn hoàn toàn có thể dự đoán được chiều hướng biến động của cặp tỷ giá liên quan, nhưng nếu tại thời điểm tin tức được phát hành, giá đang chạm vào các vùng giá quan trọng như kháng cự, hỗ trợ hoặc tại đó, thị trường hình thành các mô hình nến, mô hình giá và đều cung cấp tín hiệu đồng thuận với chỉ số kinh tế thì khả năng giá biến động theo chiều hướng dự đoán càng tăng lên. Bên cạnh đó, kết hợp công cụ phân tích kỹ thuật sẽ giúp trader xác định được vị trí vào lệnh cũng như chốt lời, cắt lỗ hiệu quả nhất.
- Thứ ba, không nên giao dịch trước và ngay tại thời điểm ra tin
Với một trader mới, ít kinh nghiệm thực chiến thì các bạn nên tuân thủ nguyên tắc này bởi vì thông thường, khoảng thời gian từ 15 – 30 phút trước khi tin tức được phát hành và ngay tại thời điểm phát hành tin, thị trường sẽ biến động rất mạnh và spread sẽ giãn nở rất lớn.
- Thứ tư, cần siết chặt quản lý lệnh khi giao dịch với tin tức
Bởi vì, thị trường có thể sẽ phản ứng như dự báo khi một tin tức, sự kiện được phát hành, nhưng sau đó, nó vẫn sẽ tiếp tục đi theo xu hướng trước đó.
Ví dụ: dữ liệu Quyết định lãi suất của FED thực tế tăng so với dự báo, trader dự đoán đồng USD sẽ tăng giá nên đặt lệnh Sell trên cặp EUR/USD. Sự kiện này có thể sẽ khiến tỷ giá của cặp EUR/USD giảm xuống do phản ứng tâm lý của đám đông nhưng sau đó, nó có thể sẽ tiếp tục đi theo xu hướng tăng ban đầu.
Điều mà các bạn cần làm chính là kết hợp sử dụng các công cụ kỹ thuật để xác định xu hướng chung hiện tại và nhận định về khả năng đảo chiều của xu hướng, nếu giá phá vỡ trendline của xu hướng hoặc xuất hiện tín hiệu đảo chiều từ indicators… tại thời điểm ra tin thì phản ứng giảm của EUR/USD có thể chính xác là sự đảo chiều, nếu không, đó chỉ là sự điều chỉnh giảm tạm thời của thị trường trước tin tức. Phán đoán chính xác về vấn đề này, trader sẽ chủ động thoát lệnh khi đã đạt lợi nhuận mục tiêu hoặc khi xuất hiện tín hiệu kết thúc đợt điều chỉnh giảm do tin thay vì cứ để lệnh chạy mãi.
Kết luận
Ngoài các chỉ số kinh tế đã được giới thiệu trong bài viết này thì nền kinh tế Mỹ nói riêng và các nền kinh tế khác nói chung còn có những chỉ số quan trọng khác nữa như PMI (Chỉ số quản lý mua hàng), Consumer Spending (Chi tiêu tiêu dùng), Retail sales (Doanh số bán lẻ), Consumer Confidence and Consumer Sentiment (Niềm tin và Tâm lý người tiêu dùng)… các bạn có thể dành thời gian để tìm hiểu thêm về các chỉ số này. Việc am hiểu sâu sắc về các chỉ số kinh tế, đặc điểm nền kinh tế các quốc gia và chính sách của NHTW các nước sẽ giúp các bạn giao dịch hiệu quả hơn trên thị trường, đặc biệt đối với các trader theo trường phái phân tích cơ bản.