Trang chủMô hình 3 con quạ đen (Three Black Crows) – Đặc điểm, ý nghĩa và cách giao dịch

Mô hình 3 con quạ đen (Three Black Crows) – Đặc điểm, ý nghĩa và cách giao dịch

Admin

Mô hình nến (Candlestick patterns) đã trở thành một công cụ giao dịch phổ hiện trên mọi thị trường tài chính như chứng khoán, forex hay tiền điện tử. Mô hình nến là một trong những công cụ của phương pháp phân tích kỹ thuật nói chung và trường phái phân tích hành động giá nói riêng, nhưng ở thời điểm hiện tại, nhờ tính hiệu quả cao mà các mô hình nến ngày càng được ưa chuộng bởi cả những trader phân tích cơ bản.

Sau hàng loạt các mô hình nến mà quocdunginvest.com đã giới thiệu cho các bạn ở những bài viết trước thì lần này sẽ là một mô hình với tên gọi rất đặc biệt: 3 con quạ đen (Three Black Crows). Hình ảnh con quạ đen phần nào cho thấy sự tăm tối của thị trường, phải chẳng sau sự xuất hiện của Three Black Crows, giá sẽ giảm mạnh?

Mô hình 3 con quạ đen – Three Black Crows pattern là gì?

Three Black Crows pattern hoạt động như một mô hình đảo chiều giảm, xuất hiện trong một xu hướng tăng dài hạn, một đoạn xu hướng tăng hoặc một đợt điều chỉnh tăng và báo hiệu xu hướng tăng sắp kết thúc, thị trường có khả năng đảo chiều giảm.

Như tên gọi của nó thì Three Black Crows pattern bao gồm 3 cây nến giảm liên tiếp nhưng không phải cứ xuất hiện 3 cây nến giảm liên tiếp thì đó là mô hình 3 con quạ đen mà chúng cần phải thỏa mãn một vài đặc điểm, nguyên tắc nhất định của mô hình.

Mô hình 3 con quạ đen xuất hiện trên mọi loại thị trường tài chính như chứng khoán, forex, tiền điện tử và mang lại hiệu quả giao dịch cao cho trader, đặc biệt là các price action trader. Tuy nhiên, cũng giống mọi candlestick patterns khác, mô hình này cũng không thể cung cấp tín hiệu chính xác tuyệt đối, do đó, trader cần kết hợp thêm những công cụ, phương pháp phân tích khác như indicators, các yếu tố cơ bản.

Đặc điểm nhận diện mô hình 3 con quạ đen

Mô hình bao gồm 3 cây nến tín hiệu, đều là 3 cây nến giảm, cụ thể:

Cây nến thứ nhất là cây nến giảm, thân nến dài và được hình thành khi xu hướng tăng vẫn đang tiếp tục.

Cây nến thứ hai cũng phải là một cây nến giảm, thân dài. Giá mở cửa của cây nến thứ hai bằng hoặc cao hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất nhưng không được vượt quá mức giá mở cửa của cây nến thứ nhất, tức là nằm khoảng giữa phần thân của nến 1.

Và tất nhiên, cây nến thứ ba cũng phải là một cây nến giảm, thân dài. Tương tự, cây nến thứ ba cũng có giá mở cửa nằm ở khoảng giữa phần thân của nến thứ hai hoặc bằng với mức giá đóng cửa của cây nến thứ hai. Quan trọng hơn, thân nến 3 phải bằng hoặc dài hơn thân nến 2, nếu ngắn hơn thì chứng tỏ lực bán đang giảm đi, khả năng đảo chiều khó có thể xảy ra.

Cây nến thứ hai và thứ ba phải đóng cửa thấp hơn so với cây nến đứng trước nó, tạo thành hình dáng giống như bậc thang.

Ý nghĩa của mô hình 3 con quạ đen

Khi xu hướng tăng đã tồn tại đủ lâu, phe bò – những người đang có lợi nhuận từ xu hướng này bắt đầu e ngại về khả năng xu hướng sẽ đảo chiều, có thể làm giảm đi lợi nhuận của họ, họ bắt đầu giảm mua, chốt lời khiến cho nhu cầu giảm, áp lực mua giảm, tạo điều kiện để phe gấu chen chân vào thị trường. Đó là lý do xuất hiện 2 cây nến giảm đầu tiên của mô hình 3 con quạ đen.

2 cây nến giảm này có thân khá dài, chứng tỏ áp lực bán lớn xuất hiện. Những người đang ở ngoài nhận thấy cơ hội để gia nhập vào thị trường với một xu hướng mới, những nhà đầu cơ bắt đầu bán khống, số còn lại của phe bò nhanh chóng chốt lời, tất cả những hành vi này giúp cho giá tiếp tục giảm mạnh và hình thành cây nến giảm thứ ba.

Với 3 phiên giảm mạnh liên tiếp thì rõ ràng phe bò đang bị đuối sức, phe gấu dường đã chiếm được quyền kiểm soát từ phe bò, khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm.

Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình

Theo nghiên cứu của Bulkowski, xác suất về khả năng đảo chiều giảm sau khi mô hình 3 con quạ đen xuất hiện là 78%, đây không phải là con số nhỏ nhưng cũng không quá lớn để chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tín hiệu mà mô hình này mang lại.

Sự xuất hiện của 3 cây nến giảm thân dài liên tiếp đơn thuần không đảm bảo cho một sự đảo chiều có thể xảy ra, nhưng nếu kết hợp với một số điều kiện sau đây, độ tin cậy của mô hình sẽ cao hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, cây nến 2 không được phá vỡ mức giá cao nhất của cây nến 1. Nghĩa là phần bóng nến trên của cây nến 2 không được vượt quá phần bóng nến trên của cây nến 1. Tương tự, cây nến 3 không được phá vỡ mức giá cao nhất của cây nến 2.

Lý do: nếu mức giá cao nhất của nến 1 bị phá vỡ bởi nến 2 và/hoặc mức giá cao nhất của nến 2 bị phá vỡ bởi nến 3 thì điều đó có nghĩa là lực mua chưa bị suy yếu, phe mua vẫn đang có ý định đẩy giá lên cao hơn, mặc dù áp lực bán hiện tại đang mạnh hơn đã kéo giá xuống thấp. Cho nên, để nói rằng một sự đảo chiều có thể xảy ra sau đó thì hoàn toàn không có khả năng cao.

Thứ hai, cả 3 cây nến trong mô hình đều nên là các mẫu nến Bearish Marubozu. Cây nến Bearish Marubozu là một cây nến giảm với thân rất dài và không có bóng nến hoặc rất ngắn.

Lý do: nếu mô hình 3 con quạ đen bao gồm liên tiếp 3 cây Bearish Marubozu thì điều này càng chứng tỏ không những áp lực bán bắt đầu xuất hiện, tăng lên mà phe bán đã hoàn toàn kiểm soát thị trường trong suốt 3 phiên giao dịch đó với lực bán rất mạnh và không có một cơ hội nào cho phe mua chen chân vào thị trường. Phe bò không còn đủ sức để chiếm lĩnh thị trường và khả năng giá đảo chiều cực kỳ cao.

Thứ ba, nếu không thể là Marubozu thì phần bóng nến dưới rất ngắn hoặc không có bóng nến dưới

Lý do: 3 cây nến của mô hình có bóng nến dưới rất ngắn hoặc không có bóng nến dưới chứng tỏ rằng, sau mỗi một lần giảm giá, có thể phe gấu sẽ nghỉ ngơi một chút, tạo điều kiện cho phe bò có thêm chút hy vọng đưa giá lên tiếp tục xu hướng, nhưng ngay sau đó lập tức phản đòn (có bóng nến trên) và giữ ưu thế cho đến cuối phiên, vì thế mà giá đóng cửa bằng với giá thấp nhất (không có bóng nến dưới).

Thứ tư: nếu mô hình xuất hiện sau một cây nến Doji hoặc gần một cây Doji thì độ tin cậy sẽ cao hơn

Lý do: nến Doji cho biết sự do dự hoặc đấu tranh quyết liệt của cả 2 phe mua và bán, mà nếu mô hình Three Black Crows xuất hiện sau cây nến Doji cùng một xu hướng tăng thì càng chứng tỏ hoặc là phe mua đã không còn mặn mà với thị trường hoặc là pha bán với quyết định cao độ thay đổi cục diện.

Thứ năm: cần sự xác nhận từ khối lượng giao dịch. Nếu hành vi của giá cho biết kết quả diễn biến tâm lý giữa 2 phe mua, bán thì khối lượng giao dịch chính là biểu hiện cho tâm lý đó. Thông thường, trước khi mô hình 3 con quạ đen xuất hiện, khối lượng giao dịch sẽ giảm, cho biết áp lực mua đang giảm dần. Sau đó, khi mô hình xuất hiện, khối lượng sẽ tăng dần, đặc biệt đến phiên giao dịch hình thành cây nến thứ 3, khối lượng thường cao nhất, phe bán dốc hết lực lượng để nắm quyền kiểm soát, khả năng thị trường tiếp tục giảm nhờ áp lực bán tăng cao.

Các bước giao dịch với mô hình 3 con quạ đen

Tương tự với các mô hình nến đảo chiều khác, quy trình giao dịch với Three Black Crows pattern cũng bao gồm 4 bước cơ bản sau:

Bước 1: Xác định xu hướng thị trường

Nếu bạn hiện đang là một price action trader thực thụ hoặc đang theo đuổi phong cách giao dịch này thì chỉ nên sử dụng hành động giá để phân tích và nhận định về xu hướng hiện tại.

Với Price action, các bạn chỉ cần đồ thị giá để nhận định về xu hướng thị trường thông qua một kỹ thuật đơn giản mà hiệu quả, đó là xác định cấu trúc xu hướng.

  • Nếu giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước thì thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Nếu giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước thì thị trường đang trong xu hướng giảm.

Hoặc nếu bạn là một Technical Trader ưa chuộng indicators nhưng vẫn muốn giao dịch với các mô hình nến thì có thể sử dụng indicators để xác định xu hướng.

Có rất nhiều trend indicators mà các bạn có thể sử dụng như MA, MACD, Bollinger Bands, ADX, Parabolic SAR…

Lưu ý: Như đã nói, không nhất thiết phải là một xu hướng tăng dài hạn, mô hình Three Black Crows vẫn có thể xuất hiện và phát ra tín hiệu tin cậy sau một đoạn xu hướng tăng hoặc một đợt điều chỉnh tăng trong một xu hướng giảm dài hạn. Thị trường sau đó có thể đảo chiều giảm, tiếp tục xu hướng giảm hoặc đơn thuần chỉ là một đợt điều chỉnh giảm. Nói chung, cấu trúc chính sẽ là Bullish – Three Black Crows pattern – Bearish.

Bước 2: Nhận diện và xác định độ tin cậy của mô hình

Nếu 3 cây nến giảm liên tiếp xuất hiện chỉ thỏa mãn điều kiện của mô hình 3 con quạ đen tiêu chuẩn, các bạn có thể giao dịch với khối lượng nhỏ hoặc cần thêm tín hiệu xác nhận từ công cụ khác để gia tăng khối lượng.

Ngược lại, nếu mô hình thỏa mãn các điều kiện gia tăng độ tin cậy, chúng ta có thể đặt lệnh với khối lượng cao hơn, tất nhiên cũng sẽ nằm trong phạm vi cho phép theo chiến lược quản lý vốn, quản trị rủi ro trong hệ thống giao dịch của mình.

Bước 3: Vào lệnh

Vị trí vào lệnh của mô hình 3 con quạ đen chính là tại mức giá đóng cửa của cây nến thứ ba, tức là khi mô hình chính thức hoàn thành.

Vì nếu mô hình chưa hoàn thành, khả năng đảo chiều chưa chắc sẽ xảy ra nếu không xuất hiện thêm bất kỳ một tín hiệu đặc biệt nào khác. Còn nếu chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận trong trường hợp này thì giao dịch không còn hiệu quả vì tỷ lệ Risk:Reward không tốt do cả 3 cây nến trong mô hình đều có phần thân dài, nên khoảng cách từ Entry đến Stop loss là khá lớn.

Tuy nhiên, với các pro trader, họ sẽ muốn vào lệnh hơn nếu thị trường pullback sau khi mô hình hoàn thành, nghĩa là thay vì vào lệnh ngay khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa thì họ chờ đợi một đợt pullback xảy ra rồi mới vào lệnh. Đây cũng là cơ hội cho những ai đã bỏ lỡ thời điểm giao dịch với mô hình tại mức giá đóng cửa của nến 3.

Vấn đề quan trọng ở đây là giá sẽ pullback tại đâu?

Nếu giá thực sự pullback, hãy xác định các vùng giá có khả năng là một vùng kháng cự mạnh để thị trường sẽ quay đầu giảm khi chạm đến vùng giá này.

Có rất nhiều kỹ thuật xác định vùng hỗ trợ, kháng cự, các bạn có thể tham khảo thêm qua bài viết sau: Hỗ trợ, kháng cự là gì? Cách xác định và giao dịch hiệu quả.

Bước 4: Đặt stop loss và take profit

Stop loss

Có 2 chiến lược đặt stop loss cơ bản khi giao dịch với mô hình nến 3 con quạ đen.

  • Cách 1: đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình (mức giá cao nhất của cây nến 1), là cách đặt stop loss phổ biến nhất.
  • Cách 2: đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của nến 3, cách này giúp cho tỷ lệ Risk:Reward được cải thiện, đặc biệt trong trường hợp mô hình có độ tin cậy cao hoặc cây nến thứ 3 là một cây Marubozu.

Take profit

Có nhiều kỹ thuật chốt lời khác nhau được áp dụng trên mô hình 3 con quạ đen. Các bạn có thể sử dụng kết hợp indicators hoặc mô hình nến khác để xác định tín hiệu đảo chiều, cũng có thể chốt lời dựa trên tỷ lệ Risk:Reward mục tiêu.

Một số ví dụ về mô hình 3 con quạ đen xuất hiện trên thị trường

Ví dụ 1: mô hình 3 con quạ đen có pullback

Xuất hiện sau một đoạn xu hướng tăng, mô hình 3 con quạ đen trong trường hợp này có độ tin cậy cao vì:

  • Thứ nhất, 3 nến giảm thân dài và xấp xỉ nhau
  • Thứ hai, phần bóng nến dưới của 3 cây nến đều rất ngắn
  • Thứ ba, khối lượng giảm khi giá bắt đầu đi chậm lại tại đỉnh đoạn xu hướng (Volume giảm và nằm dưới MA20), sau đó khối lượng tăng lên khi mô hình 3 con quạ đen xuất hiện (Volume tăng và nằm trên MA20).

Sau khi mô hình hoàn thành, giá không giảm xuống ngay mà pullback về ngưỡng kháng cự gần đó và sau đợt pullback này, giá giảm xuống mạnh mẽ.

Trong trường hợp này, rõ ràng đợt pullback giống như đòn bẩy để đưa giá đi xa hơn, tạo điều kiện cho trader có thêm cơ hội để giao dịch với mô hình nếu đã bỏ lỡ thời điểm vào lệnh lúc mô hình hoàn thánh.

Ví dụ 2: mô hình 3 con quạ đen tiêu chuẩn

Đây là trường hợp mô hình 3 con quạ đen thỏa mãn điều kiện của một mô hình tiêu chuẩn, xuất hiện sau một xu hướng tăng dài hạn. Mặc dù không có thêm những yếu tố gia tăng độ tin cậy nhưng mô hình vẫn xảy ra đúng, thị trường vẫn đảo chiều ngay sau khi mô hình này hoàn thành.

Ví dụ 3: mô hình 3 con quạ đen không xảy ra đúng

Đây cũng là một mô hình 3 con quạ đen tiêu chuẩn, xuất hiện sau một xu hướng tăng dài trước đó. Mô hình cũng khá đẹp khi mà cây nến thứ 3 là một cây Marubozu, nhưng tiếc là nó đã không xảy ra đúng, mặc dù giá có giảm nhưng rất ít, không đáng kể và thị trường lập tức tiếp tục xu hướng tăng.

Và lý do có thể giải đáp cho việc mô hình 3 con quạ đen không xảy ra đúng trong trường hợp này chính là khối lượng giao dịch. Khối lượng trong 3 phiên giao dịch hình thành nên Three Black Crows pattern đang giảm và thấp hơn giá trị trung bình, áp lực bán không lớn nên sự xuất hiện của 3 cây nến giảm lúc này đơn thuần chỉ là một đợt kiểm tra lại nguồn cung của cá mập trước khi họ tiếp tục đẩy giá lên cao hơn.

Tóm lại, không phải cứ nhìn thấy mô hình 3 con quạ đen xuất hiện là chúng ta có thể đặt lệnh ngay, 22% số lần không xảy ra đúng của mô hình hoàn toàn có thể giết chết trader nếu không thận trọng hơn khi giao dịch. Do đó, đối với mô hình 3 con quạ đen hay bất kỳ một mô hình nến nào, chúng ta cũng nên kết hợp thêm tín hiệu từ những công cụ phân tích khác để giao dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình 3 con quạ đen

Tiếp đến, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một số chiến lược giao dịch cụ thể với mô hình nến Three Black Crows.

Chiến lược giao dịch với mô hình 3 con quạ đen kết hợp chỉ báo RSI

Nếu các bạn có theo dõi những bài viết về mô hình nến của chúng tôi thì sẽ dễ dàng nhận thấy một điều rằng, chỉ báo RSI luôn được sử dụng kết hợp trong các chiến lược giao dịch với mô hình nến.

RSI cung cấp 2 loại tín hiệu: quá mua/quá bán và phân kỳ/hội tụ. Cả 2 loại tín hiệu này đều hoạt động hiệu quả khi kết hợp với tín hiệu từ mô hình nến.

Chiến lược 1: Sử dụng tín hiệu quá mua từ RSI và tín hiệu đảo chiều giảm từ mô hình 3 con quạ đen.

Cách giao dịch như sau: Tại thời điểm trước khi mô hình xuất hiện, nếu RSI đang đi vào vùng quá mua, tức là đang nằm trên ngưỡng 70 và có xu hướng giảm xuống thì tín hiệu giá đảo chiều giảm sau khi mô hình 3 con quạ đen hoàn thành được củng cố. Vào lệnh Sell khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa, đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình. Với chiến lược này, chúng ta có nhiều kỹ thuật chốt lời khác nhau, có thể sử dụng tín hiệu quá bán từ RSI, từ mô hình nến đảo chiều tăng hay một công cụ, phương pháp khác.

Ví dụ:

Trước khi mô hình 3 con quạ đen xuất hiện thì RSI đã vượt lên trên ngưỡng 70 và trong quá trình 3 cây nến giảm của mô hình hoàn thành, RSI cũng bắt đầu quay trở lại xuống dưới ngưỡng này. Tín hiệu đảo chiều giảm phát ra từ mô hình được xác nhận lại bởi RSI.

Trong trường hợp này, sau khi giá giảm xuống theo dự đoán được một thời gian thì trên RSI xuất hiện tín hiệu quá bán, RSI vượt xuống dưới đường 30. Chờ cho RSI cắt đường 30 từ dưới lên thì chúng ta có thể đóng lệnh. Và trên đồ thị giá cũng đồng thời xuất hiện một cây Bullish Reversal Pin bar, cũng dự báo về khả năng giá sẽ tăng trở lại, các bạn cũng có thể chốt lời khi cây nến này đóng cửa.

Chiến lược 2: Sử dụng tín hiệu phân kỳ từ RSI và tín hiệu đảo chiều giảm từ mô hình 3 con quạ đen

Cách giao dịch như sau: Tại thời điểm mô hình 3 con quạ đen hình thành mà đồng thời xuất hiện sự phân kỳ giữa giá và RSI thì tín hiệu đảo chiều giảm được củng cố. Vào lệnh ngay khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa. Đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình. Với Take profit, tương tự, chúng ta có nhiều kỹ thuật chốt lời khác nhau, có thể sử dụng tín hiệu quá bán, tín hiệu hội tụ từ RSI, từ mô hình nến đảo chiều tăng hay một công cụ, phương pháp khác.

Ví dụ

Sự phân kỳ giữa giá và RSI xảy ra ngay trước khi mô hình 3 con quạ đen xuất hiện, và một khi mô hình này hoàn thành thì khả năng giá đảo chiều giảm sẽ cao hơn, nhờ tín hiệu được củng cố bởi RSI.

Trong trường hợp này, sau khi thị trường đi đúng xu hướng được một thời gian thì xuất hiện tín hiệu hội tụ giữa giá và RSI, dự báo khả năng giá đảo chiều tăng, cùng lúc đó, trên đồ thị giá hình thành mô hình Morning Star, tín hiệu đảo chiều tăng được củng cố, là thời điểm để chúng ta có thể ra quyết định đóng lệnh hợp lý nhất. Và kết quả là giá đã đảo chiều tăng đúng như tín hiệu mà Morning Star pattern và RSI đã cung cấp.

Chiến lược giao dịch với mô hình 3 con quạ đen kết hợp chỉ báo MA

Đường trung bình động MA là chỉ báo cực kỳ đơn giản mà hiệu quả trong việc xác định xu hướng thị trường.

Vì có thể xuất hiện vào cuối một xu hướng tăng dài hạn, 1 đoạn xu hướng tăng hoặc một đợt điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm, cho nên, khi giao dịch mô hình 3 con quạ đen kết hợp với đường MA, chúng ta cần xác định rõ xu hướng hiện tại đang ở cấp độ nào, động lực ra sao để có chiến lược giao dịch hiệu quả nhất.

Cách giao dịch cụ thể như sau:

  • Sử dụng đường MA200 để xác định xu hướng chung dài hạn: Nếu phần lớn giá nằm trên MA200 thì thị trường đang trong xu hướng tăng, phần lớn giá nằm dưới MA200 thì thị trường đang trong xu hướng giảm
  • Tiếp đến, sử dụng MA50 để xác định sức mạnh của xu hướng hiện tại: 
  • Xu hướng dài hạn đang tăng: lực xu hướng còn mạnh nếu phần lớn các mức giá đều nằm trên MA50
  • Xu hướng dài hạn đang giảm: lực xu hướng còn mạnh nếu phần lớn các mức giá đều nằm dưới MA50

Trường hợp xu hướng dài hạn là xu hướng giảm

  • Nếu xu hướng giảm còn mạnh: mô hình 3 con quạ đen có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối đợt điều chỉnh tăng. Sử dụng tín hiệu giá pullback MA50 để giao dịch, cụ thể, mô hình 3 con quạ đen xuất hiện khi giá pullback về MA50 → tín hiệu giá quay đầu giảm được củng cố, vào lệnh ngay khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa, stop loss ngay trên swing high gần nhất.
  • Nếu xu hướng giảm suy yếu, thì 3 cây nến giảm liên tiếp xuất hiện vào cuối một xu hướng giảm không đủ điều kiện là một mô hình 3 con quạ đen. Không giao dịch trong trường hợp này.

Trường hợp xu hướng dài hạn là xu hướng tăng

  • Nếu xu hướng tăng còn mạnh: cần thêm tín hiệu từ công cụ khác để xác nhận tín hiệu đảo chiều giảm từ mô hình 3 con quạ đen.
  • Nếu xu hướng tăng đang suy yếu: sử dụng tín hiệu giá breakout MA200 để giao dịch, cụ thể, nếu mô hình 3 con quạ đen xuất hiện cũng là lúc giá cắt đường MA200 từ trên xuống thì tín hiệu giá đảo chiều giảm được củng cố, vào lệnh ngay khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa, stop loss ngay trên đỉnh xu hướng tăng.

Ví dụ:

Phần lớn các mức giá đều nằm dưới MA200, chứng tỏ thị trường đang trong một xu hướng giảm dài. Khi tiếp tục sử dụng MA50, các mức giá cũng hầu như nằm dưới đường trung bình trượt này, cho thấy xu hướng giảm đang khá mạnh.

Khi mô hình 3 con quạ đen dần hoàn thành, quan sát trên đồ thị giá thì thấy rằng giá đã kết thúc đợt pullback tại MA50 và tiếp tục trở lại xu hướng giảm. Mô hình 3 con quạ đen xuất hiện sau đợt pullback này lại càng xác nhận cho tín hiệu giá chắc chắn sẽ giảm xuống.

Có 2 cách vào lệnh trong tình huống này, hoặc là vào lệnh khi cây nến thứ ba của mô hình đóng cửa (Entry 1) hoặc là chờ cho giá pullback MA50 lần nữa rồi vào lệnh (Entry 2). Đối với chiến lược này, các bạn có thể đóng lệnh khi giá cắt và đóng cửa phía trên đường MA50 một cách rõ ràng, nhưng ở thời điểm hiện tại thì giá vẫn duy trì xu hướng giảm, vẫn nằm dưới đường MA50.

Kết luận

Mô hình 3 con quạ đen xuất hiện khá phổ biến trên nhiều thị trường khác nhau, từ forex đến kim loại, cổ phiếu… cung cấp tín hiệu rõ ràng và cách giao dịch cũng không quá phức tạp, đó chính là những ưu điểm mà mô hình mang lại cho trader. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của mô hình này chính là vị trí vào lệnh không tối ưu, 3 thân nến giảm lớn đã làm mất đi khá nhiều lợi nhuận trong khi những phương pháp khác có thể bắt được sóng ngay tại đỉnh xu hướng. Và như đã nói, nếu chỉ sử dụng riêng lẻ tín hiệu từ mô hình thì cũng khá rủi ro vì không phải lúc nào mô hình cũng xảy ra đúng. Do đó, chiến lược giao dịch với mô hình 3 con quạ đen tốt nhất chính là chiến lược kết hợp với những công cụ khác một cách hợp lý nhất. Và hy vọng rằng, với những chiến lược mà chúng tôi đã giới thiệu đến các bạn trong bài viết này sẽ là những hướng dẫn cụ thể nhất để các bạn có thể tự xây dựng được một chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với Three Black Crows pattern.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình 3 con quạ đen (Three Black Crows) – Đặc điểm, ý nghĩa và cách giao dịch
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan