- Các thuật ngữ cơ bản nhất
- Các thuật ngữ liên quan đến Margin
- Các loại giá trong giao dịch forex
- Các loại lệnh trong giao dịch forex
- Tên lóng của các cặp tiền chính
- Các thuật ngữ liên quan đến xu hướng thị trường
- Các loại tài khoản forex
- Các loại chi phí trong giao dịch forex
- Các thuật ngữ liên quan đến Lệnh (Order)
- Một số thuật ngữ quan trọng khác
- Tên viết tắt các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới
Đối với một trader mới, chắc chắn các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những thuật ngữ mới lạ, được các chuyên gia, tác giả sử dụng trong những bài phân tích, bài báo cáo về thị trường ngoại hối. Đa số những thuật ngữ này được dùng riêng trong giao dịch forex hoặc cũng có những thuật ngữ được sử dụng nhiều trong kinh tế tài chính nhưng nó lại có những đặc điểm riêng trên thị trường forex.
Một trong những điều khó khăn nhất của trader mới là khi chưa hiểu ý nghĩa của những thuật ngữ này sẽ khiến cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về forex thông qua các bài viết, bài nói bị gián đoạn. Hiểu được điều này, quocdunginvest.com đã tổng hợp hơn 50 thuật ngữ cơ bản nhất trong forex, sắp xếp theo từng nội dung cụ thể để các bạn tiện theo dõi. Nắm vững những thuật ngữ này, quá trình nghiên cứu về forex của bạn sẽ trở nên suôn sẻ hơn. Cùng tìm hiểu nhé.
Các thuật ngữ cơ bản nhất
Ask/Bid
Ask: Giá mua hay giá khớp lệnh mua. Đây là mức giá mà thị trường chào bán cho bạn. Khi bạn đặt lệnh mua (Buy), lệnh của bạn sẽ được khớp với mức giá Ask này.
Bid: giá bán hay giá khớp lệnh bán. Ngược lại, Bid là mức giá mà thị trường chào mua. Khi bạn đặt lệnh bán (Sell), lệnh của bạn sẽ được khớp với mức giá Bid này.
Trên thị trường ngoại hối giao ngay, tỷ giá của một cặp tiền được thể hiện như sau: ví dụ EUR/USD 1.23456/66, thì giá Ask là 1.23466, giá Bid là 1.23456, giá Bid luôn nhỏ hơn hoặc bằng giá Ask.
Trong phần mềm giao dịch, 2 mức giá này được thể hiện rất rõ ràng ở 2 cột khác nhau, giúp trader dễ dàng quan sát.
Pip
Pip là viết tắt của cụm từ percentage in point (điểm phần trăm), được hiểu là đơn vị đo lường sự biến động giá của các tài sản trên thị trường forex
Đối với các cặp tiền, pip đo lường sự biến động về giá trị của 2 đồng tiền hay nói chính xác hơn là sự thay đổi nhỏ nhất trong tỷ giá của cặp tiền đó.
Ngoại trừ các cặp tỷ giá có chứa JPY thì các cặp còn lại có tỷ giá bao gồm 5 chữ số thập phân và pip được xác định từ vị trí của chữ số thập phân thứ 4. Còn trong các cặp chứa JPY thì pip được xác định từ vị trí của chữ số thập phân thứ 2.
Ví dụ, tỷ giá của USD/CAD tăng từ 1.23478 lên 1.23499 thì ta có thể nói tỷ giá cặp này tăng lên 2.1 pips. Hay cặp USD/JPY giảm từ 110.476 xuống 110.234 thì ta nói tỷ giá này giảm xuống 24.2 pips.
Spread
Là chênh lệch giữa giá mua (Ask) và giá bán (Bid) tại một thời điểm nhất định. Trên thị trường forex, giá cả biến động liên tục nên spread cũng thay đổi liên tục.
Spread = giá Ask – giá Bid, được xác định bằng số pip.
Ví dụ: cặp tiền EUR/USD có báo giá ở thời điểm hiện tại như sau: Ask = 1.23456, Bid = 1.23450. Vậy, spread hiện tại trên cặp tiền này là 0.6 pips.
Bên cạnh commission thì spread cũng là một loại chi phí giao dịch mà các bạn phải trả cho sàn forex. Bởi vì, khi đặt lệnh Buy, giá được khớp sẽ là giá Ask, nhưng khi đóng lệnh, giá được khớp lại là giá Bid, ngược lại, khi đặt lệnh Sell, giá được khớp là Bid nhưng khi đóng lệnh, giá được khớp là giá Ask. Ở cả 2 trường hợp, lợi nhuận của bạn sẽ bị giảm đi một phần chính bằng giá Ask – giá Bid, nhưng với lệnh Buy, chi phí này được tính ở thời điểm mở lệnh, còn với lệnh Sell, chi phí được tính ở thời điểm đóng lệnh.
Lot
Lot hay còn gọi là lô, là đơn vị đo khối lượng giao dịch trên thị trường forex. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm giao dịch mà giá trị của lot sẽ khác nhau.
Ví dụ: 1 lot của cặp tỷ giá = 100.000 đơn vị tiền tệ cơ bản (tức đồng tiền đứng trước), chẳng hạn như 1 lot cặp EUR/USD = 100.000 EUR, hay 1 lot cặp USD/CHF = 100.000 USD.
1 lot của vàng = 100 ounces, 1 lot dầu thô = 1,000 thùng…
Ngoài lot thì còn có các đơn vị nhỏ hơn như mini lot = 0.1 lots hay micro lot = 0.01 lots.
Các thuật ngữ liên quan đến Margin
CFD
CFD hay Hợp đồng chênh lệch (Contract For Difference) là một loại hàng hóa (hay công cụ) phái sinh, hợp đồng này là sự thỏa thuận giữa 2 bên mua – bán về việc phải thanh toán cho bên còn lại phần chênh lệch giữa giá trị của một loại tài sản ở thời điểm hợp đồng được mở và giá trị của tài sản khi hợp đồng kết thúc.
Mang bản chất của một loại hàng hóa phái sinh, nên khi giao dịch CFD, các bạn không nhất thiết phải sở hữu tài sản mà đơn giản chỉ là dự đoán giá của nó sẽ tăng lên hay giảm xuống, đồng nghĩa với việc bạn có thể mang về lợi nhuận hoặc chịu thua lỗ ngay cả khi thị trường đi lên hay đi xuống.
Ví dụ: bạn dự đoán tỷ giá EUR/USD sẽ tăng lên, bạn đặt lệnh Buy (mở hợp đồng CFD với vị thế mua), khi giá tăng lên như dự đoán, bạn đóng lệnh (kết thúc hợp đồng CFD), bên bán đối ứng sẽ thanh toán phần chênh lệch giá cho bạn, chính là lợi nhuận bạn nhận được cho giao dịch này.
Leverage
Leverage: đòn bẩy, là công cụ đặc trưng trong giao dịch Hợp đồng chênh lệch CFD, công cụ này có khả năng giúp cho các bạn kiểm soát được lượng vốn đầu tư cao hơn nhiều so với lượng vốn đang nắm giữ. Nghĩa là, nhờ có đòn bẩy, bạn có thể đặt lệnh có giá trị lớn hơn nhiều lần so với số dư trong tài khoản.
Ví dụ: bạn muốn giao dịch một lệnh Buy trên cặp USD/CAD có giá trị 100.000 USD (tương ứng với khối lượng 1 lot), trong khi tài khoản của bạn chỉ có 1.000$. Lúc này, bạn có thể sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ 1:100 để đặt 1 lot theo như nhu cầu của mình.
Đòn bẩy có thể giúp bạn gia tăng lợi nhuận trên số vốn nhỏ nhưng cũng có thể khiến cho rủi ro tăng lên tương ứng.
Margin/Margin Rate/Equity/Margin Call/Stop out
Margin hay ký quỹ là số tiền tối thiểu mà các bạn phải đặt cọc để mở một giao dịch.
Margin Rate: tỷ lệ ký quỹ, là tỷ lệ phần trăm giữa số tiền cần đặt cọc với số tiền cần thiết cho một giao dịch (giá trị của lệnh).
Ví dụ: bạn muốn đặt mua 1 lot cặp USD/CAD, số tiền cần thiết phải có để thực hiện được giao dịch này hay giá trị của lệnh này là 100,000 USD. Bạn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 1:200, tương đương với Margin Rate là 0.5%, suy ra, số tiền ký quỹ Margin sẽ là 500 USD.
Used Margin: là tổng số tiền ký quỹ đã sử dụng cho tất cả các lệnh đang mở.
Free Margin: là số tiền còn lại của tài khoản sau khi đã trừ đi tổng ký quỹ đã sử dụng, và cũng là số tiền dùng để mở một lệnh mới. Free Margin = Equity – Used Margin
Margin Level: mức ký quỹ = (Equity/Used Margin)*100%
Equity
Equity là vốn chủ sở hữu, nếu không có lệnh nào đang mở thì equity chính bằng số dư hiện tại (balance) của tài khoản, ngược lại, nếu có lệnh đang mở thì equity chỉ là số dư tạm thời. Equity sẽ liên tục thay đổi dựa vào khoản tiền lợi nhuận hoặc thua lỗ tạm thời của các lệnh đang chạy.
Equity = Số tiền nạp vào tài khoản + Lợi nhuận – Thua lỗ
Margin Call: lệnh gọi ký quỹ, là một cảnh báo của sàn forex gửi đến tài khoản của bạn khi mức ký quỹ Margin Level giảm đến một tỷ lệ nào đó (thường <100%) tùy thuộc vào quy định của sàn. Khi có Margin Call xuất hiện đồng nghĩa với tài khoản của bạn đang gặp nguy hiểm, thông báo này nhằm kêu gọi bạn phải nạp thêm tiền vào tài khoản hoặc phải đóng lại các lệnh đang thua lỗ.
Stop out: Mức ngưng giao dịch. Khi Margin Level giảm xuống đến một giới hạn nào đó (thấp hơn tỷ lệ áp dụng cho Margin Call) thì sàn forex sẽ tự động đóng tất cả các lệnh đang chạy của bạn. Sàn forex buộc phải làm điều này vì họ không muốn bạn mất nhiều hơn số tiền đã nạp vào (nghĩa là tài khoản bị âm). Tài khoản âm tức là sàn forex đã cho bạn mượn tiền để trả cho bên giao dịch đối ứng với bạn (bên thắng), nếu bạn không tiếp tục nạp tiền vào để bù lại số tiền âm đó thì sàn forex coi như đã mất đi số tiền cho mượn đó. Stop out là một chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi cho chính sàn forex.
Các loại giá trong giao dịch forex
OHLC
Là 4 mức giá trong một phiên giao dịch, bao gồm:
- Open: giá mở cửa, là giá bắt đầu của một phiên giao dịch
- High: giá cao nhất, là mức giá cao nhất đạt được trong phiên giao dịch
- Low: giá thấp nhất, là mức giá thấp nhất đạt được trong phiên trong giao
- Close: giá đóng cửa, là giá kết thúc của phiên giao dịch
4 mức giá này tạo nên hình dáng của một cây nến. Khi một phiên giao dịch bắt đầu, cây nến sẽ hình thành từ mức giá mở cửa, trong suốt phiên, giá liên tục tăng giảm, mức giá cao nhất sẽ hình thành nên bóng nến trên, giá thấp nhất sẽ tạo nên bóng nến dưới. Khi phiên giao dịch kết thúc, giá đóng cửa sẽ tạo ra một khoảng cách với giá mở cửa và xác định thân của cây nến.
Các loại lệnh trong giao dịch forex
Buy/Sell
Buy – Mua, Sell – Bán: là 2 lệnh cơ bản trong giao dịch forex. Nếu dự đoán tỷ giá của cặp tài sản sẽ tăng lên trong tương lai, các bạn đặt lệnh Buy (mở vị thế mua), ngược lại, nếu dự đoán giá sẽ giảm, các bạn đặt lệnh Sell (mở vị thế bán). Để chốt lợi nhuận, các bạn chỉ cần đóng lệnh chứ không cần mở vị thế mua hoặc bán ngược lại.
Pending Order
Là loại lệnh sẽ không được khớp ngay với mức giá hiện tại của thị trường. Nhà đầu tư sẽ thiết lập một mức giá như kỳ vọng của họ, cao hoặc thấp hơn mức giá hiện tại, khi giá trên thị trường chạm đến mức giá này, lệnh của nhà đầu tư sẽ tự động được khớp.
Buy Limit/Sell Limit
Buy Limit: lệnh giới hạn mua, nhà đầu tư sử dụng lệnh này khi muốn mua với mức giá thấp hơn so với giá hiện tại của thị trường. Thông thường, nhà đầu tư sẽ sử dụng lệnh Buy Limit để chờ đợi giá chạm hỗ trợ và bắt đầu mua lên.
Sell Limit: lệnh giới hạn bán, nhà đầu tư sử dụng lệnh này khi muốn bán với mức giá cao hơn so với giá hiện tại của thị trường. Lệnh Sell Limit thường dùng trong trường hợp trader chờ giá chạm kháng cự và bắt đầu bán xuống.
Buy Stop/Sell Stop
Buy Stop: lệnh dừng mua, lệnh này được sử dụng khi nhà đầu tư muốn mua với mức giá cao hơn so với giá hiện tại của thị trường. Ngược lại với Buy Limit, lệnh Buy Stop được dùng trong trường hợp trader chờ giá phá vỡ kháng cự và đi lên.
Sell Stop: lệnh dừng bán, khi nhà đầu tư muốn bán với mức giá thấp hơn so với giá hiện tại của thị trường. Khi trader đang chờ đợi giá phá vỡ hỗ trợ và đi xuống, họ sẽ dùng lệnh Sell Stop.
Cả 4 lệnh Buy Limit/Sell Limit và Buy Stop/Sell Stop đều là các lệnh chờ (Pending Order), nhà đầu tư sẽ thiết lập một mức giá kỳ vọng, khi giá thị trường tăng lên hoặc giảm xuống và chạm vào mức giá đó, lệnh của họ sẽ được tự động khớp.
Tên lóng của các cặp tiền chính
Aussie
Là tên lóng của cặp tiền AUD/USD. Aussie ở đây có nghĩa là người Úc, nên người ta lấy thuật ngữ Aussie để gọi tên cặp tiền này.
Cable
Cable hay Cab là tên lóng của cặp tiền GBP/USD. Tên gọi này xuất phát từ việc một dây cáp được đặt xuyên Đại Tây Dương để kết nối 2 sàn giao dịch của Anh và Mỹ lại với nhau (từ năm 1858).
Fiber
Là tên lóng của cặp tiền EUR/USD. Fiber cũng bắt nguồn từ tên của một loại dây cáp mà châu Âu sử dụng để nâng cấp đường dây truyền tin tức liên quan đến thị trường forex một cách nhanh chóng hơn.
Kiwi
Là tên lóng của cặp tiền tệ NZD/USD. Nguồn gốc của tên gọi này thì vô cùng dễ hiểu bởi vì Kiwi chính là quốc điểu của New Zealand.
Loonie
Là tên lóng của cặp tiền USD/CAD. Người ta sử dụng cái tên này là vì Loonie là tên của một loài chim được in trên đồng 1 đô la của Canada.
Ninja
Là tên lóng của cặp tiền USD/JPY. Người ta sử dụng tên gọi này đơn giản là vì Ninja đến từ Nhật Bản.
Swissy
Là tên lóng của cặp tiền USD/CHF. Ý nghĩa của tên gọi này cũng khá dễ hiểu vì swissy có nghĩa là người Thụy Sĩ.
Các thuật ngữ liên quan đến xu hướng thị trường
Trend
Chính là xu hướng của thị trường. Giá cả trên thị trường luôn đi theo một xu hướng nào đó, có thể tăng (up trend), giảm (down trend) hoặc đi ngang (sideway). Nhận biết được xu hướng (trend) hiện tại và dự đoán chính xác xu hướng trong tương lai là các bạn đã thành công trên thị trường này.
Bullish/Bearish hay Bull/Bear
Bullish hay bullish market là thuật ngữ dùng để chỉ một thị trường tăng giá, nghĩa là giá cả các loại tài sản ở thị trường đó đang có xu hướng tăng lên nhanh hơn so với mức trung bình trong lịch sử, diễn ra trong khoảng thời gian dài đi kèm khối lượng lớn.
Ngược lại, Bearish hay bearish market ám chỉ một thị trường giảm giá, ở đó, giá cả các loại tài sản đang có xu hướng giảm xuống thấp hơn mức trung bình trong lịch sử, trong một thời gian dài và kèm theo khối lượng giao dịch lớn.
Bull/Bear market thực chất cũng giống như Bullish/Bearish market. Sử dụng hình ảnh con bò (bull) để ám chỉ thị trường tăng giá là vì con bò có xu hướng dùng cặp sừng để tấn công đối thủ từ dưới lên, ngược lại hình ảnh con gấu dùng chân trước giáng một đòn mạnh mẽ từ trên xuống được sử dụng để đại diện cho thị trường giảm giá.
Các loại tài khoản forex
Demo Account
Là tài khoản dùng thử mà sàn forex cung cấp cho khách hàng, các bạn có thể sử dụng tài khoản này để trải nghiệm giao dịch forex. Điều kiện giao dịch trên Demo Account gần giống nhưng không hoàn toàn như trên thị trường thực, tuy nhiên, các bạn có thể sử dụng tất cả các công cụ phân tích, chiến lược giao dịch như đối với thị trường thực.
Demo Account được cung cấp miễn phí, các bạn có thể mở tài khoản với nhiều mức tiền nạp khác nhau (tiền ảo), tùy thuộc vào sàn forex. Demo Account cũng được giao dịch trên phần mềm forex giống như tài khoản thực.
Live Account
Là tài khoản forex thực, muốn giao dịch được trên thị trường này, các bạn phải mở tài khoản thực, nạp tiền thực vào tài khoản thì mới đặt được lệnh. Tất nhiên, khi giao dịch với tài khoản thực, điều kiện giao dịch là của thị trường thực, lợi nhuận là tiền thật mà rủi ro thua lỗ cũng là tiền thật.
Các loại chi phí trong giao dịch forex
Commission
Commission hay phí hoa hồng, là loại chi phí giao dịch mà sàn forex sẽ thu của bạn cho mỗi lần đặt lệnh. Phí này sẽ được tính trên cả 2 chiều của một giao dịch, nghĩa là cả khi mở lệnh và đóng lệnh. Tuy nhiên, commission sẽ được trừ ngay một lần vào số dư khi bạn mở lệnh và sẽ không bị trừ lần nữa khi đóng lệnh.
Phí commission thường được các broker công bố dưới dạng: x$/lot/2 chiều, x$/1 triệu $ giao dịch hoặc x%/giá trị giao dịch của lệnh và phí này được thể hiện ngay tại khu vực quản lý lệnh trên phần mềm giao dịch.
Swap
Swap hay phí qua đêm là một loại chi phí đặc biệt trong giao dịch forex. Các bạn sẽ phải trả loại chi phí này cho sàn forex khi giữ lệnh qua đêm và trong cặp tiền bạn đang giao dịch, lãi suất của đồng tiền mua vào thấp hơn lãi suất của đồng tiền bán ra. Và ngược lại, các bạn sẽ được cộng phí này vào tài khoản nếu lãi suất của đồng tiền mua vào cao hơn lãi suất của đồng tiền bán ra.
Các thuật ngữ liên quan đến Lệnh (Order)
Entry
Entry – điểm vào lệnh là thời điểm hay vị trí mà các bạn bắt đầu cho một giao dịch mua hoặc bán của mình. Mỗi một chiến lược hay công cụ phân tích sẽ cho ra một vị trí vào lệnh khác nhau, có thể là tại các vị trí như ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, tại các mức giá đóng cửa, mở cửa hoặc cao nhất, thấp nhất của một cây nến hoặc tại các thời điểm như khi giá phá vỡ đường xu hướng, khi giá vừa thoát ra khỏi đường biên của dải Bollinger Bands, khi giá vừa chạm vào các tỷ lệ của Fibonacci…
Còn trên đồ thị giá, entry sẽ được thể hiện bằng chính mức giá mà lệnh được khớp. Entry sẽ quyết định đến số tiền lãi, lỗ trên mỗi giao dịch.
Stop loss/Take profit
Stop loss là lệnh dừng lỗ. Lệnh này giúp trader giới hạn thua lỗ của lệnh ở một mức tối đa cho phép trong trường hợp thị trường đi ngược hướng dự đoán. Đối với lệnh Buy, điểm stop loss sẽ nằm dưới điểm vào lệnh (Entry) và với lệnh Sell, stop loss sẽ nằm trên điểm vào lệnh.
Take profit là lệnh chốt lời. Lệnh này thì ngược lại với stop loss, trader sử dụng take profit để chốt lợi nhuận ở một mức kỳ vọng nào đó khi thị trường đi đúng hướng dự đoán. Điểm take profit của lệnh Buy sẽ nằm phía trên điểm vào lệnh (Entry) và của lệnh Sell là nằm dưới điểm vào lệnh.
Trailing stop
Là một lệnh cắt lỗ di động, nó sẽ chuyển động cùng chiều với xu hướng của lệnh. Trailing stop được sử dụng trong trường hợp lệnh của bạn đang có lời với mục tiêu là chốt từng phần lợi nhuận hoặc hạn chế thua lỗ. Nếu là lệnh Buy, điểm cắt lỗ sẽ tự động di chuyển đi lên một số pip nhất định mà bạn đã cài đặt trước đó hoặc sẽ di chuyển xuống dưới nếu là lệnh Sell. Trong trường hợp giá đi ngược lại xu hướng dự đoán, điểm cắt lỗ sẽ không di chuyển mà sẽ đứng yên như một lệnh stop loss bình thường.
Requote
Requote: báo giá lại, là khi sàn forex không thể khớp lệnh dựa theo mức giá tại thời điểm mà bạn đã đặt lệnh, nguyên nhân có thể là do giá biến động mạnh, đặc biệt là khi có một tin tức quan trọng nào đó được công bố.
Trong giao dịch forex, khi bạn quyết định mua hoặc bán một cặp tỷ giá nào đó, bạn sẽ nhấn nút Buy hoặc Sell và lệnh sẽ được khớp ngay với mức giá hiện tại (lúc bạn nhấn nút đặt lệnh). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khi sàn nhận lệnh của bạn và chuyển ra thị trường, giá đã di chuyển rất nhanh vì một lý do nào đó, nên lệnh của bạn không thể được thực hiện với mức giá như ban đầu. Lúc này, thông báo requote sẽ xuất hiện trên phần mềm giao dịch, cho bạn biết rằng giá đã thay đổi và bạn có thể chấp nhận mức giá đó hoặc hủy lệnh.
Tại các sàn forex uy tín và tính thanh khoản cao, hiện tượng requote thường không xảy ra.
Slippage
Slippage: trượt giá, là một hiện tượng thường xảy ra trong giao dịch forex, khi một giao dịch được thực hiện mà mức giá khớp lệnh khác với mức giá lúc đặt lệnh (mức giá hiện tại của thị trường lúc nhấn nút đặt lệnh).
Khi bạn nhấn nút đặt lệnh trên phần mềm giao dịch, sẽ tồn tại một khoảng thời gian rất nhỏ để lệnh được chuyển ra và thực hiện trên thị trường. Khoảng thời gian này đủ để một biến động giá đủ lớn tạo nên chênh lệch giữa mức giá mong muốn của bạn lúc đặt lệnh và mức giá mà lệnh được khớp.
Có 2 tình huống xảy ra:
- Giá khớp lệnh tốt hơn giá đặt lệnh: slippage tích cực
- Giá khớp lệnh không tốt hơn giá đặt lệnh: slippage tiêu cực
Một số thuật ngữ quan trọng khác
Breakout/False breakout
Breakout là hiện tượng giá phá vỡ khỏi một ngưỡng hay một vùng giá quan trọng mà nó đã duy trì trong một khoảng thời gian nhất định trước đó. Sau khi breakout thành công, thị trường có xu hướng đi theo chiều hướng phá vỡ của giá.
False breakout hay phá vỡ giả là khi giá đã thoát khỏi ngưỡng giá hay vùng giá quan trọng đã nhắc đến ở trên, nhưng ngay sau đó lập tức quay trở lại vào bên trong vùng giá đó, duy trì thêm một thời gian nữa hoặc phá vỡ thành công ở chiều hướng ngược lại so với ban đầu.
Broker
Broker: công ty môi giới hay sàn forex, là thực thể trung gian, kết nối cung và cầu trên thị trường ngoại hối, tức là khi bạn muốn mua sẽ có người khác muốn bán và ngược lại. Broker có nhiệm vụ giúp nhà đầu tư truy cập vào mạng lưới forex toàn cầu bằng cách nhận báo giá từ những nhà cung cấp thanh khoản sau đó chuyển báo giá đến nhà đầu tư, cung cấp nền tảng giao dịch để có thể đặt lệnh mua hoặc bán, sau đó chuyển các lệnh này ra thị trường. Nếu broker có tính thanh khoản cao, lệnh sẽ được khớp ngay lập tức.
Ở mỗi giao dịch của nhà đầu tư, broker sẽ thu phí hoa hồng hoặc chênh lệch giá spread hoặc cả hai.
Copy trade hay Social trading
Là hình thức sao chép giao dịch, các bạn sẽ đăng ký theo dõi tài khoản của một hoặc nhiều nhà giao dịch (tài khoản master) – họ là những chuyên gia forex, những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm và đã có những thành công nhất định trên thị trường này. Khi master thực hiện một lệnh nào đó, lệnh đó sẽ được sao chép lại trên tài khoản của các bạn, đồng nghĩa với việc master có lợi nhuận thì bạn cũng có lợi nhuận và ngược lại.
Copy trade phù hợp với những nhà đầu tư không có nhiều thời gian giao dịch trên thị trường, không có nhiều kinh nghiệm và thiếu kiến thức về forex.
GAP
GAP là khoảng trống giá. Bình thường, giá mở cửa của phiên giao dịch sau bằng với giá đóng cửa của phiên giao dịch trước, các cây nến nối tiếp với nhau theo quy luật này. Khi giá tăng mạnh hoặc giảm mạnh đột ngột, khiến cho giá mở cửa của phiên giao dịch bật lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn so với giá đóng cửa của phiên trước, tạo ra khoảng trống lớn trên đồ thị giá. Khoảng trống đó chính là GAP.
Platform
Là nền tảng hay phần mềm giao dịch, được các broker cung cấp cho khách hàng của mình. Sau khi mở tài khoản giao dịch, các bạn sẽ đăng nhập tài khoản đó vào phần mềm và bắt đầu thực hiện đặt các lệnh mua, bán. Hiện tại, MT4 đang là nền tảng giao dịch forex phổ biến nhất. Ngoài MT4 thì còn có những phần mềm giao dịch khác như MT5, cTrader, xStation…
Price action
Price action là trường phái phân tích hành động giá, trong đó, nhà đầu tư chỉ sử dụng đồ thị giá làm công cụ duy nhất để phân tích và dự đoán xu hướng giá.
Những công cụ chủ yếu được sử dụng trong phương pháp phân tích này chính là hỗ trợ, kháng cự, mô hình nến và mô hình giá. Điều đặc biệt là các công cụ này cũng được tạo nên từ chính bản thân các cây nến hay từ đồ thị nến chứ không phải từ một công cụ kỹ thuật nào cả.
Support/Resistance
Support: hỗ trợ, là các ngưỡng hay vùng giá được xác định từ các mức giá trong quá khứ, thường thấp hơn mức giá hiện tại, tạo thành mức giá sàn tạm thời. Khi giá đang giảm và chạm vào support sẽ có xu hướng bật lên lại, nếu lực cản của support đủ mạnh, ngược lại, giá sẽ phá vỡ khỏi ngưỡng hỗ trợ này và tiếp tục giảm mạnh xuống.
Resistance: kháng cự, là các ngưỡng hay vùng giá được xác định từ các mức giá trong quá khứ, thường cao hơn mức giá hiện tại, tạo thành mức giá trần tạm thời. Khi giá đang tăng và chạm vào resistance sẽ có xu hướng bật xuống lại, nếu lực cản của resistance đủ mạnh, nếu không, giá sẽ phá vỡ khỏi ngưỡng kháng cự đó và tiếp tục tăng lên.
Trader
Trader – Nhà giao dịch, là những người trực tiếp tham gia vào việc mua, bán các loại tài sản trên thị trường ngoại hối và hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá.
Tên viết tắt các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới
- FED (Federal Reserve System): Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ
- ECB (European Central Bank): Ngân hàng Trung ương Châu Âu
- BoE (Bank of England): Ngân hàng Trung ương Anh
- BoJ (Bank of Japan): Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
- BoC (Bank of Canada): Ngân hàng Trung ương Canada
- RBA (Reserve Bank of Australia): Ngân hàng Dự trữ Úc
- RBNZ (Reserve Bank of New Zealand): Ngân hàng Dự trữ New Zealand