- Risk:Reward Ratio là gì?
- Risk:Reward Ratio được tính như thế nào?
- Ví dụ về cách tính Risk:Reward Ratio trong một chiến lược giao dịch cụ thể
- Cách xác định lợi nhuận của hệ thống giao dịch dựa vào tỷ lệ Risk:Reward
- Làm sao để cải thiện tỷ lệ Risk:Reward hợp lý nhất?
- Tỷ lệ Risk:Reward và quyết định giao dịch
- Kết luận
Là một thuật ngữ cơ bản trong giao dịch forex nhưng rất nhiều trader mới không hề biết đến nó hoặc có biết nhưng nhận thức không đúng về thuật ngữ này và thường bỏ qua vì cho rằng tỷ lệ này không quan trọng.
Risk:Reward Ratio được tính toán dựa trên một chiến lược giao dịch cụ thể và có thể đánh giá được tính hiệu quả của chính chiến lược đó. Dựa vào Risk:Reward Ratio, trader sẽ quyết định có nên thực hiện giao dịch hay không hoặc có thể cải thiện tỷ lệ này tốt hơn trước khi vào lệnh để giao dịch được hiệu quả hơn.
Đó là lý do mà Risk:Reward Ratio tuy là một thuật ngữ cơ bản nhưng lại vô cùng quan trọng.
Vậy thì, tỷ lệ Risk:Reward chính xác là gì? Được tính toán như thế nào và làm sao để cải thiện tỷ lệ này tốt hơn? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
Risk:Reward Ratio là gì?
Risk:Reward Ratio (R:R Ratio) là tỷ lệ Rủi ro/Lợi nhuận, cho biết lợi nhuận tiềm năng mà trader có thể kiếm được trên mỗi đô la thua lỗ khi họ mạo hiểm vào lệnh, dễ hiểu hơn thì nếu trader chấp nhận thua lỗ 1 đô la thì họ sẽ có thể mang về bao nhiêu đô la lợi nhuận.
Tỷ lệ Risk:Reward được trader sử dụng để so sánh lợi nhuận tiềm năng mà họ có thể đạt được với thua lỗ tối đa mà họ phải chịu của một chiến lược giao dịch cụ thể, từ đó xem xét tính hiệu quả của nó và quyết định có nên thực hiện giao dịch hay không.
Ví dụ: một chiến lược giao dịch có Risk:Reward Ratio là 1:2, tỷ lệ này cho biết nếu trader thực hiện giao dịch theo chiến lược thì có nghĩa rằng trader đang sẵn sàng chấp nhận rủi ro 1 đô la để kỳ vọng kiếm được 2 đô la lợi nhuận hay nói cách khác, chiến lược này mang về lợi nhuận tiềm năng gấp 2 lần rủi ro tối đa.
Risk:Reward Ratio được tính như thế nào?
Với mỗi tín hiệu giao dịch mà trader nhận được sẽ cung cấp cho chúng ta các thông tin vào lệnh, bao gồm:
- Điểm vào lệnh (Entry)
- Vị trí cắt lỗ (Stop loss)
- Vị trí chốt lời (Take profit)
Với Entry và Stop loss, hầu như tín hiệu nào cũng cung cấp cho trader 2 thông tin này, còn với Take profit, nếu tín hiệu giao dịch không thể xác định được vị trí chốt lời, các bạn có thể xác định bằng nhiều cách khác như sử dụng các vùng hỗ trợ, kháng cự, chỉ báo kỹ thuật…
Khoảng cách từ Entry đến Stop loss đo lường thua lỗ tối đa dự kiến nếu giá đi ngược hướng dự đoán. Ngược lại, khoảng cách từ Entry đến Take profit thể hiện lợi nhuận tiềm năng mà bạn sẽ đạt được nếu giá đi đúng như dự đoán.
Vậy thì, tỷ lệ Risk:Reward chính là tỷ lệ giữa khoảng cách từ Entry đến Stop loss và khoảng cách từ Entry đến Take profit, ngắn gọn hơn thì Risk:Reward Ratio là tỷ lệ giữa Stop loss và Take profit, cụ thể, công thức tính của Risk:Reward Ratio như sau:
Risk:Reward Ratio = Stop loss/Take profit = Số pip thua/Số pip thắng.
Tỷ lệ Risk:Reward chỉ được xác định trước khi thực hiện giao dịch, chứ không phải sau khi hoàn tất việc đặt lệnh hoặc sau khi đóng lệnh mới tính toán vì mục đích sử dụng của tỷ lệ này là xác định tính hiệu quả của chiến lược để xem xét có nên thực hiện giao dịch theo chiến lược hay không.
Như đã nói, các bạn phải xác định được Stop loss và Take profit thì mới tính được tỷ lệ Risk:Reward. Có một số trường hợp, chiến lược giao dịch không chỉ ra cho trader vị trí chốt lời tiềm năng nhưng họ lại kỳ vọng lợi nhuận có được sẽ gấp đôi thua lỗ (tức Risk:Reward = 1:2), vì thế, sau khi xác định được Stop loss, họ sử dụng Risk:Reward để tính ra vị trí Take profit. Đó chính là cách tiếp cận không chính xác đối với thuật ngữ này.
Ví dụ về cách tính Risk:Reward Ratio trong một chiến lược giao dịch cụ thể
Ví dụ 1: Xác định tỷ lệ Risk:Reward trong chiến lược giao dịch với mô hình giá
Mô hình giá Cái nêm giảm xuất hiện trên cặp XAU/USD ở khung D1
Mô hình giá Cái nêm giảm xuất hiện trong một xu hướng tăng, báo hiệu xu hướng sẽ được tiếp diễn, các bạn có thể chuẩn bị kế hoạch để vào một lệnh Buy khi giá phá vỡ mô hình.
Vị trí vào lệnh trong chiến lược này tương ứng với mức giá 1305.09, là mức giá đóng cửa của breakout bar.
Vị trí stop loss tương ứng với mức giá 1264.81, là mức giá ngay phía dưới đáy thấp nhất của mô hình Nêm giảm.
Vị trí chốt lời được lựa chọn trong trường hợp này chính là vị trí cách điểm phá vỡ một đoạn bằng chính độ cao của mô hình Cái nêm giảm, tương ứng với mức giá 1373.72.
Vậy, số pip thua lỗ tối đa trong chiến lược này là 1305.09 – 1264.81 = 40.28, tức 402.8 pips
Số pip thắng là 1373.72 – 1305.09 = 68.63, tức 686.3 pips
Suy ra, tỷ lệ Risk:Reward của chiến lược này là 402.8/686.3 = 1:1.7
Ví dụ 2: Xác định tỷ lệ Risk:Reward trong chiến lược giao dịch với mô hình nến
Mô hình nến Bearish Reversal Pin bar xuất hiện trong xu hướng tăng, đồng thời vị trí mà nó xuất hiện cũng là vùng kháng cự mạnh, nên tín hiệu giá đảo chiều giảm được củng cố, một chiến lược vào lệnh Sell có thể được thiết lập.
Vào lệnh khi cây nến Pin bar đóng cửa, ứng với mức giá 1.09874, cắt lỗ ngay phía trên bóng nến của Pin bar, ứng với mức giá 1.10216 và dự tính sẽ chốt lời khi giá chạm vào hỗ trợ mạnh, ứng với mức giá 1.07473.
Vậy, số pip thua lỗ tối đa dự kiến của chiến lược này là 34.2 pips và số pip thắng kỳ vọng là 274.3 pips, suy ra, tỷ lệ Risk:Reward của chiến lược này sẽ là 1:8, rất cao.
Ví dụ 3: Xác định tỷ lệ Risk:Reward trong chiến lược giao dịch với Fibonacci
Fibonacci là một trong những công cụ giao dịch rất được ưa chuộng bởi trader, công cụ này vừa được sử dụng để xác định vị trí vào lệnh, vừa để xác định vị trí chốt lời tiềm năng.
Thị trường đang trong xu hướng giảm và tạo thành những nấc thang giảm khá đẹp, đồng thời liên tục xuất hiện các mô hình nến đảo chiều giảm mạnh ở các đỉnh, cho thấy xu hướng này vẫn còn đang rất mạnh và giá sẽ tiếp tục giảm. Ở thời điểm hiện tại, giá đang điều chỉnh tăng, sử dụng Fibonacci Retracement trong trường hợp này để xác định thời điểm giá sẽ kết thúc đợt điều chỉnh tăng.
Các bạn có thể lựa chọn tỷ lệ FR 0.618, tương ứng với mức giá 1.33238 để làm vị trí vào lệnh Entry. Đặt Stop loss ngay phía trên đỉnh gần nhất của xu hướng, ứng với mức giá 1.34492.
Để xác định vị trí chốt lời tiềm năng trong trường hợp này, các bạn có thể sử dụng Fibonacci Extension. Nếu Take profit tại tỷ lệ FR 1.00 thì mức giá chốt lời sẽ là 1.31326, nếu Take profit tại tỷ lệ FR 1.618 thì mức giá chốt lời sẽ là 1.28568.
Vậy, số pip thua lỗ tối đa của lệnh là 125.4 pips, số pip thắng ở TP1 là 191.2 pips, số pip thắng ở TP2 là 467 pips. Suy ra, tỷ lệ Risk:Reward 1 là 1:1.5, tỷ lệ Risk:Reward 2 là 1: 3.7.
Cách xác định lợi nhuận của hệ thống giao dịch dựa vào tỷ lệ Risk:Reward
Việc xác định tỷ lệ Risk:Reward của một chiến lược hay hệ thống giao dịch cụ thể không chỉ để ra quyết định có nên vào lệnh hay không mà tỷ lệ này còn được sử dụng để tính toán lợi nhuận của hệ thống giao dịch trong dài hạn.
Tại sao cần phải xác định tỷ lệ Risk:Reward để tính lợi nhuận trong dài hạn?
Quay trở lại mục đích chính của quản lý vốn trong giao dịch thì bên cạnh việc tối thiểu hóa rủi ro, trader cần xây dựng chiến lược quản lý vốn hiệu quả để tăng vốn bền vững trong dài hạn, mà tăng vốn cũng chính là gia tăng hoặc giữ vững mức lợi nhuận đạt được.
Để tính lợi nhuận của hệ thống giao dịch trong dài hạn, chúng ta cần thêm một thông số nữa, chính là Win Rate (tỷ lệ thắng).
Trong mỗi hệ thống giao dịch, Win Rate chính là tỷ lệ giữa số lệnh thắng trên tổng số lệnh đã thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.
Lệnh thắng và thua trong tỷ lệ Win Rate phải là các lệnh được đóng theo hệ thống giao dịch, nghĩa là lệnh thắng khi giá chạm Take profit và lệnh thua khi giá chạm Stop loss. Trong đó, Take profit và Stop loss được xác định trước và trader phải tuân thủ trong suốt quá trình lệnh chạy cho đến khi lệnh tự động đóng lại. Nghĩa là chúng ta sẽ không tính đến trường hợp lệnh thắng khi các bạn chốt lệnh non (chưa chạm Take profit) hoặc nới Stop loss ra xa để chờ thị trường đảo chiều.
Ví dụ, trong tổng số 100 lệnh đã thực hiện dựa trên hệ thống giao dịch mà trader xây dựng, có 60 lệnh thắng và 40 lệnh thua, suy ra, Win Rate là 60%.
Cách tính lợi nhuận trong dài hạn dựa vào Risk:Reward Ratio và Win Rate
Ví dụ: hệ thống giao dịch A có Win Rate là 60% và Risk:Reward là 1:2. Tính tỷ suất lợi nhuận trong vòng 3 tháng, giả sử trader thực hiện được 50 lệnh trong vòng 3 tháng và áp dụng quy tắc quản lý vốn 2% cho hệ thống giao dịch này.
Tham khảo: Quy tắc quản lý vốn 2% là gì? Cách áp dụng trong giao dịch forex
Win Rate = 60%, suy ra, trong 50 lệnh đã thực hiện, có 30 lệnh thắng và 20 lệnh thua.
Risk:Reward = 1:2, mà thua lỗ trên vốn là 2%, suy ra lợi nhuận trên vốn là 4%
Lợi nhuận 3 tháng của hệ thống A = 30*4% – 20*2% = 80%
Cả Risk:Reward Ratio và Win Rate đều cho biết hệ thống giao dịch có đang hiệu quả hay không và liệu rằng cả 2 tỷ lệ này cùng là cao nhất thì lợi nhuận sẽ cao nhất?
Hãy cùng xét ví dụ sau đây để thấy được mối quan hệ giữa tỷ lệ Risk:Reward và Win Rate
Hệ thống giao dịch của bạn chỉ ra được cụ thể 3 điểm: Entry, Stop loss và Take profit. Trong 2 tỷ lệ Risk: Reward và Win Rate, chúng ta chỉ có thể điều chỉnh tỷ lệ Risk:Reward trước khi thực hiện giao dịch. Và có 2 cách để làm cho tỷ lệ Risk:Reward tốt lên:
- Cách 1: dời Stop loss đến gần với Entry 🡪 Stop loss giảm và Take profit không đổi 🡪 Stop loss/Take profit giảm 🡪 Risk:Reward tốt lên
- Cách 2: dời Take profit ra xa Entry 🡪 Take profit tăng và Stop loss không đổi 🡪 Stop loss/Take profit giảm 🡪 Risk:Reward tốt lên
Đối với cách 1, việc dời Stop loss đến vị trí gần Entry hơn sẽ khiến cho lệnh dễ bị quét Stop loss sớm hơn 🡪 khả năng thua lỗ tăng lên 🡪 Win Rate giảm.
Tương tự, cách 2, việc dời Take profit ra xa Entry sẽ làm cho lệnh khó chạm Take profit hơn 🡪 khả năng giá quay đầu trước khi chạm Take profit tăng 🡪 Win Rate giảm
Tóm lại, Risk:Reward và Win Rate có mối quan hệ ngược chiều nhau. Do vậy, để gia tăng lợi nhuận trong dài hạn, cách tốt nhất là các bạn cần cải thiện tỷ lệ Risk:Reward ở một mức độ phù hợp mà không ảnh hưởng đến Win Rate.
Làm sao để cải thiện tỷ lệ Risk:Reward hợp lý nhất?
Tùy thuộc vào mỗi chiến lược, hệ thống giao dịch mà chúng ta sẽ linh hoạt điều chỉnh các vị trí Entry, Stop loss và Take profit để cải thiện được tỷ lệ Risk:Reward.
Ví dụ:
Trong chiến lược giao dịch với trendline, vị trí vào lệnh được xác định khi giá chạm trendline và quay đầu, đặt Stop loss ngay phía trên đỉnh hoặc phía dưới đáy gần nhất của xu hướng, Take profit tại các vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng hoặc sử dụng kênh giá để chốt lời (là khi giá chạm vào đường trendline còn lại của kênh giá).
Ở ví dụ trên, thị trường đang trong xu hướng giảm, giá chạm vào đường trendline là một cây nến Bearish Reversal Pin bar nên tín hiệu giá quay đầu giảm được củng cố.
Giá xác nhận quay đầu bằng một cây nến giảm theo ngay sau Pin bar, các bạn có thể vào lệnh khi cây nến đỏ này đóng cửa, tại mức giá 1.47552.
Đặt Stop loss ngay phía trên đỉnh gần nhất của xu hướng, ứng với mức giá 1.49846 và Take profit tại vùng hỗ trợ bên dưới, ứng với mức giá 1.45270
Nếu vào lệnh với các thông tin trên, số pip thua sẽ là 229.4 pips, số pip thắng là 228 pips. Suy ra, Risk:Reward Ratio. Là 1:1.
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ cải thiện tỷ lệ Risk:Reward bằng cách nào?
3 vị trí Entry, Stop loss và Take profit đều ảnh hưởng đến tỷ lệ Risk:Reward, nên cải thiện 1 trong 3 vị trí này hoặc kết hợp 2 trong 3 hoặc thậm chí cả 3 sẽ thu được Risk:Reward Ratio tối ưu nhất mà không làm giảm tỷ lệ Win Rate.
- Cải thiện vị trí vào lệnh Entry
Trong trường hợp này, thay vì chờ đợi sự xác nhận của cây nến theo ngay sau Pin bar để vào lệnh thì các bạn có thể vào lệnh ngay khi nến Pin bar đóng cửa. Bởi vì bản thân Bearish Reversal Pin bar đã cho tín hiệu giá giảm, cộng thêm cây nến này chạm vào đường trendline của xu hướng giảm, đang đóng vai trò là ngưỡng kháng cự mạnh thì tín hiệu giá giảm lại càng được củng cố và đáng tin cậy hơn. Cho nên, chỉ cần khi Pin bar đóng cửa thì các bạn có thể vào ngay lệnh Sell để có vị trí vào lệnh đẹp hơn.
- Cải thiện vị trí cắt lỗ Stop loss
Khi giao dịch với đường trendline của xu hướng giảm, thông thường vị trí đặt Stop loss là ngay trên đỉnh gần nhất của xu hướng, tuy nhiên, trong trường hợp này, vì cây nến chạm vào trendline là một cây Pin bar nên các bạn có thể mạnh dạn dời Stop loss đến ngay phía trên bóng nến của Pin bar, chúng ta sẽ rút ngắn được khoảng cách cắt lỗ.
- Cải thiện vị trí chốt lời Take profit
Thay vì chốt lời tại hỗ trợ, các bạn có thể kỳ vọng rằng giá sẽ vượt qua ngưỡng này mà hướng đến đường trendline dưới của xu hướng giảm hay chạm vào kênh giá. Cách chốt lời này sẽ giúp cho khoảng cách Take profit xa hơn, tỷ lệ Risk:Reward được cải thiện.
Các vị trí Entry, Stop loss và Take profit sau khi được cải thiện như sau:
- Entry: 1.48269
- Stop loss: 1.49165
- Take profit: 1.44230
Số pip thua lỗ là 89.6 pips và số pip thắng là 403.9 pips. Suy ra, tỷ lệ Risk:Reward sau khi được cải thiện là 1:4.5.
Tỷ lệ Risk:Reward và quyết định giao dịch
Như đã nói từ ban đầu, sau khi xác định được tỷ lệ Risk:Reward của chiến lược, hệ thống giao dịch thì trader sẽ quyết định có nên vào lệnh hay không.
Nhưng trước khi bàn về vấn đề này, các bạn, những trader mới phải chắc chắn rằng đã tiếp cận đúng về cách sử dụng tỷ lệ Risk:Reward trong giao dịch forex, nghĩa là từ một chiến lược, hệ thống giao dịch cụ thể, các bạn sẽ tính toán ra được tỷ lệ Risk:Reward dựa vào Entry, Stop loss và Take profit, từ đó quyết định có nên vào lệnh hay không, chứ không phải là lựa chọn một tỷ lệ Risk:Reward trước, rồi sau đó mới xác định các vị trí Stop loss, Take profit theo đúng tỷ lệ Risk:Reward.
Thông thường, chúng ta sẽ kỳ vọng 1:2 là một tỷ lệ Risk:Reward hợp lý để có thể vào lệnh, nghĩa là sẵn sàng đánh đổi 1 đô la rủi ro để lấy 2 đô la lợi nhuận, lợi nhuận ít nhất phải gấp đôi rủi ro thì mới nên vào lệnh. Đó cũng là con số lý tưởng mà hầu hết các trader mới đều áp dụng trong các giao dịch của mình, ít nhất phải là 1:2.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Risk:Reward Ratio tốt hơn hoặc bằng 1:2 mới là chân lý mà quan trọng là tỷ lệ Risk:Reward đó có cùng với Win Rate để mang về lợi nhuận tốt trong dài hạn hay không.
Giả sử như với hệ thống giao dịch kết hợp trendline (hay kênh giá) với mô hình nến đảo chiều mạnh như ví dụ trên, Win Rate của hệ thống giao dịch này là 60% và áp dụng kỹ thuật quản lý vốn 2%
- Với tỷ lệ Risk:Reward là 1:2, lợi nhuận trong dài hạn (100 lệnh) = 60*4% – 40*2% = 160%.
- Với tỷ lệ Risk:Reward là 1:1.5, lợi nhuận = 60*3% – 40*2% = 100%
- Với tỷ lệ Risk:Reward là 1:1, lợi nhuận = 60*2% – 40*2% = 40%
Nếu mục tiêu lợi nhuận mà bạn đặt ra trong vòng 6 tháng (100 lệnh) ít nhất là 100% thì với hệ thống giao dịch này, các bạn chỉ vào lệnh khi tỷ lệ Risk:Reward ít nhất là 1:1.5. Nếu Risk:Reward là 1:1, các bạn sẽ không giao dịch.
Đối với các trader chuyên nghiệp thì sao? Tỷ lệ Risk:Reward trong các chiến lược giao dịch của họ là bao nhiêu?
Tất nhiên cũng không có con số nào là cụ thể nhưng các trader chuyên nghiệp, họ sẵn sàng vào lệnh với tỷ lệ Risk:Reward thấp nếu chiến lược đó có Win Rate cao.
Ví dụ:
Mô hình giá Cốc và Tay cầm xuất hiện trên cặp AUD/JPY ở khung thời gian H4. Thị trường đang trong quá trình hình thành phần Tay cầm. Với mô hình này, chiến lược giao dịch thông thường sẽ được thực hiện như sau:
- Vào lệnh khi giá phá vỡ phần Tay cầm, ứng với mức giá 77.279
- Đặt stop loss ngay phía dưới đáy thấp nhất của Tay cầm, ứng với mức giá 76.398
- Take profit sao cho lợi nhuận mục tiêu ít nhất bằng độ cao của phần thân cốc, ứng với mức giá 78.589
Vậy, số pip thắng là 131 pips, số pip thua là 88.1 pips, suy ra tỷ lệ Risk:Reward là 1:1.5.
Mặc dù tỷ lệ Risk:Reward không hẳn là đẹp nhưng do chiến lược này có tỷ lệ Win Rate khá cao, mô hình giá Cốc và Tay cầm rất hiếm khi xuất hiện, nhưng một khi đã xuất hiện thì cung cấp tín hiệu rất đáng tin cậy. Chính vì thế, các trader chuyên nghiệp sẽ không dễ dàng bỏ qua cơ hội này cho dù tỷ lệ Risk:Reward không cao.
Kết luận
Với những gì đã chia sẻ trong bài viết, hy vọng các bạn đã hiểu và sẽ tiếp cận thuật ngữ Risk:Reward Ratio đúng đắn hơn. Ngay từ bây giờ, hãy tập thói quen tính toán tỷ lệ này trong bất kỳ chiến lược nào trước khi thực hiện lệnh và xây dựng cho mình một hệ thống giao dịch có tỷ lệ Risk:Reward cũng như Win Rate tối ưu nhất có thể.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.