Trang chủBullish Harami là gì? Bearish Harami là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất

Bullish Harami là gì? Bearish Harami là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất

Admin

Tiếp tục chuỗi bài viết về các mô hình nến đảo chiều thì lần này sẽ là một mô hình 2 nến, có tên Harami. Harami trong tiếng Nhật có nghĩa là “mang thai” vì đặc điểm của mô hình này khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một người mẹ đang mang thai hoặc hình ảnh một người mẹ đang bồng con, vì thế mà nó còn có một tên gọi khác là mô hình nến Mẹ bồng con.

Trên thực tế thì mô hình nến Harami không phải là một candlestick pattern mạnh mẽ như Engulfing hay Morning/Evening Star, nhưng với các traders, đặc biệt là price action traders thì họ luôn biết cách để biến mô hình nến này thành một cơ hội giao dịch tuyệt vời mỗi khi nó xuất hiện.

Mô hình nến Harami là gì?

Harami pattern hay mô hình nến Mẹ bồng con là một Reversal Candlestick pattern (mô hình nến đảo chiều), bao gồm 2 cây nến tín hiệu với cây nến thứ nhất ôm trọn cây nến thứ hai. Mô hình nến Harami xuất hiện vào cuối một xu hướng và báo hiệu xu hướng sắp kết thúc, thị trường sẽ đảo chiều.

Giống như nhiều mô hình nến khác, Harami pattern cũng bao gồm 2 loại: Bullish Harami pattern (Mô hình Harami tăng giá) và Bearish Harami pattern (Mô hình Harami giảm giá). 

Nến Harami xuất hiện trên hầu hết các loại thị trường tài chính như chứng khoán, ngoại hối, tiền điện tử. Mặc dù tín hiệu từ mô hình không quá mạnh mẽ và trong giao dịch thực tế, trader sẽ thường phải kết hợp thêm tín hiệu từ những công cụ, phương pháp khác để củng cố lại tín hiệu của Harami nhưng các chiến lược giao dịch với mô hình này cũng đem lại hiệu quả không thua kém các mô hình đảo chiều mạnh mẽ khác, do đó, nó cũng trở thành một trong số những công cụ giao dịch được yêu thích bởi rất nhiều price action trader.

Phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về từng loại mô hình Harami

Bullish Harami Pattern

Mô hình Bullish Harami là gì?

Bullish Harami pattern là mô hình nến Mẹ bồng con Tăng giá, xuất hiện vào cuối một xu hướng giảm hoặc đợt điều chỉnh giảm, cho biết động lực của xu hướng đang yếu đi, thị trường có khả năng đảo chiều tăng.

Đặc điểm nhận diện của mô hình

Bullish Harami pattern bao gồm 2 cây nến tín hiệu.

  • Trước khi mô hình xuất hiện, thị trường đang trong một xu hướng giảm dài hạn hoặc cũng có thể là xu hướng tăng dài nhưng thị trường đang điều chỉnh giảm.
  • Cây nến thứ nhất là cây nến giảm mạnh, thân nến lớn
  • Cây nến thứ hai có thân ngắn, nằm gọn trong phần thân của nến 1. Có thể là nến tăng hoặc giảm đều được. Thân nến con dài không quá 25% thân nến mẹ và giá mở cửa của nến con cao hơn giá đóng cửa của nến mẹ → tạo GAP Tăng giá.
  • Sau khi mô hình hoàn thành, thị trường có khả năng đảo chiều tăng hoặc kết thúc đợt điều chỉnh giảm để tiếp tục xu hướng tăng ban đầu. Nói chung là khả năng giá sẽ tăng lên sau khi mô hình hoàn thành.

Ý nghĩa của mô hình Bullish Harami

Cây nến giảm mạnh theo ngay sau một xu hướng giảm cho biết xu hướng vẫn đang tiếp tục với áp lực bán còn mạnh. Nhưng qua đến phiên giao dịch sau, ngay tại thời khắc mở cửa, một áp lực mua lớn xuất hiện, đưa giá lên cao hơn giá đóng cửa của phiên trước (tạo GAP Tăng). Trong phiên giao dịch này, 2 phe đã giằng co khá quyết liệt (thân nến ngắn), nhưng cho đến cuối phiên giá vẫn không thể xuống thấp hơn so với phiên trước. Điều này chứng tỏ phe bán không còn đủ sức để tiếp tục đưa giá xuống thấp hơn.

Nhưng chỉ với 2 cây nến này, chúng ta vẫn không thể chắc chắn rằng giá sẽ tăng lên sau đó, vì, mặc dù áp lực mua bắt đầu xuất hiện, nhưng trong phiên giao dịch thứ hai này, phe mua vẫn chưa thể hiện được sự quyết tâm cao độ, hoặc là do áp lực bán còn mạnh nên giá vẫn chưa thể vượt ra khỏi thân hình to lớn của nến mẹ.

Chỉ với một tín hiệu cho biết áp lực bán đang suy yếu, chúng ta cần thêm sự xác nhận để chắc chắn hơn về khả năng đảo chiều, do đó, nếu sau khi mô hình hoàn thành, một cây nến tăng xuất hiện, có thể phá vỡ được mức giá cao nhất của nến mẹ hoặc ít nhất là đóng cửa cao hơn nến con thì khả năng giá đảo chiều sẽ cao hơn.

Bearish Harami Pattern

Mô hình Bearish Harami là gì?

Bearish Harami pattern là mô hình nến Mẹ bồng con Giảm giá, xuất hiện vào cuối một xu hướng tăng hoặc đợt điều chỉnh tăng, cho biết động lực của xu hướng đang yếu đi, thị trường có khả năng đảo chiều giảm.

Đặc điểm nhận diện của mô hình

Bearish Harami pattern bao gồm 2 cây nến tín hiệu.

  • Trước khi mô hình xuất hiện, thị trường đang trong một xu hướng tăng dài hạn hoặc cũng có thể là xu hướng giảm dài nhưng thị trường đang điều chỉnh tăng.
  • Cây nến thứ nhất là cây nến tăng mạnh, thân nến lớn
  • Cây nến thứ hai có thân ngắn, nằm gọn trong phần thân của nến 1. Có thể là nến tăng hoặc giảm đều được. Thân nến con dài không quá 25% thân nến mẹ và giá mở cửa của nến con phải thấp hơn giá đóng cửa của nến mẹ → tạo GAP giảm giá.
  • Sau khi mô hình hoàn thành, thị trường có khả năng đảo chiều giảm hoặc kết thúc đợt điều chỉnh tăng để tiếp tục xu hướng giảm ban đầu. Nói chung là khả năng giá sẽ giảm xuống sau khi mô hình hoàn thành.

Ý nghĩa của mô hình Bearish Harami

Cây nến tăng mạnh theo ngay sau một xu hướng tăng cho biết xu hướng vẫn đang tiếp tục với áp lực mua còn mạnh. Nhưng qua đến phiên giao dịch sau, ngay tại thời khắc mở cửa, một áp lực bán lớn xuất hiện, kéo giá xuống thấp hơn giá đóng cửa của phiên trước (tạo GAP giảm). Trong phiên giao dịch này, 2 phe đã giằng co khá quyết liệt (thân nến ngắn), nhưng cho đến cuối phiên giá vẫn không thể lên cao hơn so với phiên trước. Điều này chứng tỏ phe mua không còn đủ sức để tiếp tục đẩy giá lên cao hơn.

Tương tự với mô hình Bearish Harami, chỉ với 2 cây nến này, chúng ta vẫn không thể chắc chắn rằng giá sẽ giảm xuống sau đó, vì, mặc dù áp lực bán bắt đầu xuất hiện, nhưng trong phiên giao dịch thứ hai này, phe bán vẫn chưa thể hiện được sự quyết tâm cao độ, hoặc là do áp lực mua còn mạnh nên giá vẫn chưa thể vượt ra khỏi thân hình to lớn của nến mẹ.

Chỉ với một tín hiệu cho biết áp lực mua đang suy yếu, chúng ta cần thêm sự xác nhận để chắc chắn hơn về khả năng đảo chiều, do đó, nếu sau khi mô hình hoàn thành, một cây nến giảm xuất hiện, có thể phá vỡ được mức giá thấp nhất của nến mẹ hoặc ít nhất đóng cửa thấp hơn nến con thì khả năng giá đảo chiều sẽ cao hơn.

Mô hình Harami và mô hình Inside bar

2 mô hình này có đặc điểm nhận diện khá giống nhau, tức cây nến mẹ ôm trọn nến con. Tuy nhiên, có một số điểm khác nhau mà chúng ta cần lưu ý để tránh nhầm lẫn vì cách giao dịch giữa 2 mô hình là hoàn toàn khác nhau.

Thứ nhất, mô hình Harami chỉ có 1 mẹ 1 con, mô hình Inside bar cũng có 1 mẹ nhưng có thể có nhiều hơn 1 con, miễn sao thỏa mãn tất cả các nến con đều nằm gọn bên trong thân nến mẹ.

Thứ hai, để mô hình Harami có độ tin cậy cao, 2 cây nến tín hiệu nên khác màu, còn với Inside bar, màu sắc các cây nến không quan trọng.

Thứ ba, nến con của mô hình Harami phải rất ngắn, không được quá 25% thân nến mẹ, còn mô hình Inside bar thì kích thước nến con chỉ cần nhỏ hơn nến mẹ là được.

Thứ tư, khi mô hình Inside bar xuất hiện, trader sẽ giao dịch theo hướng phá vỡ của mô hình, tức nến mẹ bị phá vỡ theo hướng nào thì trader sẽ vào lệnh theo hướng đó. Còn đối với mô hình Harami, trader cần xác định mô hình là Bullish Harami hay Bearish Harami (phụ thuộc vào xu hướng hiện tại và màu sắc nến mẹ), từ đó mới xác định hướng giao dịch.

Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình Harami

Thân nến mẹ dài nổi bật so với các cây nến xung quanh

Có 2 lý do để cây nến đầu tiên hay nến mẹ trong mô hình Harami nên dài và nổi bậc so với các cây nến xung quanh. Thứ nhất, nến dài chứng tỏ lực của xu hướng hiện tại vẫn đang mạnh mẽ thì khi bất ngờ giá tạo GAP và không thể đưa giá lên cao hơn/thấp hơn so với mức giá đóng cửa của phiên ngay trước đó mới thấy được lực xu hướng đang bất ngờ yếu đi. Thứ hai, các nhà giao dịch chỉ để ý đến những cây nến bất thường khi chúng xuất hiện, nếu không nổi bật so với những cây nến xung quanh, họ sẽ bỏ qua, không chờ đợi cũng không dự đoán mô hình nến nào có thể sẽ xảy ra và do đó, chỉ với những cây nến dài nổi bật thì khả năng có biến động lớn sau đó sẽ cao hơn so với các cây nến bình thường.

Màu sắc 2 cây nến nên khác nhau

Theo lý thuyết thì nến mẹ và nến con của mô hình Harami có thể giống màu, nhưng để độ tin cậy cao hơn thì chúng nên khác màu. Cụ thể, trong mô hình Bullish Harami, nến con nên là nến màu xanh vì nến màu xanh mới chứng tỏ được đang tồn tại một áp lực mua lớn, khả năng đảo chiều tăng sẽ cao hơn. Ngược lại, trong mô hình Bearish Harami, nến con nên là nến màu đỏ. 

Nến con nên là nến Doji

Sau một biến động giá lớn ngay trước đó thì mẫu nến Doji càng cho thấy sức ép cao của phe còn lại đến phe đang chiếm ưu thế ở xu hướng hiện tại và sau mẫu nến Doji này, thị trường cũng sẽ bứt phá mạnh mẽ theo một hướng xác định. Do đó, mô hình Harami với Doji sẽ có độ tin cậy cao hơn.

Râu nến con nên nằm gọn trong thân của nến mẹ

Đối với mô hình Bullish Harami, râu nến trên nên nằm gọn trong thân của nến mẹ. Vì nếu nến con có râu nến trên dài sẽ chứng tỏ áp lực bán còn mạnh, phe bán vẫn còn sức để kéo giá xuống nên độ tin cậy của mô hình sẽ giảm dần.

Sự xác nhận của khối lượng giao dịch

Phân tích hành động giá đi kèm khối lượng là phương pháp phân tích cực kỳ hiệu quả. Trong mô hình Harami, khối lượng ở phiên giao dịch hình thành nên cây nến mẹ thường có khối lượng giao dịch thấp hoặc khối lượng giảm. Vì nếu nến dài mà khối lượng cao sẽ cho biết áp lực của xu hướng hiện tại còn rất mạnh, khả năng đảo chiều khó xảy ra. Nếu nến con là Doji thì khối lượng thường sẽ tăng và nếu sau khi mô hình hoàn thành, cây nến xác nhận phá vỡ được mô hình một cách mạnh mẽ thì khối lượng sẽ tăng cao.

Các bước giao dịch với mô hình nến Harami

Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại của thị trường.

Có 2 cách để xác định xu hướng hiện tại, phụ thuộc vào phương pháp phân tích mà trader lựa chọn: hoặc là phân tích hành động giá hoặc là sử dụng indicators.

Nếu lựa chọn phân tích hành động giá, thì thứ duy nhất mà các bạn cần chính là đồ thị giá. Bằng việc xác định cấu trúc xu hướng thông qua di chuyển của giá, các bạn sẽ nhận biết xu hướng hiện tại là đang tăng hay giảm. Cụ thể:

  • Nếu giá di chuyển tạo đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn thì thị trường đang trong xu hướng tăng.
  • Nếu giá di chuyển tạo đỉnh mới thấp hơn và đáy mới thấp hơn thì thị trường đang trong xu hướng giảm.

Việc nhận định xu hướng hiện tại cực kỳ quan trọng trong giao dịch với các mô hình nến. Đặc biệt hơn, khi mà tín hiệu giao dịch của mô hình Harami lại không quá mạnh mẽ thì điều này lại cực kỳ quan trọng. Nếu mô hình Bullish Harami xuất hiện sau một xu hướng tăng dài hoặc một đợt điều chỉnh tăng hay mô hình Bearish Harami xuất hiện sau một xu hướng giảm dài hoặc một đợt điều chỉnh giảm thì tốt hơn hết là chúng ta nên bỏ qua nó.

Bước 2: Nhận diện và xác định độ tin cậy của mô hình Harami

Mô hình Harami không quá khó để nhận ra nhưng cái khó nhất trong giao dịch với mô hình này chính là khi nó xuất hiện nhưng không đáp ứng được những điều kiện gia tăng độ tin cậy hoặc khi đó là một mô hình có độ tin cậy cao nhưng tín hiệu từ các indicators khác lại trái ngược hoàn toàn, lúc này, quyết định có nên giao dịch với mô hình hay không trở nên khó khăn hơn.

Do đó, đối với mô hình Harami, quan trọng là các bạn phải xác định trước những tình huống có thể xảy ra, lập kế hoạch giao dịch với các nguyên tắc cụ thể, để có thể ra quyết định một cách nhanh chóng và thực hiện theo đúng các nguyên tắc đã đề ra.

Ví dụ:

  • Mô hình Harami xuất hiện có thêm các điều kiện gia tăng độ tin cậy và sự đông thuận tín hiệu từ các indicators, công cụ phân tích khác → giao dịch theo đúng kế hoạch.
  • Mô hình Harami xuất hiện, không có các điều kiện gia tăng độ tin cậy nhưng có sự đồng thuận tín hiệu từ các indicators, công cụ phân tích khác → giao dịch nhưng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa rủi ro như giảm khối lượng lệnh so với kế hoạch, đặt stop loss, take profit ở mức an toàn hơn.
  • Mô hình Harami xuất hiện, có các điều kiện gia tăng độ tin cậy nhưng không có sự đồng thuận tín hiệu từ các indicators, công cụ phân tích khác → không giao dịch, vì tín hiệu tạo ra từ Harami pattern không quá mạnh mẽ để chúng ta có thể mạo hiểm.

Bước 3: Vào lệnh

Có 3 cách vào lệnh với mô hình nến Harami

Cách 1: Vào lệnh ngay khi mô hình hoàn thành

Mô hình hoàn thành khi cây nến thứ hai của mô hình đóng cửa, vào lệnh tại mức giá đóng cửa này.

Trên thực tế thì rất hiếm khi trader lựa chọn cách vào lệnh này vì nó khá rủi ro. Chưa có một động thái nào cho biết giá sẽ đi theo kỳ vọng trong khi tín hiệu tạo ra từ mô hình không quá mạnh mẽ.

Cách 2: Vào lệnh khi có sự xác nhận từ cây nến thứ ba

Trong mô hình Bullish Harami, cây nến thứ ba là cây nến xác nhận cho tín hiệu đảo chiều từ Harami pattern nếu nó là một cây nến tăng và đóng cửa cao hơn nến 2.

Trong mô hình Bearish Harami, cây nến thứ ba là cây nến xác nhận cho tín hiệu đảo chiều từ Harami pattern nếu nó là một cây nến giảm và đóng cửa thấp hơn nến 2.

Sự xuất hiện của cây nến thứ 3 này chính là điều kiện xác nhận cho khả năng giá đảo chiều, cho nên việc chờ đợi nó xuất hiện và hoàn thành sẽ giúp cho giao dịch giảm bớt rủi ro.

Cách 3: Vào lệnh khi giá breakout mô hình Harami

Trong trường hợp này, chúng ta có thể giao dịch với mô hình Harami như với mô hình Inside bar, tức là vào lệnh khi mô hình Harami bị phá vỡ. Cụ thể:

  • Đối với mô hình Bullish Harami: vào lệnh khi mức giá cao nhất của mô hình bị phá vỡ.
  • Đối với mô hình Bearish Harami: vào lệnh khi mức giá thấp nhất của mô hình bị phá vỡ.

Đây là cách vào lệnh an toàn nhất nhưng sẽ không có được điểm Entry đẹp như 2 cách trên.

Bước 4: Đặt stop loss và take profit

Đặt stop loss

Nếu Harami pattern xuất hiện vào cuối một xu hướng dài thì đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của nến mẹ (Bearish Harami) hoặc ngay dưới mức giá thấp nhất của nến mẹ (Bullish Harami).

Nếu Harami pattern xuất hiện vào cuối một đợt điều chỉnh thì đặt stop loss ngay dưới swing low gần nhất (Bullish Harami) hoặc ngay trên swing high gần nhất (Bearish Harami), trong trường hợp khoảng cách từ mô hình đến swing high/swing low quá xa thì có thể áp dụng cách đặt stop loss ở trên.

Take profit

Sử dụng tín hiệu đảo chiều từ những công cụ khác như mô hình nến, indicators để chốt lời hoặc chốt lời với lợi nhuận kỳ vọng x2, x3 stop loss…

Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình Harami

Như đã nói, vì tín hiệu tạo ra từ mô hình Harami không quá mạnh mẽ như các candlestick patterns khác nên khi giao dịch với mô hình này, chúng ta nên kết hợp với những công cụ phân tích khác.

Có 2 chiến lược tổng quát mà các bạn có thể lựa chọn để giao dịch với mô hình nến Harami, và mỗi chiến lược sẽ phù hợp với một trường phái phân tích.

Nếu bạn đang theo đuổi trường phái phân tích price action thì nên lựa chọn chiến lược giao dịch Harami pattern kết hợp hành động giá. Ngược lại, nếu bạn thích sử dụng indicators thì hãy lựa chọn ít nhất 1 indicators để xác nhận lại tín hiệu từ Harami pattern.

Chiến lược kết hợp Harami pattern với hành động giá

Bản thân Harami pattern cũng là một công cụ của phương pháp phân tích hành động giá, nên chiến lược này ý nói rằng chúng ta sẽ kết hợp thêm một hoặc nhiều công cụ khác của phương pháp phân tích này để giao dịch với Harami pattern.

Ví dụ:

Mô hình Bearish Harami xuất hiện khi thị trường đang trong xu hướng tăng và mô hình này cũng thỏa mãn một vài điều kiện gia tăng độ tin cậy như nến tăng dài nổi bật, nến con là nến Doji, màu sắc 2 cây nến khác nhau và sự xác nhận của Volume.

Trước khi mô hình xuất hiện thì thị trường đã hình thành mô hình giá Hai đỉnh (Double Top) nhưng giá đã không phá vỡ được Neckline mà chạm Neckline rồi tăng ngược trở lại, tạo thành mô hình Harami, mức giá cao nhất của Harami bằng với mức giá của 2 đỉnh trước đó, có khả năng Harami pattern sẽ tạo đỉnh thứ ba và mô hình giá Ba đỉnh (Triple Top) sẽ được hình thành.

Sau khi nến Doji đóng cửa, một cây nến giảm mạnh xuất hiện, không chỉ đóng cửa thấp hơn mức giá thấp nhất của nến mẹ mà nó còn phá vỡ luôn cả đường Neckline của mô hình Ba đỉnh. Đây chính là tín hiệu đảo chiều rõ nét nhất. Vào lệnh Sell khi cây nến giảm này đóng cửa và đặt stop loss ngay trên mức giá cao nhất của mô hình.

Sau đó, giá tiếp tục hình thành một cây nến giảm mạnh, cho thấy lực bán đang rất mạnh mẽ, các bạn có quyền tiếp tục giữ lệnh.

Trong quá trình giao dịch với hành động giá, các bạn cần xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự quan trọng để đánh giá khả năng thị trường có thể tiếp tục xu hướng hoặc đảo chiều dựa vào phản ứng của giá tại những vùng giá đó.

Cụ thể ở tình huống này, chúng ta xác định được một ngưỡng hỗ trợ mạnh, và trên đồ thị giá tiếp tục hình thành một cây Bearish Marubozu với thân rất dài, đâm thủng cả hỗ trợ, hành động này của giá chứng tỏ áp lực bán vẫn đang mạnh mẽ, chúng ta có thể tiếp tục giữ lệnh.

Sau đó, một cây Bullish Reversal Pin bar xuất hiện, các bạn có thể đóng lệnh ngay khi cây nến này đóng cửa. Tuy nhiên, mặc dù phần bóng nến của cây Pin bar này khá dài nhưng nó không quá nổi bật so với các cây nến lân cận, do đó, chúng ta có thể tiếp tục giữ lệnh và quan sát hành vi của giá ở phiên giao dịch sau. Tiếp theo ngay sau đó thì chúng ta có thể thấy được 2 phe mua và bán đang tích cực tranh giành phần hơn, cho đến khi mô hình Bullish Engulfing xuất hiện thì tín hiệu giá đảo chiều tăng được thể hiện rõ ràng hơn, đóng lệnh khi cây nến tăng của mô hình đóng cửa.

Chiến lược kết hợp Harami pattern với indicators

Có rất nhiều indicators cung cấp tín hiệu về khả năng đảo chiều của xu hướng, nhưng tùy thuộc vào việc sử dụng thuần thục, hiệu quả nhất ở indicators nào thì các bạn nên kết hợp với indicators đó.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số chiến lược giao dịch với indicators.

Chiến lược 1: Harami pattern kết hợp với RSI

Sự phân kỳ/hội tụ giữa giá và RSI là tín hiệu đảo chiều xu hướng rất đáng tin cậy. Do đó, RSI là indicators được sử dụng phổ biến nhất để kết hợp với các mô hình nến.

Cách giao dịch như sau: 

  • Nếu mô hình Bullish Harami xuất hiện trong một xu hướng giảm, đồng thời sự hội tụ giữa giá và RSI cũng xảy ra thì tín hiệu giá đảo chiều tăng được củng cố → vào lệnh Buy.
  • Nếu mô hình Bearish Harami xuất hiện trong một xu hướng tăng, đồng thời sự phân kỳ giữa giá và RSI cũng xảy ra thì tín hiệu giá đảo chiều giảm được củng cố → vào lệnh Sell.

Ở thời điểm trước khi mô hình xuất hiện, thị trường đang trong một xu hướng tăng mạnh. Khi Bearish Harami pattern hình thành cũng là lúc xảy ra hiện tượng phân kỳ giữa giá và RSI → tín hiệu đảo chiều giảm được củng cố.

Vào lệnh khi mức giá thấp nhất của nến mẹ bị phá vỡ, đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình. Trong trường hợp này, nếu vào lệnh theo cách 1 (tại giá đóng cửa của nến con) thì hành vi của giá ở 2 phiên giao dịch sau có thể sẽ khiến chúng ta hoang mang. Còn nếu lựa chọn cách vào lệnh thứ hai (tại giá đóng cửa của cây nến xác nhận) thì cây nến xác nhận đã không xuất hiện, mà sau khi Bearish Harami hoàn thành, thị trường xuất hiện liên tiếp 2 cây nến Doji tăng giá, khả năng giá đảo chiều giảm hoặc tiếp tục xu hướng tăng có xác suất như nhau. Do đó, chờ đợi mô hình chính thức bị phá vỡ rồi vào lệnh là chiến lược an toàn nhất.

Khi giá giảm được một thời gian như kỳ vọng, RSI vượt xuống dưới ngưỡng 30 → thị trường rơi vào vùng quá bán → khả năng sẽ điều chỉnh tăng. Ngay khi RSI cắt đường 30 từ dưới lên thì đóng lệnh, ứng với mức giá đóng cửa của cây nến xanh được đánh dấu trong hình. 

Chiến lược 2: Harami pattern kết hợp Stochastic và Fibonacci Retracement

Tín hiệu quá mua/quá bán của Stochastic hoạt động rất tốt trong các chiến lược giao dịch thuận xu hướng. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng độc lập thì lại khá rủi ro vì tín hiệu này thường xuyên xuất hiện nên rất nhiều tín hiệu gây nhiễu. 

Fibonacci Retracement cũng tương tự như vậy, công cụ này được sử dụng để xác định các mức hỗ trợ/kháng cự tiềm năng và là công cụ giao dịch cực kỳ hiệu quả trong các chiến lược giao dịch thuận xu hướng.

Do đó, khi kết hợp mô hình nến với Stochastic và Fibonacci Retracement sẽ tạo nên một chiến lược giao dịch chặt chẽ hơn, tín hiệu giao dịch tạo ra được củng cố, đáng tin cậy hơn. 

Cách giao dịch như sau: 

  • Trong một xu hướng tăng, nếu mô hình Bullish Harami xuất hiện khi thị trường đang điều chỉnh giảm, đồng thời mô hình chạm vào một trong các tỷ lệ thoái lui quan trọng của Fibonacci Retracement và chỉ báo Stochastic có dấu hiệu rời khỏi vùng quá bán thì khả năng cao là đợt điều chỉnh giảm sẽ kết thúc, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
  • Trong một xu hướng giảm, nếu mô hình Bearish Harami xuất hiện khi thị trường đang điều chỉnh tăng, đồng thời mô hình chạm vào một trong các tỷ lệ thoái lui quan trọng của Fibonacci Retracement và chỉ báo Stochastic có dấu hiệu rời khỏi vùng quá mua thì khả năng cao là đợt điều chỉnh tăng sẽ kết thúc, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Sau một xu hướng tăng mạnh trước đó thì thị trường đảo chiều giảm. Mô hình Bearish Harami xuất hiện khi thị trường đang điều chỉnh tăng và đồng thời mô hình cũng đang chạm vào tỷ lệ FR 0.618, một trong các tỷ lệ thoái lui quan trọng của Fibonacci Retracement.

Cũng tại lúc này, Stochastic đang nằm trên ngưỡng 80, tức thị trường đang rơi vào vùng quá mua, tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nó sẽ thoát ra khỏi vùng quá mua này.

Sau khi mô hình hoàn thành, cây nến xác nhận xuất hiện và cũng là lúc đường %K cắt đường %D từ trên xuống (dấu hiệu giá bắt đầu giảm), vào lệnh ngay khi cây nến xác nhận đóng cửa.

Mặc dù cây nến xác nhận này chưa phải là breakout bar của mô hình nhưng nhờ tín hiệu từ Stochastic nên chúng ta có thể tự tin lựa chọn cách vào lệnh này. 

Đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình. 

Sau khi giá giảm như kỳ vọng được một thời gian thì Stochastic lại đi vào vùng quá bán, chờ cho đường %K cắt đường 20 đi lên thì đóng lệnh, chốt lời.

Chiến lược 3: Harami pattern kết hợp Bollinger Bands

Bollinger Bands là chỉ báo xác định xu hướng và động lực của xu hướng cực kỳ tốt.

Cách giao dịch như sau: Khi Bullish Harami xuất hiện và chạm vào dải dưới của Bollinger Bands thì vào lệnh Buy, khi Bearish Harami xuất hiện và chạm vào dải trên của Bollinger Bands thì vào lệnh Sell.

Sau một xu hướng tăng mạnh thì thị trường chuyển sang cấu trúc của xu hướng giảm khi liên tục tạo các đỉnh mới thấp hơn, đáy mới thấp hơn và mô hình Bullish Harami đã xuất hiện trong xu hướng giảm này.

Cây nến mẹ của Bullish Harami đóng cửa bên ngoài dải dưới của Bollinger Bands, củng cố lại tín hiệu giá sẽ tăng lên, nhưng để giảm thiểu rủi ro, chúng ta có thể vào lệnh sau khi mức giá cao nhất của mô hình bị phá vỡ. Đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của cây Pin bar.

Trong trường hợp này, các bạn cũng có thể vào lệnh sớm khi cây Bullish Reversal Pin bar hình thành sau khi cây nến con của mô hình Harami đóng cửa, điểm vào lệnh này sẽ đẹp hơn, lợi nhuận gia tăng.

Sau khi giá tăng lên một thời gian thì xuất hiện một mô hình Bearish Harami ngay tại dải trên của Bollinger Band. Hơn nữa, cây nến mẹ đóng cửa bên ngoài dải trên của Bollinger Bands, và cây nến con là một cây Pin bar đảo chiều giảm nên chúng ta có thể đóng lệnh ngay khi cây nến con đóng cửa.

Kết luận

Trên thực tế thì mô hình nến Harami ít xuất hiện hơn so với các candlestick patterns khác nên mỗi khi chúng xuất hiện, các trader sẽ tận dụng triệt để cơ hội để mang về lợi nhuận tiềm năng từ tín hiệu mà mô hình tạo ra.

Với những kiến thức tổng quát về mô hình và những chiến lược giao dịch mà chúng tôi đã gợi ý trong bài viết, hy vọng các bạn sẽ nắm rõ đặc điểm, ý nghĩa và cả cách giao dịch hiệu quả với Harami pattern. Hãy lựa chọn ra chiến lược giao dịch phù hợp nhất với mình hoặc xây dựng một chiến lược riêng dựa trên những gợi ý của chúng tôi và luyện tập giao dịch với nó thật nhiều trước khi thực chiến.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Bullish Harami là gì? Bearish Harami là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan