Trang chủTổng hợp các lệnh trong forex trader bắt buộc phải biết

Tổng hợp các lệnh trong forex trader bắt buộc phải biết

Admin

Ở thời điểm hiện tại, các bạn đã được tiếp cận về cách thức giao dịch cơ bản trên thị trường forex. Nôm na, là nếu dự đoán giá của tài sản sẽ tăng lên trong tương lai thì đặt lệnh Buy, ngược lại thì đặt lệnh Sell. Tuy nhiên, với forex, Buy hay Sell chỉ là 2 loại lệnh cơ bản nhất trong số tất cả các loại lệnh được sử dụng khi giao dịch forex. Thị trường này còn cho phép sử dụng những loại lệnh nâng cao hơn, nhằm giúp trader có thể gia tăng lợi nhuận hoặc hạn chế được rủi ro.

Và trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn những loại lệnh trong giao dịch forex và cách sử dụng chúng trên phần mềm giao dịch. Cùng bắt đầu nhé.

Giới thiệu sơ lược các loại lệnh trên thị trường forex

Trong forex, các lệnh giao dịch có thể được chia thành các nhóm sau:

Lệnh thị trường (Market Execution), bao gồm:

  • Buy
  • Sell

Lệnh chờ (Pending Order), bao gồm:

  • Lệnh giới hạn (Limit): Buy Limit và Sell Limit
  • Lệnh dừng (Stop): Buy Stop và Sell Stop
  • Lệnh dừng giới hạn (Stop Limit): Buy Stop Limit và Sell Stop Limit

Các loại lệnh đặc biệt

  • Good Till Cancel – GTC
  • Good for the Day – GFD
  • One cancels the order – OCO
  • One trigger the other

Các loại lệnh phụ

  • Lệnh dừng lỗ: Stop Loss, Trailing Stop
  • Lệnh chốt lời: Take Profit

2 nhóm lệnh đầu tiên, bao gồm: lệnh thị trường và lệnh chờ là các loại lệnh chính trong giao dịch forex. Khi các bạn bắt đầu một giao dịch thì có thể lựa chọn 1 trong 8 loại lệnh trong 2 nhóm này. 

Đối với 2 loại lệnh phụ là lệnh dừng lỗ và chốt lời, đây là nhóm lệnh kết thúc vị thế tự động, các bạn có quyền sử dụng hoặc không. Nếu sử dụng, khi một trong 2 lệnh này kích hoạt thì lệnh tự động đóng lại, nếu không sử dụng, các bạn phải đóng vị thế bằng tay. Đối với Stop Loss hoặc Take Profit, trader có thể sử dụng ngay khi đặt lệnh hoặc có thể chỉnh sửa trong quá trình lệnh đang chạy.

Với nhóm các loại lệnh đặc biệt thì rất ít khi được sử dụng trong giao dịch và cũng rất hiếm broker nào cung cấp những loại lệnh này, thường thì các bạn sẽ bắt gặp chúng trên các nền tảng giao dịch tiền điện tử nhiều hơn là forex. Và cũng giống như các Stop Loss hay Take Profit, các loại lệnh đặc biệt chỉ là các tính năng đi kèm khi các bạn giao dịch với các lệnh chính mà thôi, nên trader có thể sử dụng hoặc không.

Chính vì vậy, trong nội dung của bài viết này, quocdunginvest.com sẽ chỉ giới thiệu đến các bạn 3 nhóm lệnh: lệnh thị trường, lệnh chờ và lệnh phụ. Với nhóm lệnh đặc biệt, chúng tôi chỉ giới thiệu sơ qua về ý nghĩa của chúng mà thôi.

Lệnh thị trường – Market Execution

Là loại lệnh được khớp ngay với mức giá hiện tại của thị trường. Lệnh thị trường có 2 loại cơ bản mà chúng ta đã quá quen thuộc, đó là lệnh Buy (Mua) và lệnh Sell (Bán).

Ví dụ: cặp EUR/USD có báo giá ở thời điểm hiện tại là Bid: 1.23453 và Ask: 1.23454.

  • Nếu dự đoán tỷ giá EUR/USD sẽ tăng lên trong thời gian tới, các bạn đặt lệnh Buy.
  • Nếu dự đoán tỷ giá EUR/USD sẽ giảm xuống trong thời gian tới thì đặt lệnh Sell.

Ngay tại thời điểm các bạn bấm vào nút Buy hoặc Sell tại khu vực đặt lệnh nhanh One-click hoặc ở hộp thoại New Order thì lệnh của bạn sẽ được khớp ngay với các mức giá hiện tại đó. Cụ thể, nếu là lệnh Buy thì giá khớp lệnh là giá Ask: 1.23454 và lệnh Sell sẽ được khớp ngay với tỷ giá Bid: 1.23453.

Với Market Execution, các thao tác đặt lệnh vô cùng dễ dàng và nhanh chóng, lệnh sẽ được khớp ngay lập tức, trader không bị bỏ lỡ cơ hội vào lệnh. Tuy nhiên, các mức giá hiện tại của thị trường thường không phải là vị trí vào lệnh đẹp (Entry Price), nếu tại khoảnh khắc mà trader bấm vào nút Buy hoặc Sell, mà lúc đó thị trường biến động mạnh, làm giãn nở spread, thì mức giá khớp lệnh có thể bị nhảy, ảnh hưởng đến lợi nhuận của lệnh.

Lệnh chờ – Pending Order

Khác với lệnh thị trường, Pending Order cho phép trader được mua, bán tài sản tại mức giá mong muốn được xác định trước. Khi giá trên thị trường chạm đến mức giá này thì lệnh của trader sẽ được khớp và chạy bình thường giống như một Market Execution Order.

Pending Order có 3 loại: lệnh giới hạn, lệnh dừng và lệnh dừng giới hạn.

Lệnh giới hạn (Limit Order)

Giúp trader được mua, bán với mức giá tốt hơn so với giá hiện tại của thị trường. Cụ thể:

Buy Limit

Buy Limit (lệnh giới hạn Mua): lệnh này giúp trader có thể đặt mua với mức giá thấp hơn so với giá hiện tại của thị trường. Trader sử dụng loại lệnh này khi dự đoán giá sẽ tăng lên trong tương lai, nhưng giá sẽ giảm đến một mức nào đó trước khi chính thức đi lên.

Để đặt lệnh Buy Limit, trader cần xác định mức giá thực hiện, mức giá này sẽ phải thấp hơn giá hiện tại của thị trường, khi giá thị trường giảm xuống và chạm vào mức giá thực hiện này, lệnh giới hạn Mua của trader sẽ được khớp.

Sell Limit

Sell Limit (lệnh giới hạn Bán): lệnh này giúp trader có thể đặt bán với mức giá cao hơn so với giá hiện tại của thị trường. Trader sử dụng loại lệnh này khi dự đoán xu hướng sắp tới của giá sẽ giảm, nhưng trước khi chính thức giảm, giá sẽ tăng lên đến một mức nào đó trước.

Tương tự như Buy Limit, trader cần xác định mức giá thực hiện của lệnh Sell Limit, giá này sẽ cao hơn giá hiện tại của thị trường, khi giá thị trường tăng lên và chạm vào mức giá này, lệnh giới hạn Bán sẽ được khớp.

Ví dụ về lệnh giới hạn:

Giá đang tạo các đỉnh mới thấp hơn, đáy mới thấp hơn 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm. Ở thời điểm hiện tại, giá đang điều chỉnh tăng. Vẽ đường trendline cho xu hướng giảm, đồng thời sử dụng Fibonacci Retracement cho đoạn giá giảm gần nhất để tìm vị trí vào lệnh.

Trong tình huống này, chúng ta có thể kỳ vọng giá sẽ điều chỉnh tăng, đồng thời chạm vào trendline và một tỷ lệ FR quan trọng, sau đó sẽ tiếp tục giảm mạnh theo xu hướng chính. Giả sử các bạn lựa chọn vị trí giao cắt giữa trendline và FR 0.618 và kỳ vọng giá sẽ quay đầu tại đây.

Giá hiện tại của thị trường là 0.92105 và mức giá chờ bán là 0.92317. Trong trường hợp này, các bạn có 2 cách để giao dịch:

  • Cách 1: chờ giá tăng lên đến tỷ lệ FR 0.618 đồng thời chạm vào trendline và đặt một lệnh Sell, lệnh sẽ được khớp ngay tại mức giá 0.92317.
  • Cách 2: sử dụng lệnh Sell Limit với giá thực hiện là 0.92317, khi giá thị trường tăng lên đến mức giá này thì lệnh của bạn sẽ được khớp.

Đối với lệnh giới hạn Buy Limit hoặc Sell Limit, ưu điểm lớn nhất chính là trader được mua hoặc bán với mức giá tốt hơn so với mức giá hiện tại (mua thấp, bán cao), đồng nghĩa với việc sẽ thu về nhiều lợi nhuận hơn so với khi thực hiện một Market Execution. Bên cạnh đó, với lệnh Limit, các bạn sẽ không phải ngồi hàng giờ trên máy tính để canh đến khi giá chạm vào mức giá kỳ vọng để đặt lệnh. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của lệnh Limit chính là trader có khả năng sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch. Nếu giá không giảm xuống trước mà tăng lên luôn từ mức giá hiện tại thì lệnh Buy Limit sẽ không được khớp, hay nếu giá không tăng lên trước mà giảm xuống luôn từ mức giá hiện tại thì lệnh Sell Limit sẽ không được khớp. Mặc dù xác định đúng xu hướng nhưng các bạn đã bỏ lỡ cơ hội giao dịch chỉ vì muốn gia tăng thêm một chút lợi nhuận.

Lệnh dừng (Stop Order)

Ngược lại với Limit Order, với lệnh dừng, trader sẽ đặt mua với giá cao hơn hoặc đặt bán với giá thấp hơn so với giá hiện tại của thị trường.

Buy Stop

Buy Stop (lệnh dừng Mua): trader cho rằng thị trường sẽ tăng lên mạnh mẽ khi giá phá được các mức cản mạnh (thường là đường trendline của xu hướng giảm hoặc các ngưỡng kháng cự), nếu không, giá sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Để đặt lệnh Buy Stop, trader cần xác định mức giá thực hiện, mức giá này sẽ phải cao hơn giá hiện tại của thị trường, khi giá thị trường tăng lên và chạm vào mức giá thực hiện này, lệnh dừng Mua của trader sẽ được khớp.

Sell Stop

Sell Stop (lệnh dừng Bán): trader cho rằng thị trường sẽ giảm xuống mạnh mẽ khi giá phá được các mức cản mạnh (thường là đường trendline của xu hướng tăng hoặc các ngưỡng hỗ trợ), nếu không, giá sẽ tiếp tục xu hướng tăng.

Để đặt lệnh Sell Stop, trader cần xác định mức giá thực hiện, mức giá này sẽ phải thấp hơn giá hiện tại của thị trường, khi giá thị trường giảm xuống và chạm vào mức giá thực hiện này, lệnh dừng Bán của trader sẽ được khớp.

Ví dụ về lệnh dừng 

Giá đã trong xu hướng tăng được một thời gian khá lâu. Sự xuất hiện của cây nến Bearish Reversal Pin bar cung cấp tín hiệu về khả năng đảo chiều giảm của xu hướng. Lúc này, có thể đặt ngay một lệnh Sell với mức giá hiện tại, tuy nhiên, một khi giá chưa phá vỡ đường trendline của xu hướng tăng thì giá vẫn có thể đi lên bất cứ khi nào. Khi nào giá phá vỡ đường trendline thì lúc đó, khả năng giá đảo chiều giảm sẽ cao hơn. Trong tình huống này, các bạn cũng có 2 sự lựa chọn:

  • Cách 1: chờ giá giảm xuống và phá vỡ đường trendline rồi đặt một lệnh Sell tại mức giá đóng cửa của cây nến Breakout bar.
  • Cách 2: sử dụng lệnh Sell Stop với giá thực hiện là một mức giá thỏa 2 điều kiện: thấp hơn giá hiện tại và khi giá thị trường đạt đến mức giá này thì cũng là lúc trendline của xu hướng tăng đã bị phá vỡ.

Tương tự như lệnh giới hạn, lệnh dừng cũng giúp trader không cần phải ngồi canh hàng giờ trên máy tính và ưu điểm lớn nhất của lệnh dừng chính là khẳng định lại tín hiệu giao dịch một cách chắc chắn hơn, giúp cho lệnh an toàn hơn, tránh được rủi ro khi thị trường đi ngược hướng dự đoán, vì khi đó lệnh dừng sẽ không được khớp. Và nhược điểm của lệnh dừng chính là làm cho lợi nhuận của lệnh bị giảm đi một phần so với việc sử dụng ngay lệnh thị trường ở thời điểm hiện tại khi dự đoán đúng xu hướng.

Lệnh dừng giới hạn (Stop Limit Order)

Đúng như cái tên của nó thì loại lệnh này kết hợp tính năng của lệnh dừng (Stop) và lệnh giới hạn (Limit). Khi thị trường đạt đến mức giá dừng (stop price) thì lệnh Stop Limit sẽ chuyển thành lệnh Limit với giá thực hiện là giá giới hạn (limit price), khi giá tiếp tục chạm vào limit price thì lệnh sẽ được khớp. 

Buy Stop Limit

Lệnh Buy Stop Limit được sử dụng trong trường hợp trader cho rằng thị trường sẽ tăng lên mạnh mẽ khi giá phá được các mức cản mạnh (thường là đường trendline của xu hướng giảm hoặc các ngưỡng kháng cự), nếu không, giá sẽ tiếp tục xu hướng giảm 🡪 giống với ý nghĩa của lệnh Buy Stop. Nhưng lệnh Buy Stop Limit sẽ giúp trader mua được với mức giá tốt hơn, nên lệnh sẽ được khớp tại mức giá giới hạn (limit price) thấp hơn so với stop price.

Ví dụ: tỷ giá của EUR/USD đang là 1.23465. Bạn dự đoán rằng khi tỷ giá này vượt qua mức 1.23500 thì nó sẽ tăng mạnh, bằng không nó sẽ đảo chiều giảm. Lúc này, bạn sử dụng lệnh Buy Stop Limit với các thông tin sau:

  • Giá dừng (stop price): 1.23500
  • Giá giới hạn (limit price): 1.23480

Khi tỷ giá EUR/USD tăng lên và đạt đến mức giá 1.23500 thì lệnh Buy Stop Limit sẽ được kích hoạt bằng một lệnh Buy Limit với giá thực hiện là 1.23480. Khi giá điều chỉnh giảm và chạm đến 1.23480 thì lệnh Buy Limit của bạn sẽ được khớp, tức là bạn đã được mua với mức giá 1.23480.

Đối với lệnh Buy Stop Limit, limit price phải luôn <= stop price, nếu limit price = stop price thì sau khi giá chạm đến stop price, lệnh sẽ được kích hoạt bằng một lệnh Buy (lệnh thị trường) với mức giá hiện tại chính bằng stop price đó.

Sell Stop Limit

Lệnh Sell Stop Limit được sử dụng trong trường hợp trader cho rằng thị trường sẽ giảm xuống mạnh mẽ khi giá phá được các mức cản mạnh (thường là đường trendline của xu hướng tăng hoặc các ngưỡng hỗ trợ), nếu không, giá sẽ tiếp tục xu hướng tăng 🡪 giống với ý nghĩa của lệnh Sell Stop. Nhưng lệnh Sell Stop Limit sẽ giúp trader bán được với mức giá tốt hơn, nên lệnh sẽ được khớp tại mức giá giới hạn (limit price) cao hơn so với stop price.

Ví dụ: tỷ giá của EUR/USD đang là 1.23465. Bạn dự đoán rằng khi tỷ giá giảm xuống và vượt qua mức 1.23100 thì nó sẽ giảm mạnh, bằng không nó sẽ đảo chiều tăng. Lúc này, bạn sử dụng lệnh Sell Stop Limit với các thông tin sau:

  • Giá dừng (stop price): 1.23100
  • Giá giới hạn (limit price): 1.23170

Khi tỷ giá EUR/USD giảm và đạt đến mức giá 1.23100 thì lệnh Sell Stop Limit sẽ được kích hoạt bằng một lệnh Sell Limit với giá thực hiện là 1.23170. Khi giá điều chỉnh tăng và chạm đến 1.23170 thì lệnh Sell Limit của bạn sẽ được khớp, tức là bạn đã được bán với mức giá 1.23170.

Đối với lệnh Sell Stop Limit, limit price phải luôn >= stop price, nếu limit price = stop price thì sau khi giá chạm đến stop price, lệnh sẽ được kích hoạt bằng một lệnh Sell (lệnh thị trường) với mức giá hiện tại chính bằng stop price đó.

Lệnh Stop Loss, Take Profit và Trailing Stop

Stop Loss và Take Profit là các loại lệnh phụ trong giao dịch forex, chức năng của 2 loại lệnh này chính là để kết thúc vị thế một cách tự động. Cụ thể:

Stop Loss (Lệnh dừng lỗ)

Trong một giao dịch, để giới hạn mức thua lỗ tối đa của lệnh khi giá đi ngược lại xu hướng dự đoán, trader sẽ sử dụng Stop Loss. Đối với lệnh Buy, vị trí đặt Stop Loss là một mức giá thấp hơn giá khớp lệnh, ngược lại với lệnh Sell, Stop Loss là mức giá cao hơn so với giá khớp lệnh. Khi giá đi ngược chiều dự đoán và chạm vào mức giá Stop Loss, lệnh của trader sẽ tự động đóng lại và kết chuyển thua lỗ bằng khoảng cách từ vị trí khớp lệnh đến Stop Loss.

Take Profit (Lệnh chốt lời)

Là loại lệnh dùng để giới hạn mức lợi nhuận kỳ vọng của trader khi thị trường đi đúng như dự đoán. Đối với lệnh Buy, vị trí chốt lời là một mức giá cao hơn giá khớp lệnh, với lệnh Sell, vị trí chốt lời sẽ là mức giá thấp hơn giá khớp lệnh. Khi thị trường đi đúng như dự đoán và giá chạm vào vị trí của Take Profit thì lệnh của bạn cũng sẽ tự động đóng lại và kết chuyển lợi nhuận chính bằng khoảng cách từ giá khớp lệnh đến mức giá Take Profit. Đó có thể là một số tiền lợi nhuận mà trader đã cảm thấy hài lòng đối với lệnh hoặc tín hiệu forex cho biết khi giá đạt đến mức chốt lời thì thị trường sẽ đảo chiều. 

Ví dụ về Stop Loss và Take Profit:

Với vị trí vào lệnh như trường hợp trên thì các bạn có thể xác định vị trí của Stop Loss sẽ nằm dưới đáy gần nhất của xu hướng tăng và vị trí Take Profit tương ứng với tỷ lệ Fibonacci Extension 1.618. Tùy thuộc vào mỗi chiến lược giao dịch, mỗi công cụ phân tích và cả chiến lược quản lý vốn, quản trị rủi ro mà trader sẽ xác định các vị trí đặt Stop Loss hay Take Profit sao cho phù hợp nhất.

Trailing Stop (Lệnh dừng lỗ kéo theo)

Là một dạng biến thể của Stop Loss nhưng điểm dừng lỗ không cố định như Stop Loss mà sẽ di chuyển cùng với biến động của giá. Nếu giá đi đúng hướng dự đoán, vị trí dừng lỗ sẽ di chuyển theo cùng hướng, ngược lại, nếu giá đi ngược hướng dự đoán, vị trí dừng lỗ sẽ đứng yên.

Ví dụ: bạn Buy cặp EUR/USD tại mức giá khớp lệnh là 1.23400 và đặt Trailing Stop 30 pips. Với Trailing Stop 30 pips thì vị trí dừng lỗ của bạn sẽ là 1.23100.

Giá tăng lên đến 1.23470, vị trí dừng lỗ cũng sẽ di chuyển theo sao cho khoảng cách từ giá hiện tại đến vị trí dừng lỗ vẫn là 30 pips, suy ra, vị trí dừng lỗ mới sẽ là 1.23170. 

  • Trường hợp 1: Nếu giá tiếp tục tăng lên đến 1.23870 thì dừng lỗ mới sẽ là 1.23570. Lúc này, nếu giá có đảo chiều và quét stop loss thì lệnh của bạn vẫn có lời 17 pips.
  • Trường hợp 2: Nếu giá giảm xuống còn 1.23389 thì dừng lỗ sẽ đứng yên tại 1.23170, nếu giá tiếp tục giảm và chạm vào 1.23170 thì lệnh bị quét stop loss và đóng lại, bạn thua lỗ 23 pips.

Lệnh Trailing Stop sẽ giúp cho trader chắc chắn có lợi nhuận khi vẫn chưa đóng lệnh trong trường hợp giá đi đúng hướng hoặc hạn chế bớt thua lỗ trong trường hợp giá đi ngược hướng dự đoán.

Các loại lệnh đặc biệt

Các loại lệnh đặc biệt này là những tính năng đi kèm khi trader sử dụng các loại lệnh chờ (Pending Order) để giao dịch, cụ thể:

  • Good ‘Till Cancel – GTC (Lệnh tồn tại cho đến khi bị hủy): lệnh chờ sẽ được giữ cho đến khi trader hủy nó thì thôi. Sàn forex không có quyền hủy lệnh này của trader.
  • Good for the Day – GFD (Lệnh tồn tại trong ngày): nếu lệnh chờ mà trader đã đặt không được khớp trong ngày thì khi bắt đầu qua một ngày giao dịch mới, lệnh sẽ tự động bị hủy bỏ.
  • One cancels the order – OCO (Lệnh này hủy lệnh kia): 2 lệnh chờ được đặt cùng lúc, nếu một lệnh được khớp thì lệnh còn lại sẽ bị hủy.
  • One trigger the other (Lệnh kích hoạt hoạt lệnh): thường là trường hợp một lệnh chờ và một lệnh dừng lỗ hoặc chốt lời, khi lệnh chờ được khớp thì lệnh chốt lời hay dừng lỗ cũng được kích hoạt theo.

Hướng dẫn sử dụng các loại lệnh trên phần mềm giao dịch

Ngoại trừ lệnh Stop Limit chỉ được cung cấp trên phần mềm MT5 thì các lệnh còn lại (không kể các lệnh đặc biệt) đều có sẵn trên MT4.

Trên phần mềm MT4, các bạn mở hộp thoại đặt lệnh New Order lên:

Đầu tiên là chọn cặp tỷ giá muốn giao dịch tại ô Symbol và khối lượng lệnh tại ô Volume.

Tại ô Type: nếu đặt lệnh thị trường thì chọn Market Execution, sau đó bấm nút Buy by Market để đặt lệnh Buy hoặc Sell by Market để đặt lệnh Sell.

Nếu đặt lệnh chờ thì chọn Pending Order, hộp thoại sẽ xuất hiện thêm những thông tin sau:

Tại ô Type ở dưới, các bạn chọn loại lệnh chờ cần đặt, bao gồm Buy Limit/Sell Limit/Buy Stop/Sell Stop. Sau đó nhập mức giá thực hiện vào ô at price.

Nếu muốn lệnh chờ được giữ trong khoảng thời gian nào đó thì bấm tick chọn vào ô Expiry, sau đó chọn ngày giờ cụ thể, nếu đến thời điểm đó mà lệnh không được khớp thì sẽ bị hủy. Ngược lại, nếu bạn không cài đặt thông tin này thì lệnh sẽ được giữ đến khi nào được khớp thì thôi.

Hoàn thành xong mọi thông tin thì bấm nút Place.

Đối với cài đặt Stop Loss, Take Profit và Trailing Stop thì các bạn có thể tham khảo lại bài viết sau:

MT4 là gì? Hướng dẫn sử dụng phần mềm MT4 chi tiết nhất

Tương tự, trên phần mềm MT5, các bạn cũng mở hộp thoại New Order lên:

Tại ô Type đầu tiên, các bạn chọn Pending Order. Ở ô Type phía dưới, các bạn chọn loại lệnh chờ Sell Stop Limit/Buy Stop Limit, sau đó nhập vào khối lượng lệnh tại ô Volume.

Tiếp tục nhập vào stop price tại ô Price và limit price tại ô Stop Limit price, lưu ý về điều kiện giữa 2 mức giá này tương ứng với từng loại lệnh. Cụ thể:

Đối với lệnh Buy Stop Limit

  • Price (stop price): > giá Ask hiện tại
  • Stop Limit price (limit price): <= stop price

Đối với lệnh Sell Stop Limit

  • Price (stop price): < giá Bid hiện tại
  • Stop Limit price (limit price): >= stop price

Nếu nhập đúng các mức giá thì nút Place sẽ chuyển sang màu xanh (Buy Stop Limit) hoặc đỏ (Sell Stop Limit), nếu không lệnh sẽ không hợp lệ.

Nếu cài đặt thời hạn của lệnh, các bạn lựa chọn các thông tin tại ô Expiration, cụ thể:

  • GTC: Good ‘Till Cancel: lệnh được chờ đến khi nào bạn hủy nó
  • Today: lệnh chỉ được chờ trong ngày
  • Specified: cài đặt thời gian chờ cụ thể: ngày và giờ
  • Specified day: cài đặt thời gian chờ cụ thể: ngày

Nếu chọn Specified hoặc Specified day thì các bạn tiếp tục nhập vào thời gian ở ô Expiration date.

Cài đặt lệnh xong thì bấm nút Place để đặt lệnh là xong.

Hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đã hiểu được ý nghĩa của các loại lệnh cơ bản trong giao dịch forex và cách sử dụng chúng trên phần mềm. Lựa chọn được loại lệnh phù hợp với chiến lược sẽ giúp cho bạn hạn chế được rủi ro và có thể gia tăng được lợi nhuận.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Tổng hợp các lệnh trong forex trader bắt buộc phải biết
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan