Trang chủMô hình 2 đỉnh (Double Top) là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất

Mô hình 2 đỉnh (Double Top) là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất

Admin

Tiếp theo chuỗi bài viết về các mô hình giá, thì lần này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn mô hình giá Hai đỉnh (Double Top). Là một mô hình giá đảo chiều và xuất hiện thường xuyên nhất trên đồ thị giá ở bất kỳ khung thời gian nào. Mặc dù xuất hiện với tần suất dày đặc nhưng không đồng nghĩa với việc nó kém hiệu quả. Nếu biết cách giao dịch, mô hình giá Hai đỉnh sẽ mang về cho trader lợi nhuận tiềm năng rất lớn.

Vậy, mô hình giá Hai đỉnh có đặc điểm gì? Ý nghĩa của mô hình ra sao và cách giao dịch với mô hình này như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Cùng tìm hiểu nhé.

Mô hình giá Hai đỉnh là gì?

Mô hình giá Hai đỉnh hay Double Top là mô hình giá đảo chiều giảm, xuất hiện vào cuối một xu hướng tăng và dự báo về khả năng đảo chiều của xu hướng đó.

Giống như nhiều mô hình giá khác, nguyên lý để mô hình giá Hai đỉnh có thể hoạt động được chính là dựa vào cấu trúc của xu hướng. Trong một xu hướng tăng, giá sẽ liên tục tạo các đỉnh mới cao hơn, đáy mới cao hơn và nếu cấu trúc đó vẫn được duy trì thì xu hướng tăng vẫn được tiếp diễn. Ngược lại, một khi giá không thể tạo đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn thì lúc này, cấu trúc xu hướng tăng bị phá vỡ, thị trường chuyển sang cấu trúc của xu hướng giảm hoặc di chuyển trong vùng giá đi ngang sideway.

Đối với mô hình giá Hai đỉnh, giá không thể tạo đỉnh mới cao hơn, đồng thời cũng tạo đáy thấp hơn nên thị trường được dự báo chuyển sang cấu trúc của xu hướng giảm. Trader sẽ mở một vị thế bán khi mô hình này hoàn thành.

Đặc điểm của mô hình giá Hai đỉnh

Đúng như tên gọi của nó thì mô hình giá này bao gồm 2 đỉnh và hai đỉnh này gần như bằng nhau. Hình dáng tiêu chuẩn của nó sẽ có dạng chữ M, nhưng bạn biết đấy, trên thực tế sẽ rất ít trường hợp chúng ta bắt gặp mô hình đẹp như thế. Nhưng miễn sao nó thỏa mãn các đặc điểm của mô hình Hai đỉnh, hoạt động tốt và mang về lợi nhuận là được.

Trước khi mô hình giá Hai đỉnh được hình thành, điều quan trọng là thị trường phải đang trong xu hướng tăng. Nếu trước đó xu hướng không rõ ràng hoặc là xu hướng giảm thì dù đường đi của giá có hình dáng chữ M như trên đi nữa thì mô hình đó vẫn không được gọi là mô hình Hai đỉnh, nó sẽ không hoạt động theo đúng nguyên lý của mô hình Hai đỉnh. 

Mô hình Double Top bao gồm 2 đỉnh, có độ cao gần như bằng nhau. Đỉnh 2 có thể thấp hoặc cao hơn đỉnh 1, nhưng nếu cao hơn thì không được quá 5% và thời gian hình thành 2 đỉnh phải tương đối dài, cách nhau từ 2-7 tuần (theo Bulkowski 2005). Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng thời gian hình thành 2 đỉnh vẫn có thể ngắn hơn, đặc biệt khi trader sử dụng các khung thời gian ngắn để giao dịch, nhưng mô hình vẫn hoàn thành và hoạt động tốt.

Sau khi hình thành đỉnh 1, thị trường điều chỉnh giảm tạo đáy trung tâm, đường thẳng nằm ngang đi qua đáy trung tâm là đường viền cổ (Neckline), lúc này đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ.

Mô hình Hai đỉnh chỉ được xem là hoàn thành khi giá phá vỡ đường Neckline. Có 2 khả năng xảy ra sau khi giá phá vỡ Neckline:

  • Một là giá sẽ giảm mạnh xuống luôn sau khi phá vỡ Neckline
  • Hai là giá sẽ quay lại retest Neckline một lần nữa, rồi mới giảm mạnh xuống. Khi giá phá vỡ Neckline, đường Neckline lúc này trở thành một ngưỡng kháng cự mới, giá chạm vào kháng cự sẽ có khả năng quay đầu giảm. Đường neckline sẽ là một ngưỡng kháng cự mạnh nếu trước đó nó đi qua một đỉnh phía trước đỉnh 1 trong xu hướng tăng. Lúc này, sau đợt retest Neckline, giá sẽ giảm mạnh mẽ hơn.

Ý nghĩa của mô hình giá Hai đỉnh

Đỉnh 1 hình thành cao hơn đỉnh phía trước và giá điều chỉnh giảm sau khi tạo đỉnh 1 là lẽ thường tình khi thị trường đang trong xu hướng tăng. Sau khi điều chỉnh giảm, giá tiếp tục tăng lên, nhưng lúc này, áp lực mua không đủ mạnh để đẩy giá lên cao hơn, cho thấy phe mua đang dần kiệt sức.

Phe mua bắt đầu thoát vị thế vì lo sợ thị trường sẽ giảm xuống, họ đóng lệnh để chốt lợi nhuận, điều này khiến cho đỉnh 2 thấp hơn đỉnh 1 và giá bắt đầu giảm xuống. Khi giá phá vỡ đường viền cổ, lúc này, niềm tin về một xu hướng giảm đang dần rõ ràng hơn, những người bên ngoài thị trường nhảy vào bằng vị thế bán, số còn lại của phe mua cũng hoảng loạn đóng lệnh toàn bộ, áp lực bán đang rất lớn đẩy giá xuống sâu hơn, xu hướng giảm mới chính thức được hình thành.

Trong trường hợp giá quay lại retest đường Neckline, thì đó cũng là lúc mà những người khổng lồ đang thực hiện tham vọng đẩy giá lên cao hơn chút nữa để bán ra với giá tốt hơn. Sau khi giá phá vỡ Neckline, họ bắt đầu mua vào từng chút một để giá tăng lên lại, khiến cho những con mồi “luyến tiếc quá khứ” nhảy vào mua với kỳ vọng giá đã quay về xu hướng cũ, làm cho giá tăng lên như kỳ vọng của những gã khổng lồ đó. Khi đã đạt được mục tiêu, họ bắt đầu bán ra với khối lượng khổng lồ, nguồn cung lúc này đang rất lớn, giá sẽ giảm xuống mạnh mẽ hơn.

Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá Hai đỉnh

Đối với mô hình giá Hai đỉnh, các bạn có tất cả 3 cách để giao dịch, ứng với 3 vị trí vào lệnh khác nhau, được mô tả trong hình vẽ bên dưới:

Cách 1: Vào lệnh ngay sau khi giá phá vỡ đường Neckline. 

Đường Neckline có thể xem là được phá vỡ khi giá đóng cửa phía dưới nó một cách rõ ràng. Vào lệnh Sell ngay khi cây nến breakout bar hình thành.

Với cách giao dịch này, lợi nhuận thu được là ít nhất do vị trí đặt lệnh thấp nhất trong 3 cách. Cách này cũng có rủi ro khi các bạn bị lừa bởi một đợt breakout giả. Tuy nhiên, cách này sẽ giúp bạn không bỏ lỡ cơ hội giao dịch với mô hình khi giá phá vỡ đường Neckline.

Cách 2: Chờ giá quay lại retest Neckline rồi mới vào lệnh. 

Sau khi giá phá vỡ Neckline sẽ thường có xu hướng quay trở lại retest ngưỡng hỗ trợ này một lần nữa rồi mới chính thức giảm mạnh theo xu hướng mới. Khi giá vừa chạm vào Neckline, các bạn có thể đặt lệnh Sell ngay hoặc chờ đợi tín hiệu giá quay đầu giảm bằng một cây nến đỏ rồi mới vào lệnh cũng được.

Đây cách giao dịch được nhiều trader lựa chọn nhất với mô hình giá Hai đỉnh. Cách này sẽ giúp trader đạt được lợi nhuận ít nhất bằng với lợi nhuận kỳ vọng của mô hình, nhưng nhược điểm của nó chính là các bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch với mô hình trong trường hợp giá không quay về retest Neckline.

Cách 3: Vào lệnh sớm khi giá phá vỡ đường trendline của xu hướng tăng.

Vẽ đường trendline của xu hướng tăng đi qua đáy trung tâm. Vào lệnh Sell khi giá đóng cửa phía dưới đường trendline một cách rõ ràng.

Đây là cách giao dịch không chính thống của mô hình giá Hai đỉnh. Bởi lẽ, thời điểm đặt lệnh là lúc mô hình Hai đỉnh chưa thực sự hoàn thành.

Tuy nhiên, cách giao dịch này vẫn được xem là hợp lý vì một khi giá phá vỡ trendline của xu hướng tăng (lúc này đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ mạnh), thị trường sẽ có xu hướng đảo chiều, khi đó giá sẽ giảm xuống và khả năng cao là sẽ phá vỡ luôn Neckline 🡪 mô hình Hai đỉnh hoàn thành. Cách này sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất nhưng cũng là cách giao dịch rủi ro nhất, vì có thể mô hình Hai đỉnh sẽ không hoàn thành, sau khi phá vỡ trendline, giá sẽ quay đầu đi lên (breakout trendline giả).

Nếu các bạn lựa chọn cách giao dịch này thì có thể tham khảo thêm bài viết về cách xác định và giao dịch với đường xu hướng trendline: Trendline là gì? Cách vẽ trendline chi tiết và chuẩn nhất.

Đặt stop loss: phía trên 2 đỉnh (nếu 2 đỉnh bằng nhau), lúc này, đường nằm ngang nối 2 đỉnh đang là một ngưỡng kháng cự mạnh. Hoặc phía trên đỉnh 1 nếu đỉnh 2 thấp hơn đỉnh 1.

Đặt take profit: Điểm take profit là vị trí cách đường Neckline một khoảng bằng khoảng cách từ 2 đỉnh đến đường Neckline, đó là lợi nhuận kỳ vọng của mô hình. 

Giao dịch theo cách nào là hiệu quả nhất?

Mỗi cách giao dịch đều có những ưu, nhược điểm riêng, các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn 1 trong 3 cách. Trong quá trình giao dịch, hãy thử giao dịch với từng cách và quyết định xem cách nào là phù hợp với mình nhất nhé.

Ví dụ về mô hình giá Hai đỉnh – Double Top trong thực tế

Ví dụ 1: Mô hình Hai đỉnh với giá retest đường Neckline

Mô hình Hai đỉnh trong trường hợp này khá đẹp. Giá phá vỡ đường Neckline bằng một cây nến giảm khá dài, giá đóng cửa phía dưới đường Neckline một cách rõ rệt. Sau khi phá vỡ Neckline, giá quay lại retest ngưỡng hỗ trợ này và bắt đầu giảm mạnh xuống.

Cũng trong trường hợp này, các bạn có thể lựa chọn một trong 3 cách giao dịch đều được. Như thường lệ, các mô hình giá có lợi nhuận kỳ vọng không được cao, tỷ lệ Risk:Reward không được tốt, và mô hình giá Hai đỉnh cũng không ngoại lệ. Trong nhiều tình huống thực tế, các bạn có thể linh hoạt giữ lệnh nếu gặp tín hiệu giá tiếp tục giảm để mang về nhiều lợi nhuận hơn. Như trong ví dụ này, sau khi giá chạm điểm take profit theo kỳ vọng của mô hình, thị trường liên tiếp xuất hiện các cây nến Bearish Marubozu, dự báo khả năng giá tiếp tục giảm mạnh, nếu các bạn kiên trì giữ lệnh thì đã có thể mang về lợi nhuận cao hơn.

Ví dụ 2: Mô hình Hai đỉnh với giá không retest lại Neckline

Ở tình huống này, các bạn có thể vào lệnh theo cách 1 hoặc 3, nếu lựa chọn giao dịch theo cách thứ 2 thì đã bỏ lỡ cơ hội vào lệnh với mô hình này vì giá không retest lại Neckline mà giảm ngay xuống sau khi phá vỡ. Với mô hình này, các bạn dễ dàng đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Mặc dù có xuất hiện cây nến Bearish Reversal Pin bar, cho tín hiệu giá giảm, nhưng chỉ sau 2 phiên giao dịch, thị trường lại xuất hiện cây nến Bullish Reversal Pin bar, tín hiệu giá tăng, lúc này, sẽ chẳng có trader nào tự tin tiếp tục giữ lệnh. Nhưng bạn thấy đấy, sau đó giá vẫn tiếp tục giảm. Thị trường là như vậy và nhiều lúc chúng ta sẽ chẳng thể dự đoán trước bất kỳ điều gì.

Ví dụ 3: Mô hình Hai đỉnh với giá retest lại Neckline

Đây cũng là một mô hình giá Hai đỉnh khá đẹp và trong tình huống này, các bạn có đến 4 cách giao dịch.

3 cách giao dịch thông thường với mô hình giá Hai đỉnh như đã trình bày ở phần trên và một cách giao dịch nữa có thể giúp bạn mang về lợi nhuận cao nhất.

Ngay khi giá hình thành đỉnh 2, thị trường xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm Sao Hôm (Evening Star), cho tín hiệu giá đảo chiều giảm mạnh mẽ, các bạn có thể vào lệnh ngay khi mô hình này hoàn thành.

Evening Star là mô hình giá đảo chiều giảm cực mạnh, nên khi nó xuất hiện, giá sẽ giảm không ít cũng nhiều và khả năng sẽ phá vỡ trendline của xu hướng tăng. Mà khi đã phá vỡ trendline thì khả năng giá sẽ tiếp tục giảm và phá vỡ Neckline 🡪 mô hình giá Hai đỉnh hoàn thành.

Với một trader chuyên nghiệp, họ thường sẽ tận dụng những cơ hội tốt như thế này để nhồi lệnh. Vào lệnh Sell 1 khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm tại đỉnh 2. Vào tiếp lệnh Sell 2 khi giá phá vỡ đường trendline của xu hướng tăng. Thêm lệnh Sell 3 khi giá phá vỡ đường Neckline của mô hình Hai đỉnh, và cuối cùng, nếu giá retest lại Neckline, họ sẽ mạnh dạn vào thêm một lệnh Sell 4 nữa để tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc nhồi lệnh khá rủi ro và không được khuyến khích dành cho những trader mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Bạn biết đấy, đôi lúc lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết và mô hình giá Hai đỉnh cũng không phải lúc nào cũng hoàn hảo và hoạt động tốt, như trường hợp dưới đây:

Ví dụ 4: Mô hình giá Hai đỉnh không hoàn chỉnh

Giá phá vỡ đường Neckline bằng một cây nến giảm dài và đóng cửa phía dưới Neckline một cách rõ ràng, lúc này, các bạn có thể vào lệnh theo cách 1. Tiếp theo đó là một cây nến giảm mạnh, lúc này chúng ta hoàn toàn có thể tự tin rằng mô hình Hai đỉnh có thể hoạt động tốt và chờ đợi giá chạm điểm take profit để chốt lời.

Sau đó, giá có quay lại retest Neckline, mặc dù cú retest này không được đẹp vì giá đóng cửa phía trên Neckline quá nhiều, nhưng sau đó nó vẫn giảm xuống lại. Khi đó, sẽ có nhiều người tin rằng giờ là lúc nó sẽ bắt đầu giảm mạnh và giao dịch với cách thứ 2. 

Nhưng kết quả thì….

Giá đã quay trở lại xu hướng tăng mà chưa kịp chạm vào take profit.

Những người chỉ vào lệnh theo cách 1 hoặc 2 sẽ lỗ 1 nhưng những người nhồi lệnh sẽ lỗ đến 2.

Hãy luôn tỉnh táo trong mọi tình huống và đừng quên đặt stop loss, để nếu có thất bại thì tài khoản vẫn còn để bạn có cơ hội cho những lần sau.

Khối lượng xác nhận tín hiệu trong mô hình giá Hai đỉnh

Một trong những lưu ý quan trọng nhất khi giao dịch với mô hình giá Hai đỉnh chính là sự xác nhận của khối lượng giao dịch. Ở những thời điểm quan trọng như giá phá vỡ trendline của xu hướng tăng, giá phá vỡ đường Neckline, khi giá chạm vào Neckline để retest lại, mà tại đó, khối lượng giao dịch tăng lên hoặc cao hơn mức trung bình (có thể sử dụng đường MA20 trên đồ thị khối lượng để đại diện cho giá trị trung bình của khối lượng) thì khả năng giá giảm xuống sẽ lớn hơn, xác suất để mô hình Hai đỉnh hoạt động tốt được cao hơn.

Kết luận

Hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đã nắm bắt được đặc điểm và cách giao dịch với mô hình giá Hai đỉnh. Không có phương pháp hay công cụ nào cho tín hiệu chính xác 100%, và tất nhiên mô hình giá Hai đỉnh cũng như vậy. Chính vì thế, điều cần làm là các bạn nên luyện tập quan sát hành vi của giá trên đồ thị để nhận diện mô hình tốt hơn, tìm ra cách giao dịch phù hợp nhất, rút ra kinh nghiệm cho riêng mình để việc giao dịch đạt hiệu quả cao nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình 2 đỉnh (Double Top) là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan