Trang chủMô hình 2 đáy (Double Bottom) là gì? Đặc điểm & cách giao dịch

Mô hình 2 đáy (Double Bottom) là gì? Đặc điểm & cách giao dịch

Admin

Double Bottom là mô hình giá đảo chiều tăng, cũng là một trong những price pattern xuất hiện rất thường xuyên trên đồ thị giá, được nhiều trader phân tích kỹ thuật mà cụ thể hơn là các trader phân tích hành động giá price action ưa chuộng sử dụng để giao dịch.

Mô hình này có đặc điểm nhận dạng khá dễ, cách giao dịch phong phú và cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên, rất nhiều trader chưa biết cách giao dịch như thế nào cho hiệu quả.

Bài viết lần này dành riêng cho những trader mới, chưa có cơ hội tìm hiểu về mô hình giá Hai đáy, nội dung của bài viết sẽ giúp các bạn nắm bắt được đặc điểm, ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả với mô hình này. Đừng bỏ qua nhé.

Tham khảo: Mô hình giá Hai đỉnh (Double Top) là gì? Cách giao dịch hiệu quả.

Mô hình giá Hai đáy là gì?

Double Bottom hay mô hình giá Hai đáy là một mô hình giá đảo chiều tăng, xuất hiện vào cuối một xu hướng giảm, báo hiệu xu hướng giảm sắp kết thúc, thị trường có khả năng đảo chiều tăng.

Mô hình giá Hai đáy có thể hoạt động tốt là nhờ vào nguyên lý cấu trúc xu hướng. Cụ thể, trong một xu hướng giảm, giá sẽ chủ yếu di chuyển đi xuống nhưng xen kẽ vào đó là những đợt điều chỉnh tăng. Chuyển động này của giá tạo ra những đáy mới thấp hơn, đỉnh mới thấp hơn. Nếu cấu trúc này vẫn được duy trì thì xu hướng giảm vẫn được tiếp diễn. Ngược lại, khi giá bắt đầu không thể tạo đáy mới thấp hơn, đỉnh mới thấp hơn, cấu trúc xu hướng giảm bị phá vỡ, thị trường sẽ di chuyển chậm lại trong vùng giá đi ngang (sideway) hoặc đảo chiều chuyển sang cấu trúc của xu hướng tăng.

Đối với mô hình giá Hai đáy, là trường hợp giá không thể tạo đáy mới thấp hơn và cũng tạo đỉnh mới cao hơn, bắt đầu dần hình thành cấu trúc của xu hướng tăng, dự báo khả năng đảo chiều. Trader sẽ mở vị thế mua khi mô hình này được hoàn thành.

Đặc điểm của mô hình giá Hai đáy

Nếu mô hình giá Hai đỉnh có dạng chữ M thì mô hình giá Hai đáy sẽ có dáng chữ W, nghĩa là sẽ bao gồm 2 đáy gần như bằng nhau. Nhưng trên thực tế, rất hiếm khi gặp được mô hình nào đẹp như chữ W cả, mà Double Bottom thường sẽ bị méo mó đi.

Mô hình Double Bottom bao gồm 2 đáy, gần như bằng nhau. Đáy 2 có thể thấp hoặc cao hơn đáy 1, nhưng nếu thấp hơn thì không được quá 5% và thời gian hình thành 2 đáy phải tương đối dài, cách nhau từ 2-7 tuần (theo Bulkowski 2005). Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng thời gian hình thành 2 đáy vẫn có thể ngắn hơn, đặc biệt khi trader sử dụng các khung thời gian ngắn để giao dịch, nhưng mô hình vẫn hoàn thành và hoạt động tốt.

Sau khi hình thành đáy 1, thị trường điều chỉnh tăng tạo đỉnh trung tâm, đường thẳng nằm ngang đi qua đỉnh trung tâm là đường viền cổ (Neckline), lúc này đóng vai trò là một ngưỡng kháng cự.

Lưu ý:

  • Trước khi mô hình Hai đáy xuất hiện, thị trường phải đang trong xu hướng giảm, điều này vô cùng quan trọng. Nếu trước đó không có xu hướng rõ ràng hoặc thị trường đang tăng, cho dù chuyển động của giá có tạo thành chữ W đẹp đến đâu đi chăng nữa thì đó vẫn không được gọi là mô hình Hai đáy. Và nó cũng sẽ không thể hoạt động theo đúng bản chất và nguyên lý của mô hình Hai đáy. Nếu bạn vẫn kỳ vọng giá tăng lên thì cần phải có sự xác nhận từ tín hiệu khác.
  • Mô hình giá Hai đáy chỉ được hoàn thành khi giá phá vỡ đường Neckline. Và sau khi giá phá vỡ Neckline, sẽ có 2 tình huống xảy ra:
    • Một là giá sẽ tăng lên luôn sau khi phá vỡ Neckline
    • Hai là giá sẽ quay lại retest Neckline rồi mới tăng lên. Khi giá phá vỡ Neckline, ngưỡng kháng cự này sẽ trở thành một ngưỡng hỗ trợ mới, khi giá chạm vào sẽ có xu hướng quay đầu đi lên. Đặc biệt, nếu đường Neckline đi qua một đáy của xu hướng giảm (phía trước đáy 1) thì nó sẽ là một ngưỡng hỗ trợ rất mạnh, một khi giá quay lại retest, nó sẽ quay đầu tăng một cách mạnh mẽ hơn nhiều.

Ý nghĩa của mô hình giá Hai đáy

Thị trường tạo đáy 1 thấp hơn đáy phía trước là hành vi bình thường của giá trong xu hướng giảm, vì lúc này, áp lực bán vẫn còn. Sau đợt điều chỉnh tăng tạo đỉnh trung tâm, giá tiếp tục giảm xuống, nhưng lúc này phe bán dường như kiệt sức, không thể kéo giá xuống thấp hơn đáy 1.

Lúc này, những người đang nắm giữ vị thế bán bắt đầu đóng lệnh vì lo sợ giá sẽ đảo chiều, họ không muốn mất đi phần lợi nhuận đã có được từ xu hướng giảm phía trước, khiến cho giá tiếp tục tăng lên. Khi giá phá vỡ đường Neckline, niềm tin về một xu hướng tăng càng trở nên mạnh mẽ hơn, những người bên ngoài thị trường bắt đầu nhảy vào với vị thế mua, số còn lại của phe bán cũng đóng lệnh toàn bộ, tại đây, áp lực mua đang tăng cao, đẩy giá tiếp tục tăng lên nữa, xu hướng tăng mới chính thức được hình thành.

Trường hợp giá quay lại retest Neckline, những gã mua khổng lồ bắt đầu thực hiện kế hoạch hấp thụ thêm nguồn cung. Họ cố tình bán ra từng chút để giá bắt đầu điều chỉnh giảm, những người “luyến tiếc quá khứ” sẽ tin rằng thị trường trở lại xu hướng giảm ban đầu nên tiếp tục bán ra, kéo giá xuống. Khi đã đạt mục tiêu làm cho giá giảm thêm một chút, những gã khổng lồ này bắt đầu mua vào nhiều hơn, nhu cầu đang rất lớn, giá tăng lên mạnh mẽ.

Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá Hai đáy

Tương tự như mô hình giá Hai đỉnh, các bạn cũng có 3 cách giao dịch với mô hình giá Hai đáy. Thực ra còn một cách thứ tư nữa, nhưng cách này sẽ được giới thiệu trong một ví dụ cụ thể ở phần sau.

3 cách giao dịch sẽ được mô tả bằng 3 vị trí vào lệnh như hình bên dưới:

Cách 1: Vào lệnh ngay sau khi giá phá vỡ đường Neckline

Khi giá phá vỡ đường Neckline 🡪 mô hình Hai đáy được hoàn thành. Vào lệnh khi cây nến breakout bar đóng cửa. Breakout bar phải đóng cửa phía trên đường Neckline một cách rõ ràng thì sự phá vỡ mới đáng tin cậy.

Với cách vào lệnh này, ưu điểm lớn nhất là các bạn sẽ không phải bỏ lỡ cơ hội giao dịch khi giá phá vỡ Neckline hay cơ hội giao dịch với mô hình giá Hai đáy. Tuy nhiên, cách này cho điểm vào lệnh Buy ở vị trí cao nhất, lợi nhuận kỳ vọng sẽ là ít nhất, hơn nữa, rủi ro sẽ cao nếu các bạn bị lừa bởi một đợt giá phá vỡ giả của giá.

Cách 2: Chờ đợi giá quay lại retest đường Neckline rồi mới vào lệnh

Sau khi giá phá vỡ Neckline, giá có thể sẽ quay lại retest Neckline, lúc này, khi giá giảm xuống và chạm vào Neckline, các bạn có thể vào lệnh Buy ngay, hoặc có thể chờ đợi sự xác nhận của một cây nến tăng ngay sau khi giá chạm Neckline.

Cách vào lệnh này sẽ giúp bạn đạt được lợi nhuận tốt, ít nhất sẽ bằng với lợi nhuận kỳ vọng của mô hình. Tuy nhiên, trong trường hợp giá không retest lại Neckline, các bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch với mô hình giá Hai đáy.

Cách này được nhiều trader ưa chuộng nhất vì đây là cách mà trader nhỏ lẻ như chúng ta nương theo trò chơi của những gã khổng lồ. Những cú lừa mà chúng ta thường gặp phải trên thị trường đa số đều nằm trong kế hoạch của họ, là nguyên nhân khiến cho phần lớn trader thất bại trên thị trường. Chính vì thế, để tồn tại được trên một thị trường đầy biến động như forex, cách tốt nhất là nắm bắt được hành vi của những gã khổng lồ đó và nương theo game của họ. Đó cũng là lời khuyên của rất nhiều nhà đầu tư vĩ đại, cũng là một nguyên tắc quan trọng trong phương pháp Wyckoff, một phương pháp phân tích và giao dịch nổi tiếng.

Tham khảo: Phương pháp Wyckoff là gì? Cách tiếp cận thị trường theo phương pháp Wyckoff.

Cách 3: Vào lệnh sớm khi giá phá vỡ đường trendline của xu hướng giảm

Vẽ đường trendline của xu hướng giảm đi qua đỉnh trung tâm. Vào lệnh Buy khi giá đóng cửa phía dưới trên trendline một cách rõ ràng.

Đây là cách giao dịch không chính thống của mô hình giá Hai đáy. Bởi lẽ, thời điểm đặt lệnh là lúc mô hình Hai đáy chưa thực sự hoàn thành.

Tuy nhiên, cách giao dịch này vẫn được xem là hợp lý vì một khi giá phá vỡ trendline của xu hướng giảm (lúc này đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự mạnh), thị trường sẽ có xu hướng đảo chiều, khi đó giá sẽ tăng lên và khả năng cao là sẽ phá vỡ luôn Neckline 🡪 mô hình Hai đáy hoàn thành. Cách này sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất nhưng cũng là cách giao dịch rủi ro nhất, vì có thể mô hình Hai đáy sẽ không hoàn thành, sau khi giá đóng cửa phía trên trendline, giá có thể sẽ quay đầu đi xuống theo xu hướng ban đầu (breakout trendline giả).

Nếu các bạn lựa chọn cách giao dịch này thì có thể tham khảo thêm bài viết về cách xác định và giao dịch với đường xu hướng trendline: Trendline là gì? Cách vẽ trendline chi tiết và chuẩn nhất.

Đặt stop loss: phía dưới 2 đáy (nếu 2 đáy bằng nhau), lúc này, đường nằm ngang nối 2 đáy đang là một ngưỡng hỗ trợ mạnh. Hoặc phía dưới đáy 1 nếu đáy 2 cao hơn đáy 1.

Đặt take profit: Điểm take profit là vị trí cách đường Neckline một khoảng bằng khoảng cách từ 2 đáy đến đường Neckline, đó là lợi nhuận kỳ vọng của mô hình. 

Cách giao dịch nào mang lại hiệu quả nhất?

Như đã phân tích ở trên, mỗi cách vào lệnh đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Và mỗi trader sẽ cảm thấy mình phù hợp với một cách giao dịch cụ thể. Các bạn hãy thử và chọn cho mình cách vào lệnh mà bạn thấy phù hợp nhất, sử dụng một cách nhuần nhuyễn nhất, mang về cơ hội thành công nhiều nhất, đồng thời phải là cách phù hợp với những nguyên tắc giao dịch riêng của bạn.

Ví dụ về mô hình Hai đáy – Double Bottom trong thực tế

Ví dụ 1: Mô hình Hai đáy với giá retest lại Neckline

Đây là mô hình giá Double Bottom xuất hiện khá đẹp trên thị trường, mặc dù 2 đáy có hơi lệch. Cả 3 cách giao dịch đều khả thi và 3 điểm vào lệnh cũng khá gần nhau, các bạn có thể dễ dàng đạt được lợi nhuận kỳ vọng từ mô hình. 

Ví dụ 2: Mô hình giá Hai đáy với giá không retest đường Neckline

Hình dáng của mô hình giá trong tình huống này thì quá chuẩn với 2 đáy bằng nhau. Trong tình huống này, cách giao dịch thứ nhất và thứ 3 sẽ giúp các bạn mang về lợi nhuận, trong khi, nếu chờ đợi giá quay lại retest Neckline rồi mới vào lệnh thì các bạn đã bỏ lỡ cơ hội giao dịch với mô hình này.

Ví dụ 3: Mô hình giá Hai đáy với giá retest lại Neckline

Giá phá vỡ trendline bằng cây nến tăng với thân khá dài và đóng cửa phía trên Neckline một cách rõ ràng, các bạn có thể vào lệnh theo cách thứ 3.

Sau đó, giá di chuyển lại gần, sát phía dưới Neckline nhưng chưa phá vỡ ngưỡng này. Chờ đợi giá chính thức phá vỡ Neckline thì có thể vào lệnh theo cách 1.

Sau khi phá vỡ Neckline, giá quay trở lại retest ngưỡng này, tuy nhiên, quá trình giá retest diễn ra không được suôn sẻ và khá gây cấn. Ngay khi giá chạm Neckline, những người thích giao dịch theo cách 2 sẽ vào lệnh Buy. Tuy nhiên, vừa chạm Neckline xong, giá quay đầu đi xuống bằng 3 phiên giảm liên tiếp. Lúc này, nếu lo sợ giá sẽ quay trở lại xu hướng cũ và đóng lệnh khi giá chưa quét stop loss, các bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội hưởng quả ngọt ngay sau đó.

Sau 3 phiên giảm liên tục, giá bắt đầu tăng lên, không những thế còn tạo GAP tăng giá, cho tín hiệu giá tăng mạnh mẽ. Hơn thế nữa, thị trường lại xuất hiện cây nến Bullish Reversal Pin bar, xác nhận lại khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng và tăng mạnh. Nếu kiên trì giữ lệnh, bạn đã mang về lợi nhuận ít nhất bằng lợi nhuận kỳ vọng.

Với các mô hình giá, lợi nhuận kỳ vọng của mô hình không cao và tỷ lệ Risk:Reward không được tốt. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp, các bạn có thể linh hoạt giữ thêm lệnh nếu gặp tín hiệu giá còn khả năng tăng lên cao hơn để mang về nhiều lợi nhuận hơn, cải thiện tỷ lệ R:R. Như trong tình huống ở trên, sự xuất hiện GAP tăng và nến Bullish Reversal Pin bar có thể tiếp thêm niềm tin về mức độ tăng của giá. Tại thời điểm giá chạm sắp chạm take profit, thị trường đang hình thành cây nến xanh tăng mạnh, nếu giữ lệnh, giá sẽ tiếp tục tăng, sau đó lại xuất hiện thêm một cây Bullish Marubozu, cho tín hiệu giá sẽ tăng lên nữa.

Tuy nhiên, trong trường hợp không xuất hiện bất kỳ tín hiệu nào cho thấy giá sẽ tiếp tục tăng và tăng mạnh mẽ, các bạn nên hài lòng với lợi nhuận kỳ vọng từ mô hình. Đừng quá tham lam vì giá có thể quét stop loss của lệnh bất cứ khi nào.

Ví dụ 4: Mô hình giá Hai đáy với giá retest Neckline và cách giao dịch thứ 4

Sau khi giá hình thành đáy 2, thị trường xuất hiện một cây Bullish Reversal Pin bar với bóng nến dưới rất dài, cho tín hiệu giá đảo chiều tăng mạnh mẽ. Cách giao dịch thứ 4 chính là các bạn có thể vào lệnh Buy khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều tăng sớm ở đáy 2. Vào lệnh ngay khi nến Pin bar đóng cửa.

Đường trendline của xu hướng giảm trong trường hợp này không được thêm vào đồ thị giá vì có vẻ như nó hơi bị gượng ép. Các bạn có thể lựa chọn giao dịch theo cách 1 khi giá phá vỡ Neckline hoặc cách 2 sau khi giá retest lại Neckline.

Ở những trường hợp xuất hiện tín hiệu đảo chiều sớm như vậy, các trader chuyên nghiệp thường sẽ nhồi thêm lệnh để gia tăng lợi nhuận. Khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều tại đáy 2 hoặc tín hiệu đảo chiều từ một công cụ, chỉ báo nào khác, họ sẽ vào lệnh Buy thứ nhất. Trong trường hợp xác định được đường trendline của xu hướng, khi giá phá vỡ trendline, sẽ vào lệnh Buy thứ hai. Khi giá phá vỡ Neckline là lúc mô hình Hai đáy hoàn thành, vào lệnh Buy thứ 3. Và nếu giá có quay lại retest Neckline, họ sẽ mạnh dạn vào thêm lệnh Buy thứ 4 nữa.

Tuy nhiên, chiến lược nhồi lệnh không khuyến khích dành cho những trader mới vì rất rủi ro do mô hình giá Hai đáy có thể được hoàn thành, nhưng hoạt động không hiệu quả. Sau khi phá vỡ Neckline, hoặc sau đợt retest, giá có thể sẽ quay trở lại xu hướng giảm ban đầu, lệnh của bạn chưa kịp chạm take profit kỳ vọng thì đã bị quét stop loss. Nếu nhồi lệnh, thua lỗ sẽ rất nặng nề. Mô hình giá Hai đáy không phải lúc nào cũng tuyệt vời như những ví dụ ở trên và thị trường cũng sẽ biến động rất bất thường mà bạn không thể đoán trước được, như trường hợp bên dưới:

Ví dụ 5: Mô hình giá Hai đáy chưa hoàn chỉnh

Giá phá vỡ Neckline bằng cây nến xanh với thân rất dài và đóng cửa phía trên Neckline một cách rõ ràng. Sau đó giá quay lại retest Neckline một lần nữa. Nhưng kết quả thì giá chưa kịp chạm take profit đã bị quét stop loss.

Khi đã quyết định giao dịch với mô hình giá Hai đáy, các bạn nên kiên nhẫn giữ lệnh nếu giá vẫn chưa quét stop loss, để không bỏ lỡ cơ hội mang về lợi nhuận (như trường hợp ở ví dụ 3). Nhưng bạn biết đấy, cũng sẽ có những trường hợp bạn kiên trì giữ lệnh nhưng kết quả lại không mong muốn, như trong tình huống này. Tuy nhiên, một khi đã đặt lệnh thì các bạn đã chấp nhận sẽ có khả năng thua lỗ ở một mức độ cho phép, chính vì thế, rủi ro xảy ra hoàn toàn là điều bình thường trên thị trường này, quan trọng là các bạn phải luôn tuân thủ nguyên tắc đặt stop loss, đừng để việc duy trì lệnh của mình khiến cho tài khoản bị cháy. Đặt stop loss trong mọi giao dịch để bạn còn có cơ hội sửa sai ở những lần sau nữa.

Khối lượng xác nhận tín hiệu trong mô hình giá Hai đáy

Một trong những lưu ý quan trọng nhất khi giao dịch với mô hình giá Hai đáy chính là cần thêm sự xác nhận của khối lượng giao dịch để mô hình trở nên đáng tin cậy hơn. Ở những thời điểm quan trọng mà các bạn sẽ vào lệnh như giá phá vỡ trendline của xu hướng giảm, giá phá vỡ đường Neckline, khi giá chạm vào Neckline để retest lại, mà tại đó, khối lượng giao dịch tăng lên hoặc cao hơn mức trung bình (có thể sử dụng đường MA20 trên đồ thị khối lượng để đại diện cho giá trị trung bình của khối lượng) thì khả năng giá tăng lên sẽ lớn hơn, xác suất để mô hình Hai đáy hoạt động tốt được cao hơn.

Kết luận

Mô hình giá Hai đáy hay bất kỳ mô hình giá nào khác cũng đều có thể mang lại cho bạn khả năng kiếm được lợi nhuận cao nếu biết sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Sau khi đã nắm bắt được đặc điểm và cách giao dịch với mô hình, các bạn nên thường xuyên áp dụng nó trên thực tế, có thể bắt đầu bằng tài khoản Demo, hãy luyện tập cách quan sát hành vi của giá nhiều hơn trên đồ thị để khả năng nhận diện mô hình được tốt hơn khi nó xuất hiện. Hãy thử giao dịch với tất cả những cách mà chúng tôi đã gợi ý, từ đó lựa chọn cho mình cách giao dịch phù hợp nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình 2 đáy (Double Bottom) là gì? Đặc điểm & cách giao dịch
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan