- Mô hình nến Sao Mai – Morning Star pattern là gì?
- Đặc điểm nhận diện của mô hình nến Morning Star
- Tâm lý thị trường đằng sau mô hình Morning Star
- Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình Morning Star
- Các bước giao dịch với mô hình Morning Star
- Một số ví dụ về mô hình Morning Star xuất hiện trên thị trường
- Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình Morning Star
- Kết luận
Morning Star là một trong số ít các mô hình 3 nến cung cấp tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ, được rất nhiều trader yêu thích, đặc biệt là Price action traders.
Xuất hiện trong một xu hướng giảm hoặc một đợt điều chỉnh giảm, mô hình Morning Star cung cấp tín hiệu dự báo xu hướng sắp kết thúc, khả năng cao thị trường sẽ đảo chiều, là cơ hội để trader có thể bắt trọn đáy hoặc mua vào với mức giá tốt hơn.
Vậy, mô hình Sao Mai có đặc điểm như thế nào? Hoạt động ra sao? Chiến lược giao dịch hiệu quả nhất dành cho trader mới là gì?
Mô hình nến Sao Mai – Morning Star pattern là gì?
Morning Star là mô hình đa nến, cụ thể bao gồm 3 cây nến tín hiệu: cây nến thứ nhất giảm mạnh, cây nến thứ hai có thể tăng hoặc giảm nhưng có thân ngắn và cây nến thứ ba là cây nến tăng mạnh.
Về tín hiệu giao dịch, mô hình này dự báo về khả năng đảo chiều tăng của xu hướng, đồng nghĩa với việc nó sẽ thường xuất hiện vào cuối một xu hướng giảm dài hoặc một đợt điều chỉnh giảm của cả một xu hướng tăng dài. Và khi nó hoàn thành, một lệnh Buy sẽ được thực hiện.
Mô hình đảo ngược với Morning Star chính là Evening Star – mô hình nến Sao Hôm. Cả 2 đều có tần suất xuất hiện khá phổ biến trên thị trường và cung cấp tín hiệu mạnh mẽ, mô hình Evening Star xảy ra đúng với xác suất 72%, và mô hình Morning Star cung cấp tín hiệu đảo chiều chính xác đến 78%.
Cũng giống như những candlestick patterns khác, mô hình Sao Mai xuất hiện trên hầu hết các loại thị trường tài chính như chứng khoán, forex, tiền điện tử, hàng hóa… và ở mỗi thị trường, nhân dạng của mô hình Morning Star có thể sẽ có một vài điểm khác nhau nhưng tín hiệu mà mô hình cung cấp hoàn toàn giống nhau.
Đặc điểm nhận diện của mô hình nến Morning Star
Cấu trúc chung của mô hình Sao Mai sẽ là Bearish – Morning Star pattern – Bullish
- Xu hướng hiện tại khi mô hình xuất hiện là một xu hướng giảm dài hạn hoặc một xu hướng tăng dài hạn nhưng thị trường đang trong đợt điều chỉnh giảm
- Mở đầu mô hình là một cây nến giảm với thân nến lớn
- Cây nến thứ hai có thân nến ngắn, càng ngắn càng tốt
- Kết thúc mô hình là một cây nến tăng thân lớn, sao cho giá đóng cửa của nến tăng này sẽ cao hơn so với mức giá ứng với 50% thân nến giảm hay cây nến thứ nhất.
- Sau khi mô hình hoàn thành, thị trường có khả năng đảo chiều tăng hoặc kết thúc đợt điều chỉnh giảm để tiếp tục xu hướng tăng ban đầu.
Lưu ý: Mô hình Morning Star được mô tả ở trên là mô hình Morning Star tiêu chuẩn, thường xuất hiện trên thị trường forex. Còn đối với các thị trường khác như chứng khoán, hàng hóa thì mô hình này sẽ có một vài sự khác biệt. Cụ thể
- Thứ nhất, cây nến thứ hai thường là cây Doji
- Thứ hai, cây nến thứ hai mở cửa thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất, tức là tạo GAP giảm
- Thứ ba, cây nến thứ ba mở cửa cao hơn giá đóng cửa của cây nến thứ 2, tức là tạo GAP tăng.
- Thứ tư, cây nến thứ ba thường mở cửa vào khoảng giữa thân nến 1, chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng cửa cao hơn 50% nến 1.
Mô hình Morning Star tiêu chuẩn không có GAP thường xuất hiện trên thị trường forex và tiền điện tử vì các thị trường này hoạt động liên tục và thanh khoản cao. Tuy nhiên, nếu mô hình có GAP xuất hiện trên thị trường forex hay tiền điện tử và mô hình tiêu chuẩn xuất hiện trên thị trường chứng khoán, hàng hóa thì trader, nhà đầu tư vẫn tận dụng cơ hội để giao dịch mang về lợi nhuận.
Tâm lý thị trường đằng sau mô hình Morning Star
Việc một cây nến giảm thân lớn xuất hiện trong một xu hướng giảm dài là hết sức bình thường, cho biết xu hướng giảm vẫn còn mạnh, đặc biệt, nếu đây là một cây Bearish Marubozu (nến giảm dài không có bóng nến) thì càng chứng tỏ áp lực bán đang rất lớn, nhiều người sẽ tận dụng cơ hội để tiếp tục bán ra, nương theo sức mạnh của xu hướng. Tuy nhiên, sau khi cây nến thứ hai hình thành với thân nến rất ngắn đã dập tắt toàn bộ ý tưởng cho một vị thế short mới, bởi vì cây nến rất ngắn này chứng tỏ được áp lực bán đã suy yếu, không còn đủ khả năng để đưa giá xuống thấp hơn, đồng thời một áp lực mua lớn mới đã xuất hiện.
Phần lớn những người đang nắm giữ vị thế bán nhanh chóng chốt lời vì sợ thị trường sẽ đảo chiều, một số khác mạo hiểm gia nhập với kỳ vọng đón đầu xu hướng tăng mới nên làm cho giá tăng lên ở phiên giao dịch sau đó.
Khi cây nến thứ ba tăng lên và loại bỏ gần như hoàn toàn mức thấp tạo ra từ 2 phiên giao dịch trước thì lúc này, số còn lại của phe bán chốt lời vì không muốn mất thêm bất kỳ phần lợi nhuận nào, những người không mua được trước đó nhanh chóng gia nhập thị trường, áp lực mua đang rất lớn, phe mua chiếm ưu thế và khả năng cao là thị trường sẽ đảo chiều tăng.
Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình Morning Star
Không một mô hình nến nào có thể cung cấp tín hiệu giao dịch chính xác 100%, với 22% có khả năng cho tín hiệu sai của mô hình Morning Star, các bạn cần thận trọng hơn trước những quyết định của mình khi mô hình nến này xuất hiện.
Tuy nhiên, sẽ có một vài yếu tố giúp cho mô hình Morning Star có độ tin cậy cao hơn, cụ thể:
Thứ nhất, cây nến thứ hai là một cây Doji hoặc có bóng nến dưới dài
Doji là mẫu nến có giá mở cửa bằng giá đóng cửa, cho biết 2 phe đã tranh đấu quyết liệt trong suốt phiên nhưng đến cuối phiên không phe nào chiến thắng. Nếu Doji xuất hiện ở cây nến thứ hai của mô hình, trong khi trước đó, giá vẫn giảm, áp lực bán vẫn còn mạnh (cây nến 1 giảm mạnh) nhưng đến phiên này thì phe bán không thể chiến thắng phe mua, điều này chứng tỏ áp lực bán đã suy yếu. Và mẫu nến Doji cũng cho biết, kết quả của phiên giao dịch ngay sau Doji sẽ quyết định hướng của xu hướng mới. Cây nến xanh tăng mạnh ngay sau Doji của mô hình đã chứng minh phe mua chiến thắng được phe bán, thị trường sẽ đảo chiều tăng.
Còn nếu là cây nến có bóng nến dưới dài thì cũng sẽ cho thấy thị trường đang quyết liệt từ chối giá xuống, phe bán không còn đủ sức để đưa giá xuống thấp hơn, khả năng giá đảo chiều được củng cố.
Thứ hai, mô hình xuất hiện GAP như trên các thị trường phi ngoại hối
Nếu Morning Star pattern xuất hiện GAP và cây nến thứ hai là nến Doji thì sẽ trở thành mô hình Bullish Abandoned Baby, lúc này, độ tin cậy của mô hình càng lớn. Mặc dù Bullish Abandoned Baby pattern rất hiếm khi xuất hiện, nhưng một khi đã xuất hiện thì xác suất đảo chiều tăng cực kỳ cao.
Thứ ba, cây nến thứ 3 nhấn chìm hoàn toàn cây nến thứ 1
Điều này chứng tỏ áp lực mua cực kỳ lớn, xóa bỏ toàn bộ mức giảm đã hình thành từ 2 phiên giao dịch trước. Và vì áp lực mua lớn hơn nhiều so với khi nó chỉ đóng cửa hơn 50% thân nến 1 nên khả năng giá đảo chiều tăng sẽ cao hơn.
Thứ tư, sự xác nhận tín hiệu của khối lượng giao dịch
Cụ thể: trong phiên giao dịch hình thành nên cây nến thứ nhất, khối lượng nên thấp vì khi giá giảm nhưng khối lượng cũng giảm hoặc khối lượng thấp sẽ chứng tỏ áp lực bán không mạnh mẽ, đó có thể là một đợt test cung từ các cá mập mà thôi. Phiên giao dịch ngay sau đó cần khối lượng đủ lớn hoặc khối lượng tăng so với phiên trước vì bắt đầu có sự gia nhập của phe mua, đồng thời, nếu là một cây Doji thì càng phải đi kèm khối lượng cao. Đến phiên giao dịch thứ 3, khối lượng phải rất lớn, vì lúc này, phe mua dường như đã dốc rất nhiều lực để đẩy giá lên, áp lực mua lớn thì khối lượng lớn.
Các bước giao dịch với mô hình Morning Star
Quy trình chung khi giao dịch với các mô hình nến sẽ bao gồm 4 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại
Đối với một trader phân tích kỹ thuật, có 2 cách để nhận định xu hướng thị trường:
Cách 1: sử dụng indicators
Có rất nhiều indicators đảm nhiệm chức năng xác định xu hướng thị trường như MA, MACD, Bollinger Bands, ADX… và tất cả chúng đều làm rất tốt.
Chẳng hạn như với MA, để xác định xu hướng chung dài hạn, trader có thể sử dụng đường SMA200, cụ thể:
- Nếu phần lớn các mức giá đều nằm trên SMA200 → thị trường đang trong xu hướng tăng
- Nếu phần lớn các mức giá đều nằm dưới SMA200 → thị trường đang trong xu hướng giảm
Cách 2: phân tích hành động giá
Với một price action trader thì việc nhận định xu hướng thị trường chỉ cần dựa vào cấu trúc của xu hướng thông qua phân tích hành động giá. Cụ thể:
- Nếu giá tạo đỉnh mới cao hơn, đáy mới cao hơn → thị trường đang trong xu hướng tăng
- Nếu giá tạo đỉnh mới thấp hơn, đáy mới thấp hơn → thị trường đang trong xu hướng giảm
Thực ra thì bước nhận định xu hướng này không quá phức tạp nếu không muốn nói là đơn giản nhưng nhiều người lại bỏ qua, trong khi đó, nó lại cực kỳ quan trọng.
Bạn biết đấy, mô hình Morning Star có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên đồ thị giá, nhưng nó chỉ thực sự cung cấp tín hiệu giao dịch tin cậy khi xuất hiện vào cuối một xu hướng giảm hoặc cuối một đợt điều chỉnh giảm mà thôi.
Bước 2: Nhận diện và xác định độ tin cậy của mô hình
Dựa vào đặc điểm của 3 cây nến tín hiệu, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết đó có phải là mô hình Morning Star hay không. Chỉ cần 1 cây nến giảm thân lớn, theo sau là một cây nến thân rất ngắn và sau cùng là một cây nến tăng đóng cửa trên 50% thân nến đầu tiên thì mô hình Sao Mai hợp lệ.
Tiếp đến, xét các điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình. Nếu mô hình có độ tin cậy cao, các bạn có thể tự tin thực hiện giao dịch theo như kế hoạch, chọn vị trí vào lệnh đẹp hơn, vị trí stop loss tốt hơn để cải thiện tỷ lệ Risk:Reward. Nếu chỉ là một mô hình Morning Star tiêu chuẩn, các bạn cần có chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ hơn, có thể giảm khối lượng giao dịch so với kế hoạch hoặc lựa chọn vị trí Entry an toàn hơn.
Bước 3: Vào lệnh
Đối với mô hình Morning Star tiêu chuẩn, các bạn có thể lựa chọn vào lệnh theo một trong 2 cách sau:
- Cách 1: Vào lệnh khi mô hình hoàn thành, tức khi cây nến thứ 3 đóng cửa
Đây là cách vào lệnh có vị trí Entry đẹp nhất nhưng cũng là rủi ro nhất vì có thể mô hình sẽ không xảy ra đúng.
Trong trường hợp cây nến thứ 3 có bóng nến dưới dài thì chúng ta không nên vào lệnh theo cách này. Bởi vì, bóng nến dưới dài cho biết sự tồn tại của một lực bán khá lớn trong phiên giao dịch, mặc dù phe bán không thành công trong ý đồ muốn kéo giá xuống thấp hơn nhưng nó cũng phần nào làm cho tín hiệu giá đảo chiều tăng bị yếu đi, chúng ta cần thêm tín hiệu khác để xác nhận lại khả năng đảo chiều. Và nếu trường hợp này xảy ra, các bạn có thể vào lệnh theo cách thứ 2, ngay bên dưới.
- Cách 2: Chờ cây nến xác nhận xuất hiện và vào lệnh khi nó đóng cửa
Cây nến xác nhận mô hình Morning Star là một cây nến tăng theo ngay sau nến thứ 3. Cây nến này xác nhận lại tín hiệu giá sẽ đảo chiều tăng của mô hình. Do đó, việc chờ cây nến xác nhận xuất hiện và vào lệnh sẽ giúp cho giao dịch an toàn hơn nhưng bù lại, điểm Entry không đẹp, đặc biệt trong trường hợp cây nến này có thân dài. Hơn thế nữa, nếu nó không xuất hiện, tức theo sau mô hình là một cây nến giảm, nhưng không phá vỡ được mô hình và giá vẫn tiếp tục tăng sau đó thì có thể các bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch với mô hình này.
Đối với mô hình Morning Star có nến 3 nhấn chìm hoàn toàn nến 1
Khi nến 3 nhấn chìm hoàn toàn nến 1 tức là áp lực mua đang cực kỳ lớn, khả năng giá đảo chiều tăng rất cao, do đó, chúng ta có thể vào lệnh ngay khi cây nến thứ 3 này đóng cửa.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, khi nến 3 nhấn chìm nến 1 thì ngay sau đó, giá sẽ pullback nhưng không quá 50% thân nến 3. Đợt pullback này có thể là một đợt test lại nguồn cung của thị trường, các cá mập đang muốn đẩy giá xuống thấp hơn 1 chút để được mua với giá tốt hơn. Nếu pullback xảy ra, các bạn có thể vào lệnh ngay khi cây nến pullback đóng cửa.
Lưu ý: khi giá pullback về hơn 50% thân nến 3, mô hình Morning Star có thể sẽ bị mất hiệu lực, vì nhiều người bắt đầu nghi ngờ về khả năng thị trường đảo chiều nên e dè hơn, không quyết liệt mua vào, áp lực mua giảm, tạo điều kiện cho phe bán một lần nữa gia nhập để lấy lại vị thế, khả năng đảo chiều tăng có thể sẽ không xảy ra.
Bước 4: Đặt stop loss và take profit
Đặt stop loss
Phụ thuộc vào vị trí xuất hiện của mô hình Morning Star mà chúng ta sẽ có những chiến lược cắt lỗ khác nhau.
- Nếu mô hình xuất hiện vào cuối xu hướng giảm thì stop loss có thể được đặt ngay phía dưới mức giá thấp nhất của mô hình
- Nếu mô hình xuất hiện vào cuối đợt điều chỉnh giảm thì stop loss được đặt ngay phía dưới swing low gần nhất.
Take profit
Tương tự, chúng ta cũng có nhiều cách chốt lời khác nhau khi giao dịch với mô hình nến Sao Mai:
- Sử dụng tín hiệu đảo chiều từ indicators
- Sử dụng tín hiệu từ mô hình nến đảo chiều giảm
- Chốt lời theo mục tiêu lợi nhuận, ví dụ x2, x3 stop loss
Một số ví dụ về mô hình Morning Star xuất hiện trên thị trường
Ví dụ 1: Mô hình Morning Star xuất hiện vào cuối xu hướng giảm lớn.
Mô hình Morning Star trong trường hợp này có độ tin cậy cao. Thứ nhất, thân nến thứ 3 nhấn chìm hoàn toàn thân nến 1, thứ hai, có sự xác nhận của khối lượng giao dịch.
Sau khi mô hình hoàn thành, giá có pullback bằng cây nến đỏ theo ngay sau nến 3 nhưng pullback không quá 50% thân nến 3. Và trước khi chính thức đảo chiều tăng mạnh mẽ, thị trường đã nhiều lần retest lại mức giá này.
Ví dụ 2: Mô hình Morning Star xuất hiện vào cuối đợt điều chỉnh giảm
Mô hình Morning Star này rất đẹp: nến thứ hai là một cây Doji, thân nến 3 nhấn chìm hoàn toàn thân nến 1 và có sự xác nhận của khối lượng giao dịch. Sau khi mô hình hoàn thành, không những xuất hiện cây nến xác nhận mà cây nến này còn nhảy GAP, tạo thêm một tín hiệu tăng giá mới, gia tăng độ tin cậy của mô hình nến Sao Mai.
Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình Morning Star
Tương tự như các Candlestick patterns khác, để giao dịch hiệu quả nhất với mô hình nến Sao Mai, chúng ta cần kết hợp với tín hiệu từ các công cụ, phương pháp phân tích khác để xác nhận lại tín hiệu đảo chiều từ mô hình, giúp xác suất thành công của lệnh được cao hơn.
2 chiến lược quen thuộc khi giao dịch với mô hình nến mà từ trước đến giờ chúng tôi vẫn sử dụng và giới thiệu đến các bạn, đó là: giao dịch với hỗ trợ/kháng cự và giao dịch kết hợp indicators.
Giao dịch với mô hình Morning Star tại vùng hỗ trợ mạnh
Morning Star là mô hình nến cung cấp tín hiệu đảo chiều tăng và nếu nó xuất hiện tại vùng hỗ trợ mạnh, nơi có áp lực mua lớn thì tín hiệu được củng cố, khả năng giá đảo chiều cao hơn.
Có rất nhiều công cụ, indicators được sử dụng để xác định vùng hỗ trợ quan trọng như trendline, kênh giá, chỉ báo MA, Fibonacci, Pivot Point…
- Nếu mô hình nến Sao Mai xuất hiện tại đáy của xu hướng giảm thì các vùng hỗ trợ mạnh thường được xác định bởi chính các mức giá thấp nhất trong lịch sử giá.
- Còn nếu xuất hiện ở cuối đợt điều chỉnh giảm thì các bạn có thể sử dụng một trong các indicators, công cụ ở trên.
Ví dụ:
Dựa vào cấu trúc xu hướng, chúng ta có thể dễ dàng xác định thị trường đang trong xu hướng tăng. Mô hình Morning Star xuất hiện khi thị trường đang điều chỉnh giảm, đồng thời nó cũng đang chạm vào đường trendline của xu hướng và tỷ lệ 0.618 của Fibonacci Retracement, tất cả những tín hiệu này đều cho thấy khả năng giá kết thúc đợt điều chỉnh là rất lớn.
Mô hình Morning Star trong trường hợp này cũng đẹp, có độ tin cậy cao khi thân nến 3 nhấn chìm thân nến 1. Với tất cả những điều kiện này, các bạn có thể vào lệnh sau khi cây nến thứ 3 đóng cửa.
Đặt stop loss ngay phía dưới swing low gần nhất, chốt lời sau khi cây nến Bearish Reversal Pin bar xuất hiện, dự báo về khả năng đảo chiều giảm của xu hướng.
Chiến lược giao dịch với mô hình Morning Star kết hợp indicator
Có 2 loại tín hiệu từ indicators mà chúng ta có thể sử dụng để xác nhận lại tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến, đó là tín hiệu quá mua/quá bán và phân kỳ/hội tụ. Và vì Morning Star pattern là mô hình nến đảo chiều tăng nên chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến tín hiệu quá bán và tín hiệu hội tụ.
Morning Star pattern kết hợp tín hiệu quá bán (Over bought)
Có nhiều indicators có thể cung cấp tín hiệu quá bán và trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn 2 chỉ báo quen thuộc, đó là Stochastic và RSI.
Ví dụ:
Đây là trường hợp sử dụng tín hiệu quá bán từ Stochastic để xác nhận lại tín hiệu từ mô hình Morning Star.
Mô hình nến Sao Mai trong trường hợp này xuất hiện khi thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn và đang điều chỉnh giảm. Cùng lúc đó, Stochastic cũng đã ở trong vùng quá bán được một thời gian, đường %K đã cắt đường %D từ dưới lên và đường %K cũng bắt đầu cắt đường 20 đi lên, tín hiệu giá tăng lên được củng cố.
Trên thực tế thì tín hiệu quá mua/quá bán tử Stochastic có độ tin cậy không quá lớn vì chúng xuất hiện rất thường xuyên trên đồ thị. Tuy nhiên, tín hiệu này, cùng với tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến đã được xác nhận lại một lần nữa bởi tín hiệu từ Fibonacci Retracement nên độ tin cậy của mô hình được gia tăng.
Mô hình Morning Star này có nến 3 nhấn chìm nến 1, các bạn có thể vào lệnh ngay khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa. Đặt stop loss ngay dưới swing low gần nhất và chốt lời khi đường %K cắt đường 80 từ trên xuống.
Ví dụ:
Còn đây là trường hợp sử dụng tín hiệu quá bán từ RSI.
Trên khung thời gian lớn như D1 thì tín hiệu quá bán hay quá mua từ RSI khó xuất hiện hơn mà nếu nó đã xảy ra thì độ tin cậy cực kỳ cao.
Mô hình nến Morning Star xuất hiện khi thị trường đang trong một xu hướng giảm, mô hình có độ tin cậy cao khi cây nến thứ 2 là một cây Doji và thân nến 3 nhấn chìm thân nến 1. Và khi mô hình xuất hiện thì giá bắt đầu đi vào vùng quá bán, RSI cắt xuống dưới đường 30. Khi mô hình hoàn thành, RSI bắt đầu rời khỏi vùng này, cắt đường 30 từ dưới lên, củng cố tín hiệu giá sẽ đảo chiều tăng. Vào lệnh khi cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa vì độ tin cậy khá lớn. Đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của mô hình.
Giá đã tăng lên và hình thành một xu hướng tăng mới. Xu hướng này kéo dài khá lâu, đối với các Position Trader, họ sẽ tiếp tục giữ lệnh cho đến khi xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều giảm một cách rõ ràng. Và thời điểm để họ có thể chốt lời chính là khi giá breakout đường trendline của xu hướng bằng một cây nến giảm mạnh.
Morning Star kết hợp tín hiệu hội tụ
Tương tự, cũng có nhiều indicators có thể cung cấp loại tín hiệu này, cho biết động lực xu hướng giảm đang suy yếu và khả năng đảo chiều tăng sẽ xảy ra. Và một trong những indicators phổ biến, được ưa chuộng và cung cấp tín hiệu mạnh mẽ nhất chính là RSI.
Hiện tượng hội tụ xảy ra khi giá tạo đáy thấp hơn nhưng RSI lại tạo đáy cao hơn → chứng tỏ động lực của xu hướng giảm đang yếu dần → tín hiệu đảo chiều tăng, và nếu mô hình Morning Star xuất hiện ngay khi xảy ra hiện tượng hội tụ thì tín hiệu được củng cố, khả năng thị trường đảo chiều tăng sẽ cao hơn.
Ví dụ
Sự hội tụ giữa giá và RSI xuất hiện đồng thời khi mô hình Morning Star đang hình thành trong một xu hướng giảm → tín hiệu đảo chiều tăng được củng cố.
Vì Morning Star trong trường hợp này là một mô hình tiêu chuẩn, nên chúng ta có thể chờ đợi cây nến xác nhận hình thành và vào lệnh khi nó đóng cửa. Đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của mô hình, đóng lệnh khi trên đồ thị giá xuất hiện tín hiệu đảo chiều giảm.
Kết luận
Hy vọng rằng, với những gì mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết lần này sẽ thực sự hữu ích đối với các bạn. Mô hình Morning Star không quá khó để nhận biết và giao dịch, nhưng quan trọng là các bạn phải lựa chọn được chiến lược, công cụ phân tích phù hợp với phong cách giao dịch của mình. Và với những chiến lược mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên, hy vọng các bạn có thể áp dụng hiệu quả hoặc tham khảo như một hướng dẫn chi tiết để có thể tự xây dựng nên một chiến lược tốt nhất cho riêng mình.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.