- Mô hình giá Cờ đuôi nheo là gì?
- Mô hình Cơ đuôi nheo tăng giá – Bullish Pennant pattern
- Mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá – Bearish Pennant pattern
- Phân biệt mô hình Cờ đuôi nheo với mô hình Tam giác và Cái nêm
- Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá Cờ đuôi nheo
- Ví dụ về mô hình Cờ đuôi nheo trên thị trường forex
- Kết luận
Cờ đuôi nheo là một trong số rất ít các mô hình giá cung cấp tín hiệu tiếp diễn xu hướng và tín hiệu này khá rõ ràng. Mô hình cũng xuất hiện thường xuyên trên nhiều loại thị trường khác nhau, mang lại giá trị giao dịch cao cho trader, đặc biệt là các price action traders.
Tuy nhiên, mô hình Cờ đuôi nheo rất dễ bị nhầm lẫn với các mô hình giá phổ biến khác như Tam giác hay Cái Nêm, vì thế, các trader mới thường khó khăn trong việc xác định mô hình, dẫn đến việc thiết lập chiến lược giao dịch chưa được hiệu quả.
Và trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giúp các bạn cách để phân biệt các mô hình giá này, đồng thời hướng dẫn các bước giao dịch hiệu quả nhất với mô hình giá Cờ đuôi nheo.
Mô hình giá Cờ đuôi nheo là gì?
Pennant – Cờ đuôi nheo là một chart pattern, được xếp vào nhóm các mô hình giá tiếp diễn xu hướng. Mô hình này xuất hiện khi trước đó, thị trường đang có một biến động giá rất mạnh, có thể là tăng mạnh hoặc giảm mạnh, sau đó, giá bắt đầu di chuyển chậm lại tạo thành vùng hợp nhất – gọi là Pennant, và sau giai đoạn hợp nhất này, giá sẽ phá vỡ mô hình theo hướng cùng với xu hướng trước đó.
Sự phá vỡ mô hình Cờ đuôi nheo thường đi kèm với sự gia tăng về khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, đối với các thị trường có sẵn dữ liệu chính xác về khối lượng như cổ phiếu hay kỳ hạn thì việc phân tích sự đột phá khỏi mô hình cùng với khối lượng là cực kỳ cần thiết và hữu ích. Riêng với thị trường ngoại hối, chúng ta vẫn có thể sử dụng chỉ báo khối lượng nhưng thường sẽ có nhiều tín hiệu sai, do đó, các trader sẽ ưu tiên sử dụng các chỉ báo xung lượng để đánh giá sức mạnh của sự đột phá trong mô hình này.
Đối với các traders thích đi theo xu hướng thì Cờ đuôi nheo là mô hình mang đến cơ hội tuyệt vời để giao dịch. Mặc dù không quá khó để nhận ra mô hình này xuất hiện trên biểu đồ giá, nhưng vì đặc điểm của nó rất giống những chart patterns khác và vì cũng sẽ có những tín hiệu sai, sự phá vỡ giả có thể xảy ra nên chúng ta phải cẩn thận khi tham gia giao dịch.
Và một điều quan trọng nữa là mô hình Cờ đuôi nheo có tính chất phân dạng, nghĩa là chúng có thể xảy ra ở mọi cấp độ của xu hướng từ ngắn nhất đến dài nhất, đồng nghĩa với việc nó có thể xuất hiện trên mọi khung thời gian, nhưng không phải ở timeframe nào, mô hình này cũng cung cấp tín hiệu giao dịch chính xác. Do đó, đối với Pennant patterns, các bạn chỉ nên giao dịch trên những khung thời gian lớn, từ M30 trở lên.
Mô hình Cờ đuôi nheo bao gồm Cờ đuôi nheo tăng giá (Bullish Pennant pattern) và Cờ đuôi nheo giảm giá (Bearish Pennant pattern).
Mô hình Cơ đuôi nheo tăng giá – Bullish Pennant pattern
Đặc điểm nhận diện
- Trước khi mô hình xuất hiện, thị trường đang trong một xu hướng tăng mạnh dài hạn hoặc một đợt tăng giá mạnh ngắn hạn. Xu hướng này có độ dốc khá lớn, tạo thành phần Chân hay Cán cờ của mô hình.
- Mô hình Cờ đuôi nheo tăng giá xuất hiện khi giá bắt đầu di chuyển chậm lại, bên trong một phạm vi giá được giới hạn bởi một đường biên trên (hay kháng cự) dốc xuống và một đường biên dưới (hay hỗ trợ) dốc lên, 2 đường này có xu hướng hội tụ tại 1 điểm. Theo nghiên cứu của Bulkowski (2005) thì mô hình Bullish Pennant sẽ phát ra tín hiệu mạnh mẽ hơn khi mô hình hơi chếch xuống dưới.
- Sau khi mô hình hoàn thành, giá sẽ bức phá ra khỏi giới hạn của vùng hợp nhất, cụ thể, giá sẽ breakout ngưỡng kháng cự để tiếp tục tăng lên theo xu hướng ban đầu.
- Về sự xác nhận của khối lượng giao dịch, trong xu hướng tăng mạnh trước khi mô hình xuất hiện, khối lượng giao dịch thường rất lớn. Khi giá di chuyển bên trong vùng hợp nhất, khối lượng giao dịch giảm xuống và khi giá phá vỡ được mô hình, khối lượng lại tăng cao.
Ý nghĩa của mô hình
Xu hướng tăng mạnh trước khi mô hình xuất hiện cho biết áp lực mua đang rất lớn, phe mua dường như đang chiếm ưu thế hoàn toàn.
Lúc này, một bộ phận những người đang có lời nhờ xu hướng tăng đóng lệnh sớm vì lo ngại sự đảo chiều có thể xảy ra. Kết quả là giá bắt đầu di chuyển chậm lại tạo vùng hợp nhất. Cũng trong thời gian này, xuất hiện áp lực bán nhưng không lớn vì không thể đưa giá xuống thấp hơn (đường hỗ trợ dốc lên), trong khi đó, phe mua đang tạm nghỉ để củng cố lực lượng, kết hợp với áp lực mua có sẵn từ xu hướng tăng mạnh phía trước nên khả năng cao là giá sẽ bức phá ra khỏi vùng hợp nhất theo hướng đi lên. Khi giá breakout kháng cự thành công, số còn lại bên ngoài nhảy vào mua khiến cho áp lực mua tăng lên, giá tiếp tục tăng lên theo xu hướng ban đầu.
Mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá – Bearish Pennant pattern
Đặc điểm nhận diện
- Trước khi mô hình xuất hiện, thị trường đang trong một xu hướng giảm mạnh dài hạn hoặc một đợt giảm giá mạnh ngắn hạn. Xu hướng này có độ dốc khá lớn, tạo thành phần Chân hay Cán cờ của mô hình.
- Mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá xuất hiện khi giá bắt đầu di chuyển chậm lại, bên trong một phạm vi giá được giới hạn bởi một đường biên trên (hay kháng cự) dốc xuống và một đường biên dưới (hay hỗ trợ) dốc lên, 2 đường này có xu hướng hội tụ tại 1 điểm. Theo nghiên cứu của Bulkowski (2005) thì mô hình Bearish Pennant sẽ phát ra tín hiệu mạnh mẽ hơn khi mô hình hơi chếch lên trên.
- Sau khi mô hình hoàn thành, giá sẽ bức phá ra khỏi giới hạn của vùng hợp nhất, cụ thể, giá sẽ breakout ngưỡng hỗ trợ để tiếp tục giảm xuống theo xu hướng ban đầu.
- Về sự xác nhận của khối lượng giao dịch, trong xu hướng giảm mạnh trước khi mô hình xuất hiện, khối lượng giao dịch thường rất lớn. Khi giá di chuyển bên trong vùng hợp nhất, khối lượng giao dịch giảm xuống và khi giá phá vỡ được mô hình, khối lượng lại tăng cao.
Ý nghĩa của mô hình
Xu hướng giảm mạnh trước khi mô hình xuất hiện cho biết áp lực bán đang rất lớn, phe bán dường như đang chiếm ưu thế hoàn toàn.
Lúc này, một bộ phận những người đang có lời nhờ xu hướng giảm đóng lệnh sớm vì lo ngại sự đảo chiều có thể xảy ra. Kết quả là giá bắt đầu di chuyển chậm lại tạo vùng hợp nhất. Cũng trong thời gian này, xuất hiện áp lực mua nhưng không lớn vì không thể đưa giá lên cao hơn (đường kháng cự dốc xuống), trong khi đó, phe bán đang tạm nghỉ để củng cố lực lượng, kết hợp với áp lực bán có sẵn từ xu hướng giảm mạnh phía trước nên khả năng cao là giá sẽ bức phá ra khỏi vùng hợp nhất theo hướng đi xuống. Khi giá breakout hỗ trợ thành công, số còn lại bên ngoài nhảy vào bán khiến cho áp lực bán tăng lên, giá tiếp tục giảm xuống theo xu hướng ban đầu.
Phân biệt mô hình Cờ đuôi nheo với mô hình Tam giác và Cái nêm
Mô hình Cờ đuôi nheo với mô hình Tam giác
Mô hình giá Tam giác có 3 phân loại: Tam giác cân, Tam giác giảm và Tam giác tăng, thì mô hình Cờ đuôi nheo dễ bị nhầm lẫn nhất với mô hình Tam giác cân vì cả 2 đều có đường hỗ trợ dốc lên và kháng cự dốc xuống. Trong khi đó, Tam giác tăng có kháng cự nằm ngang và Tam giác giảm có hỗ trợ nằm ngang.
Tuy nhiên, giữa mô hình Cờ đuôi nheo và Tam giác cân vẫn có một số điểm nhất định để phân biệt được chúng:
- Thứ nhất, 2 đường hỗ trợ và kháng cự của Tam giác cân hội tụ theo hướng đi ngang, còn 2 đường hỗ trợ và kháng cự của Cờ đuôi nheo lại hội tụ theo hướng hơi chếch lên hoặc xuống.
- Thứ hai, thời gian để một mô hình Cờ đuôi nheo xuất hiện đến lúc hoàn thành sẽ ngắn hơn so với mô hình Tam giác cân.
- Thứ ba, các điểm đảo chiều (swing) được nhìn thấy rõ ràng bên trong mô hình Tam giác cân, còn với mô hình Cờ đuôi nheo thì phạm vi di chuyển của giá hẹp hơn nên các swing không rõ ràng.
- Thứ tư, sau khi mô hình Cờ đuôi nheo hoàn thành, thị trường sẽ tiếp diễn xu hướng ban đầu, còn với mô hình Tam giác cân, xác suất thị trường đảo chiều hoặc tiếp diễn là như nhau.
Mô hình Cờ đuôi nheo và mô hình Cái nêm
Mới nhìn thì có vẻ 2 mô hình này giống nhau, tuy nhiên chúng có thể được phân biệt ngay ở đặc điểm nhận diện ban đầu, cụ thể:
- Mô hình Cờ đuôi nheo có đường hỗ trợ dốc lên và đường kháng cự dốc xuống.
- Mô hình Cái nêm có 2 đường hỗ trợ và kháng cự cùng dốc lên hoặc cùng dốc xuống.
Nhưng 2 mô hình này lại khá giống nhau ở xu hướng của thị trường sau khi mô hình bị phá vỡ, tức là nếu 2 đường hỗ trợ và kháng cự hội tụ theo hướng đi lên thì sau đó giá sẽ giảm xuống, ngược lại, nếu hỗ trợ và kháng cự hội tụ theo hướng đi xuống thì thị trường sẽ tăng giá sau khi mô hình bị phá vỡ.
Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá Cờ đuôi nheo
Quy trình giao dịch với mô hình Cờ đuôi nheo cũng sẽ tương tự với các chart patterns khác, nếu các bạn có theo dõi những bài viết về mô hình giá của chúng tôi thì sẽ nhận thấy điều này và cũng sẽ dễ dàng để theo dõi hơn.
Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại trước khi mô hình xuất hiện
Đối với mô hình Cờ đuôi nheo thì bước này lại cực kỳ quan trọng. Để Pennant pattern có độ tin cậy cao thì trước khi nó xuất hiện, thứ mà chúng ta mong chờ là thị trường đang trong một xu hướng tăng mạnh hoặc giảm mạnh.
Thông thường, để đơn giản, chúng ta sẽ dựa vào cấu trúc của xu hướng để nhận diện thị trường đang tăng hay giảm, cụ thể:
- Nếu giá tạo đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn thì thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Nếu giá tạo đỉnh mới thấp hơn và đáy mới thấp hơn thì thị trường đang trong xu hướng giảm.
Còn với mô hình Cờ đuôi nheo, nếu trước khi giá đi vào vùng hợp nhất, chúng ta cần một động thái mạnh mẽ hơn trong xu hướng.
- Đối với mô hình Cờ đuôi nheo tăng giá: giá cần phải đang trong một đợt tăng mạnh → xuất hiện nhiều cây nến tăng liên tiếp.
- Đối với mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá: trước khi đi vào vùng hợp nhất, nếu nhiều cây nến giảm xuất hiện liên tiếp → giá đang trong đợt giảm mạnh.
Việc nhận định về xu hướng trước khi mô hình Cờ đuôi nheo xuất hiện có 2 ý nghĩa quan trọng:
- Thứ nhất, xác định độ tin cậy của mô hình
- Thứ hai, phụ thuộc vào xu hướng hiện tại để nhận diện mô hình tốt hơn. Cụ thể, nếu là xu hướng tăng, chúng ta sẽ chờ đợi mô hình Cờ đuôi nheo hơi chếch xuống, ngược lại, nếu là xu hướng giảm, mô hình Cờ đuôi nheo hơi chếch lên sẽ có độ tin cậy cao hơn.
Bước 2: Nhận diện và xác định độ tin cậy của mô hình
Sau khi xác định xu hướng hiện tại, chờ cho giá di chuyển chậm lại, tạo vùng hợp nhất thì tiến hành vẽ đường kháng cự và hỗ trợ cho mô hình.
Nếu mô hình và xu hướng hiện tại “ăn khớp” với nhau thì độ tin cậy của mô hình cao, ngược lại, chúng ta cần thêm sự xác nhận của khối lượng hoặc kết hợp tín hiệu giao dịch từ công cụ phân tích khác để gia tăng xác suất thành công của giao dịch.
Bước 3: Xác định hướng giao dịch
Khác với mô hình Tam giác hay Cái nêm là chúng ta phải dự trù phương án giá sẽ phá vỡ theo hướng ngược lại thì với mô hình Cờ đuôi nheo, các bạn chỉ cần xác định giao dịch theo hướng tiếp diễn xu hướng hiện tại, kết hợp với việc đặt stop loss chặt chẽ để hạn chế rủi ro khi mô hình không xảy ra đúng.
Bước 4: Chờ đợi sự phá vỡ xảy ra
Điều mà trader trông chờ nhất khi giao dịch với các mô hình giá chính là thời điểm chúng bị phá vỡ, vì khi đó, mô hình mới được xem là hoàn thành và trader mới tiến hành giao dịch.
Mô hình Cờ đuôi nheo tăng bị phá vỡ thành công khi giá bức phá ra khỏi và đóng cửa phía trên đường kháng cự một cách rõ ràng.
Mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá bị phá vỡ thành công khi giá bức phá ra khỏi và đóng cửa phía dưới đường hỗ trợ một cách rõ ràng.
Cây nến breakout mô hình Cờ đuôi nheo, nếu là một cây nến tăng mạnh hoặc giảm mạnh, và nếu là một cây Bullish/Bearish Marubozu thì xác suất mô hình bị phá vỡ thành công sẽ cao hơn.
Bước 5: Vào lệnh
Các bạn có thể lựa chọn một trong 3 cách vào lệnh sau đây khi giao dịch với mô hình giá Cờ đuôi nheo:
Cách 1: Vào lệnh ngay khi mô hình bị phá vỡ
Tức vào lệnh ngay khi cây nến breakout bar đóng cửa.
Ưu điểm của cách vào lệnh này là chúng ta sẽ có được vị trí Entry đẹp nhất, tuy nhiên, rủi ro cũng cao nhất vì rất có thể đó chỉ là một đợt phá vỡ giả, giá vẫn có thể quay đầu đi vào bên trong mô hình, thậm chí đảo chiều ngay sau đó.
Cách 2: Chờ cây nến xác nhận xuất hiện và vào lệnh sau khi nó đóng cửa
Cây nến theo ngay sau breakout bar, nếu cùng hướng với breakout bar sẽ giúp cho tín hiệu giá tiếp diễn xu hướng được củng cố. Việc chờ đợi cây nến này xuất hiện sẽ hạn chế được rủi ro nhưng có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch với mô hình nếu nó không xuất hiện và vị trí Entry lúc này đã không còn là đẹp nhất, lợi nhuận sẽ giảm đi nhiều nếu cây nến xác nhận là một cây nến tăng hoặc giảm mạnh.
Cách 3: Vào lệnh khi đỉnh hoặc đáy của mô hình bị phá vỡ
Khi điểm cao nhất của mô hình Cờ đuôi nheo tăng giá hoặc điểm thấp nhất của mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá bị phá vỡ thì khả năng thị trường đã đi đúng hướng dự đoán. Vào lệnh lúc này có độ rủi ro thấp nhất nhưng lợi nhuận bị giảm đi nhiều trong trường hợp khoảng cách từ vị trí breakout hỗ trợ/kháng cự đến vị trí giá breakout đỉnh/đáy mô hình lớn.
Bước 6: Đặt stop loss và take profit
Đặt stop loss
Có nhiều chiến lược cắt lỗ có thể được áp dụng khi giao dịch với mô hình Cờ đuôi nheo.
Đặt stop loss tại đỉnh/đáy của mô hình.
- Nếu là Bullish Pennant: stop loss ngay phía dưới đáy của mô hình
- Nếu là Bearish Pennant: stop loss ngay phía trên đỉnh của mô hình
Trong trường hợp độ cao của mô hình quá lớn thì cách đặt cắt lỗ này sẽ khiến cho tỷ lệ Risk:Reward không tốt.
Đặt stop loss tại cây nến breakout mô hình
- Nếu là Bullish Pennant: đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của breakout bar
- Nếu là Bearish Pennant: đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của breakout bar
Tuy nhiên, chiến lược này chỉ đạt hiệu quả cao khi breakout bar là một cây nến tăng mạnh/giảm mạnh hoặc là Bullish/Bearish Marubozu.
Đặt stop loss linh hoạt
Chiến lược này có nghĩa là chúng ta sẽ đặt stop loss phụ thuộc vào điều kiện hiện tại của thị trường. Ví dụ như chúng ta xác định được các vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng thì có thể lựa chọn vùng hỗ trợ/kháng cự gần nhất để đặt stop loss.
Đặt take profit
Do mô hình Cờ đuôi nheo không có các điểm đảo chiều rõ ràng bên trong khu vực hợp nhất nên chúng ta không thể áp dụng cách chốt lời tại các vùng hỗ trợ/kháng cự tạo bởi các swing này như đối với mô hình Cái nêm.
Tham khảo: Mô hình giá Cái nêm (Wedge) là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
Thay vào đó, chúng ta vẫn có những cách chốt lời hiệu quả hơn với mô hình này, cụ thể:
- Khoảng cách từ vị trí breakout mô hình đến vị trí take profit bằng với độ cao của mô hình. Đây là lợi nhuận mục tiêu của chiến lược giao dịch với mô hình giá Cờ đuôi nheo.
- Chốt lời dựa vào các tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến, từ indicators…
- Chốt lời dựa trên lợi nhuận kỳ vọng, take profit = x2 stop loss, x3 stop loss…
Ví dụ về mô hình Cờ đuôi nheo trên thị trường forex
Ví dụ 1: Mô hình Cờ đuôi nheo tăng giá
Trước khi mô hình Cờ đuôi nheo xuất hiện, thị trường đang tăng mạnh, bằng chứng là liên tiếp những cây nến xanh lớn hình thành.
Mô hình Cờ đuôi nheo tăng giá trong trường hợp này có đường hỗ trợ và kháng cự hội tụ theo hướng hơi chếch xuống → gia tăng độ tin cậy.
Ngoài ra, mô hình xuất hiện phía trên đường trung bình trượt giản đơn SMA50 nên tín hiệu giá tiếp tục xu hướng tăng được củng cố.
Mô hình Cờ đuôi nheo tăng giá bị phá vỡ bởi một cây nến xanh thân lớn, đóng cửa rõ rệt bên trên đường kháng cự → có thể vào lệnh ngay khi cây nến breakout bar này đóng cửa, hoặc chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận rồi vào lệnh khi cây nến này đóng cửa (như hình trên).
Cách vào lệnh thứ 2 ở trường hợp này lại trùng khớp với cách vào lệnh thứ 3, khi cây nến xác nhận đóng cửa cũng là lúc đỉnh của mô hình Cờ đuôi nheo tăng giá bị phá vỡ.
Vì cây nến phá vỡ mô hình là một cây nến tăng mạnh nên chúng ta có thể mạnh dạn đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của cây nến này và trùng hợp là nó cũng nằm ngay dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng (mà trước đó là kháng cự quan trọng) → vị trí stop loss hợp lý.
Sau khi breakout mô hình, thị trường đã thực sự tiếp diễn xu hướng và duy trì phía trên đường SMA50 với khoảng cách khá lớn, điều này chứng tỏ xu hướng tăng vẫn đang rất mạnh mẽ.
Sau một thời gian đi lên như kỳ vọng thì giá breakout đường SMA50 bằng cây nến giảm mạnh, đóng cửa phía dưới đường SMA50 này một cách rõ ràng → tín hiệu giá đảo chiều giảm → đóng lệnh ngay khi cây nến giảm này đóng cửa.
Ví dụ 2: Mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá
Hàng loạt cây nến đỏ được hình thành với độ dốc gần như thẳng đứng → thị trường đang giảm mạnh. Mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá được hình thành khi giá bắt đầu di chuyển chậm lại với biên độ biến động giảm dần. Mô hình có đường hỗ trợ dốc lên, đường kháng cự dốc xuống và 2 đường này có xu hướng hội tụ hơi chếch lên → gia tăng độ tin cậy của mô hình. Đồng thời, mô hình Cờ đuôi nheo giảm giá này xuất hiện phía dưới đường SMA50 → tín hiệu giá tiếp tục giảm được củng cố.
Trong trường hợp này, cây nến phá vỡ mô hình là một cây Bearish Marubozu với thân nến cực kỳ lớn, cây nến này cũng đã phá vỡ được điểm thấp nhất của mô hình, các bạn có thể vào lệnh Sell ngay khi cây nến này đóng cửa, mặc dù sau đó, cây nến giảm xác nhận cũng đã xuất hiện với thân nến cực kỳ ngắn, nếu vào lệnh theo cách thứ 2 cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
Trong giao dịch này, chúng ta hoàn toàn có thể mạnh dạn đặt stop loss ngay phía trên cây nến breakout mô hình.
Sau khi giá giảm được một thời gian thì trên đồ thị giá xuất hiện mô hình đảo chiều tăng (Bullish Reversal Pin bar), cảnh báo về khả năng giá sẽ đảo chiều, cây Pin bar này có độ tin cậy khá cao nhờ phần bóng nến dưới rất dài và nổi bật so với những cây nến xung quanh. Mặc dù lúc này, giá vẫn chưa cắt SMA50 đi lên nhưng để tránh rủi ro thì chúng ta nên đóng lệnh sớm tại đây.
Trong trường hợp này, nếu các bạn chờ đợi giá cắt đường SMA50 đi lên rồi mới đóng lệnh như ví dụ trên thì lợi nhuận đã giảm đi đáng kể. Do đó, trong giao dịch mô hình giá nói chung và mô hình Cờ đuôi nheo nói riêng, trong quá trình lệnh đang chạy, quan sát và phân tích hành động giá là cực kỳ quan trọng vì việc này sẽ giúp các bạn phát hiện ra các tín hiệu tốt để có thể tiếp tục giữ lệnh, gia tăng lợi nhuận hoặc tín hiệu đảo chiều sớm để kết thúc lệnh, bảo toàn lợi nhuận.
Kết luận
Mô hình Cờ đuôi nheo – Pennant pattern, xuất hiện khá thường xuyên và tín hiệu mà nó cung cấp có độ tin cậy cực kỳ cao. Tuy nhiên, vì dễ bị nhầm lẫn với các chart patterns khác nên quá trình nhận diện mô hình có thể gây khó khăn cho trader, đặc biệt là các newbie, mới tiếp cận với phương pháp phân tích hành động giá.
Chiến lược giao dịch với mô hình Cờ đuôi nheo không phức tạp, các bạn có thể tuân thủ theo quy trình giao dịch mà chúng tôi đã trình bày trong bài viết nhưng điều quan trọng nhất là các bạn phải luyện tập giao dịch với mô hình này thật nhiều, luyện tập quan sát hành vi của giá để xác định chính xác xu hướng, nhận định chính xác mô hình và khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng khi mô hình bị phá vỡ. Kinh nghiệm sẽ giúp các bạn tiến bộ hơn khi tiếp cận với trường phái giao dịch này.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.