Trang chủHỗ trợ, kháng cự là gì? Cách xác định và giao dịch hiệu quả nhất

Hỗ trợ, kháng cự là gì? Cách xác định và giao dịch hiệu quả nhất

Admin

Với một trader mới vào nghề thì việc làm quen và tiếp cận những khái niệm cơ bản là điều không thể bỏ qua. Hỗ trợ hay kháng cự cũng là một trong số đó nhưng tầm quan trọng của nó trong giao dịch thì lại không phải dạng vừa. Cũng vì không xác định đúng các mức hỗ trợ, kháng cự tiềm năng nên nhiều trader thường xuyên vào lệnh không chính xác.

Trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giải đáp những vấn đề liên quan đến hỗ trợ, kháng cự, dành cho những trader lần đầu tiếp cận cũng như hướng dẫn một số cách giao dịch cho những trader chưa tìm ra phương án giao dịch hiệu quả với hỗ trợ, kháng cự. Cùng theo dõi nhé.

Hỗ trợ, kháng cự là gì?

Hỗ trợ và kháng cự (Support and Resistance) là các ngưỡng giá hoặc vùng giá được xác định trong quá khứ mà tại đó, giá bắt đầu đi chậm lại, sau đó có thể tiếp tục xu hướng hoặc đảo chiều và hành vi này có khả năng lặp lại trong tương lai.

Ngưỡng hay vùng hỗ trợ thường nằm bên dưới các mức giá hiện tại, tạo thành mức “giá sàn” tạm thời, khi giá giảm và chạm vào ngưỡng hay vùng hỗ trợ này, giá thường có xu hướng bật ngược trở lại nếu “lực cản” của hỗ trợ đủ mạnh, nếu không, nó sẽ đâm thủng hỗ trợ và tiếp tục giảm.

Ngưỡng hay vùng kháng cự thì nằm phía trên các mức giá hiện tại, tạo thành mức “giá trần” tạm thời, khi giá tăng và chạm vào ngưỡng hay vùng kháng cự này, giá thường có xu hướng bật ngược trở lại nếu “lực cản “ của kháng cự đủ mạnh, nếu không, nó sẽ đâm thủng kháng cự và tiếp tục tăng.

Hỗ trợ, kháng cự trong một xu hướng nhất định

Trong xu hướng tăng, giá có xu hướng đi lên nhiều hơn và xen kẽ vào đó là những đợt thị trường điều chỉnh giảm. Khi giá bắt đầu điều chỉnh giảm, giá sẽ tạo một đỉnh, mức giá tại đỉnh là một ngưỡng kháng cự. Sau khi kết thúc đợt điều giảm, giá bắt đầu đi lên lại theo xu hướng chính và tạo một đáy, mức giá tại đáy là một ngưỡng hỗ trợ. Nếu cấu trúc xu hướng tăng tiếp tục được duy trì thì các đỉnh mới cao hơn sẽ thiết lập các ngưỡng kháng cự mới, các đáy mới cao hơn sẽ thiết lập các ngưỡng hỗ trợ mới và cứ liên tục như thế cho đến khi xu hướng chính thức bị đảo chiều.

Trong xu hướng giảm, giá có xu hướng đi xuống nhiều hơn và xen kẽ vào đó là những đợt thị trường điều chỉnh tăng. Khi giá bắt đầu điều chỉnh tăng, giá sẽ tạo một đáy, mức giá tại đáy là một ngưỡng hỗ trợ. Sau khi kết thúc đợt điều chỉnh tăng, giá bắt đầu đi xuống theo xu hướng chính và tạo một đỉnh, mức giá tại đỉnh là một ngưỡng kháng cự. Nếu cấu trúc xu hướng giảm tiếp tục được duy trì thì các đáy mới thấp hơn sẽ hình thành các ngưỡng hỗ trợ mới, các đỉnh thấp hơn sẽ hình thành các ngưỡng kháng cự mới và cứ liên tục như thế cho đến khi xu hướng chính thức bị đảo chiều.

Nếu trong xu hướng tăng, các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ đều có xu hướng tăng dần hay trong xu hướng giảm, các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ giảm dần thì trong xu hướng đi ngang, các đỉnh và đáy mới được hình thành gần như ngang bằng với các đỉnh, đáy cũ, chính vì thế, các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ cũng gần như ngang bằng nhau.

Khi một ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ, nó sẽ trở thành một ngưỡng kháng cự mới, ngược lại, khi một ngưỡng kháng cự bị phá vỡ, nó sẽ trở thành một ngưỡng hỗ trợ mới.

Nguyên nhân hình thành các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự

Xét về khía cạnh tâm lý thì kháng cự là ngưỡng giá mà tại đó, các nhà đầu tư đang sợ hãi, ngược lại, hỗ trợ là ngưỡng giá mà tại đó, nhà đầu tư đang có tâm lý tham lam.

Khi giá tăng lên, những người mua được tài sản với giá rẻ đã có lời, nhưng đây cũng là lúc họ bắt đầu có tâm lý lo sợ, rằng giá sẽ giảm xuống trở lại và họ sẽ mất đi số lợi nhuận đang có, vì lo sợ nên họ bán ra để bảo toàn lợi nhuận. Hành động bán ra của đám đông nhà đầu tư khiến cho áp lực bán cao hơn, giá giảm xuống, tạo thành ngưỡng kháng cự.

Ngược lại, khi giá giảm xuống, những người đã không mua được tài sản với giá thấp lúc trước bắt đầu có tâm lý tham lam và khi giá quay về, họ đổ xô mua vào và kỳ vọng giá tăng lên. Hành vi này của đám đông khiến cho áp lực mua cao hơn, giá tăng lên, tạo thành ngưỡng hỗ trợ.

Tầm quan trọng của hỗ trợ và kháng cự trên các thị trường tài chính

Hỗ trợ hay kháng cự là 2 yếu tố vô cùng quan trọng trong giao dịch trên các thị trường chính, bởi lẽ tại đó sẽ cho thấy mối quan hệ về cung – cầu hay tâm lý của số đông nhà đầu tư như thế nào, từ đó quyết định đến chiều hướng giao dịch của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ở mỗi loại thị trường khác nhau thì độ tin cậy của hỗ trợ, kháng cự sẽ không giống nhau. Đối với thị trường ngoại hối (forex), hỗ trợ hay kháng cự tất nhiên quan trọng nhưng không đáng tin cậy như trên thị trường chứng khoán bởi lẽ các biến động giá trên thị trường forex không được quyết định bởi đám đông các nhà giao dịch mà nó lại quyết định bởi những tổ chức lớn hơn.

Trên thị trường forex, số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, chưa đến 20%. Khi một tổ chức tín dụng lớn trên thế giới đang cần đồng Bảng Anh (GBP) để thanh toán hay phục vụ cho hoạt động của mình, họ sẽ mua vào ngay bất cứ lúc nào để có được lượng GBP mà họ cần và họ sẽ không phải quan tâm hay xem xét rằng GBP có đang ở mức giá tốt để mua vào hay không, nó có đang chuẩn bị phá vỡ kháng cự để tăng lên hay sắp sửa quay trở lại retest kháng cự đã phá vỡ. Chính hành vi này của những tổ chức lớn đã khiến cho đồng GBP tăng lên nhanh chóng, kéo theo những cặp tỷ giá có mặt GBP cũng biến động theo.

Ngược lại, trong chứng khoán, khi một hỗ trợ hay kháng cự được hình thành, nó lại là kết quả về tâm lý và hành vi của đám đông nhà đầu tư trên thị trường nên độ tin cậy của nó sẽ cao hơn.

Cách xác định vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng

Xác định vùng hỗ trợ, kháng cự

Bước đầu tìm hiểu, các bạn sẽ thấy rằng các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự được hình thành từ các đỉnh và đáy trong quá khứ và nó thường được biểu diễn bằng đường thẳng nhưng thực sự nó là một vùng giá. Trên thực tế, không phải lúc nào giá cũng chạm vào đúng ngưỡng giá hỗ trợ, kháng cự rồi quay đầu mà nó sẽ thường vượt lên hoặc vượt xuống một chút, dao động quanh vùng đỉnh hoặc đáy đó. Nếu các bạn quá cứng nhắc trong việc xác định hỗ trợ, kháng cự là các mức giá cụ thể tại đỉnh hoặc đáy thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội giao dịch tiềm năng. Chính vì vậy, trong giao dịch, các trader thường sẽ xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự thay cho một ngưỡng hỗ trợ hay ngưỡng kháng cự.

Thông thường, vùng hỗ trợ, kháng cự được xác định chính bằng vùng giá của bóng nến tại đỉnh hoặc đáy.

  • Nếu là hỗ trợ thì vùng giá của bóng nến dưới tại đáy
  • Nếu là kháng cự thì vùng giá của bóng nến trên tại đỉnh

Trong trường hợp các đỉnh và đáy hình thành gần như ngang nhau (như trong xu hướng đi ngang) thì hỗ trợ, kháng cự được xác định là vùng giá của bóng nến tại đáy hoặc đỉnh được hình thành lần đầu tiên.

Đâu là vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng?

Khi xác định hỗ trợ, kháng cự trên đồ thị giá, các bạn sẽ thấy rất nhiều vùng, tuy nhiên, không phải tất cả các vùng hỗ trợ, kháng cự đều quan trọng như nhau và có ý nghĩa trong giao dịch. Vậy, như thế nào là một vùng hỗ trợ hay kháng cự tiềm năng?

Thứ nhất, nên tập trung vào các vùng hỗ trợ, kháng cự gần với mức giá hiện tại nhất bởi lẽ đó sẽ là những khu vực mà giá sẽ tiếp cận sớm nhất. Tạm thời bỏ qua các vùng hỗ trợ quá thấp hay những vùng kháng cự quá cao, mà chỉ nên vẽ các vùng hỗ trợ, kháng cự gần hơn khi chúng chưa bị phá vỡ.

Thứ hai, một vùng hỗ trợ hay kháng cự tiềm năng phải là các vùng giá có lực cản mạnh, hay nói cách khác là những vùng giá mà tại đó, thị trường từ chối một mức giá thấp hơn (hỗ trợ) hay từ chối một mức giá cao hơn (kháng cự) nhiều lần.

Cụ thể hơn, một vùng hỗ trợ có lực cản mạnh khi trước đó đã có ít nhất 2 lần giá chạm vào và quay đầu đi lên. Ngược lại, một vùng kháng cự mạnh khi trước đó có ít nhất 2 lần giá chạm vào và quay đầu đi xuống.

Thứ 3, các vùng hỗ trợ, kháng cự được hình thành trên khung thời gian lớn sẽ có giá trị hơn trên những khung thời gian nhỏ vì trên những khung thời gian lớn hơn, khối lượng giao dịch mới đủ lớn để đại diện cho tính thanh khoản của thị trường, lực mua và bán tại các vùng này cũng đủ lớn để khiến giá biến động mạnh. 

Xu hướng và biến động giá trên những khung thời gian lớn hơn được hình thành từ hoạt động của những ông lớn hay cá mập, đó là những gì mà thị trường đang diễn ra thực sự, và nếu những trader nhỏ lẻ không nắm bắt vấn đề này, họ sẽ dễ sa vào bẫy của những những ông lớn đó. Ngược lại, trên những khung thời gian nhỏ hơn, xu hướng và biến động giá dù có mạnh mẽ đến đâu thì cũng chỉ là một phần biến động nhỏ trong xu hướng tổng thể đã được hoạch định trước của cá mập, những mức cản trên khung thời gian nhỏ rất dễ bị phá vỡ, do đó không có giá trị cao trong giao dịch.

Khi nào vùng hỗ trợ hay kháng cự được xem là bị phá vỡ?

Các vùng hỗ trợ hay kháng cự rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật, sau khi chạm vào các vùng này, giá sẽ bật trở lại hoặc phá vỡ và đi tiếp. Thông thường, việc giá bật lại diễn ra thường xuyên hơn nhưng một khi đã phá vỡ thì nó sẽ cho tín hiệu đảo chiều xu hướng.

Một hỗ trợ hay kháng cự được cho là bị phá vỡ khi giá vượt ra khỏi vùng giá tiềm năng mà bạn đã xác định trước. Phần lớn các mức giá đều nằm trên vùng hỗ trợ và nằm dưới vùng kháng cự, cho nên, vùng hỗ trợ bị phá vỡ khi giá đóng cửa phía dưới giới hạn dưới của vùng hỗ trợ một cách rõ ràng và vùng kháng cự bị phá vỡ khi giá đóng cửa phía trên giới hạn trên của vùng kháng cự một cách rõ ràng.

Ở lần đầu tiên, bóng nến của cây nến xanh được khoanh tròn vượt ra khỏi biên trên cùng của vùng kháng cự, sau đó nhanh chóng quay đầu đi xuống, kháng cự chưa bị phá vỡ. Đây chỉ là một lần test phá vỡ kháng cự của giá nhưng không thành công.

Đến lần thứ hai, giá đóng cửa bên ngoài vùng kháng cự một cách rõ ràng và tiếp tục tăng lên sau đó, kháng cự chính thức bị phá vỡ.

Cách giao dịch hiệu quả với vùng hỗ trợ, kháng cự

Có 2 chiến lược giao dịch thường được thực hiện tại các vùng hỗ trợ, kháng cự:

  • Chiến lược giao dịch đảo chiều: mua khi gặp hỗ trợ và bán khi gặp kháng cự (bắt đáy – bắt đỉnh)
  • Chiến lược giao dịch thuận xu hướng: mua khi giá phá vỡ kháng cự và bán khi giá phá vỡ hỗ trợ (giao dịch với breakout).

Chiến lược giao dịch đảo chiều với hỗ trợ, kháng cự

Vào lệnh ngay khi giá chạm hỗ trợ, kháng cự

Chiến lược này được thực hiện rất đơn giản và công cụ được sử dụng duy nhất chính là các vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng mà chính các bạn đã xác định trên đồ thị giá.

Cách giao dịch cụ thể như sau:

  • Xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng trên đồ thị giá
  • Khi giá chạm vào vùng hỗ trợ thì đặt lệnh Buy, chạm vào vùng kháng cự thì đặt lệnh Sell.
  • Hoặc sử dụng các lệnh chờ Limit để đặt lệnh tại các vùng giá của hỗ trợ hay kháng cự.

Ví dụ:

2 vùng hỗ trợ và kháng cự được xác định trên đồ thị giá đều là những vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng. Thứ nhất, nó được vẽ trên khung thời gian D1, thứ hai, giá đã 2 lần từ chối mức cao hơn tại kháng cự và 2 lần từ chối mức thấp hơn tại hỗ trợ và cuối cùng, đây là các vùng hỗ trợ, kháng cự gần với mức giá hiện tại nhất.

Lệnh Sell 1 được thực hiện khi giá tăng lên và chạm vào kháng cự. Giá đã thực sự đảo chiều giảm và các bạn có lợi nhuận.

Lệnh Buy 1 được thực hiện khi giá giảm xuống và chạm vào hỗ trợ. Giá đã thực sự đảo chiều tăng và các bạn có lợi nhuận.

Riêng lệnh Sell 2 bị thua lỗ. Tại sao cây nến xanh vẫn chưa đóng cửa bên ngoài vùng kháng cự, theo nguyên tắc ở trên thì vùng giá quan trọng này chưa bị phá vỡ, nhưng giá không bật lại và đảo chiều giảm mà lại tiếp tục tăng lên?

Các vùng hỗ trợ hay kháng cự dù có tiềm năng như thế nào thì đến một lúc nào đó nó cũng bị phá vỡ. Chiến lược giao dịch này được thực hiện khá dễ dàng nhưng rủi ro lại rất cao là do chúng ta hoàn toàn không biết chắc được lúc nào nó sẽ phá vỡ, lúc nào không.

Giá có thể chưa đóng cửa bên ngoài vùng hỗ trợ, kháng cự nhưng chỉ sau một phiên giao dịch kế tiếp, nó có thể phá vỡ các vùng giá này (như trường hợp ở lệnh Sell 2). Hoặc cũng có trường hợp giá chạm vào hỗ trợ, kháng cự rồi quay đầu nhưng chỉ sau 1 đến 2 phiên kế tiếp, nó lại phá vỡ các vùng giá này mà không có bất kỳ tín hiệu báo trước nào. Thị trường là như vậy và không có một nguyên tắc, quy luật nào đúng 100% trong mọi trường hợp.

Chiến lược này còn có một nhược điểm nữa. Khi các bạn sử dụng lệnh chờ Buy/Sell Limit tại vùng giá hỗ trợ, kháng cự, sau đó đặt stop loss phía trên vùng kháng cự hoặc phía dưới vùng hỗ trợ thì khả năng lệnh của bạn bị quét stop loss bởi bóng nến là rất cao.

Sau khi xác định được vùng kháng cự tiềm năng, bạn quyết định đặt một lệnh Sell Limit tại mức giá cao nhất của vùng kháng cự và đặt stop loss phía trên mức giá này. Nếu đặt quá gần hoặc trường hợp bóng nến quá dài đâm thủng vùng kháng cự, lệnh của bạn sẽ bị quét stop loss, đáng lẽ ra là lệnh sẽ win, nhưng chưa kịp có lợi nhuận thì đã bị cắt lỗ.

Để khắc phục được những nhược điểm và tính rủi ro từ chiến lược này, các bạn cần thêm sự xác nhận đảo chiều từ các công cụ, phương pháp khác.

Chờ tín hiệu đảo chiều xuất hiện tại hỗ trợ, kháng cự rồi mới vào lệnh

Chiến lược này có thể sẽ làm bạn mất đi vài cơ hội vào lệnh trong trường hợp tín hiệu đảo chiều không xuất hiện mà giá vẫn bật lại nhưng nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong những trường hợp còn lại. Khi giao dịch với hỗ trợ, kháng cự, quan trọng là chất lượng của điểm vào lệnh chứ không phải số lượng.

Và một trong số những công cụ giúp xác nhận tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy chính là các mô hình nến. Thứ nhất, tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến xuất hiện sớm, nên các bạn sẽ có cơ hội bắt đỉnh, bắt đáy tốt hơn. Thứ hai, một số mô hình nến cho tín hiệu đảo chiều cực mạnh mẽ, nếu chúng xuất hiện, xác suất giá đảo chiều rất lớn và cuối vùng, bản thân các mô hình nến đảo chiều cũng sẽ cung cấp vị trí đặt stop loss hiệu quả.

Cách giao dịch như sau:

  • Xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng trên đồ thị giá
  • Khi giá chạm vào vùng hỗ trợ, đồng thời tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng 🡪 vào lệnh Buy khi mô hình hoàn thành. Đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của mô hình.
  • Khi giá chạm vào vùng kháng cự, đồng thời tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm 🡪 vào lệnh Sell khi mô hình hoàn thành. Đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình.

Ví dụ:

Lệnh Buy 1 được thực hiện khi giá chạm vào vùng hỗ trợ và tại đó, mô hình nến đảo chiều tăng xuất hiện (Tweezer Bottom), xác nhận tín hiệu đảo chiều xu hướng.

Lệnh Sell 1 được thực hiện khi giá chạm vào vùng kháng cự, đồng thời tại đó xuất hiện cây nến Bearish Reversal Pin bar, cho tín hiệu đảo chiều giảm. Đối với cả 2 lệnh này, các bạn chỉ nên vào lệnh khi mô hình nến đảo chiều đã được hoàn thành.

Sau khi lệnh Sell 1 được thực hiện, giá đảo chiều giảm, nhưng lần này, nó không test lại hỗ trợ, hơn nữa, một cây nến tăng với bóng nến dưới rất dài xuất hiện, cho thấy khả năng giá sẽ tăng lên rất mạnh mẽ. Sau đó 2 phiên giao dịch, một cây nến xanh tiếp tục chạm vào kháng cự nhưng giá đóng cửa vẫn ở bên trong vùng giá này, chưa xuất hiện tín hiệu kháng cự bị phá vỡ, tuy nhiên, cũng không xuất hiện bất kỳ tín hiệu đảo chiều nào, cộng thêm sự từ chối giá xuống mãnh liệt từ cây nến phía trước nên đó sẽ là những lý do vô cùng chính đáng để các bạn không được vào một lệnh Sell nào lúc này. Và chính xác là giá đã phá vỡ kháng cự thành công.

Chiến lược giao dịch thuận xu hướng với hỗ trợ, kháng cự

Có 2 cách để giao dịch với chiến lược này

Cách 1: vào lệnh Buy ngay khi giá phá vỡ kháng cự trong xu hướng tăng hoặc vào lệnh Sell ngay khi giá phá vỡ hỗ trợ trong xu hướng giảm.

Như đã biết, trong xu hướng tăng, các vùng hỗ trợ và kháng cự liên tục được hình thành ở các mức cao hơn. Khi giá phá vỡ vùng kháng cự gần nhất, nó sẽ có xu hướng tiếp tục tăng lên để hình thành vùng kháng cự cao hơn, đó là lý do mà chúng ta sẽ vào lệnh Buy khi giá phá vỡ kháng cự.

Hay trong xu hướng giảm, các vùng hỗ trợ và kháng cự liên tục được hình thành ở các mức thấp hơn. Khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ gần nhất, nó sẽ có xu hướng tiếp tục giảm xuống để hình thành vùng hỗ trợ thấp hơn, đó là cơ sở để vào lệnh Sell khi giá phá vỡ hỗ trợ.

Ví dụ:

Cách 2: Vào lệnh khi giá quay lại retest hỗ trợ, kháng cự vừa phá vỡ

Trên thực tế thì cách này được lựa chọn nhiều hơn.

Trong xu hướng giảm, khi một vùng hỗ trợ bị phá vỡ, nó sẽ trở thành một vùng kháng cự mới nên trader sẽ có xu hướng chờ giá chạm vào kháng cự mới này (hay retest lại hỗ trợ cũ) để vào lệnh Sell.

Trong xu hướng tăng, khi một vùng kháng cự bị phá vỡ, nó sẽ trở thành một vùng hỗ trợ mới, trader sẽ có xu hướng chờ giá chạm vào hỗ trợ mới này (hay retest lại kháng cự cũ) để vào lệnh Buy.

Ví dụ:

Vô tình, chiến lược giao dịch thuận xu hướng theo cách thứ 2 này lại giống với cách giao dịch của chiến lược đảo chiều: nghĩa là mua khi giá chạm hỗ trợ và bán khi giá chạm kháng cự. Mà để cách giao dịch này được hiệu quả và ít rủi ro hơn, các bạn nên chờ đợi tín hiệu xác nhận đảo chiều từ mô hình nến hoặc kết hợp với Fibonacci Retracement.

Kết hợp mô hình nến đảo chiều

2 mô hình nến đảo chiều giảm mạnh là Tweezer Top và Evening Star xuất hiện tại vùng kháng cự mới.

Kết hợp Fibonacci Retracement

Fibonacci Retracement (FR) cung cấp các tỷ lệ quan trọng mà khi giá thoái lui (điều chỉnh) về tại các tỷ lệ đó, giá sẽ có xu hướng kết thúc đợt điều chỉnh và quay đầu tiếp tục xu hướng chính.

Trong xu hướng giảm, hành vi của giá khi phá vỡ vùng hỗ trợ để tiếp tục giảm xuống chính là giá đang đi theo xu hướng chính. Còn khi giá quay trở lại retest vùng hỗ trợ vừa phá vỡ này là lúc thị trường đang điều chỉnh tăng. Giá chạm vào vùng kháng cự mới và cho tín hiệu đảo chiều giảm nhưng tín hiệu này sẽ đáng tin cậy hơn khi vùng giá đó ứng với một trong các tỷ lệ FR quan trọng.

Ngược lại, trong xu hướng tăng, khi giá quay trở lại retest vùng kháng cự vừa phá vỡ cũng chính là lúc mà thị trường điều chỉnh giảm. Tín hiệu xác nhận đáng tin cậy cho sự kết thúc của đợt điều chỉnh này chính là khi vùng hỗ trợ mới (hay vùng kháng cự cũ) ứng với một trong các tỷ lệ FR quan trọng.

Ví dụ:

Khi giá chạm ngưỡng kháng cự mới lần đầu đầu tiên, cũng là lúc giá thoái lui về tỷ lệ FR 0.618, xác nhận tín hiệu giá quay đầu, tiếp tục xu hướng giảm. Lần thứ hai thì giá thoái lui về tỷ lệ 0.5. Đây là 2 trong số các tỷ lệ Fibonacci quan trọng nên cung cấp tín hiệu khá chính xác.

Kết luận

Mặc dù hỗ trợ và kháng cự là vô cùng quan trọng trong giao dịch, nhưng nếu các bạn chỉ sử dụng các vùng giá này như một tín hiệu duy nhất quyết định 100% điểm vào lệnh của bạn mà không kết hợp thêm bất kỳ một tín hiệu nào khác thì sẽ rất rủi ro.

Để tăng xác suất giao dịch thành công với hỗ trợ, kháng cự, ngoài việc nắm vững bản chất của 2 khái niệm này hay cách xác định hỗ trợ, kháng cự tiềm năng, các bạn cần nghiên cứu thêm về lý thuyết hành vi giá, về lý thuyết dow, về cấu trúc xu hướng, cộng với việc luyện tập giao dịch kết hợp mô hình nến, Fibonacci hay những tín hiệu về phân kỳ, hội tụ…

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Hỗ trợ, kháng cự là gì? Cách xác định và giao dịch hiệu quả nhất
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan