Buy Limit, Sell Limit, Buy Stop và Sell Stop là 4 loại lệnh chờ cơ bản trong giao dịch ngoại hối. Khác với lệnh thị trường (Market Order), lệnh chờ sẽ chỉ được khớp khi thỏa mãn một điều kiện nào đó đã được thiết lập trước bởi chính trader. Lệnh chờ có nhiều ưu điểm, hỗ trợ trader thực hiện các chiến lược giao dịch nâng cao hơn, đòi hỏi độ phức tạp cao hơn và trong một số chiến lược đặc biệt, sử dụng lệnh chờ mang lại hiệu quả hơn so với lệnh thị trường.
Vậy, 4 loại lệnh chờ nêu trên được sử dụng như thế nào? Những chiến lược giao dịch như thế nào thì trader nên sử dụng lệnh chờ? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
Trước khi đi vào cụ thể từng loại lệnh, chúng ta sẽ nhắc lại một chút về khái niệm lệnh chờ (Pending Order)
Lệnh chờ – Pending Order là gì?
Khi bắt đầu tìm hiểu về giao dịch forex, các bạn sẽ thấy trong các chiến lược giao dịch được giới thiệu bởi các pro trader hoặc trên các diễn đàn forex hay trong các bài viết, bài kiến thức forex… sẽ thường đề cập đến 2 lệnh Buy hoặc Sell. Ví dụ, với chiến lược giao dịch mô hình nến đảo chiều tăng, vào lệnh Buy sau khi cây nến tín hiệu cuối cùng của mô hình đóng cửa, thì lệnh Buy đó chính là lệnh thị trường (Market Order).
Lệnh thị trường sẽ được khớp với mức giá hiện tại, ngay lúc trader bấm vào nút Buy hoặc Sell trên phần mềm giao dịch. Như vậy, lệnh thị trường sẽ được khớp ngay, còn lệnh chờ thì có thể được khớp hoặc không.
Trong trường hợp thị trường biến động mạnh, Market Order có thể sẽ không được khớp với mức giá như kỳ vọng của trader, làm thay đổi lợi nhuận của giao dịch. Ngược lại, lệnh chờ, nếu được khớp sẽ luôn được khớp với mức giá kỳ vọng của trader.
Vậy, lệnh chờ là gì?
Pending Order hay lệnh chờ là loại lệnh cho phép trader được lựa chọn mức giá khớp lệnh, khi giá trên thị trường đạt đến đúng mức giá đó, lệnh sẽ được khớp và chạy giống như một Market Order.
Nghĩa là, khi các bạn bấm vào 1 trong 4 nút Buy Limit, Sell Limit, Buy Stop hay Sell Stop thì lệnh sẽ ở trạng thái chờ. Khi giá di chuyển và chạm đến mức giá bạn đã thiết lập trước, trong khi đặt lệnh thì lệnh chờ sẽ được thực hiện ngay và chuyển sang một lệnh thị trường như bình thường.
Có 3 nhóm lệnh chờ trong giao dịch forex, bao gồm: lệnh giới hạn (Limit Order), lệnh dừng (Stop Order ) và lệnh dừng giới hạn (Stop Limit Order).
Tuy nhiên, trên phần mềm giao dịch phổ biến nhất hiện nay là MT4 chỉ cho phép trader thực hiện 2 loại lệnh chờ cơ bản là Limit và Stop, còn loại lệnh chờ phức tạp hơn như Stop Limit Order thì chỉ được cung cấp trên phần mềm giao dịch nâng cao như MT5.
Do đó, trong bài viết này, chúng tôi cũng sẽ chỉ giới thiệu đến các bạn 2 nhóm lệnh chờ cơ bản, là các loại lệnh chờ phù hợp với nhiều chiến lược giao dịch và cũng phù hợp với các trader mới.
Lệnh giới hạn – Limit Order
Buy/Sell Limit là gì?
Buy Limit và Sell Limit là 2 loại lệnh giới hạn giúp trader có thể mua thấp – bán cao, tức là được mua, bán với mức giá TỐT hơn so với mức giá hiện tại của thị trường. Cụ thể:
Buy Limit: lệnh Mua giới hạn cho phép trader được mở vị thế mua với mức giá thấp hơn so với giá hiện tại của thị trường. Lệnh này được sử dụng khi trader dự đoán thị trường sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, nhưng trước khi tăng lên, thị trường sẽ điều chỉnh giảm và trader muốn được mua với mức giá thấp trong đợt điều chỉnh giảm đó.
Ví dụ: tỷ giá hiện tại của cặp tiền EUR/USD là 1.23564, thị trường đang trong xu hướng tăng, giá đang điều chỉnh giảm. Bạn muốn mở một vị thế mua nhưng không muốn mua với mức giá hiện tại vì cho rằng đợt điều chỉnh giảm chưa kết thúc, giá sẽ giảm xuống đến 1.23510 (chạm vào tỷ lệ thoái lui 0.618 của Fibonacci Retracement) mới quay đầu tăng.
Để có thể mua được với mức giá tốt hơn này, bạn đặt một lệnh Buy Limit với giá khớp lệnh là 1.23510. Nếu đúng như dự đoán của bạn là giá sẽ giảm đến 1.23510 hoặc thấp hơn rồi mới quay đầu tăng thì lệnh của bạn sẽ được khớp với mức giá 1.23510. Ngược lại, nếu giá chưa giảm đến 1.23510 đã quay đầu thì lệnh của bán sẽ không được khớp (tùy thuộc vào thời gian duy trì lệnh chờ mà bạn lựa chọn lúc đặt lệnh).
Sell Limit: lệnh Bán giới hạn cho phép trader được mở vị thế bán với mức giá cao hơn so với giá hiện tại của thị trường. Lệnh này được sử dụng khi trader dự đoán thị trường sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới, nhưng trước khi giảm xuống, thị trường sẽ điều chỉnh tăng và trader muốn được bán với mức giá cao trong đợt điều chỉnh tăng đó.
Ví dụ: tỷ giá hiện tại của cặp EUR/USD là 1.27654 và thị trường đang trong xu hướng giảm. Bạn muốn mở một vị thế bán nhưng không muốn khớp ngay với mức giá hiện tại vì cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh tăng.
Hiện tại, giá đang tiến gần đến ngưỡng kháng cự quan trọng và ngưỡng kháng cự này lại gần với tỷ lệ thoái lui 0.5 của Fibonacci Retracement, do đó, khả năng là giá sẽ tăng lên đến mức giá ứng với FR 0.5 rồi mới quay đầu giảm. Bạn đặt một lệnh Sell Limit với giá khớp lệnh là 1.27700 (mức giá ứng với FR 0.5 và cũng là mức giá gần với ngưỡng kháng cự). Nếu thị trường di chuyển theo đúng như bạn dự đoán, giá tăng lên và chạm vào 1.27700 thì lệnh của bạn sẽ được khớp.
Tuy nhiên, sau khi lệnh được khớp, cũng có nhiều kịch bản có thể xảy ra:
- Kịch bản 1: giá quay đầu giảm như dự đoán và chạm vào take profit → giao dịch có lợi nhuận.
- Kịch bản 2: giá quay đầu giảm nhưng chưa chạm take profit đã đảo chiều tăng, chạm stop loss → giao dịch thua lỗ.
Chính vì thế, đối với lệnh chờ, không phải lệnh được khớp là bạn đã thành công, mà lệnh được khớp chỉ là bạn đã mua được với mức giá như mình mong muốn, còn sau khi được khớp, nó cũng sẽ hoạt động như một Market Order, sẽ phụ thuộc vào dự đoán về xu hướng của bạn, về thiết lập stop loss, take profit của lệnh, về chiến lược quản lý rủi ro mà nó sẽ mang về lợi nhuận hoặc không.
Ưu, nhược điểm của lệnh Buy Limit, Sell Limit
Ưu điểm
- Lệnh giới hạn giúp trader thực hiện được giao dịch với mức giá đúng như kỳ vọng, điều này cũng đồng nghĩa với lợi nhuận tiềm năng sẽ cao hơn.
- Không cần phải luôn theo dõi thị trường. Chỉ cần xác định được mức giá muốn mua hoặc bán rồi đặt lệnh và chờ cho lệnh được khớp chứ không cần phải luôn dán mắt vào màn hình để theo dõi, chờ cho giá chạm đến mức giá cần mua, bán rồi đặt lệnh, chưa kể khi đặt lệnh có thể bị trượt giá.
- Lệnh giới hạn giúp loại bỏ được cảm xúc giao dịch, bạn sẽ không còn phải lo lắng về việc làm thế nào để xác định thời điểm vào lệnh một cách hoàn hảo nữa.
Nhược điểm
- Nhược điểm lớn nhất của Buy Limit hay Sell Limit chính là các bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch. Bởi vì nếu thị trường không điều chỉnh giảm mà tăng lên luôn thì Buy Limit sẽ không được khớp hay nếu thị trường không điều chỉnh tăng mà giảm xuống luôn thì lệnh Sell Limit sẽ không được khớp. Mặc dù dự đoán đúng xu hướng nhưng lựa chọn lệnh giới hạn trong những trường hợp này đã khiến bạn bỏ lỡ cơ hội vào lệnh ngay với mức giá hiện tại, cũng là mức giá tốt nhất.
- Lệnh giới hạn sau khi được khớp vẫn sẽ hoạt động như một lệnh thị trường, do đó, tỷ lệ rủi ro là như nhau nếu các bạn đã sai trong việc dự đoán xu hướng.
Chiến lược giao dịch sử dụng lệnh Buy Limit, Sell Limit
Như các ví dụ ở phần trên thì một trong những chiến lược giao dịch sử dụng lệnh Buy Limit hoặc Sell Limit hiệu quả nhất chính là chiến lược giao dịch thuận xu hướng, trong đó, chiến lược sử dụng Fibonacci Retracement kết hợp vùng giá quan trọng khác được các trader áp dụng thường xuyên nhất.
Ngoài ra, lệnh giới hạn cũng được các trader lựa chọn để thực hiện các chiến lược giao dịch bên trong vùng giá đi ngang sideway.
Chiến lược giao dịch thuận xu hướng với Fibonacci Retracement
Fibonacci Retracement là công cụ xác định các mức hỗ trợ, kháng cự quan trọng, cụ thể, trong một xu hướng tăng, các tỷ lệ quan trọng của FR đóng vai trò là các ngưỡng hỗ trợ mạnh, khi giá chạm vào một trong các tỷ lệ này sẽ có khả năng quay đầu tăng và ngược lại, các tỷ lệ FR sẽ đóng vai trò là các ngưỡng kháng cự khi thị trường đang trong xu hướng giảm.
Fibonacci Retracement được sử dụng để dự đoán thời điểm thị trường sẽ kết thúc đợt điều chỉnh và quay trở lại xu hướng chính.
Tham khảo: Fibonacci Retracement là gì? Chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với Fibonacci Retracement
- Cách sử dụng lệnh Buy Limit, Sell Limit trong chiến lược này như sau:
Buy Limit: nếu thị trường đang trong xu hướng tăng, chờ giá bắt đầu điều chỉnh giảm thì vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng tăng gần nhất.
Xác định được vùng hỗ trợ mạnh gần đó và nếu vùng hỗ trợ này cũng đồng thời chạm vào một trong các tỷ lệ FR quan trọng như 0.382, 0.5, 0.618 hoặc 0.764 thì đặt lệnh Buy Limit tại mức giá ứng với tỷ lệ FR đó hoặc ngay phía trên mức giá này.
Trong trường hợp không xác định được vùng hỗ trợ gần đó thì vẽ đường trendline của xu hướng tăng, trendline cắt tỷ lệ FR nào thì đó chính là vị trí tiềm năng mà giá có thể kết thúc đợt điều chỉnh và quay đầu.
Sell Limit: nếu thị trường đang trong xu hướng giảm, chờ giá bắt đầu điều chỉnh tăng thì vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng giảm gần nhất.
Xác định được vùng kháng cự gần đó và nếu vùng kháng cự này cũng đồng thời chạm vào một trong các tỷ lệ FR quan trọng như 0.382, 0.5, 0.618 hoặc 0.764 thì đặt lệnh Sell Limit tại mức giá ứng với tỷ lệ FR đó hoặc ngay phía dưới mức giá này.
Trong trường hợp không xác định được vùng kháng cự gần đó thì vẽ đường trendline của xu hướng giảm, trendline cắt tỷ lệ FR nào thì đó chính là vị trí tiềm năng mà giá có thể kết thúc đợt điều chỉnh và quay đầu
- Ví dụ:
Thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh mẽ và giá đang ở trong đợt điều chỉnh giảm. Nhiệm vụ của chúng ta là xác định vị trí có khả năng đợt điều chỉnh giảm sẽ kết thúc để thị trường tiếp tục xu hướng tăng ban đầu.
Tiến hành vẽ đường trendline của xu hướng và vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng tăng gần nhất.
Sau khi vẽ xong thì chúng ta xác định được đường trendline cắt tỷ lệ FR 0.618, đây chính là vị trí đảo chiều tiềm năng. Hơn thế nữa, mức giá tại tỷ lệ FR 0.618 cũng nằm trong vùng hỗ trợ mạnh (trước đó là kháng cự mạnh khi giá nhiều lần chạm vào và quay đầu giảm). Do đó, tín hiệu đợt điều chỉnh giảm sẽ kết thúc tại vị trí này được củng cố.
Đặt lệnh Buy Limit tại mức giá ứng với tỷ lệ FR 0.618 và đặt stop loss phía dưới swing low gần nhất trước đó (như hình trên).
Và kết quả là…
Chính xác là giá đã chạm vào tỷ lệ FR 0.618 và quay đầu tăng. Trong trường hợp này, các bạn có thể sử dụng Fibonacci Extension để xác định vị trí chốt lời tiềm năng nhưng chúng tôi ưu tiên lựa chọn chốt lời với hành động giá.
Sau một thời gian tăng lên như kỳ vọng thì trên đồ thị giá hình thành mô hình nến đảo chiều giảm Bearish Engulfing, cung cấp tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ, do đó, chúng ta có thể đóng lệnh ngay khi cây nến giảm của mô hình đóng cửa (như hình trên).
Chiến lược giao dịch trong vùng sideway
Khi thị trường đi ngang – sideway, giá sẽ di chuyển bên trong một phạm vi được giới hạn bởi 2 đường thẳng nằm ngang, với đường nằm trên đóng vai trò như một kháng cự mạnh, giá chạm vào sẽ có khả năng quay đầu giảm và một đường nằm ngang phía dưới đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ mạnh, khi giá chạm vào sẽ quay đầu tăng.
- 2 lệnh Buy Limit và Sell Limit được thực hiện như sau:
Buy Limit: khi giá đang di chuyển từ hướng kháng cự đi xuống, đặt lệnh Buy Limit tại mức giá ứng với đường hỗ trợ hoặc cách vài pip ngay phía trên hỗ trợ,đặt stop loss phía dưới đường hỗ trợ và take profit tại đường kháng cự.
Sell Limit: khi giá đang di chuyển từ hướng hỗ trợ đi lên, đặt lệnh Sell Limit tại mức giá ứng với kháng cự hoặc cách vài pip ngay phía dưới kháng cự, đặt stop loss phía trên đường kháng cự và take profit tại đường hỗ trợ.
- Ví dụ:
Sau một xu hướng tăng mạnh thì giá bắt đầu chuyển sang đi ngang. Xác định 2 đường trendline cho xu hướng sideway. Giá nhiều lần chạm đường trendline trên và quay đầu giảm, giá cũng nhiều lần chạm trendline dưới và quay đầu tăng, do đó, 2 đường trendline này chính là 2 ngưỡng kháng cự, hỗ trợ mạnh và chúng ta có thể sử dụng để thực hiện chiến lược giao dịch bên trong vùng sideway này.
Sau khi giá chạm kháng cự và giảm xuống, chúng ta có thể kỳ vọng nó sẽ giảm xuống đến hỗ trợ sau đó quay đầu tăng → đặt lệnh chờ Buy Limit tại mức giá nằm ngay phía trên hỗ trợ và đặt stop loss ngay phía dưới hỗ trợ, trong chiến lược này, chúng ta cũng sẽ đặt take profit ngay tại kháng cự (như hình trên).
Và kết quả là:
Lệnh Buy Limit được khớp, giá tăng lên chạm take profit như mong đợi. Không những thế, giá cũng đã phá vỡ được kháng cự và tăng lên cao hơn, kết thúc vùng giá sideway.
Lệnh dừng – Stop Order
Buy Stop, Sell Stop là gì?
Buy Stop và Sell Stop là 2 loại lệnh dừng, bằng việc sử dụng loại lệnh này, trader sẽ mua cao – bán thấp, nghĩa là mức giá khớp lệnh sẽ không thực sự tốt hơn so với mức giá hiện tại.
Vậy thì tại sao trader lại sử dụng 2 loại lệnh này?
Buy Stop: lệnh dừng mua cho phép trader mua tài sản với mức giá cao hơn so với hiện tại, nghe thì có vẻ không hợp lý vì tại sao lại không mua ngay với mức giá tốt hơn? Lệnh Buy Stop được sử dụng trong trường hợp thị trường đang giảm hoặc đi ngang, trader dự đoán rằng giá sẽ tăng lên mạnh mẽ sau đó nếu nó phá vỡ được mức kháng cự quan trọng, nếu không, giá sẽ giảm xuống.
Ví dụ: tỷ giá hiện tại của cặp tiền EUR/USD là 1.23456 và giá đang di chuyển gần ngưỡng kháng cự quan trọng 1.23580. Bạn dự đoán rằng giá sẽ phá vỡ kháng cự và tăng lên mạnh mẽ nên đặt một lệnh Buy Stop ngay tại mức giá cao hơn 1.23580, chẳng hạn 1.23595. Nếu thị trường chạm vào mức giá này thì lệnh của bạn sẽ được khớp. Ngược lại, nếu giá quay đầu giảm thì lệnh của bạn sẽ không được khớp.
Sell Stop: lệnh dừng bán cho phép trader bán tài sản với mức giá thấp hơn so với mức giá hiện tại, lệnh này được sử dụng trong trường hợp thị trường đang tăng hoặc đi ngang, trader dự đoán rằng giá sẽ giảm xuống mạnh mẽ sau đó nếu nó phá vỡ được mức hỗ trợ quan trọng, nếu không, giá sẽ tăng lên.
Ví dụ: tỷ giá hiện tại của cặp tiền EUR/USD là 1.23456 và giá đang di chuyển gần ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.23375. Bạn dự đoán rằng giá sẽ phá vỡ hỗ trợ và giảm xuống mạnh mẽ nên đặt một lệnh Sell Stop ngay tại mức giá thấp hơn 1.23375, chẳng hạn như 1.23360. Nếu thị trường chạm vào mức giá này thì lệnh của bạn sẽ được khớp. Ngược lại, nếu giá quay đầu tăng thì lệnh của bạn sẽ không được khớp.
Ưu, nhược điểm của Buy Stop, Sell Stop
Ưu điểm
- Ưu điểm lớn nhất của lệnh dừng Stop chính là giúp cho giao dịch có độ an toàn cao hơn bởi vì với lệnh Stop, các bạn sẽ mua ở đầu gối và bán ở vai thay vì mua ở chân và bán ra ở đầu như lệnh giới hạn. Việc mua vào khi xu hướng tăng đã hiện ra một cách rõ ràng hơn hay bán ra khi xu hướng giảm chính thức hình thành sẽ hạn chế được rủi ro cho trader.
- Cũng giống như lệnh giới hạn, lệnh dừng sẽ giúp bạn mua được với mức giá mong muốn mà không cần phải liên tục theo dõi thị trường.
- Lệnh dừng cũng loại bỏ được cảm xúc lo lắng khi giao dịch, đặc biệt, nó sẽ giúp bạn thoải mái hơn, không phải lo sợ bắt sai đỉnh, sai đáy.
Nhược điểm
- Nhược điểm lớn nhất của lệnh dừng Stop chính là làm cho lợi nhuận giảm đi vì rõ ràng mua ở đầu gối, bán ở vai không thể mang về nhiều lợi nhuận hơn so với mua ở chân và bán ra ở đầu.
- Trong trường hợp trader dự đoán sai xu hướng thì lệnh vẫn có rủi ro như một Market Order
Chiến lược giao dịch sử dụng lệnh Buy Stop và Sell Stop
Có 2 chiến lược giao dịch phổ biến mà các trader sẽ sử dụng đến 2 loại lệnh dừng Buy Stop và Sell Stop. Bao gồm: chiến lược giao dịch breakout với vùng giá đi ngang sideway và chiến lược giao dịch với mô hình giá.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách thực hiện của từng chiến lược.
Chiến lược giao dịch breakout với vùng giá đi ngang
Nếu 2 lệnh Buy Limit và Sell Limit được sử dụng trong trường hợp trader kỳ vọng giá vẫn tiếp tục duy trì bên trong vùng sideway thì lệnh Buy Stop và Sell Stop được dùng trong trường hợp trader dự đoán vùng sideway sẽ bị phá vỡ.
Có 2 loại tín hiệu mà trader có thể sử dụng để dự đoán một sự phá vỡ có thể xảy ra, đó là tín hiệu giá hụt hơi tại hỗ trợ/kháng cự và tín hiệu phân kỳ ẩn.
Chiến lược giao dịch breakout vùng sideway với tín hiệu hụt hơi
- Giá hụt hơi tại hỗ trợ khi không thể chạm vào hỗ trợ đã quay đầu tăng → áp lực bán giảm → khả năng vùng sideway bị phá vỡ theo hướng đi lên.
- Giá hụt hơi tại kháng cự khi không thể chạm vào kháng cự đã quay đầu đi xuống → áp lực mua giảm → khả năng vùng sideway bị phá vỡ theo hướng đi xuống.
Chiến lược này được thực hiện như sau:
- Khi giá hụt hơi tại hỗ trợ, đặt lệnh Buy Stop với mức giá thực hiện ngay phía trên kháng cự, đặt stop loss ngay phía dưới hỗ trợ.
- Khi giá hụt hơi tại kháng cự, đặt lệnh Sell Stop với mức giá thực hiện ngay phía dưới hỗ trợ, đặt stop loss ngay phía trên kháng cự.
Ví dụ:
Thị trường chuyển từ xu hướng tăng sang đi ngang. Và chúng ta cũng vẽ được 2 đường trendline nằm ngang, đồng thời cũng là kháng cự và hỗ trợ của vùng sideway này.
Sau khi chạm kháng cự và quay đầu giảm thì giá cũng tiến gần đến hỗ trợ nhưng lại không chạm hỗ trợ mà đã quay đầu tăng → hiện tượng hụt hơi tại hỗ trợ. Sau khi bị hụt hơi thì 3 cây nến tăng mạnh liên tiếp nhau xuất hiện → khả năng giá phá vỡ kháng cự được củng cố cao hơn.
Đặt lệnh Buy Stop ngay phía trên kháng cự và đặt stop loss ngay phía dưới hỗ trợ.
Kết quả…
Giá tăng lên, chạm kháng cự nhưng chưa phá vỡ được kháng cự → lúc này lệnh vẫn chưa được khớp.
Sau đó giá tiếp tục giảm và bị hụt hơi tại hỗ trợ, lần hụt hơi này “mạnh” hơn so với lần trước (giá chỉ đi được nửa đường đã quay đầu), cho thấy áp lực bán đã rất yếu.
Và chính xác là giá đã tăng lên mạnh mẽ, phá vỡ kháng cự, lệnh Buy Stop được khớp.
Sau đó, giá có quay lại retest ngưỡng kháng cự (kháng cự trở thành hỗ trợ), nếu tận dụng được cơ hội giá retest này, các bạn có thể vào thêm một lệnh Buy nữa để gia tăng lợi nhuận.
Các trader chuyên nghiệp rất yêu thích những đợt retest như vậy và với họ, đó chính là cơ hội cực kỳ tốt để gia tăng lợi nhuận. Và bạn thấy đấy, sau khi retest kháng cự, giá tăng lên mạnh mẽ.
Mô hình Bearish Engulfing xuất hiện, cảnh báo khả năng đảo chiều, các bạn có thể đóng lệnh sau khi cây nến giảm của mô hình đóng cửa.
Chiến lược giao dịch breakout vùng sideway với tín hiệu phân kỳ ẩn
Tín hiệu phân kỳ ẩn thường xuất hiện vào cuối giai đoạn hợp nhất (vùng tích lũy, có thể dưới dạng một vùng giá đi ngang) và cảnh báo về khả năng tiếp diễn của xu hướng trước đó.
Thị trường đang trong xu hướng tăng, sau đó giá bắt đầu di chuyển chậm lại, tạo thành vùng hợp nhất đi ngang, phân kỳ ẩn tăng giá xuất hiện khi giá tạo đáy bằng nhau hoặc giá tạo đáy mới cao hơn (hiện tượng hụt hơi tại hỗ trợ) nhưng chỉ báo dao động lại tạo đáy mới thấp hơn → dự báo khả năng giá tiếp tục tăng.
Thị trường đang trong xu hướng giảm, sau đó giá bắt đầu di chuyển chậm lại, tạo thành vùng hợp nhất đi ngang, phân kỳ ẩn giảm giá xuất hiện khi giá tạo đỉnh bằng nhau hoặc đỉnh mới thấp hơn (hụt hơi tại kháng cự) nhưng chỉ báo dao động lại tạo đỉnh mới cao hơn → dự báo khả năng giá tiếp tục giảm.
Tham khảo: Divergence là gì? Các bước giao dịch hiệu quả với tín hiệu phân kỳ
Chiến lược sử dụng lệnh Buy Stop và Sell Stop được thực hiện như sau:
Buy Stop: khi xuất hiện phân kỳ ẩn tăng giá, đặt lệnh Buy Stop với mức giá thực hiện ngay phía trên kháng cự, đặt stop loss ngay phía dưới hỗ trợ.
Sell Stop: khi xuất hiện phân kỳ ẩn giảm giá, đặt lệnh Sell Stop với mức giá thực hiện ngay phía dưới hỗ trợ và đặt stop loss ngay phía trên kháng cự.
Ví dụ:
Thị trường chuyển sang đi ngang sau một xu hướng giảm mạnh phía trước. Sau khi liên tục tạo các đỉnh bằng nhau thì thị trường tạo đỉnh mới thấp hơn, cũng là hiện tượng hụt hơi tại kháng cự. Cùng lúc đó, chỉ báo RSI lại tạo đỉnh mới cao hơn → hiện tượng phân kỳ ẩn giảm giá → cảnh báo giá tiếp tục giảm.
Đặt lệnh Sell Stop với mức giá thực hiện ngay phía dưới đường hỗ trợ và đặt stop loss ngay phía trên kháng cự.
Sau khi lệnh Sell Stop được khớp, giá giảm xuống như kỳ vọng một thời gian thì xuất hiện phân kỳ thường tăng giá khi giá tạo đáy mới thấp hơn nhưng RSI lại tạo đáy mới cao hơn → cảnh báo khả năng đảo chiều tăng, các bạn có thể chốt lời ngay tại đây (như hình trên).
Chiến lược giao dịch với mô hình giá
Ngoại trừ các mô hình giá lưỡng tính (tức xác suất giá phá vỡ lên hay xuống là như nhau) thì đối với các mô hình giá đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng, trader sẽ xác định được trước hướng phá vỡ của mô hình.
Đối với mô hình giá đảo chiều tăng hoặc tiếp diễn tăng, mô hình chỉ thực sự hoàn thành và giá sẽ tăng lên theo kỳ vọng khi giá phá vỡ được kháng cự của mô hình → đặt lệnh Buy Stop với giá thực hiện ngay phía trên kháng cự của mô hình.
Đối với mô hình giá đảo chiều giảm hoặc tiếp diễn giảm, mô hình chỉ thực sự hoàn thành và giá sẽ giảm xuống như kỳ vọng khi giá phá vỡ được hỗ trợ của mô hình → đặt lệnh Sell Stop với giá thực hiện ngay phía dưới hỗ trợ của mô hình.
Đối với mỗi mô hình giá sẽ có chiến lược đặt stop loss và take profit khác nhau, các bạn có thể tham khảo lại cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá qua các bài viết riêng về từng mô hình trên website của chúng tôi tại Lớp học forex miễn phí.
Ví dụ:
Thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh nhưng giá không thể tiếp tục tạo đỉnh mới cao hơn mà chỉ ngang bằng với đỉnh ngay trước đó → khả năng mô hình giá Hai đỉnh sẽ hình thành.
Đồng thời, đường trendline của xu hướng cũng đã bị phá vỡ → khả năng là mô hình Hai đỉnh sẽ hoàn thành và giá sẽ đảo chiều giảm.
Vẽ đường Neckline của mô hình giá, đặt lệnh Sell Stop ngay phía dưới đường Neckline và stop loss ngay phía trên đỉnh của mô hình.
Và đây là kết quả
Một cây nến giảm với thân rất lớn đã phá vỡ được đường Neckline, mô hình Hai đỉnh đã xảy ra đúng, lệnh Sell Stop được khớp và thị trường đã đảo chiều giảm như kỳ vọng.
Sau đó một thời gian thì trên đồ thị giá xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng Sao Mai – Morning Star, cảnh báo về khả năng đảo chiều của xu hướng, chúng ta có thể chốt lời sau khi mô hình hoàn thành, tức đóng lệnh khi cây nến tăng thứ 3 của mô hình đóng cửa.
Đối với chiến lược chốt lời, trong tất cả các ví dụ cụ thể xảy ra trên thị trường mà chúng tôi đã trình bày ở trên, các bạn có thể sử dụng bất kỳ công cụ giao dịch nào để chốt lời. Nếu trong chiến lược giao dịch của bạn có sử dụng indicator để xác định điểm vào lệnh thì cũng có thể sử dụng đúng indicator đó để xác định tín hiệu chốt lời hiệu quả. Còn nếu các bạn đang theo đuổi trường phái phân tích hành động giá price action thì tốt nhất là các bạn nên quan sát hành vi của giá để xác định tín hiệu đảo chiều thông qua các mô hình nến, mô hình giá, hay xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự quan trọng để đóng lệnh sao cho hợp lý và lợi nhuận được tối ưu hóa.
Hướng dẫn đặt các lệnh Buy Limit, Sell Limit, Buy Stop và Sell Stop trên phần mềm MT4
Trên phần mềm MT4, các bạn mở hộp thoại đặt lệnh New Order lên:
Đầu tiên là chọn cặp tỷ giá muốn giao dịch tại ô Symbol và khối lượng lệnh tại ô Volume.
Tại ô Type: nếu đặt lệnh thị trường thì chọn Market Execution, sau đó bấm nút Buy by Market để đặt lệnh Buy hoặc Sell by Market để đặt lệnh Sell.
Nếu đặt lệnh chờ thì chọn Pending Order, hộp thoại sẽ xuất hiện thêm những thông tin sau:
Tại ô Type ở dưới, các bạn chọn loại lệnh chờ cần đặt, bao gồm Buy Limit/Sell Limit/Buy Stop/Sell Stop. Sau đó nhập mức giá thực hiện vào ô at price.
Nếu muốn lệnh chờ được giữ trong khoảng thời gian nào đó thì bấm tick chọn vào ô Expiry, sau đó chọn ngày giờ cụ thể, nếu đến thời điểm đó mà lệnh không được khớp thì sẽ bị hủy. Ngược lại, nếu bạn không cài đặt thông tin này thì lệnh sẽ được giữ đến khi nào được khớp thì thôi.
Hoàn thành xong mọi thông tin thì bấm nút Place.
Đối với cài đặt Stop Loss, Take Profit và Trailing Stop thì các bạn có thể tham khảo lại bài viết sau:
Tổng kết về các loại lệnh Buy/Sell Limit, Buy/Sell Stop
Cách đặt lệnh Buy Limit, Sell Limit, Buy Stop hay Sell Stop thực sự không quá khó, chỉ cần các bạn hiểu đúng ý nghĩa của từng loại lệnh. Quan trọng nhất là xác định thời điểm sử dụng chúng sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Thông qua các chiến lược giao dịch mà chúng tôi đã gợi ý trong bài viết này, hy vọng các bạn đã có thể nắm bắt được cách sử dụng các loại lệnh chờ này sao cho hiệu quả nhất.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.