Trang chủMô hình Chữ nhật (Rectangle) là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất

Mô hình Chữ nhật (Rectangle) là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất

Admin

Tiếp tục chuỗi bài viết về các công cụ của phương pháp phân tích Hành động giá là một price pattern mang tên Rectangle patterns – mô hình giá Chữ nhật. Cũng giống như những price patterns khác, tên gọi cũng đã phần nào giúp chúng ta hình dung được đặc điểm nhận diện của mô hình.

Rectangle patterns được biết đến nhiều là một mô hình cung cấp tín hiệu về sự tiếp diễn của xu hướng, nghĩa là khi nó xuất hiện, trader sẽ biết được giá sắp sửa phá vỡ theo hướng nào. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi mô hình giá Chữ nhật bị phá vỡ, thị trường vẫn có thể đảo chiều xu hướng hiện tại. Vậy thì, làm thế nào để biết được hướng đi của giá trước khi breakout xảy ra? Hay giống như Triangle patterns, chỉ vào lệnh khi giá đã thực sự phá vỡ mô hình?

Trong bài viết này, bên cạnh việc giới thiệu về mô hình giá Chữ nhật, chúng tôi cũng chia sẻ đến các bạn cách nhận biết sớm hướng phá vỡ của mô hình, để quá trình vào lệnh được chủ động hơn, giao dịch hiệu quả hơn. Cùng bắt đầu nhé.

Mô hình giá Chữ nhật là gì?

Mô hình giá Chữ nhật (Rectangle patterns) có thể xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc giảm, báo hiệu xu hướng đang tạm dừng, thị trường đang trong trạng thái tích lũy, giá bắt đầu di chuyển trong phạm vi hẹp dần. Và dĩ nhiên, sau đợt tích lũy này, khi một trong 2 phe gấu hoặc bò phản công thì thị trường sẽ biến động mạnh mẽ theo hướng của phe mạnh hơn.

Mô hình này bao gồm 2 đường xu hướng, đường phía trên nối các đỉnh gần như bằng nhau, tạo thành ngưỡng kháng cự nằm ngang, đường phía dưới nối các đáy gần như bằng nhau, tạo thành ngưỡng hỗ trợ nằm ngang. 2 đường xu hướng này chính là 2 cạnh trên và dưới của hình chữ nhật.

Về đặc điểm nhận diện, mô hình giá Chữ nhật giống như khi thị trường đang trong trạng thái đi ngang (sideway), nhưng với sideway, thời gian tích lũy sẽ lâu hơn. Mô hình giá Chữ nhật đôi khi còn được xem như là phạm vi giao dịch (trading range), khu vực hợp nhất (consolidation zones) hoặc tắc nghẽn (congestion areas).

Về ý nghĩa, mô hình giá Chữ nhật cho biết sau một xu hướng đang mạnh mẽ phía trước (tăng hoặc giảm rõ ràng) thì thị trường bắt đầu tạm nghỉ, hạ nhiệt. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hạ nhiệt này, 2 phe vẫn đang tấn công nhau, nhưng vì lực mua không đủ mạnh nên giá vừa tăng lên chút đỉnh đã bị lực bán kéo xuống, lực bán cũng không đủ mạnh để kéo xuống sâu hơn, nên khi giá vừa giảm một chút thì đã bị lực mua kéo lên lại. 2 phe dường như cân tài cân sức nên giá không thể vượt qua lực cản của hỗ trợ và kháng cự, cứ tăng lên gặp kháng cự thì giảm xuống hay cứ giảm xuống gặp hỗ trợ thì tăng lên. Khi một trong 2 phe đủ mạnh hơn thì giá sẽ phá vỡ một trong 2 ngưỡng này để bứt phá mạnh mẽ đi theo hướng kỳ vọng của phe mạnh hơn.

Tương tự như các price patterns khác, mô hình giá Chữ nhật cũng có thể được áp dụng trên hầu hết các thị trường khác nhau, trên các loại tài sản khác nhau và trên những khung thời gian lớn từ H1 trở lên, mô hình có độ tin cậy cao hơn và cũng cho lợi nhuận đáng kể hơn.

Tại sao khi mô hình giá Chữ nhật bị phá vỡ, giá sẽ phóng đi mạnh mẽ?

Khi mô hình giá Chữ nhật được hình thành, các scalping trader hoặc những người không phát hiện ra mô hình này sẽ có xu hướng giao dịch như với một thị trường đi ngang hay phạm vi tích lũy, tức là họ sẽ đặt Mua khi giá chạm hỗ trợ và đặt Bán khi giá chạm kháng cự. Càng nhiều lệnh được đặt thì càng nhiều stop loss ngay phía trên kháng cự hoặc phía dưới hỗ trợ, mà điều này thì lại vô cùng quan trọng đối với các cá mập vì họ cần thanh khoản từ những lệnh này để thực hiện những giao dịch lớn của họ. Và khi các cá mập này ra tay, giá sẽ bứt phá mạnh mẽ đi theo hướng kỳ vọng của họ. Đây cũng là lý do mà tại thời điểm giá breakout mô hình, khối lượng giao dịch thường rất lớn.

Phân loại, Đặc điểm nhận diện và Ý nghĩa của mô hình giá Chữ nhật

Dựa vào hướng phá vỡ, mô hình giá Chữ nhật được chia thành 2 loại: mô hình Chữ nhật tăng giá (Bullish Rectangle pattern) và mô hình Chữ nhật giảm giá (Bearish Rectangle pattern).

Với tính chất của trạng thái tích lũy đi ngang và sự hỗ trợ của sức mạnh xu hướng ban đầu mà mô hình giá Chữ nhật thường được sử dụng như một tín hiệu tiếp diễn xu hướng, nghĩa là, nếu xuất hiện trong một xu hướng tăng thì sau khi mô hình này bị phá vỡ, giá sẽ tăng lên (Bullish Rectangle), ngược lại, nếu xuất hiện trong một xu hướng giảm thì sau khi mô hình bị phá vỡ, giá sẽ giảm xuống (Bearish Rectangle). Tuy nhiên, chỉ là xác suất phá vỡ theo xu hướng ban đầu xảy ra cao hơn nhưng điều này không hoàn toàn có nghĩa là mô hình sẽ không bị phá vỡ theo hướng ngược lại.

Mô hình Chữ nhật tăng giá – Bullish Rectangle pattern

Đặc điểm nhận diện mô hình

Mô hình Chữ nhật tăng giá có thể xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc giảm. Khi thị trường tăng/giảm mạnh được một thời gian thì chuyển sang giai đoạn củng cố, giá di chuyển lên xuống trong phạm vi được giới hạn bởi 2 đường hỗ trợ và kháng cự nằm ngang. Sau thời gian tích lũy, phe mua phản đòn thành công, giá phá vỡ kháng cự và tăng lên.

Tâm lý thị trường đằng sau mô hình

Mô hình giá Chữ nhật bị phá vỡ theo hướng đi lên khi có nhiều người quyết định mua vào ở ngay ngưỡng kháng cự. Nếu xuất hiện trong xu hướng tăng, đám đông này tin tưởng vào sức mạnh của xu hướng phía trước hoặc cho rằng đã đến lúc thị trường đảo chiều nếu mô hình xuất hiện trong xu hướng giảm. Họ mua vào ở ngay ngưỡng kháng cự để được mức giá tốt hơn so với việc chờ đợt giá phá vỡ kháng cự rồi mới vào lệnh, đó là lý do mà ngưỡng kháng cự bị phá vỡ.

Khi kháng cự bị phá vỡ, số còn lại bắt đầu nhảy vào mua, trong khi những người đã bán ra ở kháng cự đang gặp rủi ro, họ nhanh chóng chốt lời, những hành vi này càng làm cho áp lực mua tăng lên, đẩy giá lên cao hơn nữa.

Mô hình Chữ nhật giảm giá – Bearish Rectangle pattern

Đặc điểm nhận diện mô hình

Tương tự, mô hình Chữ nhật giảm giá có thể xuất hiện trong một xu hướng giảm hoặc tăng. Khi thị trường giảm/tăng mạnh được một thời gian thì chuyển sang giai đoạn củng cố, giá di chuyển lên xuống trong phạm vi được giới hạn bởi 2 đường hỗ trợ và kháng cự nằm ngang. Sau thời gian tích lũy, phe bán phản đòn thành công, giá phá vỡ hỗ trợ và giảm xuống.

Tâm lý thị trường đằng sau mô hình

Mô hình giá Chữ nhật bị phá vỡ theo hướng đi xuống khi phe gấu tạo thêm áp lực ngay ngưỡng hỗ trợ. Có thể phe gấu tin tưởng vào sức mạnh của xu hướng phía trước nếu mô hình xuất hiện trong xu hướng giảm hoặc cho rằng đã đến lúc thị trường đảo chiều nếu mô hình xuất hiện trong xu hướng tăng. Họ bán ra ở ngay ngưỡng hỗ trợ để được mức giá tốt hơn so với việc chờ đợt giá phá vỡ hỗ trợ rồi mới vào lệnh, đó là lý do mà ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ.

Khi hỗ trợ bị phá vỡ, số còn lại của phe gấu bắt đầu gia nhập thị trường, trong khi phe bò đã mua vào ở hỗ trợ đang gặp rủi ro, họ nhanh chốt lời, những hành vi này càng làm cho áp lực bán tăng lên, kéo giá xuống thấp hơn nữa.

Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá Chữ nhật

Bước 1: Xác định xu hướng thị trường

Nếu các bạn đã tìm hiểu về mô hình giá Tam giác tại quocdunginvest.com thì sẽ thấy rằng bước xác định xu hướng thị trường là không cần thiết bởi vì đối với mô hình giá Tam giác, việc quan trọng nhất là nhận diện mô hình (vì hay nhầm lẫn với các mô hình khác) và xác định hướng vào lệnh khi mô hình bị phá vỡ (không phụ thuộc vào xu hướng trước đó). Mặc dù, ở mô hình Chữ nhật, giá cũng có thể bị phá vỡ đi lên hoặc xuống và không hoàn toàn phụ thuộc vào xu hướng hiện tại, nhưng mô hình giá Chữ nhật có những dấu hiệu quan trọng để nhận biết hướng phá vỡ, cộng với sức mạnh của xu hướng phía trước để gia tăng độ tin cậy của tín hiệu. Do đó, khi giao dịch với mô hình giá Chữ nhật, bước đầu tiên này vẫn cực kỳ quan trọng.

Để xác định xu hướng thị trường, là một price action trader, các bạn hoàn toàn có thể nhận diện được xu hướng chỉ dựa vào hành vi giá mà không cần phải sử dụng thêm bất kỳ một indicators nào. Cụ thể:

  • Nếu giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng.
  • Nếu giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm.

Bước 2: Nhận diện mô hình giá Chữ nhật

Mô hình này thì lại khá dễ để nhận diện, chỉ cần giá bắt đầu di chuyển chậm lại và tạo các mức cao gần như bằng nhau, các mức thấp gần như bằng nhau (không bắt buộc phải hoàn toàn bằng nhau nhưng phải trong giới hạn có thể chấp nhận được), các bạn tiến hành vẽ đường kháng cự đi qua các đỉnh và đường hỗ trợ đi qua các đáy, sao cho 2 đường này nằm ngang và song song với nhau.

Mô hình giá Chữ nhật được cho là đáng tin cậy khi giá ít nhất 2 lần chạm kháng cự đi xuống và ít nhất 2 lần chạm hỗ trợ đi lên.

Bước 3: Xác định hướng giao dịch

Nếu mô hình giá Chữ nhật xuất hiện trong một xu hướng tăng, thì khả năng giá phá vỡ kháng cự  và đi lên sẽ cao hơn so với phá vỡ hỗ trợ và đi xuống. Nghĩa là khi xuất hiện trong xu hướng tăng, mô hình giá Chữ nhật sẽ là Bullish Rectangle.

Cụ thể, nghiên cứu của Kirkpatrick C.D và Dahlquist J.R (2006) trong cuốn The Complete Resource for Financial Market Technicians đã cho ra kết quả rằng xác suất giá phá vỡ kháng cự là 68% và giá phá vỡ hỗ trợ là 32%.

Ngược lại, nếu mô hình giá Chữ nhật xuất hiện trong một xu hướng giảm, thì khả năng giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống sẽ cao hơn so với phá vỡ kháng cự đi lên, đồng nghĩa với mô hình giá Chữ nhật sẽ là Bearish Rectangle khi xuất hiện trong xu hướng giảm.

Cũng với nghiên cứu của Kirkpatrick C.D và Dahlquist J.R, xác suất phá vỡ hỗ trợ là 55%, phá vỡ kháng cự là 45%.

Với tỷ lệ 68% của mô hình Bullish Rectangle hay 55% của Bearish Rectangle thì cũng không quá cao để chúng ta tự tin hoàn toàn vào tín hiệu giá sẽ tiếp diễn xu hướng hiện tại. 

Vậy thì, sẽ giống với mô hình giá Tam giác, chờ đợi giá phá vỡ cạnh nào thì vào lệnh tại cạnh đó hay có tín hiệu nào khác để trader có thể phát hiện sớm hướng phá vỡ của mô hình để vào lệnh tốt hơn?

Tín hiệu nhận diện sớm hướng phá vỡ của mô hình giá Chữ nhật

Khi mô hình Chữ nhật được hình thành, giá có xu hướng phản ứng lại 2 cạnh của hình chữ nhật, cụ thể, khi giá chạm kháng cự sẽ quay đầu giảm và khi chạm hỗ trợ sẽ quay đầu tăng, chỉ đến khi mô hình bị phá vỡ thì hành vi này mới chấm dứt.

Tuy nhiên, trong trường hợp giá quay đầu giảm tại kháng cự nhưng lực bán không đủ mạnh nên giá chưa kịp chạm hỗ trợ đã đi lên thì trường hợp này gọi là sự hụt hơi của giá tại hỗ trợ. Ngược lại, khi giá quay đầu tăng tại hỗ trợ nhưng lực mua không đủ mạnh nên chưa kịp chạm kháng cự thì giá đã lại quay đầu đi xuống, thì đây là trường hợp giá hụt hơi tại kháng cự.

Giá hụt hơi tại hỗ trợ chứng tỏ lực bán không còn đủ mạnh và phe gấu không còn đủ sức để cạnh tranh với phe bò. Tín hiệu này dự báo về khả năng giá sẽ phá vỡ kháng cự và tăng lên, mô hình giá Chữ nhật sẽ là Bullish Rectangle.

Ngược lại, giá hụt hơi tại kháng cự cho thấy lực mua đang dần yếu đi, phe bò không còn đủ sức để chiến đấu một chín một mười với phe gấu nữa, dự báo là khả năng mô hình giá Chữ nhật sẽ bị phá vỡ đi xuống hay Bearish Rectangle.

Dựa vào tín hiệu này, các bạn có thể xác định vị trí vào lệnh tốt hơn so với việc chờ đợi mô hình bị phá vỡ rồi mới vào lệnh.

Bước 4: Vào lệnh

Trường hợp 1: không xuất hiện tín hiệu giá bị hụt hơi

Các bạn nên chờ đợi mô hình chính thức bị phá vỡ rồi mới vào lệnh, vì như đã nói, cho dù tín hiệu đảo chiều xu hướng của mô hình chỉ xảy ra với xác suất thấp nhưng không phải là không xảy ra, cho nên, đối với trader mới, các bạn nên “chậm mà chắc”, hãy chắc chắn mô hình Chữ nhật đã bị phá vỡ theo một hướng nào đó rồi mới vào lệnh.

  • Nếu giá phá vỡ kháng cự, vào lệnh Buy khi breakout bar đóng cửa hoặc chờ đợi sự xác nhận từ cây nến xanh ngay sau breakout bar.
  • Nếu giá phá vỡ hỗ trợ, vào lệnh Sell khi breakout bar đóng cửa hoặc chờ đợi sự xác nhận từ cây nến đỏ ngay sau breakout bar.

Ngoài ra, nhiều trader chỉ chờ đợi giá quay về retest lại hỗ trợ hoặc kháng cự của mô hình Chữ nhật sau khi breakout thành công rồi mới vào lệnh. Vì khi đó, tín hiệu giá tiếp tục đi theo hướng phá vỡ được củng cố. Tuy nhiên, nếu vào lệnh theo cách này, các bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch khi giá không quay về retest mô hình mà tăng lên hoặc giảm xuống mạnh mẽ sau khi phá vỡ thành công. Thay vào đó, các bạn có thể vào lệnh ngay khi mô hình bị phá vỡ, nếu giá retest, hãy coi đó là tín hiệu tốt để yên tâm giữ lệnh hoặc nếu mạo hiểm thì vào thêm lệnh để gia tăng lợi nhuận.

Trường hợp 2: xuất hiện tín hiệu giá bị hụt hơi

Sử dụng lệnh chờ trong trường hợp này sẽ giúp các bạn có được điểm vào lệnh tốt hơn, cụ thể:

  • Nếu giá bị hụt hơi tại kháng cự, đặt một lệnh dừng bán (Sell Stop) tại ngưỡng hỗ trợ hoặc ngay phía dưới ngưỡng này một vài pip.
  • Nếu giá bị hụt hơi tại hỗ trợ, đặt một lệnh dừng mua (Buy Stop) tại ngưỡng kháng cự hoặc ngay phía trên ngưỡng này một vài pip.

Bước 5: Đặt stop loss và take profit

Chiến lược đặt stop loss hiệu quả khi giao dịch với mô hình giá Chữ nhật.

Trong trường hợp các bạn vào lệnh ngay tại thời điểm giá breakout mô hình thì vị trí stop loss phù hợp sẽ là ngay phía dưới đường hỗ trợ (đối với lệnh Buy) hoặc ngay phía trên đường kháng cự (đối với lệnh Sell).

Cũng có nhiều trader lựa chọn stop loss tại vị trí chính giữa độ cao của mô hình giá Chữ nhật.

Còn nếu các bạn chỉ vào lệnh khi chờ đợi giá quay về retest lại mô hình thì có thể đặt stop loss ngay phía dưới đường kháng cự (đối với lệnh Buy) vì lúc này đã trở thành hỗ trợ mới hoặc đặt stop loss ngay phía trên đường hỗ trợ (đối với lệnh Sell) vì đường hỗ trợ bây giờ đã là kháng cự mới.

Đối với take profit, tương tự như các price patterns khác, lợi nhuận mục tiêu ít nhất bằng độ cao của mô hình. Khi thời gian tích lũy tương đối dài, các bạn có thể mong chờ mục tiêu lợi nhuận x2, x3 lần độ cao của mô hình.

Một số ví dụ về mô hình giá Chữ nhật trên thị trường forex

Ví dụ 1: mô hình giá Chữ nhật với tín hiệu hụt hơi tại hỗ trợ

Mô hình giá Chữ nhật có xuất hiện hiện tượng giá hụt hơi tại hỗ trợ, dự báo sớm về khả năng mô hình sẽ bị phá vỡ đi lên. Bên cạnh đó, vì xu hướng phía trước là một xu hướng tăng nên xác suất giá breakout kháng cự cao hơn, cộng với hiện tượng hụt hơi tại hỗ trợ càng làm cho tín hiệu giá tiếp diễn xu hướng được củng cố hơn, các bạn hoàn toàn có thể tự tin để vào một lệnh Buy trong trường hợp này.

Tận dụng tín hiệu dự báo sớm về hướng phá vỡ, các bạn có thể đặt lệnh Buy Stop tại ngưỡng kháng cự, điểm vào lệnh này tốt hơn so với mức giá đóng cửa của breakout bar, stop loss phía dưới ngưỡng hỗ trợ và chốt lời với mục tiêu lợi nhuận tối thiểu bằng độ cao của mô hình.

Ví dụ 2: mô hình giá Chữ nhật với tín hiệu giá hụt hơi tại kháng cự

Có thể nói, mô hình giá Chữ nhật trong trường hợp này là một “cực phẩm” về cả ngoại hình và chất lượng.

Xuất hiện trong một xu hướng giảm, cộng với hiện tượng hụt hơi tại kháng cự nên tín hiệu về sự tiếp diễn xu hướng của giá được củng cố, xác suất thành công của lệnh Sell trong trường hợp này sẽ cao hơn.

Nhờ tín hiệu hụt hơi, các bạn có thể đặt một lệnh Sell Stop ngay tại ngưỡng hỗ trợ, và trong trường hợp này, điểm khớp lệnh đẹp hơn nhiều so với vào lệnh sau khi mô hình bị phá vỡ (vì breakout bar đóng cửa khá xa ngưỡng hỗ trợ).

Sau khi phá vỡ thành công mô hình, giá quay về retest lại hỗ trợ, lúc này, các bạn có thể tự tin giữ lệnh đến lúc đạt được lợi nhuận mục tiêu (vì giá chưa chạm take profit 1) và có thể vào thêm một lệnh Sell mới khi giá bắt đầu giảm xuống tại hỗ trợ (nay là kháng cự mới), đặt stop loss cho lệnh này ngay phía trên đường hỗ trợ.

Vì giá quay về retest lại ngưỡng hỗ trợ nên tín hiệu giá giảm được củng cố thêm lần nữa và bạn thấy đấy, giá đã tiếp tục giảm và các bạn có thể giữ lệnh hoặc chốt lời từng phần để đạt được lợi nhuận x2, thậm chí x3 độ cao mô hình.

Ví dụ 3: mô hình giá Chữ nhật đảo chiều xu hướng

Mô hình giá Chữ nhật này xuất hiện trong một xu hướng giảm. Khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự bằng một cây nến xanh thân dài và đóng cửa một cách rõ ràng bên ngoài mô hình, với xác suất thành công 45%, các bạn vẫn có thể vào ngay lệnh Buy khi cây nến này đóng cửa.

Trường hợp này, mô hình Chữ nhật cũng khá ưu ái cho các bạn vì sau khi breakout, giá quay về retest lại kháng cự bằng một cây Bullish Reversal Pin bar, cho tín hiệu giá đảo chiều tăng mạnh mẽ. Nếu không tự tin vào lệnh tại thời điểm giá breakout kháng cự, các bạn cũng có thể vào lệnh sau đợt retest này.

Kết luận

Rõ ràng, không phải lúc nào mô hình giá Chữ nhật cũng cho tín hiệu tiếp diễn xu hướng, nhưng vì đa phần thời gian xuất hiện trên thị trường này, khả năng giá đảo chiều ít xảy ra hơn, cho nên khi giao dịch với mô hình giá Chữ nhật, nếu giá phá vỡ theo hướng ngược lại với xu hướng hiện tại, các bạn cần chờ đợi thêm những tín hiệu xác nhận khác, chẳng hạn như cây nến theo sau breakout bar, hay đợt retest lại mô hình hay sự xuất hiện của mô hình nến đảo chiều… 

Hy vọng với những gì mà quocdunginvest.com đã chia sẻ trong bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của Rectangle patterns và cách giao dịch với mô hình này sao cho hiệu quả nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình Chữ nhật (Rectangle) là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan