Trang chủIchimoku là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất với Mây Ichimoku

Ichimoku là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất với Mây Ichimoku

Admin
Mục lục

Thông thường, để thực hiện một chiến lược giao dịch forex, trader cần xác định được xu hướng hiện tại của thị trường, phát hiện tín hiệu giao dịch (khả năng về xu hướng tăng hay giảm giá), xác định vị trí vào lệnh đẹp, vị trí đặt stop loss và take profit tiềm năng, mà mỗi công việc như thế đòi hỏi trader sẽ phải sử dụng nhiều công cụ phân tích khác nhau. Đối với một trader ưa chuộng indicators thì họ có thể sẽ phải cần đến nhiều chỉ báo để thực hiện được hết tất cả những việc đó vì thường thì mỗi indicator sẽ thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Có indicator chỉ dùng để xác định xu hướng, có indicator chỉ cung cấp tín hiệu giá sẽ tăng hay giảm trong tương lai, có indicator làm nhiệm vụ xác định vị trí vào lệnh và tất nhiên cũng có indicator chỉ được dùng để xác định thời điểm thoát lệnh.

Tuy nhiên, trong giao dịch forex còn tồn tại những indicators có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ cùng lúc và Ichimoku là một trong số đó. Không những vậy, Ichimoku còn được xem là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, vì chỉ cần sử dụng duy nhất chỉ báo này, trader vẫn có thể thực hiện một giao dịch từ lúc mở đến lúc đóng lệnh mà không cần kết hợp thêm bất kỳ một indicator hay công cụ phân tích nào khác.

Trong bài viết lần này, bên cạnh việc giới thiệu về các khía cạnh và nội dung cơ bản của Mây Ichimoku thì quocdunginvest.com cũng sẽ gợi ý các chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với chỉ báo đặc biệt này theo nhiều phong cách giao dịch khác nhau. Cùng bắt đầu nhé.

Ichimoku là gì?

Nghe cái tên thì có lẽ chúng ta cũng phần nào đoán được đây là một indicator có nguồn gốc từ Nhật Bản. Chỉ báo này được tạo ra bởi một nhà báo người Nhật, có tên là Goichi Hosoda và ông cũng chính là Tổng giám đốc của tờ báo Miyako, nay là tờ Tokyo, báo kinh tế tài chính lớn nhất xứ sở hoa anh đào.

Với niềm đam mê rất lớn dành cho biểu đồ nến Nhật, ông đã lập ra một trung tâm nghiên cứu biểu đồ và chính nơi đây là cơ sở để ông tạo ra một chỉ báo tất cả trong một như Ichimoku. Mục đích của ông là tìm ra một chỉ báo có thể xác định xu hướng thị trường đạt hiệu quả nhất trong thời gian ngắn nhất. Vào năm 1935, ông cùng cộng sự của mình, chính là những sinh viên Nhật ưu tú thời đó đã tạo ra được chỉ báo theo đúng ý đồ của mình, mang tên Ichimoku, mà chúng ta vẫn đang sử dụng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Ichimoku chỉ chính thức được giới thiệu rộng rãi ra công chúng vào năm 1969 thông qua phát hành sách, lúc này, Ichimoku có tên gọi đầy đủ là Ichimoku Kinko Hyo.

Trong tiếng Nhật thì, 

  • Ichimoku có nghĩa là một cái nhìn thoáng qua
  • Kinko có nghĩa là cân bằng
  • Hyo là biểu đồ hay đồ thị

Vậy thì Ichimoku Kinko Hyo có nghĩa là chỉ cần nhìn thoáng qua đồ thị giá, các nhà giao dịch biểu đồ sẽ thấy được xu hướng của thị trường và xác định được các tín hiệu giao dịch tiềm năng bên trong xu hướng đó. Và thật sự thì chỉ báo này cũng đã làm được như những gì mà cái tên của nó thể hiện.

Ichimoku bao gồm đến 5 thành phần, trong đó có đến 4 thành phần sử dụng tính chất trung bình cộng nên nhiệm vụ mà chỉ báo này làm tốt nhất chính là xác định xu hướng thị trường, hơn thế nữa, trader còn có thể tìm được các vị trí vào thoát lệnh tiềm năng bên trong xu hướng đó. Ngoài ra, các thành phần này còn cung cấp các mức hỗ trợ, kháng cự đáng tin cậy. Chính vì thế mà Ichimoku không đơn thuần chỉ là một chỉ báo kỹ thuật mà công cụ này hoạt động giống như một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh và độc lập.

Vượt qua thử thách của thời gian và sự phát triển của thị trường forex, cho đến hiện tại, Ichimoku vẫn tồn tại và đứng vững. Mặc dù thị trường forex mang tính rủi ro cao nhưng các tín hiệu mà hệ thống giao dịch Ichimoku cung cấp lại được các trader đánh giá khá chất lượng, nhờ vậy, những tổn thất do rủi ro thị trường được kiểm soát ở mức thấp hơn.

Hiện nay, tất cả các nền tảng, phần mềm giao dịch forex đều cung cấp sẵn Ichimoku cho trader sử dụng mà không cần phải tìm kiếm đâu xa. Chỉ báo này còn được áp dụng rộng rãi trên nhiều loại thị trường khác nữa như chứng khoán, tiền điện tử; trên nhiều loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, kim loại, chỉ số, …. và có thể được giao dịch trên nhiều khung thời gian khác nhau, nhưng độ tin cậy sẽ cao hơn trên những khung thời gian lớn, từ M30 trở lên.

Các thành phần của hệ thống giao dịch Ichimoku

Chỉ báo Ichimoku trên đồ thị giá được hiển thị như sau:

Kijun-Sen (Base Line) – Đường Cơ sở

Là đường màu xanh dương trên đồ thị giá. Đường Kijun-Sen còn có tên gọi khác là đường xu hướng

Kijun-Sen = (High + Low) / 2, Chu kỳ 26

Với:

  • High: giá cao nhất của 26 phiên giao dịch trước đó, tính cả phiên hiện tại
  • Low: giá thấp nhất của 26 phiên giao dịch trước đó, tính cả phiên hiện tại

Với công thức tính này thì đường Kijun-Sen rất hay đi ngang, bởi lẽ trong chu kỳ 26 phiên tiếp theo, nếu giá không thể vượt ra khỏi giới hạn của High hoặc Low thì giá trị của Kijun-Sen không đổi. Hay nói cách khác, khi Kijun-Sen nằm ngang thì thị trường cũng đang đi ngang (sideway). Chính những đường nằm ngang này cũng được xem là các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, và với chu kỳ 26 (gần một tháng) thì Kijun-Sen hoạt động như một đường trung bình trượt (MA) dài hạn, cho nên, các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự này rất quan trọng, bền vững hơn và đáng tin cậy hơn so với các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự được tạo ra từ những thành phần còn lại của Ichimoku.

Ngược lại, khi giá vượt ra khỏi giới hạn High hoặc Low thì đường Kijun-Sen sẽ dốc lên hoặc xuống, khi đó, thị trường đang có xu hướng rõ ràng hơn, cụ thể:

  • Nếu phần lớn các mức giá nằm trên đường Kijun-Sen, thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Nếu phần lớn các mức giá nằm dưới đường Kijun-Sen, thị trường đang trong xu hướng giảm

Tenkan-Sen (Conversion Line) – Đường Chuyển đổi

Là đường màu đỏ trên đồ thị giá. Đường Tenkan-Sen còn có tên gọi khác là đường tín hiệu

Tenkan-Sen = (High + Low) / 2, Chu kỳ 9

Công thức tính của Tenkan-Sen tương tự như Kijun-Sen nhưng thay vì chu kỳ 26 thì đường Tenkan-Sen lấy chu kỳ ngắn hơn, là chu kỳ 9, tính luôn cả phiên giao dịch hiện tại.

Với chu kỳ 9 (con số gần với khoảng thời gian 2 tuần) thì Tenkan-Sen hoạt động như một đường trung bình trượt ngắn hạn. Tần suất và thời gian đi ngang của đường Tenkan-Sen thấp hơn so với Kijun-Sen nên các mức hỗ trợ, kháng cự được tạo ra từ đường này ít bền vững, dễ bị phá vỡ, do đó sẽ ít tin cậy hơn.

Ngoài ra, vì chu kỳ ngắn nên Tenkan-Sen bám sát đường đi của giá, không hiệu quả trong việc xác định xu hướng, nhưng bù lại, thành phần này chính là công cụ hữu ích để xác định vị trí vào/thoát lệnh tiềm năng, do đó mà nó mới có tên gọi là đường tín hiệu. Còn Kijun-Sen làm tốt nhất trong vai trò xác định xu hướng nên tên gọi khác của nó chính là đường xu hướng.

Chikou-Span (Lagging Span) – Đường trễ

Là đường màu xanh lá cây trên đồ thị giá.

Chikou-Span = Close (phiên hiện tại), lùi về trước 26 phiên

Với: Close là giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại. 

Từ phiên giao dịch hiện tại, xác định giá đóng cửa, sau đó lùi về trước 26 phiên, không tính phiên hiện tại.

Thành phần này có công thức tính khác biệt nhất và cũng đơn giản nhất trong tất cả các thành phần của của hệ thống giao dịch Ichimoku. Tuy nhiên, đây là thành phần duy nhất thể hiện được động lực hay sức mạnh của xu hướng. Cụ thể:

Khi đối chiếu giá trị của Chikou-Span đến giá theo chiều dọc, tức là chúng ta đang so sánh giá của thời điểm hiện tại so với giá ở thời điểm trước đó 26 phiên. 

  • Nếu Chikou-Span lớn hơn, nghĩa là đường Chikou-Span đang nằm trên đường giá, thì so với kỳ trước, giá đang cao hơn. Khi Chikou-Span đang nằm trên giá và càng tiến ra xa đường giá thì thị trường đang trong xu hướng tăng, khoảng cách này càng xa thì giá càng tăng mạnh hay động lực của xu hướng đang mạnh.
  • Nếu Chikou-Span nhỏ hơn, nghĩa là đường Chikou-Span đang nằm dưới đường giá, thì so với kỳ trước, giá đang thấp hơn. Khi Chikou-Span đang nằm dưới giá và càng tiến ra xa đường giá thì thị trường đang trong xu hướng giảm, khoảng cách này càng xa thì giá càng giảm mạnh hay động lực của xu hướng đang mạnh.

Senkou-Span A (Leading Span A) – Đường dẫn A

Là đường nét đứt màu xanh lá cây trên đồ thị giá.

Senkou-Span A = (Kijun-Sen + Tenkan-Sen) / 2, tiến về trước 26 phiên

Ở phiên giao dịch hiện tại, xác định giá trị của Kijun-Sen và Tenkan-Sen rồi tính trung bình cộng của 2 giá trị này. Từ phiên giao dịch hiện tại, tiến về trước 26 phiên, không tính phiên hiện tại, là một thời điểm ở tương lai, rồi thể hiện giá trị trung bình đó trên đồ thị giá.

Senkou-Span B (Leading Span B) – Đường dẫn B

Là đường nét đứt màu đỏ trên đồ thị giá.

Senkou-Span B = (High + Low) / 2, chu kỳ 52, tiến về trước 26 phiên

Cách tính của Senkou-Span B giống với Kijun-Sen và Tenkan-Sen nhưng với chu kỳ 52, còn cách thể hiện trên đồ thị giá thì lại giống với Senkou-Span A.

Kumo – Mây Ichimoku

Là phần sọc dọc màu xanh lá và màu đỏ, giới hạn bởi Senkou-Span A và Senkou-Span B. Kumo trong tiếng Nhật có nghĩa là đám mây nên thành phần này còn có tên gọi là Mây Ichimoku.

Kumo chính là phần nằm giữa được giới hạn bởi 2 đường dẫn Senkou-Span A và Senkou-Span B. Nếu Senkou-Span A nằm trên Senkou-Span B thì Kumo được gọi là Mây tăng giá và Kumo sẽ mang màu sắc của Senkou-Span A. Ngược lại, nếu Senkou-Span A nằm dưới Senkou-Span B thì Kumo là Mây giảm giá và Kumo mang màu sắc của Senkou-Span B.

Ở trên đồ thị giá, Kumo tăng giá có màu xanh lá cây và Kumo giảm giá có màu đỏ.

Kumo bao gồm Senkou-Span B có chu kỳ 52 nên các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự tạo bởi thành phần này có độ tin cậy rất lớn.

Dựa vào vị trí của Kumo và giá, chúng ta cũng có thể xác định được xu hướng của thị trường. Cụ thể:

  • Nếu phần lớn các mức giá nằm trên Kumo thì thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Nếu phần lớn các mức giá nằm dưới Kumo thì thị trường đang trong xu hướng giảm
  • Khi giá nằm bên trong Kumo thị thị trường sideway

Hướng dẫn cài đặt Ichimoku trên phần mềm giao dịch MT4

Là một indicator phổ biến nên Ichimoku có sẵn trên tất cả các nền tảng, phần mềm giao dịch. Để chèn và cài đặt Ichimoku vào đồ thị giá trên MT4, các bạn làm theo đường dẫn sau: Insert 🡪 Indicators 🡪 Trend 🡪 Ichimoku Kinko Hyo. Hoặc Indicators 🡪 Custom 🡪 Ichimoku. Tuy nhiên, chọn Ichimoku Kinko Hyo trong mục Trend sẽ dễ cài đặt hơn so với Ichimoku trong Custom.

Hộp thoại cài đặt sẽ hiển thị như sau:

Ở tab Parameters, các bạn tiến hành chọn các thông số chu kỳ cho các thành phần Tenkan-Sen, Kijun-Sen và Senkou-Span B. Ở đây, các bạn chỉ cần giữ nguyên các thông số như trên hình là được, nếu mặc định trên MT4 khác so với những giá trị này thì các bạn có thể sửa lại rồi tiếp tục chuyển sang tab Colors.

Tại đây, các bạn lựa chọn màu sắc và độ dày mỏng, style cho các thành phần của Ichimoku. Các bạn có thể lựa chọn bất kỳ màu sắc nào, miễn sao các bạn dễ nhớ là được. Do thành phần Kumo được phân loại thành Kumo tăng và Kumo giảm nên chúng tôi muốn chọn màu xanh lá cây và màu đỏ để tượng trưng cho 2 xu hướng này và cũng để dễ nhớ hơn khi giao dịch với chỉ báo Ichimoku.

Sau khi cài đặt xong thì bấm OK, chỉ báo Ichimoku sẽ hiển thị trên đồ thị giá như hình ảnh ở phần trên. Và ở bài viết này, chúng tôi cũng sử dụng những tùy chọn cài đặt đó vào trong các ví dụ về chiến lược giao dịch.

Hệ thống giao dịch Ichimoku cung cấp tín hiệu gì?

Được xem là một hệ thống giao dịch độc lập nên những gì mà Ichimoku làm được sẽ giúp cho trader có thể thực hiện được một giao dịch hoàn chỉnh từ khi mở vị thế đến lúc đóng vị thế mà không cần phải sử dụng thêm bất kỳ một công cụ hay phương pháp phân tích nào khác.

Ichimoku giúp xác định xu hướng thị trường

Ichimoku bao gồm 5 thành phần (nếu tính luôn Kumo sẽ là 6) thì cả 6 thành phần này đều có thể được sử dụng để xác định xu hướng hiện tại của thị trường.

Kijun-Sen

  • Giá nằm trên Kijun-Sen 🡪 xu hướng tăng
  • Giá nằm dưới Kijun-Sen 🡪 xu hướng giảm

Tenkan-Sen

  • Giá nằm trên Tenkan-Sen 🡪 xu hướng tăng
  • Giá nằm dưới Tenkan-Sen 🡪 xu hướng giảm

Chikou-Span

  • Chikou-Span nằm trên đường giá 🡪 xu hướng tăng
  • Chikou-Span nằm dưới đường giá 🡪 xu hướng giảm

Kumo (đã bao gồm Senkou-Span A và Senkou-Span B)

  • Giá nằm trên Kumo 🡪 xu hướng tăng
  • Giá nằm dưới Kumo 🡪 xu hướng giảm

Ở phần đồ thị bên trái, ta có:

  • Phần lớn các mức giá đều nằm trên Kijun-Sen và Tenkan-Sen
  • Đường Chikou-Span nằm trên đường giá
  • Phần lớn các mức giá đều nằm trên Kumo

Tất cả các tín hiệu đều cho thấy thị trường đang trong xu hướng tăng.

Ngược lại, ở phần đồ thị bên phải, ta có:

  • Phần lớn các mức giá đều nằm dưới Kijun-Sen và Tenkan-Sen
  • Đường Chikou-Span nằm dưới đường giá
  • Phần lớn các mức giá đều nằm dưới Kumo

Tất cả các tín hiệu này đều giúp trader xác định xu hướng hiện tại của thị trường là đang giảm.

Ichimoku xác định các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự quan trọng

Hỗ trợ, kháng cự tạo bởi Kijun-Sen và Tenkan-Sen

Mang tính chất của một đường trung bình trượt nên khi thị trường có xu hướng rõ ràng, Kijun-Sen và Tenkan-Sen đóng vai trò là các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự quan trọng của giá, cụ thể:

  • Khi thị trường đang trong xu hướng tăng, Kijun-Sen và Tenkan-Sen là các ngưỡng hỗ trợ quan trọng
  • Khi thị trường đang trong xu hướng giảm, Kijun-Sen và Tenkan-Sen là các ngưỡng kháng cự quan trọng

Tuy nhiên, do chu kỳ ngắn nên độ tin cậy của các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự tạo bởi Tenkan-Sen không cao, trader ít sử dụng thành phần này. Ngược lại, hỗ trợ, kháng cự tạo bởi Kijun-Sen thường quan trọng và tin cậy hơn, đặc biệt là ở những vùng mà Kijun-Sen đi ngang.

Với chu kỳ 9, Tenkan-Sen như là một đường MA nhanh, ngược lại Kijun-Sen là đường MA chậm. Sự kết hợp giữa 2 đường này không chỉ xác định được vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh mà còn cung cấp tín hiệu vào lệnh chuẩn xác. Cụ thể, vùng giá được giới hạn bởi 2 đường này tạo thành vùng hỗ trợ mạnh trong xu hướng tăng hoặc tạo thành vùng kháng cự mạnh trong xu hướng giảm.

Khi thị trường đang trong xu hướng tăng, vùng giá được giới hạn bởi Kijun-Sen và Tenkan-Sen tạo thành vùng hỗ trợ mạnh, khi giá chạm vào vùng này thì quay đầu đi lên.

Hỗ trợ, kháng cự tạo bởi Chikou-Span

Bản chất của Chikou-Span cũng chính là đường nối mức giá đóng cửa của các cây nến nhưng được lùi về quá khứ 26 phiên giao dịch. Khi chuyển đồ thị giá từ dạng nến Nhật sang dạng đường (line), đồng thời tịnh tiến đường Ichimoku sang phải 26 phiên giao dịch thì 2 đường này trùng nhau. Chính vì vậy, thành phần này cũng chính là đường giá.

Mà với bản chất là một đường giá thì các đỉnh và đáy của Chikou-Span cũng sẽ xác định các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự quan trọng.

Các mức giá tại đỉnh và đáy của Chikou-Span đóng vai trò là các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ quan trọng, giá thường xuyên phản ứng tại các ngưỡng này. Đặc biệt, trên khung thời gian lớn như D1 thì độ tin cậy của chúng càng lớn, lực cản càng mạnh.

Hỗ trợ, kháng cự tạo bởi Kumo

Với công thức tính tương tự Kijun-Sen và Tenkan-Sen nhưng chu kỳ dài hơn khiến cho các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự tạo bởi Senkou-Span B mạnh hơn và đáng tin cậy hơn, đặc biệt khi thành phần này đi ngang. Cụ thể:

  • Trong xu hướng tăng, Senkou-Span B đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ mạnh
  • Trong xu hướng giảm, Senkou-Span B đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự mạnh

Đối với Kumo tăng giá thì đỉnh của Kumo tăng giá chính là đỉnh của Senkou-Span A và các đỉnh này cũng đóng vai trò xác định các ngưỡng kháng cự quan trọng. Ngược lại, đối với Kumo giảm giá thì đáy của Kumo giảm giá chính là đáy của Senkou-Span A và các đáy này cũng xác định ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Bên cạnh đó, khi thị trường tồn tại xu hướng rõ ràng thì Kumo cũng đóng vai trò là các vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh, cụ thể:

  • Trong xu hướng tăng, phần lớn giá nằm trên Kumo và Kumo đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh
  • Trong xu hướng giảm, phần lớn giá nằm dưới Kumo và Kumo đóng vai trò là vùng kháng cự mạnh

Trong xu hướng giảm, Kumo nằm phía trên đường giá và đóng vai trò như một vùng kháng cự quan trọng. Giá nhiều lần chạm vào hoặc đi vào trong rồi quay đầu giảm. Cũng có lúc giá đâm thủng Kumo nhưng ngay sau đó lại quay ngược trở lại 🡪 phá vỡ giả (hay false breakout).

Ichimoku cung cấp tín hiệu về động lực của xu hướng

Khi thị trường đang trong một xu hướng cụ thể thì các thành phần của Ichimoku cũng cho biết xu hướng đó đang mạnh hay yếu. Mà tín hiệu này thì lại cực kỳ quan trọng, cho biết về khả năng đảo chiều hay tiếp diễn của xu hướng. Khi xu hướng có động lực mạnh thì giá có khả năng tiếp diễn xu hướng, ngược lại, khi lực của xu hướng đang yếu dần đi thì thị trường có khả năng đảo chiều. Xác định được động lực của xu hướng, trader sẽ xác định được hướng giao dịch của lệnh.

Khoảng cách giữa Chikou-Span với giá xác định động lực xu hướng

Khoảng cách giữa Chikou-Span và giá cho biết sự khác biệt giữa giá đóng cửa ở thời điểm hiện tại so với thời điểm 26 phiên về trước. Nếu giao dịch trên khung D1 thì có nghĩa là sự khác biệt về giá ở thời điểm hiện tại so với tháng trước. Nếu khoảng cách này lớn thì đồng nghĩa với giá đang tăng hoặc giảm mạnh, ngược lại, nếu Chikou-Span quá gần đường giá thì cho thấy thị trường không thay đổi bao nhiêu so với tháng trước.

  • Trong xu hướng tăng, nếu Chikou-Span càng xa đường giá thì lực của xu hướng tăng càng mạnh
  • Trong xu hướng giảm, nếu Chikou-Span càng xa đường giá thì lực của xu hướng giảm càng mạnh

Chikou-Span nằm dưới và cách xa đường giá 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm. Hơn thế nữa, khoảng cách này càng gia tăng khi Chikou-Span càng dốc xuống, tín hiệu này cho thấy lực của xu hướng giảm đang rất mạnh.

Độ dày của Kumo xác định động lực của xu hướng

Kumo càng dày thì giá càng khó đâm thủng, động lực của xu hướng càng mạnh, ngược lại, Kumo mỏng thì động lực của xu hướng yếu đi, giá dễ đâm thủng hơn.

Ichimoku cung cấp tín hiệu vào lệnh tiềm năng

Đã là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh thì tất nhiên Ichimoku sẽ cung cấp cho trader tín hiệu để xác định thời điểm gia nhập hoặc thoát khỏi thị trường.

Vào lệnh với tín hiệu giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen

Mang bản chất của một đường MA nhanh (Tenkan-Sen) và MA chậm (Kijun-Sen) nên sự giao cắt giữa 2 đường này là tín hiệu để xác định vị trí vào lệnh tiềm năng trong chiến lược giao dịch với Ichimoku.

Cụ thể:

  • Nếu Tenkan-Sen nằm trên Kijun-Sen 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng 🡪 khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy.
  • Nếu Tenkan-Sen nằm dưới Kijun-Sen 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm 🡪 khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell

Ở hình trên, có 4 lần Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, tương ứng với 4 lệnh Buy. Tuy nhiên, chỉ có 2 lệnh Buy đầu tiên là hiệu quả. Trong đó, lệnh Buy 1, giá đã bắt đầu một xu hướng tăng mới, lệnh này đã giúp trader đón đầu được xu hướng, lợi nhuận có được khá lớn. Với lần giao cắt thứ hai, giá cũng tăng lên nhưng đó chỉ là một đợt điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm đã hình thành ngay trước đó, đợt tăng này có thể cũng sẽ giúp chúng ta mang về lợi nhuận, nhưng không cao.

Với 2 lệnh Buy 3 và 4, giá không những không tăng mà còn giảm xuống, 2 tín hiệu giao cắt này không mang về lợi nhuận cho trader, ngược lại dẫn đến thua lỗ.

Trên thực tế, tín hiệu giao cắt giữa Tenkan-Sen và Kijun-Sen thường xuyên xảy ra và không phải tín hiệu nào cũng đáng tin cậy. Do đó, khi sử dụng chiến lược vào lệnh theo tín hiệu giao cắt này, các bạn cần kết hợp thêm những tín hiệu khác.

Vào lệnh với tín hiệu giao cắt giữa Chikou-Span và đường giá

Vị trí giữa Chikou-Span và đường giá cho biết xu hướng hiện tại của thị trường, vậy khi 2 đường này cắt nhau cũng sẽ cung cấp tín hiệu cho trader xác định điểm vào lệnh tiềm năng.

  • Chikou-Span nằm trên giá 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng 🡪 khi Chikou-Span cắt đường giá từ dưới lên 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy.
  • Chikou-Span nằm dưới giá 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm 🡪 khi Chikou-Span cắt đường giá từ trên xuống 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell.

Lệnh Buy 1 được thực hiện khi Chikou-Span cắt giá từ dưới lên, kết quả là giá đã tăng lên như dự đoán. Lệnh Sell 1 được thực hiện khi Chikou-Span cắt giá từ trên xuống, may mắn là một xu hướng giảm mới đã bắt đầu sau điểm giao cắt, lệnh này bắt trọn một xu hướng mới. Còn với lệnh Buy 2, lệnh này cũng được thực hiện khi Chikou-Span cắt giá từ dưới lên, tuy nhiên, giá chỉ tăng lên nhẹ sau đó, lệnh này có khả năng thua lỗ nếu các bạn giữ lệnh lâu hoặc nếu có đóng sớm tại thời điểm kết thúc đợt điều chỉnh tăng thì lợi nhuận thu về có thể sẽ không đủ bù đắp chi phí giao dịch.

Tương tự với tín hiệu giao cắt giữa Tenkan-Sen và Kijun-Sen, tín hiệu giao cắt giữa Chikou-Span và giá cũng thường xuyên xảy ra và chỉ một vài trong số đó là đáng tin cậy để vào lệnh. Bên cạnh đó, nếu 2 lệnh Buy 1 và Sell 1 không có một chiến lược đặt stop loss hợp lý thì lệnh cũng rất dễ bị quét stop loss sớm. Chính vì thế, việc sử dụng độc lập tín hiệu giao cắt này để vào lệnh là không thật sự hiệu quả.

Vào lệnh với tín hiệu giao cắt giữa Kumo và đường giá

Hay nói đúng hơn là tín hiệu giá breakout đám mây. Khi thị trường đang trong một xu hướng tăng, giá sẽ nằm trên Kumo, hoặc khi thị trường đang trong xu hướng giảm, giá sẽ nằm dưới Kumo. Khi giá đâm xuyên thủng Kumo, thị trường có khả năng sẽ hình thành một xu hướng mới, đảo chiều xu hướng cũ.

  • Khi giá breakout Kumo từ dưới lên và đóng cửa phía trên Kumo một cách rõ ràng 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy
  • Khi giá breakout Kumo từ trên xuống và đóng cửa phía dưới Kumo một cách rõ ràng 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell

Lệnh Buy 1 và Buy 2 được thực hiện khi giá breakout Kumo từ dưới lên và đóng cửa phía trên Kumo, còn lệnh Sell 1 thì được thực hiện khi giá breakout Kumo từ trên xuống và đóng cửa phía dưới Kumo. Trong 3 lệnh, chỉ có lệnh Buy 1 là hiệu quả và mang về lợi nhuận cao vì sau khi giá breakout Kumo, thị trường hình thành xu hướng tăng mới.

Ở lệnh Sell 1, giá không giảm xuống mà dường như đi ngang, với lệnh Buy 2, giá giảm xuống ngay sau khi breakout Kumo chứ không tăng lên như dự đoán.

Qua cả 3 ví dụ về việc sử dụng độc lập các tín hiệu vào lệnh của mỗi thành phần trong Ichimoku để giao dịch thì có thể thấy rằng chúng không hiệu quả mà rủi ro lại cao. Trong khi đó, Ichimoku là một hệ thống giao dịch, nghĩa là các tín hiệu tạo ra từ Ichimoku phải thống nhất với nhau thì mới được xem là đáng tin cậy,

Quay trở lại ví dụ này, ở trường hợp lệnh Buy 2, mặc dù giá breakout Kumo bằng một cây nến xanh thân dài và đóng cửa bên trên Kumo rất rõ ràng, nhưng lúc này, Chikou-Span trên đồ thị (ở thời điểm 26 phiên về trước) đang nằm dưới đường giá, 2 tín hiệu này mâu thuẫn với nhau.

Vào lệnh với tín hiệu đổi màu từ Kumo

Tín hiệu này được áp dụng trên phần Kumo tương lai, là phần đám mây được tịnh tiến sang phải 26 phiên giao dịch. Cụ thể:

  • Khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ dưới lên 🡪 Kumo đổi từ màu của Senkou-Span B thành màu của Senkou-Span A 🡪 Kumo chuyển từ Mây giảm giá sang Mây tăng giá 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy.
  • Khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống 🡪 Kumo đổi từ màu của Senkou-Span A thành màu của Senkou-Span B 🡪 Kumo chuyển từ Mây tăng giá sang Mây giảm giá 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell.

Ở thời điểm hiện tại, Kumo tương lai đang chuyển từ màu đỏ sang màu xanh, tức là từ Mây giảm giá sang Mây tăng giá, nếu sử dụng tín hiệu này để giao dịch thì vị trí vào lệnh sẽ được đánh dấu như trên hình. Và bạn thấy đấy, kết quả là giá đã giảm xuống chứ không tăng lên như dự đoán. Việc sử dụng độc lập các tín hiệu của từng thành phần trong Ichimoku sẽ không hiệu quả

Tổng hợp các tín hiệu tạo ra từ hệ thống giao dịch Ichimoku

Các tín hiệu từ Ichimoku để thực hiện một lệnh Buy

  • Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, điểm giao cắt nằm trên Kumo
  • Chikou-Span nằm trên đường giá và càng cách xa đường giá càng tốt
  • Kumo đổi màu, từ Mây giảm giá sang Mây tăng giá
  • Giá breakout Kumo từ dưới lên và đóng cửa bên trên Kumo một cách rõ ràng

Các tín hiệu từ Ichimoku để thực hiện một lệnh Sell

  • Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, điểm giao cắt nằm dưới Kumo
  • Chikou-Span nằm dưới đường giá và càng cách xa đường giá càng tốt
  • Kumo đổi màu, từ Mây tăng giá sang Mây giảm giá
  • Giá breakout Kumo từ trên xuống và đóng cửa bên dưới Kumo một cách rõ ràng

Mây Ichimoku – Hệ thống giao dịch hoàn chỉnh

Như đã phân tích ở phần trên, các tín hiệu được tạo ra từ mỗi thành phần của Ichimoku sẽ không thể hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy nếu chỉ sử dụng chúng độc lập. Do vậy, trên thực tế, khi giao dịch với Ichimoku, trader sẽ kết hợp các tín hiệu này lại với nhau, tạo thành một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh.

Các bạn có thể sử dụng hệ thống giao dịch Ichimoku để thực hiện nhiều chiến lược khác nhau như giao dịch thuận xu hướng, giao dịch đảo chiều hay giao dịch breakout. Tuy nhiên, là một trader mới, các bạn nên lựa chọn chiến lược giao dịch thuận xu hướng vì chiến lược này thường sẽ an toàn hơn so với những chiến lược khác.

Để thực hiện chiến lược giao dịch thuận xu hướng với Ichimoku, các bạn cần lựa chọn và kết hợp các tín hiệu tạo ra từ công cụ này một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

  • Trước hết là nhận diện xu hướng hiện tại để xác định hướng giao dịch. Nếu là xu hướng tăng thì chỉ thực hiện lệnh Buy, ngược lại, nếu là xu hướng giảm thì sẽ chỉ vào lệnh Sell.
  • Sau đó xem xét động lực của xu hướng, nếu xu hướng đang mạnh mẽ thì chiến lược giao dịch thuận xu hướng sẽ có hiệu quả, ngược lại, nếu động lực của xu hướng đang yếu dần đi thì chiến lược giao dịch đảo chiều sẽ được thực hiện.
  • Tiếp đến, chờ đợi tín hiệu vào lệnh
  • Sau cùng, xác định các ngưỡng, vùng hỗ trợ, kháng cự để đặt stop loss và take profit

Để nhận diện xu hướng bằng Ichimoku, các bạn có thể sử dụng tín hiệu từ Chikou-Span hoặc Kumo. Để xem xét động lực của xu hướng thì có thể sử dụng tín hiệu khoảng cách từ Chikou-Span đến giá hoặc độ dày của Mây Kumo. Với tín hiệu vào lệnh, các bạn có thể sử dụng một trong các tín hiệu giao cắt giữa các thành phần của Ichimoku, như sự giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen hay tín hiệu đổi màu của Kumo. Để xác định vị trí đặt stop loss, đơn giản nhất thì các bạn có thể chọn các swing high, swing low gần nhất. Và cuối cùng, muốn tìm kiếm tín hiệu thoát vị thế, các bạn có thể sử dụng các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự mạnh được tạo ra từ Kumo, từ Kijun-Sen hoặc từ tín hiệu ngược lại với tín hiệu vào lệnh, nghĩa là, giả sử nếu các bạn vào lệnh khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống thì có thể đóng lệnh khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên.

Trước tiên, xác định xu hướng hiện tại của thị trường. Ở thời điểm hiện tại, Chikou-Span đang nằm trên đường giá và mây Kumo thì nằm dưới đường giá, cả 2 tín hiệu này đều cho thấy thị trường đang trong xu hướng tăng. 

Tiếp đến, chờ đợi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên để củng cố tín hiệu tăng giá.

Sau đó 4 phiên giao dịch thì Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, các bạn có thể vào lệnh ngay khi xảy ra tín hiệu giao cắt này hoặc chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận theo ngay sau đó.

Trong trường hợp này, nếu sử dụng vùng hỗ trợ từ Kumo để đặt stop loss thì tỷ lệ Risk:Reward không tốt, do đó, chúng ta có thể linh hoạt sử dụng các mức giá tại Swing Low gần nhất để đặt cắt lỗ. 

Còn đối với chiến lược chốt lời, các bạn có thể sử dụng tín hiệu Chikou-Span cắt giá từ trên xuống, Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống hoặc giá xuyên thủng Kumo từ trên xuống. Tuy nhiên, tín hiệu giá breakout Kumo sẽ làm giảm lợi nhuận của lệnh đi rất nhiều. Ở trường hợp này, vị trí chốt lời được chọn tại thời điểm Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống.

Chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với Ichimoku

Mặc dù luôn khuyến khích các bạn chỉ nên giao dịch thuận xu hướng chính nhưng trên thực tế, hệ thống Ichimoku lại phù hợp nhất với chiến lược giao dịch đảo chiều. Hệ thống Ichimoku sẽ giúp cho các bạn không những đón đầu được xu hướng, đi đúng hướng của thị trường mà còn có thể bám lấy xu hướng càng lâu càng tốt, ít nhất là khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều một cách rõ ràng. Chiến lược giao dịch đảo chiều với Ichimoku sẽ giúp trader tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu được rủi ro liên quan đến hệ thống giao dịch.

Chiến lược này sẽ phù hợp với những trader đang theo đuổi phong cách swing trading, giao dịch trung hạn. Bởi vì chiến lược giao dịch đảo chiều với Ichimoku sẽ giúp trader bắt trọn các đợt sóng lớn.

Về khung thời gian giao dịch, các bạn có thể giao dịch trên bất kỳ khung thời gian ưa thích nào, nhưng độ tin cậy sẽ cao nếu Ichimoku được sử dụng trên các khung thời gian từ M30 trở lên.

Chiến lược giao dịch đảo chiều với Ichimoku được thực hiện theo các bước sau:

Đối với lệnh Buy

Bước 1: Chờ cho giá breakout Kumo từ dưới lên và đóng cửa phía trên Kumo một cách rõ ràng

Có 2 lý do để chúng ta lựa chọn tín hiệu giá breakout Kumo trong chiến lược này.

  • Thứ nhất, giá đi từ dưới lên trên đám mây là một tín hiệu tăng giá và có khả năng là sự khởi đầu của một xu hướng tăng mới.
  • Thứ hai, thành phần Kumo của Ichimoku thể hiện các mức hỗ trợ, kháng cự một cách sâu sắc nhất vì hỗ trợ, kháng cự không phải là một đường thẳng duy nhất mà nó là vùng giá. Vì vậy, giá phá vỡ được Kumo là tín hiệu cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong tâm lý và hành vi của đám đông, khả năng là thị trường sẽ biến động lớn sau tín hiệu này.

Bước 2: Chờ đợi đường Tenkan-Sen cắt đường Kijun-Sen từ dưới lên

Tín hiệu này theo ngay sau sự phá vỡ Kumo của giá sẽ càng gia tăng độ tin cậy về khả năng một xu hướng mới sắp xảy ra. Khi 2 điều kiện này thỏa mãn thì chúng ta có thể giao dịch.

Bước 3: Vào lệnh

Để đảm bảo độ an toàn và hạn chế rủi ro của giao dịch, với chiến lược này, các bạn không vào lệnh ngay khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên mà vào lệnh Buy khi cây nến theo ngay sau sự giao cắt đó đóng cửa. Và nếu đó là một cây nến tăng thì tín hiệu càng đáng tin cậy, giao dịch có xác suất thành công cao.

Bước 4: Đặt stop loss

Vị trí lý tưởng nhất để đặt stop loss trong chiến lược này chính là ngay phía dưới mức giá thấp nhất của breakout bar. Trong trường hợp đám mây Kumo dày và giá phải breakout bằng nhiều cây nến liên tiếp thì đặt stop loss ngay phía dưới đám mây.

Bước 5: Take profit

Với chiến lược này, các bạn có thể hài lòng với lợi nhuận đạt được cho đến khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống. Hoặc cũng có thể chờ đợi cho đến khi giá phá vỡ Kumo từ trên xuống, tuy nhiên, chiến lược chốt lời này có thể sẽ khiến bạn mất đi một phần lợi nhuận.

Đối với lệnh Sell

  • Bước 1: Chờ cho giá breakout Kumo từ trên xuống và đóng cửa phía dưới Kumo một cách rõ ràng
  • Bước 2: Chờ đợi đường Tenkan-Sen cắt đường Kijun-Sen từ trên xuống
  • Bước 3: Vào lệnh khi cây nến giảm theo ngay sau sự giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen đóng cửa
  • Bước 4: Đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của breakout bar hoặc phía trên đám mây Kumo
  • Bước 5: Chốt lời khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên

Ở giai đoạn trước, giá nằm dưới Kumo, thị trường đang trong xu hướng giảm. Sau đó giá bắt đầu tiến vào trong và đâm thủng Kumo bằng một cây nến tăng với thân rất lớn, tại đây, chúng ta có thể mạnh dạn kỳ vọng rằng giá sẽ bắt đầu một xu hướng tăng mới.

Chỉ sau 3 phiên giao dịch kể từ khi giá breakout và đóng cửa phía trên Kumo một cách rõ ràng, thì đường Tenkan-Sen cắt đường Kijun-Sen từ dưới lên, củng cố tín hiệu giá tăng.

Sau đó chờ đợi cho cây nến xanh xuất hiện sau điểm giao cắt đóng cửa thì vào ngay lệnh Buy. Đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của breakout bar và chốt lời khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống.

Mặc dù trong trường hợp này tỷ lệ Risk:Reward không tốt do cả breakout bar và cây nến theo ngay sau điểm giao cắt giữa Tenkan-Sen và Kijun-Sen đều có thân lớn, tuy nhiên, giá vẫn đi đúng dự đoán, một xu hướng mới đã hoàn thành.

Chiến lược giao dịch trong ngày (Day trading) với Ichimoku

Bên cạnh việc cung cấp các tín hiệu giao dịch đáng tin cậy cho một chiến lược trung hạn (Swing trading) như trên thì các trader cũng thường sử dụng hệ thống Ichimoku để thực hiện các chiến lược giao dịch trong ngày (Day trading).

Ý tưởng của chiến lược này chính là khi giá tiến vào bên trong đám mây Kumo thì nó sẽ có xu hướng chạm vào phía bên kia còn lại của đám mây.

Cách thực hiện giao dịch như sau:

  • Khi giá đang nằm dưới Kumo và bắt đầu tiến vào bên trong Kumo thì vào lệnh Buy khi giá xuyên qua đường Senkou-Span nằm dưới của Kumo và đóng cửa phía trên đường này. Nếu là giao dịch lướt sóng thì có thể đóng lệnh ngay khi giá chạm vào đường Senkou-Span nằm trên của Kumo. Ngược lại, có thể sử dụng các tín hiệu đảo chiều từ các thành phần khác của Ichimoku để thu về nhiều lợi nhuận hơn.
  • Khi giá đang nằm trên Kumo và bắt đầu tiến vào bên trong Kumo thì vào lệnh Sell khi giá xuyên qua đường Senkou-Span nằm trên của Kumo và đóng cửa phía dưới đường này. Nếu là giao dịch lướt sóng thì có thể đóng lệnh ngay khi giá chạm vào đường Senkou-Span nằm dưới của Kumo. Ngược lại, có thể sử dụng các tín hiệu đảo chiều từ các thành phần khác của Ichimoku để thu về nhiều lợi nhuận hơn.

Lưu ý: chiến lược này chỉ có hiệu quả khi mây Kumo có độ dày tương đối lớn.

Kết luận

Hy vọng với những gì mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết này, các bạn sẽ có được cái nhìn cụ thể hơn về một hệ thống giao dịch mà trông thì có vẻ phức tạp nhưng lại không hề phức tạp này. Đồng thời, những chiến lược giao dịch với Ichimoku mà chúng tôi giới thiệu sẽ phần nào giúp các bạn định hướng được những gì mình sẽ làm hoặc tạo tiền đề để các bạn có thể xuất bản những ý tưởng giao dịch tốt nhất và hiệu quả nhất với chỉ báo đặc biệt này.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Ichimoku là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất với Mây Ichimoku
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan