Trang chủNến Inside bar là gì? Đặc điểm và cách giao dịch hiệu quả nhất

Nến Inside bar là gì? Đặc điểm và cách giao dịch hiệu quả nhất

Admin

Tiếp theo chuỗi bài viết về các mô hình nến Nhật thì lần này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn mô hình Inside bar. Đây cũng là một trong số những mô hình nến cơ bản nhưng lại vô cùng quan trọng của phương pháp phân tích hành động giá price action, được nhiều trader theo trường phái này ưa chuộng.

Vậy, Inside bar có đặc điểm như thế nào, ý nghĩa ra sao và đâu là hướng giao dịch hiệu quả nhất dành cho trader khi bắt gặp mô hình này? Tất cả sẽ được giải đáp qua nội dung của bài viết lần này. Cùng theo dõi nhé.

Mô hình nến Inside bar là gì?

Mô hình nến Inside bar tiêu chuẩn bao gồm 2 cây nến tín hiệu, một cây nến mẹ bao trùm lấy toàn bộ nến con, cho biết dấu hiệu thị trường đang bắt đầu tích lũy. Hai phe mua và bán đang bắt đầu giảm áp lực, biến động thị trường giảm xuống. 

Sau đợt tích lũy này, giá sẽ bức phá đi theo một hướng nhất định, phụ thuộc vào chiều hướng phá vỡ mô hình Inside bar của giá. Chính vì thế, nếu những mô hình nến khác được xếp loại vào một trong 2 nhóm tiếp diễn xu hướng hoặc đảo chiều thì Inside bar vẫn đang được bỏ ngỏ vì mô hình này có thể là một mô hình nến đảo chiều nhưng nó vẫn có thể là một mô hình nến tiếp diễn, phụ thuộc vào tình huống cụ thể trên thị trường.

Mô hình nến Inside bar xuất hiện và được áp dụng rộng rãi trên mọi loại thị trường tài chính, mọi khung thời gian và bất kỳ loại tài sản nào.

Đặc điểm của mô hình nến Inside bar tiêu chuẩn được mô tả bên dưới:

Bao gồm 2 cây nến tín hiệu:

  • Cây nến thứ nhất có thân dài hơn gọi là nến mẹ
  • Cây nến thứ hai là nến con với thân ngắn hơn, nằm gọn bên trong thân nến mẹ. Râu nến con cũng nằm gọn bên trong râu nến mẹ, nghĩa là giá thấp nhất của nến con phải cao hơn giá thấp nhất nến mẹ và giá cao nhất của nến con phải thấp hơn giá cao nhất của nến mẹ.
  • Theo lý thuyết thì màu sắc giữa 2 cây nến phải khác nhau, nghĩa là nến mẹ xanh thì nến con đỏ và ngược lại. Nhưng với trường phái price action hiện đại thì điều này đã không còn quan trọng, nến mẹ và con có thể giống hoặc khác màu, chỉ cần thỏa mãn điều kiện về độ cao nến là được.

Mô hình nến Inside bar với Harami và Engulfing

Nếu các bạn đã được tiếp cận mô hình Harami (Mẹ bồng con) thì sẽ thấy 2 mô hình này khá giống nhau, tuy nhiên, mô hình Harami yêu cầu thân nến con phải rất ngắn, không quá 25% thân nến mẹ và quan trọng sự khác biệt trong màu sắc giữa 2 nến. Hơn nữa, Harami chỉ có một nến con và được xác định là mô hình nến đảo chiều, trong khi Inside bar có thể bao gồm nhiều nến con (biến thể của Inside bar tiêu chuẩn) và không được xếp rõ ràng vào mô hình đảo chiều hay tiếp diễn.

Đối với mô hình nến Nhấn chìm (Engulfing) thì lại trái ngược với mô hình nến Inside bar, nến 1 thân nhỏ, nến 2 thân dài hơn và bao phủ toàn bộ thân nến 1. Màu sắc của 2 cây nến trong mô hình Engulfing bắt buộc phải khác nhau và Engulfing cũng được xếp loại vào mô hình nến đảo chiều như Harami.

Ý nghĩa của mô hình nến Inside bar

Cây nến thứ nhất với thân dài cho thấy một trong 2 phe đang chiếm ưu thế hơn. Nếu là nến xanh thì phe mua đang có vẻ mạnh hơn, ngược lại phe bán chiếm ưu thế hơn nếu nến mẹ là nến đỏ. Sau khi nến mẹ hình thành, thị trường đang kỳ vọng giá sẽ tiếp tục được đẩy lên cao hơn nếu phe mua đang áp đảo hoặc sẽ kéo giá xuống thấp hơn nếu phe bán đang áp đảo. Tuy nhiên, giá đã không thể đi theo như ý muốn, phe thắng thế hơn không thể đưa giá đi theo như kỳ vọng mà phe còn lại cũng không thể khiến giá vượt ra khỏi phạm vi hiện tại của nó theo hướng ngược lại, bằng chứng là cây nến con xuất hiện nằm gọn bên trong nến mẹ, giá không thể vượt lên cao hơn mức cao nhất trước đó mà cũng không thể xuống thấp hơn mức thấp nhất trước đó. Điều này chứng tỏ thị trường đang bắt đầu giảm nhiệt và rơi vào trạng thái tích lũy.

Trong quá trình tích lũy này, biến động giá giảm dần, cả 2 phe đều giao dịch chậm lại và củng cố lực lượng để chuẩn bị cho một đợt bức phá mới. Sau tích lũy, nếu lực mua mạnh hơn, giá sẽ phá vỡ mô hình Inside bar theo hướng đi lên, ngược lại, nếu phe bán mạnh hơn, giá sẽ phá vỡ mô hình theo hướng đi xuống.

Các biến thể của mô hình nến Inside bar

Mô hình Inside bar đa nến (double/multi Inside bar)

Bao gồm từ 2 nến con trở lên. Màu sắc nến con cũng không quan trọng, chỉ cần thỏa mãn điều kiện tất cả nến con đều nằm gọn bên trong nến mẹ. Biến thể Inside bar đa nến này nếu có càng nhiều nến con thì mô hình sẽ càng mạnh, bởi lẽ nhiều nến con cho thấy quá trình tích lũy diễn ra trong thời gian lâu hơn, 2 phe sẽ có thời gian dài hơn để củng cố sức mạnh, thị trường sau đó sẽ bức phá mạnh mẽ hơn so với khi chỉ có 1 nến con duy nhất.

Mô hình Inside bar lồng vào nhau (Coiling Inside bar)

Là mô hình Inside bar đa nến nhưng đặc biệt ở chỗ các nến con cũng sẽ tạo thành những mô hình Inside bar tiêu chuẩn liên tiếp và lồng vào nhau, nghĩa là nến phía trước sẽ trở thành nến mẹ của nến phía sau. Biến thể này thì lại cung cấp tín hiệu mạnh mẽ hơn cả biến thể Inside bar đa nến phía trên vì quá trình tích lũy không chỉ diễn ra lâu mà còn đều đặn và liên tục, các biến động giá giảm dần, cả 2 phe mua và bán đều trở nên vô cùng thận trọng, không có bất kỳ dấu hiệu báo trước phe nào sẽ bức phá hơn sau đợt tích lũy này nhưng một khi một trong 2 phe đã quyết định bức phá, thị trường sẽ biến động rất mạnh, giá sẽ đi theo một hướng vô cùng mạnh mẽ.

Mô hình Inside bar – Pin bar kết hợp (Inside bar – Pin bar combo

Là mô hình nến Inside bar có nến con là một cây Pin bar. Mặc dù khi Inside bar hình thành, trader chưa thể chắc chắn về hướng đi của giá sắp tới, nhưng cây Pin bar xuất hiện ở vị trí nến con sẽ phần nào giúp trader dự đoán được xu hướng phá vỡ của giá sau đợt tích lũy. Điều này giúp họ lên kế hoạch giao dịch tốt hơn.

Cách giao dịch hiệu quả với mô hình nến inside bar

Như đã nói, mô hình nến Inside bar không cung cấp cụ thể tín hiệu đảo chiều hay tiếp diễn xu hướng và 2 khả năng này đều có thể xảy ra với xác suất 50-50. Chính vì thế, đối với mô hình nến inside bar, chúng ta có cả 2 chiến lược giao dịch: giao dịch tiếp diễn xu hướng và giao dịch đảo chiều xu hướng.

Giao dịch tiếp diễn xu hướng với mô hình Inside bar

Ý tưởng giao dịch đằng sau chiến lược này: khi thị trường đang trong một xu hướng mạnh mẽ (có thể sử dụng tín hiệu từ đường MA20), thì các đợt điều chỉnh là khá nông. Khi giá bắt đầu chững lại dưới dạng mô hình Inside bar sau đợt điều chỉnh đó có thể cho thấy sự tạm nghỉ của phe đang chiếm ưu thế hơn, khả năng cao là giá sẽ phá vỡ theo hướng trùng với xu hướng chung của thị trường để giá tiếp tục đi theo xu hướng đó một cách mạnh mẽ hơn.

Nhưng vẫn phải lưu ý rằng, chỉ vào lệnh khi mô hình nến Inside bar đã thực sự bị phá vỡ.

Cách giao dịch cụ thể như sau:

  • Bước 1: Xác định xu hướng chung của thị trường

Đường trung bình trượt MA20 thường được sử dụng để xác định một xu hướng tăng hoặc giảm có đang mạnh mẽ hay không. Nếu phần lớn giá nằm trên MA20 thì thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh, ngược lại, phần lớn giá nằm dưới MA20 thì thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh.

  • Bước 2: Chờ đợi mô hình nến Inside bar xảy ra trong đợt điều chỉnh

Nếu xu hướng chung là đang tăng thì chờ Inside bar hình thành trong đợt điều chỉnh giảm, ngược lại nếu xu hướng chung là đang giảm thì chờ Inside bar hình thành trong đợt điều chỉnh tăng.

  • Bước 3: Chờ đợi cây nến phá vỡ mô hình Inside bar xuất hiện

Trong xu hướng tăng, chờ giá phá vỡ mức giá cao nhất của nến mẹ trong mô hình Inside bar rồi mới vào lệnh. Trong xu hướng giảm, chờ giá phá vỡ mức giá thấp nhất của nến mẹ trong mô hình Inside bar rồi mới vào lệnh.

Trong trường hợp Inside bar bị phá vỡ theo hướng ngược lại, tuyệt đối không được vào lệnh ngược hướng phá vỡ. Nếu xuất hiện tín hiệu đảo chiều xu hướng (sẽ được trình bày trong chiến lược giao dịch đảo chiều), các bạn cân nhắc chuyển sang giao dịch đảo chiều, nếu không thì không nên giao dịch trong trường hợp này.

  • Bước 4: Vào lệnh, cắt lỗ, chốt lời

Vào lệnh ngay khi giá vừa phá vỡ mô hình Inside bar hoặc chờ đợi cây nến breakout bar đóng cửa rồi vào lệnh.

Đặt stop loss phía trên đỉnh của nến mẹ nếu hướng phá vỡ đi xuống hoặc phía dưới đáy của nến mẹ nếu hướng phá vỡ đi lên. Vì một khi giá chạm vào những vị trí này nghĩa là False breakout (phá vỡ giả).

Nhưng để an toàn hơn, các bạn có thể đặt stop loss tại các vị trí phía trên hoặc phía dưới đỉnh hoặc đáy gần nhất trước đó của xu hướng chung, bởi lẽ các đợt điều chỉnh sẽ không quá sâu trong xu hướng mạnh nên khoảng cách đặt stop loss này sẽ không quá xa.

Với chiến lược này, tỷ lệ Risk:Reward 1:2 hoàn toàn có khả năng đạt được, hoặc các bạn có thể giữ lệnh đến khi xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều xu hướng.

Ví dụ 1:

Sau xu hướng tăng mạnh trước đó, thị trường xuất hiện cây Bearish Reversal Pin bar, cho tín hiệu đảo chiều. Giá đã thực sự giảm xuống, cắt đường MA20 từ trên xuống, phần lớn các mức giá đều nằm dưới đường MA20 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh.

Khi giá điều chỉnh tăng và chạm vào đường MA20, cũng là lúc mô hình nến Inside bar hình thành, trong trường hợp này là mô hình Multi Inside bar, cho tín hiệu giá sẽ bứt phá mạnh mẽ. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là chờ đợi giá phá vỡ mức giá thấp nhất của nến mẹ để vào lệnh Sell.

Cây nến giảm thân dài đã phá vỡ mô hình 🡪 vào lệnh Sell khi cây nến breakout bar này đóng cửa. Đặt stop loss phía trên giá cao nhất của nến mẹ, cũng là đỉnh gần nhất trước đó của xu hướng giảm.

Sau khi giá giảm xuống như kỳ vọng được một thời gian, giá đã breakout đường MA20 đi lên bằng cây nến tăng mạnh, cho tín hiệu đảo chiều, các bạn có thể đóng lệnh tại vị trí này.

Ví dụ 2:

Tất cả các mức giá đều đang nằm dưới MA20 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh.

Lệnh Sell 1 được thực hiện khi giá phá vỡ mô hình Double Inside bar theo hướng đi xuống. Stop loss đặt phía trên đỉnh gần nhất của xu hướng.

Lệnh Sell 2 được thực hiện khi giá phá vỡ mô hình Multi Inside bar hình thành sau đợt điều chỉnh tăng. Stop loss đặt phía trên giá cao nhất của nến mẹ, cũng là đỉnh gần nhất trước đó của xu hướng giảm.

Sau khi lệnh Sell 2 được thực hiện và giá đi đúng hướng kỳ vọng, các bạn nên dời stop loss của lệnh Sell 1 đến vị trí đặt lệnh để bảo toàn vốn cho lệnh 1 hoặc dời đến vị trí đặt stop loss của lệnh Sell 2 để chốt một phần lợi nhuận. Đóng lệnh khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều xu hướng, trong trường hợp này là mô hình đảo chiều tăng Tweezer Bottom. Nếu các bạn đóng lệnh sau khi giá phá vỡ MA20 và đi lên thì lợi nhuận đã giảm đi rất nhiều.

Một tình huống đáng lưu ý ở trường hợp này, đó là: trước khi mô hình Multi Inside bar xuất hiện, ngay phía trước, thị trường đã hình thành mô hình Inside bar tiêu chuẩn (đánh dấu trong ô vuông màu vàng). Tuy nhiên, mô hình bị phá vỡ theo hướng đi lên mà thị trường lại đang trong xu hướng giảm mạnh, đồng thời không xuất hiện thêm bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sự đảo chiều có thể xảy ra, chính vì vậy, mô hình đó được bỏ qua và chúng ta không giao dịch với nó.

Giao dịch đảo chiều xu hướng với mô hình Inside bar

Như đã nói ở phần trên, chiến lược này chỉ được thực hiện khi mô hình Inside bar bị phá vỡ theo hướng ngược với xu hướng chính và tại đó xuất hiện tín hiệu giá có khả năng đảo chiều. Và một trong những tín hiệu để trader có thể tự tin sử dụng chiến lược này chính là khi mô hình Inside bar xuất hiện tại các vùng giá quan trọng, hỗ trợ hay kháng cự mạnh.

Cách giao dịch như sau:

  • Khi mô hình Inside bar bị phá vỡ theo hướng đi lên (giá phá vỡ mức giá cao nhất của nến mẹ), đồng thời mô hình này xuất hiện tại vùng hỗ trợ mạnh 🡪 tín hiệu vào lệnh Buy.
  • Khi mô hình Inside bar bị phá vỡ theo hướng đi xuống (giá phá vỡ mức giá thấp nhất của nến mẹ), đồng thời mô hình này xuất hiện tại vùng kháng cự mạnh 🡪 tín hiệu vào lệnh Sell.

Vị trí vào lệnh: sau khi breakout bar đóng cửa

Đặt stop loss: phía trên vùng kháng cự (lệnh Sell) hoặc phía dưới vùng hỗ trợ (lệnh Buy)

Chốt lời với tỷ lệ Risk:Reward ít nhất 1:2 hoặc khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều xu hướng.

Ví dụ 3:

Mô hình Inside bar tiêu chuẩn xuất hiện trên đồ thị D1 của cặp USD/JPY. Tuy nhiên, lúc này, chúng ta chưa thể quyết định được sẽ giao dịch theo hướng tiếp diễn hay đảo chiều, bởi lẽ nếu nhìn vào đồ thị như vậy sẽ không biết được thị trường đang trong xu hướng nào.

Cách tốt nhất là thu nhỏ biểu đồ.

Sau khi biểu đồ được thu nhỏ thì chúng ta có thể thấy được mô hình Inside bar này đang xuất hiện tại vùng kháng cự rất mạnh (trước đó giá đã 2 lần chạm vào ngưỡng và quay đầu đi xuống). Nếu giá phá vỡ Inside bar theo hướng đi xuống thì đó chính là cơ hội để chúng ta vào một lệnh Sell.

Kết quả là giá đã thực sự phá vỡ Inside bar theo hướng đi xuống, điểm vào lệnh và stop loss đã được mô tả ở biểu đồ phóng to phía trên.

Sau khi giá giảm được một thời gian thì lại xuất hiện thêm một mô hình Inside bar tiêu chuẩn mới (xem đồ thị phóng to ở trên). Tương tự, để biết chính xác về khả năng đảo chiều tăng, các bạn tiếp tục tiến hành thu nhỏ biểu đồ. Mô hình này đang xuất hiện tại vùng hỗ trợ rất mạnh, sau đó giá lại phá vỡ mô hình theo hướng đi lên, cho tín hiệu đảo chiều xu hướng. đóng lệnh khi cây nến phá vỡ mô hình đóng cửa.

Lưu ý quan trọng trong trường hợp này chính là việc xác định các vùng giá kháng cự, hỗ trợ quan trọng. Nếu trên biểu đồ không xuất hiện những vùng giá này, các bạn nên thu nhỏ biểu đồ, trên các khung thời gian lớn như D1 hay W1 thì những vùng hỗ trợ, kháng cự được xác định bằng cách thu nhỏ biểu đồ như vậy sẽ là những mức cản rất mạnh, gia tăng khả năng thành công của lệnh.

Ví dụ 4:

Mô hình Inside bar tiêu chuẩn xuất hiện tại vùng kháng cự mạnh. Chờ giá phá vỡ mô hình theo hướng đi xuống rồi vào lệnh Sell. Đặt stop loss phía trên vùng kháng cự, chốt lời khi giá phá vỡ mô hình Inside bar theo hướng đi lên.

Một số lưu ý khi giao dịch với mô hình nến Inside bar

Mô hình Inside bar nên được giao dịch ở những khung thời gian lớn hơn

Khung thời gian từ H4 trở lên sẽ giúp cho mô hình Inside bar trở nên đáng tin cậy hơn, khung thời gian càng nhỏ thì sẽ càng có nhiều tín hiệu gây nhiễu, mô hình Inside bar trên những khung thời gian nhỏ sẽ xuất hiện nhiều hơn nhưng ít các mô hình mang lại giá trị giao dịch cao.

Kết hợp phân tích đa khung thời gian

Khi đối chiếu mô hình nến Inside bar ở khung thời gian lớn hơn sang khung thời gian nhỏ hơn, chúng ta sẽ được mô hình giá Tam giác. Nguyên tắc vào lệnh đối với mô hình nến Inside bar chính là chờ đợi cây nến phá vỡ mô hình đóng cửa. Tuy nhiên, các bạn có thể vào lệnh ngay khi mức giá cao nhất hoặc thấp nhất của nến mẹ bị phá vỡ để lợi nhuận có thể được gia tăng. Nhưng cách vào lệnh này sẽ khó khăn hơn khi mà các mức giá của cây nến liên tục di chuyển lên xuống.

Ngược lại, khi chuyển sang khung thời gian nhỏ hơn, sự phá vỡ mô hình Tam giác sẽ dễ được quan sát hơn và thay vì vào lệnh khi mô hình Inside bar bị phá vỡ trên khung thời gian lớn, các bạn có thể vào lệnh ngay khi mô hình Tam giác trên khung thời gian nhỏ hơn bị phá vỡ.

Ví dụ 5:

Mô hình Double Inside bar xuất hiện trên khung thời gian D1 của cặp GBP/USD, nếu vào lệnh trên khung thời gian này, giá khớp lệnh sẽ là 1.30068.

Trên khung thời gian H4, mô hình nến Inside bar trở thành mô hình giá Tam giác. Nếu vào lệnh khi mô hình giá này bị phá vỡ, giá khớp lệnh sẽ là 1.30423, giá tăng lợi nhuận thêm 35.5 pips.

Mô hình phá vỡ giả của Inside bar

Mô hình này có đặc điểm như sau:

Sau khi mô hình Inside bar hình thành, cây nến thứ 3 xuất hiện phá vỡ mô hình, kỳ vọng thị trường sẽ đi theo hướng phá vỡ. Nhưng ngay sau đó, giá nhanh chóng đảo chiều bằng một cây nến ngược chiều và lấp đầy toàn bộ phần thân của nến breakout bar, mở ra một hướng giao dịch mới. Đây được xem là trường hợp phá vỡ giả của mô hình nến Inside bar và nó được xếp riêng vào một dạng mô hình nến riêng biệt, có tên Fakey.

Chúng tôi sẽ giới thiệu về mô hình này ở một bài viết khác trong thời gian sớm nhất có thể.

Kết luận

Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi về mô hình nến Inside bar sẽ giúp các bạn tiếp cận tốt hơn với vô hình này. Mặc dù mô hình Inside bar rất dễ nhận biết nhưng để giao dịch hiệu quả với nó thì lại không hề dễ, đòi hỏi các bạn phải luyện tập giao dịch thật nhiều, kết hợp thêm tín hiệu từ những công cụ khác để đạt kết quả tốt nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Nến Inside bar là gì? Đặc điểm và cách giao dịch hiệu quả nhất
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan