Bạn đang đặt lệnh Buy, Sell hằng ngày trên MT4, bạn là một người “chơi forex”. Chính xác. Nhưng đừng bao giờ tự xưng mình là một forex trader thực thụ nếu chưa biết gì đến khái niệm stop loss. Mặc dù là một khái niệm hết sức cơ bản nhưng rất nhiều người “chơi forex” không hề biết hoặc cố tình bỏ qua khái niệm này dẫn đến một kết quả chung là “cháy tài khoản”.
Stop loss là một tính năng giao dịch nhưng nó cũng là một công cụ vô cùng quan trọng trong việc quản lý vốn, quản lý rủi ro cho các trader. Những trader chuyên nghiệp luôn nghiêm khắc với bản thân họ về việc đặt stop loss nhưng bù lại, các newbie thì không. Lý do? Có quá nhiều lý do và dường như không thể chấp nhận.
Với bài viết lần này, quocdunginvest.com hy vọng sẽ giúp cho những ai chưa được tiếp cận với stop loss hiểu rõ hơn về khái niệm này, đồng thời gợi ý cho bạn cách đặt stop loss hiệu quả trong giao dịch. Cùng theo dõi nhé.
Stop loss là gì?
Stop loss (dừng lỗ hay cắt lỗ tự động) là một loại lệnh trong giao dịch forex, nói đúng hơn là một tính năng đi kèm khi các bạn đặt lệnh giao dịch, nhằm giới hạn thua lỗ ở một mức tối đa được xác định trước, trong trường hợp giá đi ngược lại với xu hướng kỳ vọng.
Ngược lại với stop loss là take profit, nếu stop loss cho biết số tiền thua lỗ tối đa là bao nhiêu trong trường hợp bạn dự đoán sai thì take profit sẽ cho biết lợi nhuận mà bạn có thể đạt được khi dự đoán đúng.
Cả stop loss và take profit đều do chính trader tự thiết lập và không bắt buộc khi các bạn đặt lệnh Buy hay Sell, nhưng cũng vì lý do đó mà nhiều trader không đặt stop loss cho các giao dịch của mình.
- Cách thức mà lệnh stop loss hoạt động
Đối với lệnh Buy, stop loss là một mức giá nằm dưới vị trí vào lệnh (< giá khớp lệnh), nếu thị trường đi ngược hướng kỳ vọng, giá giảm xuống và chạm vào stop loss, lệnh của bạn sẽ tự động đóng lại. Cùng lúc đó, phần mềm giao dịch sẽ tự động trừ phần thua lỗ vào balance (số dư tài khoản) của bạn.
Ngược lại, đối với lệnh Sell, stop loss là một mức giá nằm trên vị trí vào lệnh (> giá khớp lệnh), nếu thị trường đi ngược lại dự đoán của bạn, tức là tăng lên và chạm vào stop loss, lệnh của bạn sẽ tự động đóng lại. Thua lỗ bị trừ ngay vào balance khi lệnh bị đóng như trường hợp lệnh Buy.
- Ví dụ về stop loss:
Bạn đặt lệnh Buy 1 lot cặp AUD/USD, giá khớp lệnh là 0.72400, stop loss tại mức giá 0.72300, ứng với 10 pips. Bất cứ khi nào giá đi ngược dự đoán, giảm xuống và chạm vào mức giá 0.72300, lệnh Buy tự động bị đóng lại, bạn thua lỗ 10 pips, ứng với 100$.
Ý nghĩa của việc đặt stop loss trong giao dịch
Stop loss giúp trader giới hạn rủi ro ở mức tối đa có thể chấp nhận được.
Chấp nhận tham gia giao dịch trên thị trường forex đồng nghĩa với việc bạn đã chấp nhận rủi ro. Nhưng không ai mong muốn “trắng tay” hoặc mất quá nhiều chỉ sau một lần đặt lệnh. Mỗi người sẽ có một mức độ chấp nhận rủi ro riêng và tùy thuộc vào nguồn vốn trong tài khoản mà với mỗi lần đặt lệnh, họ sẽ chấp nhận thua lỗ một số tiền nhất định nếu thị trường đi ngược hướng dự đoán hoặc biến động quá mạnh làm cho lệnh của họ thua lỗ trước khi có lợi nhuận. Bằng việc đặt stop loss, bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn khi nếu có thua lỗ cũng sẽ thua lỗ ở mức độ đã cho phép và bạn còn cơ hội để giao dịch ở những lần sau nữa.
Stop loss phản ánh được tính hiệu quả của hệ thống giao dịch mà bạn đang sử dụng
Một chiến lược giao dịch, một công cụ phân tích, một kỹ thuật quản lý vốn và một phần kinh nghiệm sẽ giúp trader thiết lập được một vị trí đặt stop loss cho mỗi lệnh. Nếu hệ thống giao dịch của bạn đúng, bạn sẽ không bị quét stop loss, ngược lại, nếu lệnh bị quét stop loss, chứng tỏ bạn đã sai. Sai thì sửa bằng cách kiểm tra lại hệ thống giao dịch cho những lần kế tiếp và chấp nhận một khoản thua lỗ cho sự sai của mình là điều hoàn toàn hợp lý.
Nếu không đặt stop loss, làm sao bạn biết được hệ thống giao dịch của mình có đang hiệu quả hay không, hay vì lý do gì mà bạn thua lỗ?
Những sai lầm thường gặp khi đặt stop loss của trader
Không đặt stop loss
Có rất nhiều lý do để một người biện minh cho việc không đặt stop loss khi giao dịch. Và bạn thử xem chúng có hợp lý không nhé.
Không hề biết đến sự tồn tại của khái niệm stop loss
Chúng tôi gọi họ là những người “chơi forex” chứ không phải là một nhà giao dịch forex hay một forex trader.
Họ được tiếp cận forex có lẽ thông qua một IB không có tâm hoặc một bài quảng cáo sàn trên mạng, và rồi họ chỉ biết tải phần mềm MT4 về điện thoại, đặt lệnh Buy nếu dự đoán giá tăng, Sell nếu dự đoán giá giảm. Khi đã cảm thấy thua lỗ quá nhiều hay lợi nhuận vừa đủ thì đóng lệnh.
Trong khi đó, forex là một thị trường tài chính, đòi hỏi những người tham gia phải biết “không ít thì nhiều” kiến thức tài chính, kinh tế, phân tích và kỹ năng giao dịch… Để bắt đầu, chúng ta cần phải tìm hiểu từ những thuật ngữ, kiến thức căn bản cho đến những kiến thức nâng cao hơn. Và nếu có tìm hiểu thì chắc chắn sẽ biết đến khái niệm stop loss.
Không biết cách xác định và đặt stop loss
Khi tìm hiểu về giao dịch forex, chắc chắn các bạn sẽ bắt đầu bằng những công cụ phân tích như chỉ báo, mô hình nến, mô hình giá… trên các trang web về forex. Đa số các bài viết chia sẻ kiến thức giao dịch, phân tích đều có phần hướng dẫn sử dụng và cách giao dịch cụ thể, trong đó, mỗi công cụ, mỗi phương pháp đều có những cách đặt stop loss riêng. Trừ khi các bạn tìm hiểu một cách quoa loa, chỉ quan tâm đến việc chúng cung cấp tín hiệu gì và cách vào lệnh ra sao.
Đó là một trong những lý do khiến nhiều người không biết cách xác định và đặt stop loss.
Lý do thứ hai là do họ không biết cách quản lý vốn. Các bạn không tính được một pip có giá trị bao nhiêu tiền cho nên nếu có giới hạn được số tiền thua lỗ tối đa cho phép thì cũng không thể tính ra được bao nhiêu pip, rồi xác định điểm đặt stop loss ứng với số pip thua lỗ đó. Mà lý do này cũng xuất phát từ việc các bạn không chịu nghiên cứu, tìm hiểu về forex một cách nghiêm túc, bài bản.
Lý do sau cùng có thể là do không biết cách đặt stop loss trên phần mềm giao dịch. Nghe có vẻ hơi vô lý vì chỉ cần lên google và kiếm từ khóa hướng dẫn sử dụng MT4 là xong, nhưng sự thật vẫn có nhiều người chưa biết được hết tất cả những tính năng trên MT4, đơn giản họ chỉ biết đặt lệnh Buy hoặc Sell mà thôi.
Không muốn lệnh bị quét stop loss
Nói thẳng ra là không muốn mất tiền. Vậy bạn nghĩ rằng khi bạn không đặt stop loss thì sẽ không bị mất tiền? Thị trường rồi sẽ quay trở lại đúng như những gì bạn dự đoán? Nhưng trước khi nó quay trở lại thì tài khoản của bạn có thể đã không còn đồng nào.
Đã bị quét stop loss quá nhiều lần
Bị quét stop loss quá nhiều lần và bạn không muốn đặt stop loss nữa, việc này cũng xuất phát từ tâm lý sợ hãi mất tiền. Nhưng bạn phải tự trả lời được rằng lý do vì sao lệnh của bạn liên tục bị quét stop loss. Hãy quay trở lại ý nghĩa của việc đặt stop loss, bị quét một lần, hai lần có thể do lỗi của bạn ở khâu xác định vị trí, nhưng bị quá nhiều lần chắc chắn là do hệ thống giao dịch có vấn đề. Nếu không muốn chấp nhận thua lỗ do bị quét stop loss, các bạn nên xem xét lại hệ thống giao dịch của mình mà có sự điều chỉnh cho hợp lý.
Muốn tự đóng lệnh bằng tay
Những người muốn tự đóng lệnh thường đưa ra lý do nghe có vẻ cũng khá chính đáng: “Tôi dành thời gian cả ngày cho forex, tôi có thể đóng lệnh bất cứ khi nào mức thua lỗ đạt đến giới hạn cho phép”.
Bạn nghĩ mình có làm được điều này không?
Thứ nhất, bạn có chắc là bạn sẽ dán mắt vào màn hình 24/24? Chỉ cần vài chục giây bạn vào nhà vệ sinh, bạn lấy cốc nước… thì thị trường cũng có thể biến động rất mạnh, khiến cho lệnh của bạn thua lỗ một khoản rất lớn, thậm chí cháy cả tài khoản. Việc này là hoàn toàn có thể xảy ra trong forex.
Thứ hai, việc đóng lệnh có độ trễ nhất định. Đặc biệt trong trường hợp bạn giao dịch với một broker không chất lượng. Khi lệnh bị thua lỗ 50$, là mức thua lỗ mà bạn thiết lập sẵn trong đầu cho lệnh này, bạn đóng lệnh, nhưng tốc độ khớp lệnh của phần mềm bị trễ, thua lỗ bị vượt qua 50$, nhiều lần như vậy, số tiền bạn mất đi không phải xuất phát từ việc bạn dự đoán sai xu hướng sẽ gia tăng đáng kể.
Thứ ba, bạn có tự tin về tính kỷ luật của mình khi đóng lệnh bằng tay? Dự tính chỉ thua tối đa 50$ cho lệnh này, nhưng khi thua lỗ gần đạt 50$, tâm lý của bạn liệu có ổn định để bạn đóng lệnh một cách dứt khoát, hay lúc này, bạn nghĩ rằng nên duy trì thêm, biết đâu giá sẽ quay lại đúng xu hướng. May mắn thì bạn sẽ được lật ngược tình thế, nhưng nếu không, thua lỗ sẽ vượt mức dự tính, thậm chí thua quá nhiều, cháy tài khoản.
Chủ quan với khối lượng giao dịch nhỏ
Bạn chỉ đặt lệnh 0.01 lots và cho rằng với mức khối lượng này, thua lỗ sẽ không là bao nhiêu nên không cần đặt stop loss.
Giả sử mỗi ngày bạn đặt 3 lệnh, lệnh nào cũng thua khoảng 30 pips, mỗi ngày bạn sẽ mất gần 10$. Một tháng bạn mất 300$. Đối với các trader Việt thì số tiền này không phải nhỏ. Một trader mới thường bắt đầu với số vốn 200$, dù cho giao dịch khối lượng tối thiểu thì cũng chưa đầy 1 tháng, tài khoản sẽ bị cháy.
Đặt stop loss không hiệu quả
Đặt stop loss quá gần
Đặt stop loss gần sẽ khiến cho thua lỗ được giảm thiểu nhưng lệnh của bạn lại dễ bị quét stop loss trong trường hợp thị trường biến động nhiều.
Ví dụ:
Trên đồ thị, tín hiệu hội tụ giữa giá và RSI xuất hiện đồng thời với mô hình nến đảo chiều tăng Tweezer Bottom, khả năng giá đảo chiều là rất cao.
Vào lệnh Buy khi mô hình nến hoàn thành, ứng với mức giá: 1.16415. Với mô hình nến, các bạn sẽ đặt stop loss phía dưới đáy thấp nhất của mô hình một đoạn, như trên đồ thị là ứng với mức giá 1.16085, tương đương stop loss 33 pips.
Hệ thống giao dịch của bạn là chính xác, giá đã đảo chiều tăng nhưng đã có thời điểm giá biến động mạnh, một cây nến giảm với bóng nến dưới rất dài đã quét stop loss của bạn trước khi nó tăng lên mạnh mẽ sau đó.
Với khung thời gian H4, stop loss 33 pips có thể là khá gần. Cho nên sau khi xác định được vị trí đặt stop loss, nếu thấy quá gần, các bạn có thể nới lỏng một chút nhưng vẫn phải tuân thủ nằm trong giới hạn cho phép.
Đặt stop loss quá xa
Đặt stop loss quá xa sẽ giúp bạn không phải lo lắng rằng lệnh sẽ bị quét stop loss sớm. Tuy nhiên, nếu hệ thống giao dịch của bạn bản chất là đã sai thì cho dù bạn có đặt xa cỡ nào thì cuối cùng cũng sẽ bị quét, mà khi đó, thua lỗ sẽ nhiều hơn do bạn đã đặt quá xa.
Dời stop loss
Việc nới lỏng hay thu hẹp stop loss trong giao dịch cũng đều có những rủi ro nhất định.
- Nới lỏng stop loss
Là trường hợp mà khi giá đang chạy ngược lại xu hướng dự đoán và gần chạm vào stop loss, trader sẽ thường nới lỏng stop loss ra một chút với kỳ vọng giá sẽ nhanh chóng đi lại đúng xu hướng kỳ vọng. Nếu may mắn, giá quay đầu đi đúng xu hướng dự đoán, việc nới stop loss có hiệu quả. Ngược lại, bạn thua lỗ nhiều hơn. Bạn nghĩ mình sẽ may mắn được bao nhiêu lần và có chắc là bạn sẽ chỉ nới stop loss chỉ 1 lần không, hay giá gần chậm stop loss mới, bạn lại dời lần nữa và nhiều lần nữa khiến cho thua lỗ càng thêm lớn.
Nên nhớ rằng, bạn đặt stop loss dựa vào hệ thống giao dịch, một khi giá chạm stop loss nghĩa là hệ thống của bạn có vấn đề, điều cần làm là chấp nhận thua lỗ và thay đổi hệ thống giao dịch chứ không phải cố gắng cứu vớt lệnh bằng cách nới stop loss để rồi càng thua lỗ nặng nề hơn.
- Thu hẹp stop loss
Là khi thị trường đi đúng hướng dự đoán, trader thường dời stop loss đến vị trí gần hơn với điểm đặt lệnh để rút ngắn thua lỗ dự kiến. Cách dời stop loss này sẽ giúp thua lỗ giảm đi một phần khi thị trường đi ngược hướng nhưng lệnh có thể sẽ bị đóng sớm trước khi thị trường đi đúng như những gì mà bạn dự đoán từ đầu, bạn sẽ đánh mất cơ hội có được lợi nhuận chỉ vì dời stop loss. Trường hợp này thì cũng khá giống việc các bạn đặt stop loss quá gần.
Cũng là thu hẹp stop loss nhưng stop loss được dời vượt qua khỏi điểm đặt lệnh để lợi nhuận được chốt một phần (trailing stop). Cách dời stop loss này không có rủi ro nhưng cũng có hạn chế. Trader sẽ chốt được lợi nhuận một phần, lệnh chắc chắn có lợi nhuận nhưng hạn chế ở chỗ là có thể bạn sẽ đánh mất cơ hội đạt được lợi nhuận mục tiêu, thậm chí mang về nhiều lợi nhuận hơn dự kiến.
Tóm lại, khi hệ thống giao dịch đã chỉ cho bạn một vị trí đặt stop loss thì nên tuân thủ theo, ngoại trừ trường hợp stop loss quá gần hoặc quá xa thì nên cân nhắc để tùy chỉnh cho hợp lý. Còn khi cảm thấy không còn hiệu quả thì nên thay đổi từ gốc rễ của vấn đề.
Hậu quả của việc không đặt stop loss hay đặt stop loss không hiệu quả
Chắc có lẽ không cần phải nói nhiều về hậu quả của việc không đặt stop loss, đơn giản thôi, bạn sẽ bị mất nhiều tiền hơn, nhanh cháy tài khoản hơn, dẫn đến chán nản mà từ bỏ hoặc xuất hiện tâm lý gỡ gạc, nạp vốn vào nhiều hơn rồi lại tiếp tục thua lỗ, tiếp tục cháy tài khoản.
Cách đặt stop loss hiệu quả trong giao dịch forex
Thông thường, một trader mới, chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ xác định khối lượng giao dịch trước rồi mới tính ra vị trí đặt stop loss. Sau khi xác định điểm vào lệnh, họ sẽ xác định khối lượng giao dịch, có thể dựa vào nhiều nguyên tắc khác nhau, ví dụ như bao nhiêu % trên số vốn đang có, luôn đặt lệnh với khối lượng 0.01, 0.02 hoặc 0.05 lots…. sau đó xác định số tiền thua lỗ tối đa của lệnh, từ đó quy ra số pip thua lỗ dựa vào khối lượng và số tiền thua lỗ đó và xác định vị trí stop loss trên đồ thị giá.
Cách đặt stop loss như vậy sẽ không hiệu quả bởi lẽ nó không thể hiện được ý nghĩa của vị trí stop loss – là nơi mà khi giá chạm đến, hệ thống giao dịch của bạn đã bị sai. Việc đặt stop loss sau khi xác định khối lượng giao dịch sẽ khiến cho stop loss có thể bị quá xa hoặc quá gần.
Ví dụ: chỉ báo trên đồ thị mà bạn đang sử dụng cho tín hiệu vào lệnh Buy trên cặp EUR/USD tại mức giá 1.23400. Tài khoản của bạn đang có 1000$, bạn chọn khối lượng giao dịch 0.1 lots. Sử dụng quy tắc quản lý vốn 2%, bạn xác định số tiền thua lỗ tối đa của lệnh là 20$. Từ khối lượng 0.1 lots và số tiền thua lỗ là 20$, bạn tính ra số pip thua lỗ là 20 pips. Suy ra vị trí đặt stop loss là tại mức giá 1.23200. Tuy nhiên, chỉ báo mà bạn đang sử dụng cũng chỉ cho bạn vị trí đặt stop loss là 1.22900. Thay vì đặt stop loss theo hệ thống giao dịch, bạn lại lựa chọn một vị trí stop loss gần hơn theo khối lượng giao dịch xác định trước nên khả năng cao là lệnh của bạn sẽ bị quét stop loss sớm.
Chúng tôi không khuyến khích các bạn đặt stop loss theo cách này.
Với một trader chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, họ sẽ đặt stop loss theo quy trình như sau:
- Xác định điểm vào lệnh, vị trí đặt stop loss, take profit theo hệ thống giao dịch
- Quy ra số pip thắng, thua rồi tính tỷ lệ Risk:Reward, nếu tỷ lệ R:R tốt thì mới vào lệnh, ngược lại, không giao dịch.
- Xác định số tiền thua lỗ tối đa cho lệnh
- Tính khối lượng giao dịch từ stop loss và số tiền thua lỗ đã xác định trước.
- Điều chỉnh lại stop loss trong trường hợp quá gần hoặc quá xa hoặc khối lượng giao dịch tính toán được vượt xa mức giao dịch nằm trong nguyên tắc của bạn.
Ví dụ: cũng ví dụ trên, chỉ báo cung cấp cho bạn các thông tin vào lệnh như sau:
- Điểm vào lệnh: 1.23400
- Stop loss tại: 1.22900
- Take profit tại: 1.24900
Số pip thua là 50 pips, số pip thắng là 150 pips, suy ra tỷ lệ R:R = 1:3, quyết định giao dịch với lệnh này.
Cũng áp dụng quy tắc quản lý vốn 2%, số tiền thua lỗ tối đa của lệnh được xác định trước là 40$. Suy ra khối lượng giao dịch là 0.04 lots.
Sử dụng công thức sau để suy ra khối lượng giao dịch:
Số tiền thua lỗ = khối lượng (lot) * đơn vị lot tiêu chuẩn * số pip thua lỗ * giá trị pip trên 1 đơn vị tiền tệ.
Trong đó:
- Đơn vị lot tiêu chuẩn là 100,000
- Giá trị pip trên 1 đơn vị tiền tệ là 0.0001
Xem lại:
Vậy, theo cách đặt stop loss này thì bạn sẽ vào lệnh theo các thông tin như đã xác định ban đầu với khối lượng giao dịch là 0.04 lots.
Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch của mình, bạn có đặt ra một nguyên tắc là không bao giờ giao dịch với khối lượng quá 0.03 lots/lệnh. Chính vì thế, bạn quyết định giảm khối lượng lệnh xuống thành 0.03 lots.
Với việc giảm khối lượng, bạn có 2 sự lựa chọn: hoặc là tăng số pip thua lỗ (nới lỏng stop loss) và giữ nguyên số tiền thua lỗ tối đa. Hoặc là giữ nguyên vị trí đặt stop loss và số tiền thua lỗ sẽ được giảm xuống.
Tùy vào từng tình huống mà các bạn sẽ quyết định thay đổi vị trí đặt stop loss hay không. Nếu nhận thấy vị trí stop loss có vẻ hơi gần, lo sợ bóng nến sẽ quét stop loss như trường hợp ví dụ ở phần trên, bạn có thể nới stop loss ra một chút. Ngược lại, nếu bạn thấy vị trí đặt stop loss này là đã hợp lý, một khi giá đã chạm vào mức này thì nó chỉ có thể tiếp tục giảm xuống chứ không còn cơ hội quay đầu đi lên, thì bạn nên giữ nguyên stop loss để thua lỗ dự kiện được giảm đi một phần trong trường hợp hệ thống giao dịch của bạn bị sai.
Ví dụ về cách đặt stop loss thực tế
Giá đang di chuyển trong một phạm vi đi ngang, hình thành các vùng hỗ trợ và kháng cự mạnh. Lúc này, các bạn quyết định sẽ sử dụng những vùng hỗ trợ, kháng cự này để giao dịch.
Tham khảo: Hỗ trợ, kháng cự là gì? Cách xác định và giao dịch hiệu quả nhất
Ở thời điểm hiện tại, giá đang tiến gần đến vùng hỗ trợ tiềm năng, dự báo giá sẽ quay đầu đi lên khi chạm vào vùng giá quan trọng này.
Các bạn có thể chờ đợi khi giá chạm vào hỗ trợ rồi vào lệnh, nhưng ở đây, chúng tôi sẽ lựa chọn phương án đặt một lệnh Mua giới hạn (Buy Limit).
Điểm vào lệnh là biên trên của vùng hỗ trợ, ứng với mức giá 0.95381. Sở dĩ chọn biên trên của vùng hỗ trợ là để không bỏ lỡ cơ hội lệnh được khớp, nếu đặt lệnh tại mức giá thấp hơn, có khả năng sẽ không chạm đến mức giá đó, chỉ vừa chạm biên trên đã quay đầu đi lên.
Với cách giao dịch này, các bạn có thể đặt stop loss phía dưới biên dưới của vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, quan sát trên đồ thị, trước đó thị trường đã cố phá vỡ vùng hỗ trợ này nhưng không thành công (bằng cây nến Doji bóng dưới rất dài), rất nhiều khả năng sẽ thị trường sẽ test lại mức giá đã từ chối này nên chúng tôi quyết định đặt stop loss phía dưới đáy của nến Doji phía trước, ứng với mức giá 0.94371. Sử dụng vùng kháng cự mạnh làm vị trí chốt lời tiềm năng và vị trí đặt take profit cho lệnh này là 0.99459.
Vậy, ta có các thông tin sau:
- Điểm vào lệnh: 0.95381
- Stop loss tại 0.94371
- Take profit tại 0.99459
Suy ra, số pip thua là 101 pips, số pip thắng là 407.8 pips. Tỷ lệ R:R xấp xỉ 1:4, là một tỷ lệ rất tốt để giao dịch.
Sử dụng quy tắc quản lý vốn 2 % với số dư tài khoản hiện tại là 2000$, suy ra số tiền thua lỗ tối đa của lệnh là 40$.
Với số pip thua lỗ là 101 pips và số tiền thua lỗ tối đa là 40$, suy ra khối lượng giao dịch của lệnh là xấp xỉ 0.04 lots.
Sau khi đã có đầy đủ các thông tin vào lệnh, các bạn tiến hành đặt lệnh như sau:
- Loại lệnh Buy Limit
- Giá khớp lệnh là 0.95381
- Stop loss tại 0.94371
- Take profit tại 0.99459
- Khối lượng giao dịch là 0.04 lots.
Kết quả của lệnh chờ này như sau:
Vừa may là bóng nến dưới của cây nến đỏ đã chạm vào điểm đặt lệnh, lệnh đã được khớp. Sau đó, mô hình nến đảo chiều tăng Tweezer Bottom xuất hiện tại khu vực hỗ trợ, xác nhận thêm tín hiệu đảo chiều tăng, các bạn có thể yên tâm về khả năng thành công của lệnh.
Giá đã tăng lên, chạm vào vị trí take profit và bạn có lời 407.8 pips, ứng với 163.12$.
Kết luận
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ được tầm quan trọng của việc đặt stop loss và hãy tự nghiêm khắc với bản thân trong việc tuân thủ kỷ luật đặt stop loss.
Mỗi chiến lược, mỗi công cụ phân tích hay phương pháp giao dịch đều sẽ cung cấp cho bạn một vị trí đặt stop loss cụ thể, việc của bạn là nghiên cứu kỹ về những công cụ, phương pháp mà mình tiếp cận, bên cạnh đó tìm hiểu thêm các phương pháp, kỹ thuật quản lý vốn để việc đặt stop loss được hiệu quả hơn.
Trong một số trường hợp, các bạn không thể xác định được vị trí đặt stop loss, hãy bỏ qua việc vào lệnh mà không đặt stop loss và tìm kiếm những cơ hội khác.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.