Nếu bạn là trader hoạt động đủ lâu thì không thể không biết đến Fibonacci, một công cụ phân tích giao dịch mạnh mẽ trên các thị trường tài chính. Tính hiệu quả của nó trong giao dịch được thể hiện ở chỗ, Fibonacci có thể vừa giúp nhà đầu tư tìm ra điểm vào lệnh tốt vừa tìm ra điểm thoát lệnh tiềm năng thông qua mức hỗ trợ, kháng cự được xác định bởi các tỷ lệ của Fibonacci.
Đó là trong giao dịch, còn trong thực tế đời sống, Fibonacci được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, nghệ thuật và rất nhiều những sự vật, hiện tượng trong tự nhiên mà chúng ta bắt gặp hàng ngày đều có liên quan đến Fibonacci.
Vậy, Fibonacci là gì mà thần kỳ đến vậy, Fibonacci được sử dụng như thế nào và ứng dụng của nó ra sao trong giao dịch? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
Fibonacci là gì? Nguồn gốc ra đời của dãy số Fibonacci
Fibonacci là gì?
Fibonacci là một dãy vô hạn các số tự nhiên, bắt đầu từ 2 số 0 và 1, các số theo sau được hình thành theo nguyên tắc tổng của 2 số liền trước.
Công thức: Xn = Xn-2 + Xn-1
Theo công thức trên thì dãy số Fibonacci sẽ là 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610, 987…
Nguồn gốc ra đời của dãy số Fibonacci
Dãy số này được phát minh bởi Leonardo Pisano Bigollo (1170 – 1250), một nhà toán học vĩ đại người Ý. Ông đã đặt tên cho dãy số này là Fibonacci, được ghép từ Filius Bonacci, nghĩa là “con của Bonaccio”, mà Bonaccio chính là cha đẻ của ông.
Dãy số này được công bố lần đầu tiên trong cuốn sách Liber Abacci (1202), là kết quả của 2 bài toán nổi tiếng “thỏ đẻ con” và “cụ tổ của ong đực”.
Bài toán thứ nhất: Thỏ đẻ con
Giả định: một cặp thỏ, bao gồm 1 đực, 1 cái, sau 2 tháng sẽ bắt đầu sinh sản và cứ mỗi tháng sẽ đẻ ra 1 cặp thỏ con, cũng bao gồm 1 đực, 1 cái và không con nào chết. Bài toán như sau: với một cặp thỏ con (mới đẻ), hãy tính số cặp thỏ có được sau mỗi tháng trong vòng 1 năm.
Kết quả của bài toán được Fibonacci tìm ra như sau:
- Tháng thứ nhất: 1 cặp, do cặp thỏ con chưa đủ 2 tháng để sinh sản. Gọi là cặp số 1.
- Tháng thứ 2: 2 cặp, bao gồm cặp thỏ số 1 và 1 cặp thỏ mới (cặp số 2) được sinh ra vì cặp thỏ số 1 đã đủ 2 tháng
- Tháng thứ 3: 3 cặp, thêm 1 cặp thỏ con nữa được sinh ra từ cặp thỏ số 1 (cặp số 3)
- Tháng thứ 4: 5 cặp, 1 cặp thỏ con được sinh ra bởi cặp thỏ số 1 (cặp số 4), và 1 cặp thỏ được sinh ra bởi cặp thỏ số 2 (đã đủ 2 tháng sinh sản) (cặp số 5)
- Tháng thứ 5: 8 cặp, 1 cặp được sinh ra từ cặp số 1 (cặp số 6), 1 cặp được sinh ra từ cặp số 2 (cặp số 7) và 1 cặp được sinh ra từ cặp số 3 (cặp số 8)
- Tương tự như thế, ta sẽ có 13 cặp, 21 cặp, 34 cặp, 55 cặp…
Bài toán thứ hai: Cụ tổ của ong đực
Trong sinh học, một con ong cái được sinh ra từ sự thụ tinh của một cặp ong (1 đực, 1 cái), nhưng một con ong đực thì chỉ được sinh ra từ 1 con ong cái. Bài toán như sau: từ một con ong đực, hãy ngược thời gian, truy tìm số ong tổ tiên của nó.
Kết quả của bài toán như sau:
Các tỷ lệ Fibonacci
Dãy số Fibonacci: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144…
Sau đây, các bạn sẽ thấy được điều thần kỳ của dãy số này:
Thứ nhất, nếu lấy số đứng trước chia cho số liền sau nó, ta sẽ được các giá trị xấp xỉ 0.618. Ví dụ 3/5 = 0.6; 5/8 = 0.625; 8/13 = 0.615; 13/21 = 0.619; 21/34 = 0.618… càng về sau thì tỷ lệ này sẽ càng tiến gần đến 0.618.
Thứ hai, nếu lấy số đứng trước chia cho số đứng sau cách nó một chữ số, ta được các tỷ lệ tiến sát đến giá trị 0.382. Ví dụ: 3/8 = 0.375; 5/13 = 0.384; 8/21 = 0.381; 21/55 = 0.382; 34/89 = 0.382…
Thứ ba, nếu lấy số đứng trước chia cho số đứng sau cách nó hai chữ số, ta sẽ được các tỷ lệ tiến sát đến 0.236. Ví dụ: 2/8 = 0.25; 3/13 = 0.231; 5/21 = 0.238; 8/34 =0.235; 13/55 = 0.236; 21/89 = 0.236…
Thứ tư, ngoại trừ 4 chữ số đầu tiên, nếu lấy số đứng sau chia cho số liền trước nó, ta sẽ được các tỷ lệ sau: 3/2 = 1.2; 5/3 = 1.667; 8/5 = 1.6; 13/8 = 1.625; 21/13 = 1.615; 34/21 = 1.619; 55/34 = 1.6176; 89/55 = 1.618… càng về sau, các tỷ lệ này sẽ gần tiến sát hơn đến giá trị 1.618.
Thứ năm, tương tự, nếu lấy chữ số đứng sau chia cho số đứng trước cách nó 1 chữ số, ta sẽ được các giá trị tiến sát đến 2.618
Thứ sáu, nếu lấy chữ số đứng sau chia cho số đứng trước cách nó hai chữ số, ta sẽ được các tỷ lệ tiến đến 4.236.
…
Các tỷ lệ 0.236; 0.382; 0.618; 1.618; 2.618; 4.618… được gọi là các tỷ lệ Fibonacci. Bên cạnh đó, trong giao dịch forex, người ta còn sử dụng thêm các tỷ lệ như 0.5; 0.764 và 1.0 làm các mức thoái lui, mở rộng quan trọng. Trong đó: 0.764 = 1 – 0.236 và 1.0 = 0.382 + 0.618. Đó cũng là sự thần kỳ của dãy số này.
Tỷ lệ vàng là gì? Mối quan hệ giữa tỷ lệ vàng và dãy số Fibonacci
Tỷ lệ vàng là gì?
Cũng là một sự phát minh thần kỳ của Leonardo Pisano Bigollo. Tỷ lệ vàng được ký hiệu là φ (đọc là “phi”), được đặt theo tên của Phidias, nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới, ông đã ứng dụng thành công tỷ lệ vàng vào công trình đền Parthenon vĩ đại.
Hai đại lượng được xem là có tỷ lệ vàng khi tỷ số giữa đại lượng lớn trên đại lượng nhỏ bằng với tỷ số giữa tổng 2 đại lượng đó trên đại lượng lớn hơn.
Công thức như sau:
Hai đại lượng a và b, với a>b>0. a và b có tỷ lệ vàng khi và chỉ khi:
ab=a+ba
Nghiệm của phương trình này chính là φ = 1.6180339887…., xấp xỉ 1.618
Tỷ lệ vàng có 2 tính chất rất đặc biệt, đó là φ x φ = φ +1 (1.618 x 1.618 = 1.618 + 1) và 1/ φ = φ – 1 (1/1.618 = 1.618 – 1).
Mối quan hệ giữa tỷ lệ vàng và dãy số Fibonacci
Rõ ràng, mối quan hệ này thể hiện ở con số 1.618. Tỷ lệ vàng trùng với một trong số những tỷ lệ đặc biệt của Fibonacci 1.618. Khi lấy một số trong dãy Fibonacci nhân với tỷ lệ vàng, ta sẽ được số đứng liền sau nó trong dãy.
Xoắn ốc Fibonacci
Từ hình vuông có cạnh bằng 1, các bạn liên tục nhân một cạnh với tỷ lệ vàng sẽ cho ra các hình chữ nhật cũng có tỷ lệ vàng và chiều rộng của những hình chữ nhật này chính là các giá trị trong dãy số Fibonacci.
Khi nối 2 đỉnh đối diện của các hình vuông có cạnh bằng những con số trong dãy Fibonacci, ta được hình xoắn ốc, gọi là xoắn ốc Fibonacci.
Trong tự nhiên, hình xoắn ốc này xuất hiện rất nhiều trong các sự vật, hiện tượng như các hạt của hoa hướng dương, đường đi của một cơn bão, hình vỏ ốc, tổ ong… hay hình dáng của rất nhiều các loại sinh vật khác.
Tỷ lệ vàng trong nghệ thuật
Sở dĩ 1.618 được mệnh danh là golden ratio – tỷ lệ vàng vì tỷ lệ này được ứng dụng rất rộng rãi trong hội họa, kiến trúc, tạo ra sự cân đối và có tính thẩm mỹ rất cao.
- Mặt tiền của đền Parthenon được xây dựng theo tỷ lệ vàng
- Chiều cao và chiều ngang của tháp Eiffel cũng tuân theo tỷ lệ vàng
- Tỷ lệ vàng trong bức tranh của nàng Mona Lisa
- Hay trong lĩnh vực thiết kế hiện đại, tỷ lệ vàng được ứng dụng để thiết kế logo cho một số nhãn hàng nổi tiếng như Apple, Pepsi, Toyota…
Fibonacci và ứng dụng trong giao dịch forex
Có bao nhiêu loại Fibonacci trong giao dịch forex?
Các tỷ lệ của Fibonacci được ứng dụng thành nhiều công cụ khác nhau, hỗ trợ phân tích xu hướng, tìm các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự quan trọng.
Trong giao dịch forex, có đến 10 công cụ Fibonacci khác nhau:
- Fibonacci thoái lui
- Fibonacci mở rộng dựa trên xu hướng
- Fibonacci kháng cự dạng quạt
- Fibonacci vùng thời gian
- Fibonacci vùng thời gian dựa trên xu hướng
- Fibonacci vòng
- Fibonacci hình xoắn ốc
- Fibonacci kháng cự hình cung
- Fibonacci hình cái nêm
- Kênh Fibonacci
Mỗi công cụ sẽ vẽ ra những hình dáng nhất định dựa trên các tỷ lệ Fibonacci, thực hiện các chức năng khác nhau trong phân tích. Tuy nhiên, đối với giao dịch forex, các bạn chỉ nên tập trung tìm hiểu 2 loại Fibonacci căn bản, phổ biến và có ứng dụng cao, đó là Fibonacci thoái lui và Fibonacci mở rộng theo xu hướng.
Fibonacci thoái lui – Fibonacci Retracement (FR)
Ứng dụng của Fibonacci thoái lui chính là xác định vị trí vào lệnh tốt.
Trong một xu hướng tăng, thông thường, các trader sẽ đợi khi thị trường kết thúc đợt điều chỉnh giảm sẽ vào lệnh hoặc trong một xu hướng giảm, trader sẽ vào lệnh khi thị trường kết thúc đợt điều chỉnh tăng.
Nhiệm vụ của Fibonacci Retracement chính là xác định các thời điểm mà giá sẽ kết thúc đợt điều chỉnh, cũng chính là các ngưỡng hỗ trợ tiềm năng trong xu hướng tăng hay các ngưỡng kháng cự mạnh trong xu hướng giảm.
Các tỷ lệ 0.236; 0.382; 0.5; 0.618 và 0.764 là các tỷ lệ Fibonacci được sử dụng trong công cụ này.
Cách vẽ Fibonacci thoái lui để xác định điểm vào lệnh tiềm năng
Mở phần mềm giao dịch MT4. Chọn theo đường dẫn: Insert 🡪 Fibonacci 🡪 Retracement.
- Đối với xu hướng tăng
Kéo con trỏ từ vị trí thấp nhất đến vị trí cao nhất của đoạn xu hướng tăng, Fibonacci Retracement sẽ hiển thị như hình bên dưới:
Các tỷ lệ FR trên hình chính là các ngưỡng hỗ trợ tiềm năng. Khi giá điều chỉnh về một trong các mức 0.236; 0.382; 0.5 hoặc 0.618 thì khả năng cao là nó sẽ đảo chiều đi lên, tiếp tục xu hướng tăng.
Đối với một xu hướng mạnh, giá thường thoái lui về các mức 0.236; 0.382 hoặc 0.5. Nhưng với một xu hướng yếu hơn, giá có thể thoái lui đến các mức 0.618 hoặc 0.764.
Khi giá vừa chạm vào một trong những mức thoái lui này, cũng chính là lúc các bạn vào những lệnh Buy tiềm năng.
- Đối với xu hướng giảm
Kéo con trỏ từ vị trí cao nhất đến vị trí thấp nhất của đoạn xu hướng giảm, Fibonacci Retracement sẽ hiển thị như hình dưới:
Các tỷ lệ FR trên hình là các ngưỡng kháng cự tiềm năng. Khi giá điều chỉnh về một trong các mức 0.236; 0.382; 0.5 hoặc 0.618 thì khả năng là giá sẽ đảo chiều đi xuống, tiếp tục xu hướng giảm.
Tương tự, trong một xu hướng giảm mạnh, giá thường sẽ thoái lui về các mức nhỏ hơn như 0.382 hoặc 0.5, nhưng đối với xu hướng giảm yếu, giá sẽ thoái lui sâu hơn, ở các mức 0.618, thậm chí 0.764.
Khi giá vừa chạm vào một trong các mức thoái lui này cũng là lúc các bạn vào những lệnh Sell tiềm năng.
Fibonacci mở rộng – Fibonacci Extension (FE)
Ngược lại với FR, Fibonacci mở rộng được sử dụng để xác định các điểm thoát lệnh hay chốt lời tiềm năng khi các bạn sử dụng Fibonacci thoái lui để vào lệnh.
Sau khi kết thúc đợt điều chỉnh, giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng chính. Nhiệm vụ của Fibonacci Extension chính là xác định các mức giá mà một xu hướng có thể chạm tới sau khi kết thúc đợt điều chỉnh. Tại các mức giá đó, thị trường tiếp tục đợt điều chỉnh mới hoặc chính thức đảo chiều, là thời điểm để các trader thoát lệnh đang nắm giữ.
Các tỷ lệ Fibonacci được sử dụng để chốt lời là các mức FE cao như 0.618; 1.0; 1.382; 1,618; 2.618; 4.618… trong đó, các tỷ lệ 0.618; 1.0; 1.382 và 1.618 là các mức mở rộng tiềm năng hay xảy ra nhất.
Cách vẽ Fibonacci mở rộng để xác định vị trí chốt lời tiềm năng
Cũng trên phần mềm giao dịch MT4, các bạn mở FE theo đường dẫn sau: Insert 🡪 Fibonacci 🡪 Expansion (hoặc Extension).
- Đối với xu hướng tăng
Kéo con trỏ từ vị trí thấp nhất đến vị trí cao nhất của đoạn xu hướng tăng, rồi nhả chuột ra. Kích đúp chuột trái vào công cụ FE hiển thị trên biểu đồ, kéo điểm thứ 3 đến vị trí kết thúc đợt điều chỉnh giảm.
Khi giá chạm vào một trong các mức FE như trên hình, các bạn có thể chốt lời ngay hoặc nếu xu hướng đang tăng mạnh, các bạn có thể trailing stop để hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận ở các mức mở rộng cao hơn.
- Đối với xu hướng giảm
Kéo con trỏ từ vị trí cao nhất đến vị trí thấp nhất của đoạn xu hướng giảm, sau đó nhả chuột ra. Kích đúp chuột vào công cụ FE trên đồ thị, kéo điểm thứ 3 đến vị trí kết thúc đợt điều chỉnh tăng.
Hướng dẫn cách giao dịch cơ bản với Fibonacci trong forex
Ở đây, chúng ta sẽ vừa sử dụng Fibonacci thoái lui để tìm điểm vào lệnh và cũng vừa sử dụng Fibonacci mở rộng để xác định thời điểm chốt lời.
Chiến lược giao dịch với Fibonacci
Các bước giao dịch với Fibonacci cụ thể như sau:
- Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại. Một trong những chiến lược giao dịch hiệu quả với Fibonacci chính là giao dịch thuận xu hướng, nghĩa là chỉ vào lệnh Buy trong xu hướng tăng hoặc chỉ vào lệnh Sell trong xu hướng giảm.
- Bước 2: Sử dụng Fibonacci thoái lui để xác định điểm vào lệnh
- Bước 3: Sử dụng Fibonacci mở rộng để xác định điểm chốt lời
Vấn đề đặt ra ở đây là: có rất nhiều các tỷ lệ FR hay FE tiềm năng, các bạn có thể sử dụng lệnh giới hạn để vào lệnh tại một trong các mức FR và có thể chọn một trong các mức FE nếu mục tiêu lợi nhuận đã đạt được. Tuy nhiên, cách giao dịch trên sẽ rất dễ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội vào lệnh tốt và có thể sẽ gặp rủi ro nếu thị trường đảo chiều khi các bạn chưa kịp chốt lợi nhuận ở mức FE đã lựa chọn.
Ví dụ: các bạn dự tính sẽ chọn tỷ lệ FR 0.618 để vào lệnh và sử dụng lệnh Buy Limit trong trường hợp này. Tuy nhiên, giá chỉ điều chỉnh về mức 0.382 đã quay đầu đi lên, bạn bỏ lỡ cơ hội giao dịch. Hoặc, bạn dự tính sẽ chốt lời ở tỷ lệ FE 1.382 nhưng khi giá vừa chạm vào tỷ lệ FE 1.0 thì lập tức giảm mạnh xuống, xóa bỏ toàn bộ lợi nhuận bạn đang có.
Vậy, cách giải quyết nào trong trường hợp này?
Fibonacci sẽ chỉ phát huy hết tính hiệu quả của nó khi nó được sử dụng kết hợp với các tín hiệu từ những công cụ khác. Và trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng 2 công cụ phổ biến, cung cấp tín hiệu mạnh và kết hợp khá ăn ý với Fibonacci, đó là đường trendline và các mô hình nến đảo chiều.
Chiến lược giao dịch như sau:
- Xác định điểm vào lệnh:
Sử dụng trendline: sau khi xác định xu hướng chung của thị trường, các bạn tiến hành vẽ đường trendline cho xu hướng đó. Khi giá chạm đến bất kỳ các mức Fibonacci thoái lui quan trọng nào (từ 0.382 – 0.764), các bạn xem xét giá có đồng thời chạm vào đường trendline của xu hướng hay không. Nếu có thì đó chính là thời điểm vào lệnh hợp lý.
Sử dụng mô hình nến đảo chiều: bất cứ khi nào giá chạm vào một trong các mức FR quan trọng (từ 0.382 – 0.764) mà tại đó xuất hiện các mô hình nến đảo chiều thì các bạn nên vào lệnh ngay sau khi mô hình nến đảo chiều đó hoàn thành.
- Xác định điểm chốt lời:
Sử dụng trendline: các bạn vẽ thêm một đường trendline nữa, tạo thành kênh giá của xu hướng. Bất cứ khi nào giá chạm vào một trong các mức Fibonacci mở rộng quan trọng (từ 0.618 – 2.618), các bạn cũng xem xét giá có đồng thời chạm vào kênh giá hay không, nếu có thì đó là thời điểm chốt lời hợp lý.
Sử dụng mô hình nến đảo chiều: bất cứ khi nào giá chạm vào một trong các mức FE quan trọng (từ 0.618 – 2.618) mà tại đó xuất hiện các mô hình nến đảo chiều thì các bạn có thể đóng lệnh ngay sau khi mô hình nến đảo chiều đó hoàn thành.
Lưu ý: các bạn có thể sử dụng kết hợp cả 3 công cụ này cùng lúc, nghĩa là sử dụng FR và trendline để tìm điểm vào lệnh và dùng FE với mô hình nến để chốt lời hoặc ngược lại, trong trường hợp đường trendline hoặc các mô hình nến không thể đồng thời cung cấp tín hiệu vào lệnh và chốt lời trong một giao dịch.
Ví dụ về kết hợp Fibonacci với trendline và mô hình nến đảo chiều trong giao dịch forex
Ví dụ 1: AUD/USD trên khung thời gian H4
Giá liên tục tạo đỉnh mới cao hơn, đáy mới cao hơn 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng. Đầu tiên, vẽ trendline cho xu hướng tăng. Tiếp đến, vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng tăng gần nhất.
Giá bắt đầu điều chỉnh giảm, tại các mức FR 0.382 hay 0.5 không xuất hiện mô hình nến đảo chiều nào, nhưng khi giá vừa chạm vào mức FR 0.618 thì đồng thời nó cũng chạm vào đường trendline của xu hướng (lúc này đang đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ mạnh), tín hiệu tốt để các bạn vào lệnh Buy. Đặt stop loss phía dưới đáy của đoạn xu hướng tăng một vài pips.
Chính xác là giá đã kết thúc đợt điều chỉnh tại mức FR 0.618. Tiếp đến, các bạn vẽ Fibonacci Extension để xác định điểm chốt lời.
Trong tình huống này, việc vẽ kênh giá cho xu hướng không được tối ưu.
Khi giá chạm vào mức FE 0.618, các bạn vẫn có thể đóng lệnh lúc này, tuy nhiên, tỷ lệ Risk:Reward không tốt, và vẫn chưa có tín hiệu đảo chiều nào xuất hiện, các bạn có thể chờ đợi thêm. Khi giá chạm đến mức mở rộng FE 1.0, lúc này, mô hình đảo chiều giảm Tweezer Top (Đỉnh nhíp) xuất hiện, cho tín hiệu giá đảo chiều. Chờ đợi mô hình này hoàn thành, các bạn có thể đóng lệnh.
Mặc dù sự đảo chiều chưa thực sự xảy ra nhưng đó cũng là mức chốt lời hợp lý. Vì ngay sau đó, giá quay lại test mức FE 0.618, các bạn sẽ rất dễ hoang mang vì cho rằng nó đã chính thức đảo chiều, nếu đóng lệnh lúc này, lợi nhuận sẽ bị giảm đi.
Ví dụ 2: GBP/USD trên khung thời gian H1
Sau khi xác định thị trường đang trong xu hướng giảm, các bạn vẽ đường trendline cho xu hướng.
Vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng giảm gần nhất để tìm điểm vào lệnh. Khi giá chạm vào mức FR 0.382, chưa xuất hiện mô hình nến đảo chiều nào và giá cũng chưa chạm vào trendline của xu hướng, tiếp tục chờ đợi giá thoái lui về mức FR 0.5. Tại đây, mặc dù giá vẫn chưa chạm vào trendline nhưng xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm Bearish Engulfing (Nhấn chìm giảm), các bạn có thể vào lệnh Sell sau khi mô hình này hoàn thành.
Tiếp đến, vẽ Fibonacci Extension để xác định điểm chốt lời. Nhìn vào chuyển động của giá, chúng ta có thể hình dung một kênh giá khá đẹp cho xu hướng này, các bạn tiến hành vẽ đường trendline dưới.
Khi giá chạm vào mức FE 1.0 cũng là lúc giá chạm vào đường trendline dưới của kênh giá (đang đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ mạnh), các bạn có thể đóng lệnh tại vị trí này.
Kết luận
Không phải ngẫu nhiên mà Fibonacci lại trở thành công cụ giao dịch yêu thích của các trader, Fibonacci dễ sử dụng, cung cấp đầy đủ các tín hiệu cho một lệnh hoàn chỉnh. Tuy nhiên, như đã nói, sử dụng Fibonacci độc lập trong giao dịch vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm, đặc biệt là trong việc lựa chọn các tỷ lệ của nó để vào lệnh hay chốt lời.
Hy vọng qua nội dung của bài viết này, các bạn đã biết cách sử dụng Fibonacci hiệu quả hơn trong giao dịch bằng cách kết hợp thêm những công cụ phân tích khác. Sau mỗi kiến thức về công cụ giao dịch mới, hãy luyện tập sử dụng nó thật nhiều, bạn nhé.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.