Trang chủĐường EMA là gì? Cách giao dịch hiệu quả với đường EMA

Đường EMA là gì? Cách giao dịch hiệu quả với đường EMA

Admin

Đã là một forex trader thì không thể không biết đến đường trung bình trượt MA. Nhờ tính chất trung bình trượt thể hiện được xu hướng thị trường mà chỉ báo này được sử dụng rộng rãi trong giao dịch, kể cả các trader chuyên nghiệp cũng không ngoại lệ.

Đường EMA chính là một trong số 3 phiên bản của đường MA và EMA cũng là phiên bản được sử dụng nhiều nhất trong phân tích và giao dịch. Cũng chính vì là một đường trung bình động, nên EMA cũng thực hiện chức năng xác định xu hướng thị trường. Bên cạnh đó, EMA còn cung cấp các thông tin vào, thoát lệnh hiệu quả.

Vậy, EMA được tính như thế nào, cung cấp những tín hiệu gì và cách giao dịch ra sao? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

Đường EMA là gì? Công thức tính EMA

EMA (Exponential Moving Average) là trung bình trượt hàm mũ hay trung bình trượt lũy thừa. Là một loại trung bình di động nhưng chú trọng vào các biến động giá gần với hiện tại hơn là dàn trải đều sự ảnh hưởng của tất cả các mức giá có trong chu kỳ như trung bình trượt đơn giản SMA.

Trong phân tích và giao dịch, đường EMA được sử dụng như một chỉ báo kỹ thuật, nhằm xác định xu hướng của nhiều loại tài sản khác nhau trên các thị trường tài chính. Bất kỳ loại tài sản nào có giá cả phụ thuộc vào mối quan hệ cung – cầu cũng đều được sử dụng được đường EMA nói riêng và các loại đường trung bình trượt MA nói chung.

Công thức tính EMA

Đường EMA được tính toán có phần phức tạp hơn nhiều so với đường trung bình trượt đơn giản SMA.

EMA(n) = Pt * k + EMA(t-1) * (1-k)

Trong đó:

n: chu kỳ của đường EMA

Pt: giá đóng cửa của phiên giao dịch thứ t, tức phiên giao dịch hiện tại. Pt cũng có thể là các mức giá mở cửa, cao nhất hoặc thấp nhất, nhưng giá đóng cửa được ưu tiên hơn vì nó thể hiện được đúng kết quả của phiên giao dịch.

k: hệ số làm mượt, với k = 2 / (n+1)

EMA(t-1): giá trị trung bình trượt hàm mũ của phiên giao dịch kế trước. Vì giá trị EMA đầu tiên không thể tính được nên sẽ sử dụng giá trị SMA hoặc giá đóng cửa của phiên giao dịch tương ứng với giá trị EMA đầu tiên.

Ví dụ về cách tính đường EMA

Cho dữ liệu giá đóng cửa của cặp USD/JPY trên khung thời gian D1, từ ngày 25/2/2021 – 25/3/2021. Tính các giá trị EMA(10).

Với n = 10, suy ra k = 0.18, 1-k = 0.82

Để dễ hình dung quy trình tính toán EMA, các bạn có thể theo dõi bảng tính sau:

Khi nối tất cả các giá trị EMA(10) lại với nhau, ta được đường EMA(10) trên đồ thị giá.

So sánh giá đóng cửa với các giá trị EMA(10) trong giai đoạn đang xét ở trên, ta có kết quả như sau:

Ngoại trừ ngày thứ 20 (24/3), giá đóng cửa thấp hơn EMA(10) thì tất cả các ngày còn lại đều có giá đóng cửa cao hơn EMA(10). Điều này có thể phần nào chứng tỏ được giá đang trong một xu hướng tăng vì nó đang cao hơn so với mức trung bình của giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá đóng cửa và EMA(10) đang có xu hướng thu hẹp dần, chứng tỏ mức độ tăng đang yếu đi hay lực của xu hướng tăng đang yếu đi.

Quan sát trên đồ thị giá, các bạn có thể hình dung rõ hơn về kết luận này.

Trong cả giai đoạn từ 25/2 – 25/3, giá luôn nằm trên đường EMA(10), thị trường đang tăng. Bắt đầu từ ngày 10/3 trở về sau (tương ứng với khoảng thời gian tính được các giá trị EMA ở bảng trên), giá càng tiến sát đường EMA(10) hơn.

Thông qua ví dụ này thì chúng ta cũng thấy được phần nào về khả năng xác định xu hướng của EMA. Cụ thể hơn, EMA cung cấp những tín hiệu dự báo xu hướng nào thì chúng ta sẽ làm rõ hơn ở các phần sau.

Chu kỳ của đường EMA

Chu kỳ của đường EMA có 3 loại:

  • Chu kỳ ngắn: ví dụ như 5, 9, 10, 14…
  • Chu kỳ trung hạn: ví dụ như 20, 34, 50, 89…
  • Chu kỳ dài hạn: ví dụ như 100, 200 hay 250…

Trong đó, ý nghĩa của một vài chu kỳ như sau:

  • EMA(5) tượng trưng cho 5 ngày giao dịch trong một tuần
  • EMA(9) hoặc EMA(10): tượng trưng cho trung bình số ngày trong 2 tuần giao dịch
  • EMA(20): trung bình số ngày giao dịch trong 1 tháng
  • EMA(200) hoặc EMA(250): số ngày giao dịch trung bình trong năm (sau khi trừ đi những ngày nghỉ lễ)
  • EMA(34), EMA(89): các con số 34, 89 là những con số liên quan đến lý thuyết sóng chủ của sóng Elliott

Vậy thì, nên chọn chu kỳ nào để phân tích?

Chu kỳ của EMA sẽ quyết định đến 2 yếu tố của chỉ báo, bao gồm độ trễ và độ mượt.

Độ trễ đặc trưng cho khả năng phản ứng với chuyển động của giá cả, trong khi độ mượt thể hiện khả năng bám sát với giá.

Giả sử các bạn giao dịch ngắn hạn, sử dụng khung thời gian H1, Hãy cùng xem sự khác biệt giữa 2 đường EMA với 2 chu kỳ khác nhau.

Đồ thị trên sử dụng đường EMA(10) và EMA(34).

Nhìn sơ qua thì có thể thấy được ngay đường EMA(34) mượt hơn so với đường EMA(10). EMA(10) theo sát những chuyển động của giá, còn EMA(34) cách xa đường giá hơn và chỉ phản ứng với những biến động mạnh của giá.

Vì đều là những chỉ báo chậm nên cho dù chu kỳ là 10 hay 34 thì cả 2 đường EMA đều có độ trễ nhất định, tức là phản ứng chậm so với biến động của giá. Khi giá tạo đỉnh thì sau đó vài nhịp, EMA(10) mới tạo đỉnh, EMA(34) thì phản ứng còn chậm hơn. Tương tự như với khi giá tạo đáy.

Tóm lại:

  • Chu kỳ càng ngắn thì EMA càng bám sát đường giá, phản ứng nhanh hơn với giá, cung cấp tín hiệu sớm hơn, trader không bỏ lỡ cơ hội vào lệnh đẹp nhưng lại nhiều tín hiệu gây nhiễu. Nếu chu kỳ quá ngắn thì chuyển động của EMA gần như song song với giá, nên việc xác định xu hướng dựa vào EMA không còn có ý nghĩa nữa.
  • Chu kỳ càng dài thì EMA càng xa đường giá, càng mượt hơn, ít tín hiệu gây nhiễu hơn nhưng sẽ phản ứng chậm hơn, độ trễ cao hơn nên cung cấp tín hiệu muộn hơn, trader mất cơ hội vào lệnh đẹp. Nếu chu kỳ quá dài thì EMA sẽ quá mượt, không thể phát hiện ra bất kỳ xu hướng nào từ EMA.

Việc lựa chọn chu kỳ như thế nào cho đường EMA phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân mỗi trader. Chiến lược của bạn là gì? Giao dịch ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn? Trên khung thời gian nào? Bạn cần dùng EMA để xác định chính xác xu hướng hay dùng EMA để tìm điểm vào lệnh đẹp?… Trong quá trình giao dịch thực tế, thử nghiệm qua nhiều chu kỳ khác nhau, các bạn sẽ tự nhận ra thông số nào là tối ưu nhất cho các chiến lược của mình. 

Hướng dẫn chèn đường EMA vào đồ thị giá trên MT4

Để chèn đường EMA, các bạn làm theo đường dẫn sau: Insert 🡪 Indicators 🡪 Trend 🡪 Moving Average.

Hộp thoại cài đặt chỉ báo hiện ra như bên dưới:

Đối với EMA, các bạn chỉ cần quan tâm đến các thông số trong tab Parameters.

  • Period: chọn chu kỳ cho chỉ báo
  • Shift: giữ nguyên giá trị mặc định là 0
  • MA Method: phương pháp tính đường trung bình trượt, chọn Exponential (EMA)
  • Apply to: chọn dữ liệu giá đóng cửa Close
  • Style: chọn màu sắc, đường nét và độ dày mỏng cho chỉ báo. 
  • Bấm OK để hoàn tất cài đặt

Đường EMA cung cấp tín hiệu gì?

Thứ nhất, ở thời điểm hiện tại, giá trị của EMA chính là mức trung bình của một giai đoạn trong quá khứ. Khi giá của phiên giao dịch hiện tại cao hơn EMA (giá nằm trên EMA) nghĩa là nó đang cao hơn so với mức trung bình ở giai đoạn trước. Liên tục các mức giá đều nằm trên EMA chứng tỏ kỳ vọng của nhà đầu tư ở hiện tại đang cao hơn kỳ vọng trung bình của họ ở giai đoạn trước, thị trường đang trong xu hướng tăng. Và ngược lại, liên tục các mức giá hiện tại đều nằm dưới đường EMA, chứng tỏ kỳ vọng của nhà đầu tư đang thấp hơn so với kỳ vọng trung bình của họ ở giai đoạn trước, thị trường đang trong xu hướng giảm.

Vậy, tín hiệu mà EMA cung cấp ở đây chính là xu hướng. Cụ thể:

  • Nếu giá liên tục nằm trên đường EMA 🡪 tín hiệu thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Nếu giá liên tục nằm dưới đường EMA 🡪 tín hiệu thị trường đang trong xu hướng giảm

Khi giá và EMA liên tục cắt nhau, vị trí giữa 2 đường không rõ ràng thì thị trường không có xu hướng cụ thể hoặc là thị trường đang đi ngang, sideway.

Thứ hai, khi thị trường đang trong xu hướng tăng, thì đồng nghĩa với việc giá không thể nào thấp hơn mức trung bình của nó ở giai đoạn trước. Lúc này, giá luôn nằm trên đường EMA và không thể vượt xuống dưới đường EMA. Đường EMA trong trường hợp này trở thành một ngưỡng hỗ trợ động. Ngược lại, khi thị trường đang trong xu hướng giảm, giá không thể tăng lên cao hơn mức trung bình của nó ở giai đoạn trước. Lúc này, giá luôn nằm dưới đường EMA và không thể vượt lên trên đường EMA. Đường EMA trong trường hợp này đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự động.

Hai khái niệm hỗ trợ, kháng cự động để ám chỉ rằng chúng luôn thay đổi theo sự di chuyển của giá chứ không cố định như các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự tĩnh được tạo bởi trendline, kênh giá hay các mức hỗ trợ, kháng cự tạo bởi các mức giá trong quá khứ.

Vậy thì, tín hiệu tiếp theo mà EMA cung cấp liên quan đến cả xu hướng và các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự. Cụ thể:

  • Trong xu hướng tăng, đường EMA có vai trò là một ngưỡng hỗ trợ mạnh. Khi giá điều chỉnh giảm và chạm vào đường EMA sẽ có xu hướng quay đầu đi lên lại, kết thúc đợt điều chỉnh.
  • Trong xu hướng giảm, đường EMA có vai trò là một ngưỡng kháng cự mạnh. Khi giá điều chỉnh tăng và chạm vào đường EMA sẽ có xu hướng quay đầu đi xuống lại, kết thúc đợt điều chỉnh.

Cả 2 tín hiệu mà EMA cung cấp sẽ giúp trader vừa xác định được xu hướng thị trường, vừa tìm được các điểm vào/thoát lệnh.

So sánh đường EMA và đường SMA

Để so sánh 2 đường trung bình trượt, chúng ta sẽ so sánh thông qua độ trễ và độ mượt của chúng trên đồ thị.

Thứ nhất, về độ mượt, đường SMA mượt hơn so với EMA. EMA bám sát hơn với chuyển động của giá, trong khi SMA gần như chỉ phản ứng với những biến động lớn của giá.

Thứ hai, về độ trễ. Rõ ràng, cả 2 đều có độ trễ. Nhưng SMA có độ trễ cao hơn, khi giá tạo đỉnh, sau đó vài nhịp EMA cũng tạo đỉnh nhưng SMA lại tạo đỉnh sau cùng.

Tóm lại, mỗi loại MA sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau, ưu điểm của EMA sẽ là nhược điểm của SMA và ngược lại. Cụ thể như sau:

  • Đường SMA
    • Ưu điểm: mượt hơn, ít tín hiệu gây nhiễu hơn
    • Nhược điểm: độ trễ cao hơn, mất cơ hội vào lệnh đẹp
  • Đường EMA
    • Ưu điểm: độ trễ thấp hơn, cơ hội vào lệnh tốt hơn
    • Nhược điểm: bám sát đường giá hơn, nhiều tín hiệu gây nhiễu hơn

Vậy, trader nên sử dụng SMA hay EMA để giao dịch?

Sẽ không có loại nào tốt hơn và phụ thuộc vào từng chiến lược mà trader sẽ lựa chọn EMA hay SMA cho các giao dịch của mình.

Nếu bạn cần một chỉ báo phản ứng nhanh hơn với giá và có điểm vào lệnh đẹp trong ngắn hạn thì có thể lựa chọn EMA. Ngược lại, nếu bạn muốn dự báo chính xác xu hướng trong dài hạn thì nên ưu tiên SMA.

Trên thực tế, bạn có thể kết hợp cả 2 chỉ báo này trong chiến lược giao dịch đa khung thời gian, nghĩa là dùng SMA trên khung thời gian lớn để xác định xu hướng chung của thị trường, sau đó dùng EMA trên khung nhỏ hơn để tìm điểm vào lệnh đẹp thuận xu hướng chính.

Cách giao dịch hiệu quả với đường EMA

Đối với chỉ báo EMA, các bạn có thể giao dịch theo 4 cách sau:

  • Giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa giá và đường EMA
  • Giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa 2 đường EMA
  • Sử dụng EMA như các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự
  • Giao dịch kết hợp EMA với các chỉ báo, công cụ khác

Trong 4 cách nêu trên thì cách 1 và 2 gần như giống nhau, bởi lẽ giá chính là đường EMA có chu kỳ 1. Và trong 2 cách này thì chúng ta sẽ ưu tiên giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa 2 đường EMA. Mặc dù tín hiệu bị trễ hơn nhưng tần suất giao cắt giữa 2 đường EMA xảy ra thấp hơn so với sự giao cắt giữa đường EMA và giá nên sẽ ít tín hiệu gây nhiễu hơn.

Mặc dù lệnh Buy dựa trên tín hiệu giao cắt giữa giá và EMA(20) sẽ mang về lợi nhuận cao hơn so với lệnh Buy dựa trên tín hiệu giao cắt giữa EMA(20) và EMA(50) nhưng khi giá liên tục cắt EMA, chúng ta sẽ khó xác định được thời điểm vào lệnh nào là hợp lý nhất.

Giao dịch thuận xu hướng với tín hiệu 2 đường EMA cắt nhau

Đường EMA có chu kỳ ngắn hơn là đường EMA nhanh, đường EMA có chu kỳ dài hơn là đường EMA chậm. Cách gọi này xuất phát từ độ trễ khi cung cấp tín hiệu giữa một chu kỳ ngắn và một chu kỳ dài.

Để chiến lược này được hiệu quả hơn thì các bạn nên giao dịch thuận xu hướng hay sử dụng chiến lược giao dịch đa khung thời gian.

Nếu xu hướng chung là đang tăng thì chỉ nên vào lệnh Buy, ngược lại, nếu xu hướng chung là đang giảm thì chỉ nên vào lệnh Sell.

Cách giao dịch cụ thể như sau

Bước 1: Trên khung thời gian lớn như D1, xác định xu hướng chính của thị trường.

  • Nếu dùng SMA: giá đang nằm trên đường SMA 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại.
  • Nếu dùng cấu trúc xu hướng: giá tạo đỉnh cao hơn, đáy cao hơn 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại.

Bước 2: Trên khung thời gian nhỏ hơn như H1 hoặc H4, tìm điểm vào lệnh thuận xu hướng chính

  • Nếu xu hướng chính là TĂNG. Chờ EMA nhanh cắt EMA chậm từ dưới lên 🡪 vào lệnh Buy. Đóng lệnh khi EMA nhanh cắt EMA chậm từ trên xuống.
  • Nếu xu hướng chính là GIẢM. Chờ EMA nhanh cắt EMA chậm từ trên xuống 🡪 vào lệnh Sell. Đóng lệnh khi EMA nhanh cắt EMA chậm từ dưới lên.

Ví dụ

Sau khi giá tích lũy được một thời gian và không có xu hướng rõ ràng thì giá cắt đường SMA(50) từ trên xuống, báo hiệu thị trường bắt đầu chuyển sang xu hướng giảm. Xu hướng giảm đã trở nên rõ ràng hơn khi tất cả các mức giá sau đó đều nằm dưới đường SMA(50), bên cạnh đó, cấu trúc của xu hướng cũng thỏa mãn thị trường đi xuống: giá tạo đỉnh thấp hơn, đáy thấp hơn.

Việc của chúng ta lúc này là quay trở lại khung H1, chờ đợi EMA nhanh cắt EMA chậm từ trên xuống để vào lệnh Sell.

Tại cùng thời điểm với khung D1 ở trên (từ đường thẳng đứng màu đen trở về trước trên đồ thị giá), giá cũng đang trong xu hướng không rõ ràng, đường EMA(20) đang nằm trên đường EMA(34). Tiếp tục chờ đợi EMA(20) cắt EMA(34) từ trên xuống.

Sau đó chỉ khoảng vài phiên giao dịch, đường EMA(20) đã cắt đường EMA(34) từ trên xuống 🡪 vào lệnh Sell. Quay trở lại khung D1 để đặt stop loss phía trên đỉnh gần nhất trước đó. Đóng lệnh khi EMA(20) cắt EMA(34) từ dưới lên trên khung H1.

Sử dụng EMA như các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự

Trong một xu hướng tăng, phần lớn các mức giá sẽ nằm phía trên đường EMA, EMA lúc này đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ mạnh. Khi giá điều chỉnh giảm và chạm vào đường EMA, cơ hội để trader vào lệnh Buy.

Trong một xu hướng giảm, phần lớn các mức giá sẽ nằm phía dưới đường EMA, EMA lúc này đóng vai trò là một ngưỡng kháng cự mạnh. Khi giá điều chỉnh tăng và chạm vào đường EMA, cơ hội để trader vào lệnh Sell.

Cách giao dịch này cũng thỏa mãn chiến lược vào lệnh thuận xu hướng chính, giúp hạn chế rủi ro cho trader.

Cách giao dịch như sau

Bước 1: Xác định xu hướng chung của thị trường và lực cản của EMA

  • Nếu phần lớn các mức giá đều nằm trên đường EMA 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng. Đường EMA sẽ là mức hỗ trợ mạnh nếu ít nhất 2 lần giá điều chỉnh giảm và chạm vào EMA, sau đó quay đầu đi lên.
  • Nếu phần lớn các mức giá đều nằm dưới đường EMA 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm. Đường EMA sẽ là mức kháng cự mạnh nếu ít nhất 2 lần giá điều chỉnh tăng và chạm vào EMA, sau đó quay đầu đi xuống.

Bước 2: Vào lệnh

  • Trong xu hướng tăng, chờ đợi giá tiếp tục giảm và chạm vào EMA 🡪 vào lệnh Buy
  • Trong xu hướng giảm, chờ đợi giá tiếp tục tăng và chạm vào EMA 🡪 vào lệnh Sell

Ví dụ

Sau khi EMA(20) cắt EMA(34) từ dưới lên, tất cả các mức giá đều nằm trên EMA(34) 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng. Giá đã ít nhất 2 lần điều chỉnh giảm và chạm vào EMA(34) sau đó quay đầu đi lên.

Kể từ sau 2 lần test EMA(34) đó, bất cứ khi nào giá chạm vào EMA(34) là các bạn có thể vào lệnh Buy. Đặt stop loss phía dưới đáy gần nhất trước đó. 

Trong chiến lược này, các bạn có thể đóng lệnh bằng các tín hiệu từ mô hình nến đảo chiều, ví dụ như trên hình là mô hình đảo chiều giảm Tweezer Top. Đóng lệnh ngay khi mô hình này hoàn thành. Nếu lựa chọn tín hiệu đóng lệnh khi EMA(20) cắt EMA(34) từ trên xuống thì lợi nhuận đã giảm đi đáng kể, chưa tính các lệnh về sau sẽ bị thua lỗ.

Đường EMA kết hợp với công cụ khác

Chiến lược kết hợp EMA với những công cụ khác thường được áp dụng trong trường hợp các bạn sử dụng EMA như các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự. Bởi lẽ nếu giao dịch với chiến lược như trên, cứ thấy giá chạm EMA thì vào lệnh sẽ vô cùng rủi ro, vì có thể giá sẽ không kết thúc đợt điều chỉnh và quay đầu tiếp tục xu hướng chính mà nhiều khả năng nó sẽ đảo chiều luôn tại đó. Sử dụng tín hiệu từ những công cụ khác như một cách xác nhận lại lực cản từ EMA vẫn còn đủ mạnh để đưa giá tiếp tục đi theo xu hướng chính.

Kết hợp với chỉ báo MACD

Tham khảo: MACD là gì? Cách giao dịch hiệu quả với MACD

Cách giao dịch như sau:

  • Bước 1: xác định xu hướng chung của thị trường và lực cản của EMA (bước này thực hiện tương tự như chiến lược trên)
  • Bước 2 Vào lệnh
    • Trong xu hướng tăng, tiếp tục chờ giá điều chỉnh giảm, chạm vào EMA , đồng thời MACD cắt đường Signal từ dưới lên 🡪 vào lệnh Buy.
    • Trong xu hướng giảm, tiếp tục chờ giá điều chỉnh tăng, chạm vào EMA, đồng thời MACD cắt đường Signal tử trên xuống 🡪 vào lệnh Sell.

Ví dụ

Đường EMA(50) cắt EMA(89) từ dưới lên và tất cả các mức giá đều nằm trên EMA(89) 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng.

Ở cả 3 lệnh Buy trong trường hợp này đều được thực hiện khi giá điều chỉnh giảm, chạm vào EMA(89) và đồng thời MACD cắt đường Signal từ dưới lên. Giá đã thực sự tiếp tục đi lên theo xu hướng chính.

Sau đó, đồ thị giá xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm Bearish Engulfing, đồng thời lúc đó MACD cắt đường Signal từ trên xuống 🡪 báo hiệu thị trường đảo chiều giảm, các bạn có thể đóng lệnh tại đây.

Kết hợp Fibonacci

Fibonacci Retracement là công cụ vô cùng hữu ích để xác định thời điểm kết thúc đợt điều chỉnh của giá khi thị trường đang trong một xu hướng cụ thể. Khi giá điều chỉnh về các tỷ lệ quan trọng của Fibonacci Retracement, đồng thời giá cũng chạm vào các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự mạnh thì khả năng giá kết thúc đợt điều chỉnh và quay đầu tiếp tục xu hướng chính sẽ rất cao.

Tham khảo: Fibonacci là gì? Ứng dụng dãy số Fibonacci vào trong giao dịch forex.

Cách giao dịch như sau:

  • Bước 1: Xác định xu hướng chung của thị trường và lực cản của EMA
  • Bước 2: Vào lệnh
    • Nếu thị trường đang tăng 🡪 vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng tăng gần nhất 🡪 chờ đợi giá tiếp tục điều chỉnh giảm và chạm vào EMA, đồng thời giá cũng đang thoái lui về một trong các tỷ lệ FR quan trọng 🡪 vào lệnh Buy.
    • Nếu thị trường đang giảm 🡪 vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng giảm gần nhất 🡪 chờ đợi giá tiếp tục điều chỉnh tăng và chạm vào EMA, đồng thời giá cũng đang thoái lui về một trong các tỷ lệ FR quan trọng 🡪 vào lệnh Sell.

Ví dụ

Đường EMA(34) cắt EMA(50) từ dưới lên, phần lớn các mức giá đều nằm trên EMA(50) 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng. Giá 2 lần chạm vào EMA(50) và quay đầu đi lên 🡪 đường EMA(50) đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ động mạnh.

Khi giá tiếp tục đợt điều chỉnh mới và chạm vào EMA(50) cũng là lúc giá thoái lui về tỷ lệ FR 0.5, một tỷ lệ Fibonacci quan trọng, khả năng cao giá sẽ đảo chiều đi lên. Vào lệnh ngay khi cây nến xanh chạm vào EMA(50) đóng cửa. Sau đó, trên đồ thị xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm Evening Star, các bạn có thể đóng lệnh khi mô hình này hoàn thành, hoặc có thể dùng Fibonacci Extension để chốt lời.

Kết luận

EMA là chỉ báo trung bình trượt được sử dụng rất phổ biến và vô cùng hiệu quả trong việc nhận diện xu hướng. Mà bạn biết rồi đấy, đối với giao dịch forex thì xu hướng cực kỳ quan trọng. Hãy luyện tập giao dịch với EMA thường xuyên với những chiến lược mà chúng tôi đã gợi ý trong bài viết. Từ đó tìm ra thông số tốt nhất cho chỉ báo này và biến kinh nghiệm thành bí quyết sử dụng EMA hiệu quả nhất đối với bạn.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Đường EMA là gì? Cách giao dịch hiệu quả với đường EMA
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan