Một trong những chiến lược giao dịch được hầu hết các forex trader ưa chuộng, đó là chờ đợi thị trường rơi vào trạng thái tích lũy để sau đó là một sự bức phá mạnh mẽ đi kèm với tiềm năng lợi nhuận cao. Đó cũng là lý do mà các Price action trader luôn có hứng thú giao dịch với những mô hình giá cung cấp dạng tín hiệu như vậy, và mô hình giá Tam giác (Triangle patterns) là một trong số những price pattern đó.
Tuy nhiên, mô hình giá Tam giác có đặc điểm khá giống với một số mô hình khác như Wedge patterns (mô hình Cái nêm) hay Pennant patterns (mô hình Cờ đuôi nheo) nên thường gây khó khăn cho các trader mới trong việc nhận diện mô hình và xác định hướng giao dịch.
Trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giúp các bạn phân biệt đặc điểm của các mô hình đó, đồng thời chia sẻ cách hướng dẫn giao dịch hiệu quả nhất với mô hình giá Tam giác dành cho những trader mới. Cùng theo dõi nhé.
Mô hình giá Tam giác là gì?
Mô hình giá Tam giác (Triangle patterns) xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc giảm, cho biết xu hướng đang tạm nghỉ, giá bắt đầu di chuyển trong phạm vi hẹp lại và có xu hướng hội tụ lại một điểm. Hiện tượng giá biến động với biên độ giảm dần và hội tụ được xem là trạng thái tích lũy, và sau đợt tích lũy này, phạm vi giao dịch được mở rộng, giá biến động mạnh theo một hướng cụ thể, hoặc là tiếp diễn xu hướng hiện tại, hoặc là đảo chiều xu hướng.
Mô hình giá Tam giác bao gồm 2 đường xu hướng, đường ở trên nối các đỉnh và đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự, đường ở dưới nối các đáy và đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ. Trong 2 đường xu hướng này, một đường bắt buộc hướng xuống hoặc lên, đường còn lại đi theo hướng ngược lại hoặc đi ngang.
Mô hình giá Tam giác có đến 3 dạng: Tam giác cân, Tam giác giảm và Tam giác tăng, nhưng về ý nghĩa chung thì mô hình này cho thấy sự lưỡng lự giữa phe mua và phe bán, cả 2 đều không quyết liệt trong việc chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn tích lũy này, một trong 2 phe đang củng cố lực lượng và đến thời điểm thích hợp sẽ dốc hết lực lượng để đẩy giá đi xa hơn theo hướng kỳ vọng, đó là lúc mô hình Tam giác bị phá vỡ.
Cũng giống như các price patterns khác, mô hình giá Tam giác được áp dụng trên hầu hết mọi loại tài sản, mọi thị trường tài chính và trên những khung thời gian lớn, từ H1 trở lên, mô hình sẽ đáng tin cậy hơn và cho lợi nhuận cao hơn.
Phân loại mô hình giá Tam giác. Đặc điểm nhận diện mô hình và ý nghĩa
Mô hình giá Tam giác cân (Symmetrical Triangle)
Đặc điểm nhận diện
Mô hình này được hình thành khi giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước, làm cho đường kháng cự dốc xuống, trong khi đó đường hỗ trợ dốc lên, đối xứng nhau và hội tụ tại một điểm, tạo thành hình dáng như một tam giác cân.
Mô hình Tam giác cân có thể xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc giảm và khi mô hình này bị phá vỡ, giá cũng có thể phá vỡ theo hướng đi lên hoặc đi xuống.
Ý nghĩa
Giá tạo đỉnh thấp hơn cho thấy phe mua không thể đẩy giá lên cao hơn và giá tạo đáy cao hơn cũng chứng tỏ phe bán không thể đưa giá xuống thấp hơn. Cả 2 phe đều không đẩy giá đi đủ xa để tạo ra xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng. Đây được xem là trận đấu hòa giữa 2 phe mua và bán.
Khi 2 đường xu hướng tiến gần nhau hơn, điều này có nghĩa rằng một sự bức phá sắp diễn ra. Mặc dù không biết chắc sự bức phá sẽ diễn ra như thế nào nhưng cho đến cuối cùng, một phe sẽ dốc hết sức đẩy giá đi xa hơn, phe còn lại sẽ nhượng bộ để tạo ra một xu hướng mới.
Mô hình giá Tam giác tăng (Ascending Triangle)
Đặc điểm nhận diện
Mô hình giá Tam giác tăng được hình thành khi giá tạo đáy sau cao hơn đáy trước làm cho đường hỗ trợ dốc lên và các đỉnh gần như bằng nhau nên đường kháng cự là một đường nằm ngang.
Mặc dù trong hầu hết số lần xuất hiện trên thị trường, mô hình Tam giác tăng xuất hiện trong một xu hướng tăng, nhưng việc nó xuất hiện trong xu hướng giảm không phải là hoàn toàn không thể xảy ra và cũng giống như mô hình Tam giác cân, mô hình này cũng có thể phá vỡ theo hướng đi lên hoặc đi xuống. Cho nên, khi giao dịch với mô hình giá Tam giác tăng hay bất kỳ biến thể nào, các bạn cũng đừng nên quá quan tâm đến xu hướng phía trước, mà quan trọng là chiều hướng phá vỡ của mô hình.
Ý nghĩa
Đường kháng cự nằm ngang cho thấy giá đang ở một mức trần mà phe mua không thể vượt qua, tuy nhiên, họ vẫn đang nỗ lực để đẩy giá lên cao, bằng chứng là các đáy mới đang cao dần lên. Khi phe mua tiếp tục gây áp lực lên ngưỡng kháng cự thì chắc chắn một sự bức phá mạnh mẽ sẽ theo ngay sau đó.
Quan trọng là, giá sẽ bức phá theo hướng nào?
Trong hầu hết các trường hợp, phe mua sẽ chiến thắng và giá sẽ phá vỡ đi lên, nhưng đôi khi lực cản của kháng cự quá mạnh và phe mua không đủ lực để bứt phá, giá sẽ phá vỡ đi xuống. Điều cần thiết không phải là dự đoán giá sẽ phá vỡ mô hình theo hướng nào mà là cần phải chuẩn bị vào lệnh như thế nào khi mô hình bị phá vỡ.
Mô hình giá Tam giác giảm (Descending Triangle)
Đặc điểm nhận diện
Ngược lại với mô hình giá Tam giác tăng, mô hình giá Tam giác giảm được hình thành khi giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước làm cho đường kháng cự dốc xuống và các đáy gần như bằng nhau nên đường hỗ trợ là một đường nằm ngang.
Mặc dù trong hầu hết số lần xuất hiện trên thị trường, mô hình Tam giác giảm xuất hiện trong một xu hướng giảm, nhưng việc nó xuất hiện trong xu hướng tăng không phải là hoàn toàn không thể xảy ra và cũng giống như 2 biến thể trên, mô hình này cũng có thể phá vỡ theo hướng đi lên hoặc đi xuống. Cho nên, khi giao dịch với mô hình giá Tam giác giảm đừng quan tâm đến việc giá sẽ đi đâu, mà chỉ cần biết rằng giá sắp biến động.
Ý nghĩa
Đường hỗ trợ nằm ngang cho thấy giá đang ở một mức sàn mà phe bán không thể vượt qua, tuy nhiên, họ vẫn đang nỗ lực để kéo giá xuống hơn nữa, bằng chứng là các đỉnh mới đang thấp dần. Khi phe bán tiếp tục gây áp lực lên ngưỡng hỗ trợ thì chắc chắn một sự bức phá mạnh mẽ sẽ theo ngay sau đó.
Đa phần là phe bán sẽ chiến thắng và giá sẽ phá vỡ mô hình đi xuống, nhưng cũng không ngoại lệ trường hợp lực bán không đủ mạnh để chiến thắng lực cản của hỗ trợ nên giá sẽ bật trở lại tại hỗ trợ và mạnh mẽ đi lên.
Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá Tam giác
Đối với mô hình giá Tam giác, các bạn có thể bỏ qua bước xác định xu hướng hiện tại của thị trường là tăng hay giảm, chỉ cần trước đó, giá đang trong một xu hướng rõ ràng hoặc trước khi mô hình xuất hiện là một đợt sóng tăng hoặc giảm.
Hãy tập trung hơn vào việc nhận diện chính xác mô hình và xác định hướng vào lệnh khi mô hình bị phá vỡ.
- Bước 1: Nhận diện mô hình giá Tam giác
Trong bước này, các bạn cần phân biệt mô hình giá Tam giác với 2 mô hình khá giống với nó, là mô hình giá Cái nêm và mô hình giá Cờ đuôi nheo.
Phân biệt mô hình giá Tam giác và mô hình giá Cái nêm
Mô hình Cái nêm có đặc điểm nhận diện khá giống với mô hình Tam giác tăng và Tam giác giảm. Cụ thể, mô hình Cái nêm Tăng sẽ dễ bị nhầm lẫn với mô hình Tam giác tăng và mô hình Cái nêm giảm dễ bị nhầm lẫn với mô hình Tam giác giảm.
Tuy nhiên, trong mô hình Cái nêm tăng, cả 2 đường xu hướng đều dốc lên, trong khi mô hình Tam giác tăng có đường xu hướng phía trên nằm ngang. Tương tự, mô hình Cái nêm giảm có 2 đường xu hướng đều dốc xuống còn mô hình Tam giác giảm có đường xu hướng phía dưới nằm ngang.
Phân biệt mô hình giá Tam giác và mô hình giá Cờ đuôi nheo
Ngược lại, mô hình giá Tam giác cân sẽ rất dễ bị nhầm lẫn với mô hình Cờ đuôi nheo vì ở cả 2 mô hình này, đều có đường kháng cự dốc xuống và đường hỗ trợ dốc lên. Tuy nhiên, trong mô hình Cờ đuôi nheo, kháng cự và hỗ trợ thường hội tụ theo hướng hơi chếch lên hoặc chếch xuống (nghĩa là đường thẳng nối điểm hội tụ và trung điểm của đoạn thẳng nối đỉnh và đáy của mô hình sẽ hơi dốc lên hoặc dốc xuống), còn với mô hình Tam giác cân, kháng cự và hỗ trợ sẽ hội tụ theo phương nằm ngang (nghĩa là đường thẳng nối điểm hội tụ và trung điểm của đoạn thẳng nối đỉnh và đáy của mô hình sẽ là đường thẳng nằm ngang).
Việc phân biệt chính xác mô hình giá là quan trọng bởi vì nó sẽ quyết định đến hướng vào lệnh của trader.
- Mô hình Cái nêm tăng dễ bị nhầm lẫn với mô hình Tam giác tăng, mà trong khi mô hình Cái nêm tăng thì giá sẽ phá vỡ giảm còn mô hình Tam giác tăng thì xác suất giá phá vỡ tăng lại cao hơn.
- Tương tự, mô hình Cái nêm giảm dễ bị nhầm lẫn với mô hình Tam giác giảm, mà trong khi mô hình Cái nêm giảm thì giá sẽ phá vỡ tăng còn mô hình Tam giác giảm thì xác suất giá phá vỡ giảm lại cao hơn.
- Mô hình Tam giác cân thì lại dễ bị nhầm lẫn với mô hình Cờ đuôi nheo, mà mô hình Cờ đuôi nheo lại cung cấp tín hiệu về khả năng tiếp diễn của xu hướng, trong khi đó, nếu mô hình Tam giác cân xuất hiện, giá có thể tiếp diễn hoặc đảo chiều xu hướng ban đầu.
Ngoài việc nhận diện chính xác thì các bạn cũng cần xác định xem mô hình có đáng tin cậy hay không. Mô hình giá Tam giác sẽ cung cấp tín hiệu tin cậy nếu giá chạm vào hỗ trợ và kháng cự càng nhiều lần càng tốt, ít nhất là chạm vào hỗ trợ 2 lần và kháng cự 2 lần trước khi mô hình bị phá vỡ.
- Bước 2: Xác định hướng giao dịch
Đối với mô hình Tam giác cân
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong mô hình Tam giác cân, khi giá đi được khoảng ¾ chiều dài của mô hình (73-75% chiều dài tam giác cân) thì mô hình sẽ bị phá vỡ và khả năng giá phá vỡ kháng cự đi lên là 54% trong khi phá vỡ hỗ trợ đi xuống là 46%. Mặc dù có sự chênh lệch nhưng xác suất để giá phá vỡ tăng hoặc giảm trong mô hình này vẫn gần như là ngang nhau, 50-50, ngoại trừ có sự tác động của một tin tức, sự kiện quan trọng nào đó trên thị trường thì khả năng cao hơn sẽ nghiêng về một bên cụ thể.
Một trong số những nghiên cứu đó có thể kể đến chính là nghiên cứu của Kirkpatrick C.D & Dahlquist J.R trong cuốn Technical Analysis: The Complete Resource For Financial Market Technicians (2006)
Chính vì vậy, đối với mô hình giá Tam giác cân, các bạn cứ chờ đợi giá phá vỡ mô hình theo hướng nào thì vào lệnh theo hướng đó.
Đối với mô hình Tam giác tăng
Nghiên cứu của Kirkpatrick C.D & Dahlquist J.R cho rằng , khi giá di chuyển đến khoảng 61% chiều dài mô hình thì nó sẽ phá vỡ mô hình và tạo ra biến động lớn.
Và trong đa số các trường hợp xuất hiện mô hình Tam giác tăng thì đến 77% là giá sẽ phá vỡ kháng cự đi lên và chỉ 23% là giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống. Chính vì thế, với mô hình Tam giác tăng, các bạn hãy cứ chuẩn bị tinh thần là sẽ vào lệnh Buy. Trong trường hợp giá phá vỡ theo hướng ngược lại, các bạn cũng có thể vào lệnh, nhưng để hạn chế rủi ro có thể đó là một đợt false breakout thì chỉ nên đặt lệnh với khối lượng thấp mà thôi.
Đối với mô hình Tam giác giảm
Ngược lại, khả năng giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống trong mô hình Tam giác giảm sẽ cao hơn khả năng giá phá vỡ kháng cự đi lên với tỷ lệ tương ứng là 64% và 36%.
- Bước 3: Chờ đợi tín hiệu giá breakout mô hình
Mô hình Tam giác được cho là phá vỡ thành công nếu cây nến breakout bar đóng cửa bên ngoài một cách rõ ràng. Cụ thể, nến đóng cửa trên đường kháng cự hoặc đóng cửa dưới đường hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tương tự như các price patterns khác, sự xuất hiện của cây nến “thuận chiều breakout” như một sự xác nhận lại tín hiệu giá đã phá vỡ mô hình thành công, nghĩa là nếu giá phá vỡ đi lên thì theo sau breakout bar phải là một nến tăng hoặc nếu giá phá vỡ đi xuống thì theo sau breakout bar phải là một cây nến giảm.
Ngoài ra, khối lượng giao dịch cũng là một chỉ báo đáng tin cậy để xác nhận tín hiệu breakout, cụ thể, khối lượng giao dịch thấp trong thời gian mô hình Tam giác được hình thành và bất ngờ tăng lên khi giá bắt đầu phá vỡ mô hình.
- Bước 4: Vào lệnh
Đối với mô hình Tam giác cân
Đối với mô hình Tam giác cân, các bạn chỉ có một chiến lược vào lệnh duy nhất, đó là chờ đợi giá phá vỡ theo hướng nào thì vào lệnh theo hướng đó.
- Nếu giá phá vỡ đi lên thì vào lệnh Buy khi cây nến breakout bar đóng cửa hoặc chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận rồi vào lệnh khi cây nến đó đóng cửa.
- Nếu giá phá vỡ đi xuống thì vào lệnh Sell khi cây nến breakout bar đóng cửa hoặc chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận rồi vào lệnh khi cây nến đó đóng cửa.
Đối với mô hình Tam giác tăng
Các bạn có 2 chiến lược vào lệnh
- Một là chờ đợi giá breakout theo hướng nào thì vào lệnh theo hướng đó. Cách vào lệnh tương tự như mô hình Tam giác cân.
- Hai, vì xác suất giá phá vỡ kháng cự đi lên cao hơn nên các bạn có thể đặt một lệnh dừng mua (Buy Stop) ngay phía trên đường kháng cự. Nếu giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống, các bạn có thể vào lệnh Sell với khối lượng ít hơn, lệnh Buy Stop không được kích hoạt và có thể hủy nó đi.
Đối với mô hình Tam giác giảm
- Tương tự, các bạn cũng có 2 chiến lược vào lệnh giống như mô hình Tam giác tăng. Ở chiến lược thứ hai, vì xác xuất giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống cao hơn nên các bạn có thể sử dụng một lệnh chờ bán (Sell Stop) ngay phía dưới đường hỗ trợ. Nếu giá phá vỡ kháng cự đi lên, các bạn có thể vào lệnh Buy với khối lượng ít hơn, lệnh Sell Stop không được kích hoạt và có thể hủy nó đi.
Khác với mô hình giá Cái nêm, sau khi bị phá vỡ, giá thường tăng lên hoặc giảm xuống một mạch mà không quay lại retest mô hình. Chính vì vậy, các bạn hãy cứ vào lệnh ngay khi mô hình bị phá vỡ, đừng chờ đợi giá quay về retest hỗ trợ hoặc kháng cự rồi mới vào lệnh vì sẽ rất dễ bỏ lỡ cơ hội giao dịch tốt. Mặt khác, nếu giá có quay về retest thì các bạn có thể thêm lệnh để tăng lợi nhuận vì việc giá retest lại hỗ trợ hoặc kháng cự như một tín hiệu đáng tin cậy để giá tiếp tục đi theo hướng phá vỡ mô hình.
- Bước 4: Đặt stop loss và take profit
Đối với mô hình giá Tam giác, chiến lược đặt stop loss và take profit cũng khá đơn giản. Cắt lỗ ngay phía trên đỉnh gần nhất hoặc phía dưới đáy gần nhất so với vị trí vào lệnh. Chốt lời tại vị trí cách điểm vào lệnh một khoảng bằng với độ cao của mô hình.
Một số ví dụ về mô hình giá Tam giác trên thị trường forex
Ví dụ 1: mô hình giá Tam giác cân
Đây là mô hình giá Tam giác cân khá đẹp về “ngoại hình”, giá nhiều lần chạm vào hỗ trợ, kháng cự và 2 đường xu hướng này đối xứng nhau rất đẹp qua trục nằm ngang. Vào lệnh khi breakout bar đóng cửa, đặt stop loss ngay phía trên ngưỡng kháng cự và take profit với lợi nhuận mục tiêu bằng với độ cao của mô hình.
Ví dụ 2: mô hình giá Tam giác tăng
Đây là trường hợp mô hình giá Tam giác tăng bị phá vỡ đi lên, cung cấp tín hiệu tiếp diễn xu hướng. Mô hình này cũng rất đẹp với 3 lần giá chạm kháng cự và 3 lần giá chạm hỗ trợ, nến breakout bar với thân khá lớn và đóng cửa nên ngoài mô hình một cách rõ ràng. Lợi nhuận mục tiêu của mô hình này cũng dễ dàng để đạt được.
Thay vì chờ đợi giá breakout mô hình rồi mới vào lệnh, thì các bạn có thể đặt lệnh chờ Buy Stop với mức giá thực hiện ngay phía trên ngưỡng kháng cự.
Ví dụ 3: mô hình Tam giác tăng
Mặc dù chỉ với xác suất 23% nhưng khi mô hình Tam giác tăng bị phá vỡ giảm, giá vẫn đi xuống mạnh mẽ và cho hiệu quả giao dịch cao.
Ví dụ 4: mô hình giá Tam giác giảm.
Sau khi breakout thành công mô hình, giá quay trở lại retest ngưỡng hỗ trợ, đường xu hướng này trở thành ngưỡng kháng cự mới, cung cấp tín hiệu về khả năng quay đầu giảm của giá. Với tín hiệu retest này, các bạn có thể an tâm tiếp tục giữ lệnh để đạt được lợi nhuận mục tiêu, mặc khác, có thể tự tin vào thêm một lệnh Sell nữa để gia tăng lợi nhuận.
Ví dụ 5: mô hình giá Tam giác giảm
Tương tự như ví dụ 3, xác suất 36% nhưng cũng “làm nên chuyện”, mô hình Tam giác giảm khá đẹp về cả ngoại hình lẫn chất lượng.
Kết luận
Có lẽ điều khó khăn nhất khi giao dịch với mô hình giá Tam giác chính là quyết định có nên vào lệnh hay không trong trường hợp giá phá vỡ theo hướng có xác suất thấp hơn (đối với mô hình Tam giác tăng hoặc giảm). Chính vì thế, để có được quyết định chính xác nhất, các bạn cần trade với mô hình này nhiều hơn, từ đó tích lũy thêm kinh nghiệm riêng cho bản thân mình.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.