- Lý thuyết sóng Elliott là gì? Lịch sử ra đời
- Làm sao để tiếp cận Lý thuyết sóng Elliott hiệu quả nhất?
- Cấu trúc cơ bản của sóng Elliott
- Tính chất “sóng trong sóng”
- Cấp độ của chu kỳ sóng Elliott
- Các mẫu hình sóng trong Nguyên lý sóng Elliott
- Tính chất của sóng trong Nguyên lý sóng Elliott
- Đặc điểm của sóng – Tâm lý đám đông đằng sau sóng theo Nguyên lý sóng Elliott
- Các phương pháp đếm sóng Elliott
- Chiến lược giao dịch hiệu quả với sóng Elliott
- Bước 1: Chờ cho đến khi xuất hiện một chuỗi ít nhất 3 sóng của chu kỳ sóng Elliott
- Bước 2: Xem xét tính hợp lệ của 3 sóng đầu tiên
- Bước 3: Vào lệnh theo quy tắc của sóng 4 trong Nguyên lý sóng Elliott
- Bước 4: Đặt stop loss theo quy tắc sóng 4 không thể đi vào vùng giá của sóng 1
- Bước 5: Chốt lời theo quy tắc của sóng 5 trong Nguyên lý sóng Elliott
- Ví dụ về chiến lược giao dịch hiệu quả với sóng Elliott
- Kết luận
Trong trường phái phân tích kỹ thuật, có 2 lý thuyết quan trọng, một là Lý thuyết Dow, hai là Lý thuyết sóng Elliott. Nếu Dow Theory được xem là nguồn gốc của phân tích kỹ thuật, thì Elliott Wave Theory chính là thành quả vĩ đại nhất của trường phái này.
Giữa Dow Theory và Elliott Wave Theory có nhiều điểm tương đồng nhau, đặc biệt là đều liên quan đến cấu trúc của xu hướng. Nếu Dow Theory tập trung tầm quan trọng vào xu thế chính, mô tả các giai đoạn cụ thể của xu thế chính và các nguyên lý của Dow Theory thường nghiêng theo hướng định tính, thì Elliott Wave Theory sẽ mổ xẻ cả các xu thế phụ và các nguyên tắc của Lý thuyết sóng Elliott lại liên quan đến định lượng nhiều hơn.
Lý thuyết sóng Elliott khá phức tạp và bao gồm rất nhiều khía cạnh khác nhau nên quocdunginvest.com xếp nội dung này vào Level Forex chuyên sâu, tuy nhiên, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những nội dung đi từ cơ bản nhất đến phức tạp nhất, để một trader hoàn toàn mới cũng có thể hiểu và áp dụng được. Mặc dù nội dung của bài viết này khá dài nhưng vì muốn các bạn tập trung đi hết tất cả những khía cạnh quan trọng nhất của Lý thuyết này nên chúng tôi sẽ không tách riêng ra thành từng bài viết ngắn hơn. Hy vọng các bạn sẽ dành thời gian để tìm hiểu cặn kẽ về Lý thuyết sóng Elliott, có thể nó không giúp các bạn kiếm được nhiều tiền ngay nhưng chắc chắn các bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản chất của thị trường, về cách mà thị trường hoạt động, thì đó lại là thứ sẽ giúp các bạn dễ thành công hơn trên thị trường này. Cùng bắt đầu nhé.
Lý thuyết sóng Elliott là gì? Lịch sử ra đời
Lịch sử ra đời của Lý thuyết sóng Elliott
Cha đẻ của Lý thuyết sóng này là Ralph Nelson Elliott (28/07/1871 – 15/01/1948). Sau một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực kế toán và các hoạt động kinh doanh khác thì ông đổ bệnh và buộc phải nghỉ hưu vào năm 58 tuổi. Trong thời gian này, để không phải có những suy nghĩ tiêu cực về căn bệnh của mình, ông đã dành toàn bộ tâm trí để nghiên cứu về hành vi của giá trên thị trường chứng khoán.
Ông đã quan sát và phân tích các biểu đồ giá hàng năm, hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, hàng giờ và cả nửa giờ của các chỉ số chứng khoán khác nhau, bao gồm khoảng thời gian 75 năm hoạt động của thị trường chứng khoán. Đến tháng 11/1934, quá trình nghiên cứu của ông đã đạt được quả ngọt và cũng chính là cái mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là Lý thuyết sóng Elliott. Thời đó, Elliott đã vực dậy lòng tin của giới đầu tư về các hệ thống giao dịch đánh bại thị trường được cung cấp bởi các phóng viên kinh tế, khi mà Lý thuyết sóng của ông đã dự đoán rất chính xác về tình hình thị trường chứng khoán lúc bấy giờ.
Trong suốt những năm 1940s, ông tiếp tục phát triển Lý thuyết sóng của mình bằng cách gắn các hành vi của đám đông với tỷ lệ vàng (Golden Ratio) hay gắn Lý thuyết sóng Elliott với các tỷ lệ Fibonacci, giúp cho Lý thuyết sóng mang tính định lượng nhiều hơn và hoàn thiện nhất có thể.
Sau cùng, ông đã tổng hợp những gì mà ông đã nghiên cứu được trong cuốn sách với tựa đề “Nature’s Law – The Secret of the Universe”, bao gồm tất cả các ý tưởng về Lý thuyết sóng của ông.
Cho đến thời điểm hiện tại, Lý thuyết sóng Elliott vẫn được các nhà quản lý danh mục, các tổ chức đầu tư, nhà giao dịch cá nhân sử dụng trong các quyết định đầu tư của họ.
Lý thuyết sóng Elliott là gì?
Thường được gọi và mô tả chính xác hơn với cái tên Nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Principle).
Trong giao dịch tài chính thì Lý thuyết sóng Elliott được xem là một phương pháp phân tích thị trường dựa trên ý tưởng về các mẫu hình giống nhau được lặp lại và các mẫu hình này sẽ cung cấp manh mối về hướng đi tiếp theo của giá.
Cụ thể hơn, Nguyên lý sóng Elliott mô tả một cách chi tiết về hành vi của đám đông trên thị trường chứng khoán. Nguyên lý này cho rằng, tâm lý đám đông thường chuyển từ bi quan sang lạc quan và ngược lại theo một cách rất tự nhiên nhưng được lặp lại theo một chu kỳ nhất định. Và cũng chính chu kỳ tâm lý này đã hình thành nên chu kỳ tăng-giảm của giá dưới dạng các mẫu hình cụ thể mà Elliott đã đặt tên cho những mẫu hình này là “sóng”, chúng có hình dạng riêng biệt và có thể đo lường được.
Lý thuyết sóng Elliott sẽ giúp chúng ta xác định được cấu trúc của xu hướng theo các dạng mẫu hình cụ thể và dự đoán được động thái tiếp theo có khả năng xảy ra nếu biết được giá đang ở đâu bên trong cấu trúc đó.
Không chỉ riêng thị trường chứng khoán mà ở bất cứ thị trường nào chịu ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông như thị trường forex, tiền điện tử, thị trường bất động sản, thời trang… đều có thể áp dụng Nguyên lý sóng Elliott.
Làm sao để tiếp cận Lý thuyết sóng Elliott hiệu quả nhất?
Chắc chắn khi lần đầu tiên được nghe đến Lý thuyết sóng Elliott, các trader sẽ ấn tượng về khả năng dự đoán bước đi tiếp theo của thị trường. Nhưng đó chưa phải là tất cả, Nguyên lý này còn cung cấp cho trader phương pháp để xác định các vị trí mà thị trường có khả năng đảo chiều, xác định thời điểm vào/thoát vị thế để giao dịch có xác suất thành công cao nhất.
Ấn tượng là thế nhưng Lý thuyết sóng Elliott cũng không kém phần phức tạp. Vậy thì, với một trader mới, các bạn nên tiếp cận nó như thế nào?
Nguyên lý sóng Elliott hoạt động dựa trên việc xác định các mẫu hình giá trên thị trường hay các mẫu sóng, giao dịch theo Nguyên lý sóng Elliott chính là chúng ta đang phân tích các mẫu sóng này trên đồ thị giá. Mà trong Nguyên lý sóng Elliott bao gồm cả các mẫu sóng cơ bản đến phức tạp hơn, do đó, đừng đi tìm cái gì đó quá xa xôi, phức tạp, hãy tiếp cận với phương pháp này bằng mẫu sóng cơ bản nhất. Khi đã nắm vững rồi thì có thể tiến đến các mẫu sóng phức tạp hơn.
Trong phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến các bạn những mẫu sóng từ cơ bản nhất đến phức tạp hơn, từ cách nhận diện sóng đến cách làm thế nào để giao dịch với sóng. Nhưng trước hết, hay bắt đầu với cấu trúc cơ bản của sóng Elliott.
Cấu trúc cơ bản của sóng Elliott
Nguyên lý sóng Elliott cũng được phát triển dựa trên ý tưởng của Lý thuyết Dow, nghĩa là, khi thị trường đang trong xu hướng tăng, giá sẽ không thể tăng mãi mà sẽ có lúc giá điều chỉnh giảm và ngược lại với xu hướng giảm. Diễn giải cụ thể hơn thì, xu hướng tăng sẽ bao gồm các đoạn sóng tăng và các đoạn sóng giảm xen kẽ nhau với các sóng tăng sẽ lớn hơn các sóng giảm và ngược lại với xu hướng giảm. Theo đó, Nguyên lý sóng Elliott sẽ đi phân tích sâu hơn về cấu trúc của các sóng tăng và sóng giảm trong xu hướng này.
Theo Nguyên lý sóng Elliott, bất kỳ một chuyển động nào theo xu hướng chính cũng sẽ được cấu thành từ 5 sóng và được gắn nhãn là 1, 2, 3, 4, 5. Trong đó, sóng 1, 3, 5 chuyển động theo hướng của xu hướng chính, sóng 2 và 4 đi theo hướng ngược lại. Tiếp đến, sau một chuyển động theo xu hướng chính sẽ là một chuyển động ngược chiều xu hướng chính và chuyển động này được cấu thành từ 3 sóng, được gắn nhãn A, B, C. Trong đó, sóng A và sóng C chuyển động ngược chiều với xu hướng chính, sóng B chuyển động cùng chiều xu hướng chính.
Sự kết hợp một chuỗi bao gồm 8 sóng tuân theo quy luật 5-3 trên tạo nên cấu trúc của chu kỳ sóng trong xu hướng.
Cấu trúc của chu kỳ sóng trong xu hướng tăng được biểu diễn như hình dưới:
Cấu trúc của chu kỳ sóng trong xu hướng giảm cũng tuân theo quy luật tương tự nhưng với chiều hướng ngược lại.
Trong Lý thuyết sóng Elliott thì 5 sóng đầu tiên chuyển động theo hướng của xu hướng chính được gọi là sóng động lực (Motive Wave) và 3 sóng tiếp theo được gọi là sóng điều chỉnh (Corrective wave).
Cấu trúc cơ bản của Motive Wave
Một sóng Motive Wave cơ bản của xu hướng chính, theo Nguyên lý sóng Elliott sẽ bao gồm 5 sóng 1, 2, 3, 4, 5, trong đó, các sóng 1, 3, 5, chuyển động theo xu hướng chính và được gọi là các sóng đẩy (Impulse waves), các sóng 2, 4 chuyển động ngược xu hướng chính và được gọi là sóng điều chỉnh (Corrective waves).
Ngoài ra, một Motive Wave theo Nguyên lý sóng Elliott phải tuân thủ các quy luật sau:
- Sóng 2 không thoái lui hơn 100% của sóng 1, nghĩa là không được vượt qua điểm bắt đầu của sóng 1. Quy luật này thỏa mãn điều kiện về cấu trúc của xu hướng, cụ thể: trong xu hướng tăng, đáy sau cao hơn đáy trước và trong xu hướng giảm, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Thông thường, sóng 2 sẽ thoái lui nằm trong khoảng từ 50% đến 61.8% của sóng 1.
- Sóng 4 không được thoái lui hơn 100% của sóng 3, nghĩa là không được đi vào vùng giá của sóng 1. Thông thường, sóng 4 sẽ thoái lui nằm trong khoảng từ 38.2% đến 50% của sóng 3.
- Sóng 3 không được là sóng ngắn nhất trong 3 sóng đẩy 1, 3, 5(Impulse waves) và thường mở rộng đến 161.8% so với sóng 1.
Bên cạnh đó, sóng động lực theo Nguyên lý sóng Elliott thường sẽ tuân theo các nguyên tắc sau:
- Nếu sóng 3 là sóng dài nhất thì sóng 5 sẽ gần bằng với sóng 1
- Nếu sóng 2 là một đợt điều chỉnh mạnh thì sóng 4 sẽ là một đợt điều chỉnh “phẳng” – vùng giá đi ngang
Cấu trúc cơ bản của Corrective wave
Theo Lý thuyết sóng Elliott thì sóng điều chỉnh không cần phải tuân theo nhiều quy luật rắc rối như với sóng động lực. Nó bao gồm 3 sóng A, B, C, trong đó, sóng B chuyển động theo xu hướng chính, còn sóng A và sóng C thì đi theo chiều ngược lại. Thời gian hình thành và cả độ lớn của sóng điều chỉnh đều nhỏ hơn so với sóng động lực. Tuy nhiên, vì là một sự chuyển động ngược chiều xu hướng chính nên cấu trúc của nó thường sẽ phức tạp hơn nhiều và khó xác định hơn so với sóng động lực.
Mặc dù không phải tuân theo quy luật rắc rối nào nhưng sóng điều chỉnh ABC thường sẽ kết thúc ở vùng lân cận điểm cuối của sóng 4 trong Motive wave.
Tính chất “sóng trong sóng”
Đây là tính chất đặc trưng nhất của Nguyên lý sóng Elliott. Trong một xu hướng chung hay xu hướng lớn nhất hiện tại của thị trường sẽ bao gồm các chu kỳ sóng 5-3 như đã trình bày ở phần trên, các chu kỳ 5-3 này tạo nên các mắt xích lớn cho xu hướng chung.
Mặc khác, trong mỗi chu kỳ 5-3 này lại tồn tại các chu kỳ 5-3 nhỏ hơn, là mắc xích nhỏ hơn để tạo thành các sóng riêng lẻ trong mỗi chu kỳ 5-3 lớn.
Nói tóm lại, trong một xu hướng chung lớn nhất hiện tại sẽ bao gồm các chu kỳ sóng cấp 1 (cấu trúc 5-3), mỗi chu kỳ sóng cấp 1 lại được cấu thành từ các chu kỳ sóng cấp 2 (cũng với cấu trúc 5-3), mỗi chu kỳ sóng cấp 2 lại được cấu thành từ các chu kỳ sóng cấp 3 (cũng là cấu trúc 5-3)… tương tự cho đến chu kỳ sóng cấp n. Phụ thuộc vào thời gian hình thành của xu hướng và khung thời gian giao dịch mà giá trị của n là khác nhau, và n cũng có thể là vô tận.
Hình trên là một ví dụ cụ thể về tính chất sóng trong sóng của Nguyên lý sóng Elliott.
Một chu kỳ sóng lớn nhất trong xu hướng tăng ở hình trên có cấu trúc 5-3, bao gồm 2 sóng lớn. Sóng động lực tăng (I) và sóng điều chỉnh giảm (II). Sóng tăng (I) bao gồm 5 sóng nhỏ được gắn nhãn 1, 2, 3, 4, 5 và sóng giảm (II) bao gồm 3 sóng nhỏ, được gắn nhãn A, B, C.
Chúng ta tạm gọi sự kết hợp giữa sóng động lực tăng (I) và sóng điều chỉnh giảm (II) tạo thành chu kỳ sóng cấp 1 của xu hướng tăng.
Sóng động lực (I) của chu kỳ sóng cấp 1 này được cấu thành từ 3 chu kỳ sóng cấp 2 của xu hướng tăng, mỗi chu kỳ sóng cấp 2 này có cấu trúc 5-3, với sóng động lực tăng bao gồm 5 sóng, được gắn nhãn (i), (ii), (iii), (iv), (v), và sóng điều chỉnh giảm bao gồm 3 sóng, được gắn nhãn a, b, c. Sóng điều chỉnh (II) của chu kỳ sóng cấp 1 được cấu thành từ 2 chu kỳ sóng cấp 2 của xu hướng giảm, mỗi chu kỳ sóng cấp 2 này cũng có cấu trúc 5-3, với sóng động lực giảm bao gồm 5 sóng (i), (ii), (iii), (iv), (v), và sóng điều chỉnh tăng bao gồm 3 sóng a, b, c.
Tương tự, chúng ta có tính chất sóng trong sóng của Nguyên lý sóng Elliott trong xu hướng giảm
Cấp độ của chu kỳ sóng Elliott
Cả Lý thuyết Dow và Nguyên lý sóng Elliott đều có điểm chung đó là xuất phát từ ý tưởng rằng giá cả tăng hay giảm, lên hay xuống đều bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Tuy nhiên, 2 lý thuyết này khác nhau ở kỹ thuật phân tích sóng. Với Nguyên lý sóng Elliott, trong phân tích sóng, xu hướng được chia nhỏ rất chi tiết.
Theo Elliott, sự biến động trong tâm lý đám đông được thể hiện trên đồ thị giá dưới dạng các sóng được lặp đi lặp lại và quá trình lặp đi lặp lại này tạo nên nhiều cấp độ sóng khác nhau.
Cụ thể, trong Nguyên lý sóng Elliott, chu kỳ sóng Elliott có thể được chia thành 9 cấp độ, như sau:
- Grand Supercycle (siêu chu kỳ lớn): thời gian kéo dài đến cả thế kỷ
- Super Cycle (chu kỳ lớn): kéo dài vài thập kỷ
- Cycle (chu kỳ): kéo dài từ một năm đến vài năm
- Primary (sơ cấp): từ vài tháng đến 1 hoặc 2 năm
- Intermediate (trung cấp): từ vài tuần đến vài tháng
- Minor (nhỏ): kéo dài trong khoảng vài tuần
- Minute (khá nhỏ): kéo dài trong vài ngày
- Minuette: kéo dài trong vài giờ
- Subminuette: chỉ trong vòng vài phút
Sự phân chia này dựa vào thời gian hình thành của chu kỳ sóng, tuy nhiên, đó cũng chỉ là sự tương đối. Ngoài ra, mỗi chu kỳ sóng nhỏ hơn trong một chu kỳ sóng lớn cũng có thời gian hình thành và độ lớn khác nhau, miễn sao thỏa mãn các điều kiện về cấu trúc của chu kỳ sóng Elliott là được.
Các mẫu hình sóng trong Nguyên lý sóng Elliott
Một chu kỳ sóng Elliott bao gồm 2 sóng lớn, sóng động lực (Motive wave) và sóng điều chỉnh (Corrective wave).
Sóng động lực bao gồm 5 sóng nhỏ di chuyển cùng hướng với hướng của chu kỳ ở cấp độ lớn hơn và sóng điều chỉnh bao gồm 3 sóng nhỏ cũng di chuyển cùng hướng với cấp độ lớn hơn.
Trong đó, di chuyển của 5 sóng nhỏ trong sóng động lực tạo thành 2 mẫu sóng:
- Impulse wave (sóng đẩy/sóng xung lực)
- Diagonal wave (tạm dịch là sóng đường chéo).
Và di chuyển của 3 sóng nhỏ trong sóng điều chỉnh tạo thành 4 mẫu sóng:
- Zigzag
- Flat
- Triangle
- Correction Combinations
Các mẫu hình sóng của Motive wave (Sóng động lực)
Impulse wave
Là mẫu sóng cơ bản nhất trong Nguyên lý sóng Elliott, là mẫu sóng mà chúng tôi đã minh họa trong cấu trúc sóng được sử dụng từ đầu bài viết cho đến bây giờ.
Đây là mẫu sóng động lực phổ biến nhất và cũng dễ phát hiện nhất trên thị trường. Một sóng Impulse bao gồm 5 sóng, được gắn nhãn 1, 2, 3, 4, 5 và có cấu trúc 5-3-5-3-5. Có 3 quy tắc mà một Impulse wave không thể phá vỡ:
- Sóng 2 không thể thoái lui hơn 100% của sóng 1
- Sóng 3 không thể là sóng ngắn nhất trong 3 sóng 1, 3, 5
- Sóng 4 không được đi vào vùng giá của sóng 1.
Không thể là sóng ngắn nhất trong 3 sóng 1, 3, 5 và sóng 3 cũng thường là sóng dài nhất trong sóng động lực.
Sóng 3 trong mẫu Impulse wave này cũng luôn là một sóng động lực dạng Impulse wave nhưng với cấp độ nhỏ hơn.
Các mẫu sóng biến thể của Impulse wave
Khi di chuyển của 1 trong 3 sóng 1, 3, 5 trong mẫu Impulse wave có sự khác biệt so với mẫu tiêu chuẩn thì chúng ta có được các biến thể của nó.
Elliott đã phát hiện ra 2 biến thể Impulse wave của sóng động lực, bao gồm:
- Impulse Wave Extensions
- Impulse Wave Truncation (Truncated Fifth)
Impulse Wave Extensions (mẫu Impulse mở rộng)
Mỗi sóng 1, 3, 5 của sóng động lực đều có thể mở rộng thành một cấu trúc nhiều sóng hơn bên trong nó và cũng có thể mở rộng nhiều lần. Trong mẫu Impulse Wave Extensions này thì sóng 3 thường sẽ là sóng mở rộng nhất và khi sự mở rộng xảy ra ở sóng 3 thì sóng 1 và sóng 5 có xu hướng cân bằng (chiều dài bằng nhau).
Và một sóng được mở rộng cũng sẽ có cấu trúc của một Impulse wave cơ bản.
Ví dụ: sóng 3 là sóng mở rộng
Motive wave này bao gồm 9 sóng và có cấu trúc là 5-3-5-3-5-3-5-3-5
Ví dụ: sự mở rộng xảy ra ở sóng 3 và mở rộng 2 lần
Motive wave này bao gồm đến 13 sóng và có cấu trúc là 5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5
Mẫu sóng Impulse wave này thường xuất hiện ở sóng 1, 3, 5 của Motive wave hoặc sóng A, C của sóng Corrective wave.
Impulse Wave Truncation (Truncated Fifth)
Ở những thời điểm mà thị trường đã mở rộng quá mức (over-extended) ở sóng 3 và không còn đủ lực để một Motive wave hoàn thành thì sóng cuối cùng (sóng 5) của Motive wave sẽ không thể đạt đến vị trí như thường lệ của nó. Trong trường hợp này, sóng 5 thường sẽ không thể vượt qua điểm cuối của sóng 3, hoặc có thể vượt qua nhưng không đáng kể và tạo thành mẫu sóng với tên gọi Truncated Fifth – sự thất bại của sóng 5.
Trong mẫu Truncated Fifth này, các sóng còn lại thường sẽ tuân theo cấu trúc của một Impulse wave tiêu chuẩn, đặc biệt sóng 3 thường là sóng dài nhất và khá dài.
Mẫu sóng Truncated Fifth thường xuất hiện nhiều ở sóng 5 của sóng C.
Diagonal wave
Là mẫu sóng phổ biến thứ hai của Motive wave. Mặc dù không di chuyển như một Impulse wave nhưng nó vẫn có cấu trúc 5 sóng nhỏ, di chuyển theo hướng của cấp độ sóng lớn hơn. Sự khác biệt lớn nhất của mẫu sóng này so với Impulse wave chính là phần sóng Diagonal (sóng đường chéo) nó trông giống như một Cái nêm (Wedge) mở rộng hoặc thu hẹp. Bên cạnh đó, các sóng 1, 3, 5 có thể không nhất thiết phải bao gồm 5 sóng nhỏ.
Có một số quy tắc chung dành cho mẫu sóng này:
- Sóng 1, 3, và 5 có dạng Zigzag (sẽ được mô tả cụ thể ở phần sau)
- Sóng 2 và 4 có thể theo bất kỳ dạng mẫu hình Corrective wave nào
- Sóng 3 không thể là sóng ngắn nhất
Diagonal wave bao gồm 2 loại: Ending Diagonal và Leading Diagonal
Ending Diagonal
Mẫu sóng này thường xuất hiện trong sóng 5 của Motive wave hoặc sóng C của Corrective wave. Mẫu sóng này xảy ra khi làn sóng trước đó của xu hướng đã đi quá xa, quá nhanh và bị hết hơi.
Nếu Impulse wave có cấu trúc 5-3-5-3-5 thì Ending Diagonal sẽ có cấu trúc là 3-3-3-3-3, tất cả 5 sóng của Motive wave theo hình mẫu này chỉ bao gồm 3 sóng, cho thấy sự cạn kiệt của xu hướng ở chu kỳ lớn hơn.
Các đỉnh và đáy của 5 sóng trong Ending Diagonal đều nằm trên 2 đường thẳng có xu hướng hội tụ tại sóng 5, mặc dù cũng sẽ có trường hợp 2 đường thẳng mở rộng, lúc đó quy tắc sóng 4 không đi vào vùng giá của sóng 1 sẽ bị phá vỡ, nhưng trường hợp này là rất hiếm gặp trên thị trường.
Leading Diagonal
Mẫu hình sóng này thì ít gặp hơn so với Ending Diagonal và thường được tìm thấy ở sóng 1 của Motive wave và sóng A của Corrective wave.
Ngược lại với Ending Diagonal, Leading Diagonal có cấu trúc 5-3-5-3-5 giống với Impulse wave và biểu hiện sự tiếp diễn xu hướng.
Các mẫu hình sóng của Corrective wave (sóng điều chỉnh)
Sóng điều chỉnh được định nghĩa là một sóng đi ngược lại xu hướng ở cấp độ chu kỳ lớn hơn. Sóng điều chỉnh có nhiều hình mẫu hơn và ít nhận diện rõ ràng hơn so với sóng động lực, đôi khi sẽ khó có thể xác định được đó là mẫu nào cho đến khi chúng hoàn thành.
Các đợt điều chỉnh có thể mạnh mẽ và dốc ngược với xu hướng ở cấp độ chu kỳ lớn hơn, thì chúng được gọi là điều chỉnh “sharp style” (tạm dịch là điều chỉnh sắc nét), ngược lại cũng sẽ có những đợt điều chỉnh đi ngang (sideway correction hay flat style), tạo thành cấu trúc phẳng mà cho đến khi kết thúc, giá sẽ quay trở lại thời điểm bắt đầu đợt điều chỉnh. Cũng từ 2 kiểu điều chỉnh này mà chúng ta có 4 mẫu hình sóng điều chỉnh khác nhau.
Zigzag
Là mẫu sóng điều chỉnh với 3 sóng con, được gắn nhãn A, B, C và có cấu trúc là 5-3-5.
Trong đó, sóng A và sóng C là 2 Motive wave, bao gồm 5 sóng nhỏ và có thể theo mẫu Impulse wave hoặc Diagonal wave, sóng B là Corrective wave, bao gồm 3 sóng nhỏ và có thể theo bất kỳ mẫu sóng điều chỉnh nào.
Một số quy tắc của mẫu hình Zigzag:
- 2 đường xu hướng đi qua các đỉnh và đáy của các sóng song song với nhau
- Sóng B thoái lui không quá 61.8% của sóng A
- Sóng C phải vượt qua điểm cuối của sóng A
- Thông thường, sóng A và sóng C có độ dài bằng nhau
Mẫu hình Zigzag thường xuất hiện ở sóng 2 của Motive wave và sóng A của Corrective wave.
Biến thể của mẫu hình Zigzag
Mẫu sóng Zigzag có thể được mở rộng bằng cách kết hợp nhiều mẫu Zigzag đơn lại với nhau. Elliott phát hiện ra rằng các mẫu Double Zigzag và Triple Zigzag là các biến thể thường gặp nhất trên thị trường.
Double Zigzag được cấu thành từ 2 mẫu Zigzag đơn và được nối với nhau bằng một sóng điều chỉnh, ngắn hơn các mẫu Zigzag đơn và có thể là bất kỳ một mẫu Corrective wave nào, kể cả mẫu hình Zigzag. Triple Zigzag thì sẽ được cấu thành từ 3 mẫu Zigzag đơn và được nối bởi 2 sóng điều chỉnh, 2 sóng này cũng có thể là bất kỳ mẫu sóng Corrective wave nào và không bắt buộc giống nhau. Các sóng điều chỉnh nhỏ nối các mẫu Zigzag đơn trong biến thể này có tên là sóng X.
Flat
Là mẫu sóng điều chỉnh phẳng vì di chuyển của giá trong mẫu hình này là đi ngang. Sóng điều chỉnh Flat cũng bao gồm 3 sóng con nhưng có cấu trúc 3-3-5 thay vì 5-3-5. Trong đó, sóng A và sóng B có cấu trúc của một Corrective wave và có thể là bất kỳ mẫu sóng điều chỉnh nào, sóng C có cấu trúc của một Motive wave và cũng có thể là bất kỳ mẫu sóng động lực nào.
Mẫu sóng điều chỉnh tuân theo một vào quy tắc sau:
- Sóng B thoái lui hơn 61.8% của sóng A nhưng thường sẽ là 100% của sóng A, nghĩa là điểm cuối của sóng B bằng với điểm bắt đầu của sóng A.
- Sóng A và sóng C có xu hướng bằng nhau và sóng C thường không thể vượt ra khỏi vùng giá của sóng A. Trong trường hợp sóng C thoái lui 100% của sóng B thì ta có mẫu sóng Flat tiêu chuẩn, ngược lại, nếu sóng C thoái lui ít hơn 100% và thường là 61.8% thì ta có mẫu sóng Running Flat.
Mẫu sóng điều chỉnh Flat này thường xuất hiện ở sóng 2 và sóng 4 của Motive wave, sóng B của Corrective wave và sóng X (sóng điều chỉnh nối các mẫu Zigzag đơn)
Biến thể của mẫu sóng điều chỉnh Flat
Khi sóng B và sóng C vượt ra khỏi vùng giá của sóng A thì ta được biến thể của mẫu sóng điều chỉnh Flat và biến thể này còn được gọi là sóng điều chỉnh phẳng mở rộng (Expanded Flat).
Thông thường, sóng B sẽ mở rộng đến tỷ lệ 123.6% của sóng A và sóng C thường sẽ mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 123.6% – 161.8% của sóng B.
Triangle
Các sóng điều chỉnh thông thường bao gồm 3 sóng con, nhưng mẫu sóng điều chỉnh Triangle lại bao gồm 5 sóng con, mỗi sóng con được cấu thành từ 3 sóng nhỏ, nên cấu trúc của Triangle Corrective wave sẽ là 3-3-3-3-3. Và các sóng con được gắn nhãn là A, B, C, D, E.
Đặc điểm nhận diện ban đầu của mẫu sóng này chính là 2 đường xu hướng nối các đỉnh và đáy hội tụ hoặc mở rộng, tạo thành hình Tam giác.
Một số quy luật của mẫu sóng điều chỉnh Triangle
- Mỗi sóng con có thể có cấu trúc của bất kỳ mẫu sóng điều chỉnh nào
- Sóng C không thể là sóng ngắn nhất
- Sóng D không thể vượt ra khỏi vùng giá của sóng C (mẫu sóng Tam giác hội tụ) hoặc sóng D phải vượt ra khỏi vùng giá của sóng C (mẫu sóng Tam giác mở rộng)
- Sóng A là sóng dài nhất và sóng E là sóng ngắn nhất trong mẫu sóng Tam giác hội tụ và ngược lại, trong mẫu sóng mở rộng, sóng A là sóng ngắn nhất và sóng E là sóng dài nhất.
Ngoài ra, mẫu sóng điều chỉnh Triangle này còn có thể mở rộng ở sóng E, thay vì cấu trúc 3 sóng thì nó sẽ là một cấu trúc Triangle khác với mức độ nhỏ hơn. Đó chính là tính chất phức tạp trong Nguyên lý sóng Elliott.
Mẫu sóng điều chỉnh Triangle này thường chỉ xuất hiện trong sóng 4 của Motive wave, sóng B của Corrective wave hoặc sóng điều chỉnh X nối các mẫu Zigzag đơn và không bao giờ xuất hiện trong sóng 2 hoặc sóng A.
Correction Combinations
Không phải lúc nào thị trường cũng hình thành các mẫu sóng đơn giản như các mẫu sóng đã giới thiệu ở trên mà cấu trúc sóng thường phức tạp và khó nhận diện hơn rất nhiều. Và những cấu trúc phức tạp này được Elliott đặt tên là Correction Combinations (sóng điều chỉnh kết hợp).
Có 2 loại Correction Combinations: Double Three và Triple Three.
Double Three
Là sự kết hợp đi ngang của 2 mẫu sóng điều chỉnh khác. Các mẫu sóng điều chỉnh cơ bản, bao gồm Zigzag, Flat và Triangle và 2 mẫu sóng điều chỉnh kết hợp là Double Three và Triple Three. Khi 2 trong số các mẫu hình này kết hợp với nhau thì ta sẽ có một mẫu sóng điều chỉnh Double Three. Trong đó:
- 2 mẫu trong 5 mẫu sóng điều chỉnh nói trên được nối với nhau bằng một cấu trúc 3 sóng, vậy thì, tổng cộng sẽ có 3 mẫu sóng trong Double Three, và được gắn nhãn là W, X, Y.
- Sóng W và sóng Y có thể là mẫu sóng Zigzag, Flat, Triangle, Double Three ở cấp độ nhỏ hơn hoặc Triple Three ở cấp độ nhỏ hơn.
- Sóng X có thể là bất kỳ mẫu sóng điều chỉnh nào
- 3 sóng lớn W, X, Y thường bao gồm tổng cộng 7 sóng con
Triple Three
Là sự kết hợp đi ngang của 3 mẫu sóng điều chỉnh khác. Các mẫu sóng điều chỉnh cơ bản, bao gồm Zigzag, Flat và Triangle và 2 mẫu sóng điều chỉnh kết hợp là Double Three và Triple Three. Khi 3 trong số các mẫu hình này kết hợp với nhau thì ta sẽ có một mẫu sóng điều chỉnh Triple Three. Trong đó:
- 3 mẫu trong 5 mẫu sóng điều chỉnh nói trên được nối với nhau bằng hai cấu trúc 3 sóng, vậy thì, tổng cộng sẽ có 5 mẫu sóng trong Triple Three, và được gắn nhãn là W, X, Y, X, Z.
- Sóng W, sóng Y và sóng Z có thể là mẫu sóng Zigzag, Flat, Triangle, Double Three ở cấp độ nhỏ hơn hoặc Triple Three ở cấp độ nhỏ hơn.
- Sóng X có thể là bất kỳ mẫu sóng điều chỉnh nào
- 5 sóng lớn W, X, Y, X, Z thường bao gồm tổng cộng 11 sóng con
Tính chất của sóng trong Nguyên lý sóng Elliott
Dựa vào những tính chất này, trader sẽ biết cách giao dịch theo Nguyên lý sóng Elliott. Tuy nhiên, chúng không phải là các quy tắc cứng nhắc và không thể bị phá vỡ. Nhưng các tính chất đó thường xuyên xảy ra trên thị trường đến mức gần như có thể xem chúng là các quy tắc, tất nhiên, đôi khi chúng cũng hoạt động không hiệu quả.
Tính chất cân bằng
Tính chất này cho rằng 2 trong số 5 sóng con của một Motive wave sẽ cân bằng với nhau khi có một sóng khác mở rộng. Điều này có nghĩa là, khi sóng 3 là sóng mở rộng thì sóng 1 và sóng 5 có xu hướng cân bằng nhau. Dựa vào quy tắc này, trader có thể dự báo được vị trí kết thúc của sóng 5 khi nhận diện được sự mở rộng của sóng 3.
Tính chất luân phiên nhau bên trong mẫu sóng đẩy
Tính chất này nói rằng, các mẫu hình của sóng 2 và sóng 4 trong một Motive wave có thể thay thế luân phiên nhau. Nếu sóng 2 là một sóng điều chỉnh kiểu “sharp” thì sóng 4 sẽ là sóng điều chỉnh kiểu “flat” và ngược lại. Tính chất này giúp trader có thể dự đoán về sự kết thúc của sóng 4 trong một Motive wave.
Tính chất luân phiên nhau bên trong mẫu sóng điều chỉnh
Tính chất này nói rằng, các mẫu hình của sóng A và sóng B trong một Corrective wave có thể thay thế luân phiên nhau. Nếu sóng A là một mẫu sóng điều chỉnh Zigzag thì sóng B sẽ là một mẫu sóng điều chỉnh Flat và ngược lại. Ngoài ra, tính chất này có cho rằng nếu sóng A là một mẫu sóng điều chỉnh đơn giản thì sóng B và sóng C sẽ có cấu trúc phức tạp hơn.
Tính chất về độ sâu của sóng điều chỉnh
Khi thị trường bắt đầu điều chỉnh, giá thường sẽ điều chỉnh về bên trong vùng giá của sóng 4. Điều này có nghĩa là điểm kết thúc của sóng điều chỉnh phải nằm bên trong vùng giá của sóng 4. Đây thường là vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh mà thị trường retest lại trước khi xu hướng được tiếp tục.
Tính chất sóng chạm kênh giá
Mặc dù tính chất này thường được áp dụng trên các sóng điều chỉnh nhưng trên thực tế nó vẫn rất hiệu quả trên các sóng động lực.
Tính chất này cho rằng các sóng con có xu hướng kết thúc tại kênh giá của sóng lớn hơn. Cụ thể, tính chất này được sử dụng để xác định phần cuối của sóng 3, sóng 4, sóng 5 và sóng C.
Sóng 3 và sóng C
- Vẽ đường xu hướng đi qua điểm đầu của sóng 1 và điểm cuối của sóng 2 (hoặc đi qua điểm đầu của sóng A và điểm cuối của sóng B)
- Chiếu một đường xu hướng song song với đường xu hướng đã vẽ trước đó và đi qua điểm cuối của sóng 1 (hoặc đi qua điểm cuối của sóng A)
Sóng 3 (hoặc sóng C) có khả năng sẽ chạm đến đường xu hướng còn lại của kênh giá.
Sóng 4
- Vẽ đường xu hướng đi qua điểm đầu của sóng 2 và điểm cuối của sóng 3
- Chiếu một đường xu hướng song song với đường xu hướng đã vẽ trước đó và đi qua điểm cuối của sóng 2
Sóng 4 có khả năng sẽ chạm đến đường xu hướng còn lại của kênh giá.
Sóng 5
- Vẽ đường xu hướng đi qua điểm đầu của sóng 3 và điểm cuối của sóng 4
- Chiếu một đường xu hướng song song với đường xu hướng đã vẽ trước và đi qua điểm cuối của sóng 3
Sóng 5 có khả năng sẽ chạm đến đường xu hướng còn lại của kênh giá.
Đặc điểm của sóng – Tâm lý đám đông đằng sau sóng theo Nguyên lý sóng Elliott
Đặc điểm của từng sóng chính là sự phản ánh của tâm lý đám đông đang tác động đến giá cả trên thị trường, là sự chuyển đổi cảm xúc từ lạc quan đến bi quan và ngược lại, hình thành nên các cấu trúc sóng mà chúng ta đã phân tích trong những nội dung ở các phần trên.
Mỗi chu kỳ sóng bao gồm 8 sóng con và ở phần này, chúng ta sẽ làm rõ đặc điểm cũng như tâm lý đám đông đằng sau mỗi sóng trong chu kỳ này.
Sóng 1
Theo Nguyên lý sóng Elliott, sóng 1 rất hiếm khi xuất hiện một cách rõ ràng. Đối với thị trường bắt đầu tăng giá, khi sóng 1 xuất hiện, tin tức cơ bản trên thị trường hầu như là tiêu cực, bởi lẽ xu hướng trước đó được xem là vẫn còn hiệu lực, tín hiệu đảo chiều chưa thực sự mạnh mẽ và rõ ràng. Lúc này, khối lượng có thể tăng một chút khi giá tăng nhưng không đủ để cảnh báo các nhà phân tích kỹ thuật rằng xu hướng mới đã chính thức bắt đầu.
Sóng 2
Là sóng điều chỉnh của sóng 1 và không bao giờ vượt qua khỏi điểm bắt đầu của sóng 1. Các tin tức trên thị trường vẫn tiêu cực. Ngoài ra, việc giá kiểm tra lại mức thấp trước đó đã tạo ra một tâm lý giảm giá trong đám đông và họ cho rằng giá vẫn bị ràng buộc bởi thị trường gấu. Tuy nhiên, sóng 2 xuất hiện cũng là lúc nhen nhóm một số dấu hiệu cho thấy sự tăng giá, cụ thể, khối lượng giao dịch trong sóng 2 nên thấp hơn sóng 1 và giá thường không thoái lui vượt quá 61.8% của sóng 1.
Sóng 3
Trong Nguyên lý sóng Elliott thì sóng 3 thường là sóng có xu hướng mạnh, rộng nhất và không thể nhầm lẫn trong chu kỳ sóng, thể hiện được sự tự tin của đám đông vào hướng đi của xu hướng mới. Sóng 3 thường tạo ra nhiều khối lượng, nhiều chuyển động giá nhất và cũng là sóng có nhiều khả năng mở rộng nhất. Các tin tức trên thị trường bắt đầu tích cực hơn, giá tăng nhanh chóng và các đợt điều chỉnh bên trong sóng này rất nhẹ và nông.
Vào thời gian đầu của sóng 3, các tin tức vẫn có thể nghiêng về giảm giá và hầu hết nhà đầu tư vẫn còn đang tiêu cực, nhưng chuyển sang khoảng giữa của sóng 3, đám đông sẽ bắt đầu tham gia vào xu hướng mới. Thông thường, khi giá vượt lên trên điểm cuối của sóng 1 thì hàng loạt các điểm dừng lỗ được kích hoạt, tạo khoảng trống GAP, điều này càng thu hút sự chú ý các nhà giao dịch đang đứng bên ngoài thị trường, kích thích họ nhảy vào đón xu hướng mới.
Sóng 4
Sóng 4 thường là một sóng điều chỉnh rõ ràng, giá có thể đi ngang trong một thời gian dài và thường thoái lui ít hơn 38,2% của sóng 3, khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với sóng 3. Vào cuối sóng 4, nhiều lực mua xuất hiện và giá bắt đầu tăng trở lại. Đây là một thời điểm tốt để mua lại nếu các nhà giao dịch đã bỏ lỡ cơ hội gia nhập thị trường trước đó và hơn hết là hiểu được tiềm năng phía trước của sóng 5.
Sóng 5
Theo Nguyên lý sóng Elliott, sóng 5 là bước sóng cuối cùng đi theo hướng của xu hướng thống trị. Sóng 5 kém năng động hơn và có tốc độ thay đổi giá chậm hơn so với các sóng trước đó. Chúng thường đi kèm với khối lượng và biên độ sóng nhỏ. Tin tức trên thị trường lúc này hầu như đều tích cực và đám đông đều lạc quan.
Sự tăng giá của sóng 5 thực chất là do một nhỏ các nhà giao dịch tạo ra, họ là những người mua vào cuối cùng trước khi thị trường đạt đỉnh. Đồng thời, lúc này, trên các chỉ báo động lượng thường xuất hiện tín hiệu phân kỳ, cho biết động lực của xu hướng đang giảm dần, cung cấp manh mối về sự thay đổi của xu hướng.
Sóng A
Khi sóng A xuất hiện, đám đông thường sẽ tin rằng đây chỉ là một sự điều chỉnh của xu hướng trước đó. Các tin tức trên thị trường cơ bản vẫn là đang tích cực.
Sóng B
Giá đảo chiều tăng cao hơn, lúc này, nhiều người lại cho là sự phục hồi của thị trường tăng giá trước đó. Những người giao dịch price action có thể thấy được mô hình giá Vai đầu vai đang hình thành. Khối lượng giao dịch trong sóng B thường thấp hơn trong sóng A.
Sóng C
Khối lượng tăng lên và đến giai đoạn cuối của sóng C, hầu như mọi người đều nhận ra rằng thị trường gấu đang cố thủ vững chắc. Sóng C thường lớn ít nhất bằng sóng A và thường kéo dài đến 1,618 lần sóng A hoặc xa hơn.
Các phương pháp đếm sóng Elliott
Đếm sóng Elliott được hiểu là trader sẽ xác định bước đi tiếp theo của giá dựa trên chu kỳ sóng Elliott, biết được hiện tại đang là sóng nào và sóng tiếp theo sẽ dừng tại đâu, từ đó có thể xác định vị trí vào lệnh và mục tiêu lợi nhuận của giao dịch.
Có rất nhiều phương pháp đếm sóng khác nhau nhưng phương pháp tốt nhất để bắt đầu đếm sóng Elliott chính là bắt đầu đếm sóng ở các đỉnh hoặc đáy. Nếu bắt đầu đếm sóng ở đỉnh thì có nghĩa là đang xác định bước di chuyển tiếp theo xuống phía dưới, ngược lại, nếu đếm sóng ở đáy thì là đang xác định di chuyển của giá lên phía trên.
Có 3 công cụ kỹ thuật mà các bạn có thể sử dụng để phân tích và đếm sóng Elliott:
- Tỷ lệ Fibonacci
- Chỉ báo RSI
- Kênh giá (Channel)
Về kênh giá, kỹ thuật sử dụng tương tự như tính chất sóng chạm kênh giá đã trình bày ở phần trên, trong nội dung của phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu 2 công cụ kỹ thuật còn lại.
Sóng Elliott và tỷ lệ Fibonacci
Sở dĩ chúng ta có thể sử dụng công cụ này để đếm sóng là vì chính Ralph Nelson Elliott đã kết luận rằng dãy Fibonacci chính là cơ sở của Lý thuyết sóng của ông. Các tỷ lệ quan trọng của Fibonacci xuất hiện nhiều lần trong cấu trúc sóng Elliott, bao gồm cả mô hình sóng động lực và sóng điều chỉnh cơ bản và trong tất cả các dạng mẫu hình sóng phức tạp hơn của chúng.
Trong phần trình bày về các mẫu sóng điều chỉnh, chúng tôi có giới thiệu sơ qua một vài tỷ lệ Fibonacci được sử dụng trong sóng Elliott và đến phần này, mối quan hệ giữa Fibonacci và sóng Elliott sẽ được trình bày đầy đủ hơn, cụ thể:
Các tỷ lệ Fibonacci trong sóng động lực
- Sóng 2 thường thoái lui về các tỷ lệ 0.382, 0.5, 0.618, 0.786 hoặc 0.886 của sóng 1
- Sóng 3 thường mở rộng đến tỷ lệ 1.618 của sóng 1
- Sóng 4 thường thoái lui về các tỷ lệ 0.382, 0.5 của sóng 3
- Sóng 5 thường mở rộng đến tỷ lệ 1.236 hoặc 1.618 của sóng 4 hoặc thoái lui về tỷ lệ 0.618 của tổng độ cao sóng 1+3.
Các tỷ lệ Fibonacci trong sóng điều chỉnh
- Sóng B
- Zigzag: thường thoái lui về tỷ lệ 0.382, 0.5 hoặc 0.618 của sóng A
- Flat: thường mở rộng đến tỷ lệ 1.0, 1.236 hoặc 1.382 của sóng A
- Sóng C
- Zigzag: thường bằng 0.618 hoặc bằng sóng A
- Flat: thường bằng sóng A, bằng 1.236 đến 1.618 sóng A
Bên cạnh đó, khi thực hiện đếm sóng, các bạn cần lưu ý về các mẫu hình mở rộng của sóng động lực và các biến thể trong các mẫu hình sóng điều chỉnh.
- Nếu sóng 1 được mở rộng, thì sóng 3 sẽ ứng với các tỷ lệ Fibonacci Extension 0.618 – 0.786 của sóng 1. Sóng 2 và 4 thường sẽ thoái lui trong khoảng 0.236 – 0.382.
- Nếu sóng 3 được mở rộng, thì sóng 1 và sóng 5 có độ dài bằng nhau và sóng 4 sẽ thoái lui giữa các tỷ lệ 0.236 – 0.382 của sóng 3.
- Nếu sóng 4 đang kéo dài hơn 50% của sóng 3 thì đó không phải là sóng 4.
- Nếu sóng 1 và sóng 3 bằng nhau thì sóng 5 được mở rộng.
- Nếu sóng 5 được mở rộng, thì nó thường sẽ kết thúc ở tỷ lệ Fibonacci Extension 1.618 của tổng độ lớn từ sóng 1 đến sóng 3.
Sóng Elliott và chỉ báo RSI
Có lẽ phần khó khăn nhất khi đếm sóng chính là biết được khi nào mới là đỉnh hoặc đáy cuối cùng trong chu kỳ sóng Elliott. Và chính RSI là công cụ hữu ích nhất có thể giúp trader thực hiện được điều này.
Ứng dụng của chỉ báo RSI trong sóng Elliott bao gồm cả tín hiệu phân kỳ/hội tụ và tín hiệu quá mua/quá bán.
Có lẽ sẽ cùng nhắc lại một chút về các tín hiệu này của RSI:
- Phân kỳ: khi giá tạo đỉnh cao hơn nhưng RSI tạo đỉnh thấp hơn 🡪động lực của xu hướng tăng đang yếu dần 🡪 cảnh báo về khả năng đảo chiều giảm.
- Hội tụ: khi giá đang tạo đáy thấp hơn nhưng RSI tạo đáy cao hơn 🡪 động lực của xu hướng giảm đang yếu dần 🡪 cảnh báo về khả năng đảo chiều tăng.
Tín hiệu phân kỳ sẽ được áp dụng để xác định điểm kết thúc của sóng 5 trong chu kỳ sóng tăng và tín hiệu hội tụ sẽ xác định điểm kết thúc của sóng 5 trong chu kỳ sóng giảm.
Với tín hiệu quá mua/quá bán, trader sẽ sử dụng để xác định điểm cuối của sóng 3, cụ thể:
- Nếu RSI đạt đến giá trị quá mua (trên 80 càng tốt) thì có khả năng sóng 3 trong chu kỳ sóng tăng sẽ kết thúc.
- Nếu RSI đạt đến giá trị quá bán (dưới 20 càng tốt) thì có khả năng sóng 3 trong chu kỳ sóng giảm sẽ kết thúc.
Chiến lược giao dịch hiệu quả với sóng Elliott
Trong tất cả các chiến lược giao dịch trên thị trường forex thì chúng tôi luôn ủng hộ việc giao dịch theo xu hướng, đặc biệt là với các trader mới. Và trong chiến lược giao dịch với sóng Elliott mà chúng tôi sẽ giới thiệu ngay sau đây thì mục tiêu chính là bắt được sóng 5 của sóng động lực trong chu kỳ sóng.
Chiến lược này bao gồm 4 bước giao dịch cơ bản như sau:
Bước 1: Chờ cho đến khi xuất hiện một chuỗi ít nhất 3 sóng của chu kỳ sóng Elliott
Sự xuất hiện của 3 sóng đầu tiên trong sóng động lực của chu kỳ sóng Elliott là điều kiện đầu tiên cần có để thực hiện được chiến lược này. Vì mục tiêu của chúng ta là dự đoán điểm kết thúc của sóng 4 dựa vào đặc điểm của sóng 3, từ đó vào lệnh để bắt được sóng 5 của chu kỳ sóng này.
Bước 2: Xem xét tính hợp lệ của 3 sóng đầu tiên
Để thỏa mãn tính chất sóng Elliott, 3 sóng đầu tiên cần tuân thủ theo các quy tắc của Nguyên lý sóng Elliott.
- Sóng 1 có thể là sóng tăng hoặc giảm và không cần tuân theo bất kỳ quy tắc nào
- Sóng 2 phải thoái lui về các tỷ lệ 0.382, 0.5, 0.618, 0.786 hoặc 0.886 của sóng 1
- Sóng 3 phải mở rộng đến tỷ lệ 1.618 của sóng 1. Nhưng nếu sóng 1 mở rộng thì sóng 3 sẽ chỉ ứng với các tỷ lệ Fibonacci Extension 0.618 – 0.786 của sóng 1
Bước 3: Vào lệnh theo quy tắc của sóng 4 trong Nguyên lý sóng Elliott
Sau khi xác định tính hợp lệ của các sóng trong chu kỳ sóng Elliott thì tiến hành vào lệnh.
Theo Nguyên lý sóng Elliott thì, sóng 4 thường sẽ thoái lui về tỷ lệ 0.382 hoặc 0.5 của sóng 3. Nhưng nếu sóng 1 hoặc sóng 3 mở rộng thì sóng 4 sẽ thoái lui về tỷ lệ 0.236 hoặc 0.382 của sóng 3. Tuy nhiên, cũng theo Nguyên lý này thì chu kỳ sóng Elliott sẽ lý tưởng nhất khi sóng 4 thoái lui về tỷ lệ 0.382 hoặc 0.5 của sóng 3.
Nếu các bạn đã được tìm hiểu về các mô hình Harmonic thì khi chiến lược vào lệnh gắn liền với các tỷ lệ Fibonacci, chúng ta sẽ có nhiều cách vào lệnh khác nhau, và trong chiến lược này cũng vậy.
Cách 1: Vào lệnh khi sóng 4 vừa chạm vào tỷ lệ 0.382 hoặc 0.5 của sóng 3
Cách này hơi mạo hiểm vì có thể giá sẽ không đảo chiều tại các tỷ lệ này, và nếu sóng 4 thoái lui hơn 50% của sóng 3 thì đó không phải là sóng 4. Nhưng cách vào lệnh này lại có điểm entry đẹp.
Cách 2: Khi sóng 4 chạm vào tỷ lệ nằm trong khoảng từ 0.382 đến 0.5 của sóng 3 và có sự xác nhận đảo chiều của cây nến theo ngay sau đó thì vào lệnh sau khi cây nến này đóng cửa.
Cách vào lệnh này mặc dù an toàn hơn nhưng điểm entry không đẹp, đặc biệt trong trường hợp cây nến xác nhận có thân lớn, lúc này, lợi nhuận sẽ giảm đi đáng kể.
Cách 3: Khi sóng 4 chạm vào tỷ lệ nằm trong khoảng 0.382 – 0.5 của sóng 3 và đồng thời tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều thì vào lệnh sau khi mô hình nến hoàn thành.
Cách này có thể giải quyết được hạn chế của cả 2 cách trên, tuy nhiên, nếu quá cứng nhắc chờ đợi sự xuất hiện của mô hình nến, có thể trader sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch với chiến lược này.
Bước 4: Đặt stop loss theo quy tắc sóng 4 không thể đi vào vùng giá của sóng 1
Nếu sóng 4 đi vào vùng giá của sóng 1 thì chu kỳ sóng Elliott bị vô hiệu hóa. Do vậy:
- Đối với lệnh Buy, đặt stop loss ngay phía dưới điểm kết thúc của sóng 1 vài pip
- Đối với lệnh Sell, đặt stop loss ngay phía trên điểm kết thúc của sóng 1 vài pip
Bước 5: Chốt lời theo quy tắc của sóng 5 trong Nguyên lý sóng Elliott
Theo Nguyên lý sóng Elliott, sóng 5 thường mở rộng đến tỷ lệ 1.236 hoặc 1.618 của sóng 4 hoặc thoái lui về tỷ lệ 0.618 của tổng độ cao sóng 1+3.
Nếu sóng 1 và sóng 3 bằng nhau thì sóng 5 thường sẽ mở rộng và nó có thể đạt đến tỷ lệ 1.618 của sóng 1+3. Còn nếu sóng 3 mở rộng thì sóng 5 sẽ bằng sóng 1.
Các bạn có thể lựa chọn một trong các tỷ lệ này để chốt lời, hoặc cũng có thể chốt lời bất kỳ khi nào xuất hiện tín hiệu đảo chiều.
Ví dụ về chiến lược giao dịch hiệu quả với sóng Elliott
Kể từ khi giá tạo đáy mới cao hơn thì cấu trúc của xu hướng giảm phía trước bị phá vỡ, vị trí được khoanh tròn trong hình trên được xác định là đáy của xu hướng giảm và chúng ta sẽ bắt đầu đếm sóng tại vị trí này.
Sau đó, giá di chuyển ngoằn ngoèo tạo thành 3 sóng 1, 2, 3 được đánh dấu trong hình như trên.
Để đếm được 3 sóng này thì các bạn có thể sử dụng các tỷ lệ của Fibonacci, vừa đếm sóng và vừa xét tính hợp lệ của sóng Elliott.
- Sau khi sóng 1 được hình thành, vẽ Fibonacci Retracement cho sóng 1 và xác định sóng 2.
- Khi giá thoái lui về đúng tỷ lệ 0.786 của sóng 1 thì quay đầu tăng, sóng 2 được xác định và hợp lệ theo quy tắc của sóng Elliott.
- Tiếp đến, vẽ Fibonacci Extension của sóng 1, khi giá mở rộng đến tỷ lệ 1.618 của sóng 1 và bắt đầu đảo chiều giảm, sóng 3 sẽ được xác định.
Sau khi đã xác định được 3 sóng đầu tiên thì chuẩn bị vào lệnh.
Vẽ Fibonacci Retracement của sóng 3.
Trong trường hợp này, khi giá chạm vào tỷ lệ 0.382 của sóng 3 thì cũng là lúc xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng Sao Mai (Morning Star). Vào lệnh khi cây nến xanh thứ ba của mô hình này đóng cửa.
Đặt stop loss ngay phía dưới điểm cuối của sóng 1. Trong trường hợp này, các bạn có thể lựa chọn mục tiêu chốt lời sao cho sóng 5 bằng sóng 1.
Kết luận
Với tất cả những gì đã được chia sẻ trong bài viết, hy vọng các bạn sẽ nắm được phần nào về Lý thuyết sóng Elliott, một dạng kiến thức chuyên sâu trong giao dịch forex. Chiến lược giao dịch theo sóng Elliott hiệu quả nhất trên thực tế không gì khác ngoài việc các bạn thường xuyên thử nghiệm các ý tưởng giao dịch mới để tìm ra bộ quy tắc của riêng mình. Một khi đã hiểu rõ về cách giao dịch với sóng Elliott, các bạn có thể phát triển nhiều chiến lược giao dịch hiệu quả hơn với Nguyên lý này.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.