Trang chủMô hình giá Cốc và Tay cầm là gì? Đặc điểm và cách giao dịch với mô hình Cup and Handle Pattern

Mô hình giá Cốc và Tay cầm là gì? Đặc điểm và cách giao dịch với mô hình Cup and Handle Pattern

Admin

Cup and Handle pattern cũng là một trong những công cụ giao dịch mạnh mẽ của trường phái phân tích kỹ thuật nói chung và phương pháp Price Action nói riêng. Tuy nhiên, không giống như các price patterns khác, mô hình giá Cốc và Tay cầm có độ tin cậy cao hơn vì thời gian hình thành của nó khá lâu. Mô hình giá này cũng hiếm khi xuất hiện, nhưng một khi đã hình thành thì tiềm năng lợi nhuận mà nó mang lại vô cùng lớn, hơn hẳn các price patterns khác.

Cup and Handle pattern có đặc điểm nhận diện khác biệt và tượng hình nhất trong số các price patterns, không bị nhầm lẫn với những mô hình khác nhưng lại có khá nhiều nguyên tắc để xác định độ tin cậy của nó. Đó là lý do mà các trader mới thường cảm thấy khó khăn khi giao dịch với mô hình này.

Vậy, mô hình giá Cốc và Tay cầm là gì? Có đặc điểm như thế nào và làm sao để giao dịch với nó hiệu quả nhất? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Mô hình giá Cốc và Tay cầm là gì?

Tiền thân của mô hình này là một mô hình với tên gọi Saucer with platform, được giới thiệu lần đầu tiên bởi William L.Jiler vào những năm 1960s. Sau đó, mô hình này đã được kỹ thuật viên chứng khoán nổi tiếng, người được mệnh danh là phù thủy chứng khoán – ông William J. O’Neil, định nghĩa lại vào năm 1988 và đưa nó vào trong một tác phẩm kinh điển của ông có tên “How to make money in stocks” (Cách kiếm tiền bằng cổ phiếu). Cũng từ đó mô hình này trở nên phổ biến hơn ở thị trường và được biết đến nhiều hơn với tên gọi Cup and Handle pattern (Mô hình giá Cốc và Tay cầm) như hiện tại.

Mô hình này được xếp loại vào nhóm các mô hình giá tiếp diễn, cụ thể, nó sẽ xuất hiện trong một xu hướng tăng và dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng sau khi mô hình được hình thành.

Thuở sơ khai của mô hình này chỉ được áp dụng trên thị trường chứng khoán nhưng cho đến hiện tại, mô hình giá Cốc và Tay cầm được sử dụng rộng rãi trên mọi loại thị trường, mọi loại tài sản chịu tác động trực tiếp từ mối quan hệ cung cầu.

Mô hình giá Cốc và Tay cầm được giao dịch trên nhiều khung thời gian khác nhau, nhưng ở những khung thời gian lớn từ H1 trở lên thì độ tin cậy sẽ càng cao hơn.

Đặc điểm nhận diện của mô hình giá Cốc và Tay cầm

Như tên gọi của nó, mô hình này có đặc điểm nhận diện giống với hình ảnh của một chiếc cốc có tay cầm.

Trước khi mô hình xuất hiện, thị trường đang trong một xu hướng tăng hoặc một đoạn xu hướng tăng.

Trong xu hướng tăng, giá tạo đỉnh và bắt đầu điều chỉnh giảm, tạo thành phần bên trái của Thân cốc. Sau đợt điều chỉnh giảm, giá tiếp tục tăng lên lại với độ cao bằng với đỉnh trước đó, hoàn thành phần còn lại của thân cốc. Chúng ta sẽ tạm gọi đỉnh hiện tại là đỉnh bên phải của thân cốc và đỉnh trước đó là đỉnh bên trái của thân cốc. Đường thẳng nối 2 đỉnh này đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự mạnh trong mô hình.

Sau khi hình thành phần Thân cốc (Cup), giá tiếp tục điều chỉnh giảm để tạo thành phần Tay cầm (Handle). Đợt điều chỉnh giảm thứ 2 này ở mức độ nhẹ nhàng hơn, có hình dáng giống với phần thân cốc nhưng với phiên bản thu nhỏ hoặc là một đợt tích lũy đi ngang hoặc hơi dốc xuống giống với mô hình Cái nêm giảm.

Tham khảo: Mô hình Cái nêm (Wedge pattern) là gì? Đặc điểm, Ý nghĩa và Cách giao dịch hiệu quả.

Một vài thông số yêu cầu cho mô hình giá Cốc và Tay cầm

  • Thứ nhất, xu hướng tăng hoặc đoạn xu hướng tăng phía trước phải có độ tăng ít nhất là 30%.
  • Thứ hai, giá điều chỉnh giảm để hình thành nên phần Thân cốc phải có mức độ giảm từ 12 – 15% hoặc có thể lên đến 33% so với đỉnh bên trái của thân cốc. Và thời gian để hình thành phần thân cốc có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng. (theo nghiên cứu của William J. O’Neil, 2002)
  • Thứ ba, đợt điều chỉnh giảm thứ hai để tạo thành phần Tay cầm không được giảm quá sâu, chỉ ở mức khoản 1/3 nửa trên của thân cốc và không được quá ½ độ sâu của phần thân. Thời gian hình thành phần Tay cầm có thể ngắn hoặc dài và thường là từ 1 – 4 tuần.

Trên thực tế thì mô hình giá Cốc và Tay cầm được hình thành với các thông số không nhất thiết phải hoàn toàn giống như trên, nhưng muốn mô hình này ra được cái chất của một “Chiếc cốc có Tay cầm” và có độ tin cậy cao thì các thông số không được chênh lệch quá lớn so với các thông số mẫu.

Như bao price patterns khác, mô hình giá Cốc và Tay cầm chỉ được hoàn thành nếu giá phá vỡ thành công đường kháng cự của mô hình. Sau khi phá vỡ thành công, giá sẽ tiếp tục tăng lên với mục tiêu tăng giá trung bình là 34% (theo Bulkowski, 2005) nhưng thông thường, các trader sẽ kỳ vọng lợi nhuận cao hơn như thế nhiều lần.

Mô hình giá Cốc và Tay cầm nghịch

Mô hình giá Cốc và Tay cầm được mô tả ở trên là mô hình thuận, bên cạnh đó mô hình này còn có một phiên bản úp ngược, gọi là Cốc và Tay cầm nghịch, xuất hiện trong một xu hướng giảm và dự báo về khả năng tiếp tục giảm của xu hướng đó.

Như đã nhắc đến ở phần trên, vì ban đầu, mô hình này được phát triển và ứng dụng trên thị trường chứng khoán nên thời gian hình thành mô hình là khá lâu. Nhưng đối với các thị trường hoạt động 24/24 và biến động giá liên tục như forex thì thời gian có thể nhanh hơn, áp dụng được trên cả những khung thời gian nhỏ hơn. Và vì giao dịch trên thị trường forex mang đặc điểm và tính chất của Hợp đồng chênh lệch CFDs nên mới xuất hiện phiên bản úp ngược này, giúp trader có thể kiếm được lợi nhuận từ mô hình này ngay cả khi thị trường đi xuống.

Mô hình giá Cốc và Tay cầm nghịch xuất hiện trong một xu hướng giảm, sau đó điều chỉnh tăng tạo thành phần thân úp ngược bên trái. Sau đợt điều chỉnh tăng, giá tiếp tục giảm để hoàn tất phần thân bên úp ngược bên phải. Sau đó, giá tiếp tục điều chỉnh tăng với mức độ điều chỉnh nhẹ hơn, tạo thành phần Tay cầm úp ngược.

Các thông số mẫu trong mô hình tương tự như với mô hình Cốc và Tay cầm thuận. 

Mô hình giá Cốc và Tay cầm nghịch được hoàn thành khi giá phá vỡ thành công đường hỗ trợ (đường thẳng nối đáy bên trái và đáy bên phải của phần Thân cốc úp ngược) và giảm xuống.

Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến mô hình giá Cốc và Tay cầm thuận, đối với mô hình Cốc và Tay cầm nghịch, các bạn có thể thực hiện tương tự theo hướng ngược lại.

Ý nghĩa của mô hình giá Cốc và Tay cầm

Việc giá hình thành đỉnh bên trái của phần Thân cốc là hết sức bình thường vì xu hướng hiện tại đang là xu hướng tăng, nên việc giá tạo đỉnh mới cao hơn là lẽ thường tình.

Lúc này, một số người mua vào trước đó sẽ chốt lợi nhuận do đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng hoặc lo sợ thị trường đảo chiều nên giá điều chỉnh giảm, tạo thành phần bên trái của Thân cốc.

Nhưng cũng chính tại mức giá điều chỉnh giảm này lại tăng sức hấp dẫn đối với phe mua, họ tận dụng cơ hội mua vào với giá thấp, tạo ra một mức hỗ trợ mới chính là đáy Cốc. Khi phe bò đổ xô mua vào tại đáy Cốc, giá tăng trở lại và đạt được mức cao mà nó đã đạt được trước đó. Phần bên phải của Thân cốc được hoàn thành.

Khi giá tăng trở lại và đạt được mức cao cũ, nhiều người sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội với ngưỡng kháng cự tạo bởi 2 mức cao này để bán ra. Tuy nhiên, mức giảm lần này không sâu bằng lần trước, nó chỉ quay lại bằng một phần của đợt điều chỉnh trước, đám đông lúc này sẽ kỳ vọng vào lần giá kiểm tra lại mức cao tiếp theo.

Vì giá không thể giảm sâu như đợt điều chỉnh đầu tiên mà chỉ luẩn quẩn quanh khu vực kháng cự, điều này cho thấy phe mua đang củng cố lực lượng, thị trường đang trong trạng thái tích lũy. Sau đợt tích lũy này, khi phe mua quyết định bứt phá, giá sẽ tăng lên vô cùng mạnh mẽ.

Và đúng như thế, khi giá phá vỡ được kháng cự tạo bởi 2 đỉnh của Thân cốc, các lệnh bán tại kháng cự trước đó bị quét stop loss, số khác ở ngoài thị trường thì nhảy vào mua, điều này càng đẩy giá lên cao hơn.

Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá Cốc và Tay cầm

Bởi vì thời gian hình thành mô hình giá Cốc và Tay cầm khá lâu và lâu hơn nhiều so với những price patterns khác, cho nên, điều quan trọng nhất khi giao dịch với mô hình này là phải thật cẩn trọng và chính xác trong từng bước giao dịch, từ việc xác định xu hướng phía trước, đến khi nhận diện mô hình và chuẩn bị kế hoạch vào lệnh.

Cũng như bao price patterns khác, quá trình giao dịch với mô hình giá Cốc và Tay cầm có thể trải qua các bước cơ bản sau:

Bước 1: Xác định xu hướng trước khi mô hình hình thành

Bước này chắc chắn không thể thiếu, vì Cup and Handle pattern là mô hình giá tiếp diễn nên việc xác định xu hướng phía trước là tiền đề để trader xác định hướng giao dịch sau khi mô hình xảy ra.

Mặc dù quan trọng nhưng không quá khó khăn, chỉ cần dựa vào cấu trúc xu hướng thông qua hành vi của giá, các bạn có thể dễ dàng xác định được thị trường đang tăng hay giảm. Cụ thể:

  • Nếu hành vi của giá tạo ra đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn thì thị trường đang trong xu hướng tăng.
  • Ngược lại, nếu giá tạo đỉnh mới thấp hơn và đáy mới thấp hơn thì thị trường đang trong xu hướng giảm.

Bước 2: Nhận diện mô hình

So với các price patterns khác thì đối với mô hình giá Cốc và Tay cầm, bước này cực kỳ quan trọng. Bởi vì nó phải đáp ứng được các thông số của mô hình như đã đề cập đến ở phần trên.

Nếu giá điều chỉnh giảm sau xu hướng tăng và tăng trở lại mức cao cũ, sau đó tiếp tục một đợt điều chỉnh giảm nhẹ nữa thì các bạn có thể bước đầu xác định khả năng đó là mô hình giá Cốc và Tay cầm.

Tiếp đến, hãy xem xét các tỷ lệ điều chỉnh giảm ở phần Thân cốc và Tay cầm, cụ thể, phần Thân cốc điều chỉnh giảm ít nhất từ 12% và tối đa có thể đến 33% so với đỉnh trước đó, phần Tay cầm chỉ điều chỉnh về khoảng 1/3 so với phần trên Thân cốc và không được quá ½ độ sâu Thân cốc.

Đừng quên để ý thời gian hình thành phần Thân cốc, nếu quá ngắn, có thể mô hình này sẽ không đáng tin cậy.

Nếu đã xác định được đó là mô hình giá Cốc và Tay cầm, hãy tiếp tục xem xét các yếu tố tăng độ tin cậy của mô hình trước khi chờ đợi sự phá vỡ thực sự sẽ xảy ra.

  • Thứ nhất, phần Thân cốc nếu có đáy chữ U và đáy rộng, dài sẽ cho tín hiệu mạnh hơn so với đáy chữ V.
  • Thứ hai, đáy Cốc không nên quá sâu, nếu vượt quá 50% so với mức giá ở đỉnh Cốc thì mô hình dường như sẽ không xảy ra hoặc sau khi phá vỡ kháng cự, giá sẽ chỉ tăng lên nhẹ, không đủ để đạt được lợi nhuận mục tiêu.
  • Thứ ba, nếu phần Tay cầm có hình dáng giống như mô hình giá Cái nêm giảm thì xác suất giao dịch với mô hình Cốc và Tay cầm sẽ cao hơn vì giá cũng sẽ phá vỡ đi lên sau khi mô hình giá Cái nêm giảm hình thành.
  • Thứ tư, khối lượng củng cố tín hiệu tiếp diễn xu hướng, cụ thể: khi giá tạo đỉnh mới, tức đỉnh bên trái của phần Thân cốc, khối lượng thường sẽ tăng cao, sau đó giảm dần theo đà giảm của giá để tạo đáy của phần Thân cốc. Khi giá tăng lên lại để hoàn thành phần bên phải của Thân cốc thì khối lượng cũng tăng lên nhưng không mạnh mẽ. Đến giai đoạn tích lũy (tức phần Tay cầm), khối lượng giảm dần và sẽ tăng lên mạnh khi giá phá vỡ mô hình.
  • Thứ năm, để mô hình Cốc và Tay cầm xảy ra đúng với tiềm năng lợi nhuận cao, bắt buộc phần Tay cầm phải hoàn thành trước khi giá phá vỡ kháng cự. Bởi vì trên thực tế, có nhiều trường hợp sau khi hoàn thành phần Thân cốc, giá sẽ phá vỡ ngưỡng kháng cự và tăng lên luôn chứ không hình thành phần Tay cầm, tuy nhiên, các trường hợp giá tăng lên mạnh mẽ để đạt lợi nhuận mục tiêu là rất ít.

Bước 3: Vào lệnh, đặt stop loss và take profit

Có 3 cách vào lệnh với mô hình Cốc và Tay cầm:

Cách 1: Vào lệnh sau khi giá phá vỡ mô hình

Hay nói cụ thể hơn là sau khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự hoặc đỉnh cao nhất của phần Thân cốc.

Tín hiệu để nhận biết giá phá vỡ thành công mô hình chính là cây nến breakout bar phải đóng cửa phía trên ngưỡng kháng cự một cách rõ ràng, nếu thân nến dài thì càng tốt, cộng thêm đó sẽ là sự xác nhận lại của một cây nến xanh theo ngay sau breakout bar.

Nếu vào lệnh theo cách này, vị trí stop loss các bạn có thể đặt tại đáy của phần Tay cầm, như hình trên.

Cách 2: Vào lệnh sau khi giá quay lại retest ngưỡng kháng cự

Sau khi phá vỡ được kháng cự, giá sẽ tăng lên nhưng không tăng một mạch lên cao luôn mà sẽ quay lại retest ngưỡng kháng cự rồi sau đó mới chính thức tăng lên mạnh mẽ. Ngưỡng kháng cự sau khi bị phá vỡ trở thành ngưỡng hỗ trợ mới nên giá chạm vào sẽ có xu hướng quay đầu đi lên. Đối với những price patterns khác như Hình chữ nhật, Cái nêm, Ba đỉnh, Ba đáy… thì đây là cách vào lệnh tối ưu hơn vì khi giá quay lại retest mô hình cũng là một sự xác nhận mạnh mẽ lại tín hiệu mà mô hình đã cung cấp, nhưng với mô hình Cốc và Tay cầm, cách vào lệnh này lại không được ưu tiên vì trên thực tế các trường hợp đã xảy ra mô hình này, rất hiếm khi giá quay lại retest ngưỡng kháng cự mà sẽ tăng lên luôn sau khi phá vỡ được ngưỡng này.

Cách vào lệnh này sẽ có được vị trí stop loss đẹp hơn, giúp cho tỷ lệ Risk:Reward tốt hơn, cụ thể, các bạn đặt stop loss ngay phía dưới ngưỡng hỗ trợ mới.

Cách 3: Vào lệnh sau khi giá phá vỡ phần Tay cầm

Cách này áp dụng trong trường hợp phần Tay cầm sẽ dốc xuống, tạo thành mô hình Cái Nêm giảm. Vào lệnh khi giá phá vỡ cạnh trên của Tay cầm cũng chính là khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự của mô hình Cái Nêm giảm.

Còn nếu phần Tay cầm là phạm vi giá tích lũy đi ngang hoặc tạo thành phiên bản cốc mini thì cách vào lệnh này sẽ giống với cách thứ 1.

Đối với cách vào lệnh này, các bạn có thể đặt stop loss ngay phía dưới đáy thấp nhất của Tay cầm hay mô hình Cái Nêm giảm.

Chiến lược nhồi lệnh trong mô hình giá Cốc và Tay cầm

Như đã nói, mô hình giá Cốc và Tay cầm đáng tin cậy hơn so với đa số các price patterns khác, cho nên một chiến lược nhồi lệnh được áp dụng cho mô hình này sẽ không quá rủi ro. Tuy nhiên, đây là chiến lược được thực hiện khi phần Tay cầm hơi dốc xuống hoặc phần Tay cầm tạo thành mô hình giá Cái Nêm giảm.

Chiến lược này được thực hiện như sau:

Khi giá phá vỡ cạnh trên của phần Tay cầm, các bạn vào lệnh Buy 1, vì lúc này mô hình giá Cốc và Tay cầm chưa hoàn thành, do giá chưa phá vỡ kháng cự tạo bởi 2 đỉnh của phần Thân cốc nên các bạn có thể đặt stop loss tại đáy của phần Thân cốc.

Khi giá phá vỡ đường kháng cự của mô hình Cốc và Tay cầm, các bạn vào lệnh Buy 2, đặt stop loss của lệnh này ngay phía dưới đáy thấp nhất của Tay cầm, đồng thời dời stop loss của lệnh Buy 1 đến vị trí này.

Nếu giá quay về retest ngưỡng kháng cự này thì các bạn có thể vào thêm một lệnh Buy 3 và đặt stop loss cho lệnh này ngay phía dưới ngưỡng hỗ trợ mới.

Về take profit, lợi nhuận mục tiêu lý tưởng cho mô hình này chính bằng độ sâu của phần Thân cốc.

Một số ví dụ về mô hình giá Cốc và Tay cầm trên thị trường forex

Ví dụ 1: Mô hình giá Cốc và Tay cầm với giá quay lại retest mô hình

Nhìn sơ qua cũng có thể thấy được mô hình giá Cốc và Tay cầm này đáp ứng được các thông số mẫu và các điều kiện để gia tăng độ tin cậy của tín hiệu mà mô hình cung cấp. Phần Tay cầm là khu vực giá tích lũy đi ngang, do vậy, chúng ta có thể áp dụng cách vào lệnh thứ nhất hoặc thứ hai.

Ví dụ 2: Mô hình giá Cốc và Tay cầm với chiến lược nhồi lệnh

Mô hình Cup and Handle trong trường hợp này có phần Tay cầm dốc xuống, tạo thành mô hình Cái Nêm giảm, do đó, chúng ta có thể thực hiện chiến lược nhồi lệnh. Lệnh Buy 1 được thực hiện khi giá phá vỡ cạnh trên của Tay cầm, stop loss đặt phía dưới đáy của phần Thân cốc. Lệnh Buy thứ 2 thực hiện khi giá chính thức phá vỡ mô hình Cốc và Tay cầm, đặt stop loss phía dưới mức giá thấp nhất của Tay cầm, đồng thời dời stop loss của lệnh Buy 1 lên vị trí stop loss của lệnh Buy 2.

Lưu ý: với lệnh Buy 1, vì mô hình Cốc và Tay cầm chưa hoàn thành nên các bạn chỉ nên vào lệnh với khối lượng nhỏ để hạn chế rủi ro khi mô hình không xảy ra.

Ví dụ 3: Mô hình giá Cốc và Tay cầm với chiến lược nhồi lệnh

Mô hình giá Cốc và Tay cầm xuất hiện trên cặp XAU/USD ở khung D1. Vì thời gian hình thành mô hình này có thể đến vào tháng, do đó,, các bạn nên thu nhỏ biểu đồ để nhận diện mô hình này tốt hơn. Như trong trường hợp trên, nếu không thu nhỏ đồ thị giá, có lẽ chúng ta sẽ không dễ dàng phát hiện ra mô hình Cốc và Tay cầm đang hình thành.

Tương tự như trường hợp trên, chúng ta cũng có thể thực hiện chiến lược nhồi lệnh với mô hình này nhờ phần Tay cầm tạo thành mô hình Cái nêm giảm.

Trong cả 3 ví dụ trên, khi mô hình giá Cốc và Tay cầm xuất hiện và hoàn thành, giá đi đúng như kỳ vọng và dễ dàng đạt được lợi nhuận mục tiêu.

Kết luận

Cái khó nhất khi giao dịch với mô hình Cốc và Tay cầm chính là ở việc phát hiện và nhận diện mô hình, và với trader mới thì càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, nếu muốn “hưởng” được lợi nhuận tiềm năng từ mô hình này, các bạn phải siêng năng hơn trong việc quan sát đồ thị giá, không chỉ trên những cặp tiền yêu thích hay những cặp tiền chính mà hãy thực hiện với cả những cặp tiền chéo, biết đâu may mắn sẽ mỉm cười với bạn. Còn với việc làm sao để giao dịch hiệu quả với mô hình Cốc và Tay cầm thì các bạn có thể tham khảo những bước giao dịch và chiến lược mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết. 

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình giá Cốc và Tay cầm là gì? Đặc điểm và cách giao dịch với mô hình Cup and Handle Pattern
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan