Trong forex, biểu đồ hay đồ thị giá là công cụ giao dịch vô cùng quan trọng, cho dù các bạn có theo đuổi trường phái phân tích nào đi nữa. Trade tin tức cũng cần biểu đồ giá để xác định xu hướng chung, canh thời điểm kết thúc nến để vào lệnh; trader theo chỉ báo kỹ thuật hay các mô hình nến, mô hình giá thì biểu đồ giá càng là phần quan trọng nhất và không thể thiếu.
Trên thực tế thì có rất nhiều loại biểu đồ giá khác nhau, nhưng với giao dịch forex, có 4 loại biểu đồ giá chính, thường được các trader sử dụng nhiều nhất, đó là biểu đồ nến Nhật, biểu đồ thanh, biểu đồ đường và biểu đồ Heiken Ashi. Mỗi loại biểu đồ cung cấp những thông tin nhất định, hỗ trợ cho việc phân tích và ra quyết định giao dịch. Phụ thuộc vào từng mục đích và chiến lược giao dịch cụ thể mà trader sẽ lựa chọn loại biểu đồ giá cho phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn 4 loại biểu đồ kể trên và cách đọc hiểu từng loại trong giao dịch forex. Cùng bắt đầu nào.
Biểu đồ đường – Line chart
Biểu đồ đường chỉ sử dụng một dữ liệu giá duy nhất và loại giá được sử dụng chủ yếu chính là giá đóng cửa. Mỗi phiên giao dịch sẽ tương ứng với một mức giá đóng cửa và thể hiện bằng một điểm. Nối tất cả các điểm này lại với nhau, chúng ta sẽ có được biểu đồ giá theo dạng đường hay còn gọi là biểu đồ đường (line chart).
Đây là dạng biểu đồ giá cơ bản nhất, không chỉ trong forex mà trong tất cả các lĩnh vực khác.
Trong 4 mức giá Open (mở cửa), Close (đóng cửa), High (cao nhất), Low (thấp nhất) thì chỉ có giá đóng cửa mới cho biết giá của phiên sau cao hơn hay thấp hơn phiên trước, chính vì vậy, dù chỉ sử dụng 1 dữ liệu giá duy nhất nhưng biểu đồ đường cũng thể hiện được xu hướng của thị trường.
Cách đọc biểu đồ đường
- 2 phiên giao dịch liên tiếp nhau được nối bởi một đoạn thẳng, nếu đoạn thẳng dốc lên thì giá tăng, đoạn thẳng dốc xuống thì giá giảm. Ví dụ như hình trên, đoạn thẳng nối 2 mức giá đóng cửa của ngày 16 và 17 dốc xuống, chứng tỏ giá giảm xuống, ngược lại, từ ngày 18 đến 19, giá tăng lên.
- Trong một khoảng thời gian nhất định, nếu đồ thị có xu hướng đi lên, tạo thành các đỉnh mới cao hơn, đáy mới cao hơn thì thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại.
Ưu, nhược điểm của biểu đồ đường
Biểu đồ đường chỉ cho thấy kết quả sau một trận đấu giữa 2 phe mua và bán, là phe nào thẳng phe nào thua, nhưng nó lại không thể cho biết trong suốt trận đấu đó, 2 phe đã dành giật nhau như thế nào, phe nào sẽ có ưu thế hơn ở những phiên tiếp theo. Hay Line chart cũng không cung cấp đủ các thông tin quan trọng như trong một phiên giao dịch hay trong một khoảng thời gian cụ thể, mức giá thấp nhất, cao nhất mà thị trường chạm tới là bao nhiêu, mà đây lại là những cơ sở quan trọng để hỗ trợ trader trong việc xác định thời điểm vào/thoát vị thế cho phù hợp.
Một khuyết điểm nữa của Line chart mà nhìn trực tiếp vào đồ thị sẽ thấy rất rõ. Trong trường hợp độ dốc của 2 hoặc nhiều đoạn thẳng liên tiếp gần như bằng nhau, nghĩa là chúng gần như cùng nằm trên một đường thẳng thì khi nhìn vào biểu đồ, chúng ta sẽ rất khó để biết được khoản giá tăng hay giảm đó là của bao nhiêu phiên giao dịch. Ví dụ như ở hình trên, giá đóng cửa của 3 ngày 16, 17, 18 gần như thẳng hàng, nếu không nhìn kỹ thì sẽ tưởng rằng chỉ sau 1 ngày mà giá đã giảm khá sâu nhưng thực tế thì mức giảm đó diễn ra trong tận 2 ngày.
Trong khi đó, ưu điểm lớn nhất của Line chart chỉ là sự đơn giản, dễ nhìn và không bị rối vì không có quá nhiều thông tin. Chính vì vậy mà trader chỉ sử dụng Line chart để nhìn nhận xu hướng chung của thị trường trong một khoảng thời gian nhất định chứ không được dùng để phân tích.
Biểu đồ thanh – Bar chart
Thay vì mỗi phiên giao dịch chỉ được thể hiện bằng 1 điểm duy nhất (mức giá đóng cửa) như Line chart thì trong biểu đồ thanh, mỗi phiên giao dịch là một thanh đứng, bao gồm đầy đủ 4 mức giá của 1 phiên: Open, High, Low, Close, nên Bar chart còn có một tên gọi khác nữa chính là biểu đồ OHLC, ghép chữ cái đầu của 4 mức giá đó lại với nhau.
Trong đó:
- High: điểm cao nhất của thanh giá
- Low: điểm thấp nhất của thanh giá
- Open: thanh ngang nhỏ bên trái
- Close: thanh ngang nhỏ bên phải
Trong phần mềm giao dịch, các bạn có thể cài đặt màu sắc của thanh giá tăng và giảm khác nhau để dễ quan sát. Thông thường, các thanh tăng giá là màu xanh và thanh giảm giá là màu đỏ.
Cách đọc biểu đồ thanh
- Mỗi thanh trong Bar chart thể hiện được diễn biến của 1 phiên giao dịch, ví dụ: mỗi thanh trong Bar chart H1 tái hiện lại những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian 1 giờ hay nhìn vào mỗi thanh trong Bar chart D1, chúng ta sẽ biết những gì đã xảy ra giữa 2 phe mua và bán trong khoảng thời gian 1 ngày.
- Vị trí của 2 thanh ngang nhỏ cho biết trong phiên giao dịch, giá tăng hay giảm: nếu thanh bên trái cao hơn thanh bên phải nghĩa là Open > Close thì đó là thanh giá giảm, ngược lại, thanh bên trái thấp hơn thanh bên phải, Open < Close thì đó là thanh giá tăng.
- Khoảng cách giữa 2 thanh ngang càng lớn thì giá tăng hoặc giảm càng mạnh. Ngược lại, khoảng cách giữa chúng càng nhỏ thì chứng tỏ trong phiên giao dịch, giá biến động không đáng kể.
- Đối với thanh giá tăng: khoảng cách từ giá cao nhất (High) đến giá đóng cửa (Close) hoặc với thanh giá giảm: khoảng cách từ giá cao nhất (High) đến giá mở cửa (Open) càng lớn thì cho thấy trong phiên giao dịch, phe mua đã cố gắng đưa giá lên cao nhưng vì lực bán mạnh hơn đã kéo giá xuống lại ngay sau đó 🡪 thị trường từ chối giá lên.
- Ngược lại, khoảng cách từ Low – Open (thanh giá tăng) hoặc từ Low – Close (thanh giá giảm) càng lớn 🡪 thị trường từ chối giá xuống.
- Nếu thanh giá có khoảng cách giữa 2 thanh ngang ngắn nhưng khoảng cách từ High – Open và từ Low – Close (thanh giảm) hoặc từ High – Close và từ Low – Open (thanh tăng) lại lớn thì cho thấy trong phiên giao dịch, 2 phe đã tranh đấu rất khốc liệt, phe mua đã từng chiếm ưu thế hơn khi đưa giá lên rất cao và phe bán cũng vậy, nhưng đến cuối phiên, không phe nào thắng phe nào.
Ưu và nhược điểm của biểu đồ thanh
Rõ ràng, so với Line chart thì Bar chart cung cấp nhiều thông tin hơn, trader sẽ phân biệt được từng phiên giao dịch cụ thể, biết được phiên nào tăng phiên nào giảm, chỉ cần nhìn vào màu sắc của các thanh giá.
Nhược điểm lớn nhất của Bar chart chính là khó đọc được khi thu nhỏ biểu đồ. Mặc dù khi nhìn vào từng thanh giá, chúng ta có thể biết được diễn biến thị trường diễn ra như thế nào ở mỗi phiên hay màu sắc giúp phân biệt thanh tăng thanh giảm, nhưng vì 2 thanh ngang thể hiện 2 mức giá Open và Close quá nhỏ, nên khi thu nhỏ biểu đồ sẽ rất khó xác định được vị trí của 2 thanh ngang này, trader sẽ khó khăn hơn trong việc phân tích. Còn nếu phóng to biểu đồ giá thì có thể dễ dàng nhìn thấy hơn nhưng trong nhiều chiến lược, kỹ thuật phân tích, trader cần thu nhỏ biểu đồ để thấy được xu hướng chung của thị trường.
Biểu đồ nến Nhật – Candlestick chart
Sở dĩ loại biểu đồ này có cái tên tượng hình nhất là vì mỗi phiên giao dịch được thể hiện bằng một thanh giống như cây nến và loại biểu đồ này do ông Munehisa Homma, một thương nhân người Nhật Bản phát minh ra nên biểu đồ này có tên là biểu đồ nến Nhật.
Tương tự như Bar chart, mỗi cây nến cung cấp đầy đủ 4 mức giá và thể hiện được cụ thể diễn biến đã xảy ra trong một phiên giao dịch. Cây nến H1 cho biết những gì đã xảy ra trong 1 giờ hay cây nến H4 tái hiện lại quá trình đấu đá giữa 2 phe mua và bán trong khoảng thời gian mỗi 4 giờ.
- Khoảng cách giữa giá mở cửa và giá đóng cửa hình thành nên phần thân nến. cũng giống như Bar chart, trong giao dịch forex, người ta thường sử dụng 2 màu xanh và đỏ cho phần thân nến để phân biệt cây nến tăng và cây nến giảm.
- Phần phía trên thân nến gọi là bóng nến trên hay râu nến trên
- Phần phía dưới thân nến là bóng nến dưới hay râu nến dưới
Cách đọc biểu đồ nến Nhật
- Thân nến xanh dài thì chứng tỏ trong phiên giao dịch hình thành nên cây nến đó, phe mua chiếm ưu thế tuyệt đối, ngược lại, nếu thân nến đỏ dài thì phe bán chiếm ưu thế hơn trong suốt phiên. Phần thân nến càng lớn thì lực mua hoặc bán càng mạnh.
- Bóng nến trên dài cho thấy phe mua đã từng cố gắng để đẩy giá lên cao nhưng vì lực bán mạnh hơn nên kéo giá xuống lại 🡪 thị trường từ chối giá lên. Bóng nến trên càng dài thì lực bán càng mạnh.
- Bóng nến dưới cho thấy phe bán đã rất cố gắng trong việc kéo giá xuống rất sâu nhưng vì lực mua mạnh hơn nên đã đưa giá lên lại 🡪 thị trường từ chối giá xuống. Bóng nến dưới càng dài thì lực mua càng mạnh.
- Nếu phần thân nến và cả 2 bóng nến đều ngắn thì chứng tỏ phiên giao dịch không có nhiều biến động, giá gần như không thay đổi so với ban đầu.
- Nếu phần thân ngắn nhưng cả 2 bóng nến trên và dưới đều dài thì cho thấy diễn biến thị trường trong phiên rất quyết liệt. Cả phe mua và bán đều chiến đấu khốc liệt và đã từng có thời điểm dành ưu thế hơn, nhưng kết phiên, không phe nào thắng phe nào.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về Candlestick chart, các bạn có thể tham khảo bài viết:
Ưu và nhược điểm của biểu đồ nến Nhật
Khắc phục được hạn chế lớn nhất của Bar chart, biểu đồ nến Nhật có phần thân và bóng nến được phân biệt rõ nên cho dù có thu nhỏ biểu đồ thì cũng rất dễ nhìn và có thể đọc được nến tốt.
Nhờ khả năng cung cấp thông tin tuyệt vời mà nhiều mô hình nến, mô hình giá và hàng loạt các công cụ phân tích khác được xây dựng dựa trên biểu đồ nến Nhật, có ứng dụng rất lớn và mang lại hiệu quả cao trong giao dịch forex.
Và cũng chính nhờ những ưu điểm đó mà biểu đồ nến Nhật là loại biểu đồ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, trên tất cả các thị trường tài chính như forex, chứng khoán, tiền điện từ…
Nhược điểm còn tồn tại ở Candlestick chart hay bất kỳ loại biểu đồ nào khác chính là khả năng cung cấp thông tin không toàn diện. Điều này có nghĩa là, giả sử các bạn giao dịch trên khung thời gian D1, mỗi cây nến trên timeframe này sẽ cho biết giá đã tăng lên hay giảm xuống trong ngày hôm đó, phe nào đang chiếm ưu thế hơn, tuy nhiên, trong phân tích kỹ thuật, trader cần biết được diễn biến cụ thể của thị trường, tức là giá đã biến động như thế nào trong ngày, tăng trước hay giảm trước, phe nào chiếm ưu thế trước… Tuy nhiên, hạn chế này của Candlestick vẫn có thể khắc phục được, bằng cách chúng ta sẽ kết hợp phân tích trên nhiều khung thời gian, điều này thì tất cả các phần mềm giao dịch đều hỗ trợ rất tốt, đó là lợi thế rất lớn khi các bạn tham gia vào thị trường này.
Biểu đồ Heiken Ashi – Heiken Ashi chart
Biểu đồ Heiken Ashi cũng được hình thành từ nhiều cây nến giống như Candlestick chart nên Heiken Ashi cũng được gọi là nến Heiken Ashi. Đây cũng là phát minh của ông Munehisa Homma.
Nến Heiken Ashi cũng bao gồm phần thân nến và bóng nến giống như nến Nhật nhưng 4 mức giá trên cây nến lại có công thức tính hoàn toàn khác. Cụ thể như sau:
- Open = (Open of Pre. Bar + Close of Pre. Bar)/2 = trung bình cộng của Open và Close của phiên giao dịch trước hay cây nến trước.
- Close = (Open + Close + High + Low)/4 = trung bình cộng của 4 mức giá: Open, Close, High và Low của chính phiên giao dịch hiện tại.
- High = Max (High, Open, Close) = giá trị lớn nhất của 3 mức giá High, Open, Close của phiên giao dịch hiện tại.
- Low = Min (Low, Open, Close) = giá trị nhỏ nhất của 3 mức giá Low, Open, Close của phiên giao dịch hiện tại.
Rõ ràng, 4 mức giá trên cây nến Heiken Ashi không phải là 4 mức giá của phiên giao dịch hình thành nên cây nến nên Heiken Ashi được sử dụng như một chỉ báo kỹ thuật chứ không thuần túy như một biểu đồ giá.
Ưu, nhược điểm của đồ thị Heiken Ashi
So với biểu đồ nến Nhật thì Heiken Ashi mượt hơn nên thể hiện xu hướng tốt hơn, ít các tín hiệu gây nhiễu hơn. Ngoài ra, do công thức tính có phần khác biệt nên các cây nến Heiken Ashi gần như loại bỏ toàn bộ một phía bóng nến (các nến tăng hầu như không có bóng nến dưới và các nến giảm gần như không có bóng nến trên) nên đồ thị Heiken Ashi giúp nhận diện các mô hình giá tốt hơn so với biểu đồ nến nhật.
Hoạt động như một chỉ báo kỹ thuật nên ứng dụng của Heiken Ashi chủ yếu là hỗ trợ cho việc nhận diện xu hướng, cung cấp tín hiệu cho các cơ hội mua vào/bán ra hay tín hiệu về khả năng đảo chiều.
Nhược điểm lớn nhất của Heiken Ashi chính là khả năng đọc hiểu biểu đồ. Các mức giá trên cây nến không phải là các mức giá của phiên giao dịch nên không thể kết luận giá tăng hay giảm nếu chỉ dựa vào màu sắc cây nến như đối với nến Nhật.
Nên sử dụng loại biểu đồ nào?
Trong 4 loại biểu đồ giá trên, Heiken Ashi mặc dù hình thức là một loại biểu đồ, nhưng bản chất của nó lại là một chỉ báo kỹ thuật nên hầu như các trader không sử dụng Heiken Ashi để giao dịch, mà trong một số trường hợp, Heiken Ashi sẽ được lựa chọn để phân tích xu hướng thị trường.
Đối với 3 loại biểu đồ còn lại, thì biểu đồ thanh và biểu đồ nến Nhật được sử dụng phổ biến hơn hết. Cả 2 loại đều có khả năng cung cấp thông tin tốt, hỗ trợ trader rất lớn trong quá trình ra quyết định giao dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Candlestick là loại biểu đồ được ưa chuộng nhất. Đối với các trader phân tích kỹ thuật chuyên sử dụng indicators thì có lẽ Bar chart hay Candlestick chart sẽ không quá quan trọng, nhưng với những price action trader thì họ chỉ giao dịch trên biểu đồ nến Nhật. Bởi lẽ đối với phương pháp phân tích hành động giá thì tất cả các công cụ của nó như các mô hình nến hay mô hình giá quan trọng đều sử dụng nến Nhật.
Với một trader mới thì các bạn cũng chỉ nên sử dụng biểu đồ nến Nhật để giao dịch mà không cần phải phân vân lựa chọn bất kỳ loại nào khác vì tất cả các bài viết, sách, ebook hướng dẫn giao dịch, kiến thức phân tích… đều chủ yếu sử dụng biểu đồ nến Nhật mà các bạn thì không thể thiếu những thứ đó trong quá trình bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về forex.
Kết luận
Biểu đồ nến Nhật có nhiều ưu điểm vượt trội và khắc phục được hạn chế của tất cả các loại biểu đồ giá còn lại, vì lẽ đó là Candlestick chart hiển nhiên được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường này. Hiểu được ý nghĩa của các cây nến, của các mô hình nến, các bạn sẽ có trong tay những công cụ phân tích tuyệt vời, giúp bạn hiểu rõ hơn về forex, là chiếc chìa khóa để các bạn có thể đạt được nhiều thành công trên thị trường này.