Trang chủIndicators là gì? Phân loại chỉ báo kỹ thuật trong giao dịch forex

Indicators là gì? Phân loại chỉ báo kỹ thuật trong giao dịch forex

Admin

Indicators là nhóm công cụ được sử dụng phổ biến nhất của trường phái phân tích kỹ thuật và đặc biệt được ưa chuộng bởi các trader mới vì công cụ này khá dễ sử dụng trong giao dịch. Tuy nhiên, dễ sử dụng nhưng không phải dễ để hiểu được bản chất của chúng, nhiều trader chỉ học cách làm sao để trade với indicator, chỉ báo như thế nào thì mua vào, như thế nào thì bán ra mà không tìm hiểu sâu về bản chất của chúng, dẫn đến việc giao dịch với indicator không hiệu quả, đó là lý do mà có đến hơn 90% trader mới thất bại trên thị trường.

Vậy, indicators là gì? Có bao nhiêu loại chỉ báo kỹ thuật? Sử dụng indicators như thế nào cho hiệu quả?… cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

Chỉ báo kỹ thuật – Indicators là gì? Đặc điểm của indicators

Indicators là công cụ phân tích quan trọng trên các thị trường tài chính, chúng được hình thành từ các phép tính dựa trên 2 dữ liệu chủ yếu là giá cả và khối lượng trong lịch sử của các loại tài sản, giúp các nhà phân tích, nhà đầu tư hay nhà giao dịch dự đoán được xu hướng giá cả của các loại tài sản đó trong tương lai.

Công thức tính của indicators luôn có biến số về thời gian, điều này có nghĩa là, ứng với mỗi thời điểm trên mỗi khung thời gian khác nhau, chúng ta sẽ tính toán ra được một giá trị của indicators. Nối tất cả các giá trị ở tất cả các thời điểm đó lại, ta sẽ được một chỉ báo kỹ thuật trên một khung thời gian cụ thể.

Ví dụ:

  • Chỉ báo trung bình trượt đơn giản SMA(10) trên khung thời gian H1: mỗi một giờ, chúng ta sẽ tính được trung bình cộng giá đóng cửa của 10 phiên (hay 10 giờ, mỗi phiên kéo dài 1 giờ) trước đó, nối tất cả các giá trị SMA(10) lại với nhau, ta có đường SMA(10) trên khung H1.
  • Chỉ báo SMA(10) trên khung thời gian H4: tương tự, mỗi 4 giờ, chúng ta sẽ tính được một giá trị của SMA(10), chính bằng trung bình cộng giá đóng cửa của 10 phiên 4 giờ (mỗi phiên giao dịch kéo dài 4 giờ, kết thúc mỗi phiên bằng một mức giá đóng cửa). Nối tất cả các giá trị SMA(10) lại với nhau, ta có đường SMA(10) trên khung H4.

Mỗi chỉ báo kỹ thuật sẽ có công thức tính khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp và số lượng thành phần của chỉ báo cũng khác nhau. Ví dụ như chỉ báo trung bình trượt đơn giản SMA thì công thức tính của nó rất đơn giản, chỉ là các giá trị trung bình cộng của giá đóng cửa và SMA chỉ bao gồm 1 đường duy nhất. Ngược lại, chỉ báo Bollinger Bands có công thức tính phức tạp hơn do liên quan đến phương sai, độ lệch chuẩn và Bollinger Bands có đến 3 thành phần là 3 đường khác nhau.

Có chỉ báo kỹ thuật được chèn trực tiếp vào đồ thị giá nhưng cũng có chỉ báo được tách riêng thành một đồ thị khác, nằm ngay phía dưới đồ thị giá. 

Ở hình trên, chỉ báo Bollinger Bands được chèn trực tiếp vào đồ thị giá còn chỉ báo CCI thì được tách thành một đồ thị riêng biệt ngay phía dưới.

Tùy thuộc vào từng mục đích khác nhau mà indicators được chèn vào đồ thị giá để phân tích biến động của giá hoặc chèn vào đồ thị của một indicator khác (thường là khối lượng – volume) để theo dõi biến động của khối lượng.

Ví dụ: chỉ báo trung bình trượt giản đơn SMA(10) được chèn vào đồ thị của chỉ báo Volume để theo dõi xu hướng biến động của khối lượng.

Chỉ báo kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trên mọi loại thị trường tài chính, trên mọi loại tài sản khác nhau như tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, tiền điện tử, hàng hóa…

Trên thị trường forex, có những chỉ báo kỹ thuật được tích hợp sẵn trên phần mềm giao dịch, là những indicators được các nhà phân tích chuyên nghiệp phát minh ra từ rất lâu, chúng được kiểm chứng độ tin cậy và ứng dụng rộng rãi trên nhiều thị trường. Và cũng có những chỉ báo được phát triển bởi chính các trader, các nhà phân tích hiện đại, số lượng các indicators này có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu, bởi lẽ bất kỳ một trader nào cũng đều có thể tạo ra được indicators. Tất nhiên, những chỉ báo này không được kiểm chứng độ tin cậy, chúng hoạt động dựa trên các chiến lược riêng, có thể phù hợp với trader này nhưng lại không phù hợp với trader khác, có người sử dụng hiệu quả nhưng có người thì không.

Ý nghĩa của chỉ báo kỹ thuật

Nhắc lại một chút về nguyên tắc của phân tích kỹ thuật, thì nguyên tắc thứ 3 liên quan đến khả năng lặp lại hành vi của giá trong lịch sử, và các chỉ báo kỹ thuật cũng hoạt động dựa trên nguyên tắc này.

Tham khảo: Phân tích kỹ thuật là gì? Ưu và nhược điểm của phân tích kỹ thuật

Indicators được tạo thành từ dữ liệu giá và khối lượng trong quá khứ, nhằm tìm ra các quy luật và mối tương quan của giá trong quá khứ với hiện tại và tương lai. Dựa vào các quy luật đó, trader sẽ dự đoán được diễn biến của thị trường trong tương lai.

Chỉ báo kỹ thuật cung cấp cho trader nhiều thông tin khác nhau, bao gồm:

  • Xu hướng hiện tại của thị trường ở thời điểm hiện tại và dự báo về khả năng của xu hướng trong tương lai
  • Chỉ báo kỹ thuật đánh giá được sức mạnh của một xu hướng, cho biết xu hướng đó đang mạnh lên hay yếu dần đi và dự báo về khả năng đảo chiều của xu hướng
  • Chỉ báo kỹ thuật còn cung cấp được những tín hiệu giúp trader xác định được vị trí vào lệnh, thoát lệnh tốt nhất, mang lại hiệu quả giao dịch cao nhất

Phân loại chỉ báo kỹ thuật

Các chỉ báo kỹ thuật có nhiều cách phân loại khác nhau, cụ thể:

Phân loại indicators theo độ trễ của tín hiệu 

Chỉ báo nhanh (Leading indicators)

Là nhóm các chỉ báo cung cấp tín hiệu đi trước biến động của giá, trader có thể dự đoán được hướng đi của giá khi xuất hiện tín hiệu trên chỉ báo.

Các chỉ báo nhanh sẽ phát huy tính hiệu quả cao nhất của nó khi được sử dụng trong thị trường đang có xu hướng rõ ràng. Nếu là xu hướng tăng thì một tín hiệu cho lệnh Buy sẽ tin cậy hơn so với tín hiệu cho lệnh Sell và ngược lại. Đây cũng chính là chiến lược giao dịch thuận xu hướng, chiến lược này khá phù hợp với các trader mới vì dễ thực hiện và hạn chế được rủi ro hơn so với chiến lược giao dịch đảo chiều. Chiến lược này cũng phù hợp với nguyên tắc thứ 2 của phân tích kỹ thuật, đó là giá cả biến động theo xu hướng, khi một xu hướng được thiết lập thì khả năng cao là giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng đó, cộng với tín hiệu từ chỉ báo kỹ thuật, xác suất thành công cho giao dịch thuận xu hướng sẽ cao hơn.

Một vài chỉ báo nhanh được sử dụng phổ biến như RSI, Stochastic, Parabolic SAR, Ichimoku

Đa số các indicators trong nhóm này đều dao động trong một phạm vi được giới hạn bởi 2 đường biên trên và dưới (một số khác không có đặc điểm này như Parabolic SAR hay Ichimoku) để dự báo về khả năng biến đổi xu hướng của giá. Nếu chỉ báo chạm biên trên, điều này có nghĩa là giá đang tăng quá mức (hay chỉ báo rơi vào vùng quá mua) thì thị trường sẽ có khả năng điều chỉnh giảm, giá sẽ có đợt giảm ngay sau đó. Ngược lại, nếu chỉ báo chạm biên dưới, giá đang giảm quá mức (chỉ báo rơi vào vùng quá bán) thì thị trường sẽ có khả năng điều chỉnh tăng, giá sẽ có đợt tăng ngay sau đó.

Trader vẫn có thể áp dụng được chiến lược giao dịch đảo chiều khi sử dụng các chỉ báo nhanh và tín hiệu đảo chiều mà các indicators này cung cấp là tín hiệu phân kỳ/hội tụ giữa giá và chỉ báo. Khi giá đang trong xu hướng tăng, tạo ra các đỉnh mới cao hơn nhưng chỉ báo lại tạo ra đỉnh mới thấp hơn 🡪 tín hiệu phân kỳ, điều này cho thấy áp lực mua của xu hướng đang giảm dần, thị trường có khả năng đảo chiều giảm ngay sau đó. Ngược lại, khi giá đang trong xu hướng giảm, tạo các đáy mới thấp hơn nhưng chỉ báo lại tạo đáy cao hơn 🡪 tín hiệu hội tụ, chứng tỏ áp lực bán đang giảm dần, thị trường có khả năng đảo chiều tăng ngay sau đó.

Ưu điểm của chỉ báo nhanh: tạo ra tín hiệu sớm, giúp trader có thể dự báo sớm được xu hướng, xác định điểm vào lệnh đẹp, mang về nhiều lợi nhuận hơn.

Nhược điểm của chỉ báo nhanh: nhóm chỉ báo nhanh phát ra rất nhiều tín hiệu giao dịch, nhưng không phải tín hiệu nào cũng đáng tin cậy và mang lại hiệu quả cao.

Chỉ báo chậm – Lagging indicators

Ngược lại, các chỉ báo chậm cung cấp tín hiệu đi sau biến động của giá. Ví dụ, giá đã đảo chiều tăng được một thời gian thì tín hiệu đảo chiều từ chỉ báo mới xuất hiện.

Do xuất hiện sau biến động giá nên nhóm chỉ báo này hoạt động như một công cụ xác nhận lại xu hướng của giá. Nếu thị trường đã chuyển sang xu hướng tăng và tín hiệu giá tăng xuất hiện trên chỉ báo chậm thì cho thấy xu hướng này được củng cố hơn, khả năng xu hướng tăng sẽ kéo dài, trader vào lệnh sẽ mang về lợi nhuận cao trong dài hạn.

Một số chỉ báo chậm được sử dụng phổ biến như MA, MACD, Momentum, Bollinger Bands

Ưu điểm của chỉ báo chậm: phát ra ít tín hiệu hơn nên đa phần tín hiệu giao dịch từ chỉ báo chậm sẽ tin cậy hơn nhiều

Nhược điểm của chỉ báo chậm: vì tín hiệu xuất hiện trễ trên chỉ báo nên nếu trader sử dụng chỉ báo chậm để vào lệnh thì sẽ không có được điểm vào lệnh đẹp. Chính vì thế, chỉ báo chậm nên được sử dụng để xác nhận lại xu hướng, sau khi đã vào lệnh nhờ một tín hiệu khác, hoặc để xác định các mức hỗ trợ, khách cự.

Phân loại chỉ báo theo mục đích sử dụng

Chỉ báo xu hướng

Là nhóm chỉ báo kỹ thuật được sử dụng để xác định xu hướng hiện tại của thị trường, là đang tăng, giảm hay đi ngang, đồng thời thiết lập các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự. Các chỉ báo xu hướng thường đi theo chuyển động của giá và không bị giới hạn bởi 2 biên.

Một số chỉ báo xu hướng thường dùng như MA, Parabolic SAR, mây Ichimoku, MACD

Ví dụ: giá nằm trên đường MA, thị trường đang trong xu hướng tăng, ngược lại, giá nằm dưới đường MA, thị trường đang trong xu hướng giảm. Đường MA cũng đóng vai trò như các ngưỡng hỗ trợ trong xu hướng tăng hoặc ngưỡng kháng cự trọng xu hướng giảm.

Chỉ báo động lượng

Hay còn gọi là chỉ báo xung lượng, nhóm chỉ báo kỹ thuật này giúp đo lường động lượng hay sức mạnh của một xu hướng. Ví dụ thị trường đang trong xu hướng tăng, chỉ báo động lượng sẽ cho biết lực mua có còn mạnh để giá tiếp tục tăng lên hay lực mua đã yếu dần đi và thị trường có khả năng đảo chiều giảm.

Thông thường, trader sẽ sử dụng tín hiệu phân kỳ/hội tụ của các chỉ báo trong nhóm này để xác định động lượng của xu hướng.

Các chỉ báo thường gặp trong nhóm này phải kể đến như RSI, Momentum, Stochastic, CCI, MACD cũng được xếp vào nhóm này.

Ví dụ: tín hiệu phân kỳ giữa giá và RSI xuất hiện cho thấy động lượng của xu hướng tăng đang giảm dần, lực mua bắt đầu suy yếu và khả năng cao là thị trường sẽ đảo chiều giảm. Vì RSI thuộc nhóm chỉ báo nhanh nên tín hiệu xảy ra trước đã giúp trader bắt sớm đỉnh của xu hướng có điểm vào lệnh đẹp, lệnh Sell của trader sẽ mang về lợi nhuận tối đa.

Chỉ báo biến động

Nhóm chỉ báo này được sử dụng để xác định phạm vi biến động của giá. Với các chỉ báo có đường biên trên và dưới như Bollinger Bands thì thông thường, giá sẽ di chuyển bên trong phạm vi của 2 biên này, một khi giá phá vỡ biên thì chứng tỏ động lượng của xu hướng bị thay đổi. Số chỉ báo còn lại trong nhóm không bị giới hạn bởi 2 biên thường được dùng để xác định mức độ biến động của giá, giá biến động mạnh hay yếu như ATR hay ADX… các chỉ báo này thì thường được sử dụng để xác định các vị trí chốt lời, cắt lỗ thay vì tìm điểm vào lệnh như những chỉ báo khác.

Chỉ báo khối lượng

Đây là nhóm chỉ báo kỹ thuật cung cấp các thông tin về khối lượng giao dịch của tài sản, và thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Có chỉ báo thể hiện khối lượng trực tiếp như Volume, nhưng cũng có chỉ báo thể hiện khối lượng giao dịch dưới dạng dòng tiền như MFI, hay đo lường trạng thái phân phối/tích lũy của khối lượng giao dịch như A/D (Accumulation Distribution)…

Khối lượng giao dịch là một chỉ số rất quan trọng, đặc biệt trên các thị trường chứng khoán hay forex. Đại lượng này cho biết xu hướng có thực sự đang mạnh mẽ hay không và khối lượng cũng là chỉ báo tốt để xác nhận lại tín hiệu giao dịch của những chỉ báo hoặc các phương pháp phân tích khác.

Các chỉ báo kỹ thuật đặc biệt

Sở dĩ chúng tôi thêm phân loại này vào vì đây là những indicators có phần khác biệt so với đa số các indicators còn lại, trong đó, có 2 chỉ báo thường sử dụng nhất, đó là Heiken Ashi và Ichimoku.

Heiken Ashi: nó giống như một dạng biểu đồ giá hình nến, nhưng có công thức tính hoàn toàn khác so với đồ thị nến Nhật bình thường. Và vì nến Heiken Ashi không thể hiện được các mức giá của tài sản nên nó mang bản chất của một indicator hơn là một loại đồ thị giá. Heiken Ashi thường được sử dụng để xác định xu hướng của thị trường. Chỉ báo này cũng khá đa năng, ngoài chức năng nhận diện xu hướng, Heiken Ashi còn cung cấp các tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn của xu hướng, đồng thời, đặc điểm của Heiken Ashi còn hỗ trợ trong việc nhận diện các mô hình giá tốt hơn so với đồ thị nến Nhật.

Tham khảo thêm về nến Heiken Ashi qua bài viết: Heiken Ashi là gì? Cách sử dụng hiệu quả trong giao dịch forex.

Ichimoku: Ichimoku có thể giúp nhận diện xu hướng, thiết lập các mức hỗ trợ, kháng cự, đo lường động lượng của xu hướng và cung cấp các tín hiệu vào/thoát lệnh hiệu quả. Chính vì thế, Ichimoku không đơn thuần là một indicator mà nó được xem là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh. Các bạn có thể thiết lập chiến lược giao dịch chỉ với một chỉ báo duy nhất mà không cần thêm vào bất kỳ chỉ báo hay công cụ nào khác. Ichimoku có đến 5 thành phần và tất cả 5 thành phần này đều có thể cung cấp tín hiệu giao dịch cho trader. 

Tìm hiểu chi tiết về Ichimoku qua bài viết sau: Mây Ichimoku là gì? Cách sử dụng hệ thống giao dịch Ichimoku toàn tập nâng cao.

Làm sao để giao dịch với indicators hiệu quả nhất?

Có rất nhiều bạn hỏi rằng nên sử dụng indicators nào để giao dịch, và chúng tôi cho rằng câu hỏi đó thật sự không cần thiết và cũng rất khó để có câu trả lời thỏa đáng nhất. Mà đối với loại công cụ này, điều quan trọng nhất là với mỗi indicator, làm sao để sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.

Thứ nhất, hiểu được bản chất, ý nghĩa của indicator trước khi sử dụng nó.

Nhiều trader mới lao đầu vào học cách sử dụng indicators, chỉ báo như thế nào thì đặt lệnh Buy, hay có tín hiệu gì thì đặt lệnh Sell, nhưng không nghiên cứu về chỉ báo một cách bài bản. Khi đọc một bài viết bất kỳ về chỉ báo kỹ thuật, các bạn sẽ thấy người ta luôn giới thiệu về công thức của chúng đầu tiên. Công thức tính chỉ báo cực kỳ quan trọng nhưng dường như chúng ta luôn bỏ qua.

Nhìn vào công thức và phương pháp tính toán, các bạn có thể hiểu được ý nghĩa của chỉ báo, từ đó xem xét mức độ phù hợp của chỉ báo đối với chiến lược giao dịch mà bạn đang sử dụng. Đồng thời khi hiểu được chỉ báo một cách rõ ràng nhất, các bạn cũng sẽ có khả năng lọc được các tín hiệu giao dịch một cách tốt nhất, tránh được các tín hiệu gây nhiễu.

Học được cách sử dụng chỉ báo rất dễ, nhưng hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của chúng thì lại không hề dễ.

Thứ hai, biết lựa chọn các thông số của chỉ báo cho phù hợp

Thông thường, các chỉ báo kỹ thuật sẽ có một chu kỳ nhất định, được gợi ý từ chính người đã phát minh ra nó. Tuy nhiên, số chu kỳ đó có thể không phù hợp với tất cả các mục đích sử dụng và cũng là khác nhau trên các khung thời gian.

Việc lựa chọn chu kỳ hay các thông số của chỉ báo sẽ phụ thuộc vào mục đích sử dụng, khung thời gian giao dịch và quan trọng là phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi trader. Trong quá trình sử dụng indicator, các bạn nên thử với nhiều thông số khác nhau, từ đó lựa chọn ra thông số phù hợp nhất và mang lại hiệu quả cao nhất cho giao dịch của mình. Đó mới là thông số tốt nhất của chỉ báo.

Thứ ba, kết hợp các chỉ báo một cách phù hợp nhất.

Có chỉ báo cung cấp tín hiệu độc lập, nhưng cũng có chỉ báo được sử dụng để xác nhận lại tín hiệu. Chính vì vậy, việc kết hợp các chỉ báo kỹ thuật trong giao dịch là vô cùng quan trọng.

Thông thường, các chỉ báo trong cùng một nhóm sẽ cung cấp tín hiệu giống nhau, cho nên, với cùng một mục đích sử dụng, ví dụ như để xác định xu hướng chung của thị trường, các bạn chỉ nên lựa chọn một trong số đó để chèn vào đồ thị giá. Tránh sử dụng nhiều indicators gây rối mắt mà lại không tăng thêm tính hiệu quả.

Đối với các chỉ báo cung cấp tín hiệu xung đột nhau, lúc này các bạn cần thêm một chỉ báo xác nhận tín hiệu để lọc ra chỉ báo nào đang cho tín hiệu đúng hơn và loại bỏ chỉ báo còn lại.

Thứ tư, không nên sử dụng quá nhiều indicators trên cùng một đồ thị giá

Việc sử dụng quá nhiều indicators trên đồ thị sẽ rất khó khăn cho việc phân tích, đặc biệt đối với các trader mới và có thể dẫn đến các trường hợp bị trùng lặp hoặc xung đột tín hiệu như đã nói ở trên. Sử dụng ít indicators nhưng chất lượng mới là hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, nếu sử dụng từ 2 indicators trở lên, các bạn nên cài đặt màu sắc khác nhau, sao cho dễ nhìn, dễ phân biệt, tránh nhầm lẫn nhất có thể.

Kết luận

Không có chỉ báo kỹ thuật nào dỏm mà cũng không có chỉ báo nào thật xuất sắc. Indicator có tốt hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và cách sử dụng của bạn. Bất kỳ một công cụ hay phương pháp phân tích nào cũng vậy, chúng sẽ trở thành vũ khí kiếm tiền lợi hại nếu chúng ta biết cách dùng, luyện tập thường xuyên và tạo ra bí quyết riêng cho mình.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Indicators là gì? Phân loại chỉ báo kỹ thuật trong giao dịch forex
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan