- Commission trong giao dịch forex là gì?
- Đặc điểm của commission trong giao dịch forex
- Phí commission được tính như thế nào?
- Tài khoản “no commission là gì? Tại sao có broker không thu phí commission?
- Tài khoản “no commission” liệu có tốt nhất?
- Làm sao để tối ưu hóa chi phí với tài khoản không thu phí commission?
- Kết luận
Commission trong giao dịch forex là một loại chi phí mà trader trả cho nhà môi giới khi thực hiện lệnh. Commission cùng với spread là tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn sàn giao dịch vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của trader trên thị trường này.
Nếu spread là loại chi phí mà dường như các bạn phải luôn trả cho sàn forex thì đối với commission, các bạn lại có quyền quyết định muốn trả loại phí này hay không. Đó là điểm đặc biệt của commission trong giao dịch forex so với các loại chi phí khác và so với phí hoa hồng trong những lĩnh vực khác.
Vậy thì, commission được tính như nào? Tại sao trader lại có quyền quyết định muốn trả phí hoa hồng hoặc không? Và việc không chi trả phí hoa hồng có thực sự là lựa chọn tốt nhất trong giao dịch forex? Cùng quocdunginvest.com tìm hiểu về loại chi phí đặc biệt này nhé.
Commission trong giao dịch forex là gì?
Commission hay phí hoa hồng trong giao dịch forex là chi phí mà trader phải trả cho nhà môi giới để họ xử lý các yêu cầu thực thi lệnh cho trader (bao gồm mở và đóng lệnh). Thực ra thì commission chính là chi phí mà bạn phải trả cho việc sử dụng dịch vụ môi giới của sàn, nó có thể bao gồm nhiều loại phí khác nhau nhưng phần lớn là phí sử dụng nền tảng giao dịch.
Các sàn forex cung cấp cho trader nền tảng (hay phần mềm, ứng dụng) giao dịch được thuê lại từ các công ty phát triển phần mềm. Chẳng hạn như các broker sẽ thuê lại (hoặc liên kết) nền tảng MT4/MT5 của MetaQuotes Software hoặc cTrader của Spotware… và cung cấp cho khách hàng của mình. Mỗi tháng hoặc mỗi năm, những công ty cung ứng phần mềm này sẽ thu phí cho thuê, phí vận hành, nâng cấp, bảo dưỡng… của sàn forex. Do đó, phí hoa hồng commission chính là một trong những loại phí mà broker thu của trader để trả cho các nhà cung ứng phần mềm giao dịch.
Tuy nhiên, commission không phải là loại phí duy nhất mà trader trả cho broker. Nếu xét về chi phí chi trả trên mỗi lần đặt lệnh thì ta có commission, spread và swap (trong trường hợp giữ lệnh qua đêm). Ngoài ra, còn một số loại chi phí khác như phí sử dụng dịch vụ phân tích, cung cấp tín hiệu giao dịch cao cấp, phí sử dụng VPS, phí duy trì tài khoản, phí không hoạt động, phí rút tiền…
Đặc điểm của commission trong giao dịch forex
Phí hoa hồng trong giao dịch forex sẽ khác nhau giữa các nhà môi giới.
Thứ nhất, mỗi broker sẽ hợp tác với các nhà cung ứng nền tảng giao dịch theo một kiểu khác nhau. Tức là, có broker sẽ thuê lại gói cơ bản của nền tảng (bao gồm các tính năng, công cụ cơ bản), có broker sẽ thuê luôn gói cao cấp, hoặc có broker thuê luôn phiên bản webtrader nhưng có broker lại không… mỗi chính sách cung cấp nền tảng khác nhau sẽ hình thành nên mỗi mức phí commission khác nhau, chưa nói đến các dịch vụ môi giới khác của sàn.
Thứ hai, các broker ngày càng cạnh tranh nhau để chiếm thị phần, do đó họ sẽ áp dụng chính sách phí tối ưu nhất có thể cho khách hàng của mình, vừa đảm bảo thu nhập của sàn mà lại vừa có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Do đó, mỗi broker sẽ thực hiện một chính sách tính chi phí khác nhau, trong đó có cả commission.
Commission phụ thuộc vào loại dịch vụ mà broker cung cấp
Nói dễ hiểu hơn thì nhà môi giới thuộc loại Market Maker, STP hay ECN?
Các Market Maker broker thường không hợp tác với những nhà cung cấp thanh khoản mà báo giá gửi đến trader được lấy từ thanh khoản của chính sàn, do đó, các mức giá mà trader nhận được không phải là các mức giá tốt nhất, chênh lệch spread thường rất cao. Bù lại, để thu hút trader, các MM broker này thường áp dụng chính sách miễn phí commission.
Hay STP broker, họ vẫn hợp tác với những nhà cung cấp thanh khoản, cung cấp báo giá tốt nhất đến khách hàng nhưng có gia tăng thêm phần chênh lệch spread, không quá cao như MM brokers, bù lại họ sẽ áp dụng thêm phí commission trên mỗi giao dịch của trader.
Còn đối với các ECN broker, báo giá mà trader nhận được là các mức giá tốt nhất từ thị trường liên ngân hàng, lệnh của trader sẽ được chuyển thẳng ra thị trường để đối ứng với lệnh của những trader khác mà không có bất kỳ can thiệp nào của sàn. Spread của các ECN broker thường rất thấp, và hầu hết các cặp tiền chính đều có spread bằng 0 ở phần lớn thời gian thị trường hoạt động. Do đó, để tạo thu nhập cho sàn, các ECN broker sẽ thu phí commission.
Commission phụ thuộc vào tài sản giao dịch
Phí hoa hồng trên mỗi loại tài sản giao dịch là khác nhau và không phải tài sản nào cũng bị tính phí commission.
Khi đăng ký tài khoản giao dịch tại sàn và các bạn thấy rằng commission trên tài khoản được sàn công bố là 7$/lot/2 chiều thì đây chính là mức phí commission được áp dụng cho các giao dịch forex. Spread cũng vậy, từ 0.0 pips hay phổ biến từ 0.5 pips… đều là spread trên forex (thường là cặp tiền chính EUR/USD). Các loại tài sản khác sẽ có chính sách tính commission và spread khác.
Thông thường, các loại tài sản như các cặp tiền (forex), kim loại và cổ phiếu sẽ bị tính phí commission, các tài sản khác như dầu thô, hàng hóa, chỉ số, tiền điện tử sẽ được miễn phí commission. Tất nhiên còn phụ thuộc vào mỗi sàn.
Commission phụ thuộc vào nền tảng giao dịch
Phí commission của loại tài khoản giao dịch trên các phần mềm MetaTrader như MT4 hay MT5 thường là 7$/lot/2 chiều (áp dụng cho giao dịch forex) còn với nền tảng cTrader thì mức phí sẽ thấp hơn, thường là 6$/lot/2 chiều.
Ví dụ: commission của 2 loại tài khoản giao dịch trên 2 nền tảng khác nhau tại sàn IC Markets.
Phí commission được tính như thế nào?
Có 3 công thức tính phí commission phổ biến nhất trong giao dịch forex, bao gồm:
Commission = x$/lot/2 chiều
Commission = x$/1 triệu $ giao dịch/2 chiều
Commission = x%/giá trị giao dịch/2 chiều
Trong đó, cách tính phí commission thứ nhất và thứ hai được được áp dụng cho giao dịch forex và vàng, cách thứ ba áp dụng phổ biến cho giao dịch cổ phiếu. Ngoài ra, với giao dịch cổ phiếu, commission còn được tính theo nhiều cách khác nhau như: x$/cổ phiếu hoặc x$/lot (với 1 lot = 1, 10 hoặc 100 cổ phiếu, phụ thuộc vào mỗi sàn)
Lưu ý:
- Khi commission được tính x$/lot/2 chiều hoặc x$/lot/round turn nghĩa là phí đã được tính cho một vòng 1 giao dịch (gồm cả mở và đóng lệnh). Còn những commission là x$/lot/per side là phí chỉ được tính cho giao dịch một chiều, nghĩa là mở hoặc đóng lệnh, khi giao dịch thực tế, phí mà bạn phải trả sẽ là 2x.
- Phí commission sẽ bị trừ ngay khi các bạn mở lệnh, cho dù là per side hay round turn. Nếu là x$/lot/round turn, thì khi mở lệnh, tài khoản của bạn sẽ bị trừ ngay x$, khi đóng lệnh sẽ không bị trừ nữa. Nếu là x$/lot/per side thì khi mở lệnh, tài khoản sẽ bị trừ ngay 2x$, và tất nhiên khi đóng lệnh cũng sẽ không bị trừ nữa.
- Trên phần mềm giao dịch, phí commission sẽ được ghi nhận ngay vào lợi nhuận/thua lỗ tạm thời của lệnh sau khi lệnh được khớp.
Ví dụ về cách tính phí commission trong giao dịch forex.
Commission cho giao dịch forex là 7$/lot/2 chiều. Bạn đặt lệnh Buy 0.2 lots trên cặp EUR/USD, thì phí hoa hồng bạn phải trả cho sàn là 0.2*7$ = 1.4$.
Commission cho giao dịch forex là 20$/1 triệu $ giao dịch. Bạn đặt lệnh Buy 0.2 lots trên cặp USD/CAD. Đối với cách tính commission này, các bạn cần quy đổi giá trị giao dịch sang đơn vị USD. Cụ thể, 1 lot USD/CAD = 100,000 USD → 0.2 lots USD/CAD = 20,000 USD. Suy ra, phí commission = (20/1,000,000)*20,000 = 0.4$
Commission cho giao dịch forex là 20$/1 triệu $ giao dịch. Bạn đặt lệnh Buy 0.2 lots trên cặp EUR/USD. 1 lot EUR/USD = 100,000 EUR, ví dụ tỷ giá EUR/USD hiện tại là 1.23450, suy ra 0.2 lots EUR/USD = 0.2*100,000*1.23450 = 24,690 USD. Suy ra, phí commission = (20/1,000,000)*24,690 = 0.4938$.
Commission cho giao dịch cổ phiếu Mỹ là 0.2%/giá trị giao dịch. Bạn đặt lệnh Buy 1 lot cổ phiếu Google. Ví dụ, giá cổ phiếu này là 250$ và 1 lot tương ứng 10 cổ phiếu. Tổng giá trị của giao dịch này là 2,500$. Suy ra, phí commission mà bạn phải trả cho sàn là 0.2%*2,500 = 5$.
Lưu ý: Thông thường, đối với giao dịch cổ phiếu, các broker sẽ đặt ra mức phí commission tối thiểu cho mỗi giao dịch. Ví dụ, commission là 0.2%/giá trị giao dịch, tối thiểu 8$, như trường hợp ở trên, phí commission tính được là 5$, nhỏ hơn mức phí tối thiểu thì commission tối thiểu 8$ sẽ được áp dụng.
Tài khoản “no commission là gì? Tại sao có broker không thu phí commission?
Nếu các bạn để ý sẽ thấy một vấn đề như sau, các broker thường quảng bá dịch vụ của mình đến với các khách hàng tiềm năng như sàn forex miễn phí commission, giao dịch với 0$ commission hay thoải mái giao dịch mà không lo về commission… nhưng chung quy lại thì broker muốn nhấn mạnh rằng sàn không thu phí commission trên các giao dịch của trader. Trong khi, chúng ta được biết commission phần lớn là phí sử dụng nền tảng và là một trong 2 loại phí giao dịch cơ bản, bên cạnh spread. Vậy thì, việc sàn forex quảng cáo không thu phí commission là đúng hay không? Và nếu thật sự là đúng thì tại sao những broker đó lại không thu phí commission? Nguồn thu nhập của họ sẽ đến từ đâu?
Có 2 trường hợp broker không thu phí commission
Thứ nhất, broker có nền tảng giao dịch độc quyền
Là những nhà môi giới có tiềm lực tài chính mạnh hoặc có đội ngũ chuyên về công nghệ, họ sẽ tạo ra một nền tảng giao dịch độc quyền của sàn và chỉ cung cấp cho khách hàng của mình.
Trader mở tài khoản tại những broker này thường sẽ không được giao dịch trên các phần mềm phổ biến như MT4/MT5 hay cTrader mà sẽ là một phần mềm, ứng dụng hoặc nền tảng webtrader của sàn.
Bởi vì broker có nền tảng giao dịch độc quyền nên không cần thuê lại từ các nhà phát triển phần mềm khác, do đó họ sẽ không thu phí dịch vụ sử dụng nền tảng, mà đại diện chính là commission. Thay vào đó, nguồn thu chính của sàn đến từ chênh lệch spread.
Tham khảo: Spread là gì? Giãn spread là gì? Cách xem spread trên MT4/MT5
Thứ hai, không phải broker sẽ hoàn toàn không thu phí commission mà họ sẽ áp dụng chính sách này trên một hoặc một số loại tài khoản giao dịch cụ thể.
Trên thị trường hiện nay có 2 loại tài khoản giao dịch cơ bản được cung cấp tại phần lớn các forex broker, bao gồm: tài khoản không thu phí commission và tài khoản thu phí commission.
Tài khoản không thu phí commission là loại tài khoản mà trader sẽ được miễn phí hoa hồng, thay vào đó là một mức chênh lệch spread cao. Tài khoản này thường được đặt tên là Standard, Classic, hoặc Micro, Cent (các tài khoản được giao dịch với khối lượng micro lot).
Ngược lại, tài khoản thu phí commission là loại tài khoản mà trader sẽ được nhận báo giá tốt nhất từ các nhà cung cấp thanh khoản, lệnh được chuyển thẳng ra thị trường nên chênh lệch spread cực kỳ thấp, do đó broker sẽ áp dụng phí hoa hồng làm nguồn thu nhập chính trên loại tài khoản này.
Ví dụ: các loại tài khoản giao dịch forex không thu phí commission và thu phí commission của sàn FBS
Tài khoản “no commission” liệu có tốt nhất?
Hầu hết chúng ta đều thích khuyến mãi, trong tất cả các lĩnh vực khác chứ không riêng giao dịch forex. Do đó, rất nhiều trader mới khi thấy những quảng cáo miễn phí commission từ broker liền tỏ ra thích thú và lựa chọn mở tài khoản không thu phí commission để giao dịch mà không lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng.
Như đã nói, commission chỉ là một trong những loại phí mà trader phải trả khi giao dịch forex. Tổng chi phí mà các bạn phải trả cho sàn trên mỗi giao dịch còn có spread và swap. Chung quy thì chúng ta cũng chỉ muốn tốn ít chi phí giao dịch nhất có thể, nhưng để xem xét về tổng chi phí phải trả trên mỗi giao dịch, các bạn cần quan tâm đến cả commission, spread và swap.
Bây giờ, chúng ta sẽ xét 2 loại tài khoản như đã đề cập ở phần trên: tài khoản không thu phí commission và tài khoản thu phí commission. Trước hết, chúng ta sẽ tạm bỏ qua phí swap, vì loại phí này có chút đặc biệt, nghĩa là nó không thực sự là một loại chi phí, vì trader có thể sẽ được cộng vào tài khoản thay vì bị trừ đi, phụ thuộc vào loại lệnh và loại tài sản giao dịch và còn phụ thuộc vào việc trader có giữ lệnh qua đêm hay không.
Tham khảo: Phí qua đêm (Swap) là gì?
Tại những broker uy tín, chất lượng, tài khoản không thu phí commission thường có spread từ 1.0-1.5 pips trên cặp EUR/USD. Vậy, xét ra, chi phí giao dịch 1 lot trên cặp EUR/USD sẽ là từ 10 – 15$/lot
Đối với tài khoản thu phí commission, spread thường chỉ từ 0.0 – 0.1 pips trên cặp EUR/USD và commission trung bình 7$/lot/2 chiều. Vậy, xét ra, chi phí giao dịch 1 lot trên cặp EUR/USD sẽ là từ 7 – 8$/lot.
Nếu các bạn giao dịch tại những sàn Market Maker, các sàn forex dỏm thì spread trên cặp EUR/USD có thể lên đến 3 – 5 pips, chưa tính đến những thời điểm thị trường biến động mạnh, spread sẽ giãn nở, lúc này, chi phí giao dịch sẽ bị đôn lên rất nhiều.
Vậy thì, cho dù đều là các tài khoản được cung cấp tại broker uy tín, chất lượng nhưng chắc chắn rằng tổng phí giao dịch (không tính phí swap) trên khoản thu phí commission thấp hơn so với tài khoản không thu phí commission. Tuy nhiên, rất nhiều trader vẫn lựa chọn tài khoản không thu phí commission để giao dịch. Lý do là gì?
Đơn giản vì tài khoản không thu phí commission thường có yêu cầu về tiền ký quỹ ban đầu thấp hơn. Các loại tài khoản ECN (loại tài khoản thu phí commission) thường yêu cầu mức tiền nạp tối thiểu từ 200 USD, trong khi các loại tài khoản Micro, Cent hoặc Standard (loại tài khoản không thu phí commission) thường chỉ yêu cầu số tiền nạp ban đầu từ 50$, 10$, thậm chí 1$. Các loại tài khoản Cent, Micro còn được ưu tiên lựa chọn bởi những trader mới vì chúng cho phép họ được đặt lệnh với khối lượng thấp (micro lot), phù hợp với mục đích được trải nghiệm điều kiện giao dịch trên thị trường thực với số vốn nhỏ.
Trong trường hợp broker yêu cầu tiền nạp ban đầu trên cả 2 loại tài khoản là như nhau thì một trong những lý do phổ biến để trader lựa chọn loại tài khoản không thu phí commission là liên quan đến chiến lược quản lý vốn của trader. Mỗi người có một công thức quản lý vốn, quản trị rủi ro khác nhau, có thể trong công thức đó, trader cần loại bỏ commission ra khỏi cơ cấu phí của mình. Ngoài ra, một số broker cung cấp loại tài khoản không thu phí commission có spread cố định. Thì loại tài khoản này sẽ giúp cho trader biết được chi phí giao dịch cụ thể trước khi vào lệnh, tính toán được trước lợi nhuận/thua lỗ của lệnh để phục vụ cho việc ra quyết định giao dịch. Loại tài khoản không thu phí commission này thường được lựa chọn bởi các scalping trader (nhà giao dịch lướt sóng).
Làm sao để tối ưu hóa chi phí với tài khoản không thu phí commission?
Trong trường hợp buộc phải lựa chọn loại tài khoản không thu phí commission để giao dịch, chẳng hạn nguồn vốn của bạn bị hạn chế, thì làm sao để tối thiểu hóa tổng chi phí mà bạn phải trả cho sàn?
Chi phí ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng, do đó, tất cả trader đều luôn tìm cách để tổng chi phí phải trả cho sàn là thấp nhất.
Nếu đã giao dịch trên tài khoản không thu phí commission thì trước hết phải lựa chọn tài khoản tại broker uy tín, chất lượng để đảm bảo mức chênh lệch spread là tốt nhất.
Tham khảo: Các sàn forex uy tín và tốt nhất hiện nay
Tiếp đến, cần xem xét các loại chi phí khác của sàn forex đó, bao gồm:
Phí qua đêm: nếu các bạn là một swing trader hoặc position trader (nhà giao dịch trung hoặc dài hạn) thì nên lựa chọn những broker miễn phí qua đêm, hoặc ít nhất là có áp dụng chính sách này trên loại tài sản yêu thích của bạn.
Phí duy trì tài khoản, phí không hoạt động: tốt nhất là nên chọn broker không thu những loại phí này vì mặc dù chúng không nhiều, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của bạn trên thị trường này.
Phí dịch vụ VPS: đối với trader giao dịch EAs hoặc copy trading thì dịch vụ VPS là rất cần thiết. Để tiết kiệm phí giao dịch, các bạn nên lựa chọn những broker có chính sách hỗ trợ miễn phí VPS hoặc phí dịch vụ thấp.
Ngoài ra, nếu giao dịch với khối lượng lớn, các bạn nên ưu tiên lựa chọn những broker có chương trình khuyến mãi hoàn tiền giao dịch để giảm bớt chi phí.
Kết luận
Hy vọng rằng, bài viết lần này của quocdunginvest.com sẽ giúp các bạn nắm rõ commission trong giao dịch forex và cách tính phí commission. Từ đó, phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn vốn của mình để lựa chọn loại tài khoản có cơ cấu phí cho phù hợp và tối ưu nhất cho thể.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.