Trang chủSideway là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất trong thị trường sideway

Sideway là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất trong thị trường sideway

Admin

Không phải lúc nào thị trường cũng ở trong một xu hướng tăng hoặc giảm, những lúc giá không đi theo xu hướng cụ thể nào thì đó chính là lúc thị trường đi ngang hay sideway. Và một sự thật đó là thị trường sideway thường gây thiệt hại cho trader rất nhiều.

Thị trường sideway có thể mang lại nhiều lợi ích cho trader nhưng không phải tất cả các điều kiện thị trường sideway đều giống nhau, một số rất đáng để giao dịch nhưng một số thì không.

Trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giúp bạn nhận biết một thị trường sideway sẽ như thế nào? Khi nào nên và không nên giao dịch khi thị trường đi ngang? Và cách kiếm tiền hiệu quả với những điều kiện thị trường sideway thuận lợi. Cùng bắt đầu nhé.

Sideway là gì?

Sideway hay thị trường đi ngang là khi giá di chuyển lên xuống bên trong một phạm vi nhất định, trong một khoảng thời gian cụ thể. Thay vì có xu hướng đi lên theo cấu trúc Higher High – Higher Low (HH-HL), tức giá tạo đỉnh mới cao hơn – đáy mới cao hơn hoặc có xu hướng đi xuống theo cấu trúc Lower Low – Lower High (LL-LH), tức giá tạo đáy mới thấp hơn – đỉnh mới thấp hơn thì giá lại dao động bên trong một kênh giá đi ngang, với các đỉnh gần như bằng nhau và các đáy gần như bằng nhau.

Phạm vi của thị trường sideway được giới hạn bởi biên trên và biên dưới nằm ngang, với biên trên đóng vai trò là một ngưỡng kháng cự và biên dưới đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ.

Bất kỳ loại thị trường tài chính nào cũng tồn tại trạng thái sideway và sideway cũng xuất hiện trên mọi khung thời gian giao dịch

Thị trường sideway là tốt hay xấu?

Chúng ta thường được nghe là thị trường forex có thể giúp trader kiếm được lợi nhuận bất kể thị trường tăng hay giảm giá. Vậy khi giá đi ngang thì sao? Có tốt cho trader không?

Cũng giống như mọi biến động khác trên thị trường, sideway không tốt mà cũng không xấu, phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn tiếp cận nó. Khi sideway xảy ra, bạn có thể giao dịch nếu có chiến lược phù hợp với điều kiện thị trường đó hoặc tránh xa nó cho đến khi điều kiện thị trường quay trở lại phù hợp với chiến lược của bạn.

Thị trường sideway cung cấp cho trader những thông tin gì?

Thị trường đi ngang – sideway còn được gọi là giai đoạn hợp nhất. Khi thị trường tồn tại trong một xu hướng tăng mạnh hoặc giảm mạnh kéo dài thì giai đoạn hợp nhất là điều cần thiết vì những biến động lớn đó không thể duy trì trong thời gian dài hơn.

Mối quan hệ cung cầu chính là yếu tố quyết định nên xu hướng thị trường. Nếu cầu vượt cung, giá sẽ tăng, ngược lại, nếu cung vượt cầu, giá sẽ giảm. Còn thị trường sideway sẽ xuất hiện khi nguồn cung và cầu gần như cân bằng trong một khoảng thời gian nhất định.

Thời điểm thị trường sideway, chúng ta cũng có thể gọi là thị trường đang rơi vào trạng thái tích lũy, cũng chính là lúc mà cả 2 phe mua và bán đang nghỉ ngơi, do dự trước các quyết định của mình hoặc cũng có thể đang củng cố thêm lực lượng trước khi phản đòn đối phương.

Do đó, khi sideway kết thúc, thị trường thường sẽ biến động mạnh mẽ theo một hướng nhất định, xu hướng đó có thể cùng chiều hoặc đảo chiều so với xu hướng trước khi xuất hiện sideway.

Trường hợp sideway xuất hiện trong một chu kỳ giá thì nó sẽ dự báo được giai đoạn tiếp theo của chu kỳ này. Cụ thể, khi đã có một giai đoạn cao trào quá độ trước đó (thị trường đang trong giai đoạn hưng phấn quá mức), báo hiệu thị trường đang tạo đỉnh của chu kỳ giá tăng thì nếu sideway xuất hiện, tiếp theo sau đó sẽ là giai đoạn suy thoái. Ngược lại, một giai đoạn tuyệt vọng xảy ra trước khi sideway xuất hiện (thị trường đang trong giai đoạn giảm giá quá mức), đánh dấu đáy của chu kỳ giá giảm, thì thị trường sideway tại thời điểm đó có thể báo hiệu một cuộc phục hồi mới sẽ xảy ra ngay sau khi sideway kết thúc. Để nhận biết sideway có nằm trong chu kỳ giá hay không thì các bạn cần phải chú ý đến các chỉ số kinh tế quan trọng. Chúng sẽ cho chúng ta biết thị trường đang trải qua giai đoạn nào của chu kỳ giá.

Cách nhận biết thị trường sideway

Trước khi đưa ra quyết định có nên giao dịch khi thị trường đi ngang hoặc thậm chí nên lựa chọn chiến lược giao dịch nào thì chúng ta cần phải nhận biết sự hiện diện của nó.

Có nhiều cách khác nhau để nhận biết thị trường có đang rơi vào trạng thái sideway hay không, phụ thuộc vào phong cách giao dịch và trường phái phân tích của mỗi trader.

Nhận biết thị trường sideway dựa vào hành động giá

Quan sát hành vi của giá, các bạn có thể xác định giá có đang thực sự đi ngang hay không.

Trước hết, chúng ta cần tìm ra các mức hỗ trợ, kháng cự trên đồ thị giá. Khi giá tăng lên và sau đó giảm, thì mức giá cao nhất trước khi giảm chính là ngưỡng kháng cự. Ngưỡng kháng cự cho thấy có quá nhiều người bán tại mức giá này. Ngược lại, khi giá tăng trở lại sau một đợt giảm, mức giá thấp nhất đạt được trước khi tăng trở lại chính là ngưỡng hỗ trợ. Một ngưỡng hỗ trợ hình thành cho biết có quá nhiều người đang mua vào tại mức giá này.

Khi nào các bạn thấy giá liên tục di chuyển bên trong phạm vi được giới hạn bởi 2 ngưỡng giá này thị chính là lúc thị trường đang rơi vào trạng thái sideway. Giá có thể vượt lên trên ngưỡng kháng cự và vượt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ, nhưng nó sẽ nhanh chóng quay trở lại bên trong phạm vi giao dịch và không bao giờ phá vỡ đỉnh cao hơn hoặc đáy thấp hơn (phá vỡ giả – false breakout). Và cũng bởi vì chúng không thể vượt qua mức cao hơn hoặc mức thấp hơn nên chúng có thể làm mở rộng ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, biến thành vùng hỗ trợ, vùng kháng cự.

Nhận biết thị trường sideway bằng chỉ báo kỹ thuật

Đối với các trader theo trường phái phân tích kỹ thuật thì phương pháp nhận biết thị trường sideway này cực kỳ hiệu quả và phù hợp.

Có rất nhiều indicators có chức năng xác định được thị trường có đang sideway hay không, trong đó, 3 indicators hoạt động hiệu quả và được sử dụng phổ biến nhất chính là ADX, Bollinger Bands và RSI.

Cách sử dụng các chỉ báo kể trên để xác định thị trường sideway như sau:

Đối với chỉ báo ADX: Khi ADX dao động phía trên ngưỡng 20 (ADX>20) thì thị trường bắt đầu hình thành xu hướng, ADX càng tăng thì xu hướng càng mạnh. Do đó, nếu ADX dao động phía dưới đường 20 (ADX<20) thì có nghĩa rằng thị trường đang sideway.

Đối với chỉ báo Bollinger Bands: tín hiệu xác định thị trường đang tích lũy hoặc rơi vào trạng thái đi ngang trên chỉ báo Bollinger Bands chính là khi dải trên và dải dưới tiến sát lại gần dải giữa hay các dải của Bollinger Bands bị bó hẹp lại (tạo nút thắt cổ chai hay squeeze).

Đối với chỉ báo RSI: khi RSI di chuyển phía trên ngưỡng 50 và tăng lên thì thị trường đang trong xu hướng tăng, nếu RSI vượt lên trên ngưỡng 70 thì thị trường đang rơi vào trạng thái quá mua. Ngược lại, khi RSI di chuyển bên dưới ngưỡng 30 và giảm xuống thì thị trường đang trong xu hướng giảm, nếu RSI vượt xuống dưới ngưỡng 30 thì thị trường đang rơi vào trạng thái quá bán. Vậy thì, trạng thái đi ngang sideway sẽ xuất hiện khi giá dao động ở giữa khoảng 40-60.

Xác nhận thị trường sideway bằng khối lượng giao dịch

Trên thực tế thì khối lượng giao dịch (volume) không thường được dùng để nhận biết thị trường sideway nhưng nó lại là yếu tố để xác nhận lại thị trường sideway. Cụ thể, khối lượng giao dịch giảm dần khi thị trường bắt đầu hạ nhiệt sau một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh trước đó. Khi thị trường đang trong trạng thái đi ngang, khối lượng sẽ không thay đổi và thấp vì lúc này cung – cầu đang cân bằng, 2 phe mua và bán đang nghỉ ngơi. Đến khi đột phá xảy ra, khối lượng giao dịch sẽ tăng đột biến và thị trường sẽ biến động mạnh mẽ đi theo hướng phá vỡ.

Khi nào thị trường sideway sẽ kết thúc?

Việc xác định khi nào thị trường sideway kết thúc cũng quan trọng như việc xác định khi nào thị trường đang sideway.

Giá sẽ thoát khỏi vùng sideway khi nó vượt lên trên ngưỡng kháng cự, sau đó phá vỡ đỉnh cao hơn hoặc vượt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ, sau đó phá vỡ đáy thấp hơn. Nếu giá phá vỡ kháng cự thành công, thị trường sẽ tăng lên mạnh mẽ, ngược lại, nếu giá phá vỡ hỗ trợ thành công, thị trường sẽ giảm xuống mạnh mẽ.

Và thông thường, sau khi thoát khỏi vùng sideway, giá có xu hướng quay trở lại retest vùng giá này trước khi chính thức mạnh mẽ đi theo hướng phá vỡ. Như đã nói, khối lượng giao dịch tăng đột biến chính là một trong những tín hiệu cho biết giá sẽ phá vỡ thành công vùng sideway. Ngoài ra, khi có các tin tức quan trọng sắp được công bố, về chính sách của FED chẳng hạn, thì khả năng là đột phá sẽ xảy ra và thị trường sideway sẽ kết thúc.

Có rất nhiều trường hợp chúng ta không thể xác định và biết trước được chính xác thời điểm mà thị trường sideway sẽ kết thúc, chỉ đến khi, một đột phá bất ngờ xảy ra, thị trường hình thành xu hướng mới một cách nhanh chóng thì chúng ta mới vỡ lẽ rằng giá đã không còn tồn tại trong vùng giá đi ngang nữa.

Cách giao dịch hiệu quả trong thị trường sideway

Xem xét điều kiện giao dịch của thị trường sideway

Đối với thị trường forex, có 2 chiến lược giao dịch chủ yếu mà các bạn có thể thực hiện khi thị trường đi ngang: đó là giao dịch bên trong phạm vi sideway và giao dịch khi giá phá vỡ vùng sideway.

Tuy nhiên, cho dù các bạn lựa chọn chiến lược nào thì điều quan trọng đầu tiên là xem xét thị trường sideway đó có đáng để giao dịch hay không.

Để thực hiện bước này một cách hiệu quả nhất, các bạn cần thu nhỏ biểu đồ giá trên khung thời gian hằng ngày để có thể nhìn được bức tranh tổng thể của thị trường. Sau khi thu nhỏ biểu đồ, bằng trực quan, chúng ta có thể dễ dàng xác định xu hướng thị trường hiện tại đang là gì? Tăng, giảm hay đi ngang?

Một thị trường đi ngang được xem là đáng để giao dịch khi thỏa mãn được 2 điều kiện sau:

  • Thứ nhất, hỗ trợ và kháng cự của thị trường sideway phải được xác định một cách rõ ràng và khách quan. Tức là việc xác định các ngưỡng hỗ trợ phải đúng theo nguyên tắc nhất định, chứ không bị “ép” theo kỳ vọng của trader.
  • Thứ hai, phạm vi giới hạn của vùng sideway phải đủ rộng, tức khoảng cách từ kháng cự đến hỗ trợ phải đủ lớn.

Nếu thị trường sideway có điều kiện đáng để giao dịch, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện các chiến lược của mình.

Chiến lược giao dịch bên trong phạm vi sideway

Khi thị trường rơi vào trạng thái đi ngang, giá sẽ di chuyển lên xuống bên trong phạm vi được giới hạn bởi 2 đường biên trên và dưới, nếu giá chạm biên trên sẽ quay đầu giảm hoặc chạm biên dưới sẽ quay đầu tăng. Đó là cơ sở để chúng ta có thể thực hiện được chiến lược này.

Tuy nhiên, chiến lược này chỉ có hiệu quả khi ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của vùng sideway có lực cản đủ mạnh. Và điều kiện để xác nhận lực cản của hỗ trợ, kháng cự chính là đã có ít nhất 3 lần giá chạm vào các ngưỡng này và quay đầu. Và kể từ lần thứ 3 trở đi, bất cứ khi nào giá chạm vào hỗ trợ hoặc kháng cự cũng là cơ hội cho chúng ta thực hiện chiến lược giao dịch này. 

Cách thực hiện chiến lược như sau:

  • Nếu giá đang tiến gần đến ngưỡng hỗ trợ, chờ cho giá chạm vào hoặc vượt qua ngưỡng này nhưng lập tức quay đầu đi vào trong thì vào lệnh. Lệnh Buy sẽ được đặt tại mức giá đóng cửa của cây nến xác nhận đảo chiều tăng ngay sau cây nến chạm vào hỗ trợ hoặc vượt qua hỗ trợ.
  • Nếu giá đang tiến gần đến ngưỡng kháng cự, chờ cho giá chạm vào hoặc vượt qua ngưỡng này nhưng lập tức quay đầu đi vào trong thì vào lệnh. Lệnh Sell sẽ được đặt tại mức giá đóng cửa của cây nến xác nhận đảo chiều giảm ngay sau cây nến chạm vào kháng cự hoặc vượt qua kháng cự.

Nếu là lệnh Buy thì đặt stop loss ngay phía dưới hỗ trợ và take profit tại kháng cự. Nếu là lệnh Sell thì đặt stop loss ngay phía trên kháng cự và take profit tại hỗ trợ. Chiến lược đặt stop loss và take profit này đòi hỏi khoảng cách từ kháng cự đến hỗ trợ phải đủ lớn để giao dịch có tỷ lệ Risk:Reward tốt. Đó cũng chính là lý do mà thị trường sideway cần đáp ứng được điều kiện thứ hai nói trên.

Ví dụ về chiến lược giao dịch bên trong phạm vi sideway.

Chiến lược giao dịch phá vỡ sideway

Thị trường không thể đi ngang mãi và đến một lúc nào đó chắc chắn nó sẽ bị phá vỡ. Sau khi phá vỡ thành công, giá thường sẽ mạnh mẽ đi theo hướng phá vỡ. Đó chính là cơ sở để chúng ta có thể áp dụng được chiến lược giao dịch này.

Có 2 kỹ thuật giao dịch với chiến lược breakout thị trường sideway:

  • Kỹ thuật 1: vào lệnh sau khi breakout đã xảy ra
  • Kỹ thuật 2: dự đoán trước breakout sẽ xảy ra và vào lệnh sớm với tín hiệu đó

Tất nhiên, kỹ thuật vào lệnh thứ nhất sẽ có độ an toàn cao hơn nhưng chắc chắn tiềm năng lợi nhuận sẽ bị giảm. Mặc dù kỹ thuật vào lệnh thứ hai có độ rủi ro cao hơn nhưng lợi nhuận sẽ được gia tăng. Các trader chuyên nghiệp thường lựa chọn kỹ thuật vào lệnh thứ hai khi tín hiệu breakout mà họ nhận được có độ tin cậy cao.

Giao dịch sau khi giá breakout thành công thị trường sideway.

Vậy, câu hỏi đặt ra là khi nào giá breakout thành công vùng sideway?

Chính là lúc mà khi giá vượt qua được kháng cự thì sau đó giá cũng phá vỡ luôn đỉnh cao hơn trước đó (tức cây nến xanh xác nhận theo ngay sau) hoặc khi giá vượt qua được hỗ trợ và sau đó giá cũng phá vỡ luôn đáy thấp hơn trước đó (tức cây nến giảm xác nhận theo ngay sau).

Cách giao dịch như sau:

  • Nếu giá breakout kháng cự, vào lệnh Buy khi cây nến xác nhận tăng đóng cửa. Đặt stop loss ngay phía dưới kháng cự hoặc tại mức giá ứng với 50% khoảng cách từ kháng cự đến hỗ trợ và đặt take profit sao cho lợi nhuận tối thiểu gấp 2 lần rủi ro hoặc đóng lệnh bất cứ khi nào thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều giảm.
  • Nếu giá breakout hỗ trợ, vào lệnh Sell khi cây nến xác nhận giảm đóng cửa. Đặt stop loss ngay phía trên hỗ trợ hoặc tại mức giá ứng với 50% khoảng cách từ kháng cự đến hỗ trợ và đặt take profit sao cho lợi nhuận tối thiểu gấp 2 lần rủi ro hoặc đóng lệnh bất cứ khi nào thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều tăng.

Ví dụ về chiến lược breakout thị trường sideway.

Giao dịch khi nhận biết sớm dấu hiệu giá breakout thị trường sideway

Với chiến lược này, chúng ta sẽ sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật hoặc hành động giá để tìm kiếm tín hiệu dự báo về khả năng giá sẽ breakout thị trường sideway và breakout theo hướng nào, từ đó thực hiện các lệnh chờ tại hỗ trợ, kháng cự hoặc vào lệnh bất cứ khi nào xuất hiện tín hiệu thuận lợi cho giao dịch của mình.

Có 3 dạng tín hiệu để trader có thể dự đoán được giá sắp phá vỡ thị trường sideway, đó là tín hiệu hụt hơi tại hỗ trợ/kháng cự, tín hiệu phân kỳ ẩn của giá với RSI và tín hiệu xu hướng bị thu hẹp tại hỗ trợ/kháng cự.

Giao dịch breakout thị trường sideway với tín hiệu hụt hơi tại hỗ trợ/kháng cự

Tín hiệu hụt hơi là gì? Xác định như thế nào?

Hụt hơi tại hỗ trợ là khi giá chưa kịp chạm vào hỗ trợ đã quay đầu tăng, điều này chứng tỏ áp lực bán không còn đủ mạnh để kéo giá xuống thấp hơn, dự báo khả năng giá breakout kháng cự của sideway đi lên.

Hụt hơi tại kháng cự là khi giá chưa kịp chạm vào kháng cự đã quay đầu giảm, điều này chứng tỏ áp lực mua không còn đủ mạnh để đẩy giá lên cao hơn, dự báo khả năng giá breakout hỗ trợ của sideway đi xuống.

Cách giao dịch với chiến lược này như sau:

  • Nếu tín hiệu hụt hơi tại hỗ trợ xuất hiện, đặt lệnh chờ mua (cụ thể là Buy Stop tại mức giá ngay phía trên kháng cự (vì mua với giá cao hơn hiện tại), đặt stop loss ngay phía dưới vị trí hụt hơi hoặc phía dưới hỗ trợ.
  • Nếu tín hiệu hụt hơi tại kháng cự xuất hiện, đặt lệnh chờ bán (cụ thể là Sell Stop tại mức giá ngay phía dưới hỗ trợ (vì bán ra với giá thấp hơn hiện tại), đặt stop loss ngay phía trên vị trí hụt hơi hoặc phía trên kháng cự.

Đối với chiến lược này, các bạn sẽ take profit bất cứ khi nào xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều.

Giao dịch breakout thị trường sideway với tín hiệu phân kỳ ẩn của giá và RSI.

Phân kỳ ẩn được xác định như thế nào?

Phân kỳ ẩn thường xuất hiện khi thị trường đang tích lũy sau một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh trước đó và dự báo về khả năng tiếp diễn của xu hướng. Và đối với một vùng giá sideway thì chúng ta vẫn có thể sử dụng tín hiệu này.

  • Phân kỳ ẩn tăng giá: nếu giá tạo đáy cao hơn nhưng RSI lại tạo đáy thấp hơn → dự báo giá sẽ tăng lên sau đó
  • Phân kỳ ẩn giảm giá: nếu giá tạo đỉnh mới thấp hơn nhưng RSI lại tạo đỉnh mới cao hơn → dự báo giá sẽ giảm xuống sau đó.

Điều kiện quan trọng để thực hiện chiến lược này chính là xu hướng trước khi xuất hiện thị trường sideway phải hợp lệ với tín hiệu phân kỳ ẩn.

Thực ra thì tín hiệu này với tín hiệu hụt hơi là giống nhau, vì khi phân kỳ ẩn xuất hiện nghĩa là sự hụt hơi đã xảy ra. Do đó, các bạn có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp chúng với nhau để gia tăng tỷ lệ thành công của giao dịch.

Chiến lược được thực hiện tương tự với tín hiệu hụt hơi:

  • Nếu sideway được hình thành sau một xu hướng tăng, khi phân kỳ ẩn tăng giá xuất hiện, điều này dự báo giá sẽ breakout kháng cự và tiếp diễn xu hướng tăng ban đầu → đặt lệnh Buy Stop ngay phía trên kháng cự, stop loss phía dưới vị trí bị hụt hơi hoặc ngay dưới hỗ trợ.
  • Nếu sideway được hình thành sau một xu hướng giảm, khi phân kỳ ẩn giảm giá xuất hiện, điều này dự báo giá sẽ breakout hỗ trợ và tiếp diễn xu hướng giảm ban đầu → đặt lệnh Sell Stop ngay phía dưới hỗ trợ, stop loss phía trên vị trí hụt bơi hoặc ngay trên kháng cự.

Đóng giao dịch khi xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều xu hướng.

Ví dụ

Như các bạn thấy thì tín hiệu phân kỳ ẩn giảm giá trong trường hợp này đã bao gồm luôn tín hiệu hụt hơi tại kháng cự. Hai tín hiệu này bổ sung và xác nhận cho nhau, giúp cho xác suất giá breakout hỗ trợ thành công được cao hơn.

Giao dịch breakout thị trường sideway với tín hiệu xu hướng thu hẹp tại hỗ trợ/kháng cự

Thực ra, tín hiệu xu hướng bị thu hẹp về hỗ trợ hoặc kháng cự là một trạng thái đặc biệt khác của hiện tượng hụt hơi, nếu trạng thái này xảy ra, thì xác suất giá breakout thành công sẽ cao hơn.

Thế nào là xu hướng bị thu hẹp tại hỗ trợ/kháng cự?

Khi giá tiến gần đến kháng cự và tạo ra một xu hướng tăng nhỏ với các đáy mới tăng dần (giá hụt hơi tại hỗ trợ nhiều lần và mức độ hụt hơi tăng dần), điều này cho thấy áp lực mua đang gia tăng, nhu cầu đang vượt mức nguồn cung thì khả năng giá breakout kháng cự sẽ cao hơn.

Ngược lại, khi giá tiến gần đến hỗ trợ và tạo ra một xu hướng giảm nhỏ với các đỉnh mới thấp dần (giá hụt hơi tại kháng cự nhiều lần và mức độ hụt hơi tăng dần), điều này chứng tỏ áp lực bán đang gia tăng, nguồn cung đang cao hơn nhu cầu, nên xác suất giá breakout hỗ trợ cao hơn.

Lưu ý: hiện tượng xu hướng bị thu hẹp về hỗ trợ hoặc kháng cự vẫn đúng trong trường hợp xu hướng bị thu hẹp dần là một xu hướng sideway hay một phạm vi tích lũy đi ngang hẹp. Khi vùng sideway thu hẹp hình thành ở kháng cự của thị trường sideway lớn, giá sẽ breakout kháng cự của vùng sideway hẹp trước và sau đó breakout kháng cự của thị trường sideway lớn. Ngược lại, khi vùng sideway thu hẹp hình thành ở hỗ trợ của thị trường sideway lớn, giá sẽ breakout hỗ trợ của vùng sideway hẹp trước và sau đó breakout hỗ trợ của thị trường sideway lớn.

Chiến lược được thực hiện như sau:

  • Nếu xu hướng bị thu hẹp tại kháng cự là một xu hướng tăng thu nhỏ, tức giá đang tạo ra các đáy cao hơn (HL) một cách rõ ràng thì vào lệnh tại một trong các HL đó, đặt stop loss phía dưới HL gần nhất. Nếu các HL không rõ ràng hoặc xu hướng bị thu hẹp là một vùng sideway thu nhỏ thì sử dụng lệnh Buy Stop ngay phía trên kháng cự để thực hiện giao dịch và đặt stop loss ngay phía dưới hỗ trợ của vùng sideway bị thu hẹp.
  • Nếu xu hướng bị thu hẹp tại hỗ trợ là một xu hướng giảm thu nhỏ, tức giá đang tạo ra các đỉnh thấp hơn (LH) một cách rõ ràng thì vào lệnh tại một trong các LH đó, đặt stop loss ngay phía trên LH gần nhất. Nếu các LH không rõ ràng hoặc xu hướng bị thu hẹp là một vùng sideway thu nhỏ thì sử dụng lệnh Sell Stop ngay phía dưới hỗ trợ để thực hiện giao dịch và đặt stop loss ngay phía trên kháng cự của vùng sideway bị thu hẹp.

Ví dụ

Thuận lợi và bất lợi của một giao dịch trong thị trường sideway

Thuận lợi

  • Có điểm vào/thoát lệnh cụ thể vì đơn giản nó có hỗ trợ và kháng cự rõ ràng.
  • Rủi ro được kiểm soát. Bởi vì khi giao dịch trong một thị trường sideway nghĩa là trader chấp nhận theo đuổi lợi nhuận nhỏ hơn; do đó, mỗi giao dịch thường được mở vài ngày và thường không quá một tuần, nhờ đó làm giảm khả năng vị thế bị ảnh hưởng bất lợi bởi những sự kiện tin tức bất ngờ, không mong muốn.

Bất lợi

  • Mọi thứ bên trong thị trường sideway đều xảy ra nhanh chóng và sự gia tăng đáng kể số lượng các giao dịch được thực hiện. Điều này yêu cầu trader phải dành nhiều thời gian hơn so với các điều kiện thị trường khác và các bạn phải liên tục theo dõi vị thế của mình.
  • Vì có nhiều cơ hội giao dịch trong thị trường sideway nên tần suất giao dịch sẽ nhiều hơn, số lượng vị thế mở nhiều hơn nên chi phí giao dịch sẽ tăng lên.

Kết luận

Dù thị trường đang ở trong điều kiện như thế nào thì cũng mang đến cơ hội giao dịch cho trader, kể cả khi nó không có xu hướng rõ ràng. Đó là điểm đặc biệt của thị trường forex. Quan trọng là các bạn đã xây dựng được chiến lược giao dịch hiệu quả hay chưa và có dám giao dịch hay không.

Hy vọng những gì mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết này sẽ là những hướng dẫn cụ thể nhất để các bạn có thể hiểu rõ về một thị trường sideway và nắm được cách giao dịch hiệu quả nhất với dạng thị trường này.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Sideway là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất trong thị trường sideway
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan