- Parabolic SAR là gì?
- Parabolic SAR được tính như thế nào?
- Hướng dẫn cài đặt chỉ báo Parabolic SAR trên phần mềm giao dịch MT4
- Các tín hiệu giao dịch tạo ra từ chỉ báo Parabolic SAR
- Trader sử dụng Parabolic SAR như một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh như thế nào?
- Chiến lược giao dịch hiệu quả với chỉ báo Parabolic SAR
- Kết luận
Parabolic SAR là một trong những trend indicators mạnh mẽ, được sử dụng nhiều trong những chiến lược giao dịch trên các thị trường tài chính. Điều đặc biệt là Parabolic SAR còn làm tốt hơn nhiều so với những gì mà các trader thường hình dung về một chỉ báo xu hướng. Cụ thể, Parabolic SAR có thể hoạt động như một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, như hệ thống Ichimoku mà chúng ta vẫn biết đến. Tất nhiên, Parabolic SAR chỉ có 1 thành phần duy nhất và nó không thể so sánh với một Ichimoku có đến 5 thành phần nhưng những tín hiệu mà Parabolic SAR tạo ra không hề kém cạnh.
Vậy thì, chỉ báo Parabolic SAR được tạo ra như thế nào, hoạt động ra sao và chiến lược giao dịch nào được áp dụng hiệu quả nhất trên chỉ báo này? Cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
Parabolic SAR là gì?
Parabolic SAR cùng với các chỉ báo kỹ thuật nổi tiếng như RSI, ATR hay ADX đều được phát triển bởi J. Welles Wilder Jr. Ông đã giới thiệu Parabolic SAR lần đầu tiên vào năm 1978, trong cuốn sách “New Concepts in Technical Trading Systems”.
Parabolic SAR có tên gọi đầy đủ là Parabolic Stop And Reversal (Parabol – Dừng lại và đảo chiều), là một chỉ báo kỹ thuật có chức năng chính là xác định thời điểm mà xu hướng hiện tại sẽ kết thúc và thị trường sẽ đảo chiều sang một xu hướng mới, đúng như tên gọi của nó, Stop and Reversal, còn parabol là đề cập đến hình dáng của chỉ báo này trên đồ thị giá.
Là một trend indicator nên Parabolic SAR có khả năng cho biết xu hướng hiện tại của thị trường, bên cạnh đó, chỉ báo này còn giúp trader xác định thời điểm mà xu hướng sẽ kết thúc, cung cấp thông tin về vị trí vào và thoát lệnh tối ưu. Đó chính là lý do mà chúng ta có thể nói rằng Parabolic hoạt động như một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh.
Mặt khác, cũng vì là một trend indicator nên Parabolic SAR luôn di chuyển theo xu hướng. Vì vậy, Parabolic SAR là một trong những công cụ hữu ích mà các trader thường sử dụng trong các chiến lược trailing stop của mình.
Parabolic SAR được tính như thế nào?
Parabolic SAR được viết tắt là PSAR.
Chỉ báo này được tính theo công thức sau
PSAR = Prior PSAR + AF * (EP – Prior PSAR)
Trong đó:
- PSAR là giá trị của Parabolic SAR ở phiên giao dịch hiện tại hay phiên giao dịch cần tính
- Prior PSAR là giá trị của Parabolic SAR ở phiên giao dịch ngay trước đó
- AF (Acceleration Factor): hệ số gia tốc, hệ số này có giá trị bắt đầu là 0.02, sau đó mỗi bước tăng hoặc giảm mới cũng là 0.02, phụ thuộc vào xu hướng tăng hoặc giảm, nếu là tăng thì cộng thêm 0.02, nếu là giảm thì trừ đi 0.02. AF này cũng có một giá trị maximum, giá trị này được mặc định trong phần cài đặt chỉ báo là 0.2. Mặc dù có thể điều chỉnh AF max nhưng tác giả của chỉ báo cũng khuyên chỉ nên lựa chọn giá trị maximum cho AF không được quá 0.22 vì AF quá cao thì PSAR sẽ càng nhạy cảm hơn với giá, xuất hiện nhiều tín hiệu nhiễu.
- EP (Extreme Price): các điểm giá cực trị. EP sẽ là giá cao nhất nếu là xu hướng tăng hoặc là giá thấp nhất nếu là xu hướng giảm.
Một điểm khác biệt của Parabolic SAR chính là các bạn cần xác định chính xác xu hướng hiện tại là tăng hay giảm vì giá trị của AF sẽ phụ thuộc vào xu hướng, nếu không xác định đúng thì giá trị của Parabolic tính ra sẽ không chính xác. Tuy nhiên, đó là chúng ta đang tính đến trường hợp chỉ số được tính toàn bằng tay, còn trên thực tế thì phần mềm giao dịch đã tính toán sẵn các giá trị này và các bạn chỉ việc lôi ra sử dụng mà thôi.
Hướng dẫn cài đặt chỉ báo Parabolic SAR trên phần mềm giao dịch MT4
Parabolic SAR thuộc nhóm chỉ báo xu hướng, do đó, các bạn sẽ tìm thấy chỉ báo này trong mục các trend indicators.
Trên phần mềm MT4, thực hiện theo đường dẫn sau: Insert → Indicators → Trend → Parabolic SAR, như hình dưới:
Chỉ báo này cũng được nằm trong mục Custom, tuy nhiên nó sẽ chỉ có tên gọi là Parabolic, các bạn có thể lôi chỉ báo từ mục Trend hay Custom này đều được cả.
Sau đó, hộp thoại cài đặt chỉ báo sẽ hiện ra như sau:
Step: chính là bước số của hệ số gia tốc AF, chúng ta sẽ để mặc định 0.02
Maximum: là giá trị tối đa của hệ số gia tốc AF, như đã nói, các bạn có thể giữ nguyên là 0.2 hoặc nếu có điều chỉnh thì cũng không nên vượt quá 0.22.
Style: lựa chọn màu sắc và độ dày mỏng cho chỉ báo.
Tab Visualization: lựa chọn khung thời gian hiển thị chỉ báo Parabolic SAR trên đồ thị giá.
Bấm OK để hoàn tất cài đặt
Mỗi giá trị của Parabolic SAR được biểu diễn bằng một dấu chấm, các dấu chấm này có thể ở phía trên giá hoặc phía dưới giá và vị trí của các dấu chấm này so với giá chính là thông tin cung cấp về xu hướng hiện tại của thị trường.
Thường thì các giá trị của chỉ báo sẽ được nối lại với nhau thành dạng đường (line), nhưng với Parabolic SAR thì không. Và cũng nhờ vậy mà mỗi chấm ứng với mỗi giá trị của Parabolic SAR lại có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược giao dịch của trader. Đó là điểm đặc biệt và cũng khác biệt của Parabolic SAR so với hầu hết các indicators được biểu diễn dưới dạng line thay vì point như chỉ báo này.
Các tín hiệu giao dịch tạo ra từ chỉ báo Parabolic SAR
Có 3 loại tín hiệu chính tạo ra từ Parabolic SAR mà trader có thể sử dụng trong các chiến lược giao dịch của mình, đó là: tín hiệu vị trí giữa Parabolic SAR với giá, tín hiệu khoảng cách giữa Parabolic SAR với giá và tín hiệu đổi hướng của Parabolic SAR.
Về cơ bản thì cả 3 loại tín hiệu tạo ra từ Parabolic SAR khá giống với đường trung bình trượt MA.
Tín hiệu vị trí giữa Parabolic SAR với giá
Trader sử dụng tín hiệu này để xác định xu hướng hiện tại của thị trường.
Cụ thể:
- Nếu phần lớn các giá trị của Parabolic SAR đều nằm dưới đường giá thì thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Nếu phần lớn các giá trị của Parabolic SAR đều nằm trên đường giá thì thị trường đang trong xu hướng giảm.
Hình trên là chỉ báo Parabolic SAR với đường trung bình trượt MA20.
Có thể thấy rằng, chỉ báo MA thực hiện chức năng xác định xu hướng tốt hơn so với Parabolic SAR. Có những thời điểm (được khoanh tròn màu xanh) Parabolic SAR nhảy lên trên giá nhưng thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng, lúc này đường MA20 vẫn nằm dưới giá, hay khi Parabolic SAR nhảy xuống dưới giá nhưng thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm vì đường MA20 vẫn nằm trên giá.
Tín hiệu khoảng cách giữa Parabolic SAR với đường giá
Tín hiệu này được sử dụng để xác định lực của xu hướng hiện tại là đang mạnh hay yếu
Parabolic SAR càng cách xa đường giá thì lực của xu hướng càng mạnh, cụ thể:
- Nếu Parabolic SAR nằm dưới giá và cách xa giá thì xu hướng tăng đang mạnh mẽ
- Nếu Parabolic SAR nằm trên giá và cách xa giá thì xu hướng giảm đang mạnh mẽ
Tín hiệu đổi hướng của Parabolic SAR
Parabolic SAR hoặc nằm trên giá, hoặc nằm dưới giá, khi chỉ báo này chuyển hướng từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên sẽ cung cấp cho trader tín hiệu về khả năng đảo chiều của xu hướng.
Cụ thể:
- Vì khi Parabolic SAR đang nằm dưới giá thì thị trường đang trong xu hướng tăng, nên khi Parabolic SAR nhảy từ dưới lên trên, tức báo hiệu thị trường chuyển từ tăng sang giảm.
- Ngược lại, khi Parabolic SAR đang nằm trên giá thì thị trường đang trong xu hướng giảm, nên khi chỉ báo này nhảy xuống dưới thì sẽ báo hiệu thị trường chuyển từ giảm sang tăng.
Do đó, các trader sẽ sử dụng tín hiệu này để xác định thời điểm đảo chiều của xu hướng.
Trader sử dụng Parabolic SAR như một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh như thế nào?
Như đã giới thiệu lúc đầu, mặc dù chỉ có một thành phần duy nhất, nhưng trader hoàn toàn có thể chỉ sử dụng chỉ báo này mà vẫn có thể thực hiện được một giao dịch hoàn chỉnh.
Trước hết, chúng ta sẽ xác định xu hướng hiện tại của thị trường dựa vào tín hiệu vị trí giữa Parabolic SAR và đường giá.
Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng thì chờ tín hiệu đổi hướng của Parabolic SAR xuất hiện để thực hiện giao dịch. Cụ thể, khi Parabolic nhảy lên trên thì đó là cơ hội để chúng ta thực hiện một lệnh Sell. Điểm vào lệnh sẽ ứng với điểm Parabolic SAR tiếp theo ngay sau đó. Điểm thoát lệnh chính là khi Parabolic SAR nhảy từ trên xuống dưới lại.
Ngược lại, nếu thị trường đang trong xu hướng giảm thì chờ cho Parabolic nhảy xuống dưới, đó là cơ hội để chúng ta thực hiện một lệnh Buy. Điểm vào lệnh sẽ ứng với điểm Parabolic SAR tiếp theo ngay sau đó. Điểm thoát lệnh chính là khi Parabolic SAR nhảy từ dưới lên trên lại.
Ví dụ:
Một lệnh Sell được thực hiện khi Parabolic SAR nhảy lên trên giá và thoát lệnh khi Parabolic nhảy xuống dưới giá. Tương tự, một lệnh Buy được thực hiện khi Parabolic SAR nhảy xuống dưới giá và thoát lệnh khi Parabolic nhảy lên trên giá.
Rõ ràng là lệnh Sell đầu tiên có hiệu quả hơn so với lệnh Buy thứ hai, vì, không phải tín hiệu tạo ra từ Parabolic SAR lúc nào cũng đáng tin cậy và mặc dù chỉ báo này được xem là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh nhưng nó lại chưa hoàn hảo. Do đó, trong giao dịch với chỉ báo Parabolic SAR, trader luôn phải kết hợp thêm tín hiệu từ những công cụ phân tích khác.
Chiến lược giao dịch hiệu quả với chỉ báo Parabolic SAR
Cả chiến lược giao dịch thuận xu hướng và chiến lược giao dịch đảo chiều đều có thể được thực hiện trên chỉ báo Parabolic SAR. Tuy nhiên, như đã nói, chúng ta cần kết hợp thêm tín hiệu xác nhận từ những công cụ phân tích khác để giao dịch đạt hiệu quả cao hơn.
Chiến lược giao dịch thuận xu hướng
Giao dịch thuận xu hướng nghĩa là chúng ta chỉ thực hiện lệnh Buy khi thị trường đang trong xu hướng tăng và chỉ thực hiện lệnh Sell khi thị trường đang trong xu hướng giảm.
Cách thực hiện chiến lược này như sau:
Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại của thị trường
Ở bước này, chúng ta có thể dựa vào cấu trúc xu hướng hoặc tín hiệu vị trí giữa Parabolic SAR và đường giá.
Nếu dựa vào cấu trúc xu hướng, một xu hướng sẽ được xác định như sau:
- Thị trường đang trong xu hướng tăng nếu giá tạo đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn.
- Thị trường đang trong xu hướng giảm nếu giá tạo đáy mới thấp hơn và đỉnh mới thấp hơn.
Bước 2: Xác định tín hiệu vào lệnh
Sự đổi hướng của Parabolic SAR sẽ được sử dụng làm tín hiệu vào lệnh, cụ thể:
- Nếu là xu hướng tăng, chờ Parabolic SAR nhảy xuống dưới giá và vào lệnh Buy
- Nếu là xu hướng giảm, chờ Parabolic SAR nhảy lên trên giá và vào lệnh Sell
Tuy nhiên, vì tín hiệu tạo ra từ Parabolic SAR có độ trễ cao nên nó sẽ làm nhiệm vụ xác nhận. Chúng ta cần 1 tín hiệu giao dịch khác xuất hiện trước Parabolic SAR.
Cụ thể, trong chiến lược giao dịch thuận xu hướng, đường trendline (hoặc chỉ báo MA) và Fibonacci Retracement là 2 công cụ phân tích được sử dụng kết hợp với Parabolic SAR mang lại hiệu quả giao dịch cao.
Bước 3: Vào lệnh, cắt lỗ và chốt lời
Vào lệnh khi cây nến ứng với điểm Parabolic SAR đổi hướng đầu tiên. Thông thường, chúng ta sẽ vào lệnh với cây nến xác nhận theo ngay sau hoặc điểm Parabolic SAR xác nhận (điểm thứ hai) nhưng trong chiến lược này thì không cần. Có 2 lý do:
- Thứ nhất, đã có sự kết hợp tín hiệu từ công cụ phân tích khác → độ tin cậy cao hơn
- Thứ hai, tín hiệu từ Parabolic SAR có độ trễ cao, nếu vào lệnh với điểm Parabolic SAR thứ hai (hay cây nến xác nhận theo sau) thì điểm vào lệnh đã không đẹp lại càng xấu hơn.
Đặt stop loss tại các vị trí swing low, swing high gần nhất. Đối với giao dịch được thực hiện trên Parabolic SAR, trader thường kết hợp với chiến lược trailing stop để vừa tối đa hóa lợi nhuận mà rủi ro vẫn được giảm thiểu. Trong đó, vị trí đặt trailing stop sẽ ứng với các giá trị Parabolic SAR đi theo xu hướng giá.
Chốt lời: khi xu hướng đang có cấu trúc rõ ràng, tức có xen kẽ những đợt điều chỉnh theo sau các đợt sóng chính thì chúng ta không nên sử dụng tín hiệu ngược lại của Parabolic SAR để đóng lệnh vì như thế giao dịch sẽ không thể bắt trọn xu hướng. Thay vào đó, các bạn có thể sử dụng các tín hiệu đảo chiều khác, như giá breakout trendline, mô hình nến đảo chiều…
Chiến lược giao dịch thuận xu hướng kết hợp đường trendline
Cách thực hiện chiến lược như sau:
- Trong xu hướng tăng, chờ giá điều chỉnh giảm chạm vào trendline và ngay sau đó Parabolic SAR cũng nhảy xuống dưới giá thì vào lệnh Buy.
- Trong xu hướng giảm, chờ giá điều chỉnh tăng chạm vào trendline và ngay sau đó Parabolic SAR cũng nhảy lên trên giá thì vào lệnh Sell.
Còn cách vào lệnh, stop loss, take profit hay trailing stop thì thực hiện như các bước ở trên.
Ví dụ:
Giá đang tạo đỉnh mới thấp hơn và đáy mới thấp hơn, thị trường đang trong xu hướng giảm, tiến hành vẽ đường trendline của xu hướng.
Khi giá điều chỉnh tăng và chạm vào đường trendline, lúc này, Parabolic SAR vẫn đang nằm phía dưới giá. Khoảng 4 phiên giao dịch ngay sau đó, Parabolic bắt đầu nhảy lên trên giá, vào lệnh Sell ngay khi cây nến ứng với điểm Parabolic SAR này đóng cửa.
Đặt stop loss ngay phía trên swing high gần nhất và trailing stop tại các điểm Parabolic SAR dịch chuyển giảm dần theo xu hướng.
Trong trường hợp này, khi giá giảm xuống như kỳ vọng một thời gian thì đồ thị giá xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng Bullish Engulfing, các bạn có thể đóng lệnh khi cây nến thứ hai của mô hình đóng cửa.
Chiến lược giao dịch thuận xu hướng kết hợp Fibonacci Retracement
Fibonacci Retracement (FR) là công cụ cực kỳ hữu ích trong việc xác định thời điểm có khả năng kết thúc đợt điều chỉnh của thị trường. Nghĩa là, khi giá đang điều chỉnh và chạm vào một trong các tỷ lệ thoái lui quan trọng của FR thì có khả năng đợt điều chỉnh đó sẽ kết thúc, thị trường tiếp tục xu hướng chính.
Cách thực hiện chiến lược như sau:
- Trong xu hướng tăng, vẽ FR cho đoạn xu hướng tăng gần nhất. Chờ cho giá thoái lui về một trong các tỷ lệ quan trọng của FR như 0.382, 0.5, 0.618 và quay đầu tăng. Nếu ngay sau đó, Parabolic SAR nhảy xuống dưới giá thì vào ngay lệnh Buy.
- Trong xu hướng giảm, vẽ FR cho đoạn xu hướng giảm gần nhất. Chờ cho giá thoái lui về một trong các tỷ lệ quan trọng của FR như 0.382, 0.5, 0.618 và quay đầu giảm. Nếu ngay sau đó, Parabolic SAR nhảy lên trên giá thì vào ngay lệnh Sell.
Cách vào lệnh, stop loss, take profit hay trailing stop được thực hiện tương tự ở trên.
Ví dụ:
Cấu trúc xu hướng tăng được xác định rõ ràng khi giá tạo đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn. Vẽ FR cho đoạn xu hướng tăng gần nhất.
Giá điều chỉnh giảm và chạm vào tỷ lệ FR 0.5, sau đó quay đầu tăng. Quá trình giá chạm vào FR 0.5 sau đó quay đầu tăng gói gọn trong 3 cây nến và chúng tạo thành mô hình nến đảo chiều tăng Morning Star (Sao Mai), lại thêm một tín hiệu cho thấy giá sẽ tiếp tục tăng lên sau đó. Chỉ 2 phiên giao dịch tiếp theo, Parabolic SAR đang ở trên giá đã nhảy xuống dưới giá → vào lệnh Buy khi cây nến ứng với Parabolic SAR đầu tiên nhảy xuống dưới giá.
Đặt stop loss ngay phía dưới swing low gần nhất, trailing stop tại các điểm Parabolic SAR dịch chuyển tăng dần theo xu hướng.
2 cây nến Bearish Reversal Pin bar liên tục xuất hiện báo hiệu về khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm, chúng ta có thể đóng lệnh với tín hiệu này. Và trùng hợp là ngay sau khi cây Bullish Reversal Pin bar thứ hai đóng cửa Parabolic SAR cũng bắt đầu nhảy lên trên giá, báo hiệu khả năng đảo chiều giảm sẽ xảy ra.
Chiến lược giao dịch đảo chiều
Khi thị trường đang trong xu hướng tăng, tức là Parabolic SAR đang nằm phía dưới giá, nếu Parabolic SAR nhảy lên trên giá tức là thị trường có khả năng đảo chiều giảm và ngược lại. Tuy nhiên, để xác nhận một xu hướng mới có đang hình thành hay không thì chúng ta phải cần ít nhất 3 điểm Parabolic SAR.
Cách giao dịch chiến lược đảo chiều với Parabolic SAR như sau:
Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại
Bước này thực hiện tương tự như chiến lược giao dịch thuận xu hướng.
Bước 2: Xác định tín hiệu vào lệnh
Vào lệnh Buy khi có ít nhất 3 điểm Parabolic SAR nhảy xuống phía dưới giá. Hoặc vào lệnh Sell khi có ít nhất 3 điểm Parabolic SAR nhảy lên phía trên giá.
Tương tự chiến lược giao dịch thuận xu hướng, chúng ta cần thêm tín hiệu từ công cụ phân tích khác để xác nhận sự đảo chiều. Cụ thể, hỗ trợ, kháng cự và tín hiệu phân kỳ/hội tụ của chỉ báo RSI (hoặc Stochastic) thường được sử dụng kết hợp với Parabolic SAR trong chiến lược này.
Bước 3: Vào lệnh, đặt stop loss và take profit
Vào lệnh:
- Vào lệnh Buy khi cây nến ứng với điểm Parabolic SAR thứ 3 phía dưới giá đóng cửa
- Vào lệnh Sell khi cây nến ứng với điểm Parabolic SAR thứ 3 phía trên giá đóng cửa
Cắt lỗ: đặt stop loss ngay phía dưới đáy xu hướng giảm (lệnh Buy) hoặc phía trên đỉnh của xu hướng tăng (lệnh Sell).
Cách trailing stop và take profit được thực hiện tương tự như chiến lược giao dịch thuận xu hướng.
Chiến lược giao dịch đảo chiều với Parabolic SAR tại hỗ trợ, kháng cự
Chiến lược được thực hiện như sau:
- Khi Parabolic SAR nhảy xuống phía dưới giá và đồng thời giá cũng đang chạm vào vùng hỗ trợ mạnh thì khả năng là thị trường sẽ đảo chiều tăng →vào lệnh Buy.
- Khi Parabolic SAR nhảy lên phía trên giá và đồng thời giá cũng đang chạm vào vùng kháng cự mạnh thì khả năng là thị trường sẽ đảo chiều giảm →vào lệnh Sell.
Cách đặt stop loss, take profit hay trailing stop được thực hiện như các bước ở trên
Điều quan trọng nhất trong chiến lược này chính là các bạn phải xác định được các vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh.
Chúng thường là:
- Vùng mà giá nhiều lần chạm vào và quay đầu.
- Các vùng giá cao nhất, thấp nhất của một giai đoạn nhất định, thường là một quý, một năm… trong lịch sử.
Các bạn cần thu nhỏ đồ thị giá để xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự được chính xác hơn.
Ví dụ:
Trước khi Parabolic SAR nhảy xuống dưới giá, thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh. Sau khi điểm Parabolic SAR đầu tiên nhảy xuống dưới giá thì tiếp tục 2 điểm Parabolic SAR nữa xuất hiện → xu hướng tăng mới đang bắt đầu hình thành. Trong khi trước đó, thị trường đã hình thành một cây Bullish Reversal Pin bar và cây nến này cũng đang chạm vào vùng hỗ trợ mạnh (giá đã nhiều lần chạm vào và quay đầu tăng) → tín hiệu giá đảo chiều tăng càng được củng cổ.
Vào lệnh Buy sau khi cây nến ứng với điểm Parabolic SAR thứ 3 đóng cửa. Đặt stop loss ngay phía dưới chân nến Bullish Reversal Pin bar.
Trong trường hợp này, sau khi đảo chiều và tăng mạnh mẽ một thời gian (Parabolic SAR hầu hết nằm dưới giá) thì điểm Parabolic SAR đầu tiên đã nhảy lên phía trên giá, đồng thời một cây Doji với chân nến trên rất dài xuất hiện, báo hiệu khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm. Đóng lệnh khi cây nến ứng với điểm Parabolic SAR đầu tiên nhảy lên trên giá đóng cửa.
Chiến lược giao dịch đảo chiều với Parabolic SAR kết hợp với RSI
Tín hiệu phân kỳ/hội tụ giữa giá và RSI hoạt động khá hiệu quả trong chiến lược này.
Phân kỳ: khi giá đang tạo đỉnh mới cao hơn (xu hướng tăng) nhưng RSI lại tạo đỉnh mới thấp hơn (động lực xu hướng tăng đang suy yếu) →khả năng thị trường đảo chiều giảm.
Hội tụ: khi giá đang tạo đáy mới thấp hơn (xu hướng giảm) nhưng RSI lại tạo đáy mới cao hơn (động lực xu hướng giảm đang suy yếu) →khả năng thị trường đảo chiều tăng.
Chiến lược được thực hiện như sau:
- Khi Parabolic SAR nhảy xuống phía dưới giá và đồng thời tín hiệu hội tụ giữa giá và RSI xuất hiện →vào lệnh Buy
- Khi Parabolic SAR nhảy lên phía trên giá và đồng thời tín hiệu phân kỳ giữa giá và RSI xuất hiện →vào lệnh Sell.
Cách đặt stop loss, take profit hay trailing stop được thực hiện như các bước ở trên.
Ví dụ:
Sau khi tín hiệu phân kỳ xuất hiện trên giá và RSI thì Parabolic SAR cũng bắt đầu nhảy lên trên giá → củng cố tín hiệu giá đảo chiều giảm. Vào lệnh khi cây nến ứng với điểm Parabolic SAR thứ ba đóng cửa. Đặt stop loss phía trên đỉnh của xu hướng tăng.
Trong trường hợp này, chúng ta có thể sử dụng luôn tín hiệu hội tụ giữa giá và RSI để chốt lời.
Kết luận
Giống như MA, Bollinger Bands hay RSI, Parabolic SAR cũng là một chỉ báo kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong giao dịch forex. Để giao dịch với chỉ báo này một cách hiệu quả nhất, các bạn cần luyện tập sử dụng nó thường xuyên, có thể tham khảo những chiến lược mà chúng tôi đã gợi ý trong bài viết này, hoặc thay đổi những công cụ được sử dụng cùng với Parabolic SAR sao cho phù hợp hơn với hệ thống giao dịch của mình.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.