Trang chủBid là gì? Ask là gì? Mối quan hệ giữa Bid và Ask

Bid là gì? Ask là gì? Mối quan hệ giữa Bid và Ask

Admin

Bid, Ask hay pip, spread, lot, margin… là những thuật ngữ căn bản nhất trong giao dịch forex,  mà đã là một trader thì các bạn không thể không biết đến chúng. Không những chỉ đơn giản là biết mà phải nắm vững khái niệm và bản chất của các thuật ngữ này. 

Nhiều trader mới lao đầu vào đi tìm các phương pháp giao dịch, chiến lược hay “chén thánh” trong forex nhưng lại không thể áp dụng được vì quá khó, bởi họ quên rằng, ngay cả những thứ căn bản nhất còn chưa thật sự hiểu rõ thì làm sao hiểu được thị trường? 

Mở đầu cho chuỗi bài viết giải thích về các thuật ngữ quan trọng trong giao dịch forex sẽ là 2 thuật ngữ vô cùng quen thuộc: Bid và Ask. Sở dĩ Bid và Ask được giới thiệu đầu tiên vì chúng liên quan đến hầu như tất cả các thuật ngữ khác. Cùng theo dõi nhé.

Giá mua vào, giá bán ra

Trước khi chính thức làm rõ Bid là gì, Ask là gì, các bạn cần phân biệt 2 khái niệm giá mua vào và giá bán ra.

Nếu các bạn để ý thì trong các bản tin về kinh tế, tài chính, khi nhắc đến giá cả trên thị trường giao ngay, người ta luôn đề cập đến 2 mức giá. Ví dụ:

  • Giá vàng trên thị trường hôm nay là 35,500,000 /lượng mua vào và 35,700,000/lượng bán ra.
  • Giá USD tại ngân hàng VCB ngày hôm nay là 22,300 VND mua vào và 22,330 VND bán ra.

Vậy, giá mua vào hay giá bán ra được hiểu như thế nào?

Giá mua vào chính là mức giá mà các công ty đá quý hay ngân hàng chấp nhận mua vàng hay USD từ khách hàng. Ngược lại, giá bán ra là mức giá mà họ bán vàng hay USD cho khách hàng.

Ví dụ như khi đến ngân hàng, các bạn sẽ thấy ngân hàng niêm yết giá như sau: tỷ giá USD/VND: 22,300/30. Nếu bạn đổi USD sang VND (bạn đang bán USD) thì tỷ giá mà ngân hàng áp dụng cho bạn sẽ là 22,300, nếu bạn đổi VND sang USD (bạn đang mua USD) thì tỷ giá được áp dụng là 22,330.

22,300 là tỷ giá mà ngân hàng chấp nhận để mua vào USD từ khách hàng, đây chính là giá mua vào. Ngược lại, 22,330 là tỷ giá mà ngân hàng chấp nhận bán đồng USD cho khách hàng đây chính là giá bán ra. Giá bán ra luôn cao hơn giá mua vào và chênh lệch giữa chúng chính là thu nhập của ngân hàng ở nghiệp vụ trao đổi ngoại tệ này.

Bạn có thắc mắc là tại sao bạn bán USD nhưng giá áp dụng lại là giá mua không? Bởi vì đối với giao dịch đổi USD sang VND, thì ở vị thế của bạn là đang bán ra USD nhưng vị thể của ngân hàng lại là mua vào USD. Và 2 mức giá mua vào, bán ra mà ngân hàng niêm yết đang được áp dụng cho vị thế của ngân hàng chứ không phải ở vị thế của khách hàng.

Hoặc dễ thấy hơn chính là giá vàng. Tiệm vàng cũng niêm yết giá theo hình thức như trên, chẳng hạn như 1 lượng vàng được niêm yết giá như sau: mua vào 35,500, bán ra 36,570 nghìn đồng. Nếu đến mua vàng, chủ tiệm sẽ bán cho bạn mức giá là 36,570 nghìn đồng, nếu đi bán vàng, chủ tiệm sẽ mua vào cho bạn với mức giá là 35,500 nghìn đồng.

Tại sao lại có đến 2 mức giá trên cùng một loại tài sản?

Ngân hàng hay tiệm vàng mua vào của bạn với giá thấp và bán lại cho người khác với giá cao hơn để kiếm lời, chỉ đơn giản vậy thôi.

Giả sử giá mua vào và giá bán ra bằng nhau thì các giao dịch mua-bán USD hay mua-bán vàng đều là trao đổi ngang giá. Mà đã là trao đổi ngang giá thì ngân hàng hay tiệm vàng lấy đâu ra thu nhập cho các nghiệp vụ trao đổi đó. 

Các bạn có thể hình dung như sau: nếu trong một ngày mà ai cũng đến tiệm vàng để đổi chiếc nhẫn (1 chỉ vàng) sang sợi dây chuyền (cũng 1 chỉ vàng) mà không tốn đồng nào (không tính phí gia công) thì tiệm vàng lấy đâu ra thu nhập. Hay các bạn đến ngân hàng để đổi USD sang VND với mức giá 22,300 nhưng vì lý do nào đó, các bạn lại đổi lại ngay, nếu vẫn áp dụng mức giá 22,300 thì ngân hàng sẽ không có thu nhập từ nghiệp vụ này. 

Bid là gì? Ask là gì?

Trong thị trường forex, :

  • Bid (giá bán) là giá thực hiện hay giá khớp lệnh khi các bạn đặt lệnh Sell (bán) một cặp tỷ giá bất kỳ.
  • Ask (giá mua) là giá thực hiện hay giá khớp lệnh khi các bạn đặt lệnh Buy (mua) một cặp tỷ giá bất kỳ.

Hai khái niệm giá mua vào, giá bán ra trên thị trường forex được áp dụng ở vị thế của trader, nghĩa là Bid là giá bán ra và Ask là giá mua vào. Chính vì thế, giá Bid luôn nhỏ hơn hoặc bằng giá Ask.

Trên phần mềm MT4, giá Bid và giá Ask được hiển thị tại khu vực Market Watch, như hình dưới:

Trong thị trường forex, trader sẽ không quan tâm đến riêng lẻ từng loại giá, nghĩa là giá Bid là bao nhiêu, giá Ask là bao nhiêu mà quan trọng là chênh lệch giữa chúng là bao nhiêu. 

Chênh lệch giữa giá Bid và giá Ask được gọi là spread và chênh lệch này chính là chi phí giao dịch mà trader phải trả cho sàn. Chi phí này được ghi nhận như thế nào thì chúng ta sẽ được tìm hiểu chi tiết hơn ở bài viết về spread.

Tham khảo: Spread là gì? Giãn spread là gì? Cách xem spread trên MT4/MT5

Đặc điểm của giá Bid và giá Ask trên thị trường forex

Khác với thị trường giao ngay, giá mua vào và giá bán ra được niêm yết không đổi trong ngày nhưng ở thị trường forex, giá Bid và giá Ask biến động mỗi giây.

Trên phần mềm giao dịch MT4, các bạn sẽ thấy các mức giá này liên tục nhảy và đổi màu (màu xanh là đang tăng, màu đỏ là đang giảm).

Giá Bid và giá Ask trên các cặp tỷ giá tại mỗi sàn forex là khác nhau, phụ thuộc vào nhà cung cấp thanh khoản mà họ hợp tác hoặc phụ thuộc vào hình thức báo giá của sàn.

Đối với các Market Maker (nhà cái), họ thường không hợp tác với bất kỳ nhà cung cấp thanh khoản nào, giá là do chính họ cung cấp cho trader, chính vì thế, chênh lệch giữa giá mua và giá bán là rất cao, đồng nghĩa với việc chi phí mà trader phải trả cho sàn là rất lớn.

Ngược lại, các sàn forex STP hay ECN hợp tác với nhiều nhà cung cấp thanh khoản lớn, nên báo giá họ cung cấp cho trader sẽ tốt hơn. Hình thức báo giá của 2 loại sàn forex này có thể được hình dung như sau:

Ví dụ, sàn forex STP và ECN cùng hợp tác với 3 nhà cung cấp thanh khoản. Ở thời điểm hiện tại, các nhà cung cấp thanh khoản này có báo giá như sau trên cặp EUR/USD:

  • Nhà cung cấp thanh khoản 1: Bid: 1.23456, Ask: 1.23467, chênh lệch spread là 1.1 pips
  • Nhà cung cấp thanh khoản 2: Bid: 1.23455, Ask: 1.23457, chênh lệch spread là 0.2 pips
  • Nhà cung cấp thanh khoản 3: Bid: 1.23467, Ask: 1.23472, chênh lệch spread là 0.5 pips

Đây là các mức giá mà những tổ chức này chấp nhận để mua vào (Bid) và bán ra (Ask) ở thời điểm hiện tại.

Cả sàn STP và ECN sẽ đều lựa chọn báo giá tốt nhất để cung cấp cho trader, ở đây, chính là các mức giá của nhà cung cấp thanh khoản 2, vì chênh lệch là thấp nhất. Sàn ECN sẽ giữ nguyên báo giá này và gửi đến khách hàng, bù lại họ sẽ thu phí hoa hồng cho mỗi giao dịch, ngược lại, sàn STP sẽ trừ ra ở giá Bid và cộng thêm vào ở giá Ask một ít nữa để chênh lệch spread tăng lên, ví dụ như Bid: 1.23453, Ask: 1.23459, lúc này spread là 0.6, bù lại họ sẽ không tính phí hoa hồng. Đó là cách mà sàn STP tạo ra thu nhập.

Kết luận

Sau khi hiểu được giá Bid, giá Ask là gì, thì cho đến thời điểm này, điều mà các bạn nên quan tâm nhất chính là chênh lệch của chúng hay spread – chi phí mà bạn phải trả cho sàn. Vì thế, spread thấp là một trong các tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn sàn để giao dịch. Hãy thật sáng suốt và cẩn trọng nhé.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Bid là gì? Ask là gì? Mối quan hệ giữa Bid và Ask
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan