Trang chủDay trading là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Day trading

Day trading là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Day trading

Admin

Trong 4 phong cách giao dịch forex, bao gồm Scalping Trading, Day Trading, Swing Trading và Position Trading thì 2 phong cách đầu tiên được xếp vào nhóm phong cách giao dịch ngắn hạn. Trong đó, đa số các trader mới đều lựa chọn Day Trading để bắt đầu bởi Scalping Trading đòi hỏi nhiều kỹ thuật giao dịch hơn và một tâm lý cực kỳ thép. Day Trading có vẻ dễ thở hơn một chút cho những trader chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường. 

Vậy Day Trading có đặc điểm gì? Phong cách này có thể áp dụng được những chiến lược giao dịch nào? Và làm sao để trở thành một Day Trader thực thụ? Nếu cá tính của bạn trên thị trường forex phù hợp với phong cách Day Trading và bạn cũng đang định hướng đi theo phong cách này thì những nội dung dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn đấy. Cùng bắt đầu thôi.

Day Trading là gì?

Không phải là một phương pháp hay chiến lược giao dịch mà Day Trading thực chất là một phong cách giao dịch, là đặc trưng của cá tính, của những gì mà bạn sẽ làm trên thị trường forex.

Với Day Trading, các nhà giao dịch sẽ mở và đóng các vị thế trong ngày, không giữ lệnh qua đêm. Mục tiêu của phong cách Day Trading là tìm kiếm và tận dụng các biến động giá trong ngày để mang về lợi nhuận.

Nếu không có biến động giá trong ngắn hạn thì Day Trader sẽ không có cơ hội giao dịch và càng nhiều cặp tiền tệ có biến động lớn trong ngắn hạn thì họ sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn hoặc thua lỗ nhiều hơn trong một ngày giao dịch. Đó cũng là lý do mà các Day Trader đòi hỏi phải có kỹ năng quản lý rủi ro tuyệt vời.

Đặc trưng của giao dịch trong ngày – Day Trading

Có khá nhiều đặc điểm để phân biệt phong cách giao dịch Day Trading với những phong cách khác, cụ thể:

Thứ nhất, số lượng lệnh thực hiện trong một ngày nhiều hơn so với các phong cách giao dịch trung và dài hạn. Còn so với Scalping Trading thì có thể ít hơn.

Với các Day Trader có mục tiêu lợi nhuận rõ ràng, họ thường đặt ra kế hoạch giao dịch sao cho trong một ngày có thể đạt được tỷ suất sinh lợi bao nhiêu trên vốn, từ đó, họ luôn cố gắng tìm kiếm các cơ hội giao dịch trong ngày để đạt được mục tiêu đó. Tất nhiên không ngoại trừ trường hợp thị trường gần như đứng yên trong ngày.

Thứ hai, khung thời gian giao dịch của một Day Trader thường ngắn.

Phong cách Day Trading sẽ phù hợp với các chiến lược được thực hiện trên các khung thời gian ngắn như M15, M30 hoặc H1, vì trên những khung thời gian này, biến động giá đủ rộng để lệnh có thể mang về lợi nhuận mà trader vẫn có thể đóng được vị thế trước khi kết thúc ngày giao dịch.

Thứ ba, Day Trading chịu phí commission nhưng không phải chịu phí swap

Việc đặt nhiều lệnh trong ngày có thể khiến một Day Trader phải trả nhiều phía hoa hồng hơn nhưng bù lại, họ sẽ không phải quan tâm đến phí swap do không giữ lệnh qua đêm.

Thứ tư, các Day Trader phải đảm bảo lượng thời gian lớn dành cho forex

Mặc dù không cần phải luôn dán mắt vào màn hình như Scalping Trading, nhưng phong cách giao dịch Day Trading bắt buộc các trader phải dành nhiều thời gian hơn để quan sát và theo dõi thị trường để phát hiện ra các cơ hội giao dịch mới, đồng thời có thể phản ứng kịp thời trước những biến động bất ngờ. Đối với một Day Trader thì họ có thể vừa giao dịch vừa ăn bánh uống nước.

Thứ năm, thời gian vàng trong ngày của một Day Trader rơi vào khoảng 19h – 23h theo giờ Việt Nam.

Đây là khung giờ vàng cho mọi phong cách giao dịch do trong khoảng thời gian này, 2 phiên giao dịch Âu và Mỹ trùng nhau nên thị trường có nhiều biến động lớn. các Day Trader có thể tìm kiếm những cơ hội giao dịch lác đác trong ngày, nhưng đến khung giờ vàng, họ sẽ tận dụng triệt để những biến động lớn này để có thể mang về lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn, chỉ từ 1 đến 2 giờ.

Thứ sáu, Day Trading có thể phù hợp với nhiều chiến lược giao dịch khác nhau

Một Day Trader có thể áp dụng chiến lược giao dịch thuận xu hướng, giao dịch đảo chiều, giao dịch breakout… với công cụ phân tích chủ yếu là công cụ kỹ thuật thay vì các yếu tố kinh tế cơ bản như với các phong cách giao dịch trung hoặc dài hạn.

Thứ bảy, Day Trading có thể giao dịch trên mọi loại tài sản

Các chiến lược giao dịch trong ngày chủ yếu sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật nên có thể giao dịch được trên mọi loại tài sản, chỉ cần tài sản đó có biến động.

Thứ tám, các chiến lược giao dịch được thực hiện theo phong cách Day Trading thường sẽ xác định trước các vị trí stop loss và take profit.

Đây là điểm đặc trưng của các giao dịch ngắn hạn, còn với các giao dịch dài hạn, trader thường chỉ xác định trước điểm vào lệnh; stop loss và take profit sẽ có thể được xác định trong khi lệnh đang chạy hoặc vào gần cuối thời gian mà trader muốn đóng lệnh. Vốn dĩ các giao dịch trong ngày đã rất khó khăn nên việc xác định trước stop loss và take profit sẽ giúp trader không bị chi phối bởi tâm lý giao dịch.

Các chiến lược giao dịch phù hợp nhất với phong cách Day Trading

Có 3 chiến lược chung phổ biến mà một Day Trader có thể thực hiện được, bao gồm:

  • Chiến lược giao dịch thuận xu hướng
  • Chiến lược giao dịch phá vỡ – breakout
  • Chiến lược giao dịch đảo chiều

Trong mỗi loại chiến lược, các bạn có thể tùy ý sử dụng các công cụ phân tích thích hợp, với mỗi sự lựa chọn các công cụ phân tích, chúng ta sẽ được một chiến lược cụ thể.

Chiến lược giao dịch thuận xu hướng

Đây là chiến lược giao dịch phổ biến được khuyến khích đối với các trader mới, thứ nhất là chiến lược này dễ thực hiện, thứ hai, mức độ rủi ro thấp hơn so với những chiến lược khác. Giá cả trên thị trường luôn di chuyển theo xu hướng tăng hoặc giảm, do đó, giao dịch theo xu hướng hay thuận xu hướng được coi là an toàn nhất.

Với chiến lược này, trader cần xác định được động lực của xu hướng ở thời điểm hiện tại. Nếu xu hướng vẫn còn mạnh thì tìm cơ hội để vào lệnh theo xu hướng đó, ngược lại, nếu động lực của xu hướng đang yếu dần, các bạn phải chuyển sang một chiến lược khác, cụ thể là chiến lược giao dịch đảo chiều.

Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng và động lực của xu hướng còn mạnh thì trader sẽ tìm cơ hội để vào lệnh Buy. Nếu thị trường đang trong xu hướng giảm và động lực xu hướng mạnh thì trader sẽ tìm cơ hội để vào lệnh Sell. 

Cách vào lệnh như sau: trong xu hướng tăng, chờ cho giá điều chỉnh giảm và vào lệnh Buy khi có tín hiệu đợt điều chỉnh giảm kết thúc. Trong xu hướng giảm, chờ cho giá điều chỉnh tăng và vào lệnh Sell khi có tín hiệu đợt điều chỉnh kết thúc. Lúc đó, trader sẽ được mua vào với mức giá thấp hơn một chút hoặc bán ra với mức giá cao hơn một chút so với hiện tại.

Để thực hiện được chiến lược này, các Day Traders cần lựa chọn được công cụ phân tích có thể đảm nhiệm được những nhiệm vụ sau:

  • Xác định xu hướng hiện tại của thị trường: có thể sử dụng các chỉ báo như MA, ADX, Ichimoku, hoặc đơn giản nhất là dựa vào cấu trúc xu hướng thông qua di chuyển của giá trên đồ thị.
  • Xác định động lực của xu hướng: có thể sử dụng chỉ báo Momentum, Ichimoku…
  • Xác định thời điểm vào lệnh: một trong những công cụ được ưa chuộng nhất để xác định thời điểm giá kết thúc đợt điều chỉnh đó là tín hiệu giá chạm đường xu hướng Trendline hoặc/và giá tiến đến một trong các tỷ lệ quan trọng của Fibonacci Retracement, ngoài ra, trader có thể kết hợp thêm các tín hiệu từ mô hình nến đảo chiều.

Ví dụ về chiến lược giao dịch thuận xu hướng.

Đây là chiến lược giao dịch thuận xu hướng tăng với trendline kết hợp Fibonacci.

Chiến lược được thực hiện như sau: khi giá đang điều chỉnh giảm, chờ cho giá chạm vào trendline (đang đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ mạnh) đồng thời giá chạm vào một trong các tỷ lệ thoái lui quan trọng của Fibonacci như 0.5, 0.618 hoặc 0.764 thì vào lệnh Buy.

Trong ngắn hạn, giá đang tăng do liên tục tạo các đỉnh mới cao hơn, đáy mới cao hơn, chúng ta tiến hành vẽ trendline cho xu hướng này. Khi giá bắt đầu điều chỉnh giảm thì vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng tăng ngay trước đó.

Ở trường hợp này, khi giá chạm trendline cũng là lúc giá chạm vào tỷ lệ 0.764 của Fibonacci. Vào lệnh sau khi cây nến xanh xác nhận tín hiệu giá quay đầu tăng đóng cửa.

Chiến lược giao dịch phá vỡ

Chiến lược giao dịch phá vỡ liên quan đến việc giá breakout một vùng giá quan trọng như hỗ trợ, kháng cự và có xu hướng tiếp tục đi theo hướng phá vỡ. 

Những trường hợp mà Day Traders có thể thực hiện một chiến lược giao dịch phá vỡ, đó là:

  • Thị trường đi ngang, hoặc trong giai đoạn tích lũy, cơ hội giao dịch phá vỡ xuất hiện khi giá breakout thành công 1 trong 2 đường xu hướng trên và dưới.
  • Thị trường có xu hướng rõ ràng: nếu là xu hướng tăng, giao dịch phá vỡ được thực hiện khi giá breakout thành công đường trendline của xu hướng tăng (đường thẳng đi qua các đáy) hoặc nếu là xu hướng giảm, giao dịch phá vỡ được thực hiện khi giá breakout thành công đường trendline của xu hướng giảm (đường thẳng đi qua các đỉnh)
  • Di chuyển của giá tạo thành các price patterns, chiến lược này được thực hiện khi mô hình giá chính thức hoàn thành.

Với chiến lược giao dịch breakout, trader sẽ vào lệnh khi giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ/kháng cự và đóng cửa một cách rõ ràng phía dưới/phía trên các ngưỡng này.

Công cụ phân tích được ưu tiên sử dụng trong chiến lược giao dịch phá vỡ là đường xu hướng trendline và các mô hình giá.

Ví dụ về chiến lược giao dịch phá vỡ

Giá bị hụt hơi khi không thể chạm vào hỗ trợ chính là tín hiệu cho thấy khả năng giá sẽ phá vỡ kháng cự và tăng lên mạnh mẽ. Vào lệnh khi breakout bar đóng cửa rõ rệt bên ngoài kháng cự.

Chiến lược giao dịch đảo chiều

Trên thực tế thì chiến lược này khá mạo hiểm và không được khuyến khích dành cho các trader mới. Nhưng không có nghĩa là một trader mới không thể thực hiện nó một cách hiệu quả.

Thị trường có khả năng đảo chiều khi động lực của xu hướng đang dần yếu đi. Do vậy, để thực hiện được chiến lược này, các Day Trader cần xác định động lực của xu hướng và tìm kiếm tín hiệu giá đảo chiều để vào lệnh.

Giao dịch đảo chiều có thể được thực hiện khi thị trường đang trong một xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng, đã kéo dài và lực xu hướng dần cạn kiệt hoặc khi thị trường đi ngang, giá dao động bên trong phạm vi được giới hạn bởi 2 đường trendline trên và dưới, giao dịch đảo chiều sẽ được thực hiện khi giá chạm vào 1 trong 2 biên và bật ngược trở lại.

Về công cụ phân tích, các chiến lược giao dịch đảo chiều trong ngày thường có hiệu quả với các mô hình nến đảo chiều, mạnh mẽ nhất có thể kể đến là mô hình Pin bar, Engulfing, Morning/Evening Star…. Còn trong giao dịch trung và dài hạn, các trader sẽ kết hợp thêm tín hiệu xác nhận từ những công cụ khác.

Ví dụ về chiến lược giao dịch đảo chiều

Chiến lược giao dịch đảo chiều này sử dụng tín hiệu từ mô hình nến kết hợp với chỉ báo RSI. Mô hình giá Sao Hôm cung cấp tín hiệu đảo chiều xu hướng, còn tín hiệu phân kỳ giữa giá và RSI cho biết động lực của xu hướng tăng đang yếu đi. Sự kết hợp giữa 2 loại tín hiệu này làm tăng khả năng thành công của lệnh.

Phong cách Day Trading phù hợp với các trader như thế nào?

Các giao dịch được thực hiện theo phong cách được Day Trading được đóng luôn trong ngày nên nó sẽ sự lựa chọn hàng đầu cho các trader mong muốn nhìn thấy ngay lợi nhuận/thua lỗ trong ngày mà không phải chờ đợi lâu. 

Ngoài ra, các trader theo đuổi phong cách Day Trading còn là những người có nhiều thời gian dành cho forex. Việc tìm kiếm các biến động nhỏ trong ngày và xử lý những biến động giá bất ngờ đòi hỏi trader phải thường xuyên quan sát chuyển động của giá. Không hẳn là phải luôn dán mắt vào màn hình máy tính, nhưng cũng không được cho phép mình rời mắt khỏi thị trường quá lâu.

Các Day Trader còn là những người có khẩu vị rủi ro cao. Việc thực hiện nhiều lệnh trong ngày và phải quản lý chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc chỉ thực hiện 1, 2 lệnh và giữ lệnh trong vài ngày, vài tuần. Áp lực tâm lý cũng tăng thêm tính rủi ro cho phong cách giao dịch này.

Và cuối cùng, những người lựa chọn phong cách Day Trading thường có mục tiêu tài chính ngắn hạn. Họ mong muốn có thêm một khoản thu nhập hằng tháng, và đối với những người dành toàn thời gian cho forex thì họ coi thu nhập từ forex là thu nhập chính.

Trader cần làm gì trước khi thực chiến với Day Trading?

Không riêng gì Day Trading mà với mọi phong cách khác, trước khi chính thức thực chiến bằng tiền thật, các bạn cũng nên ở trong tư thế “sẵn sàng”, sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng chịu rủi ro và sẵn sàng chấp nhận thua lỗ.

Bạn phải có kiến thức vững chắc về phong cách Day Trading và phân tích kỹ thuật

Hiểu thì mới theo đuổi được. Những gì bạn cần làm là nắm được bản chất, ý nghĩa của các thuật ngữ, vấn đề liên quan đến phong cách giao dịch này. Bởi trong 4 phong cách giao dịch thì Day Trading được đánh giá là cực kỳ khó, đòi hỏi trader có nhiều kỹ năng hơn để thành thạo trong giao dịch, chứ chưa tính đến chuyện thành công.

Nghiên cứu về phân tích kỹ thuật một cách sâu sắc. Đừng cố tìm hiểu thật nhiều chiến lược giao dịch và mỗi chiến lược một ít mà hãy tập trung đào sâu vào một chiến lược đã được chứng minh có thể mang về lợi nhuận.

Xây dựng một chiến lược giao dịch hiệu quả đã được kiểm chứng

Các bạn có thể áp dụng chiến lược giao dịch của một trader đã được kiểm chứng là có hiệu quả hoặc cũng có thể tự tạo nên một chiến lược của riêng mình. Nếu là một chiến lược tự tạo, các bạn hãy dành nhiều thời gian để thử nghiệm, tùy chỉnh trước khi chính thức giao dịch bằng tiền thật trên chiến lược đó. 

Nhưng bất luận bạn lựa chọn như thế nào thì cũng nên thiết lập một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh để bạn có thể cảm thấy thoải mái nhất, tự tin nhất khi bắt đầu. Và điều quan trọng nhất là hãy luôn kiên định với lựa chọn của mình ngay từ đầu.

Hãy biến những lý thuyết đã học được thành kinh nghiệm

Cách tốt nhất để bạn có thể nắm bắt tốt những kiến thức đã học chính là hãy thực hành nó. Với forex, các bạn hãy thực hành những kiến thức giao dịch, chạy thử nghiệm hệ thống giao dịch của mình trên tài khoản dùng thử (demo account) để bước đầu xem xét tính hiệu quả của nó. Tất nhiên, một chiến lược được đánh giá là hiệu quả khi giao dịch Demo chưa chắc nó sẽ mang về lợi nhuận khi được giao dịch trên tài khoản thực, bởi lẽ thị trường thực và thị trường demo không hề giống nhau.

Hãy kiên trì thử nghiệm và tùy chỉnh chúng nhiều lần, cho đến khi chiến lược hay hệ thống giao dịch đó có tỷ lệ win cao, ít nhất trên 80% thì chúng ta mới kỳ vọng khi chuyển qua thị trường thực, tỷ lệ win kỳ vọng đạt ít nhất 50%.

Và cuối cùng, hãy chuẩn bị tâm lý thật sự tốt trước khi chính thức thực chiến với Day Trading.

Bắt đầu giao dịch trong ngày như thế nào?

Sau khi đã tích lũy đầy đủ kiến thức và xây dựng được một chiến lược giao dịch đang có lợi nhuận ở tài khoản thử nghiệm, các bạn có thể bắt đầu thực chiến với Day Trading.

Và dưới đây là các bước cơ bản để một trader mới có thể bắt đầu thực chiến theo phong cách Day Trading:

Mở tài khoản tại một broker uy tín, chất lượng và nạp tiền vào tài khoản. 

Vậy, nên nạp bao nhiêu tiền để có thể thực hiện các chiến lược giao dịch trong ngày?

Thứ nhất, số tiền bạn nạp vào để giao dịch trong ngày phụ thuộc vào việc bạn xem lợi nhuận từ forex là thu nhập toàn thời gian hay chỉ là một phần trong nhiều nguồn thu nhập khác của bạn. Nếu forex là công việc chính, số tiền ban đầu bạn dành cho forex sẽ nhiều hơn để có thể đạt được mục tiêu thu về lợi nhuận ổn định như thu nhập khi bạn nhận được cho công việc toàn thời gian trước đó của mình.

Thứ hai, bạn không cần phải nạp vào hết tất cả số tiền nhàn rỗi của mình, chỉ sử dụng tối đa 20% số tiền đó, và nên nhớ, hãy luôn chừa cho mình đường lui.

Thứ ba, bạn cần xác định được 2 vấn đề sau:

  • Bạn thực sự có bao nhiêu tiền dành cho forex?
  • Bạn muốn kiếm được bao nhiêu đô la lợi nhuận trong ngày?

Giả sử bạn muốn kiếm được 100$ lợi nhuận trong ngày nhưng số tiền hiện tại bạn có thể nạp vào là 500$. Mỗi ngày giao dịch ít nhất 5 lệnh, mỗi lệnh kiếm được 20$, hệ thống giao dịch của bạn có tỷ lệ Risk:Reward là 1:2, suy ra số tiền thua lỗ mỗi lệnh là 10$, nếu ngày đó bạn thua lỗ cả 5 lệnh thì sẽ mất 50$, tương ứng 10% số vốn ban đầu. Một tỷ lệ rủi ro quá cao đối với một trader mới. 

Điều này có nghĩa là, bạn phải cân đối giữa số tiền có thể dành cho forex và mục tiêu lợi nhuận của mình để quyết định một số tiền đầu tư ban đầu cho hợp lý.

Hãy chi tiết kế hoạch giao dịch của bạn ra giấy và xem lại vào mỗi sáng.

Việc này có thể nhắc nhở bạn rằng hãy luôn tuân thủ theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Nếu thua lỗ kéo dài, hãy cân nhắc đến việc thay đổi chiến lược hoặc điều chỉnh hệ thống giao dịch của mình. Nhưng khi đã mở vị thế, hãy luôn tuân thủ đúng nguyên tắc.

Lập danh sách các cặp tiền tiềm năng mà bạn dự định sẽ giao dịch vào mỗi sáng và bắt đầu theo dõi chúng để tìm kiếm cơ hội vào lệnh.

Giao dịch theo đúng kế hoạch và luôn bám sát nó.

Hãy chậm rãi và kiểm soát tốt cảm xúc giao dịch của mình.

Và cuối cùng, xem lại lịch sử giao dịch của bạn vào mỗi tối khi kết thúc một ngày giao dịch.

Đây là lúc bạn xem xét lại tính hiệu quả của hệ thống giao dịch của mình.

Kết luận

Hy vọng qua những gì mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết, các bạn có thể hình dung ra một Day Trader trên thị trường forex sẽ như thế nào và hình ảnh đó liệu rằng có phù hợp với bạn hay không, từ đó quyết định có nên lựa chọn và theo đuổi phong cách này hay không?

Còn nếu bạn quyết định sẽ theo đuổi Day Trading, hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu sâu sắc về phân tích kỹ thuật, là yếu tố nòng cốt để một Day Trader có thể đạt được những thành tựu trên thị trường này.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Day trading là gì? Các chiến lược giao dịch hiệu quả với Day trading
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan