Trang chủDivergence là gì? Các bước giao dịch hiệu quả với tín hiệu phân kỳ

Divergence là gì? Các bước giao dịch hiệu quả với tín hiệu phân kỳ

Admin

Divergence hay Phân kỳ là một khái niệm không xa lạ với các trader phân tích kỹ thuật nhưng có lẽ sẽ khá mới mẻ với các trader mới, bắt đầu tiếp cận với trường phái phân tích này.

Divergence là một tín hiệu giao dịch được sử dụng nhiều trong các chiến lược giao dịch đảo chiều và có thể nói là các chiến lược giao dịch với Divergence mang lại hiệu quả cực kỳ cao vì nó có thể giúp trader bắt đáy, bắt đỉnh ở khoảng thời gian sớm nhất của một xu hướng.

Và nếu các bạn thường xuyên hoặc ít nhất có tìm đọc một trong số các bài viết về mô hình nến hay chỉ báo dao động của chúng tôi thì sẽ dễ dàng nhận thấy tín hiệu phân kỳ luôn được sử dụng trong các chiến lược giao dịch mà chúng tôi gợi ý cho các bạn.

Vậy thì, Divergence chính xác là gì? Và làm sao để giao dịch với tín hiệu này một cách hiệu quả nhất? Cùng tìm hiểu nhé.

Divergence (Phân kỳ) là gì?

Divergence hay phân kỳ là một dạng tín hiệu giao dịch, được tạo ra từ một chỉ báo kỹ thuật kết hợp với hành vi của giá trên đồ thị. Cụ thể, phân kỳ cho biết có sự khác nhau trong hành vi của giá và động lực của xu hướng, từ đó cảnh báo cho trader về khả năng thay đổi xu hướng của thị trường.

Ví dụ: trong khi giá đang tạo ra các mức tăng cao hơn thì chỉ báo kỹ thuật lại tạo ra các mức thấp hơn, đó chính là sự phân kỳ. Và tín hiệu phân kỳ này chỉ ra rằng thực tế thì động lực của xu hướng tăng này đang giảm dần và có khả năng cao là thị trường sẽ đảo chiều.

Tín hiệu phân kỳ xuất hiện trên mọi loại thị trường, mọi loại tài sản và được các nhà giao dịch sử dụng trên nhiều khung thời gian khác nhau, nhưng nó chỉ hoạt động tốt trên các khung thời gian lớn. Và một lưu ý hết sức quan trọng, đó là sự phân kỳ không phải là lý do để các bạn có thể vào ngay một lệnh nhưng nó sẽ là một cảnh báo để các bạn có thể bắt đầu tìm kiếm một tín hiệu vào lệnh tiềm năng. Thông thường, các nhà giao dịch sau khi phát hiện sự phân kỳ trên biểu đồ thì sẽ bắt đầu tìm kiếm một mô hình nến ưa thích của họ hoặc một sự phá vỡ mức hỗ trợ/kháng cự để thực hiện một giao dịch được hỗ trợ bởi sự phân kỳ.

Tín hiệu phân kỳ được tạo ra từ nhiều chỉ báo khác nhau nhưng tất cả chúng đều thuộc bộ chỉ báo dao động. Và một vài trong số đó được sử dụng phổ biến nhất chính là MACD, RSI và Stochastic, Awesome Oscillator, CCI…

Vậy cụ thể thì tín hiệu phân kỳ xuất hiện như thế nào, làm sao để xác định tín hiệu trên đồ thị giá?

Các dạng phân kỳ trong giao dịch forex

Thông thường, các chỉ báo dao động đều có sử dụng tính chất trung bình nên nó thể hiện được xu hướng của thị trường, do đó, chuyển động của giá và chuyển động của chỉ báo sẽ tương đồng với nhau. Nghĩa là, nếu giá tạo đỉnh cao hơn thì chỉ báo dao động cũng sẽ tạo đỉnh cao hơn. Nếu giá tạo đáy thấp hơn thì chỉ báo dao động cũng sẽ tạo đáy thấp hơn. Trong trường hợp nguyên tắc đó không xảy ra đúng tức là có điều gì đó bất thường đang xảy ra.

Có nhiều trạng thái bất thường xảy ra giữa hành vi của giá và chỉ báo tạo nên nhiều dạng phân kỳ khác nhau trong giao dịch forex. Chúng được chia thành 2 nhóm: Phân kỳ thường và Phân kỳ ẩn. 

Mỗi nhóm lại có 2 dạng khác nhau:

  • Phân kỳ thường: phân kỳ thường tăng giá và phân kỳ thường giảm giá
  • Phân kỳ ẩn: phân kỳ ẩn tăng giá và phân kỳ ẩn giảm giá

Phân kỳ thường

Là loại phân kỳ dễ được phát hiện, xuất hiện thường xuyên hơn trên đồ thị và cung cấp tín hiệu về sự đảo chiều của xu hướng. Nếu bắt gặp phân kỳ thường, các nhà đầu tư, nhà giao dịch sẽ bán khống hoặc mua dài hạn.

Phân kỳ thường tăng giá

Tín hiệu phân kỳ thường tăng giá xuất hiện khi giá tạo đáy mới thấp hơn nhưng chỉ báo dao động tạo đáy mới cao hơn. Tín hiệu này thường xuất hiện vào cuối một xu hướng giảm và cảnh báo về khả năng đảo chiều tăng vì động lực của xu hướng giảm đang yếu đi. Khi bắt gặp phân kỳ thường tăng giá, trader sẽ sẵn sàng để vào một lệnh Buy mới hoặc đóng một lệnh Sell đang chạy.

Với thuật ngữ phân kỳ, chúng ta sẽ hình dung về 2 đối tượng đang có xu hướng tách xa nhau nhưng đối với phân kỳ thường tăng giá, 2 đối tượng xét đến là giá và chỉ báo lại có xu hướng hội tụ lại một điểm. Chính vì thế tín hiệu phân kỳ thường tăng giá cũng thường được gọi là tín hiệu hội tụ, thuật ngữ này giúp chúng ta dễ hình dung hơn về hướng di chuyển khác nhau giữa đường giá và chỉ báo. Và trong tất cả những bài viết của chúng tôi khi có sử dụng chiến lược giao dịch với tín hiệu phân kỳ, chúng tôi luôn sử dụng thuật ngữ hội tụ để thay thế thuật ngữ phân kỳ thường tăng giá.

Và với phân kỳ thường giảm giá, chúng tôi chỉ gọi đơn giản là phân kỳ.

Phân kỳ thường giảm giá

Tín hiệu phân kỳ thường giảm giá xuất hiện khi giá tạo đỉnh mới cao hơn nhưng chỉ báo dao động tạo đỉnh mới thấp hơn. Tín hiệu này thường xuất hiện vào cuối một xu hướng tăng và cảnh báo về khả năng đảo chiều giảm vì động lực của xu hướng tăng đang suy yếu. Khi bắt gặp phân kỳ giảm giá, trader sẽ sẵn sàng để vào một lệnh Sell mới hoặc đóng một lên Buy đang chạy.

Phân kỳ ẩn

Ngược lại với phân kỳ thường, phân kỳ ẩn thường xuất hiện vào cuối giai đoạn hợp nhất (hay tích lũy) của một xu hướng và dự báo rằng giai đoạn hợp nhất này sắp kết thúc theo hướng có lợi cho xu hướng ban đầu.

Phân kỳ ẩn cũng bao gồm 2 dạng:

Phân kỳ ẩn tăng giá

Nếu di chuyển của giá tạo đáy mới cao hơn thì có thể thị trường đang trong một xu hướng tăng và khi bạn phát hiện chỉ báo dao động đồng thời lại tạo đáy mới thấp hơn thì đó chính là phân kỳ ẩn tăng giá. Tín hiệu này thường xảy ra vào cuối giai đoạn hợp nhất của một xu hướng đang tăng và dự báo rằng xu hướng tăng sẽ được tiếp tục ngay sau đó.

Phân kỳ ẩn giảm giá

Nếu giá di chuyển tạo đỉnh mới thấp hơn, thị trường có thể đang trong một xu hướng giảm. Đồng thời lúc đó, nếu chỉ báo dao động tạo đỉnh mới cao hơn thì đó chính là phân kỳ ẩn giảm giá. Tín hiệu này thường xảy ra vào cuối giai đoạn hợp nhất của một xu hướng đang giảm và dự báo rằng xu hướng giảm sẽ được tiếp tục ngay sau đó.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mối liên quan giữa 2 loại phân kỳ này. Cụ thể, di chuyển của giá và chỉ báo dao động giữa phân kỳ thường tăng giá với phân kỳ ẩn tăng giá và giữa phân kỳ thường giảm giá với phân kỳ ẩn giảm giá có sự hoán đổi cho nhau. Di chuyển của giá trong phân kỳ thường tăng giá (đáy mới thấp hơn) được hoán đổi cho di chuyển của chỉ báo trong phân kỳ ẩn tăng giá và di chuyển của chỉ báo trong phân kỳ thường tăng giá (đáy mới cao hơn) được hoán đổi cho di chuyển của giá trong phân kỳ ẩn tăng giá. Và điều này cũng tương tự với phân kỳ thường giảm giá và phân kỳ ẩn giảm giá.

Các trường hợp khác của phân kỳ

Đặc điểm của giá và chỉ báo dao động ở 4 dạng phân kỳ nêu trên chỉ là 1 trường hợp của tín hiệu phân kỳ mà thôi. Mỗi dạng phân kỳ còn có 2 trường hợp khác nữa.

Ví dụ: đối với phân kỳ thường tăng giá

Trường hợp cơ bản: là trường hợp mà chúng ta đã nhắc đến ở trên: giá tạo đáy mới thấp hơn và chỉ báo tạo đáy mới cao hơn.

Trường hợp 2: giá tạo đáy mới thấp hơn và chỉ báo dao động tạo đáy ngang bằng nhau.

Trường hợp 3: giá tạo đáy ngang bằng nhau và chỉ báo dao động tạo đáy mới cao hơn.

Nếu xem xét dựa trên bản chất của sự phân kỳ thì chúng ta còn một số trường hợp nữa, ví dụ như giá tạo ra các đáy mới có độ dốc cao hơn so với độ dốc của đáy mới tạo ra từ chỉ báo dao động thì đó cũng là tín hiệu cảnh báo sự suy yếu của xu hướng.

Ví dụ: đối với phân kỳ thường giảm giá

Trường hợp cơ bản: giá tạo đỉnh mới cao hơn và chỉ báo tạo đỉnh mới thấp hơn

Trường hợp 2: giá tạo đỉnh mới cao hơn và chỉ báo tạo đỉnh ngang bằng nhau

Trường hợp 3: giá tạo đỉnh ngang bằng nhau và chỉ báo tạo đỉnh mới thấp hơn

Trường hợp khác: giá tạo đỉnh mới có độ dốc cao hơn so với độ dốc của đỉnh mới tạo ra từ chỉ báo dao động.

Tuy nhiên, trên thực tế khi giao dịch, các trader sẽ chỉ quan tâm đến phân kỳ cơ bản vì độ tin cậy của chúng là cao nhất.

Top 3 chỉ báo cung cấp tín hiệu phân kỳ tốt nhất

Như đã nói, các chỉ báo có thể cung cấp tín hiệu phân kỳ đều thuộc bộ chỉ báo dao động, trong đó, có 3 chỉ báo hoạt động hiệu quả nhất mà các bạn có thể sử dụng, bao gồm MACD, RSI và Awesome Oscillator.

Chúng tôi cũng đã thực hiện các bài viết chi tiết về những indicators này, các bạn có thể tham khảo thông qua các link bài viết dưới đây.

Và để thuận tiện trong việc theo dõi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày sơ qua về cách sử dụng các chỉ báo dao động này.

MACD

Chỉ báo này bao gồm 2 thành phần: đường MACD và đường Signal.

Trong đó: đường MACD chính là hiệu số giữa trung bình trượt hàm mũ 12 kỳ và trung bình trượt hàm mũ 26 kỳ của giá đóng cửa và đường Signal chính là giá trị trung bình trượt đơn giản 9 kỳ của đường MACD.

MACD = EMA 12 – EMA 26, Signal = SMA (MACD, 9)

Có 3 tín hiệu giao dịch được tạo ra từ MACD, bao gồm tín hiệu giao cắt giữa đường MACD với đường 0, giữa đường MACD với đường Signal và tín hiệu phân kỳ giữa giá và MACD, trong đó, tín hiệu phân kỳ được các trader sử dụng phổ biến nhất.

Sự phân kỳ giữa giá và MACD được xác định dựa trên các đỉnh và đáy của đường MACD.

RSI

Không phải MACD mà RSI mới chính là indicators được chúng tôi sử dụng nhiều nhất trong các chiến lược giao dịch với tín hiệu phân kỳ, bởi vì bên cạnh phân kỳ thì tín hiệu quá mua/quá bán từ RSI cũng hoạt động cực kỳ tốt, do đó, RSI được sử dụng phổ biến hơn.

RSI chỉ bao gồm 1 đường duy nhất và giá trị của nó được tính toán với công thức hơi phức tạp hơn so với MACD. RSI dao động bên trong phạm vi được giới hạn từ 0 đến 100, trong đó, 30 và 70 là 2 mức được chính người đã phát triển ra chỉ báo (J. Welles Wilder) lựa chọn làm các mức quá bán, quá mua. 

Mặc dù tín hiệu quá bán, quá mua của RSI được biết đến rộng rãi hơn so với tín hiệu phân kỳ nhưng trên thực tế thì tín hiệu phân kỳ lại hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là các tín hiệu phân kỳ thường mang lại những dự báo có xác suất thành công rất lớn.

Và đương nhiên, tín hiệu phân kỳ được xác định dựa trên các đỉnh và đáy của đường RSI trên đồ thị giá.

Awesome Oscillator

Chỉ báo AO cũng bao gồm 1 thành phần duy nhất nhưng được hiển thị dưới dạng Histogram chứ không phải dạng đường (line) như RSI.

Mặc dù AO nổi tiếng hơn với tín hiệu đĩa bay (Saucer) nhưng tín hiệu phân kỳ của chỉ báo này cũng cực kỳ hiệu quả và được rất nhiều trader chuyên nghiệp sử dụng.

Để nhận diện tín hiệu phân kỳ giữa giá và AO, các bạn sẽ bắt đầu với 2 đỉnh liên tiếp (đỉnh đôi) với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước hoặc 2 đáy liên tiếp (đáy đôi) với đáy sau cao hơn đáy trước.

Các bước giao dịch hiệu quả với tín hiệu phân kỳ – Divergence

Như đã nói, mặc dù phân kỳ có thể cung cấp tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng nhưng trên thực tế, các trader lại chỉ thường sử dụng phân kỳ thường hơn, tức là chỉ sử dụng tín hiệu phân kỳ trong chiến lược giao dịch đảo chiều xu hướng.

Do vậy, trong phạm vi của bài viết lần này, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến chiến lược giao dịch với tín hiệu phân kỳ thường.

Bước 1: Chờ đợi tín hiệu phân kỳ có thể xảy ra trên đồ thị giá

Trước hết, chúng ta sẽ quan sát đường đi của giá để sớm phát hiện ra tín hiệu phân kỳ.

Tín hiệu phân kỳ thường chỉ có thể xảy ra trong 4 kịch bản sau đây trên đồ thị giá:

  • Kịch bản 1: đỉnh mới cao hơn → phân kỳ thường giảm giá
  • Kịch bản 2: đỉnh đôi (đỉnh ngang bằng) → phân kỳ thường giảm giá
  • Kịch bản 3: đáy mới thấp hơn → phân kỳ thường tăng giá
  • Kịch bản 4: đáy đôi (đáy ngang bằng) → phân kỳ thường tăng giá

Nếu tồn tại 1 trong 4 kịch bản trên thì chúng ta mới tiếp tục xem xét chỉ báo dao động có tạo ra một nửa tín hiệu còn lại hay không.

Bước 2: Xác định phân kỳ trên chỉ báo

Nếu kịch bản 1 hoặc 2 xảy ra, điều mà chúng ta chờ đợi ở chỉ báo chính là đỉnh mới thấp hơn.

Nếu kịch bản 3 hoặc 4 xảy ra thì đáy mới cao hơn chính là những gì mà chúng ta chờ đợi sẽ xảy ra trên đồ thị chỉ báo.

Tóm lại, ở cả 2 bước, nguyên tắc mà chúng ta cần tuân thủ chính là chỉ kết nối các đỉnh đối với phân kỳ giảm giá và kết nối các đáy đối với phân kỳ tăng giá.

Bước 3: Nhận diện mức độ tin cậy của tín hiệu phân kỳ

Như đã nói, trường hợp cơ bản của phân kỳ là trường hợp đem lại tín hiệu đáng tin cậy nhất. Nghĩa là, nếu phân kỳ tăng giá, chúng ta sẽ kỳ vọng giá tạo đáy mới thấp hơn thay vì 2 đáy bằng nhau và nếu là phân kỳ giảm giá thì chúng ta sẽ mong chờ hơn với việc giá tạo đỉnh mới cao hơn thay vì 2 đỉnh bằng nhau.

Bên cạnh đó, độ dốc của phân kỳ cũng cho biết tín hiệu có đáng tin cậy hay không. Độ dốc của phân kỳ chính là mức độ phân kỳ giữa 2 đường thẳng nối 2 đỉnh của giá và 2 đỉnh của chỉ báo (phân kỳ giảm giá) hoặc là mức độ hội tụ giữa 2 đường thẳng nối 2 đáy của giá và 2 đáy của chỉ báo (phân kỳ tăng giá).

Phân kỳ có độ dốc càng cao thì tín hiệu tạo ra sẽ càng đáng tin cậy.

Bước 4: Tìm kiếm cơ hội vào lệnh

Như đã nói, các trader thường sử dụng sự phân kỳ để xác định khả năng đảo chiều của xu hướng hay xác định cơ hội giao dịch, còn để chính thức vào lệnh thì họ sẽ tìm kiếm một tín hiệu khác ngay sau khi sự phân kỳ xảy ra.

Trong đó, có 2 chiến lược giao dịch mà các trader cực kỳ yêu thích và thường xuyên sử dụng chính là tìm kiếm một mẫu hình nến đảo chiều hoặc chờ đợi giá phá vỡ hỗ trợ/kháng cự quan trọng của xu hướng để vào lệnh.

Lưu ý: có một nguyên tắc quan trọng nữa khi giao dịch với tín hiệu phân kỳ, đó là không nên đuổi theo sự phân kỳ. Nguyên tắc này có nghĩa rằng nếu sự phân kỳ đã xảy ra và thị trường đã thực sự đảo chiều (cấu trúc của xu hướng mới đã hình thành rõ ràng) thì lúc này, chiến lược giao dịch đảo chiều với tín hiệu phân kỳ đã không còn hiệu quả mà tốt hơn hết là các bạn nên chuyển sang chiến lược giao dịch thuận xu hướng với một tín hiệu khác, có thể là phân kỳ ẩn hoặc một mô hình nến tiếp diễn xu hướng… Chỉ nên giao dịch với tín hiệu phân kỳ ngay khi nó vừa mới xảy ra.

Bước 5: Giao dịch

Tùy thuộc vào mỗi mô hình nến đảo chiều hoặc hỗ trợ/kháng cự mà các bạn sử dụng trong chiến lược của mình mà sẽ có những cách vào lệnh khác nhau, có chiến lược đặt stop loss và take profit khau nhau, sao cho hiệu quả nhất.

Các bạn có thể tham khảo lại các bài viết về mô hình nến, đường trendline, đường trung bình trượt MA… của chúng tôi để biết cách giao dịch hiệu quả nhất với những công cụ này.

Chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với tín hiệu phân kỳ

Chiến lược giao dịch với tín hiệu phân kỳ kết hợp mô hình nến đảo chiều

Việc kết hợp với mô hình nến đảo chiều sẽ giúp các bạn bắt trọn đỉnh hoặc đáy của xu hướng vì thường nếu chúng xuất hiện, chúng sẽ ở ngay đỉnh hoặc đáy của xu hướng đó.

Cách giao dịch như sau: 

  • Nếu xảy ra tín hiệu phân kỳ tăng giá, chờ đợi một mô hình nến đảo chiều tăng xuất hiện và vào lệnh Buy khi mô hình hoàn thành.
  • Nếu xảy ra tín hiệu phân kỳ giảm giá, chờ đợi mô hình nến đảo chiều giảm xuất hiện và vào lệnh Sell khi mô hình hoàn thành.

Ví dụ 1: Phân kỳ tăng giá với mô hình nến đảo chiều

Chỉ báo dao động được sử dụng trong trường hợp này là MACD.

Thị trường đang trong xu hướng giảm, giá tạo đáy mới thấp hơn nhưng chỉ báo MACD lại tạo đáy mới cao hơn → tín hiệu phân kỳ tăng.

Cùng lúc đó, trên đồ thị giá xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng Morning Star, đây là tín hiệu xác nhận lại khả năng đảo chiều và cũng là tín hiệu để chúng ta có thể vào lệnh.

Chờ cây nến thứ 3 của mô hình đóng cửa và vào lệnh Buy, đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của mô hình.

Sau khi thị trường đảo chiều như kỳ vọng, giá tăng lên mạnh mẽ. Nương theo áp lực mua đang lớn, giá tạo đỉnh mới cao hơn, nhưng chỉ báo MACD lại tạo đỉnh mới thấp hơn → xuất hiện tín hiệu phân kỳ giảm → cảnh báo khả năng đảo chiều giảm, cùng lúc đó, trên đồ thị giá xuất hiện cây nến Bearish Reversal Pin bar, xác nhận lại khả năng đảo chiều, chúng ta có thể đóng lệnh ngay khi cây nến đóng cửa.

Ví dụ 2: Phân kỳ giảm giá với mô hình nến đảo chiều

Chỉ báo MACD tiếp tục được sử dụng để tìm kiếm tín hiệu phân kỳ trong trường hợp này.

Thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh, giá liên tục tạo các đỉnh mới cao hơn nhưng MACD lại tạo đỉnh mới thấp hơn → tín hiệu phân kỳ giảm. Mô hình nến đảo chiều giảm Bearish Engulfing xuất hiện tại đỉnh của xu hướng tăng, cùng lúc xảy ra tín hiệu phân kỳ giảm, củng cố lại khả năng đảo chiều xu hướng.

Vào lệnh khi cây nến thứ hai của mô hình này đóng cửa. Đặt stop loss phía trên mức giá cao nhất của mô hình.

Khi đồ thị giá xuất hiện cây nến Bullish Reversal Pin bar và đồng thời lúc đó, đường MACD cắt đường Signal từ dưới lên → tín hiệu giá đảo chiều tăng, đóng lệnh khi cây nến xác nhận theo ngay sau Pin bar đóng cửa.

Chiến lược giao dịch với tín hiệu phân kỳ kết hợp đường trendline của xu hướng

Khi sự phân kỳ xảy ra sẽ dự báo cho chúng ta về khả năng đảo chiều của xu hướng, còn khi giá chính thức phá vỡ đường trendline của xu hướng thì đó chính là sự xác nhận lại cho tín hiệu đảo chiều từ phân kỳ. Do đó, mặc dù có thể sẽ không được bắt trọn đỉnh hoặc đáy nhưng chiến lược này có độ an toàn cao hơn.

Cách giao dịch như sau:

  • Nếu xảy ra tín hiệu phân kỳ tăng giá → vẽ đường trendline của xu hướng giảm trước đó → chờ đợi giá phá vỡ và đóng cửa phía trên trendline một cách rõ ràng → vào lệnh Buy khi cây nến phá vỡ (breakout bar) đóng cửa.
  • Nếu xảy ra tín hiệu phân kỳ giảm giá → vẽ đường trendline của xu hướng tăng trước đó → chờ đợi giá phá vỡ và đóng cửa phía dưới đường trendline một cách rõ ràng → vào lệnh Sell khi cây nến phá vỡ (breakout bar) đóng cửa.

Ví dụ 1: Phân kỳ tăng giá với đường trendline

Chỉ báo RSI được sử dụng để xác định tín hiệu phân kỳ.

Khi phân kỳ tăng xuất hiện, cảnh báo về khả năng thị trường đảo chiều tăng, chúng ta sẽ bắt đầu tìm kiếm cơ hội vào lệnh Buy.

Vẽ đường trendline của xu hướng giảm và chờ cho giá breakout trendline thì vào lệnh.

Cây nến phá vỡ trendline của xu hướng giảm là một cây nến xanh tương đối lớn cộng với sự hỗ trợ từ tín hiệu phân kỳ tăng trước đó, chúng ta có thể vào ngay lệnh Buy khi cây nến breakout bar đóng cửa.

Sau khi phá vỡ thành công trendline, giá có quay lại retest vị trí Entry bằng mô hình Morning Star, điều này cho thấy giá sẽ tiếp tục tăng lên theo kỳ vọng và đúng là như vậy.

Thị trường đảo chiều tăng, hình thành một xu hướng mới với đường trendline mới. Thời điểm thích hợp để đóng lệnh chính là khi đường trendline của xu hướng tăng mới này bị phá vỡ.

Ví dụ 2: Phân kỳ giảm giá với đường MA

Trong trường hợp này, chúng ta không sử dụng đường trendline mà là đường trung bình trượt MA, cụ thể là SMA50. Mang tính chất trung bình nên đường MA có chức năng xác định xu hướng và đồng thời cũng đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ trong xu hướng tăng hoặc kháng cự trong xu hướng giảm như trendline. Nếu trendline là đường xu hướng tĩnh thì SMA chính là đường xu hướng động.

Đường SMA50 trong trường hợp này đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ trong xu hướng tăng mạnh. 

Tín hiệu phân kỳ giảm xuất hiện cảnh báo về khả năng đảo chiều giảm và nhiệm vụ của chúng ta là chờ đợi giá phá vỡ đường SMA50 đi xuống sẽ vào lệnh. Sau khi giá giảm xuống một thời gian thì tiếp tục xuất hiện tín hiệu phân kỳ tăng, cảnh báo khả năng đảo chiều, đóng lệnh khi cây nến xanh xác nhận tín hiệu đóng cửa.

Kết luận

Trong giao dịch thực tế, tín hiệu phân kỳ xuất hiện rất thường xuyên và mang lại giá trị giao dịch cực kỳ hiệu quả cho trader. Điều quan trọng không phải là nhận diện sự phân kỳ vì nó quá dễ để nhận biết mà là cách chúng ta thiết lập giao dịch với phân kỳ, từ việc lựa chọn chỉ báo dao động, đến tìm kiếm tín hiệu vào lệnh, cắt lỗ, chốt lời. Do đó, đối với chiến lược giao dịch phân kỳ, các bạn phải luyện tập thật nhiều để tìm ra thiết lập hiệu quả nhất với mình.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Divergence là gì? Các bước giao dịch hiệu quả với tín hiệu phân kỳ
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan