Ở bài viết lần trước, các bạn đã được tìm hiểu về cấu trúc của thị trường forex, bao gồm nhiều thực thể tham gia vào thị trường, trong đó có các broker – đóng vai trò trung gian, kết nối trader với nhau trên toàn thế giới. Cũng nhờ có thực thể này mà những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ như chúng ta mới có cơ hội kiếm tiền từ forex.
Vậy, broker hay forex broker là gì? Công ty môi giới ngoại hối hoạt động như thế nào và có vai trò ra sao đối với trader, với thị trường? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu qua bài viết lần này nhé.
Forex broker là gì?
Forex broker (còn được gọi ngắn gọn là broker) là sàn forex hay nhà môi giới ngoại hối, đóng vai trò trung gian, kết nối những người có nhu cầu mua (cầu) và những người có nhu cầu bán (cung) ngoại tệ và các loại tài sản được định giá bằng ngoại tệ, cung cấp môi trường giao dịch ngoại hối cho nhà đầu tư thông qua mạng lưới internet toàn cầu.
Ở những loại thị trường khác, khái niệm “môi giới” có vẻ dễ hình dung hơn so với một loại hình đầu tư trực tuyến như forex. Chẳng hạn ở thị trường bất động sản, môi giới có thể là một cá nhân hoặc một công ty mà thị trường đặt riêng cho họ một cái tên rất đời – “cò”, công việc của họ là giúp những người đang muốn bán đất đai, nhà cửa… gặp được những người đang cần mua hoặc ngược lại và kiếm tiền nhờ hoa hồng trên giá trị giao dịch hoặc nâng giá tài sản để hưởng chênh lệch. Hay đối với thị trường chứng khoán, môi giới chính là các công ty chứng khoán, họ cung cấp cho nhà đầu tư nền tảng để đặt lệnh mua bán và thu về chi phí giao dịch, ngoài ra họ còn có thể kiếm được tiền nhờ dịch vụ ủy thác đầu tư.
Đối với thị trường forex, nhà môi giới phải là một tổ chức, được cấp phép hoạt động bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Tại Việt Nam, forex là loại hình đầu tư chưa được công nhận, nên tất cả các nhà môi giới đều đến từ nước ngoài. Và nếu các bạn bắt gặp một forex broker của Việt Nam thì nên tránh xa nhé.
Trên thị trường Việt Nam, hiện có hơn 200 sàn forex đang hoạt động, nếu như các công ty chứng khoán đều có trụ sở tại Việt Nam thì các forex broker lại không có trụ sở tại Việt Nam, chỉ hơn 10 broker có văn phòng đại diện tại Việt Nam mà thôi. Và cũng rất ít khi các trader Việt tìm đến những văn phòng này để mở tài khoản hoặc giải quyết sự cố mà tất cả đều được thực hiện trực tuyến trên internet thông qua website của các forex broker này.
Phân loại forex broker
Trước khi phân loại broker, các bạn cần hiểu khái niệm tính thanh khoản và nhà cung cấp thanh khoản.
Tính thanh khoản trên thị trường forex được hiểu theo cách đơn giản nhất là khả năng khớp lệnh nhanh chóng với mọi mức khối lượng, mọi mức giá mà một trader muốn mua hoặc bán.
Nhà cung cấp thanh khoản trên thị trường forex chính là các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ, công ty môi giới… họ giao dịch mỗi ngày với khối lượng cực kỳ lớn, tạo ra biến động giá trên thị trường. Những nhà cung cấp thanh khoản này giao dịch trên một mạng lưới gọi là thị trường liên ngân hàng và giá cả forex cũng được hình thành từ thị trường liên ngân hàng này. Một broker liên kết với càng nhiều nhà cung cấp thanh khoản lớn thì họ sẽ nhận được các mức giá càng tốt (chênh lệch giá mua, giá bán thấp). Trader giao dịch tại broker có tính thanh khoản cao thì sẽ được nhận báo giá tốt, chịu chi phí thấp và khả năng khớp lệnh nhanh chóng.
Broker trên thị trường forex được chia thành 2 nhóm: Dealing Desk và No Dealing Desk.
Dealing Desk: những sàn forex thuộc nhóm này chính là những Market Maker ( MM – nhà tạo lập thị trường), đơn giản là vì giá cả mà trader được giao dịch lại phụ thuộc vào chính những broker này mà không phải xuất phát từ biến động cung – cầu trên thị trường thực. Các MM broker này không liên kết với những nhà cung cấp thanh khoản lớn mà chính họ sẽ là nhà cung cấp thanh khoản, báo giá trực tiếp đến trader. Lệnh của trader sẽ bị giữ lại và “có thể được khớp lệnh” đối ứng với sàn. Nghĩa là trader đang đặt cược với sàn forex thay vì đặt cược với cả thị trường.
Tất nhiên, vì không liên kết với những nhà cung cấp thanh khoản lớn nên báo giá của các MM đến trader không phải là tốt nhất và chênh lệch spread thường cố định.
Mang tiếng là nhà môi giới nhưng các MM broker lại không thực hiện đúng bản chất của một thực thể trung gian trên thị trường. Lệnh của trader ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của broker nên sẽ không hiếm trường hợp broker dùng thủ thuật để lệnh của trader thua, gây ra xung đột.
No Dealing Desk: điểm khác biệt lớn nhất của các broker thuộc nhóm NDD so với DD chính là không giữ lệnh của trader mà chuyển thẳng ra thị trường. Họ liên kết với nhiều nhà cung cấp thanh khoản lớn nên luôn nhận được báo giá tốt nhất và gửi đến trader. Tuy nhiên, phụ thuộc vào cách thức báo giá mà các broker trong nhóm này cũng được phân thành 2 loại: sàn forex STP và sàn forex ECN.
- Sàn forex ECN (Electronic Communication Network): nhờ liên kết với các nhà cung cấp thanh khoản lớn nên ECN broker luôn nhận được báo giá tốt nhất và chuyển thẳng đến trader, chỉ thu phí của trader thông qua commission (phí hoa hồng trên mỗi lần đặt lệnh, giống cách thức thu phí của các công ty chứng khoán).
- Sàn forex STP (Straight Through Processing): cũng nhận được báo giá tốt như ECN broker nhưng khi báo giá đến trader, họ thường cộng thêm một ít vào chênh lệch giá bán, giá mua (spread) để kiếm lời và áp dụng chính sách no commission, đó cũng là thu nhập của các STP broker.
Vai trò của forex broker
Đối với thị trường forex
Các forex broker tham gia vào thị trường chủ yếu thực hiện vai trò trung gian, giúp nhà đầu tư kết nối với môi trường giao dịch ngoại hối toàn cầu, mặt khác, họ cũng kinh doanh ngoại tệ để kiếm lời và tạo ra tính thanh khoản cho thị trường.
Đối với các trader
Nói một cách đơn giản nhất thì nếu không có forex broker, nhà đầu tư cá nhân không thể tham gia giao dịch trên thị trường ngoại hối.
Sàn forex cung cấp cho trader nền tảng, công cụ để họ có thể đặt lệnh mua, bán trên thị trường, cụ thể:
- Sản phẩm giao dịch: mỗi broker cung cấp cho trader một danh mục sản phẩm khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ luôn có những sản phẩm giao dịch sau: các cặp tỷ giá (EUR/USD, AUD/USD, GBP/USD…), vàng (XAU/USD), chỉ số (US30, UK100, NASDAQ…), dầu thô (WTI, Brent).
Tham khảo thêm: Hàng hóa của thị trường forex. Các cặp tiền giao dịch phổ biến nhất
- Tài khoản giao dịch: là tài khoản định danh mỗi khách hàng, như khi các bạn đăng ký tài khoản Facebook, Instagram, Twitter…, trader sẽ nạp tiền thật vào tài khoản này để có thể mua, bán trên thị trường. Phụ thuộc vào mỗi sàn forex mà tài khoản giao dịch cũng được phân thành nhiều loại khác nhau như tài khoản Micro, Standard, ECN, Vip, Pro… Bên cạnh đó, tất cả các broker đều cung cấp cho trader tài khoản dùng thử Demo, các bạn có thể trải nghiệm giao dịch trên thị trường mà không chịu bất kỳ rủi ro nào.
- Phần mềm giao dịch: trader sẽ đăng nhập tài khoản giao dịch nói trên vào phần mềm và có thể đặt lệnh mua, bán tại đó. Phần mềm giao dịch giúp trader quản lý lệnh, quản lý số dư tài khoản, ngoài ra còn có thể kết nối, trò chuyện với những trader khác trên thế giới. Hiện nay, những phần mềm giao dịch forex mà các broker đang cung cấp cho trader bao gồm: MT4, MT5, cTrader, xStation. Trong đó, MT4 đang là phần mềm được sử dụng phổ biến nhất.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng và chiến lược riêng mà các broker sẽ cung cấp thêm những dịch vụ khác đến trader như dịch vụ tư vấn, ủy thác giao dịch, dịch vụ copy trading, cung cấp cho khách hàng mới những tài liệu, kiến thức về giao dịch, các buổi hội thảo trực tuyến…
Cách thức forex broker kiếm tiền trên thị trường
Với vai trò chính là trung gian kết nối cung – cầu ngoại hối thì thu nhập chủ yếu của các forex broker được lấy từ chính khách hàng của mình, là những trader giao dịch trên thị trường thông qua chi phí giao dịch.
Có 2 loại chi phí giao dịch forex: chênh lệch spread và phí hoa hồng commission.
Chênh lệch spread
Giá cả trên thị trường ngoại hối bao gồm 2 loại: giá Bid và giá Ask. Khi trader đặt lệnh Buy, giá khớp lệnh sẽ là giá Ask, ngược lại lệnh Sell sẽ được khớp với giá Bid. Giá Ask luôn lớn hơn hoặc bằng với giá Bid và chênh lệch giữa 2 mức giá này ở từng thời điểm chính là spread.
Tại sao spread lại là một loại chi phí giao dịch?
Cách thức ghi nhận chi phí giao dịch từ spread là khác nhau đối với lệnh Buy và lệnh Sell.
- Trường hợp đặt lệnh Buy. Ở thời điểm đặt lệnh, giá đang chạy trên đồ thị giá là giá Bid 1 nhưng giá khớp lệnh lại là giá Ask 1, thay vì điểm Entry (điểm vào lệnh) sẽ là tại mức giá hiện tại trên đồ thị (Bid 1) thì lúc này Entry sẽ bị nhảy lên một đoạn (Ask 1). Đồng nghĩa với lợi nhuận của trader bị giảm đi một khoản, chính bằng Ask 1 – Bid 1. Chi phí được ghi nhận ngay tại thời điểm mở lệnh. Khi đóng lệnh, giá khớp lệnh là Bid 2, trùng với mức giá hiện tại trên đồ thị.
- Trường hợp đặt lệnh Sell. Giá đang chạy trên đồ thị vẫn là Bid 1 và khi đặt lệnh Sell, giá khớp lệnh cũng là Bid 1. Khi đóng lệnh, thay vì sẽ được khớp lệnh tại mức giá hiện tại trên đồ thị (Bid 2) thì lệnh lại được khớp với giá Ask 2, cao hơn Bid 2, khiến cho lợi nhuận bị giảm đi một khoản hoặc thua lỗ phải cộng thêm một khoản, chính bằng Ask 2 – Bid 2. Chi phí của lệnh Sell được ghi nhận tại thời điểm đóng lệnh.
Spread được tính bằng số pip, sau đó được quy đổi sang USD để tính toán chi phí.
Tham khảo: Pip là gì? 1 pip bằng bao nhiêu USD?
Ví dụ: báo giá trên cặp EUR/USD ở thời điểm hiện tại là Bid: 1.23456, Ask: 1.23458, chênh lệch spread là 0.2 pips.
Một pip trên khối lượng 1 lot tiêu chuẩn của cặp EUR/USD có giá trị 10$. Nếu trader đặt lệnh Buy 1 lot trên cặp này ở thời điểm hiện tại thì chi phí spread phải trả cho sàn là 2$.
Trong 3 loại sàn forex thì MM broker là sàn có spread cố định nên chi phí spread thường là cao nhất, tiếp theo là sàn STP và sàn ECN có chi phí spread thấp nhất. Các sàn ECN uy tín thường có spread rất thấp trên các cặp tiền chính, chỉ từ 0.1 pips trên cặp EUR/USD.
Phí hoa hồng commission
Phí này được tính cho một lần mở và đóng lệnh của trader. Các sàn forex thường báo phí hoa hồng theo nhiều cách thức khác nhau như x$/lot, x%/giá trị giao dịch hoặc x$/1 triệu $ giao dịch. Khi broker báo giá như thế, các bạn phải ngầm hiểu rằng giá trị x được áp dụng cho cả 2 chiều mở và đóng lệnh.
Ví dụ: sàn forex tính phí commission trên các cặp tiền chính là 7$/lot, thì đây là phí trên 2 chiều, nếu 1 chiều đóng hoặc mở thì là 3,5$/lot. Phí này sẽ bị trừ ngay từ thời điểm lệnh được khớp, là 7$, khi đóng lệnh, bạn sẽ không phải trả phí commission một lần nữa.
Các sàn MM và STP thường áp dụng chính sách miễn phí commission. Sàn ECN thường áp dụng một mức phí khoảng từ 6-7$/lot đối với các cặp tiền.
Ngoài ra, còn có một loại chi phí đặc biệt nữa mà sàn forex thu từ trader, đó là phí qua đêm swap. Phí này được tính dựa trên chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền trong cặp tỷ giá giao dịch. Tuy nhiên, trader chỉ trả phí swap cho sàn trong trường hợp giữ lệnh qua đêm và lãi suất của đồng tiền mua vào thấp hơn lãi suất của đồng tiền bán ra. Ngược lại, phần chênh lệch lãi suất sẽ được cộng vào tài khoản của trader.
Riêng đối với các sàn MM – nhà tạo lập thị trường hay nhà cái, thì thu nhập của họ cũng còn là những khoản thua lỗ của trader vì trader đang giao dịch trực tiếp với sàn.
Kết luận
Cho đến thời điểm hiện tại thì hầu như tất cả trader đều tìm đến các ECN broker để mở tài khoản giao dịch, vì tính thanh khoản cao nên tốc độ khớp lệnh nhanh chóng và chi phí giao dịch cũng rất thấp. Với vai trò cực kỳ quan trọng trên thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của trader nên các bạn phải thật sự sáng suốt và kỹ lưỡng trong việc lựa chọn broker để mở tài khoản giao dịch forex.
Tham khảo: Top sàn forex uy tín nhất Việt Nam
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.