Trên đồ thị giá thường xuyên xuất hiện những khoảng trống giữa 2 cây nến liên tiếp, thì hiện tượng đó chính là GAP. Mặc dù ít được quan tâm, chú ý nhưng GAP cũng là yếu tố cấu thành nên một số mô hình nến đảo chiều mạnh mẽ. Hiện tượng lấp GAP còn mang lại cơ hội giao dịch tiềm năng cho các trader.
Vậy GAP là gì? GAP xuất hiện khi nào? Và làm sao để giao dịch với GAP hiệu quả nhất. Cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
GAP là gì?
Bình thường, 2 phiên giao dịch liên tiếp sẽ nối tiếp bước giá của nhau, nghĩa là giá đóng cửa của phiên trước sẽ trở thành giá mở cửa của phiên sau, trên bất kỳ khung thời gian nào. Nhưng khi giá mở cửa của phiên sau tăng hoặc giảm nhiều bước so với giá đóng cửa của phiên trước, tạo ra khoảng trống lớn trên đồ thị giá thì đó chính là GAP.
Hay GAP chính là khoảng trống giá giữa 2 phiên giao dịch liên tiếp.
Nếu giá mở cửa của phiên sau nhảy vọt lên trên so với giá đóng cửa của phiên trước thì ta gọi đó là GAP Up (GAP Tăng giá), ngược lại, nếu giá nhảy vọt xuống dưới thì đó là GAP Down (GAP Giảm giá).
Ví dụ về GAP Up và GAP Down trên thị trường forex.
Trong chứng khoán, GAP xuất hiện thường xuyên hơn do tính thanh khoản kém hơn so với thị trường ngoại hối.
Tại sao xuất hiện GAP trong forex?
Mặc dù forex là thị trường có quy mô giao dịch siêu khổng lồ, tính thanh khoản cao nhưng GAP vẫn xuất hiện. Trong đó, có 3 nguyên nhân chủ yếu tạo ra GAP trên thị trường này. Cụ thể:
Thứ nhất, GAP hàng tuần. Thị trường forex chỉ hoạt động 24/5, tức là thị trường sẽ nghỉ ngơi vào 2 ngày cuối tuần và chỉ bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày thứ Hai. Trong khoảng thời gian không hoạt động đó, có thể xảy ra những sự kiện lớn như thảm họa, khủng bố, các cuộc bầu cử hay bài phát biểu của các nhà lãnh đạo chính trị…. Tất cả sự kiện đó đều có thể khiến các nhà đầu tư/nhà giao dịch định giá lại tài sản một cách đột ngột. Trong khi đó, lại có hàng loạt các đơn đặt hàng đang chờ xử lý (lệnh chờ vào cuối tuần); do thiếu cung/cầu nên khi mở cửa thị trường, chúng được kích hoạt ở mức giá mở cửa cao hoặc thấp hơn so với mức giá hợp lý đã định sẵn ở tuần trước. Tất nhiên, GAP cũng xuất hiện trên những khung thời gian nhỏ hơn, tuy nhiên, nó thường không liên quan đến tin tức.
Thứ hai, khi trên thị trường xuất hiện một sự kiện, tin tức cực kỳ mạnh mẽ, ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến thị trường, lúc này, các ông lớn như ngân hàng, quỹ đầu tư đua nhau mua mua số lượng lớn hoặc bán tháo tài sản dẫn đến giá biến động bất ngờ, tạo GAP tăng hoặc giảm giá.
Thứ ba, vào các dịp lễ lớn như Năm mới, giáng sinh, thị trường cũng hoạt động ít sôi nổi hơn, tính thanh khoản giảm dần, thiếu sự liên tục nên GAP cũng thường xuất hiện vào những thời điểm như thế này.
Thông thường, các trader phân tích kỹ thuật sẽ không quan tâm đến nguyên nhân tại sao GAP xuất hiện, mà họ sẽ tập trung vào vị trí mà nó xuất hiện, điều kiện thị trường lúc đó như thế nào để đánh giá mức độ ảnh hưởng của GAP đến xu hướng giá. Từ đó, ra quyết định giao dịch với GAP.
Đặc điểm của khoảng trống giá GAP
GAP thường xuất hiện tại các vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh, khi lực cung/cầu tại kháng cự, hỗ trợ tăng lên bất ngờ, giá sẽ breakout các ngưỡng này một cách mạnh mẽ và tạo GAP.
GAP cũng xuất hiện thường xuyên trong các mô hình nến và lấp đầy sau đó để mô hình hoàn thành. Trong các mô hình có GAP, khoảng trống giá càng lớn thì xác suất mô hình xảy ra đúng sẽ càng cao hơn.
Có nhiều loại GAP khác nhau, và khi chúng xuất hiện sẽ phản ánh sự khởi đầu của một xu hướng mới hoặc sự đảo chiều của xu hướng hiện tại.
Lấp GAP trong forex là gì?
GAP được tạo ra khi giá mở cửa của phiên sau tạo khoảng trống với giá đóng cửa của phiên trước. Khi khoảng trống đó được lấp đầy, tức giá quay trở lại bằng hoặc gần bằng với mức giá trước khi tạo GAP (giá đóng cửa của phiên giao dịch trước khi GAP xuất hiện) thì đó chính là hiện tượng lấp GAP.
Khi giá quay trở lại bằng hoặc vượt mức giá ban đầu thì ta nói GAP bị lấp đầy, ngược lại, giá chỉ quay trở lại một mức nhất định thì ta nói GAP bị lấp một phần.
Cũng giống như hiện tượng quá mua, quá bán được xác định bằng indicators, quá mua, quá bán xuất hiện khi lực cung, cầu đang tăng quá mức dẫn đến mất cân đối và ngay sau đó sẽ là một đợt điều chỉnh của thị trường. Thì GAP cũng vậy, GAP hình thành do sự tăng vọt bất thường trong sức mua (GAP Up) hoặc sức bán (GAP Down) và khả năng điều chỉnh trở lại mức giá trước đó là rất lớn.
Trong thực tế thì lấp GAP có thể xảy ra hoặc không và thời gian để khoảng trống giá bị lấp đầy cũng sẽ dài ngắn khác nhau. Có GAP bị lấp ngay sau phiên giao dịch tiếp theo, cũng có GAP bị lấp sau một vài phiên, thậm chí là rất lâu sau đó.
Cũng không có một quy luật hay dấu hiệu nào hoàn toàn chính xác 100% cho biết là GAP chắc chắn sẽ bị lấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng ta có thể dự đoán về khả năng GAP bị lấp với xác suất xảy ra cao hơn.
- Thứ nhất, GAP xuất hiện tại các vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh. Như đã nói, khi cung hoặc cầu tăng đột biến tại những vùng cản này, giá sẽ tạo GAP và breakout khỏi vùng giá đó để hình thành một xu hướng mới. Tuy nhiên, việc GAP xuất hiện tại vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh thường kèm theo những đợt giá quay trở lại retest các ngưỡng này trước khi chính thức đi theo hướng breakout. Và cũng chính đợt retest đó dẫn đến khoảng trống giá GAP tại hỗ trợ, kháng cự bị lấp đầy hoặc lấp một phần.
- Thứ hai, khi GAP xuất hiện trong các mô hình nến, mô hình giá thì khả năng cao là GAP sẽ bị lấp để mô hình được hoàn thành.
GAP xuất hiện 2 lần trong mô hình nến đảo chiều tăng Bullish Abandoned Baby. Trong trường hợp này thì GAP Down được xem như là đã bị lấp đầy hoàn toàn bởi GAP Up để hoàn thành mô hình.
Các loại GAP trong giao dịch forex
Mặc dù cũng đều là khoảng trống giá, nhưng phụ thuộc vào vị trí mà GAP xuất hiện cũng như đặc điểm của xu hướng thị trường hiện tại mà GAP được phân loại thành nhiều dạng khác nhau.
Trong phân tích kỹ thuật, người ta chia GAP thành 5 loại:
Common GAP – GAP Phổ thông
GAP phổ thông thường xuất hiện trong một thị trường đi ngang, khi giá giao động bên trong một phạm vi hẹp. Loại GAP này có khoảng trống giá nhỏ, không đáng kể, chỉ mang tính chất tạm thời nên thường sẽ bị lấp đầy ngay sau đó. Là GAP nhưng Common GAP lại xuất hiện ngay cả khi thị trường không hề có những biến động gì bất thường. Loại GAP này không cung cấp tín hiệu giao dịch nào hoặc tín hiệu yếu. Do đó, trader thường không quan tâm đến GAP phổ thông khi nó xuất hiện.
Breakaway GAP – GAP Phá vỡ
GAP phá vỡ thường xuất hiện khi thị trường có một sự kiện, tin tức quan trọng và bất ngờ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của phần lớn nhà đầu tư, nhà giao dịch, dẫn đến hành vi của họ đi theo xu hướng mới. Trước khi Breakaway GAP xuất hiện, thị trường đang đi ngang hoặc trong xu hướng tăng, sau đó đột ngột giảm xuống mạnh mẽ tạo Breakaway GAP Down, ngược lại, thị trường đang đi ngang hoặc trong xu hướng giảm, sau đó đột ngột tăng lên mạnh mẽ tạo Breakaway GAP Up.
Nếu GAP Phá vỡ xuất hiện tại hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh thì khả năng GAP sẽ bị lấp đầy hoặc lấp một phần khi giá quay trở lại retest hỗ trợ, kháng cự trước khi chính thức đi theo hướng breakout. Ngược lại, nếu giá không retest, lấp GAP sẽ không xảy ra.
Đối với Breakaway GAP, nếu xuất hiện tại hỗ trợ, kháng cự và có sự xác nhận của khối lượng thì khả năng cao là giá đã breakout thành công.
Runaway GAP hay Continuation GAP – GAP Tiếp diễn
GAP tiếp diễn xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc giảm và sau khi GAP này xuất hiện, thị trường tiếp tục xu hướng ban đầu. Do đó, trường hợp là GAP tiếp diễn thì sẽ không bị lấp GAP.
GAP này xuất hiện thường xuyên với tần suất lớn khi xu hướng hiện tại đã được hình thành rõ rệt từ trước, cho thấy kỳ vọng ngày càng lớn của các nhà giao dịch với xu hướng này. Runaway GAP xuất hiện trong xu hướng tăng là một GAP Up, ngược lại, Runaway GAP xuất hiện trong xu hướng giảm là một GAP Down.
Về ý nghĩa, GAP Tiếp diễn cho biết tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư, nhà giao dịch trên thị trường. Điều này được hình dung rõ ràng hơn trên thị trường chứng khoán. Đối với xu hướng đang tăng, những người đang nắm giữ cổ phiếu đang có lợi nhuận, mặt khác, số còn lại bên ngoài thị trường trở nên phấn khích hơn, không thể chờ đợi thêm để mua vào vì họ cũng đang kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Khi sự phấn khích là cực độ, sức mua tăng đột biến và thị trường xuất hiện GAP Up. Ngược lại, đối với xu hướng giảm, những người đang nắm giữ cổ phiếu cảm thấy lo sợ vì giá cổ phiếu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Khi giá tiếp tục giảm, họ bắt đầu trở nên mất kiên nhẫn dẫn đến hàng loạt các đợt bán tống bán tháo. Sức bán tăng đột biến này là nguyên dẫn tạo GAP Down trên thị trường.
Exhaustion GAP – GAP Kiệt sức
GAP Kiệt sức xuất hiện vào gần cuối một xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm và báo hiệu xu hướng đó sắp kết thúc. Khi GAP Kiệt sức xuất hiện trong xu hướng tăng, nó là GAP Up, sau GAP, giá tiếp tục hình thành vài phiên giao dịch đóng cửa cao hơn nữa để tạo đỉnh của xu hướng tăng. Còn khi GAP Kiệt sức xuất hiện trong xu hướng giảm thì nó sẽ là GAP Down, sau GAP này, giá tiếp tục giảm xuống thêm vài phiên nữa để tạo đáy.
Mặc dù báo hiệu về khả năng sắp kết thúc của xu hướng nhưng điều này không có nghĩa là thị trường sẽ đảo chiều ngay sau đó. Vì vậy, đối với Exhaustion GAP, lấp GAP có thể xảy ra hoặc không.
Island Reversal GAP – GAP Hòn đảo ngược
Đây là loại GAP đặc biệt và cũng hiếm khi xuất hiện trên thị trường. GAP Hòn đảo ngược xuất hiện khi thị trường đang trong xu hướng tăng, sau khi tạo GAP Up, giá tiếp tục tăng nhưng lập tức chuyển sang đi ngang và sau đó thì tạo GAP Down và giảm xuống.
Khi GAP Up được hình thành, các trader dốc sức mua vào khiến cho giá được tăng thêm vài bước. Trader cũng thường quyết định đu đỉnh nhưng lại bị kẹt trong xu hướng đi ngang một thời gian khá lâu. Sau khi giá giảm xuống một mức độ nhất định thì lúc này, trader mới tự tin bán ra khiến cho giá tiếp tục giảm sâu.
Trên thực tế thì các bạn có thể xếp dạng này vào một loại GAP hoặc giao dịch với nó như một Chart patterns và các trader thường gọi nó là Island Reversal pattern.
Cách giao dịch hiệu quả nhất với GAP
Trong tất cả 5 loại GAP đã giới thiệu ở phần trên thì Breakaway GAP và Runaway GAP là loại 2 loại GAP có độ chính xác cao nhất và đa số trader sẽ tận dụng 2 loại GAP này để giao dịch.
Chiến lược giao dịch với Breakaway GAP
Đối với Breakaway GAP, thông thường, trader sẽ quyết định giao dịch khi GAP này xuất hiện tại hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh và đợt retest GAP có xảy ra.
Cách giao dịch cụ thể như sau:
Khi GAP Up xuất hiện tại kháng cự, chờ giá quay trở về retest GAP (hay retest kháng cự) và vào lệnh Buy khi giá bắt đầu tăng trở lại, đặt stop loss ngay phía dưới mức giá thấp nhất của GAP.
Khi GAP Down xuất hiện tại hỗ trợ, chờ giá quay trở về retest GAP (hay retest hỗ trợ) và vào lệnh Sell khi giá bắt đầu giảm xuống lại, đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của GAP.
Ví dụ:
Chiến lược giao dịch với Runaway GAP
Mặc dù khả năng mà thị trường sẽ tiếp diễn xu hướng sau khi Runaway GAP xuất hiện cao nhưng đối với giao dịch GAP, trader cần kết hợp thêm tín hiệu từ các công cụ khác, cụ thể, ở đây, indicators là công cụ được sử dụng phổ biến nhất.
Ví dụ: kết hợp Runaway GAP với đường trung bình trượt MA
Cách giao dịch cụ thể như sau:
Khi giá đang trong xu hướng tăng (phần lớn các mức giá đều nằm trên MA), nếu xuất hiện GAP Up và GAP này cũng nằm trên MA thì khả năng cao là giá sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Vào lệnh Buy khi GAP hoàn thành hoặc sau khi cây nến xác nhận theo ngay sau đó đóng cửa.
Khi giá đang trong xu hướng giảm (phần lớn các mức giá đều nằm dưới MA), nếu xuất hiện GAP Down và GAP này cũng nằm dưới MA thì khả năng cao là giá sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Vào lệnh Sell khi GAP hoàn thành hoặc sau khi cây nến xác nhận theo ngay sau đó đóng cửa.
Chiến lược giao dịch với GAP trong các mô hình nến hoặc các mô hình giá
Đối với mô hình nến
GAP thường xuất hiện trong một số mô hình nến đảo chiều như Bullish/Bearish Engulfing, Bullish/Bearish Abandoned Baby. Cách giao dịch với GAP trong trường hợp này cũng chính là cách mà các bạn giao dịch với từng mô hình nến riêng biệt.
Đối với mô hình giá
Tương tự với mô hình nến, cách tốt nhất để giao dịch GAP trong mô hình giá chính là chờ đợi GAP bị lấp để mô hình được hoàn thành và vào lệnh. Nếu trường hợp GAP xuất hiện cũng là lúc giá breakout hỗ trợ, kháng cự của mô hình thì chúng ta có thể áp dụng chiến lược giao dịch với Breakaway như ở trên.
Ngoài ra, một số trader còn giao dịch với hiện tượng lấp GAP, họ sẽ vào lệnh ngược lại với GAP với kỳ vọng GAP sẽ bị lấp và mang về lợi nhuận.
Cụ thể:
- Nếu là GAP Up, trader sẽ đặt lệnh Sell
- Nếu là GAP Down, trader sẽ đặt lệnh Buy
Giao dịch sẽ kết thúc khi GAP bị lấp hoàn toàn.
Tuy nhiên, chiến lược này chỉ hiệu quả khi thị trường tạo GAP lớn. Ngược lại, chiến lược này có độ rủi ro cao hơn vì không phải lúc nào GAP cũng bị lấp hoàn toàn và thời gian lấp GAP có thể kéo dài, không tốt cho tài khoản của trader.
Kết luận
Hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đã có thể hình dung được hiện tượng GAP trên thị trường forex. Trên thực tế, rất ít trader hứng thú với GAP, ngoại trừ họ là những nhà giao dịch cực kỳ chuyên nghiệp. Các chiến lược giao dịch với GAP của họ phức tạp hơn rất nhiều với những gì mà chúng tôi đã gợi ý ở trên. Do đó, nếu muốn thử nghiệm các chiến lược giao dịch với GAP, các bạn có thể thực hiện chúng trên tài khoản Demo trước, kết hợp thêm nhiều tín hiệu xác nhận hơn để giao dịch đạt hiệu quả cao nhất trước khi chính thức áp dụng trên tài khoản live.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.