Trang chủGiao dịch forex có hợp pháp không?

Giao dịch forex có hợp pháp không?

Admin

Đây có lẽ là thắc mắc lớn nhất của tất cả những nhà đầu tư mới khi bắt đầu tìm hiểu về loại hình giao dịch “hái ra tiền” này. Dễ hiểu thôi, khi mà cũng đều là những hình thức đầu tư tài chính nhưng đầu tư chứng khoán lại được các tầng lớp dân cư biết đến rộng rãi hơn nhờ các kênh truyền thông chính thống của quốc gia, người dân tham gia giao dịch chứng khoán cũng sẽ an tâm hơn phần nào vì thị trường chứng khoán và kênh đầu tư này được pháp luật Việt Nam quy định, công nhận và bảo hộ. 

Trong khi đó, giao dịch forex lại ít phổ biến hơn, không phải ai cũng biết đến nhưng một khi được nhắc đến trên thời sự hay báo chí thì lại chủ yếu là các tin tức về lừa đảo. Điều này khiến không ít những nhà đầu tư còn e dè, phân vân giữa lợi nhuận hấp dẫn và tính pháp lý của kênh đầu tư này.

Vậy thì, giao dịch forex có hợp pháp không? Thị trường forex có lừa đảo không?

Thị trường forex Việt Nam ở thời điểm hiện tại như thế nào?

Forex hay ngoại hối là thị trường tiền tệ quốc tế, hoạt động giao dịch, trao đổi ngoại hối diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên toàn thế giới và tất nhiên, tại Việt Nam, thị trường forex vẫn hoạt động, vẫn đang diễn ra các nghiệp vụ mua-bán ngoại tệ nhưng các bạn sẽ không thể nhìn thấy chúng như trên thị trường vàng, người người mua bán hay tại các sàn giao dịch chứng khoán. Bởi vì các hoạt động giao dịch forex đều được thực hiện trực tuyến, thông qua mạng lưới internet toàn cầu.

Tham khảo: Thị trường forex là gì? Quy mô và tính thanh khoản của thị trường.

Hoạt động giao dịch forex tại Việt Nam

Ở thời điểm hiện tại, thị trường forex Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ sau hơn một thập kỷ gia nhập, làm quen và thích ứng với các trader Việt. Hiệu ứng forex được nhiều người biết đến hơn, thu hút nhiều tầng lớp nhà đầu tư tham gia hơn, các loại hình kinh doanh khác liên quan đến forex cũng xuất hiện nhiều hơn, nhiều điểm tích cực nhưng cũng không kém phần tiêu cực.

Các bạn có thể hình dung những hoạt động giao dịch forex đang diễn ra tại thị trường Việt Nam như sau:

  • Ngân hàng nhà nước Việt Nam tham gia mua bán ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá hối đoái.
  • Các ngân hàng thương mại mua, bán ngoại tệ thông qua thị trường liên ngân hàng, một phần để phục vụ nhu cầu ngoại tệ của khách hàng, mặt khác kinh doanh ngoại hối để sinh lợi.
  • Các ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ… giao dịch forex chủ yếu để tìm kiếm lợi nhuận trên chênh lệch giá và phục vụ cho các nghiệp vụ chứng khoán quốc tế.
  • Nhà đầu tư cá nhân giao dịch forex để kiếm tiền từ chênh lệch tỷ giá.

Tất cả đều diễn ra thông qua mạng lưới internet toàn cầu, không có sàn giao dịch tập trung như thị trường chứng khoán.

Số lượng các broker, trader trên thị trường forex Việt

Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn thế giới có hàng trăm forex broker đang hoạt động, trong đó có khoảng 200 broker cho phép trader Việt mở tài khoản giao dịch. Tất cả những broker này đều có trụ sở tại nước ngoài, trong đó, chỉ khoảng hơn 10 broker có văn phòng tại Việt Nam.

Trong số hơn 200 broker đó thì số lượng các broker uy tín và cung cấp dịch vụ chất lượng tốt mà những trader Việt có thể an tâm mở tài khoản giao dịch thì chỉ khoảng từ 10 broker trở lại.

Đối với số lượng các trader Việt thì đã có hơn 100,000 tài khoản đang giao dịch forex, trong khi trên toàn thế giới là khoảng 13.9 triệu trader đang giao dịch (theo thống kê của The Modern Trader study and research papers, 2021).

Đây không phải là những con số nhỏ với một thị trường mới như Việt Nam và con số này đang ngày càng tăng lên nhanh chóng, điều này đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn của forex đối với người dân Việt.

Các mặt tích cực, tiêu cực của hoạt động giao dịch forex tại Việt Nam

Về mặt tích cực, có thể nói, thị trường forex gia nhập vào Việt Nam tạo ra một trào lưu đầu tư mới vô cùng hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư xem giao dịch forex như một ngành nghề thực sự và mang lại cho họ nguồn thu nhập cao, thậm chí tự do tài chính, nhưng đó chỉ là số rất ít. Cũng có nhiều người “chơi forex” như một nghề tay trái, chỉ mong kiếm thêm thu nhập để trang trải phần nào chi phí.

Thị trường forex tại Việt Nam ngày càng phát triển, tạo cơ hội để các coder, các designer, những người làm affiliate marketing kiếm tiền nhờ hợp tác với các broker hay các IB forex. Hàng chục diễn đàn forex uy tín xuất hiện, tạo điều kiện cho những trader mới được tiếp cận kênh đầu tư này một cách dễ dàng hơn.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên thì thị trường forex tại Việt Nam vẫn tồn tại khá nhiều những mặt tiêu cực. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trader mới, các sàn forex dỏm, những tổ chức ủy thác đầu tư, các IB “không có tâm” quảng cáo forex theo hướng khuếch đại lợi nhuận, giấu diếm rủi ro, thậm chí cam kết sẽ mang về lợi nhuận cao gấp trăm lần lãi suất ngân hàng khiến rất nhiều người mất tiền do nhẹ dạ cả tin. Họ sử dụng hình thức quảng cáo trên các trang mạng xã hội hay tổ chức các buổi hội thảo nhằm kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, nạp tiền, sau khi gom đủ tiền thì mất hút, nhà đầu tư thì mất trắng.

Tính đến thời điểm hiện tại thì đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo như thế xảy ra, có thể điểm danh một vài trong số đó như vụ của Liber Forex, Wefinex… hay gần đây nhất là một nhóm các website forex lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 triệu USD như Rforex, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss do chính người Việt Nam lừa đảo trader Việt.

Pháp luật Việt Nam có bảo hộ cho hình thức giao dịch forex và trader Việt?

Nếu hoạt động đầu tư chứng khoán tại Việt Nam được pháp luật quy định thông qua Luật chứng khoán thì hoạt động giao dịch ngoại hối cũng được pháp luật Việt Nam quy định, thông qua các văn bản sau:

  • Pháp lệnh ngoại hối
  • Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định này thay thế Nghị định 96/2014 và có hiệu lực từ ngày 31/12/2019).
  • Luật Các tổ chức tín dụng.
  • Thông tư số 20/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.

Thứ nhất, theo Điều 2. Thông tư 20/2011/TT-NHNN: quy định về đối tượng được mua bán, trao đổi ngoại tệ, như sau:

1. Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau:

a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;

b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

2. Đối với các mục đích hợp pháp khác quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có thể mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng.

3. Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

4. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

Vậy thì, hình thức đầu tư forex trực tuyến như hiện tại không thuộc quy định của pháp luật, hay nói cách khác, các forex trader không thuộc đối tượng được mua bán, trao đổi ngoại tệ được pháp luật bảo hộ.

Thứ hai, theo Điều 36 Pháp lệnh ngoại hối về Nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối thì chỉ có Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản mới được quyền kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối, nghĩa là các sàn forex của Việt Nam, hay các sàn forex của nước ngoài đều không được Pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ.

Kết luận: Giao dịch forex có hợp pháp không?

Theo như các văn bản quy định về việc kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam nói trên thị giao dịch forex tại Việt Nam được xem là hành vi trái pháp luật. Do đó, các sàn forex được thành lập tại Việt Nam, bởi công dân Việt Nam là các sàn forex hoạt động chui, không được sự cho phép của Ngân hàng nhà nước và không được công nhận bởi luật pháp. Các trader Việt tham gia giao dịch forex là trái quy định và không được luật pháp Việt Nam bảo hộ.

Vậy thì, tại sao hiện tại vẫn có đến hơn 100 nghìn người giao dịch forex mỗi ngày?

Hầu hết các trader Việt hiện nay đều đang giao dịch tại các sàn forex của nước ngoài. Là các broker được pháp luật của những quốc gia đó công nhận, được các cơ quan quản lý tài chính uy tín quy định và kiểm soát hoạt động môi giới. Họ gia nhập vào thị trường Việt Nam bằng cách cho phép các trader Việt mở tài khoản và thực hiện các giao dịch mua bán thông qua mạng lưới internet, chỉ có một số ít mở văn phòng tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trader Việt. Chính vì vậy, mặc dù không được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ nhưng nếu các bạn giao dịch forex tại một broker uy tín, các bạn sẽ được luật pháp và các cơ quan quản lý tại quốc gia của broker đó bảo hộ cho bạn trong trường hợp xảy ra tranh chấp với broker.

Tóm lại, giao dịch forex tại Việt Nam không được pháp luật công nhận và bảo hộ, cho nên để ra quyết định có nên giao dịch forex hay không, các bạn cần cân nhắc giữa tính pháp lý và lợi nhuận hấp dẫn mà forex mang lại. Bên cạnh đó, bạn phải là người ưa thích sự mạo hiểm, forex không dành cho những ai muốn an toàn. Và nếu đã quyết định sẽ tham gia vào thị trường này, các bạn nên lựa chọn một broker uy tín và chất lượng để giao dịch.

Hy vọng rằng, với những thông tin mà quocdunginvest.com chia sẻ trong bài viết này, các bạn đã có thể trả lời được thắc mắc giao dịch forex có hợp pháp không, xem xét mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân, cân nhắc với tính rủi ro của forex và cơ hội mang lại lợi nhuận hấp dẫn của nó, từ đó ra quyết định một cách sáng suốt nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Giao dịch forex có hợp pháp không?
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan