- Lịch kinh tế là gì?
- Cách đọc Lịch kinh tế trong giao dịch forex
- Lịch kinh tế cung cấp những thông tin gì?
- Sử dụng Lịch kinh tế trong giao dịch như thế nào?
- Các sự kiện, tin tức quan trọng được công bố trên Lịch kinh tế
- Lịch kinh tế có ý nghĩa như thế nào đối với trader?
- Trader mới nên sử dụng Lịch kinh tế như thế nào?
- Kết luận
Đã là một forex trader thì không thể không biết đến Lịch kinh tế, đặc biệt là các trader theo trường phái phân tích cơ bản. Nếu phân tích kỹ thuật bao gồm nhiều công cụ khác nhau như chỉ báo kỹ thuật, mô hình nến, mô hình giá… thì Lịch kinh tế được xem là công cụ chủ yếu của trader phân tích cơ bản, chỉ với Lịch kinh tế, trader có thể cập nhật được tất cả các tin tức, sự kiện kinh tế, tài chính quan trọng và còn nhiều hơn thế nữa.
Vậy, Lịch kinh tế là gì? Làm sao để sử dụng Lịch kinh tế một cách hiệu quả nhất? Hãy cùng quocdunginvest.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
Lịch kinh tế là gì?
Lịch kinh tế (Economic Calendar) là một lịch trình công bố thời gian và nội dung của các sự kiện, tin tức kinh tế, tài chính quan trọng, tác động đến giá cả trên thị trường ngoại hối mà các trader sử dụng nó để thiết lập hoặc điều chỉnh kế hoạch giao dịch, phân bổ danh mục đầu tư và quan trọng hơn hết là có thể dự đoán được xu hướng biến động của thị trường dưới tác động của các tin tức, sự kiện đó.
Nếu trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư phân tích cơ bản phải phân tích các yếu tố liên quan đến doanh nghiệp, ngành nghề dựa vào nhiều nguồn dữ liệu khác nhau như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của doanh nghiệp hay phân tích, báo cáo ngành… và nhiều nguồn thông tin khác nhau liên quan đến cổ phiếu mà họ đang muốn đầu tư hoặc đang sở hữu thì đối với trader phân tích cơ bản trên thị trường forex, chỉ với Lịch kinh tế, các bạn đã có thể theo dõi được tất cả các tin tức, sự kiện quan trọng liên quan đến các yếu tố, chỉ số kinh tế, tài chính tác động trực tiếp đến tỷ giá.
Hiện tại, trader có thể sử dụng Lịch kinh tế tại nhiều nguồn khác nhau như trên các website về forex, tại các sàn forex có cung cấp Lịch kinh tế, trên các phần mềm giao dịch như MT5, cTrader, xStation…
Tuy nhiên, mỗi một nguồn, Lịch kinh tế sẽ có một giao diện khác nhau, thậm chí các tính năng của công cụ này cũng sẽ khác nhau, chính vì vậy, các bạn nên lựa chọn Lịch kinh tế cung cấp đầy đủ các tính năng lọc dữ liệu, thể hiện thông tin rõ ràng để dễ dàng trong quá trình cập nhật và phân tích các sự kiện, tin tức được công bố.
Cách đọc Lịch kinh tế trong giao dịch forex
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng Lịch kinh tế tại investing.com để hướng dẫn cho các bạn cách đọc công cụ phân tích này. Investing.com hiện tại đang là một nền tảng web rất nổi tiếng về forex, các bạn có thể tìm kiếm được rất nhiều thứ liên quan đến giao dịch forex, về các chiến lược giao dịch…. và nhiều hơn thế nữa. Investing rất được ưa chuộng bởi hầu hết các nhà giao dịch forex và tiền điện tử. Lịch kinh tế trên website này cũng được cung cấp đầy đủ các tính năng nhất, tiện lợi và dễ sử dụng.
- Giao diện của Lịch kinh tế
(1): lựa chọn thời gian xem Lịch kinh tế
(2): tính năng lọc sự kiện, tin tức
(3): cài đặt múi giờ xem tin
(4): khu vực chính của Lịch kinh tế
- Lựa chọn thời gian xem Lịch kinh tế
Các bạn có thể lựa chọn xem các sự kiện, tin tức theo các mốc thời gian được gợi ý sẵn (như trên hình)
- Yesterday: xem các sự kiện, tin tức đã xảy ra vào ngày hôm qua
- Today: xem các sự kiện, tin tức sẽ xảy ra vào hôm nay
- Tomorrow: xem các sự kiện, tin tức sẽ xảy ra vào ngày mai
- This week: xem các sự kiện, tin tức đã xảy ra trong tuần này
- Next week: xem các sự kiện, tin tức sẽ xảy ra vào tuần tới
Nếu muốn xem danh sách các sự kiện, tin tức theo khoảng thời gian tùy chỉnh, các bạn có thể bấm vào biểu tượng Calendar.
Tại đây, các bạn nhập vào ngày tháng năm bắt đầu và kết thúc của khoảng thời gian muốn xem tin, sau đó bấm nút Apply để hoàn tất. Lịch kinh tế sẽ hiển thị tất cả các sự kiện, tin tức diễn ra trong khoảng thời gian này.
- Sử dụng tính năng Lọc dữ liệu (Filters)
Lịch kinh tế công bố rất nhiều loại sự kiện, tin tức kinh tế, tài chính khác nhau của rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, sẽ có những sự kiện, tin tức quan trọng, tác động mạnh đến giá cả và cũng sẽ có những sự kiện, tin tức dường như không tác động đến thị trường forex; có sự kiện, tin tức của quốc gia lớn, có tầm ảnh hưởng đến thị trường, nhưng cũng có sự kiện, tin tức của quốc gia nhỏ, không ảnh hưởng gì nhiều đến tỷ giá trên thị trường… Chính vì vậy, sử dụng tính năng Lọc dữ liệu sẽ giúp trader lựa chọn được nhóm các tin tức, sự kiện hoặc các quốc gia theo ý muốn của mình, giúp cho khu vực chính của Lịch kinh tế được gọn gàng hơn, việc phân tích tin tức, sự kiện sẽ dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
Để sử dụng tính năng Lọc dữ liệu, các bạn bấm vào biểu tượng Filters.
Để hiển thị cụ thể một sự kiện, tin tức nào đó, các bạn có thể nhập trực tiếp tên sự kiện vào ô Search.
- Lọc dữ liệu theo quốc gia: muốn xem tin tức, sự kiện của quốc gia nào, các bạn chỉ cần tick chọn vào tên quốc gia đó là được.
- Lọc dữ liệu theo loại tin tức: các bạn có thể lựa chọn xem tin tức, sự kiện theo nội dung cụ thể: ví dụ như xem các tin tức, sự kiện, công bố liên quan đến việc làm thì chọn Employment, muốn xem lạm phát thì chọn Inflation, xem các bài phát biểu, chính sách của Ngân hàng Trung ương thì chọn Central Bank…
- Lọc dữ liệu theo tầm quan trọng của sự kiện, tin tức: các sự kiện, tin tức trong Lịch kinh tế được phân loại theo mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng của nó đến tỷ giá và được đánh dấu bằng số sao (*), nếu tin tức, sự kiện có tầm quan trọng cao và mức độ ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá thì được đánh dấu 3 sao, tầm ảnh hưởng trung bình là 2 sao và tầm ảnh hưởng thấp là 1 sao.
Lựa chọn các cài đặt lọc dữ liệu xong thì bấm nút Apply, hoặc nếu muốn khôi phục các cài đặt gốc thì bấm Restore Default Settings.
- Cài đặt múi giờ
Tùy thuộc vào mỗi website, nền tảng mà múi giờ mặc định của Lịch kinh tế sẽ khác nhau. Tại investing.com, múi giờ mặc định là GMT -4:00. Để tiện theo dõi thời gian công cố các sự kiện, tin tức sắp tới, các bạn nên chuyển về múi giờ địa phương. Cụ thể, tại Việt Nam, các bạn sẽ chọn múi giờ GMT +7:00.
Bấm vào biểu tượng đồng hồ, sau đó chọn múi giờ GMT +7:00, như hình trên.
Lịch kinh tế cung cấp những thông tin gì?
Cùng xem lại khu vực chính của Lịch kinh tế
- Time: thời gian công bố tin tức, sự kiện
- Cur.: tiền tệ của quốc gia công bố tin tức, sự kiện
- Imp.: Tầm quan trọng của tin tức, sự kiện
- Event: tên sự kiện, tin tức hoặc chỉ số kinh tế tài chính được công bố
- Actual: giá trị thực được công bố
- Forecast: giá trị dự báo
- Previous: giá trị của kỳ trước
Đối với các tin tức, sự kiện liên quan đến việc công bố các chỉ số kinh tế như GDP, lạm phát, lãi suất… thì sẽ có đầy đủ các giá trị thực, giá trị dự báo và giá trị của kỳ trước hoặc ít nhất là giá trị của kỳ trước và giá trị thực được công bố. Còn đối với các loại tin tức, sự kiện như các bài phát biểu của thành viên Ngân hàng Trung ương, bản tóm tắt cuộc họp của các NHTW… thì sẽ không có các giá trị đó. Ngoài ra, đối với các bài phát biểu của thành viên NHTW các quốc gia, các bạn có thể nghe tại những cổng thông tin chính thống khác, trong đó, Bloomberg là một trong những cổng thông tin tin cậy mà các bạn có thể tìm đến.
Đối với các sự kiện, tin tức sắp xảy ra, Lịch kinh tế sẽ công bố trước thời gian (bao gồm giờ, phút) ra tin, giá trị dự báo (nếu có) của các chỉ số, thông số kinh tế, tài chính liên quan và giá trị của kỳ trước. Khi tin tức, sự kiện chính thức được công bố, giá trị thực tế cũng sẽ được công bố luôn. Trader có thể xem trước lịch công bố tại bất kỳ khoảng thời gian nào trong tương lai, vì hầu như thời điểm ra tin của các sự kiện là cố định.
Còn đối với các sự kiện, tin tức đã xảy ra trong quá khứ, Lịch kinh tế sẽ thể hiện đầy đủ thông tin, bao gồm cả giá trị thực tế công bố, giá trị dự báo và giá trị của kỳ trước.
Muốn biết thông tin và ý nghĩa của sự kiện, tin tức kinh tế, tài chính, các bạn bấm vào tên sự kiện, tin tức, thông tin sẽ hiển thị ra như bên dưới:
Ví dụ: ý nghĩa và thông tin về chỉ số PMI của Singapore
Nếu gặp trở ngại về ngoại ngữ, các bạn có thể chuyển sang tiếng Việt trên investing.com để dễ dàng hiểu được những thông tin và ý nghĩa của chỉ số và các sự kiện, tin tức.
- Cài đặt cảnh báo để nhắc nhở khi tin tức được công bố
Để không bỏ lỡ các tin tức, sự kiện quan trọng, các bạn có thể đặt cảnh báo trước khi tin tức được phát hành.
Đưa con trỏ đến sự kiện, tin tức cần cài đặt cảnh báo, bấm chọn vào biểu tượng Create Alert (có hình cái chuông).
Chọn tần suất cảnh báo: Once (một lần) hoặc Recurring (định kỳ). Bấm chọn vào ô Send me a reminder, sau đó chọn thời gian cảnh báo trước khi tin được phát hành. Sau cùng, các bạn bấm nút Create.
Lưu ý: các bạn phải đăng ký tài khoản tại investing.com thì mới sử dụng được tính năng này.
Trước khi tin tức được phát hành, thông báo sẽ gửi đến bạn trực tiếp trên website (với điều kiện các bạn phải mở website lên) hoặc/và thông báo trên ứng dụng của investing.com (với điều kiện các bạn phải cài đặt ứng dụng này trên điện thoại)
Sử dụng Lịch kinh tế trong giao dịch như thế nào?
Khi bất kỳ một sự kiện, tin tức về kinh tế, tài chính được công bố, nó sẽ có tác động nhất định đến giá trị tiền tệ của một quốc gia vì các sự kiện, tin tức đó sẽ cho biết kết quả hiện tại của các chỉ số kinh tế quan trọng, mà các chỉ số này lại là tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Nếu các chỉ số biến đổi theo hướng tích cực, nền kinh tế được cho là đang phát triển tốt, giá trị tiền tệ của quốc gia sẽ tăng lên, ngược lại, nếu chỉ số biến đổi theo hướng tiêu cực, nền kinh tế bị suy yếu, đồng tiền giảm giá trị.
Chính vì thế, các trader theo trường phái phân tích cơ bản sử dụng Lịch kinh tế chủ yếu để theo dõi các chỉ số kinh tế quan trọng, từ đó xem xét liệu rằng giá trị của chỉ số đó có tác động đến đồng tiền của quốc gia hay không và tác động theo chiều hướng như thế nào.
Như đã nói, trên Lịch kinh tế, các chỉ số kinh tế quan trọng được thể hiện bởi 3 cột giá trị: khi tin tức chưa được phát hành, giá trị của chỉ số ở kỳ trước và giá trị dự báo sẽ được công bố trước, còn giá trị thực tế sẽ được công bố tại thời điểm phát hành tin tức. Trong 3 giá trị này thì giá trị của kỳ trước không quá quan trọng và ít được các nhà phân tích để ý tới. Thay vào đó, họ sẽ chờ đợi giá trị thực tế được công bố và so sánh với giá trị dự báo, từ đó dự đoán xu hướng biến động giá.
Giá trị dự báo của các chỉ số kinh tế thông thường sẽ là các ước tính trung bình, được các chuyên gia, các nhà phân tích thị trường đề xuất sau khi thực hiện các phân tích nhất định về tình hình nền kinh tế hiện tại và đưa ra dự báo. Nếu giá trị thực tế của chỉ số tốt hơn so với giá trị dự báo thì đồng tiền của quốc gia sẽ tăng giá, ngược lại, nếu giá trị thực tế của chỉ báo xấu hơn so với dự báo thì đồng tiền của quốc gia đó sẽ giảm giá.
Thông thường, các giá trị thực tế cao hơn so với giá trị dự báo (sẽ được thể hiện bằng màu xanh) thì là tốt hơn, ngược lại, giá trị thực tế thấp hơn so với dự báo (màu đỏ) thì là xấu hơn. Ngoại trừ một số trường hợp đặc thù khác như tỷ lệ thất nghiệp, giá trị thực tế cao hơn so với dự báo nghĩa là chỉ số đang thay đổi theo hướng tiêu cực, xấu hơn.
Các sự kiện, tin tức quan trọng được công bố trên Lịch kinh tế
Như đã nói, có rất nhiều loại tin tức, sự kiện được công bố trên Lịch kinh tế và không phải tất cả đều quan trọng như nhau.
Quyết định lãi suất, điều chỉnh lãi suất của NHTW
Chính sách lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đồng nội tệ, cho nên, các quyết định lãi suất hay điều chỉnh lãi suất của các NHTW thuộc 7 quốc gia có đồng tiền chính, bao gồm FED, BoJ, BoE, ECN, BOC, RBA, RBNZ đều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, nhà giao dịch và gây ra những biến động lớn trên các cặp tiền tệ có liên quan.
GDP – Tổng sản phẩm quốc nội
GDP tác động cùng chiều đến giá trị đồng nội tệ. Tuy nhiên, nếu chỉ phân tích riêng chỉ số này thì chưa thể vội vàng kết luận rằng nó sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và gây ra biến động lớn trên thị trường. Khi phân tích GDP, trader sẽ kết hợp thêm các yếu tố khác nữa, chẳng hạn như mức độ tiêu thụ sản phẩm quốc nội.
Bảng lương phi nông nghiệp
Đây là một báo cáo liên quan đến việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ. Các chỉ số này cũng được xem như là thước đo sức khỏe nền kinh tế quốc gia. Thống kê việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tác động đáng kể đến nhận thức nhà đầu tư và gây ra những biến động đến giá trị tương đối của đồng nội tệ. Chính vì vậy, sau lãi suất chiết khấu thì đây được xem là sự kiện quan trọng mà tất cả các trader phân tích cơ bản đều quan tâm, theo dõi và sử dụng để giao dịch trên thị trường.
Bên cạnh đó, còn một số sự kiện, tin tức quan trọng khác mà trader cũng cần phải quan tâm như:
- Chỉ số quản lý thu mua (PMI)
- Chính sách tiền tệ hằng năm của NHTW
- Chỉ số giá tiêu dùng CCI
- Bài phát biểu của các thành viên NHTW các nước thuộc top 7 các quốc gia có đồng tiền chính trên thị trường forex
Lịch kinh tế có ý nghĩa như thế nào đối với trader?
Có thể nói, Lịch kinh tế là công cụ hữu ích đối với các trader phân tích cơ bản mà không tồn tại bất kỳ một hạn chế nào. Trader ở mọi cấp độ đều có thể sử dụng thành thạo để phân tích, đánh giá các chỉ số của các tin tức, sự kiện được công bố, từ đó có định hướng trong các quyết định giao dịch của mình.
Lịch kinh tế giúp trader lập kế hoạch giao dịch trong tương lai
Lịch kinh tế công bố trước thời gian mà một tin tức, sự kiện sắp diễn ra, nếu sự kiện, tin tức đó liên quan đến cặp tỷ giá mà trader đang quan tâm, họ có thể thiết lập sẵn một kế hoạch giao dịch trên cặp tỷ giá đó. Khi tin tức được công bố, dựa vào các chỉ số thực tế, trader có thể xác định được hướng giao dịch và vào lệnh.
Lịch kinh tế giúp trader nhìn thấy được bức tranh tổng quát của thị trường
Các chỉ số như lạm phát hay tỷ lệ thất nghiệp tác động đến các quyết định của NHTW, điều này có thể giúp trader dự đoán được những sự kiện có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tỷ giá trên thị trường. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế quan trọng được công bố cũng phản ánh phần nào sức khỏe nền kinh tế của các quốc gia, từ đó cho thấy được bức tranh toàn cảnh của thị trường. Nhận định được tình hình hiện tại của thị trường, trader sẽ có định hướng chính xác trong quá trình giao dịch của mình.
Lịch kinh tế giúp trader quản trị rủi ro hiệu quả
Trong trường hợp trader đang có vị thế mở trên thị trường, khi một tin tức, sự kiện được công bố trên Lịch kinh tế, nếu trader theo dõi và nhận định chính xác về mức độ và chiều hướng tác động đến tỷ giá, mà tin tức hay sự kiện này lại có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận đang có, trader có thể đóng vị thế sớm hoặc nới rộng stop loss để hạn chế rủi ro do biến động lớn gây ra.
Trader mới nên sử dụng Lịch kinh tế như thế nào?
Muốn sử dụng Lịch kinh tế hiệu quả trong giao dịch, điều quan trọng là các bạn phải am hiểu về các chỉ số liên quan đến tin tức, sự kiện được công bố, về tác động của chúng đến đồng nội tệ của quốc gia, từ đó mới có nhận định chính xác về xu hướng sắp tới của thị trường. Mà để làm được điều này, các bạn phải nghiên cứu, tích lũy kiến thức kinh tế, tài chính thế giới, đặc biệt là về nền kinh tế Hoa Kỳ.
- Xác định các loại tin tức, sự kiện có khả năng tác động đáng kể đến cặp tỷ giá mà bạn đang quan tâm
- Theo dõi lịch công bố và đặt cảnh báo nhắc nhở cho các sự kiện, tin tức đó
- Thông thường, trước khi tin tức được phát hành, thị trường sẽ biến động lớn, là một trader mới, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, các bạn nên đứng ngoài thị trường và quan sát.
- Khi tin tức, sự kiện được phát hành, các bạn nên kết hợp sử dụng thêm các chỉ báo kỹ thuật để xác nhận về xu hướng mà bạn đã dự đoán thông qua tin tức, nếu cả 2 cùng cho ra kết quả như nhau, các bạn có thể tự tin vào lệnh, đồng thời, chỉ báo kỹ thuật hay các công cụ phân tích kỹ thuật sẽ giúp bạn xác định được vị trí vào lệnh đẹp, mà điều này thì Lịch kinh tế không giúp được bạn.
- Thông thường, khi một tin tức, sự kiện quan trọng được công bố, nó sẽ gây biến động mạnh trên giá trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 2 tiếng ngay sau đó. Các bạn có thể tận dụng những biến động này để kiếm lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Sau đó, hãy nghiên cứu thêm các sự kiện, tin tức khác, đồng thời kết hợp công cụ kỹ thuật để nhận định về xu hướng trong dài hạn để điều chỉnh kế hoạch giao dịch cho phù hợp.
Kết luận
Lịch kinh tế thực sự hữu ích, không chỉ đối với các trader phân tích cơ bản. Là trader mới, dù theo đuổi trường phái phân tích nào thì các bạn cũng nên tìm hiểu và nghiên cứu về công cụ này. Am hiểu sâu về các sự kiện kinh tế, tài chính là không dư thừa, mà ngược lại sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức về thị trường, hiểu được thị trường, đó là chìa khóa giúp bạn thành công.