Trang chủLong position, short position trong giao dịch forex là gì?

Long position, short position trong giao dịch forex là gì?

Admin

Long position và short position là 2 khái niệm căn bản trên các thị trường tài chính, đề cập đến 2 chiều hướng giao dịch đối với một tài sản cơ sở, là mua hoặc bán. Mặc dù chúng ta có thể hiểu long nghĩa là Buy hay short nghĩa là Sell nhưng về bản chất thì long position và short position không đơn thuần chỉ là Buy và Sell. Việc hiểu tường tận các thuật ngữ này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của thị trường, từ đó quá trình giao dịch sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Vậy long position, short position là gì? Long position khác Buy hay short position khác Sell như thế nào? Và cùng tìm hiểu những khía cạnh khác của 2 thuật ngữ đó trong bài viết lần này nhé.

Position trong giao dịch forex là gì?

Long position nghĩa là vị thế mua và short position nghĩa là vị thế bán. Vậy vị thế (position) nghĩa là gì?

Position trên thị trường tài chính được hiểu là tình trạng nắm giữ, sở hữu một loại tài sản tài chính cụ thể của các bên tham gia vào một hợp đồng và lợi ích của họ phụ thuộc vào biến động giá của tài sản đó trên thị trường.

Có 3 vấn đề mà chúng ta cần làm rõ trong khái niệm này:

Thứ nhất, tài sản tài chính là gì? Nếu trên thị trường chứng khoán thì là cổ phiếu, trái phiếu, nếu trên thị trường forex thì là các cặp tỷ giá, kim loại, chỉ số, cổ phiếu… còn nếu là thị trường crypto thì sẽ là các loại tiền điện tử.

Thứ hai, các bên tham gia bao gồm những ai? Chính xác thì đó là bên mua tài sản và bên bán tài sản.

Thứ ba, hợp đồng trong giao dịch tài chính là gì? Việc các bạn thực hiện các giao dịch mua hoặc bán trên thị trường chứng khoán hay forex nghĩa là các bạn đang tham gia vào một hợp đồng tài chính. Hợp đồng tài chính bao gồm các thông tin được chuẩn hóa như tài sản được giao dịch, giá giao dịch, số lượng tài sản, thời gian giao dịch…

Ví dụ về position trong giao dịch forex

Bạn đặt lệnh mua cặp tỷ giá EUR/USD. Khi lệnh của bạn được khớp tức là bạn đã tham gia vào một vị thế trong một hợp đồng tài chính (cụ thể là vị thế mua của Hợp đồng chênh lệch CFD), và một bên còn lại sẽ nắm giữ vị thế bán, chính là một trader nào đó trên thị trường đã khớp lệnh đối ứng với bạn.

Quy mô của vị thế là gì?

Position còn liên quan đến một khái niệm nữa, chính là quy mô của vị thế. Quy mô vị thế ở đây chính là giá trị hoặc số lượng tài sản mà các bên đã tham gia giao dịch trong hợp đồng. Ví dụ, bạn đặt lệnh mua 2 lots cặp EUR/USD thì vị thế mua của bạn có quy mô là 2 lots.

Long position, short position là gì?

Long position (vị thế mua) là vị thế của nhà đầu tư, nhà giao dịch tham gia vào hợp đồng tài chính của một tài sản cơ sở với kỳ vọng tài sản đó sẽ tăng giá trong tương lai. Ngược lại, short position (vị thế bán) là vị thế của nhà đầu tư, nhà giao dịch tham gia vào hợp đồng tài chính của một tài sản cơ sở với kỳ vọng tài sản đó sẽ giảm giá trong tương lai.

Một người nắm giữ long position trên cổ phiếu A vì tin rằng cổ phiếu A sẽ tăng giá trong thời gian tới. Ngày hôm nay họ mua vào cổ phiếu A để sau một thời gian nữa giá cổ phiếu A tăng lên và họ sẽ bán ra (đóng vị thế mua) để kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá. Ngược lại, nhà đầu tư nắm giữ short position trên cổ phiếu A vì cho rằng cổ phiếu sẽ giảm giá trong thời gian tới. Họ đi vay cổ phiếu A (bán khống) để bán ra trong hôm nay. Sau đó, khi giá cổ phiếu A giảm xuống, họ mua vào một lượng bằng với lượng cổ phiếu đã bán ra trước đó (đóng vị thế bán) để trả lại số cổ phiếu đã vay, chênh lệch giữa giá bán ra cao hơn và giá mua vào thấp hơn chính là phần lợi nhuận của nhà đầu tư cho việc nắm giữ short position này.

Đối với giao dịch forex, trader mở một long position trên cặp EUR/USD khi dự đoán rằng EUR sẽ tăng giá so với USD, tức tỷ giá EUR/USD sẽ tăng lên, ngược lại, nếu cho rằng EUR sẽ giảm giá so với USD, tức tỷ giá EUR/USD giảm xuống, trader sẽ mở một short position trên cặp tỷ giá này.

Để thực hiện một long position, nhà đầu tư chứng khoán hoặc trader giao dịch forex sẽ đặt một lệnh mua tức Buy Order và để thực hiện một short position, họ sẽ đặt một lệnh bán tức Sell Order.

Vậy thì, long position hay short position liên quan đến kỳ vọng của nhà đầu tư, trader đối với xu hướng biến động giá của tài sản. Còn Buy hay Sell chỉ là hành động dựa trên kỳ vọng đó.

Sự khác nhau giữa long position và short position

Sự khác nhau giữa long position và short position trên thị trường chứng khoán

Sự khác nhau giữa long position và short position trên thị trường forex

Yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định thực hiện một long position hay short position của trader?

Hay nói dễ hiểu hơn thì dựa vào đâu mà nhà đầu tư hay trader có thể kỳ vọng giá tài sản tăng lên hay giảm xuống?

Nếu bạn nói rằng bạn sẽ đoán đại, hên xui, thì khuyên bạn không nên tham gia vào các thị trường tài chính vì chắc chắn bạn sẽ thua lỗ rất nhiều. 

Việc dự đoán giá tài sản tăng lên hay giảm xuống cần có cơ sở rõ ràng và không gì khác đó chính là ngoài kết quả của quá trình phân tích thị trường.

Có 2 hướng phân tích để nhà đầu tư, trader có thể đưa ra kết luận về xu hướng giá tăng hoặc giảm, bao gồm phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.

Phân tích kỹ thuật

Là phương pháp sử dụng chính dữ liệu giá để phân tích giá. Có 2 nguyên tắc cơ bản hình thành nên trường phái phân tích này, đó là: giá cả phản ánh mọi thứ tác động lên nó và lịch sử có khả năng lặp lại. Vì giá cả phản ánh mọi thứ tác động lên nó nên chỉ cần sử dụng chính dữ liệu giá là có thể phân tích được thị trường. Và cũng vì lịch sử có khả năng lặp lại nên việc sử dụng dữ liệu giá trong quá khứ có thể dự đoán được xu hướng của giá trong tương lai.

Phân tích kỹ thuật sử dụng bao gồm nhiều công cụ phân tích khác nhau như:

  • Chỉ báo kỹ thuật: MA, MACD, Bollinger Bands, RSI, ADX, Ichimoku, Parabolic SAR, Stochastic…
  • Hỗ trợ, kháng cự, trendline, kênh giá, Fibonacci.. 
  • Các mô hình nến, mô hình giá.

Để tìm hiểu sâu sắc hơn về phân tích kỹ thuật, các bạn có thể tham khảo bài viết sau: Phân tích kỹ thuật là gì? Ưu, nhược điểm của phân tích kỹ thuật.

Phân tích cơ bản

Phân tích cơ bản là phương pháp phân tích các yếu tố tác động đến giá của tài sản để dự báo về xu hướng giá sẽ tăng lên hay giảm xuống dưới sự tác động của những yếu tố đó.

Phân tích cơ bản tập trung vào giá trị nội tại của tài sản và mối quan hệ giữa giá trị này với các yếu tố tài chính tác động đến giá mà có thể đo lường được. Quan điểm của phương pháp này là dù tài sản đang bị định giá cao hay thấp thì đến một lúc nào đó, nó lại sẽ quay về với giá trị thực của mình. Do đó, phân tích cơ bản đi tìm giá trị nội tại của tài sản, rồi so sánh với giá thị trường để xác định xu hướng biến động của giá.

Công cụ phân tích của phương pháp phân tích cơ bản mang tính đặc thù của mỗi loại thị trường.

Trên thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư sẽ phân tích các yếu tố vi mô liên quan đến doanh nghiệp như lợi nhuận, tốc độ phát triển, kế hoạch kinh doanh, chính sách giá cả, vị thế cạnh tranh…

Ngược lại, trên thị trường forex, các trader sẽ phân tích các yếu tố vĩ mô mang tầm quốc gia như lãi suất, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, GDP, các sự kiện chính trị, xã hội.. 

Tìm hiểu chi tiết hơn về phân tích cơ bản qua bài viết sau: Phân tích cơ bản là gì? Ưu, nhược điểm của phân tích cơ bản.

Các chiến lược đánh lên, đánh xuống trong giao dịch forex

Khi nào thì trader sẽ thực hiện một Long position?

Chiến lược đánh lên hay thực hiện một long position khi trader xác định được các tín hiệu cho thấy thị trường sẽ tăng giá trong thời gian tới.

Nếu sử dụng phân tích cơ bản, các tín hiệu đánh lên có thể là: (đối với đồng USD)

  • FED công bố tăng lãi suất
  • Tỷ lệ thất nghiệp giảm

Nếu là phân tích kỹ thuật, chúng ta có nhiều tín hiệu hơn:

  • Giá đang tiếp cận vùng hỗ trợ mạnh
  • Giá bắt đầu vượt mức trung bình đi lên
  • Thị trường đang rơi vào trạng thái quá bán
  • Tín hiệu hội tụ xuất hiện trên chỉ báo và đồ thị giá
  • Giá đang phá vỡ cấu trúc xu hướng giảm: không thể tạo đáy mới thấp hơn, đỉnh mới thấp hơn
  • Xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng
  • Giá sắp phá vỡ mô hình giá đi lên
  • Giá breakout biên trên của vùng giá tích lũy đi kèm khối tượng tăng cao

Khi nào thì trader sẽ thực hiện một short position?

Ngược lại, một chiến lược đánh xuống sẽ được thực hiện khi trader xác định được các tín hiệu cho thấy thị trường sẽ giảm giá trong thời gian tới 

Các tín hiệu giảm giá trong phân tích cơ bản trên đồng USD:

  • FED công bố giảm lãi suất
  • Tỷ lệ thất nghiệp tăng

Các tín hiệu giảm giá trong phân tích kỹ thuật:

  • Giá đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh
  • Giá bắt đầu vượt mức trung bình đi xuống
  • Thị trường đang rơi vào trạng thái quá mua
  • Tín hiệu phân kỳ xuất hiện trên chỉ báo và đồ thị giá
  • Giá đang phá vỡ cấu trúc xu hướng tăng: không thể tạo đỉnh mới cao hơn, đáy mới cao hơn
  • Xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm
  • Giá sắp phá vỡ mô hình giá đi xuống
  • Giá breakout biên dưới của vùng giá tích lũy đi kèm khối tượng tăng cao

Làm thế nào để có được một vị thế long, short trong forex?

Để mở được một vị thế trong giao dịch forex, trước hết các bạn phải lựa chọn thị trường muốn giao dịch, sau đó xác định hướng giao dịch (long hoặc short), xác định quy mô giao dịch, quản trị rủi ro và cuối cùng là theo dõi vị thế của bạn.

Lựa chọn thị trường muốn giao dịch

Trên thị trường forex có đến hàng nghìn công cụ giao dịch khác nhau và nhiệm vụ của bạn là lựa chọn ra một hoặc một vài trong số đó để giao dịch thường xuyên trên thị trường. Là một trader mới, hãy bắt đầu với một cặp tỷ giá chính như EUR/USD, USD/JPY hay GBP/USD…

Xác định vị thế giao dịch

Bằng việc sử dụng các công cụ phân tích, các bạn sẽ dự đoán xu hướng biến động của giá trên thị trường. Nếu bạn dự đoán giá tăng, hãy mở một long position (lệnh Buy) hoặc nếu dự đoán giá giảm, hãy mở một short position (lệnh Sell).

Xác định quy mô vị thế

Bạn sẽ đặt lệnh với khối lượng bao nhiêu lot?

Việc xác định quy mô vị thế không phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn, sở thích mà phụ thuộc vào hệ thống giao dịch và mức độ chấp nhận rủi ro của trader. Nghĩa là, hệ thống giao dịch sẽ chỉ ra cho bạn vị trí mà khi giá chạm đến đó thì dự đoán của bạn đã sai, bạn phải chấp nhận thua lỗ (stop loss). Từ vị trí stop loss này cùng với mức độ chấp nhận rủi ro (bạn chấp nhận thua lỗ bao nhiêu tiền cho vị thế này) bạn sẽ tính toán ra được quy mô của vị thế.

Quản trị rủi ro cho vị thế

Bên cạnh xác định được vị trí cắt lỗ (stop loss) thì hệ thống giao dịch cũng chỉ ra cho bạn vị trí chốt lời tiềm năng hoặc bạn cũng có thể dựa vào lợi nhuận kỳ vọng để xác định vị trí này (take profit). Stop loss và take profit là 2 nguyên tắc giao dịch cần tuân thủ nghiêm ngặt để trader mới có thể quản trị rủi ro cho vị thế được hiệu quả nhất.

Mở vị thế

Sau khi xác định tất cả các yếu tố trên thì đặt lệnh để vị thế được kích hoạt. Khi lệnh được khớp thì bạn đã có vị thế mở trên thị trường.

Theo dõi vị thế

Khi đang có vị thế mở, các bạn cần theo dõi diễn biến của giá để có phản ứng kịp thời trước những biến động bất ngờ. Đối với các vị thế dài hạn, bạn có thể theo dõi và không phản ứng với các biến động ngắn hạn, nhưng với các vị thế ngắn hạn thì có thể điều chỉnh hoặc thậm chí đóng vị thế khi cần thiết.

Kết luận

Không chỉ riêng long position, short position mà bất kỳ một thuật ngữ nào trong giao dịch forex cũng quan trọng và cũng cần được hiểu một cách tường tận.

Chungkhoanviet.com đã thực hiện các bài viết liên quan đến tất cả những thuật ngữ, khái niệm từ cơ bản đến nâng cao trong giao dịch forex, các bạn có thể tìm đọc hoặc theo dõi những bài viết được cập nhật mới nhất của chúng tôi nhé.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Long position, short position trong giao dịch forex là gì?
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan