Trang chủMô hình ABCD là gì? Đặc điểm nhận diện và cách giao dịch hiệu quả nhất

Mô hình ABCD là gì? Đặc điểm nhận diện và cách giao dịch hiệu quả nhất

Admin

Trong tất cả các anh chị em nhà Harmonic Patterns thì AB=CD là mô hình đơn giản nhất, thay vì 5 điểm như đa số các patterns khác thì AB=CD chỉ có 4 điểm và tạo thành 3 đoạn sóng. Do đó là mô hình này không quá khó để nhận diện.

Hơn thế nữa, AB=CD cũng là mô hình Harmonic có nhiều biến thể nhất. Mặc dù đơn giản nhưng AB=CD cũng mang lại tín hiệu giao dịch vô cùng mạnh mẽ, không thua kém bất kỳ Harmonic Patterns nào.

Vậy, AB=CD Harmonic pattern là gì? Có đặc điểm như thế nào và làm sao để giao dịch hiệu quả nhất với mô hình này? 

AB=CD Harmonic pattern là gì?

AB=CD Harmonic pattern có thể gọi ngắn gọn là mô hình AB=CD hay mô hình ABCD. Ý tưởng ban đầu của mô hình này cũng bắt nguồn từ mô hình Gartley nguyên thủy, AB=CD pattern được Scott Carney phát triển và hoàn thiện hơn bằng các tỷ lệ Fibonacci. Như những Harmonic patterns khác, AB=CD pattern cũng được giới thiệu trong cuốn sách “The Harmonic Trading”

Mô hình AB=CD trở nên hiệu quả như một kỹ thuật giao dịch, giúp trader xác định khi nào giá sẽ thay đổi hướng. Ý tưởng giao dịch với mô hình AB=CD là chúng ta sẽ được mua vào khi giá đang THẤP và SẮP TĂNG hoặc sẽ được bán ra khi giá đang CAO và SẮP GIẢM.

Mô hình AB=CD đơn giản hơn những mô hình khác do ít yêu cầu về các tỷ lệ Fibonacci hơn, đồng thời cũng dễ dàng phát hiện hơn trên đồ thị giá.

Về ứng dụng, mô hình AB=CD phù hợp trên mọi thị trường tài chính, nhiều loại tài sản và có thể được sử dụng trên nhiều khung thời gian khác nhau.

Đặc điểm nhận diện và các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình AB=CD

Đặc điểm nhận diện

Thoạt nhìn thì mô hình AB=CD hơi giống hình thoi, bao gồm 4 điểm A-B-C-D, tạo thành 3 đoạn sóng AB, BC và CD, tuân theo một số quy luật sau:

  • AB và CD cùng chiều, BC đi theo chiều ngược lại
  • Điểm C không được vượt qua điểm A 
  • Điểm D phải vượt qua điểm B

Mô hình AB=CD bao gồm 2 loại: Bullish AB=CD và Bearish AB=CD

Các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình AB=CD

Mô hình Bullish AB=CD

  • Bắt đầu bằng đoạn xu hướng giảm AB và không có quy tắc cụ thể nào dành cho đoạn sóng này.
  • Giá tăng lên đến điểm C với BC thoái lui về tỷ lệ nằm trong khoảng 0.618 đến 0.786 của AB.
  • Sau đó giá giảm xuống và kết thúc mô hình bằng điểm D, với CD mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.272 đến 1.618 của BC.

Mô hình Bearish AB=CD

  • Bắt đầu bằng đoạn xu hướng tăng AB và không có quy tắc cụ thể nào dành cho đoạn sóng này.
  • Giá giảm xuống về điểm C với BC thoái lui về tỷ lệ nằm trong khoảng 0.618 đến 0.786 của AB.
  • Sau đó giá tăng lên và kết thúc mô hình bằng điểm D, với CD mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.272 đến 1.618 của BC.

Về lý thuyết thì BC có thể thoái lui về các tỷ lệ nằm trong khoảng từ 0.382 đến 0.886 của AB và CD có thể mở rộng đến các tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.13 đến 2.618 của BC nhưng một mô hình AB=CD được cho là lý tưởng nhất khi BC thoái lui từ 0.618 đến 0.786 và CD mở rộng từ 1.272 đến 1.618.

Mặc dù điều kiện về tỷ lệ thoái lui của BC so với AB và tỷ lệ mở rộng của CD so với BC đều nằm trong khoảng chứ không bắt buộc chính xác ở một tỷ lệ nhất định nào, tuy nhiên 2 tỷ lệ này phải hài hòa với nhau để điều kiện AB=CD được thỏa mãn.

Cụ thể như sau:

  • Nếu BC thoái lui về tỷ lệ 0.618 của AB thì CD phải mở rộng đến tỷ lệ 1.618 của BC
  • Nếu BC thoái lui về tỷ lệ 0.786 của AB thì CD phải mở rộng đến tỷ lệ 1.272 của BC

Các cặp tỷ lệ thoái lui/mở rộng của BC và CD để mô hình AB=CD hợp lệ như sau:

  • 0.382 và 2.618
  • 0.5 và 2.0
  • 0.618 và 1.618
  • 0.786 và 1.272
  • 0.886 và 1.13

Các cặp tỷ lệ này được hình thành từ điều kiện AB=CD của mô hình. Điều này có thể được giải thích như sau:

Giả sử BC thoái lui về 0.382 của AB, nếu CD mở rộng về tỷ lệ 1.0 của BC thì điều này có nghĩa là CD=BC, mà BC bằng 0.382AB, suy ra CD=0.382AB. Mà ở đây, chúng ta đang cần AB=CD, nên ta có:

  • CD mở rộng về tỷ lệ 1.0 của BC thì CD=0.382AB
  • Vậy, CD mở rộng về tỷ lệ bao nhiêu để CD=1.0AB

Quá dễ dàng, theo quy tắc tam suất, suy ra, tỷ lệ mở rộng của CD = 1/0.382 = 2.618

Tóm lại, nếu BC thoái lui về tỷ lệ x của AB thì CD phải mở rộng đến 1/x.

Biến thể của mô hình AB=CD

Mặc dù mô hình AB=CD sẽ là một thiết lập tuyệt vời khi sóng AB bằng CD nhưng cũng có nhiều tình huống điều kiện này không thỏa mãn mà giá vẫn đảo chiều ngay sau đó. Cụ thể, khi CD=1.272AB hoặc khi CD=1.618AB thì mô hình vẫn xảy ra đúng.

Khi 3 điểm A, B, C được hoàn thành, chúng ta sẽ kỳ vọng điểm D xuất hiện tại vị trí sao cho AB=CD, vì dù sao đây vẫn là thiết lập tốt nhất của mô hình này. Nhưng nếu thiết lập này thất bại, chúng ta sẽ chờ đợi một sự đảo chiều tiềm năng khác sẽ xuất hiện khi CD=1.272AB hoặc CD=1.618AB.

Và thông thường 2 tỷ lệ này sẽ hội tụ với tỷ lệ 1.618 và 2.24 của BC.

Mô hình AB=CD hay các biến thể của nó đều là khung cơ bản cho 4 điểm A-B-C-D trong hầu hết các mô hình Harmonic Pattern. Ví dụ như AB=CD được thiết lập trong mô hình Gartley thì 1.272AB=CD xuất hiện trong mô hình Con dơi (Bat pattern).

Mô hình AB=CD cung cấp tín hiệu giao dịch gì?

Hai sóng AB và CD  trong mô hình cùng chiều và dài hơn so với sóng BC nên 2 sóng này là 2 sóng thuận xu hướng chính, trong khi BC là sóng điều chỉnh. Khi mô hình AB=CD hoàn thành, giá sẽ đảo chiều xu hướng chính tại D. Cụ thể:

  • Trong mô hình Bullish AB=CD, thị trường đảo chiều tăng tại D, cơ hội để trader vào lệnh Buy.
  • Trong mô hình Bearish AB=CD, thị trường đảo chiều giảm tại D, là cơ hội tuyệt vời để trader thiết lập một lệnh Sell.

Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình AB=CD

Tương tự như Gartley hay các biến thể động vật, mô hình AB=CD sẽ có độ tin cậy cao nếu xuất hiện trên những khung thời gian lớn, cụ thể từ H1 trở lên.

Bước 1: Nhận diện mô hình

Mô hình AB=CD có đặc điểm nhận diện dễ nhất trong số các Harmonic patterns, tuy nhiên, đó vừa là ưu điểm mà cũng vừa là khuyết điểm.

Ưu điểm là vì mô hình này chỉ bao gồm 3 đoạn sóng tăng-giảm-tăng hoặc giảm-tăng-giảm, trong đó, đoạn sóng ở giữa ngắn hơn và 2 đoạn sóng còn lại bằng nhau. Cấu trúc sóng như vậy là một cấu trúc sóng cơ bản trong một xu hướng tăng hoặc giảm cụ thể. Cho nên việc các bạn bước đầu nhận diện hành vi của sóng có thể tạo thành một mô hình AB=CD sẽ xảy ra với tần suất rất lớn, cơ hội giao dịch với mô hình rất cao.

Tuy nhiên, mặc dù 3 đoạn sóng thỏa mãn đặc điểm nhận diện của mô hình nhưng quan trọng hơn hết vẫn là các tỷ lệ Fibonacci, cứ mỗi khi phát hiện ra một mô hình AB=CD tiềm năng thì chúng ta lại phải đo lường các tỷ lệ này, để xem chúng có hợp lệ hay không. Càng dễ nhận diện, càng xuất hiện nhiều thì càng đo lường nhiều, việc này sẽ mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là khi nhiều mô hình bị false tiên tiếp, chúng ta sẽ rất dễ chán nản.

Do đó, sẽ có một số tip giúp chúng ta nhận diện mô hình AB=CD tiềm năng chính xác hơn:

  • Đoạn xu hướng AB đủ lớn, thời gian hình thành đủ lâu thì độ tin cậy của mô hình sẽ cao hơn
  • Điểm C nên vượt qua một nửa đoạn AB

Bước 2: Đo lường các tỷ lệ Fibonacci của mô hình

Sau khi điểm C được hình thành, giá bắt đầu đảo chiều tại C thì chúng ta tiến hành đo tỷ lệ Fibonacci cho các đoạn sóng của mô hình.

Đối với AB=CD thì bước này khá dễ dàng vì chúng ta chỉ cần xác định 2 tỷ lệ của mô hình mà thôi.

  • BC phải thoái lui về tỷ lệ 0.618 hoặc 0.786 của AB thì mô hình mới hợp lệ. Chúng ta sẽ bỏ qua các tỷ lệ 0.382, 0.5 và 0.886, mặc dù vẫn đúng theo lý thuyết nhưng đó không phải là các tỷ lệ lý tưởng.
  • CD phải mở rộng về tỷ lệ 1.618 hoặc 1.272 của BC thì mô hình mới hợp lệ.

Bước 3: Chiến lược vào lệnh với mô hình AB=CD

Có 3 cách vào lệnh khi giao dịch với mô hình AB=CD

Cách 1: Vào lệnh sau khi mô hình chính thức hoàn thành

Đối với cách vào lệnh này, các bạn phải chờ cho giá chính thức đảo chiều tại D rồi mới vào lệnh. Cách thực hiện như sau:

  • Bullish AB=CD: khi có tín hiệu giá đảo chiều tại D, nếu tỷ lệ Fibonacci của đoạn CD hợp lệ thì vào lệnh Buy sau khi cây nến xác nhận đảo chiều tăng đóng cửa.
  • Bearish AB=CD: khi có tín hiệu giá đảo chiều tại D, nếu tỷ lệ Fibonacci của đoạn CD hợp lệ thì vào lệnh Sell sau khi cây nến xác nhận đảo chiều giảm đóng cửa.

Trong trường hợp đoạn CD đã thỏa mãn yêu cầu sao cho AB=CD mà thị trường vẫn chưa đảo chiều thì chúng ta phải nghĩ ngay đến một biến thể của AB=CD sẽ thay thế mô hình. Lúc này, tiếp tục chờ đợi giá tiến đến mục tiêu CD=1.272qAB hoặc CD=1.618AB, khi xuất hiện sự xác nhận đảo chiều tại 1 trong 2 mục tiêu này thì vào lệnh.

Đây là chiến lược vào lệnh an toàn vì khi đó, mô hình AB=CD chính thức hoàn thành, tín hiệu giao dịch đáng tin cậy hơn, xác suất thành công của lệnh cao hơn. Tuy nhiên, việc chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận đóng cửa rồi mới vào lệnh có thể sẽ làm cho lợi nhuận giảm đi rất nhiều, trong trường hợp thân nến xác nhận lớn.

Cách 2: Vào lệnh sớm khi mô hình AB=CD chưa hoàn thành

Tức là chúng ta sẽ không cần phải chờ đợi giá chính thức đảo chiều tại D rồi mới vào lệnh mà có thể mạo hiểm vào lệnh ngay khi D tiến đến vị trí hợp lệ của mô hình.

Cụ thể như sau:

  • Nếu BC thoái lui về tỷ lệ 0.618 của AB thì chờ đợi giá chạm vào tỷ lệ 1.618 của BC và vào lệnh ngay.
  • Nếu BC thoái lui về tỷ lệ 0.786 của AB thì chờ cho giá chạm vào tỷ lệ 1.272 của BC và vào lệnh ngay.

Cách vào lệnh này sẽ giúp cho chúng ta có điểm entry đẹp, nhưng rủi ro cao vì mô hình chưa chính thức hoàn thành, đồng thời, giao dịch theo cách này sẽ bỏ lỡ các biến thể của AB=CD.

Cách 3: Vào lệnh khi có thêm tín hiệu đảo chiều từ công cụ khác

Các bạn có thể kết hợp sử dụng thêm indicators để củng cố tín hiệu đảo chiều. Nhưng mô hình giá là một công cụ của phương pháp phân tích price action, do vậy, chúng ta nên ưu tiên lựa chọn công cụ cũng của phương pháp này. Và công cụ mà chúng tôi hay sử dụng và cảm thấy hiệu quả cao nhất chính là các mô hình nến đảo chiều.

Cách thực hiện như sau:

  • Khi BC thoái lui về tỷ lệ 0.618 của AB, chờ đợi giá chạm vào tỷ lệ 1.618 của BC đồng thời tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều thì vào lệnh ngay sau khi mô hình nến hoàn thành.
  • Khi BC thoái lui về tỷ lệ 0.786 của AB, chờ đợi giá chạm vào tỷ lệ 1.272 của BC đồng thời tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều thì vào lệnh ngay sau khi mô hình nến hoàn thành.
  • Trong trường hợp không xuất hiện tín hiệu này tại 2 tỷ lệ trên, chúng ta sẽ kỳ vọng giá tiến đến biến thể của AB=CD, tại tỷ lệ 2.24 của BC, nếu xuất hiện mô hình nến đảo chiều tại đây thì vào lệnh sau khi mô hình nến hoàn thành.

Cách này cải thiện được hạn chế của cả 2 cách trên, vừa có điểm vào lệnh đẹp, tín hiệu đảo chiều cũng đáng tin cậy hơn và không bỏ lỡ các biến thể của mô hình.

Bước 4: Đặt stop loss và take profit

Stop loss

Nếu lựa chọn vào lệnh chắc chắn như cách 1 hoặc 3 thì điểm stop loss có thể đặt ngay dưới điểm D. Vì một khi giá đã chính thức đảo chiều tại D mà lợi nhuận mục tiêu vẫn chưa đạt được, trong khi lệnh bị quét stop loss thì có nghĩa là mô hình đã không xảy ra đúng. Đó không phải là lỗi do hệ thống giao dịch của bạn, mà đó là rủi ro thị trường. Những biến động bất ngờ không theo quy luật này xuất hiện thường xuyên và khiến bạn thua lỗ, bạn buộc phải chấp nhận nó mà không thể làm gì khác.

Ngược lại, nếu lựa chọn cách vào lệnh thứ hai, vì sự đảo chiều vẫn chưa chắc chắn xảy ra tại thời điểm vào lệnh, nên các bạn có thể đặt stop loss tại vị trí xa hơn, nhưng không quá giới hạn xa nhất của điểm D. Trong mô hình này, điểm D được giới hạn tại tỷ lệ 2.24 của BC, là điểm xa nhất mà điểm D có thể đạt được, ứng với biến thể xa nhất 1.618AB=CD. Một khi điểm này bị phá vỡ thì mô hình AB=CD chắc chắn sẽ không xảy ra ở mọi biến thể của nó.

Take profit

Có nhiều cách chốt lời khi giao dịch với mô hình AB=CD.

  • Chốt lời tại mức giá ứng với điểm C
  • Chốt lời tại mức giá ứng với điểm A
  • Vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn CD và lựa chọn chốt lời tại một trong các tỷ lệ 1.0 (trùng với điểm C), 1.272 hoặc 1.618
  • Vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn AD và lựa chọn chốt lời tại một trong các tỷ lệ 0.618, 1.0 (trùng với điểm A), 1.272 hoặc 1.618

Chiến lược chốt lời từng phần

Chiến lược chốt lời từng phần phù hợp và hiệu quả nhất trong giao dịch các Harmonic Patterns bởi vì các mô hình giá này có nhiều vị trí take profit tiềm năng.

Cách thực hiện như sau: khi lệnh đang chạy đúng hướng, hãy vẽ ra tất cả các vị trí take profit tiềm năng (như ở trên), lựa chọn 2 mục tiêu chốt lời, một thấp một cao, phụ thuộc vào mong muốn lợi nhuận của bạn. Khi giá chạm đến mục tiêu thứ nhất, đóng một nửa lệnh, đồng thời dời stop loss đến vị trí tốt hơn để đảm bảo chắc chắn một phần lợi nhuận cho nửa lệnh còn lại. Khi giá chạm mục tiêu take profit thứ hai thì đóng lệnh chốt lời.

Các bạn có thể lựa chọn 3 hoặc nhiều hơn các mục tiêu chốt lời, phụ thuộc vào khối lượng lệnh nữa (vì bước khối lượng tối thiểu là 0.01 lots), nhưng càng chia nhỏ thì mục tiêu chốt lời về sau phải càng lớn, rủi ro cao hơn.

Một số ví dụ về mô hình AB=CD trên thị trường forex

Ví dụ 1: mô hình Bullish AB=CD

Sau một khoảng thời gian tăng mạnh thì giá đã bắt đầu đảo chiều giảm bằng đoạn sóng giảm AB, sau đó điều chỉnh tăng nhẹ bằng đoạn BC với C vượt quá 50% so với AB. Sau khi điểm C hoàn thành thì giá tiếp tục giảm xuống, di chuyển của giá có khả năng tạo thành một mô hình AB=CD. Chúng ta tiến hành đo lường tỷ lệ Fibonacci để xác định đây có phải là mô hình AB=CD hay không.

BC thoái lui về chính xác tỷ lệ 0.618 của AB, mô hình AB=CD hợp lệ. Việc của chúng ta lúc này là chờ đợi giá giảm và chạm đến tỷ lệ 1.618 của BC, đồng thời xem xét có tín hiệu đảo chiều nào khác xuất hiện hay không.

Khi giá chạm đến tỷ lệ 1.618 của BC, lúc này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá sẽ đảo chiều tăng tại đây, nếu mạo hiểm, các bạn có thể vào lệnh ngay khi giá vừa chạm vào tỷ lệ này. Hoặc không, chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận đảo chiều theo sau điểm D. Một cây nến xanh theo sau điểm D xác nhận lại sự đảo chiều xu hướng, các bạn có thể vào lệnh sau khi cây nến này đóng cửa.

Còn nếu lựa chọn vào lệnh theo cách thứ ba, các bạn sẽ tiếp tục chờ đợi tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến. Và trong trường hợp này, thật may mắn là thị trường xuất hiện một cây Bullish Reversal Pin bar tại ngay tỷ lệ 1.618 của BC, chỉ sau 3 phiên giao dịch kể từ khi điểm D được hoàn thành, giá không tiếp tục giảm mà cũng không đảo chiều ngay, giá di chuyển quanh tỷ lệ này và rồi xuất hiện mô hình nến đảo chiều. Vào lệnh khi cây Pin bar này đóng cửa và đặt stop loss ngay phía dưới bóng nến của Pin bar.

Với mục tiêu chốt lời thứ nhất, có thể lựa chọn TP1 (tại C) hoặc TP2 (tại A). Tỷ lệ 1.272 của AB khá gần với tỷ lệ 1.618 của CD nên chúng ta có thể chọn 1 trong 2 đều được.

Giả sử chọn TP2 và TP3, khi giá chạm TP2, đóng nửa lệnh và dời stop loss đến mức giá ứng với điểm C. Sau khi giá chạm TP3 thì đóng luôn nửa lệnh còn lại.

Trong trường hợp này, nếu đặt mục tiêu chốt lời đến tỷ lệ 1.618 của AB thì phải mất một thời gian khá lâu mới đạt được và chúng ta có thể sẽ phải đóng lệnh sớm khi giá chưa chạm mục tiêu này. Do vậy, chỉ nên lựa chọn các mục tiêu take profit hợp lý, vừa phải và xem xét hành vi của giá để nhận biết sớm tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng.

Ví dụ 2: mô hình Bearish AB=CD

Sau khi BC thoái lui về đúng tỷ lệ 0.786 của AB, chúng ta sẽ kỳ vọng CD mở rộng đến tỷ lệ 1.272 của BC để mô hình AB=CD lý tưởng nhất.

Nếu lựa chọn cách vào lệnh thứ 2, mạo hiểm vào lệnh Sell khi giá vừa chạm vào tỷ lệ 1.272 của BC. Cách này tương ứng với vị trí vào lệnh của Sell Entry 1, đặt stop loss phía trên tỷ lệ 2.24 của BC, tại stop loss 1.

Trong trường hợp này, cách vào lệnh thứ nhất và thứ ba có cùng điểm vào lệnh và stop loss, do cây nến xác nhận đảo chiều giảm cũng chính là một cây Bearish Reversal Pin bar nên tín hiệu giá đảo chiều được củng cố. Vào lệnh khi cây nến này đóng cửa, tương ứng với Sell Entry 2, đặt stop loss ngay phía trên bóng nến của cây Pin bar, ứng với stop loss 2.

Để thực hiện chiến lược chốt lời từng phần, các bạn vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn CD và AD.

Mức giá ứng với điểm A và tỷ lệ 1.272 của CD khá gần nhau, chúng ta có thể chọn 1 trong 2 để làm mục tiêu chốt lời thứ nhất. Tương tự, mức giá ứng với tỷ lệ 1.618 của CD khá gần với tỷ lệ 1.272 của AD, nên chúng ta cũng lựa chọn 1 trong 2 để làm mục tiêu chốt lời thứ hai.

Giả sử chọn TP1 tại mức giá ứng với điểm A và TP2 là tỷ lệ 1.618 của CD. Khi giá chạm TP1, đóng một nửa lệnh, đồng thời dời stop loss đến mức giá ứng với điểm C. Khi giá chạm TP2 thì đóng luôn nửa lệnh còn lại để chốt lời.

Kết luận

Mặc dù đơn giản và dễ nhận diện hơn so với các Harmonic Patterns khác nhưng để mô hình AB=CD thật sự lý tưởng thì các tỷ lệ Fibonacci của mô hình phải đảm bảo chính xác và hài hòa với nhau. Di chuyển của giá có thể tạo ra rất nhiều hình dáng giống với mô hình AB=CD nhưng để thỏa mãn các tỷ lệ Fibonacci của mô hình thì rất hiếm. Do vậy, để tiết kiệm thời gian cũng như không bỏ qua các cơ hội giao dịch với mô hình, các bạn cần phải có được kỹ năng nhận diện tốt mô hình, mà để làm được điều này thì chỉ có thể là luyện tập quan sát và đo lường các tỷ lệ Fibonacci thật nhiều. Dần dần các bạn sẽ có được phản xạ tốt trong việc phát hiện ra mô hình tiềm năng nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình ABCD là gì? Đặc điểm nhận diện và cách giao dịch hiệu quả nhất
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan