Trang chủMô hình cánh bướm là gì? Chiến lược giao dịch hiệu quả với Butterfly pattern

Mô hình cánh bướm là gì? Chiến lược giao dịch hiệu quả với Butterfly pattern

Admin

Theo sau mô hình Gartley, quocdunginvest.com sẽ tiếp tục giới thiệu đến các bạn một Harmonic Pattern có hình dạng khá giống với Gartley nhưng được cải tiến hơn, đó là mô hình Cánh bướm – Butterfly pattern.

Trong bài viết này, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về đặc điểm nhận diện, quy tắc về các tỷ lệ Fibonacci bên trong mô hình và chiến lược giao dịch hiệu quả nhất của Butterfly pattern. Cùng bắt đầu nhé.

Butterfly pattern là gì?

Mô hình Butterfly cũng là một mô hình giá thuộc nhóm Harmonic patterns, có hình dạng giống đôi cánh bướm nên mới có tên là Butterfly. Cũng giống như Gartley pattern, Butterfly cũng có mô hình nguyên thủy, tức không có các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci, mô hình nguyên thủy này được Bryce Gilmore tạo ra, sau đó đã được cải tiến nhờ Scott Carney. Ông đã đưa các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci vào mô hình, giúp cho nó hoàn thiện hơn và được biết đến rộng rãi như ở thời điểm hiện tại.

Tham khảo: 

Mô hình Harmonic là gì? Cách giao dịch hiệu quả với mô hình Harmonic

Mô hình Gartley Pattern là gì? Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình Gartley Harmonic Pattern

Về cơ bản, mô hình Butterfly khá giống với mô hình Gartley nên các trader vẫn hay gọi nó là Butterfly Gartley pattern. Tuy nhiên, Butterfly lại được cải tiến hơn Gartley, điểm cuối cùng, (điểm D) trong mô hình Butterfly vượt qua điểm bắt đầu của mô hình (điểm X), tạo ra các vị trí vào lệnh đẹp hơn, trader được mua với mức giá thấp hơn và bán ra với mức giá cao hơn.

Cũng giống như các Harmonic Patterns khác, mô hình Butterfly được áp dụng rộng rãi trên nhiều thị trường khác nhau, trên nhiều khung thời gian khác nhau.

Đặc điểm nhận diện và các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình Butterfly

Đặc điểm nhận diện

Về hình dáng bên ngoài thì mô hình Butterfly cũng giống như M hoặc W với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước hoặc đáy sau cao hơn đáy trước.

Mô hình Butterfly cũng có 2 loại: Bullish Butterfly và Bearish Butterfly

Bao gồm 5 điểm X-A-B-C-D, tạo thành 4 đoạn sóng tăng-giảm xen kẽ nhau.

  • Sóng đầu tiên là sóng XA, có thể tăng hoặc giảm, khác với Gartley pattern, XA không phải là sóng lớn nhất trong mô hình.
  • Sóng XA và BC cùng chiều, sóng AB và CD cùng chiều
  • Điều kiện quan trọng bắt buộc cần tuân theo trong mô hình Butterfly: điểm C không vượt qua điểm A nhưng điểm D phải vượt qua điểm X, tức trong mô hình Bullish Butterfly, C phải thấp hơn A và D phải thấp hơn X, hay trong mô hình Bearish
  • Butterfly, C phải cao hơn A và D phải cao hơn X.

Các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình Butterfly

Mô hình Bullish Butterfly

  • Bắt đầu bằng đoạn xu hướng tăng XA và không có quy tắc cụ thể nào dành cho đoạn sóng này.
  • Tiếp đến là đoạn sóng giảm AB với AB thoái lui về đúng tỷ lệ 0.786 của XA
  • Sau đó giá tăng lên tạo sóng BC với BC thoái lui về tỷ lệ nằm trong khoảng từ 0.382 đến 0.886 của AB.
  • Cuối cùng là đoạn sóng giảm CD, với CD mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.618 đến 2.618 của BC hoặc CD mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.272 đến 1.618 của XA.

Mô hình Bearish Butterfly

  • Cũng bao gồm 4 sóng XA, AB, BC và CD nhưng các sóng này di chuyển ngược chiều với Bullish Butterfly.
  • AB thoái lui về đúng tỷ lệ 0.786 của XA
  • BC thoái lui về tỷ lệ nằm trong khoảng từ 0.382 đến 0.886 của AB
  • CD mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoản từ 1.618 đến 2.618 của BC hoặc mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.272 đến 1.618 của XA

Trong mô hình này, quy tắc quan trọng nhất và cũng là khác biệt nhất so với tất cả các Harmonic Patterns khác, đó là tỷ lệ thoái lui của đoạn AB so với XA phải chính xác 0.786. Các mô hình Harmonic khác, tỷ lệ này đều được giới hạn ở 0.618.

Bên cạnh đó, để mô hình Butterfly gia tăng độ tin cậy, các tỷ lệ Fibonacci của BC so với AB, CD so với BC và CD so với XA cần hài hòa với nhau, cụ thể:

  • Nếu BC thoái lui về đúng tỷ lệ 0.382 của AB thì CD nên mở rộng đến tỷ lệ 1.618 của BC hoặc mở rộng đến tỷ lệ 1.272 của XA.
  • Nếu BC thoái lui về đúng tỷ lệ 0.886 so với AB thì CD nên mở rộng đến tỷ lệ 2.618 của BC hoặc mở rộng đến tỷ lệ 1.618 so của XA.

Mô hình Butterfly cung cấp tín hiệu giao dịch gì?

Tương tự như mô hình Gartley, sau khi Butterfly pattern hoàn thành, giá sẽ tiếp tục đi theo hướng của đoạn sóng đầu tiên trong mô hình, tức là nếu XA tăng thì giá sẽ tăng lên, hay nếu XA giảm thì giá sẽ giảm xuống ngay sau khi mô hình hoàn thành.

Chiến lược giao dịch hiệu quả với mô hình Butterfly

Mặc dù có thể xuất hiện trên nhiều khung thời gian khác nhau, nhưng mô hình Butterfly chỉ đáng tin cậy trên những khung thời gian lớn, các bạn nên giao dịch mô hình này ở khung H1 trở lên. Mặc khác, đa số các mô hình giá đều cần thời gian để hình thành nên sẽ phù hợp với các chiến lược giao dịch trung và dài hạn.

Có 4 bước cơ bản khi giao dịch với mô hình Butterfly 

Bước 1: Nhận diện mô hình thông qua đặc điểm về hình dạng

Mặc dù không cần phải tính toán hay đo lường các tỷ lệ Fibonacci nhưng bước này cực kỳ quan trọng. Khả năng nhận diện mô hình nhạy bén sẽ giúp các bạn có nhiều cơ hội giao dịch hơn.

Khi nhận thấy giá di chuyển tạo thành hình dạng chữ M hoặc W mà đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước hoặc đáy sau cao hơn đáy trước thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng đó sẽ là một trong các Harmonic Patterns, sau đó chuẩn bị sẵn sàng cho việc đo lường các tỷ lệ Fibonacci để kiểm tra tính hợp lệ của mô hình. 

Vì các mô hình Harmonic như Gartley, Butterfly, Bat hay Crab pattern… khá giống với các mô hình giá thông thường như Hai đỉnh/Hai đáy nên việc nhận diện hình dạng ban đầu vô cùng quan trọng. Nếu nhầm lẫn, hoặc là sẽ mất thời gian kiểm tra các tỷ lệ Fibonacci hoặc là sẽ xác định sai hướng giao dịch, dẫn đến thua lỗ.

Muốn làm tốt nhất ở bước này, các bạn cần thời gian luyện tập quan sát chuyển động của giá trên biểu đồ để tăng khả năng nhận diện mô hình. 

Có nhiều người sẽ chỉ cho các bạn chỉ báo Harmonic Patterns nhưng chúng tôi khuyên bạn nên tự mình nhận diện và kiểm tra tính hợp lệ của Butterfly pattern, có như vậy thì độ tin cậy sẽ cao hơn, giao dịch hiệu quả hơn. Bởi vì chỉ báo này phát hiện ra các mô hình Harmonic một cách “lung tung”, bạn sẽ thấy các Harmonic Patterns không tuân theo quy luật Fibonacci dày đặc nối đuôi nhau trên đồ thị giá, rất rối mắt mà độ tin cậy lại rất thấp. Hơn nữa, về lâu dài, việc tự nhận diện và xác nhận mô hình sẽ giúp các bạn cải thiện tư duy hình ảnh, tăng khả năng quan sát và phản ứng nhanh khi phát hiện ra các mô hình tiềm năng.

Bước 2: Đo lường tỷ lệ Fibonacci của các đoạn sóng trong mô hình

Sau khi bước đầu nhận diện mô hình, tiến hành đo lường các tỷ lệ Fibonacci để kiểm tra xem mô hình đó có thể là một Butterfly tiềm năng hay không.

Sau khi điểm C được hình thành, chờ đợi giá bắt đầu giảm xuống trong mô hình Bullish Butterfly hoặc giá bắt đầu tăng lên trong mô hình Bearish Butterfly rồi kiểm tra tỷ lệ Fibonacci cho các đoạn sóng phía trước.

  • Đo tỷ lệ thoái lui của AB so với XA, nếu chính xác ở tỷ lệ 0.786 thì mô hình Butterfly hợp lệ
  • Đo tỷ lệ thoái lui của BC so với AB, nếu nằm trong khoảng từ 0.382 đến 0.886 thì mô hình Butterfly hợp lệ

Sau đó, vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn BC để chuẩn bị chiến lược vào lệnh.

Các bạn có thể lập ra một bảng tỷ lệ Fibonacci của các Harmonic Patterns như bên dưới để dễ dàng đối chiếu trong trường hợp chưa nhớ được hết các quy tắc này.

Bước 3: Chiến lược vào lệnh với mô hình Butterfly

Tương tự với Gartley pattern, mô hình Butterfly cũng có 2 cách vào lệnh:

Cách 1: Vào lệnh sau khi mô hình Butterfly hoàn thành

Chiến lược này được thực hiện như sau: khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều tại điểm D, các bạn tiến hành vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn CD, nếu CD mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.618 đến 2.618 của BC hoặc mở rộng đến tỷ lệ nằm trong khoảng từ 1.272 đến 1.618 của XA thì mô hình Butterfly đã xuất hiện thành công. Vào lệnh sau khi cây nến xác nhận đảo chiều đóng cửa.

Vào lệnh theo cách này sẽ an toàn hơn nhưng vị trí vào lệnh không đẹp, tỷ lệ phần thường/rủi ro không tốt, nếu cây nến xác nhận đảo chiều có thân lớn thì lợi nhuận sẽ giảm đi nhiều.

Cách 2: Vào lệnh sớm khi mô hình Butterfly chưa hoàn thành

Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ dự đoán đoạn CD sẽ mở rộng đến tỷ lệ nào của đoạn BC hoặc XA.

Chiến lược vào lệnh này được thực hiện như sau: sau khi giá hình thành điểm C, các bạn vẽ Fibonacci cho đoạn sóng BC và XA. Để lệnh có xác suất thành công cao hơn, chúng ta cần tuân thủ quy tắc hài hòa của mô hình, nghĩa là:

  • Nếu AB thoái lui về tỷ lệ 0.382 của XA thì các bạn nên vào lệnh khi giá chạm đến tỷ lệ 1.618 của BC hoặc tỷ lệ 1.272 của XA, tùy thuộc cái nào xảy ra trước.
  • Nếu AB thoái lui về tỷ lệ 0.886 của XA thì nên vào lệnh khi giá chạm đến tỷ lệ 2.618 của BC hoặc tỷ lệ 1.618 của XA, tùy thuộc cái nào xảy ra trước.

Tuy nhiên, nếu AB thoái lui về khoảng giữa của 0.382 và 0.886 so với XA thì chúng ta sẽ lựa chọn điểm D như thế nào?

Một điểm đặc biệt của các Harmonic Patterns như Gartley hay các biến thể động vật khác chính là các mô hình này phải bao gồm mẫu hình AB=CD bên trong nó, nghĩa là ngoài các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci như đã trình bày ở phần trên thì phải đảm bảo 4 điểm A-B-C-D tạo thành một mô hình AB=CD hoặc biến thể của AB=CD, tức CD phải mở rộng đến tỷ lệ sao cho ít nhất bằng AB hoặc tuân theo các tỷ lệ khác như CD =1.272AB hay CD =1.618 AB…

Tuy nhiên, đối với mô hình Butterfly, do điểm D mở rộng đến tỷ lệ tương đối xa nên trader thường sẽ kỳ vọng CD=1.272AB. 

Tóm lại, nếu AB thoái lui về khoảng giữa của 0.382 và 0.886 thì các bạn nên chờ đợi CD mở rộng chính xác đến vị trí mà tại đó CD=1.272 AB hoặc CD=1.618 AB.

Lựa chọn cách vào lệnh thứ hai này sẽ giúp cho lệnh có điểm entry đẹp, tỷ lệ phần thưởng/rủi ro tốt hơn. Nhưng hạn chế lớn nhất của chiến lược này chính là rủi ro cao do mô hình Butterfly chưa hoàn thành, chúng ta chỉ đang dự đoán về khả năng mô hình xảy ra ở tỷ lệ nào của đoạn sóng cuối cùng – CD nên không thể ngoại lệ trường hợp giá tiếp tục đi theo hướng của đoạn CD hoặc có đảo chiều nhưng chưa đạt được lợi nhuận mục tiêu thì giá đã quay đầu.

Cách 3: Vào lệnh khi có thêm tín hiệu đảo chiều từ công cụ khác.

Công cụ hiệu quả khi kết hợp giao dịch với Butterfly pattern chính là các mô hình nến đảo chiều. Khi đoạn CD mở rộng đến tỷ lệ bất kỳ nằm trong khoảng từ 1.618 đến 2.618 của BC hoặc từ 1.272 đến 1.618 của XA hoặc CD=1.272AB (tùy thuộc cái nào xảy ra trước), đồng thời tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều là các bạn có thể vào lệnh ngay sau khi mô hình nến hoàn thành.

Với cách này, lệnh vừa có điểm entry đẹp mà tín hiệu giao dịch lại vô cùng mạnh mẽ, hơn nữa còn khắc phục được hạn chế từ cả 2 cách ở trên.

Bước 4: Đặt stop loss và take profit

Đặt stop loss

Cho dù các bạn lựa chọn vào lệnh theo cách nào và cho dù CD có mở rộng đến tỷ lệ nào thì vị trí stop loss hợp lý nhất trong chiến lược này chính là ngay phía dưới/ngay phía trên mức giá ứng với tỷ lệ 1.618 của XA hoặc 2.618 của BC, tùy thuộc vào vị trí nào xa điểm vào lệnh hơn, bởi vì đây là các giới hạn mở rộng tối đa của CD trong mô hình, khi giá vượt ra khỏi các tỷ lệ này thì Butterfly đã không còn hợp lệ.

Đặt take profit

Tương tự như các mô hình khác trong nhóm Harmonic Patterns, chiến lược giao dịch với Butterfly cũng có nhiều cách chốt lời khác nhau:

  • Chốt lời tại mức giá ứng với điểm C, vì điểm D vượt qua khỏi điểm X trong mô hình Butterfly nên vị trí chốt lời này khá tốt.
  • Chốt lời tại mức giá ứng với điểm A, điểm cao nhất hoặc thấp nhất trong mô hình, đang đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự, hỗ trợ, rất có khả năng thị trường sẽ phản ứng tại các mức giá này.
  • Chốt lời tại mức giá ứng với điểm Y, sao cho khoảng cách từ D đến Y bằng với khoảng cách từ X đến A. Ngược lại với Gartley pattern thì vị trí chốt lời này không mang đến tỷ lệ phần thưởng/rủi ro tốt, nên trader ít khi lựa chọn take profit tại vị trí này.
  • Chốt lời tại một trong các tỷ lệ mở rộng quan trọng của CD như 1.272, 1.618 hay 2.618

Chiến lược chốt lời từng phần

Đây là chiến lược chốt lời được ưa chuộng khi giao dịch với các mô hình giá Harmonic bởi vì các mô hình này có nhiều điểm Take profit tiềm năng.

Chiến lược chốt lời từng phần sẽ giúp hạn chế rủi ro trong trường hợp giá nhanh chóng đảo chiều, đồng thời giúp gia tăng lợi nhuận khi giá có thể đi xa hơn mong đợi.

Chiến lược được thực hiện như sau:

  • Chọn mục tiêu chốt lời thứ nhất, có thể chọn mức giá ứng với điểm C hoặc A
  • Sau khi giá chạm vào mục tiêu thứ nhất thì đóng một nửa lệnh, đồng thời dời stop loss đến vị trí tốt hơn để đảm bảo phần lợi nhuận có được đã chắc chắn nằm trong tài khoản.
  • Tiếp tục kỳ vọng giá sẽ tiến đến mục tiêu lợi nhuận thứ hai cao hơn, có thể lựa chọn mức giá ứng với điểm A, hay một trong các tỷ lệ mở rộng của CD, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể của thị trường và mong muốn lợi nhuận của trader.
  • Khi giá chạm vào mục tiêu lợi nhuận thứ hai thì đóng nửa lệnh còn lại.

Các bạn có thể lựa chọn chia lệnh thành nhiều phần hơn, nhưng càng nhiều thì các mục tiêu lợi nhuận phía sau sẽ càng cao hơn, khó đạt được hơn, mà tốt nhất thì chỉ nên chia thành 2 lần là đủ rồi.

Một số ví dụ về mô hình Butterfly trên thị trường forex.

Ví dụ 1: mô hình Bullish Butterfly

Giá di chuyển tạo thành hình dáng giống chữ M với đỉnh thứ hai thấp hơn đỉnh 1, chúng ta có thể kỳ vọng về một mô hình Harmonic tiềm năng. Để biết chính xác đó có phải là Butterfly pattern không, chúng ta phải đo lường các tỷ lệ Fibonacci.

  • AB thoái lui về đúng tỷ lệ 0.786 của XA, mô hình Butterfly hợp lệ
  • BC thoái lui đến tỷ lệ 0.786 của AB, thỏa điều kiện nằm trong khoảng từ 0.382 đến 0.886, mô hình Butterfly hợp lệ

Khi giá bắt đầu giảm xuống tại C, tiến hành vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn sóng BC.

Vì BC thoái lui về tỷ lệ nằm khoảng giữa 0.382 và 0.886 của AB nên chúng ta sẽ kỳ vọng đoạn CD sẽ mở rộng về tỷ lệ nằm khoảng giữa từ 1.618 đến 2.618 của BC hoặc mở rộng về tỷ lệ nằm khoảng giữa từ 1.272 đến 1.618 của XA. Nhìn hình ở trên thì phạm vi từ 1.618 đến 2.618 của BC đã bao gồm cả 2 khoảng tỷ lệ trên.

Vấn đề bây giờ là chúng ta sẽ vào lệnh tại tỷ lệ nào nằm trong khoảng đó.

Có 2 cách vào lệnh trong trường hợp này, hoặc là vào lệnh tại 1 trong 4 tỷ lệ giới hạn 2 đầu của mỗi khoảng hoặc là vào lệnh tại bất kỳ tỷ lệ nào nằm trong khoảng đó mà tại đó xuất hiện mô hình nến đảo chiều.

Thông thường, các trader sẽ chọn vào lệnh khi CD mở rộng về tỷ lệ 1.272 của XA. Trong trường hợp này, giá tiến đến tỷ lệ 1.618 của XA, đồng thời tại đây, xuất hiện mô hình nến Bullish reversal Pin bar, củng cố tín hiệu đảo chiều. Các bạn có thể vào lệnh khi giá vừa chạm vào tỷ lệ 1.618 của XA hoặc khi cây nến Pin bar đóng cửa.

Đặt stop loss ngay phía dưới điểm D, cũng là phía dưới bóng nến của cây Pin bar.

Trong trường hợp này, 2 vị trí take profit tại C và A khá gần nhau nên các bạn có thể lựa chọn một trong hai để làm mục tiêu chốt lời thứ nhất và chọn mục tiêu thứ hai tại một trong các tỷ lệ mở rộng của CD.

Giả sử chọn vị trí take profit tại TP2 và TP3.

  • Khi giá chạm TP2, đóng một nửa lệnh và dời stop loss đến swing low gần nhất, ứng với tỷ lệ 0.618 của CD.
  • Trước khi tiến đến TP3, giá tạo thêm một swing low tại mức giá ứng với điểm C, các bạn có thể tiếp tục dời stop loss đến vị trí này để đảm bảo phần lợi nhuận có được của một nửa lệnh còn lại chắc chắn hơn.
  • Khi giá chạm vào TP3 thì đóng nửa lệnh còn lại để chốt lời.

Ví dụ 2: mô hình Bearish Butterfly

Sau khi hình thành điểm C, tiến hành đo lường các tỷ lệ Fibonacci của các đoạn sóng phía trước.

  • AB thoái lui về đúng tỷ lệ 0.786 của XA, mô hình Butterfly hợp lệ
  • BC thoái lui về đúng tỷ lệ 0.886 của AB, mô hình Butterfly hợp lệ

Khi giá bắt đầu tăng lên tại điểm C, tiến hành vẽ Fibonacci Retracement để chuẩn bị cho chiến lược vào lệnh.

Vì BC thoái lui đến tỷ lệ 0.886 của AB nên chúng ta sẽ kỳ vọng CD mở rộng đến tỷ lệ 2.618 của BC hoặc mở rộng đến tỷ lệ 1.618 của XA. Trong trường hợp này, tỷ lệ 1.618 của XA gần hơn so với tỷ lệ 2.618 của BC nên các bạn có thể lựa chọn vào lệnh khi giá chạm vào tỷ lệ 1.618 của XA (Sell Entry 1). Tuy nhiên, kết quả là giá tiếp tục tiến đến tỷ lệ 2.618 của BC, nếu vào lệnh tại đây (Sell Entry 2), lợi nhuận của lệnh sẽ đạt tối đa.

Điểm stop loss của giao dịch này nên được đặt phía trên tỷ lệ 2.618 của BC bởi vì điểm này xa hơn so với tỷ lệ 1.618 của XA. Trong trường hợp các bạn lựa chọn vào lệnh tại Entry 1 thì vẫn có khả năng giá tiếp tục tiến đến tỷ lệ 2.618 của BC rồi mới đảo chiều.

Khoảng cách từ X đến A khá ngắn (TP1) nên các bạn có thể lựa chọn mục tiêu chốt lời thứ nhất tại mức giá ứng với điểm A (TP3) hoặc C (TP2), vì 2 mức này rất gần nhau và mục tiêu thứ hai tại tỷ lệ 1.272 của CD (TP4).

Chiến lược chốt lời từng phần được thực hiện tương tự như ví dụ trên.

Kết luận

Trên thực tế, mô hình Butterfly rất ít khi xuất hiện, nhưng nếu đã xuất hiện thì tín hiệu mang lại vô cùng mạnh mẽ, giá đi rất xa và mang lại lợi nhuận rất lớn cho trader. Quan trọng là các bạn phải có khả năng nhận diện tốt mô hình, bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của mô hình và không nên sử dụng chỉ báo Harmonic patterns để giao dịch.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình cánh bướm là gì? Chiến lược giao dịch hiệu quả với Butterfly pattern
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan