- Mô hình giá – Chart pattern là gì?
- Đặc điểm chung của các mô hình giá trong giao dịch forex
- Phân loại mô hình giá trong giao dịch forex
- Top 10 mô hình giá quan trọng mà một trader cần phải biết
- Mô hình giá Hai đỉnh – Double Top
- Mô hình giá Hai đáy – Double Bottom
- Mô hình giá Ba đỉnh – Triple Top
- Mô hình giá Ba đáy – Triple Bottom
- Mô hình giá Vai đầu vai – Head and Shoulders
- Mô hình Vai đầu vai ngược – Inverted Head and Shoulders
- Mô hình giá Chữ nhật – Rectangle
- Mô hình giá Cốc và Tay cầm – Cup and Handle
- Mô hình giá Cái nêm – Wedge
- Mô hình giá Tam giác – Triangle
- Các bước giao dịch với mô hình giá
- Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá
- Ưu, nhược điểm khi giao dịch với mô hình giá
- Kết luận
Chart pattern là công cụ giao dịch chủ đạo của trường phái phân tích hành động giá (Price Action), bên cạnh các mô hình nến (Candlestick pattern). Những người ưa chuộng giao dịch với mô hình giá thường là nhóm các trader theo đuổi phong cách giao dịch dài hạn, vì thời gian hình thành một Chart pattern là khá lâu.
Có một vài cái tên mà các bạn sẽ rất dễ bắt gặp khi bước đầu tìm hiểu về phương pháp phân tích kỹ thuật như Vai đầu vai, Hai đỉnh, Hai đáy, Cốc và Tay cầm, Lá cờ, Tam giác… đó đều là những mô hình giá phổ biến trong giao dịch forex.
Vậy chính xác thì mô hình giá là gì? Cách giao dịch với mô hình giá như thế nào và một Price Action trader thì có cần phải biết tất cả các mô hình giá hay không?
Mô hình giá – Chart pattern là gì?
Nếu các mô hình nến (Candlestick pattern) được tạo thành từ một vài cây nến tín hiệu có hình dáng đặc biệt thì các mô hình giá lại được tạo thành từ rất nhiều các cây nến. Bản thân mỗi cây nến trong mô hình giá không cần phải tuân theo quy luật nào nhưng sự kết hợp của chúng lại tạo thành những hình dáng đặc biệt, mang một ý nghĩa nhất định về những gì đang xảy ra giữa 2 phe mua và bán, từ đó giúp trader dự đoán được hướng đi tiếp theo có thể xảy ra của thị trường.
Là một công cụ phân tích kỹ thuật nên các mô hình giá cũng hoạt động tuân theo nguyên lý của phương pháp phân tích kỹ thuật – “Lịch sử có xu hướng lặp lại”, tức là các mô hình giá được lặp đi lặp lại nhiều lần, và trong quá khứ sau khi chúng xuất hiện, thị trường di chuyển như thế nào thì ở thời điểm hiện tại, nếu mô hình giá tiếp tục xuất hiện thì có khả năng thị trường sẽ lại phản ứng giống như trong quá khứ.
Các mô hình giá trong forex có hình dáng rất tượng hình, chỉ cần nghe cái tên là chúng ta có thể hình dung được mô hình đó sẽ trông như thế nào, chẳng hạn như mô hình Cốc và Tay cầm, mô hình Vai đầu vai, Mô hình Chữ Nhật, mô hình Lá cờ…
Đặc điểm chung của các mô hình giá trong giao dịch forex
Đều có điểm bắt đầu và kết thúc
Nghĩa là sẽ có một thời điểm đánh dấu mô hình giá đã bắt đầu hình thành và một thời điểm cho biết mô hình đã hoàn thành. Ví dụ, trong mô hình giá Hai đỉnh (Double Top), điểm bắt đầu chính là khi giá vượt lên trên đường Neckline để chuẩn bị hình thành đỉnh thứ nhất, còn điểm kết thúc chính là khi giá phá vỡ đường Neckline đi xuống sau khi đã hình thành đỉnh thứ hai.
Xu hướng cũ trước khi mô hình giá xuất hiện
Thông thường, tại thời điểm khi mà các Chart pattern bắt đầu hình thành thì thị trường đang trong một xu hướng tăng hoặc giảm rõ rệt. Phụ thuộc vào khung thời gian xuất hiện của Chart pattern mà đó có thể là một xu hướng chung dài hạn, một đoạn xu hướng tăng/giảm hoặc một đợt điều chỉnh tăng/giảm trong một xu hướng lớn. Và xu hướng này cũng là điều kiện quan trọng để xác định mô hình giá có hợp lệ hay không.
Vùng hợp nhất quyết định nên hình dáng của mô hình giá
Sau một xu hướng tăng, giảm rõ ràng trước đó thì thị trường bắt đầu chững lại, hạ nhiệt, khối lượng giao dịch giảm dần và giá di chuyển bên trong một phạm vi nhất định được giới hạn bởi các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, gọi là vùng hợp nhất hay vùng giá tích lũy. Các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự này có thể là những đường thẳng nằm ngang hoặc chéo, chỉ bao gồm duy nhất một ngưỡng hỗ trợ, kháng cự trong suốt thời gian mô hình hoàn thành hoặc bao gồm nhiều mức hỗ trợ, kháng cự khác nhau và mỗi điều kiện khác nhau về hỗ trợ, kháng cự đó tạo thành một hình dáng đặc biệt của mô hình.
Ví dụ: mô hình Chữ Nhật, trong khoảng thời gian mô hình xuất hiện, giá luôn di chuyển bên trong 2 đường hỗ trợ và kháng cự nằm ngang và các mức cản này là không đổi cho đến khi mô hình chính thức hoàn thành. Hay với mô hình Tam giác, nếu kháng cự và hỗ trợ của vùng hợp nhất bao gồm 1 đường nằm ngang và 1 đường chéo thì đó là mô hình Tam giác tăng hoặc giảm, còn nếu hỗ trợ và kháng cự đều là 2 đường chéo thì đó lại là mô hình Tam giác cân.
Điểm phá vỡ kích hoạt mô hình giá hoạt động
Khi giá thoát ra khỏi vùng hợp nhất sẽ là lúc mô hình giá được kích hoạt, nghĩa là lúc đó, chúng ta mới gọi đó là mô hình giá, còn khi giá vẫn đang di chuyển bên trong vùng hợp nhất thì đó cũng chỉ là kỳ vọng về khả năng xảy ra của mô hình mà thôi.
Tùy thuộc vào từng mô hình giá mà thời điểm phá vỡ vùng hợp nhất là khác nhau, có thể là khi giá phá vỡ được ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự của vùng hợp nhất, cũng có thể là khi giá thoái lui, mở rộng đến một tỷ lệ xác định nào đó so với đoạn sóng ngay phía trước nó.
Xu hướng mới sau khi mô hình được kích hoạt
Sau khi phá vỡ được vùng hợp nhất, giá sẽ bức phá đi theo một xu hướng nhất định, có thể tiếp tục xu hướng phía trước nhưng cũng có thể đảo chiều hoàn toàn. Một xu hướng mới hình thành sau khi Chart pattern được kích hoạt không nhất thiết phải là một xu hướng dài hạn, nó có thể là một đoạn xu hướng, một đợt điều chỉnh mới… phụ thuộc vào khung thời gian mà Chart pattern xuất hiện.
Các mô hình giá có dạng fractal
Phân dạng (Fractal) là cấu trúc đặc trưng trong di chuyển của giá cả trên thị trường forex. Chúng ta thường thấy phân dạng fractal rõ rệt nhất ở cấu trúc sóng Elliott. Và tương tự, fractal cũng là đặc trưng của các mô hình giá, nghĩa là chúng có thể được nhìn thấy trên biểu đồ ở bất kỳ khung thời gian nào: hằng tháng, hằng tuần, hằng giờ… thậm chí hàng phút.
Thời gian hình thành một mô hình giá là khá lâu
Như đã nói, không phải 1, 2 hay 3 cây nến mà rất nhiều cây nến mới tạo ra được một Chart pattern, do đó là thời gian hình thành các Chart pattern sẽ lâu hơn so với các candlestick pattern. Tùy thuộc vào từng khung thời gian giao dịch mà một mô hình giá có thể mất đến vài tháng, vài tuần để hoàn thành nhưng cũng có thể vài ngày nếu chúng ta sử dụng các khung thời gian nhỏ hơn. Tuy nhiên, độ tin cậy của một Chart pattern chỉ được đánh giá cao khi nó xuất hiện trên các khung thời gian lớn, ít nhất là từ M30 trở lên. Vì vậy mà đa số các scalping trader hay day trader sẽ ít khi sử dụng mô hình giá mà công cụ này lại được ưa chuộng hơn bởi các swing trader hoặc position trader.
Phân loại mô hình giá trong giao dịch forex
Các mô hình giá trong giao dịch forex được chia thành 3 loại, phụ thuộc vào hướng đi của giá so với xu hướng cũ trước khi mô hình xuất hiện, bao gồm:
- Continuation Chart pattern – Mô hình giá tiếp diễn
- Reversal Chart pattern – Mô hình giá đảo chiều
- Neutral Chart pattern – Mô hình giá lưỡng tính
Continuation Chart pattern – Mô hình giá tiếp diễn
Các mô hình giá tiếp diễn được hình thành khi thị trường đang trong một xu hướng rõ rệt. Quá trình hình thành của nó cho biết thị trường đang rơi vào trạng thái tích lũy, phe đang chiếm ưu thế thì giảm dần khối lượng vào lệnh, phe còn lại dường như cũng chưa có ý định sẽ gia nhập thị trường. Sau khi củng cố đủ lực lượng thì phe đang chiếm ưu thế hơn ở xu hướng trước đó bắt đầu dốc hết sức để phá vỡ vùng hợp nhất, mô hình được kích hoạt và kết quả là giá tiếp tục đi theo xu hướng cũ trước đó.
Một vài mô hình giá tiếp diễn phổ biến trong giao dịch forex như:
- Mô hình giá Cờ đuôi nheo
- Mô hình giá Lá cờ
- Mô hình giá Chữ nhật
- Mô hình giá Cốc và Tay cầm
Reversal Chart pattern – Mô hình giá đảo chiều
Cũng xuất hiện khi thị trường đang trong một xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng nhưng sau khi mô hình được kích hoạt, giá sẽ bứt phá đi ngược lại với xu hướng cũ đó. Về tâm lý thị trường, phe đang chiếm ưu thế dường như đã dần cạn kiệt sức lực, di chuyển chậm lại tạo thành vùng hợp nhất. Tận dụng điều này, phe đối đầu nhanh chóng bung xõa lực lượng đã củng cố trong suốt thời gian trước và tung hết sức để đảo ngược tình thế, kết quả là thị trường đảo chiều xu hướng.
Một vài mô hình giá đảo chiều phổ biến trong giao dịch forex:
- Mô hình giá Vai đầu vai
- Mô hình giá Hai đỉnh/Hai đáy
- Mô hình giá Ba đỉnh/Ba đáy
Neutral Chart pattern – Mô hình giá lưỡng tính
Ngược lại với 2 dạng mô hình giá ở trên, các mô hình giá lưỡng tính không cung cấp cụ thể tín hiệu cho biết giá sẽ tiếp tục xu hướng cũ hay đảo chiều mà chỉ biết rằng giá sẽ biến động rất mạnh ngay sau đó. Động thái của cả 2 phe mua và bán trong vùng hợp nhất không rõ ràng, phe đang chiếm ưu thế trước đó dần chậm lại, tạm nghỉ hoặc đuối sức, mà phe còn lại cũng chưa có dấu hiệu cho thấy đang tích cực tham gia thị trường. Do đó, chỉ khi nào giá bức phá theo một hướng cụ thể thì chúng ta mới dám khẳng định xu hướng mới là tiếp diễn hay đảo chiều xu hướng cũ.
So với 2 dạng Chart pattern trên thì các Neutral Chart pattern rất ít và mô hình giá lưỡng tính xuất hiện phổ biến nhất hiện nay trên thị trường chính là mô hình Tam giác và mô hình giá Cái nêm.
Ngoài ra, còn có một cách phân loại khác nữa, đó là các mô hình giá định tính và mô hình giá định lượng.
Mô hình giá định tính là tất cả những mô hình đã được nhắc đến ở trên, đặc điểm nhận diện chung của nhóm mô hình giá này là đều thiên về hình dạng. Ngược lại, các mô hình giá định tính sẽ liên quan trực tiếp đến các con số cụ thể, một mô hình giá định lượng được xác định khi nó thỏa mãn các con số đó và các mô hình giá định lượng phổ biến nhất trong giao dịch forex chính là mô hình giá Harmonic.
Harmonic patterns không phải là một mô hình giá mà nó là một nhóm các mô hình giá khác nhau, chúng cũng có những hình dáng đặc biệt như Con cua, Con bướm, Con dơi… nhưng chúng cũng gắn liền với các tỷ lệ Fibonacci quan trọng.
Top 10 mô hình giá quan trọng mà một trader cần phải biết
Mô hình giá Hai đỉnh – Double Top
Loại Chart pattern: Mô hình giá đảo chiều
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng trước khi mô hình giá xuất hiện: xu hướng Tăng
- Hình dạng giống chữ M, bao gồm 2 đỉnh có độ cao gần như bằng nhau
- Xen giữa 2 đỉnh là đáy trung tâm
- Đường thẳng đi qua đáy trung tâm gọi là đường viền cổ (Neckline)
Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình: đỉnh 2 có thể thấp hoặc cao hơn đỉnh 1, nhưng nếu cao hơn thì không được quá 5% và thời gian hình thành 2 đỉnh phải tương đối dài, cách nhau từ 2-7 tuần (theo Bulkowski 2005).
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout đường Neckline đi xuống
Hướng giao dịch: Sell ngay khi giá breakout đường Neckline hoặc chờ giá retest Neckline rồi mới Sell. Lợi nhuận mục tiêu bằng khoảng cách từ 2 đỉnh đến Neckline.
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Hai đỉnh qua bài viết: Mô hình giá Hai đỉnh (Double Top) là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất.
Mô hình giá Hai đáy – Double Bottom
Loại Chart pattern: Mô hình giá đảo chiều
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng trước khi mô hình giá xuất hiện: xu hướng Giảm
- Hình dạng giống chữ W, bao gồm 2 đáy gần như bằng nhau
- Xen giữa 2 đáy là đỉnh trung tâm
- Đường thẳng đi qua đỉnh trung tâm gọi là đường viền cổ (Neckline)
Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình: đáy 2 có thể thấp hoặc cao hơn đáy 1, nhưng nếu thấp hơn thì không được quá 5% và thời gian hình thành 2 đáy phải tương đối dài, cách nhau từ 2-7 tuần (theo Bulkowski 2005)
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout đường Neckline đi lên
Hướng giao dịch: Buy ngay khi giá breakout đường Neckline hoặc chờ giá retest Neckline rồi mới Buy. Lợi nhuận mục tiêu bằng khoảng cách từ 2 đáy đến Neckline.
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Hai đáy qua bài viết: Mô hình giá Hai đáy (Double Bottom) là gì? Cách giao dịch hiệu quả nhất.
Mô hình giá Ba đỉnh – Triple Top
Loại Chart pattern: mô hình giá đảo chiều
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng trước khi mô hình giá xuất hiện: xu hướng Tăng
- Bao gồm 3 đỉnh gần như bằng nhau hoặc chênh lệch không đáng kể
- Xen kẽ 3 đỉnh là 2 đáy cũng gần như bằng nhau hoặc đáy 2 cao hơn đáy 1
- Đường thẳng nối 2 đáy được gọi là đường viền cổ
- Tránh nhầm lẫn mô hình giá Ba đỉnh với mô hình giá Chữ nhật và mô hình giá Tam giác
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout đường Neckline đi xuống
Hướng giao dịch: Sell ngay khi giá breakout đường Neckline hoặc chờ giá quay về retest Neckline rồi mới vào lệnh Sell. Lợi nhuận mục tiêu bằng khoảng cách từ 3 đỉnh đến đường Neckline.
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Ba đỉnh qua bài viết: Mô hình giá Ba đỉnh (Triple Top) là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
Mô hình giá Ba đáy – Triple Bottom
Loại Chart pattern: mô hình giá đảo chiều
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng trước khi mô hình giá xuất hiện: xu hướng Giảm
- Giống 3 chữ V ghép lại với nhau, tạo thành 3 đáy gần như bằng nhau hoặc chênh lệch không đáng kể
- Xen kẽ 3 đáy là 2 đỉnh cũng gần như bằng nhau hoặc đỉnh 2 thấp hơn đỉnh 1
- Đường thẳng nối 2 đỉnh được gọi là đường viền cổ
- Tránh nhầm lẫn mô hình giá Ba đáy với mô hình giá Chữ nhật và mô hình giá Tam giác
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout đường Neckline đi lên
Hướng giao dịch: Buy ngay khi giá breakout đường Neckline hoặc chờ giá quay về retest Neckline rồi mới vào lệnh Buy. Lợi nhuận mục tiêu bằng khoảng cách từ 3 đáy đến đường Neckline.
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Ba đáy qua bài viết: Mô hình giá Ba đáy (Triple Bottom) là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
Mô hình giá Vai đầu vai – Head and Shoulders
Loại Chart pattern: mô hình giá đảo chiều
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng trước khi mô hình giá xuất hiện: xu hướng Tăng
- Bao gồm 3 đỉnh liên tiếp nhau, đỉnh ở giữa cao nhất (Đầu) và 2 đỉnh bên cạnh thấp hơn (Vai trái – Vai phải)
- 2 vai có thể không bằng nhau, chỉ cần thỏa mãn điều kiện luôn thấp hơn đầu
- Xen kẽ 3 đỉnh là 2 đáy, có thể không bằng nhau, đường thẳng nối 2 đáy chính là đường viền cổ Neckline
Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình:
- Nếu vai phải thấp hơn vai trái thì khả năng thị trường đảo chiều giảm sẽ cao hơn
- Neckline có thể nằm ngang hoặc dốc lên, dốc xuống. Nhưng nếu Neckline nằm ngang thì lực cản của ngưỡng hỗ trợ sẽ mạnh hơn, một khi bị phá vỡ thì giá sẽ di chuyển rất mạnh mẽ.
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout đường Neckline đi xuống
Hướng giao dịch: Sell ngay khi giá phá vỡ Neckline hoặc chờ đợi giá quay lại retest Neckline mới vào lệnh Sell. Lợi nhuận mục tiêu bằng khoảng cách từ đỉnh thứ 2 (Đầu) đến Neckline.
Mô hình Vai đầu vai ngược – Inverted Head and Shoulders
Loại Chart pattern: mô hình giá đảo chiều
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng trước khi mô hình giá xuất hiện: xu hướng Giảm
- Bao gồm 3 đáy liên tiếp nhau, đáy ở giữa thấp nhất (Đầu) và 2 đáy bên cạnh cao hơn (Vai trái – Vai phải)
- 2 vai có thể không bằng nhau, chỉ cần thỏa mãn điều kiện luôn cao hơn đầu
- Xen kẽ 3 đáy là 2 đỉnh, có thể không bằng nhau, đường thẳng nối 2 đỉnh chính là đường viền cổ Neckline
Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình:
- Nếu vai phải cao hơn vai trái thì khả năng thị trường đảo chiều tăng sẽ cao hơn
- Neckline có thể nằm ngang hoặc dốc lên, dốc xuống. Nhưng nếu Neckline nằm ngang thì lực cản của ngưỡng kháng cự sẽ mạnh hơn, một khi bị phá vỡ thì giá sẽ di chuyển rất mạnh mẽ.
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout đường Neckline đi lên
Hướng giao dịch: Buy ngay khi giá phá vỡ Neckline hoặc chờ đợi giá quay lại retest Neckline mới vào lệnh Buy. Lợi nhuận mục tiêu bằng khoảng cách từ đáy thứ 2 (Đầu) đến Neckline.
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Vai đầu vai và Vai đầu vai ngược qua bài viết: Mô hình giá Vai đầu vai thuận và ngược. Cách giao dịch hiệu quả.
Mô hình giá Chữ nhật – Rectangle
Loại Chart pattern: mô hình giá tiếp diễn (khả năng giá tiếp diễn xu hướng cũ có xác suất cao hơn so với khả năng giá đảo chiều)
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng thị trường trước khi mô hình giá xuất hiện: Tăng hoặc giảm đều hợp lệ
- Giá di chuyển lên xuống trong phạm vi được giới hạn bởi 2 đường hỗ trợ và kháng cự nằm ngang
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá phá vỡ kháng cự đi lên (Bullish Rectangle) hoặc giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống (Bearish Rectangle)
Hướng giao dịch:
- Nếu xu hướng trước khi mô hình xuất hiện là Tăng thì kỳ vọng giá sẽ phá vỡ kháng cự đi lên (Bullish Rectangle) để vào lệnh Buy hoặc chờ cho giá quay lại retest kháng cự rồi mới vào lệnh.
- Nếu xu hướng trước đó là Giảm thì kỳ vọng giá sẽ phá vỡ hỗ trợ đi xuống (Bearish Rectangle) để vào lệnh Sell hoặc chờ giá quay lại retest hỗ trợ rồi mới vào lệnh.
- Lợi nhuận mục tiêu chính bằng khoảng cách từ hỗ trợ đến kháng cự.
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Chữ nhật qua bài viết: Mô hình giá Chữ nhật (Rectangle patterns) là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
Mô hình giá Cốc và Tay cầm – Cup and Handle
Loại Chart pattern: mô hình giá tiếp diễn
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng thị trường trước khi mô hình giá xuất hiện: xu hướng Tăng
- Có hình dáng giống chiếc cốc, bao gồm phần thân và phần tay cầm
- Phần thân cốc: đáy cốc có mức độ giảm từ 12 – 15% hoặc có thể lên đến 33% so với đỉnh cốc. Đường thẳng đi qua đỉnh cốc đóng vai trò là đường kháng cự của mô hình
- Phần tay cầm: không được giảm quá sâu, chỉ ở mức khoản 1/3 nửa trên của thân cốc và không được quá ½ độ sâu của phần thân.
Điều kiện gia tăng độ tin cậy:
- Phần Thân cốc nếu có đáy chữ U và đáy rộng, dài sẽ cho tín hiệu mạnh hơn so với đáy chữ V.
- Đáy Cốc không nên quá sâu, nếu vượt quá 50% so với mức giá ở đỉnh Cốc thì mô hình dường như sẽ không xảy ra hoặc sau khi phá vỡ kháng cự, giá sẽ chỉ tăng lên nhẹ, không đủ để đạt được lợi nhuận mục tiêu.
- Nếu phần Tay cầm có hình dáng giống như mô hình giá Cái nêm giảm thì xác suất giao dịch với mô hình Cốc và Tay cầm sẽ cao hơn vì giá cũng sẽ phá vỡ đi lên sau khi mô hình giá Cái nêm giảm hình thành.
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout đường kháng cự của mô hình
Hướng giao dịch: Buy ngay khi giá phá vỡ kháng cự đi lên hoặc chờ giá quay lại retest kháng cự rồi mới vào lệnh.
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Cốc và Tay cầm qua bài viết: Mô hình giá Cốc và Tay cầm (Cup and Handle patterns) là gì? Đặc điểm, ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
Mô hình giá Cái nêm – Wedge
Loại Chart pattern: mô hình giá lưỡng tính
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng thị trường trước khi mô hình giá xuất hiện: Tăng hoặc Giảm đều hợp lệ
- Bao gồm 2 đường xu hướng cùng dốc lên (mô hình Cái nêm tăng – Rising Wedge) hoặc 2 đường xu hướng cùng dốc xuống (mô hình Cái nêm giảm – Falling Wedge), đường ở trên đóng vai trò là ngưỡng kháng cự, đường ở dưới là hỗ trợ.
- Trong mô hình Cái nêm tăng, đường hỗ trợ dốc hơn kháng cự, ngược lại, trong mô hình Cái nêm giảm, đường kháng cự dốc hơn hỗ trợ.
- 2 đường hỗ trợ và kháng cự có xu hướng cùng hội tụ về 1 điểm
Điều kiện mô hình được kích hoạt: Mô hình Cái nêm tăng được kích hoạt khi giá breakout hỗ trợ và đi xuống, mô hình Cái nêm giảm được kích hoạt khi giá breakout kháng cự và đi lên.
Hướng giao dịch:
- Mô hình Cái nêm tăng: Sell ngay khi giá phá vỡ hỗ trợ hoặc đợi giá quay lại retest hỗ trợ mới vào lệnh, bất kể trước đó xu hướng là tăng hay giảm.
- Mô hình Cái nêm giảm: Buy ngay khi giá phá vỡ kháng cự hoặc đợi giá quay lại retest kháng cự mới vào lệnh, bất kể xu hướng ban đầu là tăng hay giảm.
- Lợi nhuận mục tiêu có thể lựa chọn bằng khoảng cách cao nhất từ hỗ trợ đến kháng cự (độ cao của mô hình).
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Cái nêm qua bài viết: Mô hình giá Cái nêm (Wedge patterns) là gì? Đặc điểm, ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất dành cho trader mới.
Mô hình giá Tam giác – Triangle
Loại Chart pattern: mô hình giá lưỡng tính
Đặc điểm nhận diện:
- Xu hướng thị trường trước khi mô hình giá xuất hiện: có thể Tăng hoặc Giảm
- Bao gồm 2 đường xu hướng, đường ở trên nối các đỉnh và đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự, đường ở dưới nối các đáy và đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ. Trong 2 đường xu hướng này, một đường bắt buộc hướng xuống hoặc lên, đường còn lại đi theo hướng ngược lại hoặc đi ngang. Cụ thể:
- Mô hình Tam giác cân (Symmetrical Triangle): kháng cự dốc xuống, hỗ trợ dốc lên, đối xứng nhau và hội tụ tại một điểm
- Mô hình Tam giác tăng (Ascending Triangle): kháng cự đi ngang và hỗ trợ dốc lên
- Mô hình Tam giác giảm (Descending Triangle): kháng cự dốc xuống và hỗ trợ đi ngang
- Tránh nhầm lẫn mô hình giá Tam giác với mô hình Cái nêm và Cờ đuôi nheo
Điều kiện mô hình được kích hoạt: giá breakout thành công đường kháng cự hoặc hỗ trợ của mô hình
Hướng giao dịch:
- Mô hình Tam giác cân: khả năng giá phá vỡ mô hình theo 2 hướng là như nhau, theo nghiên cứu của Kirkpatrick C.D & Dahlquist J.R (2006) thì xác suất giá phá vỡ kháng cự là 54% và phá vỡ hỗ trợ là 46%. Do đó, chờ cho giá phá vỡ mô hình theo hướng nào thì vào lệnh theo hướng đó.
- Mô hình Tam giác tăng: cũng theo Kirkpatrick C.D & Dahlquist J.R (2006) thì 77% là giá sẽ phá vỡ kháng cự đi lên và chỉ 23% là giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống. Do đó, hoặc là vào lệnh 50-50 như với mô hình Tam giác cân hoặc là đặt một lệnh Buy Stop ngay phía trên đường kháng cự theo tỷ lệ phá vỡ cao hơn. Nếu giá đi ngược lại, các bạn có thể vào lệnh Sell với khối lượng ít hơn, lệnh Buy Stop không được kích hoạt và có thể hủy nó đi.
- Mô hình Tam giác giảm: ngược lại, khả năng giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống sẽ cao hơn khả năng giá phá vỡ kháng cự đi lên với tỷ lệ tương ứng là 64% và 36%. Tương tự, các bạn có thể vào lệnh như với mô hình Tam giác cân hoặc đặt lệnh Sell Stop ngay phía dưới đường hỗ trợ. Nếu giá phá vỡ kháng cự đi lên thì vào lệnh Buy với khối lượng ít hơn, lệnh Sell Stop không được kích hoạt và có thể hủy nó đi.
- Lợi nhuận mục tiêu bằng với độ cao của mô hình (khoảng cách xa nhất từ hỗ trợ đến kháng cự)
Tham khảo chi tiết cách giao dịch với mô hình giá Tam giác qua bài viết: Mô hình giá Tam giác (Triangle patterns) là gì? Đặc điểm, ý nghĩa và cách giao dịch hiệu quả nhất.
Các bước giao dịch với mô hình giá
Có 5 bước cơ bản khi giao dịch với mô hình giá, cụ thể:
Bước 1: Xác định xu hướng thị trường trước khi mô hình giá xuất hiện
Bất kể các bạn theo đuổi trường phái phân tích nào thì xác định xu hướng hiện tại là không thể thiếu. Còn nếu giao dịch với mô hình giá thì bước này lại càng cực kỳ quan trọng vì mỗi mô hình giá sẽ cho chúng ta biết trước về khả năng di chuyển của thị trường ngay sau đó khi và chỉ khi xác định được xu hướng trước khi nó hình thành.
Đừng nghĩ ngay đến việc sẽ sử dụng một trend indicator nào đó để xác định xu hướng hiện tại, đặc biệt nếu bạn đang có ý định theo đuổi trường phái price action. Hãy làm việc này bằng cách quan sát hành vi của giá để xác định cấu trúc của xu hướng, cụ thể:
- Nếu giá tạo đỉnh mới cao hơn và đáy mới cao hơn thì thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Nếu giá tạo đỉnh mới thấp hơn và đáy mới thấp hơn thì thị trường đang trong xu hướng giảm.
Ít nhất 2 đỉnh và 2 đáy tuân theo quy luật đó thì cấu trúc xu hướng được xem như hình thành và chúng ta có thể bước đầu xác định được thị trường đang tăng hay giảm.
Bước 2: Nhận diện và vẽ mô hình giá
Khi giá bắt đầu dao động chậm lại và có xu hướng hợp nhất trong một phạm vi hẹp hơn thì chúng ta có thể kỳ vọng về một mô hình giá có thể xảy ra.
Dựa vào hình dáng di chuyển của giá mà chúng ta có thể bước đầu nhận diện được một Chart pattern nào đó, chẳng hạn như di chuyển của giá tạo thành chữ M thì rất có thể đó là mô hình giá Hai đỉnh, giá có xu hướng hội tụ lại một điểm với ngưỡng hỗ trợ đi ngang còn ngưỡng kháng cự dốc xuống thì có thể là một Tam giác giảm, hoặc nếu giá điều chỉnh giảm sau xu hướng tăng và tăng trở lại mức cao cũ, sau đó tiếp tục một đợt điều chỉnh giảm nhẹ nữa thì rất có khả năng là mô hình giá Cốc và Tay cầm sẽ xảy ra…
Sau khi nhận diện được mô hình, các bạn tiến hành vẽ phác thảo trên đồ thị giá hình dạng của mô hình đó và chờ đợi giá phá vỡ vùng hợp nhất hay phá vỡ mô hình.
Có một vài Chart pattern cần độ chính xác cao về tỷ lệ các bước sóng như nhóm các mô hình giá Harmonic, khi các chân sóng đầu tiên xuất hiện, các bạn tiến hành đo tỷ lệ Fibonacci, nếu một trong số đó không thỏa mãn điều kiện của mô hình, cho dù hình dáng có giống đi chăng nữa thì mô hình cũng không hợp lệ và chúng ta không cần phải tiếp tục chuyển sang bước tiếp theo. Hoặc cũng có một số Chart pattern yêu cầu một vài điều kiện để mô hình có độ tin cậy cao hơn, chẳng hạn như mô hình giá Cốc và Tay cầm, khi phần Thân cốc được hình thành, các bạn tiến hành xem xét độ sâu của Thân cốc, nếu Thân cốc điều chỉnh giảm ít nhất từ 12% đến 33% so với đỉnh trước đó thì mô hình có độ tin cậy cao, nếu điều chỉnh vượt quá 50% thì khả năng mô hình không xảy ra là rất lớn, các bạn có thể bỏ qua.
Bước 3: Xác định hướng giao dịch
Sau khi xác định được mô hình giá nào đang hình thành và các điều kiện về độ tin cậy đều đảm bảo thì chúng ta sẽ xác định hướng giao dịch. Nếu đó là mô hình giá tiếp diễn hoặc đảo chiều thì chỉ chúng ta sẽ biết được giá sẽ phá vỡ mô hình theo hướng nào dựa vào xu hướng cũ trước đó. Ngược lại, với mô hình giá lưỡng tính, các bạn phải chuẩn bị tinh thần vào lệnh ở cả 2 hướng, giá phá vỡ theo hướng nào thì vào lệnh theo hướng đó.
Mặc dù thông thường, chúng ta sẽ chờ đợi cho giá phá vỡ mô hình rồi mới vào lệnh, nhưng việc xác định trước hướng giao dịch là vô cùng quan trọng vì các bạn có thể sử dụng lệnh chờ để giao dịch, lệnh chờ sẽ giúp cho chúng ta khớp được lệnh với mức giá tốt hơn, đồng thời, một khi lệnh được khớp thì cũng chính là lúc mô hình xảy ra đúng.
Bước 4: Vào lệnh
Tùy thuộc vào từng mô hình giá cụ thể mà điểm Entry sẽ khác nhau. Nhưng thông thường, có 3 cách vào lệnh khi giao dịch với các mô hình giá.
Cách 1: Vào lệnh ngay khi giá phá vỡ mô hình.
Giá phá vỡ mô hình hay mô hình được kích hoạt là khi giá breakout được ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự của vùng hợp nhất hoặc đối với các mô hình giá Harmonic thì là khi chân sóng cuối cùng thỏa mãn được tỷ lệ Fibonacci của mô hình.
Cách 2: Vào lệnh sau khi cây nến xác nhận đóng cửa
Một Chart pattern xảy ra đúng thường sẽ có cây nến xác nhận theo ngay sau breakout bar. Nến xác nhận là nến tăng nếu giá vỡ mô hình đi lên hoặc sẽ là nến giảm nếu giá phá vỡ mô hình đi xuống.
Cách 3: Vào lệnh sau khi giá retest lại ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự của mô hình
Đây là cách vào lệnh phổ biến nhất của trader khi giao dịch với Chart pattern vì việc giá quay lại retest hỗ trợ, kháng cự của mô hình cho thấy sự xác nhận mạnh mẽ tín hiệu đã tạo ra.
Bước 5: Đặt stop loss, take profit
Mỗi mô hình giá sẽ cung cấp cho các bạn vị trí đặt stop loss và take profit tiềm năng. Nhưng nhìn chung, quy tắc đặt stop loss và take profit cơ bản sẽ như sau:
- Stop loss: nếu giá phá vỡ hỗ trợ đi xuống thì stop loss sẽ được đặt ngay phía trên kháng cự của mô hình hay của vùng hợp nhất. Ngược lại, nếu giá phá vỡ kháng cự đi lên thì stop loss được đặt ngay dưới hỗ trợ của mô hình. Trong trường hợp vào lệnh sau khi giá retest hỗ trợ, kháng cự thì chỉ cần đặt stop loss ngay trên đường hỗ trợ nếu giá retest lại hỗ trợ (trở thành kháng cự mới) hoặc đặt stop loss ngay dưới kháng cự nếu giá retest lại kháng cự (trở thành hỗ trợ mới)
- Take profit: đối với các mô hình giá phổ biến như Tam giác, Chữ nhật, Hai đỉnh/Hai đáy, Vai đầu vai… thì mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng được xác định chính bằng độ cao của mô hình hay khoảng cách cao nhất từ kháng cự đến hỗ trợ của vùng hợp nhất. Còn với các mô hình giá Harmonic thì mục tiêu lợi nhuận sẽ tương ứng với các tỷ lệ Fibonacci mở rộng hoặc thoái lui quan trọng của đoạn xu hướng mới so với một trong các chân sóng của mô hình.
Cách giao dịch hiệu quả với mô hình giá
Đánh giá tỷ lệ Risk:Reward khi mô hình dần hoàn thành
Mặc dù không thuộc một trong các bước giao dịch ở trên nhưng đánh giá tỷ lệ Risk:Reward là công đoạn không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch giao dịch nào. Tỷ lệ Risk:Reward cho biết lợi nhuận kỳ vọng có tương xứng với rủi ro mà bạn phải chấp nhận khi thực hiện giao dịch hay không. Nếu hệ thống giao dịch của bạn có tỷ lệ Risk:Reward tốt thì hệ thống giao dịch đó được xem là hiệu quả và chỉ khi tỷ lệ này tốt, ổn định thì mới có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận trong dài hạn.
Mặc dù trên lý thuyết, tỷ lệ Risk:Reward tối thiểu 1:2 thì mới được xem là tốt và giao dịch nên được thực hiện thì với các Chart pattern thì chỉ cần 1:1.5 là có thể thực hiện giao dịch. Vì trên thực tế, một số mô hình giá có vị trí stop loss và take profit gần như đối xứng nhau qua entry, chẳng hạn như mô hình giá Chữ nhật, nhưng nếu chấp nhận ở tỷ lệ 1:1 thì về lâu về dài, hệ thống giao dịch sẽ không hiệu quả, do đó, vẫn sẽ có một số kỹ thuật giúp tối ưu hóa tỷ lệ này (các bạn có thể tìm hiểu cụ thể ở các bài viết về các mô hình giá riêng lẻ) và như đã nói, ít nhất đạt tỷ lệ 1:1.5 thì mới nên vào lệnh.
Vào lệnh dựa trên hành động giá
Về lý thuyết, chúng ta sẽ vào lệnh khi mô hình chính thức hoàn thành, nghĩa là khi giá phá vỡ mô hình hay phá vỡ hỗ trợ/kháng cự của vùng hợp nhất hay đối với các mô hình giá Harmonic thì là khi chân sóng cuối cùng thỏa mãn tỷ lệ Fibonacci của mô hình. Tuy nhiên, bạn có chắc đó sẽ là một đợt phá vỡ thành công hay chỉ là một false breakout và mô hình thất bại, hoặc khi chân sóng cuối cùng của Harmonic pattern thỏa mãn điều kiện của Fibonacci rồi nhưng không đảo chiều? Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra vì không có một tín hiệu giao dịch nào là chính xác 100% cả, nếu mà chính xác hoàn toàn như thế thì chắc ai cũng giàu lên nhờ thị trường forex.
Do vậy, đã là một Price action trader, các bạn nên tận dụng việc phân tích hành động giá để xác nhận lại tín hiệu giao dịch. Ví dụ như giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ bằng một cây Bearish Marubozu với thân cực lớn thì chính hành động của giá được thể hiện qua cây nến này đã giúp bạn củng cố lại tín hiệu rằng giá đã phá vỡ thành công hỗ trợ, mô hình được kích hoạt. Vào lệnh Sell lúc này sẽ an toàn hơn với xác suất thành công cao hơn. Hay với mô hình Con Bướm (Butterfly pattern) của họ nhà Harmonic, chân sóng CD đã mở rộng đến tỷ lệ 2.618 của BC và đồng thời thị trường hình thành mô hình nến Bullish Engulfing, củng cố lại tín hiệu giá sẽ đảo chiều tăng, một lệnh Buy lúc này có độ tin cậy cao hơn so với một lệnh Buy mà không có sự xuất hiện của mô hình Bullish Engulfing đó.
Tất nhiên, nếu hành động giá không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho biết chắc chắn rằng Chart pattern đó sẽ được kích hoạt và xảy ra đúng thì các bạn có thể mạo hiểm vào lệnh theo cách thứ nhất, an toàn hơn ở cách thứ hai hoặc cách thứ ba.
Các lệnh có điều kiện là chiến lược giao dịch hiệu quả với Chart pattern
Lệnh có điều kiện hay lệnh chờ thường được sử dụng khi giao dịch với các mô hình giá lưỡng tính, là khi chúng ta không thể xác định được hướng đi của giá chỉ đến khi mô hình chính thức được kích hoạt.
Ví dụ: trong mô hình giá Tam giác giảm, mặc dù đó là một mô hình giá lưỡng tính nhưng các nghiên cứu có thể chỉ ra được xác suất phá vỡ theo mỗi hướng của giá, cụ thể, xác suất để mô hình giá Tam giác giảm phá vỡ đi lên là 36%, trong khi xác suất phá vỡ đi xuống đến 64% (theo nghiên cứu của Kirkpatrick C.D & Dahlquist J.R). Đối với mô hình này, các bạn có thể sử dụng một lệnh chờ bán (Sell Stop) ngay phía dưới đường hỗ trợ. Nếu giá phá vỡ kháng cự đi lên, các bạn có thể vào lệnh Buy với khối lượng ít hơn, lệnh Sell Stop không được kích hoạt và có thể hủy lệnh đi.
Thích ứng với các điều kiện đặc biệt của thị trường
Ngoài 3 cách vào lệnh cơ bản như đã trình bày ở phần trên thì trong giao dịch với các mô hình giá, trader có thể vào lệnh sớm hơn, trước khi mô hình chính thức hoàn thành nhờ những tín hiệu đặc biệt từ thị trường. Tức là khi giá chưa phá vỡ mô hình nhưng xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng có độ tin cậy cao thì các bạn có thể vào lệnh ngay.
Các tín hiệu này có thể được phát hiện thông qua hành vi của giá hình thành nên các mô hình nến đảo chiều. Hoặc để thêm phần chắc chắn, các bạn có thể kết hợp thêm tín hiệu từ indicators, nhưng chỉ nên sử dụng một indicators duy nhất trong trường hợp này để xác nhận lại tín hiệu giao dịch nếu muốn vào lệnh sớm, ngoài ra, hãy để cho đồ thị giá được đơn giản nhất có thể.
Ví dụ: khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm mạnh mẽ (chẳng hạn như Bearish Engulfing, Evening Star…) tại đỉnh thứ 3 của mô hình giá Ba đỉnh thì các bạn có thể vào lệnh ngay khi cây nến cuối cùng trong mô hình đóng cửa. Nếu muốn chắc chắn hơn, các bạn có thể kết hợp thêm tín hiệu phân kỳ từ chỉ báo RSI chẳng hạn.
Chuyển đổi biểu đồ giá linh hoạt
Đồ thị giá là linh hồn của trường phái phân tích kỹ thuật và lựa chọn loại biểu đồ phù hợp cũng là một trong những kỹ thuật giao dịch cần có của forex trader.
Trong giao dịch với các Chart pattern thì biểu đồ đường (line chart) và biểu đồ nến Nhật (Candlestick chart) là 2 loại biểu đồ giá được sử dụng phổ biến nhất. Nhưng nó không phân loại theo 2 cách giao dịch khác nhau mà 2 dạng biểu đồ này được kết hợp với nhau để đạt hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, biểu đồ đường được sử dụng để nhận diện mô hình giá. Chỉ với một đường nét đơn giản, biểu đồ đường sẽ giúp trader tập trung hơn vào việc quan sát hình dáng được tạo ra từ vùng giá tích lũy, ngược lại, màu sắc, thân nến dài ngắn, bóng nến… của đồ thị nến Nhật sẽ rất dễ khiến chúng ta mất tập trung, làm gián đoạn quá trình quan sát và có thể dẫn đến nhầm lẫn các Chart pattern với nhau.
Sau khi nhận diện mô hình thì chuyển sang đồ thị nến nhật để xác định tín hiệu giao dịch. Thật sự rất khó nếu chúng ta nhìn vào biểu đồ đường để xác định được giá breakout vùng hợp nhất bằng bao nhiêu phiên giao dịch, nếu vào lệnh với loại biểu đồ giá này thì có khả năng sẽ bỏ lỡ cơ hội vào lệnh tốt hoặc gặp phải false breakout. Ngược lại, đồ thị nến Nhật là dạng biểu đồ giá làm tốt nhất trong việc xác định các tín hiệu giao dịch, bao gồm tín hiệu giá breakout mô hình, giá retest hỗ trợ, kháng cự hay tín hiệu giá đảo chiều sớm khi mô hình chưa hoàn thành…
Ưu, nhược điểm khi giao dịch với mô hình giá
Bất kỳ một phương pháp hay công cụ phân tích nào cũng tồn tại những ưu, nhược điểm riêng của nó và tất nhiên, mô hình giá cũng không ngoại lệ.
Ưu điểm khi giao dịch với Chart pattern
Đơn giản hóa đồ thị giá
Khác với indicators, các trader giao dịch với Chart pattern hay Candlestick pattern sẽ chỉ sử dụng một dữ liệu duy nhất, chính là các cây nến trên đồ thị giá. Cũng vì không phải chèn nhiều indicators nên đồ thị giá rất sạch sẽ, rất đơn giản. Và theo quan điểm của các Price action trader thì càng đơn giản thì càng dễ giao dịch và giao dịch sẽ càng hiệu quả.
Hình ảnh trực quan, dễ nhớ, dễ nhận diện
Các mô hình giá trong giao dịch forex có hình dáng quen thuộc trong đời sống và tên gọi của chúng cũng rất tượng hình nên sẽ giúp trader dễ nhớ hơn, chỉ cần nghe cái tên là có thể hình dung ra được hình dáng của nó như thế nào.
Không có độ trễ tín hiệu
So với các lagging indicators thì các mô hình giá không có độ trễ, khi tín hiệu tạo ra từ Chart pattern xuất hiện cũng là lúc giá di chuyển theo đúng tín hiệu đó, chứ không phải giá di chuyển được một lúc rồi tín hiệu mới xuất hiện.
Và nhờ không có độ trễ tín hiệu nên khi giao dịch với mô hình giá sẽ có được điểm vào lệnh đẹp hơn, lợi nhuận kỳ vọng tương ứng với lợi nhuận tiềm năng mà mô hình mang lại.
Khả năng mô hình giá xảy ra đúng cao
Trường phái Price action đang được rất nhiều trader ưa chuộng và lựa chọn làm phương pháp giao dịch. Đồng thời, các Chart pattern cũng rất dễ dàng để nhận diện nên sẽ có rất nhiều người vào lệnh theo mô hình giá, mà càng nhiều người giao dịch thì tín hiệu tạo ra từ mô hình sẽ càng chính xác hơn vì hành vi của đám đông sẽ tác động đến đường đi của giá.
Nhược điểm khi giao dịch với mô hình giá
Chart pattern có thể không xảy ra đúng
Tất nhiên, như đã nói, không một phương pháp, công cụ phân tích nào là có thể chắc chắn chính xác 100%, ngay cả khi mà bạn cho rằng giá không thể nào đi xuống và đảm bảo 1000% với kết luận đó thì thị trường vẫn có thể đá văng cái sự chắc chắn của bạn.
Chẳng hạn như khi giá phá vỡ được đường hỗ trợ của vùng hợp nhất nhưng chỉ tiếp tục giảm thêm 2 phiên nữa, ngay sau đó lập tức đảo chiều tăng. Mô hình giá đã được kích hoạt nhưng lại không xảy ra đúng.
Đã lựa chọn giao dịch với mô hình giá hay lựa chọn tham gia vào thị trường forex thì các bạn phải mặc định đang chấp nhận một mức độ rủi ro cao.
Do đó, khi giao dịch với mô hình giá, các bạn chỉ nên vào lệnh khi tỷ lệ Risk:Reward đủ hấp dẫn.
Giao dịch với Chart pattern mang tính chủ quan
Mỗi trader sẽ có một kỹ thuật nhận diện mô hình khác nhau vì không có một quy ước, quy luật nghiêm ngặt nào trong việc xác định một Chart pattern và trong tổng số hàng trăm mô hình giá thì việc trader này nhận diện di chuyển của giá tạo thành mô hình A nhưng trader khác sẽ nhìn thấy mô hình B. Hay đối với mô hình A, trader này cho rằng đây là mô hình giá tiếp diễn nhưng trader khác lại nhận định đó sẽ là một mô hình giá đảo chiều. Mà giao dịch chủ quan sẽ rủi ro hơn so với giao dịch khách quan.
Mô hình giá mất nhiều thời gian để hoàn thành
Kiên nhẫn là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong giao dịch forex và đặc biệt hơn nữa khi các bạn lựa chọn giao dịch với các mô hình giá. Thời gian để một Chart pattern hình thành là rất lâu, có thể đến vài tháng, chưa kể các tín hiệu tạo ra từ mô hình cũng cần một thời gian để xác nhận một cách chắc chắn hơn. Điều này có thể sẽ là một gánh nặng tâm lý đối với các trader thiếu kiên nhẫn, họ sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái đang bỏ lỡ lợi nhuận vì sự chần chừ khi vào lệnh của mình.
Vì vậy, như đã nói ngay từ ban đầu, nếu theo đuổi phong cách giao dịch lướt sóng hoặc ngắn hạn thì các Chart pattern có thể sẽ chưa thật sự phù hợp với bạn.
Hầu hết các mô hình giá chỉ hiệu quả trong ngắn hạn
Nhược điểm này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhược điểm ở trên, các bạn lưu ý nhé. Tính hiệu quả trong ngắn hạn ở đây ám chỉ việc sau khi mô hình giá được kích hoạt, quá trình đảo chiều xu hướng hoặc tiếp diễn xu hướng cũ để tạo ra lợi nhuận kỳ vọng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là, nếu các bạn bỏ lỡ tín hiệu tạo ra từ mô hình giá và vào lệnh chậm trễ thì lợi nhuận đạt được sẽ không còn là mức lợi nhuận kỳ vọng mà mô hình mang lại hay tỷ lệ Risk:Reward không còn hấp dẫn nữa.
Kết luận
Nhìn chung, những ưu điểm của mô hình giá vượt xa các điểm hạn chế của nó, chính vì vậy, nếu bạn đã có ý định theo đuổi trường phái phân tích hành động giá (Price action) thì đừng bỏ qua công cụ phân tích này.
Có rất nhiều mô hình giá khác nhau và chúng cũng rất dễ nhầm lẫn với nhau, do đó, các bạn nên luyện tập giao dịch, tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm để có thể nhận diện chính xác và khai thác triệt để các cơ hội giao dịch mà các Chart pattern này mang lại. Nếu có hệ thống giao dịch hiệu quả, các mô hình giá sẽ giúp cho giao dịch của bạn sinh ra lợi ổn định trong dài hạn trên bất kỳ thị trường nào.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.