- Mô hình nến Dark Cloud Cover là gì?
- Đặc điểm nhận diện của mô hình Dark Cloud Cover
- Tâm lý thị trường đằng sau mô hình Dark Cloud Cover
- Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình
- Mô hình Dark Cloud Cover và Bearish Engulfing
- Mô hình Dark Cloud Cover và mô hình Piercing (Nến đường nhọn đảo ngược)
- Các bước giao dịch cụ thể với mô hình Dark Cloud Cover
- Ví dụ về mô hình Dark Cloud Cover trên thị trường forex
- Chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với mô hình Dark Cloud Cover
- Kết luận
Chúng ta thường thấy là trong số các mô hình giá (Chart patterns) sẽ có một vài mô hình khá giống nhau về hình dáng, chẳng hạn như mô hình Tam giác với Cái nêm, mô hình Ba đỉnh/Ba đáy với Chữ nhật… và rất ít khi thấy các mô hình nến (Candlestick patterns) có đặc điểm nhận diện giống nhau. Nhưng thực ra là có, không những giống nhau về đặc điểm cây nến mà cả xu hướng trước khi mô hình xuất hiện và loại tín hiệu tạo ra cũng giống nhau.
Và tiếp tục chuỗi bài viết về các candlestick patterns thì lần này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn một mô hình có nhiều điểm tương đồng với các mô hình nến khác – Dark Cloud Cover pattern (Mây đen bao phủ).
Vậy thì, Dark Cloud Cover pattern có đặc điểm như thế nào? Tâm lý thị trường đằng sau mô hình này là gì? Và làm sao để giao dịch hiệu quả nhất với mô hình? Cùng bắt đầu tìm hiểu nhé.
Mô hình nến Dark Cloud Cover là gì?
Dark Cloud Cover – Mây đen bao phủ, nghe cái tên thôi cũng có thể phần nào dự đoán được tín hiệu mà candlestick pattern này cung cấp cho trader, chính xác là một mô hình nến đảo chiều giảm.
Hầu hết tất cả các candlestick patterns đều có xuất phát điểm trên thị trường chứng khoán nên đối với các mô hình nến đảo chiều tăng, chúng sẽ có những cái tên rất đẹp, rất tươi sáng như Sao Mai, Ba chàng lính trắng… thì các mô hình nến đảo chiều giảm sẽ có những cái tên rất u ám như Ba con quạ đen, Sao Hôm, Mây đen bao phủ… vì với những nhà đầu tư chứng khoán, thị trường tăng giá là chân ái, thị trường giảm giá là thảm họa.
Còn trên thị trường forex, thị trường đi lên hay đi xuống đều tốt, đều mang đến những cơ hội giao dịch tuyệt vời cho trader. Cho nên, dù có gặp Dark Cloud Cover pattern hay Evening Star pattern… thì trader cũng đều cảm thấy phấn khích vì những mô hình này sẽ mang lại cơ hội tuyệt vời cho họ.
Quay trở lại Dark Cloud Cover pattern, mô hình này bao gồm 2 cây nến tín hiệu, 1 cây màu xanh tăng giá mạnh và theo sau là 1 cây màu đỏ giảm giá mạnh, đóng cửa thấp hơn mức 50% thân nến tăng. Mô hình xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc đợt điều chỉnh tăng và báo hiệu giá sẽ giảm xuống sau khi mô hình hoàn thành.
Đặc điểm nhận diện của mô hình Dark Cloud Cover
Mô hình Dark Cloud Cover có cấu trúc như sau: Bullish – Dark Cloud Cover pattern – Bearish
- Trước khi mô hình xuất hiện, thị trường đang trong một xu hướng tăng dài hoặc một đợt điều chỉnh tăng của cả một xu hướng giảm dài.
- Mô hình Mây đen bao phủ bao gồm 2 cây nến tín hiệu
- Nến đầu tiên là nến tăng, thân nến dài
- Nến thứ hai là nến giảm, thân nến dài, giá đóng cửa phải thấp hơn mức giá ứng với 50% thân nến tăng.
- Sau khi mô hình hoàn thành, khả năng cao là thị trường sẽ đảo chiều giảm hoặc kết thúc đợt điều chỉnh tăng để tiếp tục giảm xuống theo xu hướng chính.
Lưu ý: mô hình Dark Cloud Cover được mô tả ở trên là mô hình tiêu chuẩn trong thị trường forex, còn ở những thị trường phi ngoại hối khác như chứng khoán, nhị phân, hàng hóa,… thì đặc điểm của nó sẽ có phần hơi khác một chút.
Cụ thể, trên các thị trường phi ngoại hối (non-forex market), cây nến thứ 2 của mô hình sẽ mở cửa cao hơn so với giá đóng cửa của nến 1 (tức tạo GAP), nhưng vẫn phải thỏa mãn điều kiện đóng cửa thấp hơn 50% thân nến 1.
Sở dĩ trên thị trường forex rất hiếm khi tạo GAP là vì thị trường hoạt động liên tục và có thanh khoản cao, nên thời khắc chuyển giao giữa các phiên giao dịch xảy ra rất nhanh chóng, phiên này vừa đóng xong là chuyển thành mở cửa của phiên sau ngay, nên 2 mức giá mở (phiên sau) và đóng (phiên trước) sẽ bằng nhau. Điều này cũng xảy ra tương tự như với thị trường cryptocurrency.
Tuy nhiên, nếu mô hình Dark Cloud Cover có GAP xuất hiện trên thị trường forex hay mô hình không GAP xuất hiện trên các thị trường non-forex thì chúng ta vẫn có thể giao dịch với mô hình.
Tâm lý thị trường đằng sau mô hình Dark Cloud Cover
Cây nến tăng mạnh xuất hiện trong một xu hướng tăng là chuyện hết sức bình thường, cho thấy lực xu hướng vẫn còn mạnh mẽ. Nếu cây nến tăng này là một cây Bullish Marubozu thì đám đông sẽ quyết liệt hơn để tham gia thị trường, tiếp tục đẩy giá lên cao, nếu không phải là Marubozu thì họ cần thêm thời gian để xác nhận lại tín hiệu, cụ thể tín hiệu sẽ rõ hơn ở cây nến theo ngay sau đó.
Tuy nhiên, khi qua phiên giao dịch sau, giá giảm xuống mạnh mẽ và đóng cửa dưới mức 50% thân nến 1, điều này có nghĩa là áp lực bán đã xuất hiện, xóa bỏ hơn 50% áp lực tăng trước đó. Cây nến này càng dài thì áp lực bán sẽ càng mạnh.
Sự xuất hiện của cây nến giảm mạnh này đã chứng tỏ phe mua đang bị đuối sức, phe bán đang quyết liệt hơn để đảo chiều tình thế.
Lúc này, những người đang nắm giữ vị thế mua sẽ nhanh chóng thoát khỏi thị trường vì lo sợ sự đảo chiều sẽ xảy ra, họ không muốn mất đi bất kỳ phần lợi nhuận nào thêm nữa. Số còn lại bên ngoài nhận thấy cơ hội tốt nên nhảy vào thị trường với kỳ vọng sự đảo chiều sẽ thực sự xảy ra khiến cho giá tiếp tục giảm ngay sau đó. Hoặc cũng có số khác cẩn trọng hơn, họ sẽ chờ đợi sự xác nhận xảy ra ở phiên giao dịch kế tiếp, nếu giá tiếp tục giảm, họ sẽ vào lệnh nhiều hơn, đồng nghĩa với việc nếu cây nến xác nhận xảy ra, khả năng thị trường đảo chiều cao hơn.
Điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình
Nếu có thêm những điều kiện sau đây, mô hình Dark Cloud Cover tiêu chuẩn sẽ trở nên đáng tin cậy hơn, cụ thể:
Cây nến thứ hai càng giảm sâu, mô hình càng đáng tin cậy
Điều này thì hết sức rõ ràng, càng giảm sâu càng chứng tỏ áp lực bán mạnh mẽ, phe bán đã tham gia vào thị trường hết sức quyết liệt, tạo niềm tin cho đám đông còn lại chưa tham gia thị trường bắt đầu nhảy vào, sự đảo chiều xảy ra với xác suất cao hơn
Nếu cây nến thứ hai là một cây Bearish Marubozu thì mô hình càng đáng tin cậy
Cây Bearish Marubozu là mẫu nến không có bóng nến, do đó nó càng thể hiện áp lực bán mạnh đến nỗi phe mua không có cơ hội để phản kháng trong suốt phiên giao dịch. Lực mua dường như hoàn toàn biến mất, và sự đảo chiều xảy ra là hoàn toàn có khả năng cao, thậm chí rất cao.
Nếu xuất hiện GAP như trên các thị trường phi ngoại hối thì mô hình càng đáng tin cậy
Tất nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra và nếu có xảy ra thì độ tin cậy của mô hình càng cao. Mức giá đóng cửa của cây nến thứ nhất hình thành nên ngưỡng kháng cự mạnh. Khi bắt đầu phiên giao dịch tiếp theo, giá nhảy lên cao, những tưởng phe mua có thể phá vỡ được cả ngưỡng kháng cự này để tiếp tục đưa giá lên cao hơn, nhưng ý đồ này đã nhanh chóng bị dập tắt, hoặc cũng có thể đây chỉ là một đợt test cầu của cá mập mà thôi. Do đó, xuất hiện GAP trong mô hình càng cho thấy phe mua đã suy yếu.
Sự xác nhận của khối lượng giúp mô hình gia tăng độ tin cậy
Nếu phiên giao dịch tăng giá có khối lượng thấp và đột nhiên tăng mạnh ở phiên giảm giá sau đó thì khả năng thị trường đảo chiều cao hơn. Bởi vì, thứ nhất, cây nến tăng nhưng khối lượng thấp chứng tỏ áp lực mua yếu, và khối lượng tăng mạnh mẽ ở phiên sau chứng tỏ áp lực bán đang rất lớn.
Mô hình Dark Cloud Cover và Bearish Engulfing
Trong tất cả các mô hình nến thì Dark Cloud Cover pattern dễ bị nhầm lẫn nhất với mô hình Bearish Engulfing (Nhấn chìm giảm).
Về đặc điểm nhận diện, mô hình Bearish Engulfing có cây nến thứ 2 nhấn chìm hoàn toàn cây nến thứ nhất, nghĩa là tạo GAP ở trên và đóng cửa thấp hơn mức giá mở cửa của nến 1. Và cây nến thứ nhất thường có thân ngắn hơn nhiều so với cây nến thứ hai.
Trong khi mô hình Dark Cloud Cover thì nến 2 thường mở cửa bằng với mức giá đóng cửa của nến 1 (ngoại trừ mô hình xuất hiện trên các thị trường non-forex sẽ có GAP) và đóng cửa không vượt quá giá mở cửa của nến 1 .
Về độ tin cậy của tín hiệu, trong khi mô hình Bearish Engulfing có xác suất đảo chiều giảm lên đến 79% thì mô hình Dark Cloud Cover chỉ đạt 60% (theo nghiên cứu của Bulkowski). Điều này hoàn toàn có thể lý giải được, vì đơn giản là cây nến giảm trong mô hình Bearish Engulfing thể hiện được áp lực bán cao hơn so với mô hình Dark Cloud Cover.
Mô hình Dark Cloud Cover và mô hình Piercing (Nến đường nhọn đảo ngược)
Chúng ta thường biết đến với Piercing pattern (Đường nhọn) là mô hình với 2 cây nến tín hiệu, có cấu trúc tương tự với mô hình Bullish Engulfing (Nhấn chìm tăng), chỉ khác ở chỗ là cây nến tăng thứ hai không đóng cửa cao hơn so với giá mở cửa của nến 1, tức không nhấn chìm hoàn toàn nến 1. Mô hình này cung cấp tín hiệu đảo chiều tăng nhưng độ tin cậy của tín hiệu không cao bằng Bullish Engulfing pattern.
Và nếu chúng ta đảo ngược mô hình này lại, tức nó sẽ xuất hiện vào cuối xu hướng tăng, màu sắc 2 cây nến đổi cho nhau thì ta sẽ được mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện thường xuyên trên các thị trường phi ngoại hối.
Do đó, Piercing pattern chính là mô hình đảo ngược của Dark Cloud Cover pattern, chứ không có mô hình Mây trắng hay Mây xanh bao phủ nào trên thị trường đâu nhé.
Các bước giao dịch cụ thể với mô hình Dark Cloud Cover
Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại
Nếu các bạn có theo dõi những bài viết giới thiệu về mô hình nến của chúng tôi thì chắc chắn sẽ quen thuộc với quy trình giao dịch chung này và tại sao bước đầu tiên này lại cực kỳ quan trọng và không thể thiếu.
2 cây nến trong mô hình Dark Cloud Cover có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên thị trường ngay cả ở cuối một xu hướng giảm, nhưng nó chỉ thật sự phát huy tác dụng dự báo về khả năng đảo chiều khi xuất hiện vào cuối một xu hướng tăng hoặc một đợt điều chỉnh tăng.
Về cách xác định xu hướng thị trường, chúng ta có 2 kỹ thuật: phân tích hành động giá và sử dụng indicators.
Với phân tích hành động giá, các bạn sẽ nhận định về xu hướng thông qua cấu trúc của nó, cụ thể:
- Nếu giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước → thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Nếu giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước → thị trường đang trong xu hướng giảm.
Với indicators, các bạn có thể sử dụng nhiều chỉ báo xu hướng như MA, MACD, Bollinger Bands, ADX. Và đối với một Price action trader, nếu phải sử dụng indicators để xác định xu hướng, họ thường sẽ ưu tiên lựa chọn đường trung bình trượt MA vì indicator này đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả.
Tham khảo: Đường MA là gì? Cách giao dịch hiệu quả với đường Moving Average
Bước 2: Nhận diện và xác định độ tin cậy của mô hình
Trong xu hướng tăng, nếu một cây nến xanh với thân tương đối dài xuất hiện, hãy quan sát cây nến tiếp tục hình thành ngay sau đó.
Nếu là một cây nến giảm và đóng cửa dưới 50% thân nến tăng phía trước thì đó là mô hình Dark Cloud Cover.
Tiếp tục xem xét các điều kiện gia tăng độ tin cậy của mô hình có xảy ra hay không. Nếu không, hãy quản lý rủi ro chặt chẽ hơn, có thể giảm khối lượng giao dịch so với kế hoạch ban đầu. Nhưng cho dù có xuất hiện điều kiện gia tăng độ tin cậy hay không thì với mô hình Dark Cloud Cover, việc sử dụng kết hợp tín hiệu từ indicators là điều không thể thiếu, vì xác suất thành công của mô hình không cao (chỉ 60% theo nghiên cứu của Bulkowski).
Bước 3: Vào lệnh
Ở mô hình Dark Cloud Cover, các bạn có thể vào lệnh với 2 cách khác nhau:
Cách 1: Vào lệnh khi cây nến thứ 2 của mô hình đóng cửa
Ưu điểm: Có được điểm Entry đẹp nhất
Nhược điểm: rủi ro cao hơn vì có thể ngay sau đó thị trường không đảo chiều mà tiếp tục xu hướng tăng
Cách 2: Vào lệnh khi giá breakout mô hình
Giá breakout mô hình khi nó vượt qua được mức giá thấp nhất của mô hình. Với cách này, chúng ta có 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Cây nến xác nhận theo sau mô hình phá vỡ được mức giá thấp nhất của mô hình.
Cây nến theo ngay sau nến 2 phải là cây nến giảm để xác nhận lại tín hiệu đảo chiều giảm và đóng cửa dưới mức giá thấp nhất của mô hình. Vào lệnh khi cây nến xác nhận đóng cửa.
- Trường hợp 2: Cây nến xác nhận chưa phá vỡ được mô hình
Tiếp tục chờ đợi cây nến tiếp theo và cũng có thể là những cây nến sau đó nữa sẽ phá vỡ được mô hình. Vào lệnh khi cây nến phá vỡ (breakout bar) đóng cửa.
Bước 4: Đặt stop loss và take profit
Đặt stop loss
- Nếu mô hình xuất hiện vào cuối xu hướng tăng thì đặt stop loss ngay trên mức giá cao nhất của mô hình.
- Nếu mô hình xuất hiện vào cuối đợt điều chỉnh tăng thì đặt stop loss trên swing high gần nhất hoặc cũng có thể trên mức giá cao nhất của mô hình nếu khoảng cách từ Entry đến Swing High khá lớn.
Đặt take profit
Các chiến lược giao dịch với mô hình nến đảo chiều có nhiều cách chốt lời khác nhau.
- Dựa vào tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến
- Dựa vào tín hiệu đảo chiều từ chỉ báo kỹ thuật
- Dựa vào lợi nhuận kỳ vọng, thường thì các trader sẽ đặt stop loss x2 take profit hoặc x3…
Ví dụ về mô hình Dark Cloud Cover trên thị trường forex
Ví dụ 1: Mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện tại đỉnh của xu hướng tăng
Mô hình Dark Cloud Cover này cũng khá đẹp, mặc dù nến 2 không tạo GAP so với nến 1 nhưng cây nến thứ 2 giảm khá sâu, gần như lấp đầy toàn bộ thân nến 1, hơn nữa, độ tin cậy của mô hình cũng được gia tăng khi có sự xác nhận từ khối lượng giao dịch. Cụ thể, khối lượng của cây nến tăng thấp, dưới mức trung bình (nằm dưới đường MA20) và khối lượng giao dịch tăng lên (cao hơn mức trung bình) ở cây nến giảm, cho thấy áp lực bán đang tăng lên.
Ví dụ 2: Mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện tại cuối đợt điều chỉnh tăng
2 mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện khá gần nhau và giá đều đã giảm xuống như kỳ vọng.
Cả 2 mô hình đều có độ tin cậy lớn khi mà thân nến 2 giảm khá sâu và có sự xác nhận từ khối lượng giao dịch.
Mô hình thứ nhất bao gồm cả 2 cây nến thân rất dài, thị trường điều chỉnh tăng chỉ với 2 cây nến đó và cả 2 cây đều không có bóng nến trên, tạo nên một ngưỡng kháng cự mạnh. Và khi giá tiếp tục điều chỉnh tăng, mô hình Dark Cloud Cover thứ hai xuất hiện ngay tại ngưỡng kháng cự này nên làm cho tín hiệu giá quay đầu giảm được mạnh mẽ hơn, giá đã giảm mạnh sau đó.
Nếu vào lệnh với mô hình thứ nhất, stop loss hợp lý sẽ nằm trên swing high gần nhất, còn với mô hình thứ hai, chúng ta chỉ cần đặt stop loss ngay phía trên mức giá cao nhất của mô hình.
Chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với mô hình Dark Cloud Cover
Có 2 cách để giao dịch hiệu quả hơn với mô hình nến, đó là:
- Xác định vùng giá quan trọng trên đồ thị và nếu mô hình xuất hiện tại vùng quá quan trọng đó (hỗ trợ/kháng cự) thì khả năng thành công khi giao dịch với mô hình sẽ cao hơn
- Kết hợp với indicators để củng cố lại tín hiệu phát ra từ mô hình nến
Xác định vùng giá quan trọng
Vùng giá quan trọng trong giao dịch ngoại hối chính là các vùng giá mà tại đó có áp lực mua và bán cao. Và các vùng giá mà chúng tôi muốn đề cập chính là hỗ trợ, kháng cự. Giá gặp hỗ trợ mạnh thì khả năng cao là quay đầu tăng, gặp kháng cự mạnh thì quay đầu giảm.
Mô hình Dark Cloud Cover là mô hình đảo chiều giảm, vì thế, việc của chúng ta chính là xác định các vùng/ngưỡng kháng cự quan trọng trong quá khứ, và nếu mô hình này xuất hiện tại những vùng giá đó, tín hiệu đảo chiều giảm sẽ được củng cố.
Ý tưởng của chiến lược này như sau:
Trước hết, xác định vùng giá quan trọng
- Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng dài, vùng kháng cự mạnh thường được tạo từ các mức giá cao nhất trong lịch sử.
- Nếu thị trường đang trong xu hướng giảm dài, sử dụng các công cụ như trendline, đường trung bình trượt MA… để xác định vùng kháng cự mạnh.
Tiếp đến, chờ đợi mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện và nếu nó chạm vào những vùng kháng cự mạnh được xác định trước thì đó chính là cơ hội để trader thực hiện giao dịch.
Ví dụ:
Mô hình Dark Cloud Cover trong trường hợp này xuất hiện vào cuối đợt điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm lớn và đồng thời nó cũng chạm vào đường trendline của xu hướng này, do đó tín hiệu giá quay đầu giảm càng đáng tin cậy hơn.
Hơn nữa, mô hình Mây đen bao phủ còn chạm vào tỷ lệ 0.618 của Fibonacci Retracement, càng củng cố cho tín hiệu giá kết thúc đợt điều chỉnh tăng để tiếp tục xu hướng giảm.
Vào lệnh khi cây nến thứ hai của mô hình đóng cửa. Đặt stop loss ngay phía trên mô hình để cải thiện tỷ lệ Risk:Reward vì mô hình này có độ tin cậy khá lớn.
Kết hợp với RSI
Có thể nói, RSI là chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất khi muốn kết hợp với tín hiệu từ mô hình nến.
RSI cung cấp 2 loại tín hiệu, đó là quá mua/quá bán và phân kỳ/hội tụ, cả 2 loại đều có thể được sử dụng để xác nhận lại tín hiệu từ mô hình nến.
Vì Dark Cloud Cover là mô hình đảo chiều giảm nên chúng ta sẽ giao dịch với tín hiệu quá mua và phân kỳ từ RSI. Cụ thể:
Cách giao dịch như sau:
- Đối với tín hiệu quá mua: Nếu mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện, đồng thời RSI cũng đi vào vùng quá mua và đang bắt đầu cắt đường 70 từ trên xuống thì đó là tín hiệu cho biết giá sẽ giảm xuống → vào lệnh Sell.
- Đối với tín hiệu phân kỳ: Nếu mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện, đồng thời hiện tượng phân kỳ giữa giá và RSI cũng xảy ra thì tín hiệu giá đảo chiều giảm được củng cố → vào lệnh Sell.
Ví dụ:
Mô hình Dark Cloud Cover xuất hiện trong xu hướng tăng mạnh với cấu trúc xu hướng rất rõ ràng. Cùng lúc này thì hiện tượng phân kỳ giữa giá và RSI xảy ra, củng cố tín hiệu đảo chiều giảm từ mô hình nến, là cơ hội để chúng ta có thể thực hiện một giao dịch.
Với sự xác nhận tín hiệu đảo chiều từ RSI, các bạn có thể tự tin vào lệnh ngay khi cây nến thứ 2 của mô hình đóng cửa. Nhưng diễn biến của giá có thể làm các bạn phải toát mồ hôi.
Theo ngay sau mô hình là một cây Bullish Reversal Pin bar, cây nến này cho biết vẫn còn một lượng cầu tham gia vào thị trường với kỳ vọng có thể đẩy giá tiếp tục tăng lên nhưng không thành công. Tuy nhiên, sự tồn tại của lực cầu, cùng với việc cây nến này đóng cửa phía trên mức giá thấp nhất của mô hình Dark Cloud Cover (tức chưa breakout hoàn toàn mô hình), nên chắc chắn sẽ khiến cho chúng ta lo lắng.
Tiếp đến là 2 cây Doji nối tiếp nhau, 2 phe đã tranh đấu khốc liệt, kết quả là cũng có thời gian phe mua thắng thế (bằng cây nến xanh tiếp theo nhưng không phá vỡ được mức giá cao nhất của mô hình), rồi phe bán lại dành phần hơn (với cây nến giảm và một cây Bearish Reversal Pin bar ở 2 phiên tiếp theo sau đó), dường như vẫn chưa thể phân định được chiến thẳng.
Cho đến cuối cùng, cây nến giảm mạnh phá vỡ được mức giá thấp nhất của mô hình, phe mua lúc này bỏ cuộc, chốt lời.
Số còn lại bên ngoài nhận thấy cơ hội tốt để mở vị thế Short, áp lực bán tăng lên, giá tiếp tục giảm mạnh.
Do đó, vào lệnh theo cách thứ nhất trong trường hợp này có thể sẽ khiến cho chúng ta như ngồi trên đống lửa.
Nếu vào lệnh theo cách thứ hai, điểm Entry sẽ đặt tại mức giá đóng cửa của cây nến breakout thành công mô hình.
Kết luận
Như đã nói, tín hiệu tạo ra từ mô hình Dark Cloud Cover không thật sự mạnh mẽ vì xác suất giá không đảo chiều khá lớn, nhưng một khi đã xảy ra đúng, lực đảo chiều từ mô hình rất mạnh, mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho trader. Do đó, để giao dịch hiệu quả nhất với Dark Cloud Cover pattern thì bắt buộc chúng ta phải kết hợp với phương pháp, công cụ phân tích khác.
Hãy luyện tập giao dịch với mô hình thật nhiều để tạo ra một chiến lược tốt nhất cho riêng mình.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.