Trang chủPhong cách giao dịch là gì? 4 style giao dịch chủ yếu trong forex

Phong cách giao dịch là gì? 4 style giao dịch chủ yếu trong forex

Admin

Sẽ có nhiều bạn ngạc nhiên khi đọc được tiêu đề của bài viết, rằng giao dịch forex cũng có phong cách sao? Chẳng phải chỉ cần tìm ra phương pháp giao dịch hiệu quả là sẽ thành công trên thị trường này hay sao? Phong cách giao dịch là gì? Nó có ý nghĩa gì với trader?

Nói một cách dễ hiểu nhất thì nếu ở thị trường thời trang, sẽ có người này phù hợp với phong cách thời trang này nhưng người kia người kia lại phù hợp với một phong cách thời trang khác. Hay trong thị trường âm nhạc, giọng của người này sẽ phù hợp với phong cách nhạc trữ tình, nhưng giọng của người khác lại phù hợp với phong cách nhạc dance, nhạc rock… thì trên thị trường giao dịch ngoại hối cũng như vậy, có trader sẽ phù hợp với phong cách giao dịch này nhưng trader khác lại phù hợp với phong cách giao dịch khác.

Vậy thì, phong cách giao dịch forex chính xác là gì? Làm sao để lựa chọn phong cách phù hợp với trader? Liệu rằng phong cách giao dịch có quyết định đến sự thành công của trader trên thị trường forex? Hãy cùng quocdunginvest.com giải đáp tất cả những vấn đề đó ngay sau đây nhé.

Phong cách giao dịch forex là gì?

Phong cách giao dịch forex thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến cách thức mà một trader tham gia giao dịch trên thị trường forex. Các khía cạnh này có thể là khẩu vị rủi ro, là tần suất giao dịch, là thời gian dành cho forex… mà chúng đều sẽ quyết định đến các chiến lược giao dịch sau này của bạn. Như vậy thì, trader sẽ lựa chọn phong cách giao dịch trước rồi mới xác định chiến lược giao dịch, hay nói cách khác, chiến lược giao dịch là kết quả kéo theo của một phong cách giao dịch. Do đó, 2 khái niệm này là khác nhau, không thể là một.

Việc lựa chọn phong cách giao dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cá tính của trader trên thị trường. Cụ thể, bạn là người như thế nào trên thị trường này? Bạn hấp tấp, thiếu kiên nhẫn và muốn nhìn thấy ngay lợi nhuận hoặc thua lỗ hay bạn là người có tính kiên trì, có thể nhẫn nại ngồi xem thị trường di chuyển và chờ đợi lợi nhuận/thua lỗ được kết chuyển sau vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, vài năm? Bạn muốn dốc hết toàn bộ thời gian và tâm trí cho forex hay vẫn muốn có thời gian rảnh để cà phê “chém gió”, du lịch…. cá tính của bạn như thế nào thì sẽ định hình phong cách giao dịch của bạn phù hợp với cá tính đó.

4 phong cách giao dịch chủ yếu trong forex

Có nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng thông thường, các phong cách giao dịch forex được phân loại dựa vào thời gian nắm giữ vị thế của trader, bao gồm:

Scalping Traders (Traders theo phong cách lướt sóng)

Các trader theo đuổi phong cách này sẽ mở và đóng vị thế trong khoảng thời gian rất ngắn với mục tiêu thu về lợi nhuận từ những biến động rất nhỏ của giá cả trên thị trường. Đặc trưng của phong cách này là trader thường thực hiện rất nhiều lệnh trong một ngày, có thể lên đến con số hàng trăm và vì tận dụng những biến động nhỏ nhất nên họ sẽ sử dụng đòn bẩy cao như một chiến lược không thể thiếu. Về lý thuyết, Scalping Traders được đánh giá là phong cách giao dịch ít rủi ro hơn so với những phong cách khác do đặc trưng của các chiến lược trong phong cách này là không định hướng thị trường (nghĩa là không cần phải xác định chính xác xu hướng thị trường) và giao dịch ít tiếp xúc với các sự kiện lớn. Tuy nhiên, do phải thực hiện một số lượng lệnh lớn trong ngày nên đòi hỏi trader phải có mức độ tập trung cao, việc quản lý lệnh đòi hỏi có nhiều kỹ năng, do đó, Scalping Trader được xem là phong cách giao dịch khó thực hiện nhất.

Scalping Traders phù hợp với những người có nhiều thời gian dành cho thị trường vì nó đòi hỏi trader phải luôn để mắt đến chuyển động của giá, không có chuyện “vừa ăn bánh vừa trading” đâu nhé.

Day Traders (Traders theo phong cách giao dịch trong ngày)

Theo đúng như tên gọi của nó thì các trader theo đuổi phong cách này sẽ mở và đóng lệnh trong ngày, không giữ lệnh qua đêm, với mục đích khai thác những biến động giá trong một ngày hoặc trong một phiên giao dịch lớn như H1 hay H4. Đặc trưng của phong cách này đó là trader thường đặt lệnh với khối lượng tương đối lớn, tập trung phân tích các mẫu kỹ thuật thay vì các dữ liệu kinh tế cơ bản.

Về số lượng lệnh thực hiện trong ngày thì ít hơn so với Scalping Traders và thời gian giữ lệnh thì lâu hơn, từ vài giờ.

Chiến lược đặc trưng của phong cách này bao gồm cả giao dịch theo xu hướng và giao dịch đảo chiều xu hướng trong ngày, theo đó, trader sẽ xác định xu hướng trong ngày trên những khung thời gian lớn như H1, H4, sau đó sử dụng các khung thời gian nhỏ hơn như M30, M15 để tìm vị trí vào lệnh phù hợp với chiến lược được sử dụng.

Day Traders thì phù hợp với những nhà giao dịch thích sự thư thả hơn một chút, tất cả những gì họ làm là tìm kiếm cơ hội giao dịch khi bắt đầu một ngày mới, sau đó có thể vừa ăn bánh vừa xem giá di chuyển mà không cần phải lúc nào cũng dán mắt vào màn hình máy tính. Tuy nhiên, phong cách giao dịch trong ngày đòi hỏi trader có nhiều kinh nghiệm và sự am hiểu sâu sắc về thị trường mà họ quan tâm, đồng thời phải sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và đảm bảo thành công.

Swing Traders (Traders theo phong cách giao dịch trung hạn)

Không giống như Scalping Traders hay Day Traders, các Swing Traders cố gắng kiếm lợi nhuận bằng cách giữ vị thế mở trong vài ngày và tận dụng các biến động giá rộng hơn so với các biến động trong ngày. Do đó, phong cách Swing Traders giúp mang lại lợi nhuận cao hơn với ít rủi ro hơn.

Chiến lược đặc trưng của phong cách này là kết hợp phân tích các yếu tố cơ bản và các mẫu kỹ thuật trên biểu đồ. Trader sẽ xem xét xu hướng ở tầm vĩ mô hơn, sau đó tập trung vào động lượng của giá trong ngắn hạn để giao dịch theo xu hướng lớn.

Swing Traders là một phong cách giao dịch phổ biến, có thể phù hợp với nhiều trader hơn, những người không có quá nhiều thời gian dành cho forex do đặc trưng của phong cách này là không đòi hỏi sự tập trung cao, có thể một, hai ngày trader không xem giá di chuyển cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng bù lại, muốn theo đuổi thành công phong cách này, các trader phải nắm chắc các chiến lược giao dịch và khả năng đọc vị xu hướng tốt.

Position Traders (Trader theo phong cách giao dịch vị thế)

Thay vì theo đuổi các biến động giá trong ngắn hạn thì các Position Traders có xu hướng tập trung vào một kế hoạch dài hạn hơn. Một vị thế mở có thể được giữ đến vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm, do đó, mặc dù vẫn sẽ xem xét các mẫu hình kỹ thuật nhưng trader sẽ tuân thủ nghiêm ngặt vào các dữ liệu kinh tế cơ bản hơn.

Các chiến lược giao dịch theo phong cách này thường dựa trên các mô hình kinh tế, chính sách của chính phủ và lãi suất…, họ nhận định về bức tranh tổng thể của thị trường, sau đó giao dịch với kỳ vọng xu hướng lớn vẫn sẽ được tiếp diễn, nhưng nếu điều đó không xảy ra, họ sẽ phải đối mặt với thua lỗ lớn trong dài hạn.

Phong cách Position Traders phù hợp với những người không có nhiều thời gian dành cho forex, họ giao dịch forex như một công việc phụ có thể gia tăng thêm thu nhập, giống như cách mà các nhà đầu tư kiếm tiền trên thị trường chứng khoán, mua cổ phiếu rồi để đó, hằng ngày lên đọc tin tức, xem giá tăng bao nhiêu, giá giảm thế nào rồi lại tiếp tục theo dõi, không tác động đến các vị thế đang mở, chỉ khi có biến động lớn có thể ảnh hưởng đến giá về lâu về dài thì lúc đó mới bắt đầu can thiệp.

Làm sao để lựa chọn phong cách giao dịch phù hợp với cá tính của trader?

Trong giao dịch forex, có 4 phong cách chủ yếu đã được trình bày ở phần trên, vậy thì, sau khi đã hiểu được đặc điểm của từng phong cách giao dịch, việc còn lại là xác định cá tính của trader trên thị trường. Mà điều này thì không ai giúp được các bạn, chỉ có chính bạn mới hiểu được chính mình mà thôi.

Nhưng chúng tôi sẽ có một vài gợi ý để các bạn có thể lựa chọn được phong cách giao dịch phù hợp với cá tính của mình.

Thứ nhất, như đã nói, bạn cần xác định mình là người như thế nào trên thị trường này. Nếu bạn không đủ kiên nhẫn để chờ đợi thấy được lợi nhuận hay thua lỗ trong thời gian dài thì Scalping Traders và Day Traders là các phong cách phù hợp với bạn. Ngược lại, nếu bạn là người có tính kiên nhẫn và thích “chậm mà chắc” thì Swing Traders và Position Traders sẽ phù hợp với bạn hơn.

Ngoài ra, mỗi phong cách giao dịch còn phụ thuộc vào một vài yếu tố khác nữa, các bạn cần xác định được xác yếu tố này để lựa chọn được phong cách giao dịch phù hợp nhất với mình.

Kỳ vọng lợi nhuận

Nói một cách dễ hiểu hơn thì các bạn mong muốn sẽ kiếm được bao nhiêu tiền lợi nhuận trong vòng một tháng, một quý, một năm hoặc vài năm và để làm gì với số tiền đó?

Chẳng hạn như nếu bạn mong muốn có thêm một khoảng thu nhập để trang trải thêm các chi phí sinh hoạt hằng tháng thì Day Traders hoặc Swing Traders là sự lựa chọn phù hợp. Hay với các mục tiêu tài chính xa hơn như mua nhà, mua xe, cho con du học thì bạn cần tích lũy lợi nhuận trong dài hạn, và Swing Traders hoặc Position Traders sẽ thích hợp hơn với mục tiêu này. Còn nếu bạn muốn mỗi ngày kiếm được vài đô la để tiêu vặt, trả tiền điện thoại, xăng xe… thì Scalping Traders hoặc Day Traders đích thị là những phong cách mà bạn có thể lựa chọn.

Khẩu vị rủi ro

Đã giao dịch forex thì chắc chắn có rủi ro, nếu bạn thích an toàn thì thị trường này không dành cho bạn chứ đừng nói gì đến phong cách nào sẽ phù hợp với bạn. Trong 4 phong cách giao dịch thì Swing Traders và Position Traders có tỷ lệ rủi ro thấp hơn so với 2 phong cách còn lại, các vị thế trung và dài hạn sẽ có thêm thời gian cho bạn phân tích kỹ lưỡng hơn và ra quyết định chắc chắn hơn. Ngược lại, Scalping Traders và Day Traders với số lượng vị thế mở lớn, đòi hỏi trader phải tập trung cao độ và có kỹ năng quản lý tốt, đồng thời việc yêu cầu xử lý nhanh các tín hiệu giao dịch và ra quyết định nhanh chóng gây ra áp lực lớn cho trader, rủi ro tâm lý cao, rủi ro giao dịch cao.

Thời gian giao dịch

Yếu tố cuối cùng và cũng là yếu tố quan trọng để xem xét liệu rằng phong cách nào là phù hợp nhất với bạn. Bạn cần trả lời được câu hỏi “ Bạn có bao nhiêu thời gian trong ngày để dành riêng cho việc giao dịch?” 

Nếu bạn đang có một công việc chính khác ngoài trading và bạn chỉ có thể dành những lúc rảnh rỗi để giao dịch thì Swing Traders và Position Traders sẽ thích hợp hơn với bạn. Ngược lại, nếu bạn dành toàn bộ thời gian trong ngày cho forex và xem đó như một công việc chính tạo ra thu nhập thì bạn có thể lựa chọn bất kỳ loại phong cách giao dịch nào.

Tại sao lựa chọn phong cách giao dịch phù hợp với cá tính của trader lại quan trọng?

Giả sử bạn đang theo đuổi phong cách Swing Traders và các chiến lược mà bạn sử dụng để giao dịch là các chiến lược giữ vị thế trung hạn, tận dụng biến động giá có biên độ rộng trong thời gian dài. Tuy nhiên, bạn lại là người nóng vội và không đủ kiên nhẫn để chờ lệnh chạy trong vài ngày, bạn muốn nhìn thấy ngay lợi nhuận, bạn sợ rằng nếu không đóng lệnh sớm thì thị trường sẽ đảo chiều, do vậy, khi lệnh vừa chạy được vài phút, đang có lợi nhuận nhưng giá bắt đầu đi ngược lại, bạn sợ hãi và đóng lệnh ngay. Việc này dẫn đến các hậu quả sau:

  • Thứ nhất, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm được nhiều lợi nhuận hơn vì biến động ngược chiều của giá trong ngắn hạn có thể chỉ là một đợt điều chỉnh của xu hướng, thị trường vẫn chưa đảo chiều. Nếu hệ thống giao dịch của bạn tốt, có tỷ lệ win cao, thay vì nôn nóng đóng lệnh sớm thì hãy tin tưởng vào nó.
  • Thứ hai, việc nôn nóng đóng lệnh sớm như thế nếu xảy ra thường xuyên thì các bạn sẽ chẳng thể nào đạt được mục tiêu lợi nhuận bền vững trong dài hạn, thậm chí còn thua lỗ nhiều hơn.

Hoặc giả sử các bạn không thể dành toàn thời gian cho forex nhưng lại thích đánh lướt sóng. Đang ngồi làm việc trong văn phòng nhưng lại mở khá nhiều lệnh nhỏ, chỉ cần sếp triệu tập cuộc họp khẩn cấp, tất cả các lệnh đó đều có khả năng bị quét stop loss trước khi bạn quay trở lại và mở đồ thị giá lên xem. Hãy chỉ nên lướt sóng khi bạn sẵn sàng ngồi trước máy tính liên tục và chắc chắn rằng sẽ không có chuyện gì có thể khiến bạn rời đi, thậm chí trong thời gian rất ngắn.

Do vậy, trước khi xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả, các bạn cần định hình phong cách giao dịch mà mình sẽ theo đuổi, từ đó lựa chọn chiến lược giao dịch phù hợp với phong cách đó.

Có thể thay đổi phong cách giao dịch hay không?

Câu trả lời là có nhưng không nên. Giả sử các bạn lựa chọn 1 trong 4 phong cách giao dịch forex và xây dựng kế hoạch giao dịch dựa trên phong cách đó nhưng nó không hoạt động hiệu quả trong thời gian dài và bạn muốn thay đổi phong cách giao dịch.

  • Thứ nhất, tại sao các bạn không nghĩ là do chiến lược giao dịch không hiệu quả và bạn cần thay đổi đó, thiết lập một chiến lược khác và thử nghiệm trên thị trường.
  • Thứ hai, phong cách giao dịch mà các bạn đã lựa chọn lần đầu tiên là phong cách phù hợp với cá tính của bạn và các yếu tố quan trọng được đề cập ở phần trên. Nếu thay đổi nó, nghĩa là bạn chấp nhận phong cách mới không còn phù hợp với bạn nữa, mà như thế thì dù các bạn có thiết lập bao nhiêu chiến lược mới theo phong cách mới cũng sẽ không thể hoạt động hiệu quả đối với bạn.

Chính vì thế, hãy dành thời gian xem xét các yếu tố của bản thân để lựa chọn phong cách giao dịch phù hợp nhất ngay từ lần đầu tiên, tiếp đến từng bước xây dựng chiến lược giao dịch sao cho phù hợp nhất với phong cách đó.

Chiến lược giao dịch trên thị trường forex

Như đã nói ở trên, chiến lược giao dịch là kết quả kéo theo của phong cách giao dịch, có chiến lược sẽ phù hợp với phong cách này nhưng lại không phù hợp với phong cách khác.

Nhưng trước khi tìm hiểu về chiến lược giao dịch forex, các bạn cần nắm được các phương pháp phân tích giá trên thị trường này.

Các phương pháp phân tích forex

Để thực hiện được giao dịch trên thị trường forex, các bạn phải phân tích giá để nhận biết xu hướng, tìm tín hiệu giá đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng để ra quyết định vào lệnh. Và trong giao dịch forex, có 3 phương pháp hay trường phái phân tích khác nhau, bao gồm:

Phân tích kỹ thuật

Phương pháp phân tích kỹ thuật sẽ dùng dữ liệu giá và khối lượng trong quá khứ và hiện tại để dự đoán xu hướng trong tương lai.

Để tìm hiểu chi tiết về phương pháp này, các bạn có thể tham khảo bài viết sau:

Phân tích kỹ thuật là gì? Ưu, nhược điểm của phân tích kỹ thuật

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nhắc lại các công cụ của phương pháp phân tích kỹ thuật.

Chỉ báo kỹ thuật (Indicators): có lẽ các bạn đã không còn xa lạ với chỉ báo kỹ thuật và indicators là công cụ được sử dụng phổ biến nhất trong giao dịch forex của trader toàn cầu. Một số indicators phổ biến như MA, RSI, MACD, Bollinger Bands, Ichimoku, ADX, Stochastic…

Mô hình nến (Candlestick patterns): các mô hình nến đảo chiều là công cụ được sử dụng phổ biến trong trường phái phân tích hành động giá Price action, những mô hình nến này có độ tin cậy cao và dễ dàng áp dụng trong giao dịch. Một số mô hình nến đảo chiều mạnh mẽ như Engulfing, Shooting Star, Evening/Morning Star, Doji, Tweezer Top/Tweezer Bottom…

Tham khảo thêm về các mô hình nến qua bài viết sau:

Các mô hình nến đảo chiều CỰC MẠNH trong giao dịch forex

Mô hình giá (Price patterns): có 2 nhóm mô hình giá trong giao dịch forex

  • Mô hình giá cơ bản: bao gồm các mô hình giá mà hầu hết các bạn đã được tiếp cận trước đó như: mô hình Vai đầu vai, Hai đỉnh/Hai đáy, Cốc và Tay cầm, Lá cờ, Cái nêm, Hình chữ nhật…
  • Mô hình giá nâng cao: bao gồm các mô hình giá Harmonic, là các price patterns được lượng hóa bằng các tỷ lệ Fibonacci .

Ngoài ra, trong phân tích kỹ thuật còn những phương pháp chuyên sâu hơn, bao gồm:

Phương pháp Wyckoff

Phương pháp VSA

Lý thuyết sóng Elliott

Phân tích cơ bản

Phương pháp phân tích giá này dựa trên các yếu tố kinh tế, tài chính, chính trị xã hội của quốc gia có liên quan đến cặp tiền tệ giao dịch thông qua việc nhận định về mức độ và chiều hướng tác động của các yếu tố đó đến giá cả trên thị trường.

Tham khảo: Phân tích cơ bản là gì? Trader mới có nên theo trường phái phân tích cơ bản?

Vậy thì, công cụ phân tích của phương pháp này chính là những yếu tố được kể trên, cụ thể hơn, chúng ta có một vài yếu tố tác động mạnh mẽ đến tỷ giá của các cặp tiền như:

  • Lãi suất
  • Lạm phát
  • Chỉ số giá tiêu dùng CPI
  • Tổng sản phẩm quốc nội GDP
  • Bảng lương phi nông nghiệp – Non-Farm
  • Các cuộc bạo động chính trị, biểu tình
  • Kết quả bầu cử bộ máy nhà nước
  • Phát biểu của những nhân vật có tầm ảnh hưởng
  • Thiên tai, dịch bệnh

Phân tích tâm lý thị trường

Đây là phương pháp phân tích đặc biệt và cũng rất phức tạp. Trader dự đoán xu hướng dựa vào phân tích tâm lý, cảm xúc và thái độ của nhà đầu tư trước những biến động giá ở thời điểm hiện tại.

Nghe thì có vẻ như phương pháp này sẽ không có công cụ phân tích nào cụ thể nhưng trên thực tế thì chúng ta vẫn có những chỉ báo, số liệu để hỗ trợ cho phương pháp này, chẳng hạn như:

  • Commitment of Traders (COT): Báo cáo Cam kết của Nhà giao dịch
  • Volatility Index (VIX): Chỉ số biến động hay Chỉ số sợ hãi
  • High/Low Sentiment Ratio: Tỷ lệ tâm lý cao thấp
  • Bullish Percent Index: Chỉ số phần trăm tăng giá
  • Fear and Greed Index: Chỉ số sợ hãi và tham lam
  • Moving Average: Đường trung bình trượt

Chiến lược giao dịch là gì?

Việc sử dụng độc lập một hay kết hợp nhiều công cụ phân tích của các phương pháp/trường phái phân tích khác nhau sẽ tạo thành một chiến lược giao dịch cụ thể.

Ví dụ:

  • Chiến lược giao dịch đảo chiều sử dụng mô hình nến và chỉ báo RSI. Cụ thể, với chiến lược này, trader sẽ vào lệnh khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều trong một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh và dài trước đó đồng thời xuất hiện tín hiệu phân kỳ/hội tụ trên chỉ báo RSI.
  • Chiến lược giao dịch đảo chiều với nến Pin bar kết hợp vùng hỗ trợ/kháng cự mạnh. Nến Pin bar xuất hiện thường xuyên trên thị trường nhưng không phải bất kể lúc nào Pin bar xuất hiện thì trader cũng vào lệnh. Mà với chiến lược này, trader sẽ chỉ vào lệnh khi Bullish Reversal Pin bar xuất hiện tại vùng hỗ trợ mạnh hoặc Bearish Reversal Pin bar xuất hiện tại vùng kháng cự mạnh.
  • Chiến lược giao dịch thuận xu hướng với Ichimoku. Đây là chiến lược giao dịch độc lập 1 công cụ phân tích duy nhất, là chỉ báo Ichimoku. Chỉ với các tín hiệu tạo thành từ các thành phần của chỉ báo này, trader có thể vào lệnh mà không cần kết hợp thêm bất kỳ một công cụ hay phương pháp phân tích nào khác.

Làm sao để lựa chọn chiến lược giao dịch hiệu quả nhất?

Một chiến lược giao dịch được đánh giá là hiệu quả, trước hết nó phải phù hợp với phong cách giao dịch mà trader đã định hình ngay từ đầu. Nếu không phù hợp, các bạn sẽ dễ dàng từ bỏ hoặc phá vỡ các nguyên tắc để tuân thủ theo chiến lược đó.

Lấy lại ví dụ trên, chẳng hạn như bạn là một Scalping Trader và sử dụng chiến lược giao dịch kết hợp Pin bar với hỗ trợ/kháng cự. Chiến lược giao dịch với Pin bar sẽ hiệu quả khi được thực hiện trên các khung thời gian lớn, từ H1 trở lên thì tín hiệu tạo ra từ cây Pin bar mới đáng tin cậy. Bạn mở lệnh Buy, lệnh đang chạy theo đúng hướng nhưng chưa chạm kháng cự để giá chạm Take profit tiềm năng, một phần vì nôn nóng muốn chốt lợi nhuận, phần khác sợ giá đảo chiều, bạn đóng lệnh sớm. Kết quả là phần lợi nhuận thu được chẳng thể bù được chi phí giao dịch, nếu lâu dài, tỷ lệ Risk:Reward không tốt, không tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.

Bạn thấy đấy, cho dù chiến lược kết hợp Pin bar với hỗ trợ/kháng cự là một chiến lược tốt nhưng nó lại không phù hợp với một Scalping Trader với cá tính nôn nóng và không kiên nhẫn thì nó cũng sẽ không thể hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, một chiến lược giao dịch còn hoạt động tốt nếu nó được thiết lập trong một hệ thống giao dịch hiệu quả.

Trong phần cuối của bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách thức xây dựng một hệ thống giao dịch hiệu quả.

Xây dựng hệ thống giao dịch phù hợp với phong cách giao dịch

Hệ thống giao dịch bao gồm cả chiến lược giao dịch và các yếu tố khác hỗ trợ cho quá trình giao dịch. Một hệ thống giao dịch hiệu quả cũng sẽ là một hệ thống phù hợp với phong cách giao dịch của trader.

Các yếu tố cấu thành nên một hệ thống giao dịch hiệu quả

Chiến lược giao dịch

Là yếu tố không thể thiếu. Một hệ thống giao dịch có thể bao gồm 1 hoặc nhiều chiến lược giao dịch. Tất nhiên, tất cả các chiến lược được sử dụng trong hệ thống giao dịch phải “đồng dạng” với nhau, ví dụ: phải cùng là chiến lược giao dịch đảo chiều, hoặc cùng là chiến lược giao dịch breakout…, cùng được sử dụng trên khung H1, hoặc cùng được sử dụng trên khung H4…, cùng được áp dụng cho cặp GBP/USD hoặc cùng áp dụng được cho vàng (XAU/USD)…

Việc lựa chọn nhiều chiến lược giao dịch đồng dạng trong cùng một hệ thống giao dịch sẽ giúp trader có thêm phương án dự phòng trong trường hợp thị trường biến động ngoài dự tính hoặc tín hiệu giao dịch tạo ra không thể áp dụng chiến lược này mà phải áp dụng chiến lược khác. Việc dự phòng như thế sẽ giúp trader không phải bỏ lỡ các cơ hội giao dịch tốt.

Thông thường, một chiến lược giao dịch sẽ giúp trader xác định được điểm vào lệnh và thoát lệnh cụ thể, nếu trường hợp chiến lược đó không thể cung cấp manh mối về vị trí thoát lệnh, trader có thể linh hoạt sử dụng thêm công cụ hay phương pháp khác hoặc sử dụng tỷ lệ Risk:Reward để thoát lệnh dựa vào mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng là bao nhiêu.

Sản phẩm giao dịch

Nếu các bạn lựa chọn chiến lược chỉ sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật thì có thể giao dịch trên bất kỳ loại sản phẩm hay tài sản nào, ngược lại, nếu kết hợp thêm hoặc chỉ sử dụng các công cụ của phân tích cơ bản thì đòi hỏi các bạn phải có am hiểu nhất định về sản phẩm mà mình muốn lựa chọn để giao dịch. Giả sử, đối với USD, các bạn phải biết được các yếu tố nào tác động đến đồng đô la Mỹ và khi đô la Mỹ biến động, nó sẽ ảnh hưởng mạnh đến những cặp tỷ giá nào…

Khung thời gian giao dịch

Việc lựa chọn khung thời gian giao dịch phụ thuộc lớn nhất vào chiến lược giao dịch và nó cũng là yếu tố phân loại phong cách giao dịch. Các chiến lược giao dịch của một Scalping Traders thường được sử dụng trên khung thời gian nhỏ như M5, M15, của Day Traders thường là M30, H1, của Swing Traders là H4, D1 và của Position Traders sẽ là những khung thời gian lớn như D1, W1. Ngoài ra, việc lựa chọn khung thời gian giao dịch còn phù thuộc vào tính hiệu quả của chiến lược được sử dụng. Chẳng hạn như chiến lược kết hợp mô hình nến với tín hiệu phân kỳ/hội tụ của RSI được một Swing Trader sử dụng trên khung thời gian H4 và D1, nhưng sau nhiều lần thực chiến, trader nhận thấy chiến lược hoạt động tốt hơn trên khung D1 nên quyết định chỉ lựa chọn khung D1 vào hệ thống giao dịch của mình.

Chiến lược quản lý vốn, quản trị rủi ro

Chiến lược quản lý vốn, quản trị rủi ro của mỗi trader là yếu tố quyết định đến khối lượng giao dịch mà yếu tố này thì không thể tách rời phong cách giao dịch vì mỗi phong cách có một khẩu vị rủi ro khác nhau. Thông thường, các Day Traders, Swing Traders và Position Traders sẽ áp dụng các kỹ thuật quản lý vốn như “Công thức Kelly” hoặc Phương pháp quản lý vốn 2% để xác định khối lượng giao dịch. Còn với các Scalping Traders, bất cứ khi nào họ tìm thấy sóng tốt là sẽ lướt nên số lượng lệnh giao dịch trong ngày là khá lớn, do vậy, số tiền thua lỗ tối đa cho mỗi lệnh được “xén bớt” nên khối lượng giao dịch trên một lệnh của nhóm trader theo phong cách này thường sẽ thấp hơn so với các phong cách còn lại.

Lưu ý: các bạn có thể lựa chọn chiến lược giao dịch hoặc sản phẩm giao dịch làm yếu tố nòng cốt cho một hệ thống giao dịch. Và từ đó, phát triển các yếu tố khác sao cho phù hợp với yếu tố nòng cốt và phong cách giao dịch.

Ví dụ: một Swing Trader xây dựng hệ thống giao dịch cho cặp GBP/USD

Giả sử sau một thời gian thực chiến với cặp này, các bạn nhận thấy rằng các chiến lược sử dụng mô hình nến đảo chiều mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao nhất. 

Về chiến lược giao dịch, bạn chọn 2 chiến lược cho hệ thống này, bao gồm:

  • Chiến lược kết hợp mô hình nến đảo chiều với chỉ báo RSI
  • Chiến lược kết hợp mô hình nến đảo chiều với trendline hoặc kênh giá

Về khung thời gian giao dịch, lựa chọn khung H4

Về chiến lược quản lý vốn, áp dụng kỹ thuật quản lý vốn 2%

Kết luận

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã phân biệt được phong cách giao dịch và chiến lược giao dịch. Và như đã nói, điều quan trọng nhất là định hình được phong cách giao dịch phù hợp với cá tính của mình, từ đó mới tính đến chuyện lựa chọn chiến lược và xây dựng hệ thống giao dịch hiệu quả.

Đừng quá vội vàng trong việc xác định phong cách nào là phù hợp với mình, hãy cứ dành thời gian tìm hiểu về thị trường, tìm hiểu về chính mình để có sự lựa chọn sáng suốt nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Phong cách giao dịch là gì? 4 style giao dịch chủ yếu trong forex
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan