Trang chủPivot Point là gì? Cách giao dịch hiệu quả với điểm xoay Pivot

Pivot Point là gì? Cách giao dịch hiệu quả với điểm xoay Pivot

Admin

Trong giao dịch forex, ngoài việc nhận diện chính xác xu hướng chung của thị trường thì xác định các mức cản mạnh (hỗ trợ, kháng cự) cũng không kém phần quan trọng. Đó chính là các vị trí vào thoát lệnh tiềm năng mà các trader hay sử dụng nhất.

Có rất nhiều công cụ, chỉ báo kỹ thuật giúp trader xác định các mức hỗ trợ, kháng cự quan trọng như đường xu hướng trendline, chỉ báo MA, Bollinger Bands… thậm chí chúng ta có thể nhìn thấy các mức cản này bằng mắt thường thông qua các mức giá trần, giá sàn quan trọng trong lịch sử.

Và trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn một công cụ xác định các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng trong chính phiên giao dịch hiện tại, từ đó xác định các thời điểm vào/thoát lệnh đẹp, các vị trí đặt stop loss, take profit hiệu quả. Và công cụ được nhắc đến chính là Pivot Points.

Pivot Points là gì? Công thức tính Pivot Points

Pivot Points hay Điểm xoay là chỉ báo kỹ thuật được tính toán dựa trên các mức giá cao nhất, thấp nhất và giá đóng cửa của phiên giao dịch trước nhằm xác định các mức hỗ trợ, kháng cự cho phiên giao dịch hiện tại, đó là các mức giá quan trọng mà trader sử dụng để thực hiện các giao dịch tiềm năng. Các mức hỗ trợ, kháng cự được tạo bởi Pivot Points giúp loại bỏ được tính chủ quan so với việc xác định chúng theo cách thủ công.

Chỉ báo Pivot Points bao gồm 3 thành phần:

  • Đường Pivot Points trung tâm hay đường PP, đường này còn gọi là trục của Pivot Points
  • Các đường Support nằm phía dưới đường PP, đóng vai trò như các ngưỡng hỗ trợ
  • Các đường Resistance nằm phía trên đường PP, đóng vai trò là các ngưỡng kháng cự

Công thức tính Điểm xoay Pivot Points

Đường PP trung tâm có công thức tính khá đơn giản, là trung bình cộng của 3 mức giá cao nhất (High), thấp nhất (Low) và giá đóng cửa (Close) của phiên giao dịch trước đó.

PP = (HighPrior + LowPrior + ClosePrior)/3

Các đường Support và Resistance sẽ được tính toán dựa trên đường PP, cụ thể như sau:

  • S1 = PP – (High – PP) = 2 PP – High
  • R1 = PP + (PP – Low) = 2 PP – Low
  • S2 = PP – (High – Low)
  • R2 = PP + (High – Low)
  • S3 = Low – 2 (High – PP)
  • R3 = High + 2 (PP – Low)

Trong đó, 2 đường S1 và R1 tương ứng với 2 mức cản quan trọng nhất của chỉ báo Pivot Points.

Trong giao dịch, các trader thường sử dụng chỉ báo Pivot Points theo ngày hoặc theo tuần. Do đặc điểm công thức tính các thành phần của Pivot Points mà chỉ báo này sẽ luôn cố định. Nghĩa là, nếu sử dụng Pivot Points hằng ngày (Daily Pivot Points) thì chỉ báo này sẽ được tính dựa trên các mức giá của ngày giao dịch liền trước và các đường PP, S1, S2, S3, R1, R2, R3… được sử dụng cho ngày hiện tại sẽ không đổi cho đến khi bắt đầu phiên giao dịch của ngày hôm sau. 

Daily Pivot Points sẽ được sử dụng trên các khung thời gian nhỏ hơn D1 như H1, M30, M15. Ngược lại, Weekly Pivot Points sẽ được sử dụng trên các khung thời gian dài hơn nhưng nhỏ hơn W1 như D1, H4 hay H1.

Các loại Pivot Points

Công thức tính Pivot Points như trên là công thức tính cổ điển, chỉ báo này còn có nhiều biến thể khác nhau, ứng với một công thức tính nhất định và tạo thành một loại Pivot Points riêng biệt.

Ngoài Pivot Points cổ điển (Classic Pivot Points) thì chỉ báo này còn có 3 biến thể khác nữa, bao gồm:

Fibonacci Pivot Points

Fibonacci có lẽ là công cụ giao dịch đã quá quen thuộc với các trader trên thị trường forex. Các nhà phân tích theo trường phái của Fibonacci tin tưởng rằng mọi hiện tượng, sự vật trên trái đất này, kể cả biến động của giá trên thị trường forex cũng tuân theo những quy luật nhất định và các quy luật đó hình thành nên các tỷ lệ của Fibonacci. Và các tỷ lệ này cũng được ứng dụng để tính toán các giá trị quan trọng của Điểm xoay.

Fibonacci được sử dụng độc lập để xác định các mức hỗ trợ, kháng cự trong một giai đoạn hay một đoạn xu hướng nhất định, mà tính chất này thì lại khá tương đồng với Pivot Points, đó là lý do tồn tại sự kết hợp này.

Công thức tính Fibonacci Pivot Points như sau:

  • PP = (High + Low + Close)/3
  • S1 = PP – (High – Low) * 0.382
  • S2 = PP – (High – Low) * 0.618
  • S3 = PP – (High – Low) * 1.000
  • R1 = PP + (High – Low) * 0.382
  • R2 = PP + (High – Low) * 0.618
  • R3 = PP + (High – Low) * 1.000

Đường PP có công thức tính không đổi, các ngưỡng hỗ trợ chính bằng đường PP trừ đi phạm vi giao dịch của phiên trước (High – Low), sau đó được điều chỉnh bằng các tỷ lệ quan trọng của Fibonacci. Ngược lại, các đường kháng cự chính bằng đường PP cộng thêm phạm vi giao dịch của phiên trước rồi điều chỉnh bằng các tỷ lệ của Fibonacci.

Woodie Pivot Points

Loại Pivot Points này thì chú trọng hơn đến giá đóng cửa của phiên giao dịch trước nên công thức tính của đường PP có sự thay đổi, các đường hỗ trợ, kháng cự có công thức tính tương tự Pivot Points cổ điển.

  • PP = (High + Low + 2 Close)/4
  • S1 = 2 PP – High
  • S2 = PP – (High – Low)
  • R1 = 2 PP – Low
  • R2 = PP + (High – Low)

Camarilla Pivot Points

Cũng giống như Woodie Pivot Points, loại điểm xoay này cũng chú trọng đến giá đóng cửa của phiên giao dịch trước.

  • PP = (High + Low + Close)/3
  • S1 = Close – (High – Low) * 1.0833
  • S2 = Close – (High – Low) * 1.1666
  • S3 = Close – (High – Low) * 1.25
  • S4 = Close – (High – Low) * 1.5 
  • R1 = Close + (High – Low) * 1.0833
  • R2 = Close + (High – Low) * 1.1666
  • R3 = Close + (High – Low) * 1.25
  • R4 = Close + (High – Low) * 1.5

Công thức tính của Camarilla có liên quan đến các tỷ lệ đặc biệt và các mức hỗ trợ, kháng cự của loại Pivot Points này khá gần với các mức giá hiện tại, do vậy, giá sẽ tương tác đến các ngưỡng này nhiều hơn. Chính vì thế, loại điểm xoay này thì lại khá phù hợp với các trader giao dịch ngắn hạn.

Central Pivot Range (CPR)

Đây được xem là phiên bản mở rộng của Pivot Points cổ điển. Tuy nhiên, loại Pivot Points này lại không có các mức hỗ trợ, kháng cự thông thường như S2, S3, S4, R2, R3, R4 mà nó chỉ có 3 đường, 1 đường PP trung tâm, 1 đường BC nằm dưới đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ và một đường TC nằm trên đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự.

  • PP = (High + Low + Close)/3
  • BC = (High + Low)/2
  • TC = (PP – BC) + PP = 2 PP – BC 

CPR Pivot Points giúp các nhà phân tích dự đoán được xu hướng biến động của giá trong phiên giao dịch sau thông qua độ rộng hẹp của của CPR hoặc vị trí giá đóng cửa của phiên hiện tại so với trục PP của CPR. Ví dụ CPR hẹp trong nhiều phiên giao dịch liền cho biết sắp tới thị trường sẽ có đột phá hoặc biến động lớn xảy ra. Hay giá đóng cửa của phiên hiện tại cao hơn trục của CPR cung cấp tín hiệu về xu hướng tăng giá trong phiên giao dịch tiếp theo.

Hướng dẫn cài đặt Pivot Points trên MT4 và chèn Pivot Points vào đồ thị giá

Cài đặt Pivot Points trên MT4

Trên phần mềm MT4 không có sẵn chỉ báo Pivot Points nên các bạn phải tải về máy và cài đặt vào MT4.

Các bạn có thể tìm kiếm chỉ báo này trên mạng, có rất nhiều nguồn cung cấp và nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, tốt nhất thì các bạn nên tải Pivot Points All in One, vì chỉ báo này tích hợp tất cả các biến thể của Pivot Points, muốn sử dụng loại nào thì các bạn chỉ việc lựa chọn loại đó trong phần cài đặt.

Link tải Pivot Points All in One

Sau khi tải về máy tính, các bạn tiến hành giải nén, sau đó copy file chỉ báo.

Trên phần mềm MT4, các bạn làm theo đường dẫn sau: File 🡪 Open Data Folder 🡪 MQL4 🡪 Indicators. Sau đó dán file chỉ báo vừa copy lúc nãy vào tệp Indicators.

Các bạn quay trở lại MT4, tắt phần mềm đi để Pivot Points cài đặt vào MT4.

Chèn Pivot Points vào đồ thị giá

Sau khi tắt MT4 đi thì các bạn có thể mở lên lại ngay, lúc này Pivot Points đã được tích hợp vào phần mềm. Để chèn chỉ báo vào đồ thị giá, các bạn làm theo đường dẫn sau: Insert 🡪 Indicators 🡪 Custom (tất cả các chỉ báo liên kết từ bên ngoài vào sẽ được hiển thị tại đây) 🡪 Pivot Points All in One, như hình dưới:

Hộp thoại cài đặt chỉ báo sẽ hiện ra như sau:

Tại tab Common, các bạn tick chọn vào ô Allow DLL imports. Sau đó chuyển qua tab Inputs.

  • Calculation Method: chọn loại Pivot Points (Classic/Fibonacci/Woodie/Camarilla/CPR)
  • Calculation Period: chọn giai đoạn tính điểm xoay (hằng ngày, hằng tuần hoặc hàng tháng…)
  • Show Only Recent Period: nếu chỉ muốn hiển thị Pivot Points ở phiên giao dịch hiện tại thì chọn Yes, muốn hiển thị với mọi phiên giao dịch thì chọn No.
  • Depth of Level (show up to): tùy chọn hiển thị bao nhiêu mức hỗ trợ, kháng cự
  • Number of Periods to show: số phiên giao dịch cụ thể muốn hiển thị Pivot Points
  • Right Shift: để mặc định true
  • Line Width: cài đặt độ dày mỏng cho chỉ báo, mặc định số 1 là mỏng nhất
  • Line name labels: chọn true nếu muốn hiển thị tên của các đường PP, S1, R1…, nếu muốn ẩn đi thì chọn false.
  • Color Scheme: cài đặt màu sắc cho chỉ báo, để mặc định Auto.
  • Sau đó bấm OK để hoàn tất cài đặt.

Ví dụ: chỉ báo Daily Pivot Points cổ điển trên khung thời gian M30

Ở hình trên, các đường PP có màu xanh da trời, các đường hỗ trợ S1, S2… có màu xanh lá cây và màu cam là các đường kháng cự R1, R2…

Các giá trị của Pivot Points sẽ cố định, cho dù có thay đổi khung thời gian giao dịch.

Ví dụ: Daily Pivot Points trên khung M30 và H1

Pivot Points cung cấp những tín hiệu giao dịch nào?

Đường PP trung tâm là trung bình cộng của 3 mức giá High, Low và Close của phiên giao dịch liền trước nên bản thân nó có tính chất như một đường trung bình và được sử dụng để xác định xu hướng của thị trường. Cụ thể:

  • Nếu giá di chuyển phía trên đường PP có nghĩa là thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Ngược lại, nếu giá di chuyển phía dưới đường PP thì thị trường đang trong xu hướng giảm

Các đường S1, S2, S3 hay R1, R2, R3… thì bản thân chúng chính là các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, nghĩa là các biến động giá lớn thường sẽ xảy ra tại những khu vực này.

Trong thị trường tăng giá, nếu giá điều chỉnh giảm và chạm vào các ngưỡng hỗ trợ S1, S2, S3… sẽ có khả năng quay đầu, tiếp tục xu hướng tăng. Trong thị trường giảm giá, nếu giá điều chỉnh tăng và chạm vào các ngưỡng kháng cự R1, R2, R3… thì khả năng cao là giá sẽ quay đầu, tiếp tục xu hướng giảm trước đó.

Ngược lại, một khi phá vỡ thành công các ngưỡng hỗ trợ, giá sẽ giảm mạnh đi xuống hoặc khi phá vỡ thành công các ngưỡng kháng cự, giá sẽ tăng mạnh đi lên.

Ngoài việc xác định vị trí vào lệnh thì các đường hỗ trợ, kháng cự của Pivot Points cũng được sử dụng để xác định các vị trí cắt lỗ, chốt lời.

Hướng dẫn giao dịch hiệu quả nhất với Pivot Points

Chiến lược giao dịch breakout

Có 2 cách thực hiện chiến lược breakout với Pivot Points

  • Cách 1: giao dịch khi giá breakout các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự quan trọng S1 và R1.

Cách thực hiện như sau:

Bước 1: xác định xu hướng trong ngắn hạn

  • Nếu giá nằm trên đường PP trung tâm 🡪 thị trường tăng giá
  • Nếu giá nằm dưới đường PP trung tâm 🡪 thị trường giảm giá

Bước 2: chờ đợi tín hiệu xu hướng được củng cố

  • Xu hướng tăng được củng cố khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự R1 đi lên
  • Xu hướng giảm được củng cố khi giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ S1 đi xuống

Bước 3: vào lệnh

Vào lệnh khi cây nến breakout bar đóng cửa hoặc chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận ngay sau đó.

Bước 4: đặt cắt lỗ, chốt lời

Đặt stop loss ngay phía trên đường PP nếu là lệnh Sell hoặc ngay phía dưới đường PP nếu là lệnh Buy. Thoát lệnh tại các ngưỡng S2, S3 hoặc R2, R3 hoặc khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều.

Ví dụ:

Ở ví dụ trên, các bạn có thể take profit tại S3 hoặc khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng Bullish Engulfing.

  • Cách 2: giao dịch khi giá breakout đường PP trung tâm

Cách thực hiện như sau:

Bước 1: xác định điều kiện giao dịch: thị trường cần bắt đầu một ngày mới với giá đang tích lũy phía trên hoặc phía dưới đường PP trung tâm

Bước 2: xác định hướng giao dịch: nếu thị trường tích lũy phía dưới đường PP trung tâm thì chúng ta sẽ kỳ vọng vào một lệnh Buy khi giá phá vỡ đường PP đi lên. Ngược lại, nếu thị trường tích lũy phía trên đường PP trung tâm thì một lệnh Sell được kỳ vọng khi giá phá vỡ đường PP đi xuống.

Bước 3: vào lệnh: vào lệnh khi cây nến breakout bar đóng cửa

Bước 4: đặt cắt lỗ, chốt lời

  • Đặt cắt lỗ tại biên trên phạm vi giao dịch của khu vực tích lũy đối với lệnh Sell hoặc biên dưới phạm vi giao dịch của khu vực tích lũy đối với lệnh Buy.
  • Có thể đóng vị thế tại các ngưỡng hỗ trợ S1, S2, các ngưỡng kháng cự R1, R2 vì đây là các mức cản quan trọng, giá có thể đảo chiều. Hoặc thoát vị thế khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều khác.

Ý tưởng của chiến lược này xuất phát từ khả năng bứt phá của giá sau một đợt tích lũy, hơn thế nữa, việc giá breakout đường PP trung tâm, đang đóng vai trò như một đường trung bình là tín hiệu xác nhận về khả năng thay đổi xu hướng của giá.

Ví dụ:

Chiến lược giao dịch đảo chiều tại các mức hỗ trợ, kháng cự của Pivot Points

2 thành phần còn lại của chỉ báo Pivot Points đóng vai trò như các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự nên chiến lược giao dịch đảo chiều tại các mức cản này cũng thường xuyên được trader sử dụng.

Cách giao dịch như sau:

  • Nếu giá tăng lên và chạm vào các ngưỡng kháng cự R1 hoặc R2 và quay đầu thì khả năng là giá sẽ đảo chiều giảm 🡪 vào ngay lệnh Sell. Nếu giá không quay đầu, có thể sử dụng một lệnh chờ Sell Limit tại các mức giá ứng với R2 hoặc R3.
  • Nếu giá giảm xuống và chạm vào các ngưỡng hỗ trợ S1 hoặc S2 và quay đầu thì khả năng là giá sẽ đảo chiều tăng 🡪 vào ngay lệnh Buy. Nếu giá không quay đầu, có thể sử dụng một lệnh chờ Buy Limit tại các mức giá ứng với S2 hoặc S3.

Tuy nhiên, chiến lược này lại không mang về hiệu quả giao dịch cao, chính vì vậy, các bạn nên kết hợp các tín hiệu xác nhận khả năng đảo chiều từ những công cụ hay phương pháp khác.

Ví dụ: tín hiệu xác nhận đảo chiều từ mô hình nến

Mô hình nến đảo chiều giảm Bearish Reversal Pinbar xác nhận lại tín hiệu đảo chiều tại ngưỡng kháng cự R1.

Ví dụ: tín hiệu xác nhận đảo chiều từ mô hình giá

Mô hình giá Hai đỉnh (Double Top) xuất hiện tại ngưỡng kháng cự R1, xác nhận tại tín hiệu đảo chiều giảm từ chỉ báo Pivot Points.

Ví dụ: tín hiệu xác nhận đảo chiều từ chỉ báo khác

Khi giá chạm vào ngưỡng kháng cự R1 thì cũng là lúc xuất hiện tín hiệu giá giảm trên chỉ báo MACD 🡪 khả năng giá đảo chiều tại R1 có xác suất xảy ra cao hơn.

Kết luận

Ưu điểm mạnh mẽ của Pivot Points chính là có thể xác định được các mức cản quan trọng của giá, đồng thời chỉ báo này được sử dụng trên mọi khung thời gian. Tuy nhiên, Pivot Points cũng tồn tại những hạn chế nhất định, thứ nhất, nếu phạm vi giao dịch của phiên trước quá hẹp thì các tín hiệu giao dịch sẽ rất dễ xuất hiện ở phiên hiện tại, dẫn đến nhiều tín hiệu gây nhiễu, không chính xác; ngược lại, nếu phạm vi giao dịch của phiên trước quá rộng thì thường sẽ không có bất kỳ tín hiệu nào xuất hiện ở phiên hiện tại. Thứ hai, việc sử dụng các mức hỗ trợ, kháng cự của Pivot Points để đặt stop loss hay take profit sẽ khó khăn và không đảm bảo được tỷ lệ Risk:Reward khi khoảng cách giữa các mức hỗ trợ, kháng cự này biến động mạnh.

Tóm lại, để sử dụng Pivot Points một cách hiệu quả nhất, các bạn nên kết hợp thêm các công cụ khác như các ví dụ được nhắc đến ở trên.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Pivot Point là gì? Cách giao dịch hiệu quả với điểm xoay Pivot
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan