Trang chủQuy tắc quản lý vốn 2% là gì? Cách áp dụng trong giao dịch forex

Quy tắc quản lý vốn 2% là gì? Cách áp dụng trong giao dịch forex

Admin

Sau khi đã tìm hiểu tổng quan về quản lý vốn trong giao dịch forex, có lẽ các bạn đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này và bắt đầu đi tìm các kỹ thuật, phương pháp hay công thức quản lý vốn hiệu quả. Chúng tôi cũng đã giới thiệu sơ lược một số các kỹ thuật, phương pháp quản lý vốn ở bài viết lần trước và trong bài viết này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn kỹ thuật quản lý vốn đầu tiên, mang tên “Quy tắc quản lý vốn 2%” hay “2% Rule”, đây là kỹ thuật quản lý vốn cơ bản nhất, được áp dụng từ rất lâu trên thị trường và đặc biệt rất phù hợp với trader mới.

Vậy, 2% Rule là gì? Kỹ thuật quản lý vốn này được áp dụng như thế nào? Và quy tắc quản lý vốn 2% có thật sự hiệu quả trong giao dịch forex ở thời điểm hiện tại? Cùng tìm hiểu nhé.

Quy tắc quản lý vốn 2% là gì?

Quy tắc quản lý vốn 2% là một “NGUYÊN TẮC” giao dịch, theo đó, nhà đầu tư, nhà giao dịch chỉ cho phép mình thua lỗ tối đa 2% trên “SỐ VỐN” cho mỗi lệnh.

Là NGUYÊN TẮC nhưng không có tính chất bắt buộc, trader có quyền áp dụng hoặc không. Tuy nhiên để thực hiện được quy tắc này, nhà đầu tư, nhà giao dịch phải có tính kỷ luật rất cao.

2% trên SỐ VỐN, vốn ở đây có thể tiếp cận theo 2 cách khác nhau, hoặc là số dư ban đầu của tài khoản, hoặc là số dư hiện tại.

Quy tắc này không được đề xuất hay giới thiệu bởi bất kỳ một nhà đầu tư hay nhà giao dịch cụ thể nào, tuy nhiên, nó xuất phát từ quy tắc quản lý vốn 1% của Larry Hite – người được mệnh danh là huyền thoại quản lý quỹ phòng hộ (Hedge Fund).

Trong các bài phỏng vấn của ông được nhắc đến trong cuốn sách Market Wizards (1989) của tác giả Jack Schwager, Larry Hite đã đề cập đến 2 bài học kinh nghiệm được rút ra từ người bạn của mình, cụ thể:

  • Không bao giờ đặt cược lối sống của bạn, không bao giờ mạo hiểm một lượng vốn lớn vào một giao dịch duy nhất.
  • Luôn biết kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì.

Sau đó ông tiếp tục đề cập đến quy tắc 1% mà ông đã áp dụng cho nhiều loại thị trường khác nhau khi ông điều hành quỹ Mint Investment Management Co. Ông nói rằng” “Nguyên tắc tồn tại hàng đầu tại Mint (quỹ mà ông điều hành) đó là không rủi ro quá 1% vốn trên bất kỳ một giao dịch nào. Chỉ rủi ro 1% và không hề có ngoại lệ. Giữ mức rủi ro thấp và cố định là điều quan trọng nhất.” 

Sau đó, quy tắc này đã được các nhà kinh doanh vốn cổ phần điều chỉnh lại thành quy tắc quản lý vốn 2%: “không bao giờ rủi ro hơn 2% vốn của bạn cho bất kỳ một cổ phiếu nào”. Mặc dù xuất thân từ một quy tắc quản lý vốn trên thị trường chứng khoán, nhưng vì có một số điểm tương đồng nên quy tắc 2% vẫn được áp dụng trên các thị trường khác, đặc biệt là forex.

Tại sao quy tắc quản lý vốn 2% lại được áp dụng rộng rãi?

Là một trader mới, khi chưa tìm được phương pháp giao dịch hiệu quả chắc chắn việc để thua nhiều lệnh liên tiếp là chuyện hết sức bình thường. Giả sử không may các bạn thua liên tiếp 10 lệnh, hãy cùng xem tại sao tỷ lệ 2% lại tối ưu hơn so với các tỷ lệ khác qua bảng phân tích sau nhé.

Khi thua lỗ 10 lệnh liên tiếp, thì với quy tắc quản lý vốn 2%, các bạn vẫn còn 80% số dư tài khoản để giao dịch tiếp, 25% lợi nhuận/số dư còn lại sẽ không quá áp lực để các bạn có thể đạt mục tiêu sau khi đã rút được kinh nghiệm cho một chuỗi thất bại trước đó. Tất nhiên, chúng ta không tính đến chuyện lại tiếp tục thua lỗ sau đó, nếu có hơn 10 lệnh thua liên tiếp, thứ các bạn cần xem xét trước hết phải là hệ thống giao dịch của mình.

Khi tăng tỷ lệ thua lỗ/lệnh lên 3%, 10 lệnh thua liên tiếp, các bạn chỉ còn 70%, con số 70% nghe có vẻ như vẫn còn cao và không đáng báo động, tuy nhiên, nếu nói các bạn đã mất đi 1/3 số vốn ban đầu thì mọi chuyện nghe đã có vẻ tiêu cực hơn rất nhiều.

Còn với tỷ lệ 1% thì sao?

Rủi ro sẽ ít đi, khả năng khôi phục tài khoản sau chuỗi lệnh thua liên tiếp sẽ cao hơn nhưng tất nhiên là lợi nhuận cũng sẽ ít hơn. Quản lý vốn không chỉ đề cập đến việc tối thiểu hóa rủi ro mà còn phải đi kèm với mục tiêu tăng vốn bền vững trong dài hạn. Bởi thế, tỷ lệ thua lỗ 1%/số vốn/lệnh sẽ khó có thể dung hòa được cả 2 mục tiêu của quản lý vốn. Thay vào đó, với con số 2%, các bạn vừa sẽ đảm bảo được rằng mình sẽ tồn tại khá lâu trên thị trường cho đến khi tìm ra phương pháp giao dịch hiệu quả vừa có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận hợp lý trong trường hợp giao dịch thắng.

Các bước áp dụng quy tắc quản lý vốn 2%

Mục tiêu của quy tắc quản lý vốn 2% sẽ cố định mức thua lỗ tối đa là 2% trên số dư của tài khoản và nhiệm vụ của trader chính là xác định khối lượng giao dịch để đạt được mục tiêu đó.

Các bước thực hiện quy tắc quản lý vốn 2% như sau:

Bước 1: Xác định số tiền thua lỗ theo quy tắc 2%

Như đã đề cập đến ở phần đầu tiên của bài viết, các bạn có 2 cách để tính ra được số tiền thua lỗ tối đa cho một lệnh theo quy tắc quản lý vốn 2%. Cụ thể,

  • Cách 1: dựa vào số dư ban đầu của tài khoản, tức số tiền mà bạn đã nạp vào tài khoản lần đầu tiên mà chưa phát sinh giao dịch nào.
  • Cách 2: dựa vào số dư của tài khoản ở thời điểm hiện tại

Trong trường hợp đặt nhiều lệnh cùng lúc, các bạn cũng có thể áp dụng một trong 2 cách ở trên hoặc tiếp cận theo cách thứ ba, là dựa trên số dư sau khi đã trừ đi thua lỗ dự tính của các lệnh đang chạy.

Ví dụ: bạn nạp vào tài khoản giao dịch 200$, sau khi giao dịch một thời gian, bạn thua lỗ 50$, số dư hiện tại của tài khoản là 150$.

Lúc này, bạn quyết định sẽ áp dụng quy tắc quản lý vốn 2% cho các giao dịch từ thời điểm hiện tại về sau và tính toán số tiền thua lỗ cho mỗi lệnh như sau:

  • Cách 1: dù đặt bao nhiêu lệnh thì mỗi lệnh đều được cố định số tiền thua lỗ tối đa là 4$ (tức 2% của 200$)
  • Cách 2: dù đặt bao nhiêu lệnh thì mỗi lệnh đều được cố định số tiền thua lỗ tối đa là 3$ (tức 2% của 150$)
  • Cách 3: bạn đặt liên tiếp 3 lệnh và số tiền thua lỗ cho lệnh ban đầu sẽ dựa vào số dư hiện tại, tức 2% của 150$ là 3$, số tiền còn lại của tài khoản sau khi trừ đi thua lỗ dự tính của lệnh 1 là 147$ nên lệnh thứ 2 sẽ có thua lỗ tối đa là 2.94$ (tức 2% của 147$) và lệnh thứ ba sẽ có thua lỗ tối đa là 2.88$ (tức 2% của 144$).

Nhưng thông thường, các trader sẽ áp dụng theo cách thứ nhất hoặc cách thứ 2.

Bước 2: Tính số pip thua lỗ

Thông thường, mỗi chiến lược, phương pháp giao dịch sẽ chỉ ra cho trader vị trí đặt stop loss và take profit tiềm năng. Từ các vị trí này cùng với điểm vào lệnh (entry), các bạn sẽ tính ra được số pip thua lỗ cho mỗi lệnh trong trường hợp giá đi ngược hướng dự đoán và lệnh bị quét stop loss. Số pip thua lỗ được tính từ khoảng cách giữa điểm entry và điểm stop loss.

Ở bước này, các bạn cũng nên tính toán luôn số pip thắng (khoảng cách từ entry đến take profit) để xác định tỷ lệ Risk:Reward, nếu tỷ lệ này tốt thì mới nên vào lệnh, ngược lại thì có thể không giao dịch và chờ đợi cơ hội khác. Thông thường, nếu lợi nhuận mục tiêu gấp đôi thua lỗ tối đa thì các bạn đã có thể vào lệnh (tương ứng tỷ lệ Risk:Reward là 1:2).

Bước 3: Tính giá trị của số pip thua lỗ sang USD

Để quy đổi số pip thua lỗ sang USD, các bạn cần biết được cách tính giá trị của pip.

Tham khảo: Pip là gì? 1 pip bằng bao nhiêu USD?

Ở đây, chúng tôi sẽ nhắc lại sơ qua về cách tính giá trị của pip

  • Đối với cặp có USD đứng sau, XXX/USD thì 1 pip/1 lot có giá trị là 10$
  • Đối với cặp có USD đứng trước, USD/XXX thì 1 pip/1 lot có giá trị là (10/tỷ giá)$

Bước 4: Tính khối lượng giao dịch

Bước này quan trọng nhất vì mục tiêu của quy tắc quản lý vốn này chính là xác định khối lượng giao dịch để thỏa mãn số tiền thua lỗ tối đa đã định trước.

Trong giao dịch forex, tổng số tiền thua lỗ cho một lệnh không chỉ bao gồm giá trị của số pip thua lỗ mà còn có nhiều loại phí khác mà các bạn phải trả cho sàn forex như phí hoa hồng (commission), phí qua đêm (swap), trượt giá…. Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng trader mà các bạn có thể tính các loại phí giao dịch đó vào trong số tiền thua lỗ hoặc không và chúng ta sẽ chỉ tính cho các lệnh giao dịch trong ngày, nghĩa là không tính đến phí qua đêm swap.

  • Trường hợp 1: quy tắc quản lý vốn 2% không tính commission

Áp dụng công thức sau để tính ra khối lượng lệnh.

Số tiền thua lỗ tối đa của lệnh = giá trị của số pip thua lỗ * khối lượng lệnh (số lot)

  • Trường hợp 2: quy tắc quản lý vốn 2% có tính commission

Lúc này, công thức tính khối lượng lệnh thay đổi như sau:

Số tiền thua lỗ tối đa của lệnh = giá trị của số pip thua lỗ * khối lượng lệnh (số lot) + khối lượng lệnh (số lot) * commission

Từ đó suy ra khối lượng giao dịch của lệnh.

Bước 5: Vào lệnh

Sau khi tính toán được khối lượng giao dịch, các bạn tiến hành đặt lệnh với các thông tin bao gồm điểm entry, stop loss, take profit và volume (khối lượng).

Ví dụ về cách áp dụng quy tắc quản lý vốn 2% trong giao dịch forex

Ví dụ 1: tài khoản của bạn có số dư hiện tại là 500$ và mức phí commission áp dụng trên tài khoản này là 6$/lot/2 chiều.

Chiến lược giao dịch của bạn có các thông tin sau:

  • Cặp tỷ giá giao dịch: EUR/USD
  • Loại lệnh: Buy
  • Vị trí vào lệnh (Entry) tại mức giá 1.12540
  • Vị trí đặt stop loss tại mức giá 1.12200
  • Vị trí đặt take profit tại mức giá 1.13570

Các bước thực hiện quy tắc quản lý vốn 2% như sau:

  • Bước 1: Xác định số tiền thua lỗ tối đa cho mỗi lệnh

Số tiền thua lỗ tối đa của lệnh = 2% * 500$ = 10$

  • Bước 2: Xác định số pip thua lỗ, số pip thắng

Số pip thua lỗ là 34 pips, số pip thắng là 103 pips, tỷ lệ Risk:Reward là xấp xỉ 1:3

  • Bước 3: Tính giá trị của số pip thua lỗ

1 pip trên 1 lot trên cặp EUR/USD có giá trị là 10$, suy ra 34 pips có giá trị là 340$.

  • Bước 4: Tính khối lượng giao dịch

Trường hợp 1: Không tính phí commission

10$ = khối lượng lệnh * 340$, suy ra, khối lượng lệnh là xấp xỉ 0.03 lots

Trường hợp 2: Có tính phí commission

10$ = khối lượng lệnh *340 $ + khối lượng lệnh * 6$ = khối lượng lệnh * 346$, suy ra khối lượng lệnh là 0.0289, cũng xấp xỉ 0.03 lots.

Với cả 2 trường hợp thì khối lượng giao dịch của lệnh tính ra đều được làm tròn là 0.03 lots (vì bước khối lượng nhỏ nhất trong giao dịch forex là 0.01 lots).

Chính vì vậy, đối với các trader vốn ít, các bạn có thể bỏ qua commission để tính toán nhanh hơn.

Ví dụ 2: cũng các thông tin như ví dụ 1 nhưng chúng ta sẽ áp dụng trên một tài khoản lớn và có phí commission cao để thấy sự khác biệt.

Tài khoản có số dư 10,000$ và commission là 20$/lot/2 chiều

Số tiền thua lỗ tối đa của lệnh lúc này là 2% * 10,000$ = 200$

Trường hợp 1: Không tính commission

200$ = khối lượng lệnh * 340$, suy ra, khối lượng lệnh là 0.588 lots, làm tròn thành 0.59 lots.

Trường hợp 2: Tính commission

200$ = khối lượng lệnh * 360$, suy ra, khối lượng lệnh là 0.555 lots, làm tròn thành 0.56 lots.

Lúc này, khoảng cách 0.03 lots trong giao dịch forex không phải là con số nhỏ nữa.

Quy tắc quản lý vốn 2% có phù hợp với mọi trader?

Mặc dù đây là một quy tắc đã tồn tại từ rất lâu, được nhiều trader áp dụng, kể cả các trader chuyên nghiệp nhưng nó lại không phù hợp cho tất cả.

Vẫn có nhiều trader không áp dụng quy tắc này, họ là những người có mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn con số 2% này rất nhiều, đặc biệt trong các trường hợp trader có được phương pháp giao dịch tốt, điều kiện thị trường thuận lợi và tín hiệu mà họ nhận được rất đáng tin cậy thì các trader này sẽ có xu hướng chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn, giao dịch với khối lượng lớn hơn để tận dụng cơ hội mang lại lợi nhuận cao. Lúc này, quy tắc quản lý vốn 2% không thật sự hiệu quả nữa.

Còn với những trader mới, chưa có nhiều kinh nghiệm và vốn ít thì quy tắc quản lý vốn 2% lại vô cùng hợp lý. Quy tắc này sẽ giúp các bạn vượt qua được chuỗi lệnh thua lỗ liên tiếp mà vẫn giữ cho số dư tài khoản đủ lớn để có thể tiếp tục giao dịch, tiếp tục có thêm cơ hội để đạt được mục tiêu lợi nhuận phù hợp.

Trên thực tế, đối với những trader mới bước chân vào thị trường này, chúng tôi luôn khuyên các bạn rằng mức rủi ro cho mỗi giao dịch nên thấp hơn cả 2%, bởi vì mục tiêu của các bạn lúc này không phải là tìm kiếm lợi nhuận cao mà là tích lũy kinh nghiệm và xây dựng được hệ thống giao dịch hiệu quả, mà quá trình này lại mất không ít thời gian để nghiên cứu, học hỏi và cả những lần thất bại trên thị trường. Đừng nghĩ đến việc nếu thua hết tiền sẽ tiếp tục nạp vào để giao dịch mà hãy làm sao để tài khoản không bị cháy, còn tiền là còn tồn tại, còn tồn tại là còn có thể kiếm ra tiền từ forex.

Kết luận

Có thể nói rằng 2% Rule là quy tắc quản lý vốn phổ biến nhất nhưng cũng ít được tuân thủ nhất. Về cách áp dụng thì vô cùng dễ dàng nhưng để duy trì nguyên tắc này thì lại vô cùng khó. Có khá nhiều nguyên nhân để một trader không thể tuân thủ theo nguyên tắc này, có thể là do họ không có tính kỷ luật trong giao dịch, họ không nhận thức được tầm quan trọng của quản lý vốn hoặc họ cho rằng con số 2% là quá nhỏ…

Hãy thử một lần nghiêm túc và kiên trì áp dụng quy tắc quản lý vốn 2% này, các bạn sẽ thấy được điều kỳ diệu, việc tài khoản của bạn bị cháy khi áp dụng quy tắc này là rất khó xảy ra, trừ khi bạn để thua rất nhiều lệnh liên tiếp. Trong trường hợp đó, chứng tỏ bạn không phù hợp với thị trường này chứ không phải quy tắc quản lý vốn 2% không phát huy được tính hiệu quả của nó.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Quy tắc quản lý vốn 2% là gì? Cách áp dụng trong giao dịch forex
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan