Một trong những lý do khiến nhiều trader mới giao dịch thua lỗ hoặc không hiệu quả mặc dù vẫn dự đoán chính xác xu hướng thị trường, đó là xác định thời điểm, vị trí chốt lời không chính xác hoặc kém hiệu quả.
Trên thực tế thì các khóa học giao dịch, các khóa đào tạo của forex broker đều rất hiếm khi đề cập đến vấn đề này và thường bị bỏ qua, do đó mà nhiều trader mới lại nhầm tưởng rằng việc thoát một giao dịch có lẽ không hề khó. Cho đến khi chính họ thực chiến trên thị trường thì mới thấy được nó khó khăn và đau não đến mức nào.
Và nếu bạn cũng đang cảm thấy khó khăn trong việc thoát lệnh thì có thể những gì mà quocdunginvest.com sẽ trình bày ngay sau đây sẽ giúp được bạn. Cùng theo dõi nhé.
Take profit là gì? Take profit quan trọng như thế nào đối với giao dịch của trader?
Take profit là gì?
Take profit hay Take profit order (Lệnh chốt lời) là một loại lệnh phụ, có thể được sử dụng hoặc không, tại thời điểm trader thực hiện một giao dịch để xác định mức lợi nhuận mục tiêu mà lệnh có thể đạt được trong trường hợp thị trường đi đúng như dự đoán của trader. Loại lệnh này liên quan đến việc trader sẽ xác định trước một mức giá (không phải mức giá khớp lệnh), để trong khi lệnh đang chạy, nếu thị trường chạm đến mức giá này, lệnh của trader sẽ tự động đóng lại và lệnh có lợi nhuận tính từ điểm Entry đến Take profit.
Take profit có thể được sử dụng trước khi lệnh giao dịch được khớp hoặc trong quá trình lệnh đang chạy, trader vẫn có thể cài đặt mức giá chốt lời trên phần mềm giao dịch.
Take profit thường đi kèm với Stop loss (dừng lỗ), nếu Stop loss liên quan đến việc thiết lập mức thua lỗ tối đa thì Take profit sẽ xác định mức lợi nhuận mục tiêu của giao dịch.
Khi giá chạm Stop loss, nghĩa là thị trường đi ngược lại so với hướng đặt lệnh, dự đoán của trader đã sai. Khi giá chạm Take profit, thị trường đã đi đúng hướng dự đoán và Take profit thường là vị trí mà tại đó, thị trường có khả năng đảo chiều, không thể tiếp tục đi theo xu hướng dự đoán.
Ví dụ về Take profit trong giao dịch forex
Tỷ giá cặp EUR/USD hiện tại là 1.23456 và bạn dự đoán giá sẽ tăng lên. Hệ thống giao dịch của bạn chỉ ra rằng, giá sẽ tăng nhưng có thể chỉ tăng đến 1.24300 sẽ quay đầu giảm vì đó là một mức kháng cự mạnh, đồng thời, nếu giá giảm xuống đến 1.23290 thì nó sẽ tiếp tục giảm xuống, dự đoán của bạn đã sai. Với những thông tin mà hệ thống giao dịch đã cung cấp, các bạn tiến hành đặt lệnh như sau:
- Entry: vào lệnh ngay với mức giá hiện tại 1.23456
- Stop loss tại 1.23290
- Take profit tại 1.24300
Nếu giá chạm Stop loss, bạn thua lỗ 16.6 pips, nếu giá chạm Take profit, bạn có lợi nhuận 84.4 pips.
Take profit được sử dụng trong các chiến lược giao dịch ngắn hạn, khi hệ thống hoặc chiến lược giao dịch của trader có thể chỉ ra các vị trí mà tại đó, giá có khả năng sẽ đảo chiều xu hướng dự đoán thì trader sẽ đặt take profit tại các vị trí đó, hoặc nếu không, trader sẽ dựa vào các yếu tố khác để lựa chọn vị trí take profit phù hợp. Ngược lại, với các chiến lược giao dịch dài hạn, trader sẽ thả nổi lệnh chốt lời, nghĩa là không đặt Take profit, mà họ sẽ tự đóng lệnh khi nào thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy.
Hướng dẫn cách đặt Take profit trên phần mềm MT4
Trong trường hợp các bạn muốn đặt Take profit trước khi khớp lệnh thì ngoại trừ tính năng giao dịch 1 chạm (one-click), các bạn có thể mở hộp thoại đặt lệnh bằng bất kỳ cách nào trên phần mềm MT4.
Tham khảo: MT4 là gì? Hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm MT4 chi tiết nhất
Take profit được sử dụng cho cả Market Order và Pending Order.
Chỉ cần nhập vào mức giá Take profit thỏa mãn điều kiện sau:
- Lệnh Buy: Take profit cao hơn giá khớp lệnh
- Lệnh Sell: Take profit thấp hơn giá khớp lệnh
Trường hợp các bạn muốn đặt Take profit sau khi lệnh đã khớp hoặc muốn thay đổi mức giá Take profit thì có thể thực hiện trực tiếp trên đồ thị giá.
Sau khi lệnh được khớp thì sẽ được thể hiện trên đồ thị giá bằng một đường nét đứt (màu xanh). Để đặt Take profit, các bạn chỉ cần bấm đúp chuột trái vào dòng lệnh rồi giữ và rê chuột đến vị trí cần đặt. Muốn thay đổi mức giá Take profit thì bấm đúp chuột trái vào dòng Take profit rồi giữ và rê đến vị trí cần thay đổi là được.
Take profit quan trọng như thế nào đối với giao dịch của trader?
Có 2 lý do lớn khiến cho việc đặt Take profit trước khi lệnh được khớp cực kỳ quan trọng đối với giao dịch của trader.
Thứ nhất, Take profit giúp quản trị rủi ro hiệu quả
Việc thiết lập trước vị trí thoát lệnh sẽ giúp chúng ta tính toán được tỷ lệ phần thưởng trên rủi ro (Risk:Reward) của một giao dịch. Tất nhiên, để tính toán được R:R Ratio, ngoài Take profit thì trader cũng sẽ phải đặt Stop loss trước khi thực hiện giao dịch. Stop loss xác định khoản lỗ tối đa còn Take profit xác định lợi nhuận tiềm năng. Một tỷ lệ R:R lý tưởng khi phần thưởng lớn hơn rủi ro.
Mà tỷ lệ R:R có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc quản lý rủi ro và xây dựng mục tiêu lợi nhuận dài hạn. Giả sử, một trader có tần suất giao dịch là 30 lệnh một tháng, trung bình mỗi ngày chỉ thực hiện một giao dịch. Trong đó, số lệnh thắng trung bình là 20, số lệnh thua trung bình là 10, mỗi lệnh thắng, trader sẽ thắng 50 USD, mỗi lệnh thua sẽ thua 30 USD. Tỷ lệ Risk:Reward của hệ thống giao dịch của trader này là 3:5.
Vậy thì, lợi nhuận tổng thể mà hệ thống giao dịch này tạo ra = 20*50 – 10*30 = 700 USD và cũng là lợi nhuận tổng thể mục tiêu mà trader muốn đạt được.
Việc xác định trước mức thua lỗ tối đa và lợi nhuận tiềm năng của mỗi giao dịch sẽ giúp trader có thể đánh giá được một giao dịch có đáng để thực hiện hay không. Nếu tỷ lệ R:R tốt hơn R:R mục tiêu hoặc ít nhất là phần thưởng phải tốt hơn rủi ro thì họ sẽ thực hiện lệnh, ngược lại sẽ bỏ qua.
Thứ hai, Take profit giúp ổn định tâm lý giao dịch.
Như đã nói, Take profit là vị trí mà tại đó, thị trường đã không thể tiếp tục đi theo xu hướng dự đoán hay Stop loss sẽ là nơi cho biết dự đoán của bạn đã sai. Thì cho dù giá chạm Stop loss hay Take profit cũng chứng tỏ giao dịch của bạn phải nên dừng lại.
Nếu không đặt Take profit (đặc biệt trong ngắn hạn), tâm lý lo lắng và tham lam sẽ rất dễ khiến trader đưa ra các quyết định không sáng suốt, làm cho giao dịch không hiệu quả.
Giả sử bạn đặt lệnh Buy nhưng không đặt Take profit. Khi giá tăng lên đúng như dự đoán, mặc dù vẫn chưa đến vị trí có khả năng đảo chiều nhưng vì lo lắng mà bạn đã vội đóng lệnh sớm, trong khi giá vẫn tiếp tục tăng lên. Hoặc khi giá đã chạm đến vị trí có khả năng đảo chiều nhưng vì tham lam muốn giữ lệnh kiếm thêm một chút nữa mà bạn chần chừ chưa chốt lệnh, kết quả là giá bất ngờ quay ngược giảm mạnh, xóa đi phần lớn lợi nhuận đang có được trước đó.
Ngược lại, đặt Take profit cũng là khi bạn đang tự tin vào hệ thống giao dịch của mình, nếu giá chạm Take profit thì chứng tỏ bạn đã thành công, nếu chưa kịp chạm Take profit đã quay đầu thì bạn cũng nên chấp nhận rằng bạn đã sai, hoặc nếu sau khi chạm Take profit, giá tiếp tục đi theo hướng kỳ vọng thì bạn cũng nên vui vẻ vì bạn đã hiểu được thị trường, lợi nhuận kỳ vọng đã đạt được, như vậy là đã đạt được mục tiêu rồi. Trading cũng giống như trong cuộc sống vậy, chấp nhận là đức tình cần có và phải biết hài lòng.
Nếu bạn không bám sát kế hoạch của mình và bắt đầu để cảm xúc chi phối, điều đó có thể có tác động tiêu cực đến các mục tiêu mà bạn đang cố gắng đạt được.
Giữ cho tâm lý thoải mái thì giao dịch mới hiệu quả được.
Những lý do khiến trader mới gặp khó khăn khi Take profit hoặc thoát lệnh.
Trước hết, các bạn cần phân biệt rõ việc đặt một lệnh Take profit và việc trader tự đóng lệnh.
Mặc dù cả 2 đều là đóng một giao dịch nhưng Take profit sẽ giúp cho lệnh tự động đóng lại khi giá chạm vào mức lợi nhuận mục tiêu, còn trader tự đóng lệnh chốt lời là khi trong quá trình lệnh đang chạy, trader phát hiện ra tín hiệu giá sẽ đảo chiều và họ quyết định đóng lệnh ngay tại thời điểm đó.
Take profit được sử dụng trong các giao dịch ngắn hạn, ngược lại, với một chiến lược giao dịch trung hoặc dài hạn thì thường trader sẽ thích tự đóng lệnh hơn.
Với một trader mới thì họ thường gặp khó khăn trong cả việc xác định vị trí Take profit tiềm năng trước khi thực hiện giao dịch lẫn nhận diện tín hiệu đảo chiều để thoát lệnh kịp thời.
Vậy, lý do nào khiến cho việc thoát lệnh gặp nhiều khó khăn như vậy?
Thứ nhất, trader không xác định được vị trí Take profit tiềm năng
Trường hợp này thường xảy ra đối với các Scalping trader và Day trader, họ cần phải xác định trước các vị trí Stop loss và Take profit nhưng lại không thể tìm được những vị trí này trên hệ thống giao dịch của mình.
Giả sử, trên chỉ báo mà bạn sử dụng phát ra tín hiệu về khả năng giá sẽ tăng lên, bạn đã xác định được vị trí Entry và cả Stop loss nhưng lại không thể xác định được nên đặt Take profit tại đâu.
Vậy lý do ở đây là gì?
Một chiến lược giao dịch Scalping hay Day Trading cần được xác định trước Stop loss và Take profit để hạn chế rủi ro trước những biến động bất thường, nhưng trader gặp khó khăn trong việc xác định vị trí chốt lời tiềm năng thì vấn đề lại nằm ở chiến lược giao dịch mà các bạn đang sử dụng.
Công cụ phân tích của bạn có chỉ ra được vị trí Stop loss và Take Profit hay không? Hay tại thời điểm đó, có vùng giá nào có thể trở thành một hỗ trợ hay kháng cự tiềm năng để đặt Take profit hay không?
Với chiến lược giao dịch mà bạn đang sử dụng, nếu không thể xác định được các vị trí Stop loss hay Take profit thì các bạn phải nghĩ ngay đến việc kết hợp thêm những công cụ phân tích khác hoặc thậm chí thay đổi chiến lược giao dịch của mình.
Nói tóm lại, lý do đầu tiên khiến một trader mới gặp nhiều khó khăn trong việc đặt Take profit chính là do trader chưa biết cách hoặc sử dụng không hiệu quả các phương pháp chốt lời. Và điều cần làm là các bạn nên cải thiện chính kinh nghiệm giao dịch của mình.
Thứ hai, trader không biết khi nào nên đóng lệnh chốt lời
Giả sử bạn đã tham gia vào một giao dịch nhưng không đặt Take profit trước, vì đó không hẳn là một Scalping trading nên bạn cũng không quá áp lực với việc phải đặt Take profit trước khi thực hiện lệnh.
Tuy nhiên, cái khó trong trường hợp này là bạn lại không biết phải nên đóng lệnh chốt lời khi nào?
Giả sử bạn vào lệnh với tín hiệu đảo chiều tăng từ mô hình nến, sau khi vào lệnh thì giá đã tăng lên như kỳ vọng, sau đó xuất hiện một mô hình nến đảo chiều giảm. Lúc này, bạn không biết được rằng thoát lệnh với tín hiệu này có đúng hay không?
Thực ra không thể trả lời là đúng hay sai, vì bạn không thể biết chắc được liệu rằng bây giờ giá có đảo chiều, xóa bỏ toàn bộ lợi nhuận, thậm chí chạm Stop loss, hay sẽ chỉ pullback nhẹ về một chút trước khi tiếp tục đi theo xu hướng dự đoán của bạn.
Mà câu trả lời phù hợp nhất chính là phụ thuộc vào việc bạn đang nhắm đến lợi nhuận từ các chuyển động ngắn hạn hay chuyển động trong dài hạn. Chính bạn phải tự trả lời được vấn đề này trước khi xác định chiến lược thoát lệnh nào là hợp lý nhất với mình.
Vậy, lý do chính khiến trader gặp phải khó khăn này là do chưa xác định được phong cách giao dịch trên thị trường.
Phong cách giao dịch sẽ quyết định đến lợi nhuận kỳ vọng, đến mức độ thua lỗ tối đa, đến các chiến lược, công cụ phân tích sử dụng… nói chung sẽ quyết định đến mọi vấn đề trong quá trình giao dịch của bạn.
Nếu bạn theo đuổi một phong cách giao dịch ngắn hạn thì bạn sẽ hài lòng với những biến động ngắn đó và sẵn sàng chốt lời nhanh chóng, ngược lại, nếu là một trader có phong cách giao dịch hài hạn, do số giao dịch được thực hiện không nhiều, nên bạn sẽ sẵn sàng kiên nhẫn, chờ đợi để đạt được lợi nhuận lớn hơn. Hoặc cũng có thể lựa chọn cả 2 bằng cách đóng ngay một phần lệnh để chắc chắn một phần lợi nhuận đang có, phần lệnh còn lại được giữ với hy vọng thắng lớn hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược chốt lời của trader
Như đã nói ở phần trên, phong cách giao dịch quyết định đến mọi vấn đề trong giao dịch forex nói riêng và đầu tư tài chính nói chung. Và tất nhiên là nó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược chốt lời của trader. Mỗi phong cách giao dịch được đặc trưng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, yếu tố nào cũng tác động không ít thì nhiều đến chiến lược thoát vị thế của trader, trong đó có 3 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp đến các chiến lược này.
Khung thời gian giao dịch
Các trader lựa chọn giao dịch trên khung thời gian nhỏ là những trader có phong cách giao dịch ngắn hạn. Mục tiêu trong các giao dịch của họ là tận dụng các đợt biến động giá lớn nhưng xảy ra trong thời gian ngắn, có thể chỉ từ 4, 5 cây nến sau khi vào lệnh. Với các giao dịch được thực hiện trên khung thời gian ngắn, trader sẽ ưu tiên lựa chọn các chiến lược, phương pháp phân tích có thể chỉ ra được vị trí đặt Take profit tiềm năng để dễ dàng dàng quản trị rủi ro vì các giao dịch ngắn hạn này có độ rủi ro cao hơn rất nhiều so với các giao dịch dài hạn. Hoặc họ sẽ thả nổi Take profit nhưng sẽ sẵn sàng đóng lệnh khi bất kỳ một tín hiệu nào xuất hiện cho thấy khả năng giá có thể đảo chiều hoặc đơn giản là pullback trước khi trở lại xu hướng chính. Vì với họ, mục tiêu là gom các mức lợi nhuận nhỏ trong ngắn hạn thành lợi nhuận tổng thể lớn trong dài hạn.
Ngược lại, với các trader lựa chọn những khung thời gian lớn để thực hiện một giao dịch dài hạn, mục tiêu của họ là bắt được những con sóng lớn của xu hướng lớn, do đó, họ sẽ không thiết lập trước vị trí Take profit. Mà họ chỉ đóng lệnh chốt lời khi nào xuất hiện tín hiệu đảo chiều cực kỳ đáng tin cậy, nếu không, họ sẽ tiếp tục giữ lệnh để bắt được sóng lớn hơn. Và để xác nhận được một tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy, các trader này sẽ sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, công cụ phân tích khác nhau.
Phương pháp phân tích
Phong cách giao dịch quyết định đến phương pháp phân tích và vì thế cũng quyết định đến chiến lược chốt lời của trader.
Đối với những trader yêu thích sử dụng indicators để phân tích thị trường thì họ cũng sẽ sử dụng tín hiệu của indicators để ra các quyết định chốt lời. Tuy nhiên, với chiến lược này, họ không thể xác định trước vị trí Take profit tiềm năng mà chỉ có thể chờ cho tín hiệu xuất hiện trên indicators rồi mới tự mình thoát vị thế.
Với những trader theo đuổi phương pháp phân tích hành động giá, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Phương pháp phân tích hành động giá bao gồm nhiều công cụ giao dịch khác nhau như hỗ trợ, kháng cự, mô hình nến và mô hình giá. Trong đó, trader có thể thiết lập trước các vị trí Take profit tiềm năng bằng cách xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự mạnh hoặc nếu giao dịch với các mô hình giá, trader cũng sẽ xác định được lợi nhuận mục tiêu trước khi thực hiện giao dịch. Còn với các mô hình nến đảo chiều, chúng chỉ phát ra tín hiệu và cho biết thời điểm chính xác để thị trường đảo chiều khi chúng thực sự hoàn thành, do đó, nếu trader lựa chọn chiến lược đóng vị thế khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều mạnh mẽ thì họ sẽ thả nổi Take profit và tự đóng lệnh.
Phương pháp phân tích cuối cùng, phân tích cơ bản, thường được ưa chuộng bởi các position trader, những trader giao dịch hoặc đầu tư dài hạn. Họ chỉ thoát khỏi vị thế của mình khi xuất hiện một sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nào đó tác động tiêu cực đến vị thế mà họ đang nắm giữ. Bằng không, mọi tín hiệu hiệu từ phân tích kỹ thuật cũng không ảnh hưởng nhiều đến các quyết định chốt lời của họ.
Mục tiêu tài chính
Mỗi trader khi bước chân vào thị trường forex cũng đều xác định cho mình một mục tiêu tài chính cụ thể, và mục tiêu đó cũng hình thành nên phong cách giao dịch và từ đó tác động trực tiếp đến chiến lược chốt lời trong các giao dịch của họ.
Một người có mục tiêu tài chính ngắn hạn sẽ sẽ có thời gian giữ vị thế ngắn, họ chỉ muốn bắt những đợt sóng biến động ngắn nhưng mạnh mẽ và không muốn bất kỳ một phần lợi nhuận nào bị hao hụt, cho dù là rất nhỏ. Do đó, họ sẵn sàng đóng lệnh ngay khi thấy giá có dấu hiệu quay đầu, mặc dù sau đó nó chỉ thoái lui rất ngắn trước khi trở lại xu hướng kỳ vọng.
Ngược lại, một trader đặt những mục tiêu tài chính xa hơn, cao hơn, họ sẽ phải đánh đổi một thời gian rất lâu để đạt được những mục tiêu đó, vì thế mà họ chấp nhận giữ vị thế lâu để bắt được sóng lớn nhất có thể. Và vì họ không quan tâm đến những biến động nhỏ trong ngắn hạn nên họ sẽ vẫn thong thả chờ đợi khi nào đạt được lợi nhuận mục tiêu hoặc chỉ bắt buộc đóng vị thế khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều xu hướng lớn.
Các chiến lược chốt lời hiệu quả trong giao dịch forex
Nhóm chiến lược chốt lời dựa trên tín hiệu đảo chiều
Hỗ trợ, kháng cự
Chiến lược chốt lời với hỗ trợ, kháng cự là chiến lược thoát vị thế cơ bản và dễ thực hiện nhất, nhưng nó sẽ chỉ có hiệu quả khi trader xác định chính xác các vùng/ngưỡng hỗ trợ, kháng cự mạnh.
Trước kết, các bạn cần hiểu hỗ trợ, kháng cự là gì?
- Hỗ trợ là vùng hay ngưỡng giá mà tại đó, áp lực mua đang rất lớn, khi giá chạm vào sẽ quay đầu tăng.
- Kháng cự là vùng hay ngưỡng giá mà tại đó, áp lực bán đang rất lớn, khi giá chạm vào sẽ quay đầu giảm.
Một hỗ trợ hay kháng cự được đánh giá là mạnh khi có ít nhất 2 lần giá chạm vào và quay đầu. Và một nguyên tắc mà các bạn cần hiểu, một kháng cự bị phá vỡ sẽ trở thành hỗ trợ và ngược lại.
Chốt lời với hỗ trợ, kháng cự thường được sử dụng trong các chiến lược giao dịch ngắn hạn. Trước khi vào lệnh, trader sẽ xác định các vùng giá hỗ trợ, kháng cự mạnh lân cận và đặt Take profit tại những vùng/ngưỡng giá đó.
Ví dụ:
Vùng kháng cự mạnh được xác định khi giá nhiều lần quay đầu giảm tại vùng giá này. Đặt Take profit ngay phía dưới vùng kháng cự khoảng vài pips.
Breakout đường trendline
Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng, thì phần lớn các mức giá sẽ nằm trên đường trendline của xu hướng đó, ngược lại nếu thị trường đang trong xu hướng giảm thì phần lớn các mức giá sẽ nằm dưới đường trendline của xu hướng.
Do đó, khi giá breakout đường trendline, có nghĩa là xu hướng có khả năng đảo chiều. Trader sẽ sử dụng tín hiệu này để thoát lệnh.
Tất nhiên, cách chốt lời này được thực hiện trong khi lệnh đang chạy, trader không thể xác định trước được vị trí mà trendline sẽ bị phá vỡ và chiến lược thoát lệnh này thường được sử dụng trong các giao dịch trung hoặc dài hạn.
Ví dụ:
Thoát lệnh khi giá đóng cửa bên ngoài trendline một cách rõ ràng. Mặc dù trong trường hợp này, đó chỉ là một đợt false breakout nhưng điểm thoát lệnh cũng khá gần với vị trí giá đảo chiều, giao dịch gần như đã bắt được trên ⅔ sóng. Vậy là quá đủ.
Mô hình nến đảo chiều
Là phương pháp chốt lời rất được ưa chuộng bởi đa số các trader hiện nay và dường như nó là chiến lược chốt lời chủ yếu của các price action trader.
Các mô hình nến đảo chiều cung cấp tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ trên những khung thời gian lớn (từ H4 trở lên), do đó, chốt lời với tín hiệu từ mô hình nến được sử dụng nhiều trong các giao dịch trung và dài hạn. Nhưng nhiều Day traders cũng yêu thích chốt lời với mô hình nến, nếu nó xuất hiện.
Như đã nói ở phần trên, chỉ khi các cây nến hoàn thành thì chúng ta mới xác định được vị trí chốt lời tiềm năng, do đó, nếu lựa chọn chốt lời với mô hình nến, các bạn chỉ có thể đóng lệnh bằng tay chứ không thể xác định trước vị trí đặt Take profit tiềm năng.
Ví dụ:
Vào lệnh với tín hiệu đảo chiều tăng từ mô hình Bullish Engulfing và thoát lệnh khi mô hình đảo chiều giảm Shooting Star xuất hiện.
Mô hình giá
Trong các chiến lược giao dịch với mô hình giá thì đa số chúng sẽ cung cấp luôn vị trí đặt Take profit tiềm năng. Đó thường là vị trí cách điểm Entry một đoạn bằng với độ cao của mô hình. Nhưng trong trường hợp phạm vi giao dịch của mô hình giá quá hẹp, dẫn đến độ cao không đáng kể thì trader sẽ lựa chọn một chiến lược chốt lời khác, có thể sử dụng tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến hoặc sử dụng chốt lời = x2, x3 độ cao mô hình nếu nhận thấy khả năng giá sẽ biến động mạnh mẽ theo hướng breakout mô hình.
Ví dụ:
Vị trí Take profit tiềm năng trong chiến lược giao dịch với mô hình giá Cốc và tay cầm chính là vị trí cách Entry một đoạn bằng độ cao của phần thân cốc.
Tín hiệu từ indicators
Là cách chốt lời phổ biến nhất trong giao dịch forex, được lựa chọn bởi hầu hết các trader phân tích kỹ thuật, đặc biệt là các trader giao dịch ngắn hạn như Scalping trader hay Day trader.
Thông thường, nếu trader sử dụng indicators nào để phân tích xu hướng và giao dịch thì cũng sẽ dùng luôn indicators đó để xác định thời điểm chốt lời.
Trong phạm vi bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn chiến lược chốt lời với 3 indicators và chúng đều là những indicators cung cấp tín hiệu thoát vị thế chuẩn xác nhất.
Chốt lời với tín hiệu giao cắt giữa các đường trung bình trượt
Trong chiến lược này, chúng ta sẽ sử dụng 2 đường MA, đường MA với chu kỳ ngắn hơn là đường MA nhanh, đường còn lại là đường MA chậm.
Khi đường MA nhanh nằm trên đường MA chậm → thị trường đang trong xu hướng tăng, khi MA nhanh cắt MA chậm từ trên xuống → khả năng giá đảo chiều giảm.
Khi MA nhanh nằm dưới đường MA chậm → thị trường đang trong xu hướng giảm, khi MA nhanh cắt MA chậm từ dưới lên → khả năng giá đảo chiều tăng.
Tham khảo: Đường MA là gì? Cách giao dịch hiệu quả với đường Moving Average
Do đó, nếu các bạn mở một lệnh Buy thì dấu hiệu thoát lệnh chốt lời là khi MA nhanh cắt MA chậm từ trên xuống. Còn nếu mở một lệnh Sell thì chờ MA nhanh cắt MA chậm từ dưới lên và đóng lệnh chốt lời.
Ví dụ:
Vào lệnh với tín hiệu giá cắt đường SMA 20 đi lên và thoát lệnh khi SMA20 cắt SMA50 từ trên xuống.
Chốt lời với Fibonacci Extension
Fibonacci có rất nhiều loại và không hẳn nó là một indicators, mà nó được xem như là một công cụ hỗ trợ giao dịch thì chính xác hơn. Và trong các loại Fibonacci thì Fibonacci Extension chính là công cụ xác định các vị trí thoát lệnh.
Thông thường, traders sẽ sử dụng Fibonacci Extension để chốt lời khi họ sử dụng Fibonacci Retracement để tìm kiếm vị trí vào lệnh.
Tham khảo:
Fibonacci Retracement là gì? Các chiến lược vào lệnh tốt nhất với Fibonacci Retracement.
Fibonacci Extension là gì? Cách chốt lời hiệu quả nhất với Fibonacci Extension
Với Fibonacci Extension, trader sẽ có thể xác định trước được các vị trí Take profit tiềm năng dựa vào các tỷ lệ FE quan trọng như 1.0, 1.382, 1.618, 1.764 hoặc 2.618…
Ví dụ:
Vào lệnh khi giá chạm vào tỷ lệ FR 0.618 và đặt Take profit tại mức giá ứng với tỷ lệ FE 1.382
Tín hiệu quá mua, quá bán từ RSI
RSI là một trong số những chỉ báo dao động được sử dụng phổ biến nhất trong tất cả các chiến lược giao dịch forex. RSI có thể được sử dụng kết hợp với indicators khác hoặc cũng có thể kết hợp với phân tích hành động giá.
Trader sử dụng tín hiệu quá mua, quá bán từ RSI để chốt lời trong các giao dịch ngắn hoặc trung hạn.
Nếu mở một lệnh Buy thì trader sẽ chờ cho RSI đi vào vùng quá mua và có dấu hiệu rời khỏi vùng này (RSI cắt đường 70 từ trên xuống) và đóng lệnh. Nếu là lệnh Sell thì trader sẽ đóng lệnh chốt lời khi RSI cắt đường 30 từ dưới lên.
Ví dụ:
Vào lệnh với tín hiệu phân kỳ giảm từ RSI, thoát lệnh khi RSI ra khỏi vùng quá bán, cắt đường 30 từ dưới lên.
Phân tích cơ bản
Trên thực tế thì phương pháp phân tích cơ bản rất ít khi được sử dụng để chốt lời mà trader thường sẽ dựa vào các tín hiệu cơ bản để nhận định về khả năng đảo chiều có xảy ra hay không, từ đó sẽ tìm kiếm một tín hiệu kỹ thuật để đóng lệnh. Chứ hiếm khi trader sẽ đóng lệnh ngay khi một sự kiện kinh tế quan trọng được công bố.
Nhóm chiến lược chốt lời không dựa trên tín hiệu đảo chiều
Là khi trader sẽ thoát vị thế, chốt lời mà không quan tâm đến diễn biến tiếp theo của thị trường.
Dựa vào tỷ lệ Risk:Reward
Một hệ thống giao dịch có thể không cung cấp tín hiệu xác định trước vị trí Take profit tiềm năng nhưng chắc chắn phải cung cấp tín hiệu để trader có thể đặt Stop loss hợp lý. Do đó, trader luôn xác định được rủi ro tối đa mà họ có thể chấp nhận được trong mỗi giao dịch.
Và khi không thể xác định được vị trí Take profit tiềm năng nhưng trader không muốn thả nổi Take profit thì có thể lựa chọn vị trí chốt lời dựa vào tỷ lệ Risk:Reward.
Giả sử các bạn mong muốn lợi nhuận phải gấp đôi rủi ro, thì tỷ lệ Risk:Reward là 1:2. Sau khi xác định được vị trí Stop loss, các bạn sẽ tính toán được vị trí đặt Take profit trên đồ giá.
Dựa vào thời gian giao dịch
Là chiến lược thoát lệnh khi lệnh đã chạy được một khoảng thời gian được xác định trước bởi trader. Trên thực tế thì chiến lược này thường bị bỏ qua nhưng cũng có nhiều trader áp dụng và mang lại hiệu quả bất ngờ. Các khoảng thời gian mà trader thường lựa chọn để đóng lệnh đó là vào cuối ngày giao dịch, trong 5 ngày (1 tuần giao dịch)… nhưng để đưa ra được quyết định chốt lời theo chiến lược này, chắc chắn trader đã nhận thấy điều gì đó, có thể giá sẽ đảo chiều sau khoảng thời gian đó hoặc trong khoảng thời gian đó thì trader có thể đã đạt được lợi nhuận mục tiêu. Tóm lại, chiến lược này nếu muốn hiệu quả đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm ở trader.
Kết luận
Nếu như việc đặt Stop loss là một nguyên tắc giao dịch cần được tuân thủ thì Take profit lại thoải mái hơn. Trader có thể đặt Take profit trước khi thực hiện giao dịch hoặc có thể tự thoát vị thế khi phát hiện tín hiệu đảo chiều. Lựa chọn phương pháp thoát lệnh nào sẽ phụ thuộc vào chiến lược giao dịch cụ thể mà mỗi trader sử dụng.
Hy vọng qua những gì mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết này, các bạn sẽ có thêm những phương pháp thoát lệnh, Take profit để có thể áp dụng vào trong giao dịch hằng ngày của mình. Hãy thử chúng với từng hệ thống giao dịch cụ thể để chọn ra phương pháp, chiến lược chốt lời phù hợp và hiệu quả nhất với bạn.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.