Trang chủVSA là gì? Cách áp dụng Volume Spread Analysis trong Forex

VSA là gì? Cách áp dụng Volume Spread Analysis trong Forex

Admin

Nếu như ở bài viết lần trước, chúng ta đã đi giải mã các nguyên tắc, quy luật và kỹ thuật giao dịch của phương pháp Wyckoff, một phương pháp phân tích hàn lâm nhưng cũng không kém phần chi tiết, thì trong bài viết lần này, quocdunginvest.com sẽ giới thiệu đến các bạn một trong 2 ứng dụng quan trọng nhất của phương pháp Wyckoff, đó là lý thuyết phân tích khối lượng – chênh lệch giá hay phương pháp phân tích khối lượng – chênh lệch giá VSA, cùng với một ứng dụng nữa là phương pháp Spring and Upthrust, sẽ được tìm hiểu trong một bài viết khác.

Phương pháp VSA đi sâu vào cách thức chi tiết, giúp nhà đầu tư có thể giao dịch hài hòa với dòng tiền thông minh hay Composite Man – một khái niệm đã được giải thích rõ ở bài viết về phương pháp Wyckoff lần trước. Cũng qua bài viết này, các bạn sẽ biết được lý do vì sao mà phương pháp Wyckoff nói chung hay phương pháp VSA nói riêng lại có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp phân tích thông thường như phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản. Cùng bắt đầu nhé.

Tham khảo: Phương pháp Wyckoff là gì? Cách tiếp cận thị trường bằng phương pháp Wyckoff.

Phương pháp VSA là gì? Lịch sử ra đời

VSA là viết tắt của Volume Spread Analysis – Phân tích khối lượng – chênh lệch giá, là một phương pháp phân tích giao dịch tài chính, đi tìm nguyên nhân của biến động giá, từ đó nhận định về xu hướng sắp tới của thị trường. Mà theo phương pháp VSA thì nguyên nhân của biến động giá xuất phát từ sự mất cân bằng trong mối quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường, dưới tác động của dòng tiền thông minh hay các nhà đầu tư chuyên nghiệp, Composite Man.

Hoạt động của Composite Man hay ý định thực sự của họ được thể hiện rõ ràng trên biểu đồ giá thông qua mối tương quan giữa 3 biến số: khối lượng giao dịch, chênh lệch giá (độ dài thân nến = khoảng cách từ giá mở cửa đến giá đóng cửa) và giá đóng cửa (Close), từ đó xác định sự cân bằng cung – cầu cũng như xu hướng của thị trường trong tương lai gần.

Chính Tom Williams – người đã phát minh ra chương trình giao dịch máy tính nổi tiếng Wyckoff Volume Spread Analysis (Wyckoff VSA), cũng là một nhà đầu tư chứng khoán tài ba đã phát triển phương pháp VSA dựa trên các nguyên tắc, quy luật của phương pháp Wyckoff.

Trong 3 quy luật Wyckoff, thì có đến 2 quy luật liên quan đến mối quan hệ cung – cầu, đó là quy luật Cung – Cầu (quy luật số 1) và quy luật Nỗ lực – Kết quả (quy luật số 3). Tom Williams đã tiếp tục nghiên cứu về mối quan hệ này bằng việc phát triển tầm quan trọng của chênh lệch giá và mối liên quan của nó với khối lượng giao dịch và giá đóng cửa. Đến năm 1993, ông hoàn thành công trình nghiên cứu của mình và xuất bản phương pháp VSA thông qua cuốn sách “Master of Market”. Từ đó, phương pháp này được phổ biến hơn đến giới trader toàn cầu.

Nếu phương pháp Wyckoff áp dụng được với mọi loại thị trường thì phương pháp VSA cũng như vậy. VSA hoạt động trong tất cả các thị trường, trên mọi loại tài sản và mọi khung thời gian, miễn sao trên biểu đồ giá thể hiện đầy đủ 3 yếu tố: khối lượng, chênh lệch giá và giá đóng cửa.

Tại sao phương pháp VSA có thể hoạt động được?

Đơn giản vì mọi thị trường đều tồn tại mối quan hệ cung – cầu. Nguồn cung chủ yếu từ các nhà khai thác chuyên nghiệp (Composite Man) mà nguồn cầu cũng chủ yếu từ họ. Nếu cung nhiều hơn cầu hay bán nhiều hơn mua thì thị trường sẽ đi xuống hay giá giảm. Ngược lại, nếu cầu nhiều hơn cung hay mua nhiều hơn bán thì thị trường sẽ đi lên hay giá tăng. Nguyên tắc trên là hoàn toàn chính xác nhưng hoạt động thực sự của cung và cầu trên thị trường là hoàn toàn khác nhau và không phải ai cũng nhận biết được điều này, nhất là những nhà đầu tư bán lẻ, không chuyên nghiệp.

Phương pháp VSA chỉ ra rằng dấu hiệu tăng giá của thị trường được thể hiện thông qua các thanh xuống (nến giảm) và dấu hiệu giảm giá được thể hiện qua các thanh tăng (nến tăng), mà điều này thì hoàn toàn trái ngược với những gì mà các hầu hết các nhà giao dịch cho rằng họ biết được sự thật về thị trường.

Để thị trường có xu hướng tăng, phải có mua nhiều hơn bán, nhưng đây chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để xu hướng tăng thật sự xảy ra là sự vắng mặt của nguồn cung chính trên thị trường. Hoạt động mua đáng kể từ các Composite Man diễn ra chủ yếu ở một phần trong giai đoạn tích lũy và hoạt động này thực sự xuất hiện trên biểu đồ giá dưới dạng các thanh giảm (nến giảm) đi cùng với khối lượng tăng đột biến. 

Ngược lại, để một xu hướng giảm có thể xảy ra, nguồn cầu phải thiếu đáng kể để hỗ trợ giá. Hoạt động bán đáng kể từ Composite Man diễn ra trên biểu đồ trong giai đoạn phân phối dưới dạng một thanh tăng giá với khối lượng tăng đột biến.

Tại sao thường luôn có sẵn nguồn cung khi các Composite Man muốn mua vào? Tất cả đều nằm trong kế hoạch của họ thông qua việc phát hành các tin xấu, những tin xấu này sẽ khuyến khích công chúng bán ra và những người này hầu như luôn thua lỗ. Và hoạt động mua chuyên nghiệp này được thể hiện trên biểu đồ bằng một thanh giá xuống, điều mà rất nhiều nhà giao dịch thiếu chuyên nghiệp chưa thật sự hiểu rõ về nó.

3 thành phần chính của phương pháp VSA

Như đã được nhắc đến ngay từ đầu, phương pháp VSA dựa trên việc phân tích 3 yếu tố, bao gồm: khối lượng, chênh lệch giá và giá đóng cửa.

Khối lượng giao dịch (Volume)

Được xác định phụ thuộc vào mỗi khung thời gian mà nhà giao dịch sử dụng để phân tích.

Phương pháp VSA đề cập đến 2 mức khối lượng:

  • Khối lượng cao trên trung bình: chính là khối lượng lớn nhất trong phiên giao dịch hiện tại, nó cao hơn mức khối lượng trung bình (đường MA(20) của Volume) nhưng thấp hơn mức cao nhất (hay đỉnh khối lượng) trước đó.
  • Khối lượng siêu cao: là đỉnh khối lượng cao nhất trong giai đoạn xem xét, nó cao hơn đỉnh khối lượng trước đó.

Ví dụ về khối lượng cao trên trung bình và khối lượng siêu cao:

Chênh lệch giá (Spread)

Bạn đừng nhầm lẫn với khái niệm spread thường gặp, là chênh lệch giữa giá Bid và giá Ask, spread trong phương pháp VSA chính là phạm vi biến động của giá, được xác định bằng khoảng cách giữa giá mở cửa và giá đóng cửa của một phiên giao dịch. Trên đồ thị, spread chính là độ dài thân nến.

Giá đóng cửa (Close)

Là thông tin quan trọng nhất của phương pháp VSA, vị trí của giá đóng cửa trên cây nến là tín hiệu quan trọng để phân tích xu hướng thị trường trong tương lai gần.

Với 3 thành phần này, các nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ thấy được thị trường đang ở giai đoạn nào trong 4 giai đoạn: tích lũy (diễn ra hoạt động mua chuyên nghiệp với giá bán buôn), tăng giá, phân phối (diễn ra hoạt động bán chuyên nghiệp với giá bán lẻ) và giảm giá. Thông thường, các nhà giao dịch sẽ bỏ qua khối lượng nhưng với phương pháp VSA, thành phần này vô cùng quan trọng, nó được ví như việc các bạn mua một chiếc ô tô mà không có bình xăng. Với VSA, để phân tích khối lượng một cách chính xác nhất, thì các thông tin thể hiện trên khối lượng chỉ được ghi nhận một nửa ý nghĩa, nửa còn lại cần được tìm thấy trong chênh lệch giá.

Volume chỉ ra số lượng mua bán đang diễn ra và chênh lệch giá thì cho thấy sự di chuyển của giá trên mức khối lượng đó. Một vài indicators cố gắng kết hợp volume và spread với nhau nhưng bản thân chúng đều có những hạn chế nhất định. Các indicators thường chỉ ra rằng thị trường tăng giá đi kèm khối lượng cao nhưng rất nhiều trường hợp thị trường tăng với khối lượng thấp. Giá có thể đi ngang hoặc giảm với cùng mức khối lượng.

Ứng dụng của phương pháp VSA

Nhiệm vụ chính của phương pháp VSA là phân tích mối quan hệ cung – cầu bằng 3 yếu tố: khối lượng, chênh lệch giá và giá đóng cửa, từ đó xác định xu hướng thị trường trong tương lai gần thông qua dấu hiệu tăng giá (Sign Of Strength – SOS) hoặc dấu hiệu giảm giá (Sign Of Weakness – SOW), cũng là 2 ứng dụng quan trọng nhất của phương pháp VSA.

Trước khi đi vào cụ thể 2 ứng dụng, chúng ta sẽ cùng nhắc lại một chút về chu kỳ giá của Wyckoff.

Chu kỳ giá Wyckoff có 4 giai đoạn: Tích lũy, Tăng giá, Phân phối và Giảm giá

  • Tích lũy: xảy ra vào cuối một xu hướng giảm, khi nguồn cung đã kiệt sức và trở nên cân bằng với cầu. Quá trình tái tích lũy xảy ra bên trong giai đoạn tăng giá, là lúc mà cung – cầu trở về trạng thái cân bằng tạm thời.
  • Tăng giá: khi cầu vượt xa cung
  • Phân phối: khi thị trường tăng giá kiệt sức, cầu cạn kiệt và trở nên cân bằng với cung. Quá trình tái phân phối diễn ra bên trong giai đoạn giảm giá, là lúc mà cung – cầu trở về trạng thái cân bằng tạm thời.
  • Giảm giá: khi cung vượt xa cầu

Quay trở lại 2 ứng dụng của VSA, dấu hiệu tăng giá SOS xảy ra khi nguồn cung cạn kiệt sau một xu hướng giảm và nhiều người mua bắt đầu gia nhập thị trường (nhu cầu tăng). SOS xảy ra trong giai đoạn Tăng giá, sau tích lũy và tái tích lũy. Ngược lại, dấu hiệu giảm giá SOW xảy ra khi nhu cầu cạn kiệt sau một xu hướng tăng và nhiều người bán hơn bước vào thị trường (nguồn cung tăng). SOW xảy ra trong giai đoạn Giảm giá, sau phân phối và tái phân phối.

Theo phương pháp VSA, ở mỗi dấu hiệu tăng giá SOS hoặc giảm giá SOW thị trường sẽ thể hiện thông qua các mẫu hình đặc biệt về chênh lệch giá và khối lượng. Nhìn vào hình dáng của thanh giá (cây nến) và khối lượng, nhà giao dịch sẽ biết được đó là dấu hiệu của SOS hay SOW, từ đó ra quyết định giao dịch hiệu quả và chính xác.

Phần tiếp theo đây sẽ trình bày các mẫu hình nến – khối lượng hình thành nên SOS và SOW.

Các mẫu Nến – Khối lượng của SOS

Các mẫu Nến – Khối lượng của SOS cung cấp thông tin về sự mất cân bằng cung – cầu, trong đó, nhu cầu đang lớn hơn nguồn cung (Demand > Supply)

Down Thrust – Lực đẩy xuống

Mẫu hình này bao gồm một cây nến thân ngắn, màu sắc nến không quan trọng, với bóng nến dưới dài (có thể là Bullish Reversal Pin bar hoặc Dragonfly Doji) và khối lượng siêu cao hoặc cao trên trung bình. Khối lượng tăng đáng kể trong khi chênh lệch giá nhỏ (thân nến ngắn), cho thấy Nỗ lực > Kết quả, đồng thời bóng nến dưới dài chứng tỏ thị trường từ chối giá xuống, điều này lại cho thấy các Composite Man đang hấp thụ nguồn cung (mua vào) và thị trường chờ đợi tăng giá.

Selling Climax – Cao trào bán

Là mẫu hình bao gồm 1 cây nến giảm thân dài, có phần bóng nến dưới đáng kể (từ 25 – 50% độ dài thân nến) và khối lượng siêu cao hoặc cao trên trung bình. Thân nến giảm dài cho thấy áp lực bán bị đẩy lên đỉnh điểm, điều này hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Composite Man. Khi giá đang ở đáy hoặc gần đáy, các Composite Man bắt đầu mua vào, làm cho giá đóng cửa trên mức giá thấp nhất một khoảng đáng kể (bóng nến dưới dài), cộng với khối lượng cao cho thấy khả năng giá sẽ tăng lên.

Bearish Effort < Bearish Result – Nỗ lực (giảm giá) < Kết quả (giảm giá)

Là mẫu hình bao gồm cây nến giảm, thân dài hơn so với nến phía trước nhưng khối lượng lại thấp hơn khối lượng phía trước. Mẫu hình này cho thấy nỗ lực (khối lượng) không tương ứng với kết quả (chênh lệch giá). Trong khi phương pháp VSA lại cho rằng khi không có nỗ lực thì sẽ không có kết quả, đây chính là sự bất thường giữa giá và khối lượng, giá giảm nhưng khối lượng không cao hơn, chứng tỏ nguồn cung đang yếu đi, dự báo thị trường sẽ tăng lên trong tương lai.

Bearish Effort > Bearish Result – Nỗ lực (giảm giá) > Kết quả (giảm giá)

Mẫu hình này thì ngược lại với mẫu hình ở trên, bao gồm cây nến giảm với thân ngắn hơn thân nến phía trước nhưng khối lượng lại cao hơn khối lượng phía trước. Sự bất thường giữa giá và khối lượng như trên cho thấy các Composite Man đang hấp thụ nguồn cung (mua vào), thị trường sẽ tăng giá trong tương lai. Có nỗ lực nhưng không có kết quả.

No Supply Bar – Không có nguồn cung

Bao gồm một cây nến giảm, thân khá nhỏ, có bóng nến dưới (thị trường từ chối giá xuống) và khối lượng thấp hơn 2 nến trước đó. Thân nến giảm nhỏ cộng với khối lượng thấp cho thấy nguồn cung đang rất thấp, nhu cầu đang áp đảo. Thêm vào đó, bóng nến dưới xuất hiện trên cây nến cũng chứng tỏ phần nào thị trường đang từ chối giá xuống, giá sẽ tăng trong tương lai. Tuy nhiên, đây là mẫu hình xuất hiện trong một xu hướng tăng, báo hiệu xu hướng được tiếp diễn chứ không phải mẫu hình đảo chiều xu hướng.

Các mẫu Nến – Khối lượng của SOW

Các mẫu Nến – Khối lượng của SOW cung cấp thông tin về sự mất cân bằng cung – cầu, trong đó, nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu (Supply > Demand)

Up Thrust – Lực đẩy lên

Mẫu hình này bao gồm một cây nến thân ngắn, bóng nến trên dài (có thể là Bearish Reversal Pin bar hoặc Gravestone Doji), màu sắc thân nến không quan trọng và khối lượng siêu cao hoặc cao trên trung bình. Khối lượng lớn nhưng chênh lệch giá nhỏ (thân nến ngắn), cho thấy Nỗ lực lớn nhưng không có Kết quả, đồng thời bóng nến trên dài chứng tỏ thị trường từ chối giá lên, giá sẽ giảm xuống trong tương lai.

Buying Climax – Cao trào mua

Bao gồm một cây nến tăng, thân dài, có bóng nến trên đáng kể (25 – 50% thân nến) và khối lượng siêu cao hoặc cao trên trung bình. Thân nến tăng dài cho thấy áp lực mua đang bị đẩy lên đỉnh điểm, điều này cũng hoàn toàn nằm trong kế hoạch của các Composite Man, họ đẩy giá lên cao hơn để bán ra với giá cao. Khi giá đang ở đỉnh, họ bắt đầu bán ra dần, khiến cho giá đóng cửa bên dưới mức giá cao nhất của phiên giao dịch (hình thành bóng nến trên đáng kể), cộng với khối lượng giao dịch cao là tín hiệu cho thấy giá sẽ giảm trong tương lai.

Bullish Effort < Bullish Result – Nỗ lực (Tăng giá) < Kết quả (Tăng giá)

Là mẫu hình bao gồm cây nến tăng, thân dài hơn so với nến phía trước nhưng khối lượng lại thấp hơn khối lượng phía trước. Mẫu hình này cho thấy nỗ lực (khối lượng) không tương ứng với kết quả (chênh lệch giá). Trong khi phương pháp VSA lại cho rằng khi không có nỗ lực thì sẽ không có kết quả, đây chính là sự bất thường giữa giá và khối lượng, giá tăng nhưng khối lượng không cao hơn, chứng tỏ nhu cầu đang yếu đi, dự báo thị trường sẽ giảm xuống trong tương lai.

Bullish Effort > Bullish Result – Nỗ lực (Tăng giá) > Kết quả (Tăng giá)

Mẫu hình này thì ngược lại với mẫu hình ở trên, bao gồm cây nến tăng với thân ngắn hơn thân nến phía trước nhưng khối lượng lại cao hơn khối lượng phía trước. Khối lượng cao cho thấy nỗ lực lớn, nhưng chênh lệch giá là thấp hơn (Không có kết quả), nhu cầu đang yếu đi, xuất hiện sự tồn tại của hoạt động bán ra chuyên nghiệp (tồn tại nguồn cung lớn), thị trường sẽ giảm giá trong tương lai.

No Demand Bar – Không có nhu cầu

Bao gồm một cây nến tăng thân khá nhỏ, có bóng nến trên (thị trường từ chối giá lên) và khối lượng thấp hơn 2 nến trước đó. Thân nến tăng nhỏ cộng với khối lượng thấp cho thấy nhu cầu đang rất thấp, nguồn cung đang áp đảo. Thêm vào đó, bóng nến trên xuất hiện trên cây nến cũng chứng tỏ phần nào thị trường đang từ chối giá lên, giá sẽ giảm xuống trong tương lai. Tuy nhiên, đây là mẫu hình xuất hiện trong một xu hướng giảm, báo hiệu xu hướng được tiếp diễn chứ không phải mẫu hình đảo chiều xu hướng.

Nguyên lý hoạt động của phương pháp VSA

Phương pháp VSA giúp các nhà giao dịch nhận biết dấu hiệu tăng giá hoặc giảm giá thông qua các mẫu hình Nến – Khối lượng đã được giới thiệu ở trên. Và logic đằng sau các mẫu hình này chính là sự mất cân bằng cung – cầu hay nói cách khác chính là tồn tại sự bất thường giữa chênh lệch giá và khối lượng giao dịch.

Sự bất thường xảy ra khi chênh lệch giá cao (thân nến dài) nhưng khối lượng giao dịch thấp (thấp hơn mức trung bình) hoặc chênh lệch giá thấp (thân nến ngắn) nhưng khối lượng giao dịch lại cao (cao hơn mức trung bình hoặc siêu cao). Ngược lại với sự bất thường thì đó là sự xác nhận giữa chênh lệch giá và khối lượng, thân nến ngắn thì khối lượng thấp hoặc thân nến dài thì khối lượng phải cao.

Trong tất cả các mẫu hình Nến – Khối lượng trên đều tồn tại sự bất thường, cùng phân tích nhé.

Down Thrust và Up Thrust

Sự bất thường thể hiện rõ ràng trên thân nến ngắn và khối lượng giao dịch cao. Down Thrust xuất hiện trong xu hướng giảm cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần, ngược lại, Up Thrust xuất hiện trong xu hướng tăng cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần.

Selling Climax và Buying Climax

Mặc dù không có sự bất thường giữa chênh lệch giá và khối lượng vì cả thân nến và khối lượng đều cao. Tuy nhiên, sự bất thường trong 2 mẫu hình này chính là ở sự từ chối giá của thị trường. Nến Selling Climax xuất hiện với bóng nến dưới đáng kể cho thấy phe mua đang cố gắng chặn đà giảm của giá, điều này đồng nghĩa với khối lượng giảm giá phải thấp nhưng khối lượng lại cao, đó là sự bất thường. Tương tự, khi nến Buying Climax xuất hiện với bóng nến trên dài cho thấy phe bán đang cố gắng chặn đà tăng của giá, đáng lẽ ra, khi đó, khối lượng tăng giá phải giảm nhưng đằng này khối lượng lại cao, đó cũng là sự bất thường trong biến động giá và khối lượng.

Bearish Effort < Bearish Result và Bullish Effort < Bullish Result

Mẫu hình này thì sự bất thường đã thể hiện rất rõ ràng, chênh lệch giá cao nhưng khối lượng lại thấp.

Bearish Effort > Bearish Result và Bullish Effort > Bullish Result

Sự bất thường ở 2 mẫu hình này thì ngược lại với 2 mẫu hình trên, thân nến ngắn nhưng khối lượng lại cao.

No Supply Bar và No Demand Bar

Mặc dù không nhìn thấy sự bất thường thông qua chênh lệch giá và khối lượng vì thân nến ngắn và khối lượng thấp nhưng vì thiếu cung hoặc thiếu cầu làm mất cân bằng cung – cầu dẫn đến giá sẽ tăng khi không có nguồn cung hoặc giá sẽ giảm khi không có nhu cầu.

Kiểm tra lại SOS và SOW

Vì sao cần kiểm tra lại SOS và SOW?

Chúng ta đã biết SOS là điểm hỗ trợ tăng giá, hay SOW là điểm hỗ trợ giảm giá. Trong trường hợp SOS xuất hiện trong xu hướng giảm hay SOW xuất hiện trong xu hướng tăng, nghĩa là những dấu hiệu này đang chống lại xu hướng chính. Vì thế, chúng cần được kiểm tra lại để xác nhận có đủ năng lực chống lại xu hướng hiện tại hay không.

Ngược lại, nếu SOS xuất hiện trong xu hướng tăng, chúng ta sẽ không cần kiểm tra lại SOS vì bản thân chúng sẽ là điểm hỗ trợ cho xu hướng tăng đó. Bất cứ khi nào xuất hiện SOS hoặc tín hiệu không có nguồn cung xuất hiện trong xu hướng tăng, nhà giao dịch có thể đặt lệnh Buy mà không cần kiểm tra lại.

Tương tự, nếu SOW xuất hiện trong xu hướng giảm, chúng ta sẽ không cần kiểm tra lại SOW vì bản thân chúng sẽ là điểm hỗ trợ cho xu hướng giảm đó. Bất cứ khi nào xuất hiện SOW hoặc tín hiệu không có nhu cầu xuất hiện trong xu hướng giảm, nhà giao dịch có thể đặt lệnh Sell mà không cần kiểm tra lại.

Sở dĩ có nguyên tắc này vì chúng ta đều hiểu rằng giao dịch thuận xu hướng bao giờ cũng dễ dàng và an toàn hơn so với giao dịch đảo chiều. Và bản thân các phương pháp giao dịch đều không hoàn toàn chính xác 100% nên sẽ cần có thêm tín hiệu để xác nhận, giống như khi các trader phân tích kỹ thuật sử dụng indicators, họ luôn xác nhận lại tín hiệu bằng indicators hoặc công cụ, phương pháp khác.

Nguyên tắc kiểm tra SOS của phương pháp VSA

Có 2 dạng kiểm tra lại SOS:

  • Mẫu hình SOS với khối lượng thấp hơn kiểm tra lại SOS phía trước.
  • Mẫu hình No Supply Bar kiểm tra lại SOS phía trước.

Ví dụ 1: Mẫu hình SOS với khối lượng thấp hơn kiểm tra lại SOS phía trước

Ví dụ 2: Mẫu hình No Supply Bar kiểm tra lại SOS phía trước

Nguyên tắc kiểm tra SOW của phương pháp VSA

Có 2 dạng kiểm tra lại SOW:

  • Mẫu hình SOW với khối lượng thấp hơn kiểm tra lại SOW phía trước
  • Mẫu hình No Demand Bar kiểm tra lại SOW phía trước

Ví dụ 1: Mẫu hình SOW với khối lượng thấp hơn kiểm tra lại SOW phía trước

Ví dụ 2: Mẫu hình No Demand Bar kiểm tra lại SOW phía trước

Tại sao VSA là phương pháp phân tích tốt hơn so với những phương pháp thông thường khác?

Phương pháp VSA tập trung nghiên cứu về sự cân bằng giữa cung – cầu dựa trên mối tương quan giữa chênh lệch giá và khối lượng giao dịch, xác định được lý do căn bản đằng sau từng chuyển động của thị trường.

Hơn 90% các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thao túng bởi dòng tiền thông minh hay Composite Man, phương pháp VSA theo dõi từng hành vi của Composite Man hay sự di chuyển của dòng tiền thông minh, từ đó giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể giao dịch một cách hài hòa với họ thay vì mắc bẫy từ họ.

Các trader phân tích kỹ thuật truyền thống sẽ sử dụng các indicators, các mẫu hình nến, mẫu hình giá… để phân tích. Điều này vô hình chung khiến các Composite Man dễ dàng theo dõi được hành vi của họ bởi lẽ họ sẽ sử dụng chúng một cách gần như giống nhau. Composite Man sẽ theo dõi được mức dừng lỗ của số đông và quét chúng một cách dễ dàng.

Mặc khác, với các trader phân tích cơ bản, họ nghiêng về việc phân tích các yếu tố tác động đến giá một cách lý thuyết, hơn nữa, phạm vi của phân tích cơ bản là quá rộng, dễ mắc lỗi chủ quan trong phân tích.

Các trader chuyên sử dụng hành động giá Price action cũng rất chủ quan, họ vẽ đường xu hướng, hỗ trợ, kháng cự, các mẫu hình giá… theo những cách khác nhau và thường là theo ý muốn cá nhân chứ không thực sự vẽ theo những gì mà thị trường muốn nói. Tính chủ quan này cũng khiến cho phương pháp Price action trở nên không hoàn hảo.

Còn với những trader kết hợp cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật thì sao? Có thể nói là khá phức tạp.

Một giao dịch được xem là hiệu quả khi các trader có thể đưa ra quyết định hợp lý để cân bằng giữa tỷ lệ phần thưởng – rủi ro (Risk:Reward) với xác suất thành công cao và đi kèm là sự đơn giản. Phân tích cơ bản trả lời cho câu hỏi “Tại sao tham gia vào thị trường?”, phân tích kỹ thuật giúp trader xác định “Khi nào tham gia thị trường?”, trong khi phương pháp VSA có thể giải quyết cùng lúc 2 vấn đề trên mà vẫn loại bỏ được yếu tố chủ quan và khả năng bị thao túng giá bởi các Composite Man vì giá có thể bị thao túng nhưng khối lượng thì không.

Phân tích khối lượng – chênh lệch giá là cách thức hiệu quả nhất để hiểu rõ tâm lý thị trường mà khi đã hiểu rõ được thị trường thì phần thắng dường như đã nằm trong tay.

VSA còn tốt hơn những phương pháp khác ở chỗ nó có thể được áp dụng trong bất kỳ thị trường nào, miễn tồn tại mối quan hệ cung – cầu.

Tóm lại, có 3 nguyên nhân mà VSA được cho là phương pháp tốt nhất trong số các phương pháp phân tích trên, bao gồm:

  • Loại bỏ được tính chủ quan
  • Không dễ bị thao túng vì VSA giúp theo dõi được sự di chuyển của dòng tiền thao túng giá.
  • Chỉ ra được nguyên nhân căn bản đằng sau mỗi biến động của thị trường.

Kết luận

Thật ra, phương pháp VSA còn rất nhiều những nội dung, kiến thức nâng cao hơn, nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi muốn các bạn tiếp cận với phương pháp này một cách dễ nhất nên ưu tiên trình bày những kiến thức, ứng dụng cơ bản nhất của VSA.

Với những ưu điểm vượt trội hơn so với các phương pháp phân tích khác mà VSA hiện tại đang trở thành bí quyết thành công của rất nhiều trader chuyên nghiệp. Tất nhiên, các bạn hoàn toàn có thể trở thành một trong số đó, nhưng để làm được điều này, các bạn phải chấp nhận đi ngược lại với số đông, làm theo cách thức mà số đông không dám hoặc không có khả năng để làm. Hãy bắt đầu bằng việc làm quen với các mẫu hình SOS, SOW cơ bản của phương pháp VSA mà quocdunginvest.com đã giới thiệu trong bài viết, hãy luyện tập quan sát và tìm ra chúng trên biểu đồ, đó sẽ là bước khởi đầu vững chắc để các bạn có thể vận dụng được phương pháp VSA một cách hiệu quả nhất sau này.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: VSA là gì? Cách áp dụng Volume Spread Analysis trong Forex
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan