Ở thời điểm hiện tại, forex được xem là thị trường “đắt giá” nhất, không chỉ đối với những nhà đầu tư tổ chức mà cả những nhà đầu tư cá nhân, cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Trên thực tế thì forex đã xuất hiện từ hơn một thập kỷ về trước nhưng khoảng vài năm trở lại đây mới thật sự bùng nổ.
Tại Việt Nam, forex nổi lên tràn lan trên khắp các trang mạng xã hội, các diễn đàn tài chính, dưới sự quảng cáo rầm rộ của những công ty môi giới, tổ chức ủy thác đầu tư, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Việt, từ đó nghiễm nhiên trở thành kênh đầu tư “hot” hơn bao giờ hết.
Vậy, Forex là gì? Thị trường này hoạt động như thế nào? Và làm sao để một nhà đầu tư cá nhân có thể kiếm tiền nhờ forex? Nếu bạn quan tâm đến kênh đầu tư này hoặc đang bắt đầu tìm hiểu về forex thì đừng bỏ qua chuỗi bài viết nằm trong Lớp học forex miễn phí tại quocdunginvest.com nhé.
Để bắt đầu, các bạn cần hiểu thị trường forex là gì? Thị trường này lớn như thế nào và cách thức hoạt động của nó ra sao? Cùng bắt đầu thôi.
Thị trường forex là gì?
Mỗi quốc gia đều có một đồng tiền riêng, gọi là nội tệ và bất cứ đồng tiền nào của những quốc gia khác thì được gọi là ngoại tệ. Khi một hoạt động mua bán quốc tế diễn ra sẽ có ít nhất một bên sử dụng ngoại tệ để thanh toán hoặc các phương tiện thanh toán khác có giá trị như ngoại tệ (giấy tờ định giá bằng ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế…). Để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, bắt buộc họ phải đổi một loại tiền tệ này sang một loại tiền tệ khác, hoạt động chuyển đổi tiền tệ đó được gọi là trao đổi ngoại tệ và giao dịch trao đổi ngoại tệ này được thực hiện trên thị trường ngoại hối.
Vậy thì, trao đổi ngoại tệ hay ngoại hối chính là Forex (Foreign Exchange), còn được ký hiệu là FX hoặc Spot FX.
Thị trường forex hay thị trường ngoại hối chính là thị trường tiền tệ quốc tế – nơi diễn ra sự trao đổi ngoại tệ của các cá nhân, tổ chức trên toàn cầu. Mặc dù trong khái niệm, forex ám chỉ việc trao đổi tiền tệ nhưng trên thực tế, trao đổi ở đây là mua và bán.
Ví dụ: công ty A tại Việt Nam mua một lô hàng của công ty B tại Mỹ. Để thanh toán cho B, A sẽ dùng Việt Nam Đồng đổi lấy đô la Mỹ. Giao dịch này được hiểu là A đang bán đi VND và đồng thời mua vào USD ở cùng một thời điểm. Đó chính là giao dịch ngoại hối.
Cấu trúc của thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối bao gồm 3 bộ phận: thị trường liên ngân hàng, thị trường giao dịch phi tập trung và sở giao dịch ngoại hối.
Thị trường liên ngân hàng
Thị trường liên ngân hàng (interbank) được xem là trung tâm của thị trường ngoại hối, bởi lẽ hoạt động giao dịch ngoại hối giữa các ngân hàng với nhau chiếm hơn 85% tổng số giao dịch ngoại hối toàn cầu.
Họ mua bán ngoại tệ với các ngân hàng khác trên thế giới thông qua mạng lưới điện tử toàn cầu, nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ cho khách hàng của mình (tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu chuyển đổi tiền tệ).
Ở thị trường này, các ngân hàng hoạt động như một đại lý chuyển đổi tiền tệ cho khách hàng, bên cạnh đó, các ngân hàng còn cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược và quản trị rủi ro cho những khách hàng có nhu cầu.
Thị trường giao dịch phi tập trung OTC
Chính là nơi mà những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ như chúng ta được phép kiếm tiền từ giao dịch ngoại hối.
Các bên tham gia mua bán được giao dịch thẳng với nhau thông qua mạng lưới internet toàn cầu mà không cần phải qua một sàn giao dịch tập trung nào cả. Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch ngoại hối OTC có thể được thực hiện ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào.
Thị trường forex OTC cho phép những người kinh doanh ngoại hối tìm kiếm các mức giá tốt nhất từ các tổ chức báo giá (nhà cung cấp thanh khoản), đồng thời cho phép thực hiện các giao dịch linh hoạt theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Sở giao dịch ngoại hối
Chiếm tỷ trọng thấp nhất trong tổng số giao dịch ngoại hối, nên đôi khi người ta bỏ qua phần cấu trúc này của thị trường forex.
Sở giao dịch ngoại hối cho phép nhà đầu tư mua bán các loại hợp đồng ngoại hối, bao gồm hợp đồng ngoại hối tương lai (currency futures contract) và hợp đồng quyền chọn ngoại hối (currency options contract) thông qua các công ty môi giới chứng khoán. Tương tự như việc đầu tư vào các sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Các chủ thể tham gia trên thị trường ngoại hối
Những ai được phép mua bán ngoại tệ trên thị trường này?
Ngân hàng trung ương
NHTW có nhiệm vụ điều phối toàn bộ hoạt động của nền kinh tế quốc gia thông qua chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ của mình.
Ở thị trường forex, NHTW tham gia mua bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá, nhằm đưa đồng nội tệ về mức giá phù hợp với tình trạng hiện tại của nền kinh tế.
Các NHTW trên thế giới có tầm ảnh hưởng lớn đến giao dịch ngoại hối như: FED (Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ), ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu), BoE (Ngân hàng Anh), BoJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản), BoC (Ngân hàng Canada), RBA (Ngân hàng Úc), RBNZ (Ngân hàng New Zealand).
Ngân hàng thương mại
Hoạt động mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tạo nên thị trường forex liên ngân hàng. Các NHTM này tham gia vào thị trường forex với 2 mục đích khác nhau: kinh doanh ngoại hối để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi tiền tệ cho khách hàng và kinh doanh ngoại hối kiếm lợi nhuận dựa trên sự chênh lệch tỷ giá.
Các NHTM giao dịch ngoại hối với khối lượng cực kỳ lớn, là thành phần chủ yếu tạo nên tính thanh khoản cho thị trường forex.
Trong thị trường ngoại hối, các ngân hàng quốc tế lớn sẽ giao dịch với nhau thông qua 2 nền tảng chính, đó là EBS và Reuters’ dealing 3000.
Công ty môi giới – Sàn forex
Là chủ thể trung gian, cung cấp môi trường giao dịch ngoại hối quốc tế giữa các tổ chức, cá nhân với nhau, hay nói cách khác, công ty môi giới giúp cho cung và cầu ngoại hối được gặp nhau, giúp cho việc thực hiện lệnh được diễn ra nhanh chóng, chính xác.
Nhờ sự tham gia của các công ty môi giới trên thị trường mà những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ như chúng ta mới có cơ hội được giao dịch forex, được kiếm tiền từ thị trường này.
Vai trò của công ty môi giới ngoại hối đối với nhà đầu tư cá nhân vô cùng quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sự thành – bại của họ trên thị trường. Chính vì vậy, quocdunginvest.com đã có một bài viết riêng về những công ty môi giới này, về đặc điểm và cách thức hoạt động của chúng. Các bạn có thể tham khảo qua bài viết sau:
Forex broker là gì? Vai trò của sàn forex trên thị trường ngoại hối
Quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ
Các định chế tài chính này tham gia giao dịch forex với mục đích chủ yếu là kiếm lợi nhuận từ đầu cơ chênh lệch tỷ giá, phần còn lại là phục vụ cho các nghiệp vụ chứng khoán quốc tế.
Khối lượng giao dịch forex của những tổ chức này cũng khá cao, chỉ đứng sau các NHTM lớn nên cũng tham gia vào việc cung cấp tính thanh khoản cho thị trường.
Nhà đầu tư cá nhân
Là chủ thể cuối cùng tham gia vào thị trường forex với mục đích chính là kiếm lợi nhuận dựa trên sự biến động giá cả các loại tiền tệ.
Trên thực tế thì nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ được tham gia vào thị trường forex trong khoảng 10 năm trở lại đây, còn trước đó, thị trường béo bở này chủ yếu chỉ dành cho các NHTM và các định chế tài chính lớn. Bằng không, bạn cần có ít nhất khoảng 10,000$ để được phép mua, bán ngoại tệ tại các NHTM.
Giờ đây, dưới sự phát triển của công nghệ và sự có mặt của hàng trăm công ty môi giới forex trên toàn thế giới, những nhà đầu tư cá nhân như chúng ta có thể giao dịch forex bất cứ khi nào, tại bất cứ đâu, chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet cùng với một số vốn ban đầu cực kỳ thấp.
Hàng hóa trên thị trường forex
Nếu như hàng hóa trên thị trường bất động sản là nhà cửa, đất đai, hay trên thị trường nông sản là cà phê, gạo, lúa mì… thì hàng hóa trên thị trường forex chính là TIỀN.
Nói cụ thể hơn thì công cụ giao dịch trên thị trường forex chính là tỷ giá.
Tỷ giá là tỷ lệ trao đổi giữa 2 loại tiền tệ khác nhau, ví dụ tỷ giá giữa VND và USD bằng 22.500, thì tỷ giá này có nghĩa là 1 USD sẽ có giá 22.500 VND hay để mua một đô la Mỹ, bạn cần bỏ ra 22.500 đồng Việt Nam.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về các cặp tỷ giá trên thị trường forex, các bạn có thể tham khảo bài viết sau:
Hàng hóa của thị trường forex. Các cặp tiền phổ biến trong giao dịch forex.
Đối với thị trường forex OTC, ngoài tiền tệ, nhà đầu tư còn được giao dịch các loại tài sản khác như kim loại (vàng, bạc, bạch kim…), năng lượng (dầu thô, khí gas…), trái phiếu, cổ phiếu, hàng nông sản (lúa mì, đường, cà phê, cacao, bông…), quỹ ETF, tiền điện tử…
Cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối
Nói một cách dễ hiểu hơn thì chúng ta sẽ kiếm được tiền như thế nào trên thị trường này?
Hàng hóa chủ yếu của thị trường ngoại hối chính là TIỀN. Giao dịch ngoại hối là dùng một loại tiền tệ này để đổi sang một loại tiền tệ khác. Vậy thì, việc mua bán ngoại tệ như thế tạo ra lợi nhuận như thế nào?
Các bạn hãy hình dung một chút về thị trường chứng khoán, việc mua cổ phiếu của một công ty chính là các bạn đang đầu tư vào sự phát triển của công ty đó. Khi công ty làm ăn có lợi nhuận, giá cổ phiếu sẽ tăng lên, đồng nghĩa với khoản đầu tư vào cổ phiếu đó đang có lời.
Ở thị trường forex cũng vậy, bạn mua vào tiền tệ của một quốc gia tức là bạn đang kỳ vọng vào sức khỏe cũng như tốc độ phát triển nền kinh tế của quốc gia đó. Và khi tiền tệ của quốc gia đó thực sự tăng giá như kỳ vọng, bạn sẽ bán ra và thu về lợi nhuận.
Vậy, điều gì khiến cho tiền tệ của một quốc gia tăng hoặc giảm giá? Hay nói cách khác, nguyên nhân gây ra sự biến động tỷ giá trên thị trường ngoại hối là gì?
Biến động giá của tiền tệ hay bất kỳ một loại hàng hóa nào cũng đều phụ thuộc vào mối quan hệ cung – cầu.
Ví dụ: dịch bệnh khiến cho nhu cầu dự trữ gạo tăng lên do người dân hạn chế ra đường, nhu cầu đối với gạo tăng 🡪 nhiều người mua gạo với số lượng lớn, trong khi nguồn cung gạo trong nước không đổi 🡪 giá gạo tăng.
Tương tự, khi nhu cầu về một loại tiền tệ nào đó tăng lên, nghĩa là người dân muốn nắm giữ loại tiền tệ đó thay vì một loại tiền tệ khác, điều này làm cho giá tiền tệ đó tăng lên hay tỷ giá của tiền tệ đó đối với loại tiền tệ khác tăng lên.
Khi nhà đầu tư kỳ vọng một cặp tỷ giá sẽ tăng lên trong tương lai, họ sẽ quyết định mua vào, ngược lại, họ sẽ bán ra.
Quy mô và tính thanh khoản của thị trường forex
Quy mô của thị trường forex
Forex là thị trường tài chính có quy mô lớn nhất hiện nay. Theo thống kê 3 năm 1 lần của BIS (Ngân hàng thanh toán quốc tế) thì khối lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối đạt 6,6 nghìn tỷ USD mỗi ngày, tính đến tháng 4/2019, tăng gần 23% so với năm 2016 (5,1 nghìn tỷ USD) và gấp 33 lần so với khối lượng giao dịch của sàn chứng khoán Nasdaq. Các bạn có thể hình dung về quy mô của thị trường này như thế nào rồi chứ.
Tổng giá trị của toàn bộ thị trường ngoại hối toàn cầu là khoảng 2,4 triệu tỷ USD, gấp gần 17 lần tổng GDP toàn cầu, năm 2016 là khoảng 1,9 triệu tỷ USD.
Trong đó, đến 40% thị phần của thị trường này thuộc về 5 tổ chức tài chính lớn, bao gồm: JPMorgan (9,81%), Deutsche Bank (8,41%), Citi (7,87%), XTX Markets (7,22%) và UBS (6,63%).
Trong số tất cả các quốc gia thì thị trường ngoại hối tại Vương Quốc Anh đạt doanh thu cao nhất, gần 3,6 nghìn tỷ USD mỗi ngày, tiếp đến là Hoa Kỳ với gần 1,4 nghìn tỷ USD và xếp thứ 3 là Singapore với gần 640 tỷ USD.
Tính thanh khoản của thị trường forex
Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của các công cụ tài chính. Trong thị trường forex, tính thanh khoản đề cập đến khả năng mua hoặc bán một cặp tiền tệ mà không gây ra tác động lớn đến tỷ giá của chúng. Một cặp tiền tệ được cho là có tính thanh khoản cao nếu chúng có khối lượng giao dịch cực kỳ lớn, khi đó, các hoạt động mua, bán diễn ra trên cặp tiền đó sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.
Và thị trường ngoại hối là thị trường tài chính có tính thanh khoản tốt nhất.
Ai tạo ra tính thanh khoản cho thị trường ngoại hối?
Chính bản thân các công ty môi giới là những tổ chức tạo ra tính thanh khoản cho thị trường forex. Bên cạnh đó, các chủ thể khác như NHTW, NHTM, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ, nhà đầu tư có giá trị ròng cao, họ tham gia mua, bán với khối lượng lớn, do đó làm tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Mặc dù thị trường forex có tính thanh khoản tốt nhất nhưng không phải cặp tiền tệ nào cũng có tính thanh khoản cao. Tính thanh khoản của các cặp tiền tệ giảm dần từ các cặp tiền chính, đến các cặp tiền chéo và cuối cùng là các cặp ngoại lai. (Tham khảo các khái niệm này thông qua bài viết: Hàng hóa trên thị trường forex. Các cặp tiền phổ biến trong giao dịch forex).
Chính vì thế, trong giao dịch ngoại hối, nhà đầu tư thường quan tâm đến những cặp tiền có tính thanh khoản cao như USD/JPY, AUD/USD, GBP/USD, EUR/USD, USD/CAD, USD/CHF, NZD/USD, EUR/GBP.
So sánh thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán
Bên cạnh forex thì chứng khoán cũng là một kênh đầu tư vô cùng hấp dẫn. 2 thị trường này đều có những ưu, nhược điểm riêng và tất nhiên mức độ phù hợp của chúng đối với nhà đầu tư còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sở thích, vốn và mức độ chấp nhận rủi ro.
Có một số điểm khác biệt giữa 2 thị trường mà một nhà đầu tư cần nắm rõ:
Thứ nhất là tính thanh khoản
Bạn biết tính thanh khoản quan trọng như thế nào đối với một giao dịch tài chính rồi đúng không? Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán thấp hơn rất nhiều so với thị trường forex nên tất nhiên là tính thanh khoản của chứng khoán cũng sẽ không tốt như forex.
Nếu bạn đã từng đầu tư cổ phiếu thì sẽ biết rất rõ vấn đề này, muốn một lệnh mua hoặc bán được khớp ngay lập tức, đòi hỏi nhà đầu tư phải xem xét khối lượng mua, bán cùng với mức giá được niêm yết hiện tại, đôi khi muốn bán một lượng cổ phiếu rất nhỏ nhưng lệnh vẫn mãi không được khớp vì khối lượng mua tương ứng lại quá thấp. Trong khi các cặp tiền tệ chính luôn được mua bán với khối lượng cực kỳ cao, các bạn hoàn toàn có thể khớp lệnh với mọi mức khối lượng (tất nhiên là trong giới hạn cho phép của công ty môi giới, nhưng với những nhà đầu tư cá nhân thì không phải lo vì các bạn sẽ chẳng khi nào sử dụng tối đa đến giới hạn đó).
Thứ hai là chi phí giao dịch
Đa phần các công ty môi giới ngoại hối sẽ tính chi phí giao dịch dựa trên mỗi lần đặt lệnh hoặc chia sẻ lại một phần hoa hồng tính trên chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Loại chi phí forex này chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với giá trị giao dịch của nhà đầu tư. Trong khi đó, các công ty chứng khoán sẽ thu phí của nhà đầu tư cho mỗi lần đặt lệnh với mức phí cao hơn rất nhiều.
Thứ ba là thời gian giao dịch
Thị trường forex là thị trường tiền tệ quốc tế nên thời gian hoạt động của nó là 24/24, do sự chênh lệch múi giờ giữa các khu vực tài chính trên thế giới, chẳng hạn như thị trường châu Á sắp kết thúc thì thị trường châu Âu bắt đầu hoạt động. Do đó, các bạn có thể giao dịch forex bất cứ thời gian nào trong ngày. Ngược lại, thị trường chứng khoán tại mỗi quốc gia có thời gian hoạt động nhất định và các bạn chỉ được mua bán trong khoảng thời gian quy định đó.
Thứ tư là bán khống
Thị trường forex cho phép nhà đầu tư bán khống (bán trước mua sau), nghĩa là các bạn có cơ hội kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường đi lên hoặc đi xuống.
Còn đối với thị trường chứng khoán, hoạt động bán khống không được cho phép hoặc có rất nhiều hạn chế.
Thứ năm là khả năng thao túng thị trường
Thị trường chứng khoán hoàn toàn có thể bị thao túng giá bởi các tổ chức lớn như các quỹ đầu tư, NHTM hay các định chế tài chính lớn khác. Hoạt động mua bán cổ phiếu với số lượng lớn của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trên thị trường này.
Chẳng hạn như, có 10 nghìn cổ phiếu ABC đang lưu hành trên thị trường, trong đó quỹ đầu tư A đang nắm giữ 3 nghìn cổ phiếu. Có tin đồn cho rằng, quỹ A sẽ bán ra hết tất cả số cổ phiếu ABC đang nắm giữ, điều này gây tâm lý hoang mang cho những nhà đầu tư khác cũng đang nắm giữ cổ phiếu ABC, họ nghi ngờ rằng phải có thông tin gì đó bất lợi khiến cho quỹ A bán tống bán tháo như thế nên họ cũng đồng loạt rao bán cổ phiếu ABC, dẫn đến giá cổ phiếu này bị rớt thê thảm.
Ngược lại, trên thị trường forex, sẽ không có một tổ chức nào làm được điều này, bởi lẽ khối lượng giao dịch của thị trường forex là vô cùng lớn. Một ngân hàng quốc tế có lớn cỡ nào cũng như hạt muối bỏ bể trên thị trường này mà thôi.
Hy vọng rằng, với những thông tin mà quocdunginvest.com đã chia sẻ trong bài viết này, các bạn đã có thể bước đầu hình dung rõ hơn về thị trường ngoại hối là như thế nào. Nắm vững kiến thức nền tảng, các bạn sẽ dễ dàng tiếp thu những kiến thức sâu hơn.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.