Trang chủBật mí 7 điều về vùng hỗ trợ, kháng cự chưa từng được tiết lộ

Bật mí 7 điều về vùng hỗ trợ, kháng cự chưa từng được tiết lộ

Quốc Dũng

Vùng kháng cự và hỗ trợ được xem là “xương sống” của phân tích kỹ thuật, giúp các nhà giao dịch theo Price Action có thể xác định được vị trí và thời điểm vào lệnh thích hợp. Quan trọng nhất là có thể hiểu sâu hơn về diễn biến tâm lý thị trường trong quá khứ, để phân tích và phán đoán xu hướng thị trường trong tương lai. Vậy vùng hỗ trợ, kháng cự là gì? Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ về hỗ trợ, kháng cự, đồng thời chia sẻ đến bạn đọc 7 điều về vùng hỗ trợ, kháng cự chưa từng được tiết lộ. Cùng theo dõi nhé!

Vùng hỗ trợ, kháng cự là gì?

Hỗ trợ, kháng cự là những vùng giá trong quá khứ mà khi giá chạm vào sẽ có khả năng đảo chiều hoặc tích lũy trước khi tiếp tục xu hướng. Bên cạnh đó, hành động giá này có thể lặp đi lặp lại trong tương lai. Trong đó:

  • Khi giá đi lên và điều chỉnh giảm, vùng giá cao nhất được tạo thành trước khi điều chỉnh là vùng kháng cự.
  • Khi giá đi xuống và điều chỉnh tăng, vùng giá thấp nhất được tạo thành trước khi điều chỉnh là vùng hỗ trợ.

7 điều về vùng hỗ trợ, kháng cự chưa từng được tiết lộ

Vùng hỗ trợ, kháng cự trong Swing – Giao dịch trung hạn

Swing Trade (giao dịch trung hạn) là loại giao dịch cần có sự kết hợp của phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, để nắm bắt các xu hướng biến động giá cả trên thị trường. Chính vì thế, vùng hỗ trợ và kháng cự trong swing là yếu tố rất quan trọng, được hầu hết các trader vận dụng. 

Để xác định được ngưỡng hỗ trợ, kháng cự một cách dễ dàng, trader nên đưa về các khung thời gian lớn (theo tuần hoặc theo tháng), như vậy bạn sẽ nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của thị trường.

Để xác định được ngưỡng kháng cự/hỗ trợ, hãy vẽ các đường thẳng nối các đỉnh/các đáy như sau: 

  • Ngưỡng kháng cự: nối các đỉnh bằng nhau (phần cao nhất của bóng nến và giá đóng cửa/giá mở cửa).
  • Ngưỡng hỗ trợ: nối các đáy bằng nhau (phần thấp nhất của bóng nến và giá đóng cửa/giá mở cửa).

*Lưu ý: Các mức hỗ trợ kháng cự không nhất thiết phải chính xác một cách tuyệt đối, mà nó có thể là các vùng xung quanh đường thẳng nối các đỉnh, các đáy.  

Ví dụ: Thu nhỏ biểu đồ cặp AUDUSD đến khung thời gian Weekly (tuần). Tại đây, chúng ta có thể xác định các mức hỗ trợ và kháng cự chính, xu hướng và phạm vi giao dịch,… 

Sau đó, bạn chuyển sang khung thời gian ngắn hơn (ngày, giờ) để tìm kiếm tín hiệu giao dịch, từ đó xác định điểm vào lệnh, đặt stop loss và take profit chính xác hơn. Một điểm quan trọng cần nhớ đó là khi chuyển sang khung thời gian nhỏ hơn, hãy giữ mức hỗ trợ kháng cự đã được đánh dấu ở khung thời gian lớn, vì đó là mức kháng cự hỗ trợ quan trọng và rất khó phá vỡ.

Cũng với cặp AUDUSD, sau khi chuyển sang khung thời gian D1, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một mô hình nến nhấn chìm giảm (Bearish Engulfing), báo hiệu về một sự đảo chiều xu hướng tăng ngắn hạn trước đó. Khi đó, trader tiến hành thiết lập các giao dịch như sau:

  • Điểm vào lệnh: canh Sell tại mức giá đóng cửa của cây nến đỏ trong mô hình nến nhấn chìm.
  • Điểm cắt lỗ (Stop loss): phía trên cây nến nhấn chìm giảm hoặc để an toàn hơn bạn có thể đặt trên mức kháng cự một vài pips.
  • Điểm chốt lời (Take profit): đặt mức lợi nhuận theo tỷ lệ R:R là 1:2, 1:3,… hoặc tùy theo mục tiêu lợi nhuận của từng trader.

Hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ

Đây là hiện tượng hỗ trợ cũ trở thành kháng cự mới và kháng cự cũ trở thành hỗ trợ mới, tạo ra các mức cao hoặc thấp hơn trong một xu hướng tăng hoặc giảm. Theo đó, nhà đầu tư nên đánh dấu sự thay đổi đó của thị trường khi chúng hình thành nên mức kháng cự, hỗ trợ mới để xem xét và giao dịch theo mức thoái lui trở lại các mức đó, hay còn gọi là giao dịch kéo lùi (pull backs). Tại đây, bạn có thể giao dịch theo 2 cách sau: 

  • Vào lệnh mua hoặc bán khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ hoặc kháng cự một cách rõ ràng bằng việc giá cắt qua vùng này rất mạnh. Tuy nhiên, đây là cách khá mạo hiểm nên rất ít trader áp dụng. 
  • Chờ và vào lệnh khi giá pull back (thoái lui) quay trở lại các điểm tiềm năng tại các vùng hỗ trợ/kháng cự trước đó. 

Ví dụ: 

Trong biểu đồ trên, thể hiện biến động cặp tiền USDJPY trên khung thời gian D1, thị trường đang diễn ra một xu hướng giảm rõ ràng, tạo ra các đáy sau thấp hơn đáy trước hay các vùng hỗ trợ liên tiếp nhau. Tuy nhiên, khi giá đã phá vỡ vượt qua các mức hỗ trợ trước đó, các vùng chuyển vai trò thành các mức kháng cự là các khu vực vào lệnh Sell có xác suất cao nếu giá quay trở lại mức đó. 

Như ví dụ này, nhà đầu tư có thể vào lệnh bằng 2 cách sau:

  • Vào lệnh Sell tại A, ngay khi giá phá vỡ, cắt ngang vùng hỗ trợ mạnh. Nhưng chúng tôi không khuyến khích điều này, vì đây là cách vào lệnh khá mạo hiểm. 
  • Thay vào đó, trader nên đợi giá pull back (thoái lui) quay trở lại các điểm tiềm năng tại các vùng hỗ trợ trước đó và tiến hành đặt lệnh Sell tại B hoặc B’. Cách này sẽ an toàn và mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với cách thứ nhất.  

Hỗ trợ và kháng cự giúp xác định điểm vào lệnh, điểm thoát lệnh

Một trong những ưu điểm của việc giao dịch dựa trên vùng hỗ trợ, kháng cự chính là bạn có thể xác định điểm vào lệnh, điểm thoát lệnh tại các khu vực giá pull back. Hơn nữa, trader có thể vào lệnh Buy hoặc Sell tại các điểm pull back của vùng kháng cự, hỗ trợ để tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi chúng không phải là xu hướng chính của thị trường. Cụ thể như sau:

  • Điểm vào lệnh: Sell tại mức giá đóng cửa của cây nến pull back tại ngưỡng kháng cự, hoặc Buy tại mức giá đóng cửa của cây nến pull back tại ngưỡng hỗ trợ.
  • Điểm cắt lỗ: đặt trên mức kháng cự một vài pips đối với vị thế Sell, hoặc đặt dưới mức hỗ trợ một vài pips đối với vị thế Buy (tùy vào spread từng sàn).

Ví dụ:

Theo biểu đồ giá cặp EURUSD khung thời gian H4, thị trường liên tục pull back tại các vùng giá quan trọng hình thành nên vùng kháng cự, hỗ trợ mạnh. Để tìm kiếm thêm lợi nhuận, trader có thể vào lệnh tại các khu vực giá pull back như sau:

  • Vào lệnh Sell tại điểm A, đặt mức cắt lỗ trên vùng kháng cự một vài pips tại điểm A’, mức chốt lời đặt tùy vào mục tiêu lợi nhuận của mỗi trader hoặc theo tỷ lệ R:R là 1:2.
  • Vào lệnh Buy tại điểm B, đặt mức cắt lỗ dưới vùng hỗ trợ một vài pips tại điểm B’, mức chốt lời đặt tùy vào mục tiêu lợi nhuận của mỗi trader hoặc theo tỷ lệ R:R là 1:2.

Sử dụng đường trung bình động làm các mức hỗ trợ kháng cự động

Để xác định xu hướng, các trader cũng thường sử dụng đường trung bình động làm các mức hỗ trợ và kháng cự động. Trong đó, đường EMA (đường trung bình động hàm mũ) là chỉ báo được trader ưa chuộng nhất, với mức EMA được sử dụng nhiều nhất là EMA 21 và EMA 50 phân tích trên biểu đồ khung thời gian D hoặc W. 

Lưu ý: đối với trường phái giao dịch price action, bản chất của nó là không sử dụng chỉ báo. Nhưng trong một số trường hợp, trader thường kết hợp EMA làm ngưỡng hỗ trợ, kháng cự động để dễ dàng xác định xu hướng và tìm kiếm tín hiệu giao dịch.

Ví dụ đường EMA 50:

Trên đây là biểu đồ giá EURJPY khung thời gian D1 sử dụng đường EMA 50 để xác định xu hướng và tìm điểm vào lệnh. Khi thị trường đang trong xu hướng giảm, nếu giá gần chạm đường EMA, trader có thể đặt lệnh Sell tại các điểm được đánh dấu như hình trên.

Ví dụ đường EMA 21:

Trên đây là biểu đồ giá EURUSD khung thời gian D1 sử dụng đường EMA 21 để xác định xu hướng và tìm điểm vào lệnh. Khi thị trường đang trong xu hướng tăng, nếu giá gần chạm đường EMA, trader có thể đặt lệnh Buy tại các điểm được đánh dấu như hình trên.

Hỗ trợ và kháng cự tại mức 50% Fibonacci thoái lui

Mức thoái lui Fibonacci là các đường nằm ngang được dùng để dự đoán các mức hỗ trợ/kháng cự mà tại đó giá có khả năng đảo chiều. 

Theo đó, Fibonacci thoái lui có rất nhiều mức khác nhau như: 0%, 23.6%, 38.2%, 50%, 61.8%,… Trong các mức này, mức thoái lui 50% được xem là một trong những mức thoái lui quan trọng nhất. Hơn thế nữa, nếu mức này mà trùng với một vùng kháng cự hoặc hỗ trợ trước đó thì khả năng đây là một vùng kháng cự/hỗ trợ mạnh đáng để xem xét và cân nhắc vào lệnh. Ví dụ hỗ trợ và kháng cự tại mức 50% Fibonacci thoái lui

Dựa vào biểu đồ cặp GBP/JPY khung thời gian D1, chúng ta thấy thị trường đang trong một xu hướng tăng, sau đó có 1 nhịp điều chỉnh giảm, nhưng câu hỏi đặt ra là “Giá sẽ điều chỉnh tới đâu thì sẽ quay đầu và tiếp tục xu hướng tăng ban đầu? Fibonacci được dùng để trả lời câu hỏi này.

Nhìn vào biểu đồ, hãy tập trung vào vùng giá 136.035, đây là vùng giá đã tạo kháng cự và bây giờ lại trùng khớp với Fibonacci 50% cho tín hiệu 1 vị thế Buy khá đẹp và an toàn. Quả thật đúng như vậy, sau khi đập vào Fibonacci 50% giá đã tăng lên lại. Tiếp tục theo dõi, ta sẽ thấy lần chạm thứ 2 của giá vào vùng này. Giá đã cố gắng xuyên thủng vùng này nhưng lại không thể đóng cửa phía dưới, cuối cùng giá phá vỡ đi lên.

Mức hỗ trợ và kháng cự nằm trong phạm vi giao dịch

Các mức hỗ trợ và kháng cự nằm trong phạm vi giao dịch sẽ là vùng tiềm năng và tạo ra nhiều cơ hội cho trader khi giao dịch hành động giá. Để tìm ra các vùng này, trước hết bạn cần xác định phạm vi giao dịch, đây là vùng mà giá được thử đi thử lại hay chạm liên tục vào 2 đường hỗ trợ kháng cự song song, khi giá chạm càng nhiều lần, thì đó càng là vùng tiềm năng. Sau đó, bạn tiếp tục tìm kiếm các tín hiệu hành động giá tại các điểm mà giá đã chạm. Bởi vì ngoài các vùng kháng cự hỗ trợ thì các tín hiệu này sẽ giúp khẳng định rõ ràng hơn về hành động giá. Đặc biệt, tại các vùng kháng cự và hỗ trợ nếu có xuất hiện các cây nến đảo chiều như Pin Bar hay Fakey thì đây là điều kiện lý tưởng để bạn xem xét vào lệnh và cắt lỗ với mức gần hơn mà không cần phải chờ tới các mức kháng cự hỗ trợ tiếp theo mới cắt lỗ.

Như vậy, khi giá đi lên và giảm ở các vùng kháng cự trong phạm vi giao dịch, trader thực hiện lệnh SELL. Ngược lại, khi giá điều chỉnh giảm và bật tăng ở các vùng hỗ trợ trong phạm vi giao dịch, trader vào lệnh BUY. Tiếp tục chiến lược này cho đến khi giá phá vỡ và đóng cửa bên ngoài phạm vi giao dịch.

Ví dụ: 

Theo biểu đồ giá cặp XAUUSD khung thời gian D1, giá đã pull back nhiều lần tại 2 vùng hỗ trợ, kháng cự song song. Và khi giá dịch chuyển đạt đến mức hỗ trợ kết hợp với sự hình thành nến Bullish Pin Bar, là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng. Lúc này trader thực hiện vào lệnh như sau:

  • Điểm vào lệnh: trader canh BUY tại mức giá đóng cửa của nến Pin Bar.
  • Điểm cắt lỗ (Stop loss): đặt tại mức giá thấp nhất của nến Pin Bar một vài pips (tùy theo spread từng sàn).
  • Điểm chốt lời (Take profit): đặt tùy theo mục tiêu lợi nhuận của từng trader hoặc theo tỷ lệ R:R là 1:2, 1:3,…

Hỗ trợ và kháng cự được hình thành từ các tin tức

Một trong những loại hỗ trợ, kháng cự tiềm năng nhất, được các nhà giao dịch hành động giá ưa chuộng đó là khu vực có tin tức, sự kiện. Trước tiên, bạn phải hiểu rằng, tin tức hay những sự kiện trên toàn cầu là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hành động giá trên thị trường, bao gồm: FOMC, FED, Nonfarm,… và những sự kiện có liên quan đến kinh tế – chính trị – xã hội,…

Tại thời điểm tin tức, sự kiện được công bố có thể sẽ xảy ra một sự đảo chiều lớn, hoặc tín hiệu hành động giá rõ ràng. 

Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn trực quan hơn về vùng kháng cự, hỗ trợ được hình thành từ các tin tức, sự kiện. 

Ví dụ: Trong biểu đồ cặp XAUUSD, khung thời gian tuần (W), ta có thể thấy một sự kiện đã diễn ra và để lại tín hiệu qua một cây nến Marubozu giảm giá cực mạnh. Nhưng để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư không nên mạo hiểm giao dịch trong khoảng thời gian này. Đợi đến khi giá chạm vào ngưỡng kháng cự một lần nữa thì đây là thời điểm vào lệnh chuẩn xác nhất. Theo đó:

  • Điểm vào lệnh: canh Sell tại mức giá đóng cửa của cây nến chạm vào ngưỡng kháng cự.
  • Điểm cắt lỗ (Stop loss): phía trên ngưỡng kháng cự một vài pip.
  • Điểm chốt lời (Take profit): theo tỷ lệ R:R là 1:2, tùy theo mục tiêu lợi nhuận của từng trader.

Lời kết 

Trên đây là 7 thông tin về vùng kháng cự hỗ trợ cực kỳ quan trọng mà hầu hết mọi nhà đầu tư nào cũng nên nắm rõ khi giao dịch forex. Tuy nhiên, mỗi một trader sẽ có mỗi khả năng và phong cách giao dịch khác nhau, nên sẽ không thể khẳng định dạng nào là tốt nhất cho bạn. Vì thế, để mang lại những đầu tư lợi nhuận cao bạn nên tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm về kháng cự hỗ trợ nói riêng, kiến thức tài chính nói chung. Chúc các bạn thành công! 

Bạn vừa đọc bài viết: Bật mí 7 điều về vùng hỗ trợ, kháng cự chưa từng được tiết lộ
Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan